Tham vọng của anh Sáu
26/04/2009 | 4:20 chiều | 6 Comments
Category: Chiến tranh Việt Nam, Chính trị - Xã hội
Thẻ: Marrakech > Nguyễn Ngọc Loan > Oriana Fallaci > Trịnh Cung
Ông nói “Tôi không có tham nhũng, tôi không có ăn cắp…”
Ông gằn giọng “Tôi không có tội gì!”
Tôi hơi chột dạ, đôi mắt ông vằn đỏ, lóa lên một chớp bất bình trên khuôn mặt lờ đờ. Chẳng phải là giận dữ, nó chỉ lăn tăn một chút rồi khuất chìm đi trong cái đục của ánh mắt nhưng cũng đủ để làm tôi hãi.
Trong hồi ký của tướng Lý Tòng Bá sau này, tôi nhớ đoạn lâm li ông ta kể lại khi vào tù gặp phải một thiếu tá Việt cộng chột mắt làm trưởng trại[1]. Giờ, nhân vật mà tôi đang đối diện, nếu chột mắt thì đã đỡ được một nửa khiếp. Ông còn đủ hai mắt và lại lồi cả hai, như là tạo hóa đem ghim vội vào cái sọ đầu méo mó và gọi là ở đâu đó giữa một khuôn mặt dị dạng. Thì ông ngoại hình xấu, và nếu đi xin việc, thì sẽ không được tuyển làm người mẫu thời trang, ca sĩ hot boy hay là lễ tân khách sạn, sẽ không được tuyển vào bất cứ việc gì hết ngoại trừ vai diễn sân khấu của một ông Kẹ. Đây là đặc điểm nổi bật của ông, tức là (gây ra) kinh hãi về ngọai hình. Chẳng hiểu lúc bé thơ trông ông thế nào, mà người ta ai chẳng có thời còn bé, dễ thương muốn mi và muốn véo ra sao nhưng tôi gặp ông là vào lúc ông đã tiếp cận lục tuần, hầu tướng nhúm nhó và bước đi khập khiễng một cách đe dọa trên một chiếc chân giả.
Cả buổi, cho đến lúc này, là ông ngồi nói chuyện với vợ tôi bằng tiếng Pháp, bâng quơ nhưng lịch lãm với một thiếu nữ Ả-rập về một Marrakech mà ông có thời từng ngụ. Thành phố Đỏ với những sắc màu sặc sỡ mà chỉ có hoàng hôn của ông Pierre Loti mới làm dịu lại được mỗi khi chập chọang, cửa ngõ chói chang của sa mạc dưới bóng mềm của rặng Atlas, những căn hộ cổ truyền với hồ nước mát ở sân trong và gạch men lót tường lốm đốm vẩn ánh sáng… Và tuy ông không nói nhưng tôi vẫn đoán ra lấp lánh, những ký ức của một chàng trai hai mươi ngòai, tại một Ma-rốc của ông Matisse, một Ma rốc rung rinh những odalisques ngồi ngả người và trễ nải quần đùi.
Trong thập niên 50, ông tu nghiệp lái máy bay ở đây cùng với các sinh viên sĩ quan đầu tiên của không quân miền Nam. Một anh trán bóng và râu kẽm sau này trở thành thủ tướng. Là người xấu trai trong cặp Phan An mà không có Tống Ngọc này, nên phần ông thì trở thành anh Sáu Lèo, cục trưởng An ninh Quân đội, đặc ủy Trung ương Tình báo và tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia.
