Các bản tin về phiên toà xử Nhân văn – Giai phẩm (5)
04/05/2009 | 8:59 sáng | Chức năng bình luận bị tắt ở Các bản tin về phiên toà xử Nhân văn – Giai phẩm (5)
Category: Hồ sơ Nhân văn - Giai phẩm
Thẻ: Nguyễn Hữu Đang > Thụy An
Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn
BỌN GIÁN ĐIỆP, PHẢN CÁCH MẠNG THỤY AN, NGUYỄN HỮU ĐANG … TRƯỚC TÒA ÁN NHÂN DÂN HÀ NỘI
Khi tên trùm gián điệp cáo già Đuy-răng giao nhiệm vụ cho tên gián điệp Thụy An: “Hãy phá thối đám đất văn nghệ của Việt Minh” thì hắn đã hiểu rõ tất cả tầm quan trọng của vũ khí văn học nghệ thuật trong cuộc đấu tranh giai cấp một sống một chết giữa bọn đế quốc xâm lược và nhân dân Việt Nam.
Thụy An đã nhận nhiệm vụ một cách thích thú như thị đã thú nhận trước Tòa án: “Tôi đã nhận vì nó hợp với tư tưởng phản động của tôi”.
Tên Đuy-răng bảo Thụy An: “Chị hãy đứng về phía đối lập” (Tenez-vous dans l’opposition). Thụy An lại hỏi quan thầy: “Tôi làm việc này chỉ một mình thôi ư?” Đuy-răng trả lời không ngần ngại: “Không phải chỉ là một mình chị. Chị sẽ tìm thấy bạn đồng đội của chị trên việc làm của họ”. Câu nói của tên trùm gián điệp một mặt nói lên lối làm việc thông thường của bọn gián điệp tìm hiểu nhau trong những hoạt động phá hoại; mặt khác nó cũng nói lên rằng sự tập hợp lực lượng chỉ có thể tiến hành trên một lập trường giai cấp nhất định. Những ai giống nhau thì tập hợp lại với nhau. Âu đó cũng là một định luật: trâu tìm trâu, chó tìm chó, cái định luật này đã tập hợp bọn Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Phan Tại v.v… thành một nhóm. Đó là những phần tử thù địch của nhân dân, của cách mạng, chúng hoạt động chống Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, chống sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đó là những phần tử mà bọn Ngô Đình Diệm gọi là “những bạn đồng minh cũ và những bạn đồng minh mới” của chúng ở trên đất Bắc.
Từ năm 1956, nhân lúc trong nước và ngoài nước xảy ra những sự kiện không có lợi cho cách mạng (phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc, phát hiện tệ sùng bái cá nhân ở Liên Xô, vụ bạo loạn phản cách mạng nổ ra ở Hung-ga-ri…) bọn phá hoại đủ màu đủ sắc cho rằng thời cơ của chúng đã đến, chúng bèn ra mặt hoạt động điên cuồng. Trong lớp nghiên cứu đường lối văn nghệ do Hội Văn nghệ mở tháng 8-1956, những phần tử bất mãn và phản động được bọn gián điệp khuyến khích đã tụ tập nhau lại thành một nhóm hoạt động chống phá. Nguyễn Hữu Đang là tên đầu têu phất cờ phản cách mạng chỉ huy bọn đầu trâu mặt ngựa hoạt động chống Đảng, chống chế độ. Nguyễn Hữu Đang đã cung khai trước Viện công tố: “Trong lớp nghiên cứu này tôi đã gây hoài nghi đối với sự lãnh đạo của Đảng, tôi đã cổ động cho những xu hướng phản tiến bộ, trái với nguyên tắc văn học cách mạng”.
