Minxin Pei – Đảng Cộng sản Trung Quốc có lướt qua được cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay không? Kinh tế xuống dốc đe dọa chế độ độc đảng Bắc Kinh ra sao?
14/04/2009 | 11:53 sáng | Chức năng bình luận bị tắt ở Minxin Pei – Đảng Cộng sản Trung Quốc có lướt qua được cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay không? Kinh tế xuống dốc đe dọa chế độ độc đảng Bắc Kinh ra sao?
Category: Chính trị - Xã hội
Thẻ: ĐCSTQ > Khủng hoảng tài chính toàn cầu > Thêm thẻ mới
Trần Ngọc Cư dịch
Lời người dịch: Bài tiểu luận này nêu rõ sức bật của một chế độ độc tài hơn là đưa ra những hồ hỡi về triển vọng dân chủ tại Trung Quốc — một bài phân tích tình hình mang tính khách quan khoa học. Minxin Pei là cộng sự trưởng (Senior Associate) trong Chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Tổ chức Carnegie Endowment for International Peace.
Mãi đến gần đây, hầu hết các nhà quan sát hàng đầu về tình hình Trung Quốc đều cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có sức bật rất ngoạn mục. Bằng cách học tập kinh nghiệm và thích ứng nhanh, hình như chế độ độc đảng lớn nhất và mạnh nhất thế giới đã có thừa linh lợi và khéo léo để vượt qua những khó khăn có khả năng chôn vùi bọn thống trị độc tài cỡ bé. Trong hai thập niên vừa qua, đảng đã đúc kết một bản liệt kê những thành tựu rất ấn tượng: ở trong nước đảng đã giữ được mức độ tăng trưởng kinh tế phi thường trên 10 phần trăm, trong khi ở ngoài nước đảng đã theo đuổi một chính sách đối ngoại thực tiễn, tránh đối đầu với Hoa Kì và dành được uy tín và ảnh hưởng toàn cầu một cách bài bản.
Tuy nhiên, vì tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Bắc Kinh hiện đang lo lắng. Đảng có nhiều vấn đề trước mắt: lượng hàng xuất khẩu tụt nhanh, hàng chục triệu lưu dân lao động thất nghiệp, hàng triệu sinh viên tốt nghiệp không tìm ra việc làm, quả bóng năng xuất công nghiệp có nguy cơ bị xả xìu, khu vực kinh doanh nhà đất mấy năm trước đây còn nóng hổi nhưng nay cũng đang chúi mũi đi xuống. Đà tăng trưởng chao đảo của nền kinh tế Trung Quốc đang đặt ra một thử nghiệm khắc khe nhất từ trước tới nay đối với sức bật của ĐCSTQ.
Chắc chắn là, kinh tế Trung Quốc không đến nỗi tệ như nhiều nước khác. Khu vực ngân hàng, vốn được nhiều che chắn, hầu như chưa bị tổn thương. Thật vậy, tờ quyết toán ngân sách của chính phủ vẫn đủ sức tài trợ một gói kích thích kinh tế đến 580 tỉ đôla (mặc dù chỉ ¼ số tiền này là khoản dự chi mới đặt ra). Những lượng tiền dự trữ khổng lồ trong ngành ngoại thương thừa sức cung ứng cho Trung Quốc một chính sách bảo hiểm chống lại cơn biến động tài chính toàn cầu, trong khi đó Trung Quốc hoàn toàn tránh được một cuộc suy trầm kinh tế.
Nhưng mức tăng trưởng hằng năm bị suy giảm hiện nay — khoảng 7% so với trên 11% hai năm trước đây — đủ làm cho Trung Quốc lo lắng. Hàng năm, thị trường lao động của Trung Quốc tăng thêm trên 10 triệu công nhân, đa số là thành phần lao động rời bỏ nông thôn để vào thành thị kiếm việc làm. Mỗi điểm bách phân trong độ tăng trưởng GDP tương ứng với khoảng 1 triệu việc làm mỗi năm, điều này có nghĩa là Trung Quốc cần một độ tăng trưởng GDP ít nhất 10% mỗi năm để đủ sức thu hút hết lượng người muốn gia nhập thị trường lao động. Vì không ai biết được đến bao giờ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới kết thúc, nhiều người tự hỏi: nạn trì trệ kinh tế của Trung Quốc sẽ kéo dài bao lâu và hậu quả chính trị của tình trạng đình đốn này sẽ ra sao? Dư luận thông thường cho rằng, tăng trưởng kinh tế thấp sẽ bào mòn tính chính đáng của đảng và gia tăng bất ổn xã hội một khi khối lưu dân lao động thất nghiệp và sinh viên mới ra trường bày tỏ nỗi thất vọng bằng con đường bạo loạn và phản kháng. Dù dự đoán này chưa chắc đã sai, nhưng nó không đầy đủ.