Tôi không biết ông trước đây và trong dịp này chỉ gặp ông có vài ba bận ngắn ngủi trong thập niên 80. Nhưng tôi tin tướng Nguyễn Ngọc Loan khi ông nhếch một nửa mép khinh bạc xác định là ông không tham nhũng, ông không ăn cắp. Tôi chắc chắn là cái nhếch mép này khi phát biểu, ông dành cho một ai đó hay một vài người khác mà ông không cần nói ra. Cái ngạo mạn nửa hở nửa kín của ông khiến tôi hiểu “Tôi không có tham nhũng như thằng A, tôi không có ăn cắp như thằng B bọn chúng nó”. Chúng nó là ai thì tôi không biết nhưng tướng Loan là người điều khiển quỹ đen của phe ông Kỳ vào dạo đó. Đây là quỹ họat động chính trị, tức là dấm dúi cho đồng minh trong quân đội và mua chuộc tay sai ở quốc hội và quỹ này thành lập từ tiền buôn lậu ma túy hay tiền đóng hụi chức vụ nọ chức vụ này. Hải quan Tân Sơn Nhất hay thương cảng Sài Gòn là hai điển hình đô trửơng Văn Văn Của (và anh em cột chèo với tướng Loan) từng đề cập đến khéo léo và tế nhị trong hồi ký[2]. Tất nhiên đây là “tội”, tội buôn lậu, tội mua quan bán chức… và trái phép hòan toàn, một người đứng đầu ngành công an phải rõ hơn ai hết. Ý ông Loan muốn nói ở đây và tôi đoán thế, là ông không lợi dụng việc nắm quỹ bí mật này để tư lợi cho riêng ông, bỏ túi một phần mang về cho vợ mà mua thịt nấu canh hay là nhồi đậu phụ. Ông không giành giật và ông không ăn bớt, ông có buôn lậu thuốc phiện cũng chỉ là cho lợi ích chung của phe phái. Nói cách khác, phục vụ cho đại nghĩa quốc gia và tiền đồ dân tộc, vì ai mà yêu nước cho bằng Nguyễn Cao Kỳ?
“Tôi không có tham nhũng, tôi không có ăn cắp…”
“Tôi không có tội gì!”
Nhưng ngưng lại một thoáng, như là, à, chợt nhớ ra, tướng Loan tiếp
“Tôi chỉ có tội giết người!”
Đôi mắt ông không lóa giận nữa mà đỏ lừ đi và từ từ long lanh khiến bà Loan đứng canh chừng ông cách đó vài mét tỏ vẻ ái ngại.
Tướng Loan gầm gừ nhắc lại “Ờ thì tôi chỉ có mỗi tội giết người…”
Tôi đã có thể bật cười nếu tôi không chắc chắn là ông đã bắt đầu khóc, tuy không phải lã chã hay long tong nhỏ lệ nhưng vẫn là khóc. Và ông khóc thật, khóc rõ rệt khiến tôi không hiểu có nên ôm vị hung thần súng ngắn (Smith & Wesson Bodyguard M 49[3]) này vào lòng tôi để an ủi. Vợ ông giờ thì lo ra mặt và vợ tôi thì bối rối, hương hồn đại úy đặc công Nguyễn Văn Lém tự Bảy Lốp trố mắt mà rón rén đi ngang.
Vào tháng 2.1968, trong dịp Tổng công kích Tết Mậu Thân, tướng Loan hành quyết một tù binh trói tay và mặc thường phục dân sự trước ống kính của các phóng viên ngọai quốc. Sự cố này được cả thế giới biết đến, trở thành nổi tiếng ngang với lại bức ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. 15 hay 17 năm sau khi đã được quay phim lên hình này, tôi không rõ là ông Loan khóc vì uất ức, vì ân hận hay vì lý do gì. Tôi chỉ biết là ông khóc, một cách thành thật, còn động cơ tâm lý nào thì tôi nhường cho Oriana Fallaci quí phái. Bà này từng thuật lại lần đến thăm ông tại bệnh viện (sau khi ông bị thương ở chân ngoài mặt trận vào tháng 5.68[4]). Ông kể về thời ông còn sinh viên du lịch ở Florence, tôi không nhớ là có Vệ nữ của Botticelli sánh với Danae của Titian hay không trong câu chuyện nhưng là bàn về nghệ thuật Phục hưng khiến bà nhà báo mũi hếch (sinh tại Florence) này phải ngạc nhiên[5]. “Gia đình tôi có người thành nghệ sĩ, có người thành bác sĩ, còn tôi thì thành tướng cảnh sát!” và đột nhiên ông thương cảm đổ nước mắt ra trước mặt một phụ nữ nước ngoài.