Bọn Thụy An và Nguyễn Hữu Đang thường tuyên bố gian dối rằng chúng chỉ làm văn nghệ chứ không làm chính trị. Nhưng chúng không lừa dối được ai. Từ khi báo Nhân văn ra đời (20-9-1956) đến khi báo đó bị đóng cửa, không có số nào là báo đó không đả kích vào chế độ mới ở miền Bắc của chúng ta. Chính Nguyễn Hữu Đang cũng đã thú nhận trước Tòa án nhân dân Hà Nội: “Tờ báo Nhân văn có mục đích chính trị ngay từ số đầu”. Lời nói này, tự nó, đã bóc trần sự gian dối của luận điệu bọn Nguyễn Hữu Đang về tính chất phi chính trị của văn nghệ. Vậy mục đích chính trị của bọn Nguyễn Hữu Đang là gì? Ta hãy nghe Nguyễn Hữu Đang khai: “Mục đích của chúng tôi chỉ là đả kích, cho nên chúng tôi cứ viết bừa, chuyện không nói có, chuyện cá biệt nói thành phổ biến, chuyện cá nhân nói thành chuyện một ngành, một cơ quan”. Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Tư tưởng của chúng tôi là phản động nên chúng tôi ra tờ báo Nhân văn để chống đối lãnh đạo, kích động quần chúng làm áp lực đấu tranh”. Ngoài báo Nhân văn, Nguyễn Hữu Đang còn dùng nhà xuất bản Minh Đức làm một công cụ để chống cách mạng. Y cung khai: “Tôi đã biến nhà xuất bản Minh Đức thành một công cụ chống lãnh đạo”. Nhưng chúng ta chớ vội tưởng rằng tên Trần Thiếu Bảo, chủ nhà xuất bản Minh Đức chỉ đi theo Nguyễn Hữu Đang một cách bị động. Tên tư sản phản động này có chủ ý của nó. Việc chống phá chế độ của tên này không chỉ bộc lộ tính chất phản động của nó, mà còn là một thủ đoạn của nó để đầu cơ trục lợi. Nguyễn Hữu Đang, quân sư quạt mo của Minh Đức, cùng chia tiền lãi với Minh Đức, đã khai: “Minh Đức hăm hở in sách đấu tranh chống lãnh đạo để đầu cơ có lợi nhiều cho nó, cho nên nó có chủ trương của nó”. Chính tên Trần Thiếu Bảo đã từng trâng tráo tuyên bố với một số sinh viên xấu chạy theo làm bồi bút cho nó: “Bài nào không đả kích vào chế độ thì sẽ không được đăng”.
Bọn Nguyễn Hữu Đang – Thụy An truyền bá những quan điểm chính trị phản động, những quan điểm văn nghệ phản động để làm cho “tư tưởng miền Bắc bị thối nát”, “xã hội miền Bắc bị thối nát” như kế hoạch của bọn trùm gián điệp nước ngoài đã vạch ra. Chúng hoạt động chia rẽ, ly gián. Chúng kích động nhân dân chống lại Chính phủ. Trên báo chí của chúng cũng như trong sự tuyên truyền bằng miệng hằng ngày, chúng không ngớt đả kích Đảng ta và chế độ ta từ việc to đến việc nhỏ. Ví dụ chúng đả kích mậu dịch quốc doanh một cách thâm độc. Ta hãy nghe bọn Ngô Đình Diệm ở miền Nam bộc lộ: Trong cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc xuất bản ở Sài Gòn (1959) in lại phần lớn thơ văn của bọn Nhân văn – Giai phẩm có viết những đoạn như sau: “Công kích mậu dịch thì vừa lôi kéo được thành phần công thương, vừa hái được sự đồng tình của quảng đại quần chúng…. Đánh vào mậu dịch là giáng một đòn vào nền kinh tế xã hội chủ nghĩa… Nên đối với những nhà văn chống Đảng, mậu dịch phải là một phòng tuyến cần phá vỡ trước tiên”.
Bọn Nguyễn Hữu Đang đòi phải để cho chúng được “tự do sáng tác”, chúng đòi để cho “trăm hoa đua nở” là để cho chúng được tự do hoạt động chống phá chế độ. Nguyễn Hữu Đang đã từng nói với bè lũ: “Ra báo thì phải ra hàng loạt, tờ này bị đóng cửa còn tờ khác, báo chí chống đối ra càng nhiều thì càng gây khó khăn cho Chính phủ”. “Gây khó khăn cho Chính phủ” theo ý bọn Nguyễn Hữu Đang nhằm mục đích gì? Nguyễn Hữu Đang đã thú nhận trước Viện công tố: “Dã tâm của tôi là mong muốn có một sự thay đổi lớn”. “Sự thay đổi lớn” này bọn Nguyễn Hữu Đang không dám nói thẳng ra thì đã có bọn Ngô Đình Diệm nói thay cho chúng. Bọn Ngô Đình Diệm gọi đó là “cuộc đảo chính”. Sau khi báo Nhân văn bị đóng cửa, tên trùm Đuy-răng đã nói với tên gián điệp Thụy An rằng “dư luận Sài Gòn cho đó là một cuộc đảo chính bị đập tan” (un coup d’ état blanc rasé). Nhằm đạt tới “một sự thay đổi lớn”, trong số 6 của báo Nhân văn, Nguyễn Hữu Đang và bè lũ đã viết bài có tính chất hô hào biểu tình phiến loạn. Đang đã thú nhận: “Tôi mong muốn có biểu tình, mà biểu tình đây không phải là để hoan hô Chính phủ, cũng không phải là để phản đối đế quốc”. Trần Duy đã khai: “Chúng tôi cứ tưởng rằng số 6 báo Nhân văn ra được thì bọn gián điệp sẽ ngóc đầu dậy, bọn chiến tranh tâm lý sẽ có đất hoạt động, bọn sinh viên học sinh trẻ tuổi khờ khạo sẽ bị giật dây, và sẽ có biểu tình…. xuống đường, súng nổ… đánh nhau và tiếp đó là những mưu đồ lật đổ… nhảy lên làm lãnh tụ”. Chính quyền ta đã kịp thời chặn bàn tay đầy tội ác của chúng: số báo đó đã bị tịch thu và báo Nhân văn bị đình bản. Nói về việc này Nguyễn Hữu Đang đã phải thừa nhận trước Viện công tố: “Nếu Chính phủ không kịp thời ngăn chặn thì chúng tôi còn mang tội nặng hơn nữa đối với nhân dân”.