Việc đạt thành tích kinh tế cao trong thời gian qua là lý do duy nhất cực kì quan trọng để ĐCSTQ giữ được tính chính đáng, vì thế một tình trạng đình đốn kinh tế kéo dài có nguy cơ gây bất bình cho một giai cấp trung lưu đang lớn mạnh, một giai cấp được ru vào thái độ thờ ơ chính trị nhờ những năm thịnh vượng tiếp theo sau vụ Thiên An Môn. Và những chính sách kinh tế ưu đãi giới giàu có đã làm cho công nhân và nông dân, những thành phần trước đây vốn là cơ sở xã hội của đảng, trở nên bất mãn. Thậm chí trong những năm kinh tế thịnh vượng vừa qua, mức độ bất ổn trong dân chúng đã là khá cao, với gần 90 ngàn vụ bạo loạn, đình công, biểu tình, và các cuộc phản kháng tập thể được tường trình mỗi năm. Những bất mãn như thế chỉ có thể gia tăng trong thời buổi kinh tế khó khăn. Một dự kiến có vẻ hợp lí là, những thách thức phát sinh từ giai cấp trung lưu thành thị bất mãn, từ sinh viên tốt nghiệp không tìm ra việc làm, và từ lưu dân lao động thất nghiệp sẽ tạo nên một mối đe dọa nghiêm trọng cho quyền lãnh đạo của đảng. Nếu những nhóm này thật sự cấu kết nhau trong một liên minh hùng hậu, thì đảng thống trị lâu dài nhất thế giới này sẽ thật sự lâm nguy. Nhưng điều này sẽ không xảy ra. Một kịch bản cách mạng như thế sẽ bỏ qua hai lực quan trọng có khả năng chận đứng việc thay đổi chính trị tại Trung Quốc và các hệ thống chính trị độc tài tương tự: khả năng đàn áp đối lập của chế độ và sự đoàn kết trong nội bộ của giới lãnh đạo ở chóp bu. Khủng hoảng kinh tế và bất ổn xã hội có thể làm cho ĐCSTQ khó cai trị đất nước hơn, chứ không thể làm lung lay quyền lực của đảng. Nhìn qua các nước như Zimbabwe, Bắc Triều Tiên, Cuba, và Miến Điện, người ta có thể thấy rằng một giới lãnh đạo ở chóp bu tương đối đoàn kết, nắm vững quân đội và công an ở trong tay, vẫn có thể bám víu quyền hành bằng cách sử dụng vũ lực thô bạo, ngay cả khi phải đối diện với những thất bại kinh tế thảm hại nhất. Nhưng trái lại, sự chia rẽ trong nội bộ của giới cầm quyền sẽ làm suy yếu khả năng đàn áp của chế độ và thường báo hiệu ngày tàn của những người thống trị.
ĐCSTQ đã từng chứng tỏ khả năng tài tình trong việc chặn đứng và đè bẹp sự đối kháng xã hội kinh niên cũng như các phong trào bất đồng chính kiến cỡ nhỏ. Chế độ luôn duy trì Công an Võ trang Nhân dân, một lực lượng chống bạo loạn được huấn luyện và trang bị đầy đủ gồm 250 ngàn tay súng. Thêm vào đó, mật vụ Trung Quốc được kể là ngành đắc lực nhất thế giới và được tăng cường bằng một mạng lưới chỉ điểm bủa khắp xã hội. Và mặc dù Internet đã làm cho việc kiểm soát thông tin trở nên khó khăn hơn, nhưng bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc vẫn có thể phản ứng nhanh nhạy và triệt để nhằm chặn đứng sự phát tán các tin tức nguy hiểm. Kể từ vụ đàn áp Thiên An Môn đến nay, chính phủ Trung Quốc đã tôi luyện những khả năng đàn áp đến mức độ rất tinh vi. Việc phải đối phó với hàng chục ngàn cuộc bạo loạn mỗi năm đã làm cho cảnh sát Trung Quốc có kinh nghiệm nhất thế giới trong việc kiểm soát và giải tán đám đông. Các cục an ninh nhà nước Trung Quốc đã áp dụng rất thành công chiến thuật “lấy thủ cấp chính trị” (political decapitation), nghĩa là lập tức bắt giam người cầm đầu các cuộc chống đối, khiến cho các phần tử theo đuôi rơi vào tình trạng thiếu tổ chức, xuống tinh thần, và bất lực. Nếu các điều kiện kinh tế ngày càng tồi tệ dẫn đến một tình thế chính trị có khả năng bùng nổ, đảng sẽ kiên quyết áp dụng những biện pháp trấn áp có hiệu quả chắc nịch này nhằm chặn đứng bất cứ phong trào có tổ chức nào chống lại chế độ.
Nếu bất ổn xã hội không là mối đe dọa thực sự cho việc đảng tiếp tục cai trị, thì cái gì sẽ tạo ra mối đe doạ ấy? Câu trả lời gần đúng nhất có lẽ là sự chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo ở chóp bu. Những nhà bình luận về “sức bật của chế độ độc tài” Trung Quốc thường cho rằng sự đoàn kết trong giới nắm quyền ở chóp bu là một trong những thành tựu có ý nghĩa nhất của ĐCSTQ trong mấy thập niên vừa qua; các thành tựu khác được dẫn chứng là sự nổi bật của giới chuyên gia, sự vắng bóng các cuộc tranh chấp ý thức hệ, việc tạo được những thủ tục thăng thưởng và nghỉ hưu có tiêu chuẩn cho các viên chức cấp cao, cũng như việc thừa kế quyền lãnh đạo tương đối suông sẻ từ Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào.