Câu chuyện của bà Fallaci và câu chuyện của tôi về tướng Loan giống hệt nhau khiến ngày nay có lúc tôi tự hỏi là tôi mơ ra đấy, có thật xảy ra như vậy hay là tôi cóp nhặt và đạo lại của bà, nghi ngờ đến độ tôi phải hỏi lại vợ.
Lúc chuyện hành quyết này xảy ra, chưa được xem hình xem phim nhưng nghe đài đưa tin, bố tôi đã buông câu “Đồ man rợ!” Theo lời ông, tướng Loan có lần say rượu và đánh cá thua bài, cởi truồng cầm chai rượu ở trong Dinh Độc Lập đi qua phía tư thất của ông bà Thiệu để chọc vợ chồng nguyên thủ quốc gia chơi[6]. Đây là chuyện dư luận gần gũi trong Dinh đàm tiếu chứ không được phóng viên nước ngoài ghi hình nhưng rất là hợp ton nhân vật mặc quần áo (dã chiến) đã thấy kinh bỏ mẹ này nói gì đến ở truồng. Ông đã có lúc dọa bắn dân biểu đối lập ngay tại hạ vịện thì tù binh địch bị trói tay ông có bắn cũng chẳng gì là điều khó thực hiện. Về phần nạn nhân, nghe đâu anh Bảy này ngay trước đó cũng mới vừa lạnh lùng mà giết cả nhà một trung tá thiết giáp nhưng cũng không có ai ở đó mà bấm máy. Dù sao, đến lúc biết ông Loan bị thương thì bố tôi, ít nhiều tin vào luật nhân quả, lại buông cho hai chữ “Đáng đời!” Phải nói, bố tôi ngành luật, vì méo mó nghề nghiệp từ lúc bé tôi đã thấy ông phản đối tội tử hình và cho dù có án này đi chăng nữa trong bộ hình, thì thi hành bản án cũng phải có xét xử và biện hộ bào chữa chứ không thì luật pháp và thẩm phán luật sư để làm gì[7]?
Tôi thì không phải là tòa án, và chuyện ông Loan rút súng bóp cò làm tù binh xịt máu và văng óc, chúng ta đều đã có ý kiến. Đối với thuộc cấp, ông là một người xuề xòa dễ tính và bình dân. Trong đám bạn phe nhóm không quân, ông không được phong lưu tài tử như Lưu Kim Cương, nối tiếp truyền thống (Phục hưng) là vương tôn bảo bọc nghệ sĩ. Và nếu ông còn sống, tôi không nghĩ là ông sẽ từ trong nước bay vội trở lại sang Cali để có mặt cho bằng được tại tiếp tân của chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Khi đụng trận, với anh em, ông có mặt ở đầu lửa đầu đạn với cái cười lập dị. Một tay chai bia tay cầm súng, nhưng nếu có gặp một bà đầm Pháp nào hỏi chuyện, tôi nghĩ là ông cũng sẽ nói về Paris và những bức tượng Maillol hớ hênh hay là về trường phái Primitifs modernes để mà rồi cũng lại mau nước mắt tần ngần.
Ông là một hung thần trúng mối và gặp thời không thể chối cãi, nhưng một nghệ sĩ hụt đa cảm như đã chứng kiến ít nhất là hai bận, thì con người mà, tức là phức tạp phần hồn.
Tôi không thể không nhớ đến ông cái lần khinh khỉnh mà rút súng, cũng như không thể không nghĩ đến ông cái lần ông thút thít thật thà.
Tôi lại chẳng có gì ấm ức để phải giải bày cho lịch sử như, kiểu một tình bạn nhiều gian truân sau gần nửa thế kỷ http://damau.org/archives/5055. Tôi chỉ xin khẳng định là anh Sáu Lèo “sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này” không có tham vọng chính trị mà lại lén lút mang một tham vọng nghệ thuật, nghệ thuật y khoa hay là nghệ thuật gì khác như ông đã tỏ bày.
Cũng như anh Bảy Lốp vậy, nào chúng ta biết là anh tham vọng những gì?
Có thể là anh từng nuôi hoài bão ôm đàn chứ không phải là hoài bão tấn công trại Phù Đổng, mơ trở thành nhạc sĩ chứ không phải là trở thành liệt sĩ? Viên đạn đi thẳng vào trong đầu anh còn chưa đoán được là…
[1] Tướng Bá là vị chỉ huy mà tôi kính mến, cho nên tôi tiếc không có mặt tại buổi biểu tình chống triển lãm ảnh của Brian Doan tại Cypress College để đến chào ông và sau đó xin phép ông cho tôi được bước sang phía bên bảo vệ tự do bấm máy linh tinh của bạn nhiếp ảnh này.
[2] Có phải vì tranh thương bè phái những phi vụ bất chính này mà cũng năm 68, trực thăng Mỹ được hướng dẫn bắn lầm vào bộ chỉ huy của phe Kỳ đang họp trong Chợ Lớn? Người hướng dẫn phi pháo theo đại tá Của, ở đây rành mạch hơn và không úp mở gì, chính là kẻ sau đó lên chuẩn tướng (và TGĐ Cảnh sát Quốc gia thay thế tướng Loan bị thương), tức đại tá Trần Văn Hai, lúc đó chỉ huy liên đoàn 5 Biệt động quân ở ngay cạnh. Ông Hai có tiếng đứng đắn chứ không phải là tiếng mau mắn với thượng cấp, từng bị Anh Cả Trường Sơn (tướng Vĩnh Lộc) cách chức tỉnh trưởng vì không chu đáo trong bổn phận đón tiếp phu nhân tư lịnh vùng 2. Tướng Hai chỉ huy sư đòan 7 năm 1975 và đã tự sát ngày 30.4 tại căn cứ Đồng Tâm.
3 Có lúc dép nhựa lẹp xẹp và chủ tọa buổi họp thì ngồi ghếch một mông lên bàn nhưng đến phần vũ khí thì ông Loan vẫn như những chàng trai thời loạn khác, tuân thủ luật “quan to thì súng bé, và quan càng to thì mẫu súng càng hiếm”. Trong thời chiến tranh, súng phòng thân ở cấp chỉ huy giống như là ví đầm ở cấp người mẫu hoa hậu. Khẩu súng ông Loan dùng trên ảnh rất ít tại Việt Nam, có phần bọc con chó phía sau để có thể bóp cò ngay trong túi áo mà không vướng vào vải. Đây là chi tiết làm duyên hiếm hoi ở vị tướng có phong cách lếch thếch này. Ông Kỳ chẳng hạn thì có lúc đeo Colt Python si kền và ngay Osama bin Laden, râu thì không cạo đấy, nhưng lên ảnh bao giờ cũng thấy ôm một cây AK 74 R “Krinkov”, nòng ngắn và bá xếp mỹ miều.
[4] Theo tôi nhớ, bị thương ngoài trận khi mang quân hàm tướng tại miền Nam thì chỉ có ông Loan. Ngoài tướng Đỗ Cao Trí và Nguyễn Viết Thanh tử nạn hay tử trận trực thăng, chỉ có tư lịnh sư đoàn 23 chạy ra tàu hải quân sau khi Buôn Ma Thuột mất và xin phó đề đốc Hoàng Cơ Minh cho ông ở lại trên tàu chứ đừng bắt ông trở lại mặt trận vì ông bị đau hay là bị thương gì ở chân!
[5] Trong Nothing and so be it. Không trách được bà, thử tưởng tượng ta gặp một công an giao thông vừa mới huýt còi vòi tiền ở ngọai ô Bangui, Cộng hòa Trung Phi. Cầm bằng lái xe quốc tế của bạn (cấp tại Hà Nội) tay này nói, “À Phố Phái, tôi có xem được mấy cái ở càfé Lâm tóet, sau này người ta vẽ gỉa cũng nhiều!” Ngược lại, khi điểm tâm với ông Thiệu, Fallaci phê bình ông này vào bữa sáng mà lại mời khách ăn canh cá (?) tức là thiếu gu thanh lịch, chưa nói đến làm sao mà phân biệt được giữa Boccacio và Machiavelli!