Nhưng vẫn còn nhiều lí do để chúng ta hoài nghi về một sự hài hoà biểu kiến như vậy. Những dàn xếp nhằm chia chác quyền lực được các phe phái thỏa thuận trong thời kì kinh tế thịnh vượng thường tan biến khi khủng hoảng xảy ra. Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là một liên minh có thế quân bình khá mong manh giữa các nhóm lợi ích gắn liền với định chế, phe phái và vùng lãnh thổ. Sự kiện này làm cho giới lãnh đạo có khả năng chia rẽ. Đối với các quan sát viên phương Tây, Trung Quốc may mắn có được những nhà lãnh đạo mạnh dạn, có khả năng, và cương quyết. Nhưng đối với chính bản thân các lãnh đạo Trung Quốc, tình hình không hẵn đã như vậy. Lí lịch của họ cực kì giống nhau, và thành tích của họ trong vai trò những nhà cầm quyền hành chánh cũng ngang ngữa như nhau. Không một cá nhân riêng lẻ nào vượt trỗi lên trên những người khác về tài lãnh đạo, về viễn kiến, hay thành tích — điều này có nghĩa là không một ai có thể ở trên mọi thách đố, và sân khấu chính trị luôn luôn sẵn sàng cho các lãnh đạo mưu tính giành thế thượng phong. Cho đến nay, chất keo thật sự gắn kết ĐCSTQ thành nguyên khối là một hệ thống đỡ đầu rộng lớn (a vast patronage system), một hệ thống được đảm bảo nhờ một thời kì phát triển kinh tế lâu dài. Chế độ đã sử dụng nhiều nguồn lực tài chánh để quân bình các nhóm lợi ích trong nước, thoả mãn các khối cử tri khác nhau, và mua hậu thuẫn từ các giới tinh anh trong xã hội. Nhưng hệ thống đỡ đầu này là cực kì tốn kém — nội những chi phí hành chánh đã tiêu trên 20% ngân sách chính phủ và trên 40% tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Trung Quốc phát sinh từ các đầu tư tài sản cố định (fixed-asset investments) như nhà máy và kho chứa — một khu vực chủ yếu quốc doanh và đầy đặc quyền đặc lợi. Nói cách khác, giới thống trị phi-ý hệ (nonideological) hiện nay của Trung Quốc gắn bó với đảng bởi vì đảng đã đền bù họ xứng đáng. Nhưng một khi tình hình kinh tế khó khăn chấm dứt những bố thí dễ dãi này, sự hậu thuẫn và lòng trung thành của các giới chóp bu đối với chế độ không còn là lẽ đương nhiên.
Sự bất bình xã hội ngày một gia tăng có thể không đủ mạnh để đẩy đảng ra khỏi quyền lực, nhưng nó có khả năng quyến rủ một số thành viên của giới thống trị khai thác tình hình nhằm tạo lợi thế chính trị cho riêng mình. Những con buôn chính trị khi đó có thể sử dụng những mời gọi có tính mị dân để làm suy yếu đối thủ và vì vậy bắt đầu mở rộng những đường rạn nứt trong nội bộ hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của đảng, một hàng ngũ bên ngoài có vẻ khá đoàn kết.
[Trong giả thuyết này] bất cứ mọi nguồn gốc tạo chia rẽ trong giới lãnh đạo đều có thể dẫn tới hoang mang, hỗn loạn trong bộ máy đàn áp của nhà nước Trung Quốc, làm cho nó trở thành yếu kém hơn trong khả năng chận đứng bất ổn xã hội và vì thế tạo ra một vòng lẩn quẩn gồm những biến cố độc hại, mà hệ quả là một tình trạng bất ổn không ngừng.
Điều này có nghĩa là sự thống trị của ĐCSTQ sẽ cáo chung chăng? Chưa đâu. Chính phủ Trung Quốc đã lèo lái con thuyền quốc gia qua được những giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng tài chính khá thành công. Thâm chí những căng thẳng (nếu có) ở hàng ngũ lãnh đạo cấp cao cũng không thể thay đổi được chế độ. Nhưng nếu những đình đốn kinh tế vẫn tiếp tục diễn ra, việc này sẽ có hậu quả chính trị — và bất cứ một thay đổi nào cũng chỉ có thể bắt đầu từ trên xuống dưới chứ không thể từ dưới lên trên.
Bình luận
Không có phản hồi (bài “Minxin Pei – Đảng Cộng sản Trung Quốc có lướt qua được cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay không? Kinh tế xuống dốc đe dọa chế độ độc đảng Bắc Kinh ra sao?”)