[6] Cho đến tháng 4-75, vẫn tay cầm chai bia và một chân khập khiễng, anh Sáu Lèo còn lên kế hoạch đảo chánh anh Tám Thẹo. Lô gích của thế hệ các ông này là bất kể vấn nạn gì, từ quân sự chính trị đến văn hóa xã hội hay giáo dục kỹ thuật… cũng có thể, và phải giải quyết bằng phương pháp 1/ ném bom dinh Độc Lập và 2/ chiếm đài phát thanh.
[7] Chế độ miền Nam có luật có lệ hẳn hòi mặc dù không có ký kết Công ước Geneva về tù binh như Hoa Kỳ hay là miền Bắc. Chí ít là ông Loan phạm điều 5 (hay điều 7 tôi không còn nhớ) trong “10 điều tâm niệm” mà ngay hàng binh sĩ còn phả học lải nhải, là đối xử nhân đạo với tù hàng binh địch. Theo hồi ký của trung tá cảnh sát Lê Xuân Nhuận, một đại úy trong trường hợp của tướng Loan đã bị truy tố và lãnh án còn ông Loan thì không việc gì.
Bình luận
6 Comments (bài “Tham vọng của anh Sáu”)
[…] việc, về phần tôi, bắt đầu bằng một bài viết về gặp gỡ tướng Loan, là một bài viết cảm tính và ấn tượng kiểu lãng đãng. Dĩ nhiên, những […]
[…] tính cách vội vã theo trí nhớ lầu nhầu và bất khả tín của tôi nói chung và trong bài viết này nói […]
bảy lốp tổ ám sát bị bắt
anh sáu hành quyết ngay hiện trường
tấm ảnh gây kinh hoàng thế giới
tính dã man cuộc chiến thê lương
anh sáu bị cực lực lên án
đã tàn nhẫn giết một tù binh
adams sau hồi tưởng đã nhận
giết anh sáu bằng máy chụp hình
tấm ảnh chỉ nói nửa sự thật
không nói tâm lý kẻ sát nhân
khi biết bảy lốp mới giết lính
lúc giận ai có thể nghĩ phân
nếu đọc đỗ kh. trong huyệt lạnh
anh sáu sẽ trợn mắt lòi ngươi
sẽ rút súng bắn cho một phát
hay sẽ xoay nghiêng mỉm miệng cười
bắc phong
Tôi thấy ngậm ngùi, tôi thích lối viết ấy tuy lần đầu tiên biết Đỗ Kh. ĐK do dự không biết đi đường nào nhưng là thái độ cần thiết khi đối tượng quan sát có nhiều khía cạnh. ĐK không làm quan tòa, không cổ võ bắn kẻ bị trói. ĐK muốn đứng cao hơn hay đứng thấp. Đứng ngoài sáng nước cờ. Vô ngại, viên thông.
Tôi thông cảm cái khó khăn tế nhị của ĐK khi muốn nói đến nhân quả. Về ông Loan thì nhắc ý kiến của bố, về nạn nhân thì vô nhân chứng, lại là một liệt sĩ của chế độ hiện thời. Đừng ngại, mọi sự tương hệ và tương tác trong lý duyên khởi.
Có thể dùng một ý niệm triết học để hiểu ĐK. Être et avoir (thể tính và sở hữu). Với các đấng chí tôn như Phật, Chúa, être là avoir. Với người trần thì avoir không thành être. Sáu Lèo có cái ấy nhưng cái ấy không phải là toàn vẹn bản thể của chàng. Kẻ giết người trong hắn đi kèm một kẻ sính văn nghệ. ĐK ghi nhận thân phận chung: phức tạp phần hồn. L’homme cet inconnu? Còn Bảy Lốp? Tham vọng và ước mơ thế nào cũng có. ĐK viết: Viên đạn đi thẳng vào đầu anh còn chưa đoán được, huống hồ ĐK.
Trước cái đa diện, mỗi người chỉ có một đôi tay nắm một diện. Những phần khác phải bỏ đi. Bỗng dưng tôi nhớ một câu thơ của ai không biết. Cô nữ sinh ôm ghì bia người yêu tử trận, rồi chỉ vào nấm mộ: Nơi đây hợp nhất người yêu và người lính; thần chết, khi xử tội kẻ sát nhân, đã lấy mất tình quân của tôi: Ici se mêlent l’amant et le soldat; la Mort qui frappa le tueur d’un coup fatal, a choisi mon amant. Tử tội trước tòa còn là chồng, là cha.
Nhiều chi tiết trong bài viết không chính xác. Chỉ trong đoạn ghi chú ngắn sau đây đã có ít nhất 2 chi tiết sai:
..”[4] Theo tôi nhớ, bị thương ngoài trận khi mang quân hàm tướng tại miền Nam thì chỉ có ông Loan. Ngoài tướng Đỗ Cao Trí và Nguyễn Viết Thanh tử nạn hay tử trận trực thăng, chỉ có tư lịnh sư đoàn 23 chạy ra tàu hải quân sau khi Buôn Ma Thuột mất và xin phó đề đốc Hoàng Cơ Minh cho ông ở lại trên tàu chứ đừng bắt ông trở lại mặt trận vì ông bị đau hay là bị thương gì ở chân!””…
1/ Chuẩn Tướng Trương Quang Ân, Tư Lệnh SĐ23BB đã tử nạn khi máy bay trực thăng của ông bị bốc cháy trên không phận Quảng Đức vào năm 1969.
2/ Khi Ban Mê Thuột mất vào tháng 3/75, Tư Lệnh SĐ23BB là Chuẩn Tướng Lê Trung Tường. Ông bị thương nhẹ, khi trực thăng của ông bị bắn trên đường từ quận Khánh Dương bay về Phước An. (Hai viên phi công và ông Tường đều bị thương, phải đáp khần cấp xuống Quốc Lộ 21), và được tản thương về QYV Nguyễn Huệ Nha Trang. Không có ông Tư Lệnh SĐ23 nào chạy ra tàu hải quân và xin ở lại trên tàu.
Không biết ông Đỗ K. cóp tin tức này ở đâu?
Một người cầm viết, không nên viết những điều mình không biết, nhất là viết xấu về một cá nhân nào đó.
Bài viết không còn giá trị, và chẳng có chút thuyết phục nào. Đáng tiếc.
1) Tôi biết trò Nguyễn Ngọc Loan khi anh học trên tôi một lớp ở Lycée Khải Định thời Pháp thuộc. Anh có nhân dáng bình thường, hay đi đôi bottine đẹp và sang. Chúng tôi từng cùng nhau đá banh trong sân trường, Nguyễn Ngọc Loan được coi như thủ quân đội bóng học trò trung học.
2) Tướng Loan, theo tôi biết, không từng đảm trách chức Cục trưởng An ninh Quân đội.
3) Một trong những chức vụ chính thức của tướng Loan là Đặc ủy trưởng Trung ương Tình báo (không phải Đặc ủy Trung uơng Tình báo).
4) Vị hôn phối của Y sĩ Đại tá Văn Văn Của là bà Nguyễn B. H., chị ruột tướng Loan. Như vậy cố đại tá không phải là anh em cột chèo với cố chuẩn tướng.
5) Trong số anh chị em của tướng Loan, có ít nhất hai người là bác sĩ: chị Nguyễn B. T., trên tôi vài khoá và anh Nguyễn A., sau tôi mấy khoá. Ngoài ra, cùng học một lớp Khải Định với tôi có em gái kế ngay tướng Loan là Nguyễn B. T., sau này đỗ tiến sĩ dược.
6) Trong một buổi lễ nhậm chức, tướng Loan, vốn quen ăn nói xuề xòa, dung dị, tuyên bố: “Tôi có quỹ đen, tôi tự cho phép mình mỗi tháng nếu cần thì bỏ ra năm chục ngàn tiêu riêng mà không cần phải cung cấp chứng từ tài chánh. Tôi tự nghĩ đó không phải là tham nhũng hay ăn cắp công quỹ.” Chính tôi nghe tận tai câu nói đó khi đứng khá gần ông. Lúc bấy giờ lương tháng của tôi khoảng ba mươi lăm ngàn, chưa kể phụ cấp giảng dạy.
7) Tôi không thể nào tưởng tượng tướng Loan có thể hành động như tướng Kỳ ngày nay.
8)Tôi cho rằng lịch sử đã phán xét tướng Nguyễn Ngọc Loan một cách thích đáng.