Để phục vụ cho âm mưu chính trị phản động của chúng, bọn Nguyễn Hữu Đang, Thụy An đã dùng một thứ văn nghệ phản động. Chúng tung những cuốn sách văn nghệ phản động nước ngoài ra để đầu độc trí thức, văn nghệ sĩ. Những cuốn Từ số không đến vô tận, Giờ thứ 25, Chủ nghĩa xã hội Nam Tư, v.v… được lén lút chuyền tay từ người này qua người khác. Bọn Nhân văn – Giai phẩm còn tung ra một loạt “tác phẩm” để minh họa cho “chính sách” phản động của chúng. Phan Tại viết và diễn một loạt kịch Ghế chợ giời, Bù nhìn bắp cải, Hai con chuột để tuyên truyền cho nếp sống đồi trụy, đề cao thế lực đồng tiền, dùng danh từ mập mờ trên sân khấu để đả kích kháng chiến, khuyến khích người bỏ trốn đi Nam. Trần Duy viết Những người khổng lồ, Tiếng sáo tiền kiếp để đả kích những người cộng sản, tuyên truyền cho thứ nghệ thuật đồi trụy, nuối tiếc thời nô lệ. Thụy An viết Thiếu úy Nguyễn Lâm tòng quân, Trên bàn mổ để phục vụ bọn đế quốc, ca tụng bọn Việt gian bán nước, đả kích sự lãnh đạo của Đảng. Chúng sáng tác với một dụng ý rất thâm độc. Thụy An thú nhận trước Viện công tố: “Tôi viết truyện Thiếu úy Nguyễn Lâm tòng quân để nói rằng trong tên Việt gian bán nước cũng có con người. Tôi viết truyện Trên bàn mổ để nói lên là chuyên môn không phụ thuộc vào chính trị”. Những lời thú nhận đó càng xác nhận một lần nữa rằng bọn Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Phan Tại đã dùng vũ khí văn nghệ để hoạt động phản cách mạng.
Bọn phản động trong nhóm Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Phan Tại đều sống một cuộc đời bê tha trụy lạc. Chúng sống trên mồ hôi nước mắt và xương máu của nhân dân. Nhưng nếu có ai can ngăn chúng thì chúng kêu ầm lên là người ta phạm đến quyền tự do của chúng. Bọn chúng có nhiều hành động có hại cho Tổ quốc cho nhân dân. Nhân dân nhiều lần đấu tranh phản đối chúng. Thái độ của Đảng ta, của Chính phủ ta, đối với chúng là một thái độ rất khoan hồng. Mặc dù chúng đã phạm nhiều sai lầm, Đảng và Chính phủ vẫn một mực kiên trì giáo dục chúng, mong sao chúng hối cải trở về hàng ngũ của nhân dân. Sau khi đóng cửa báo Nhân văn, chính quyền ta tha không truy tố bọn chúng trước tòa án về những tội trạng của chúng. Đảng và Chính phủ lại mở những lớp cho chúng học tập để tự cải tạo. Nhưng một số trong bọn chúng là những tên phản động ngoan cố đi theo con đường phản cách mạng đến cùng. Sau khi báo Nhân văn bị đóng cửa, chúng thay đổi phương thức hoạt động. Chúng còn lén lút tụ tập nhau bàn định kế hoạch, chia nhau chui vào các đoàn thể văn học nghệ thuật, các cơ quan báo chí, xuất bản văn nghệ để lũng đoạn, phá hoại. Chúng xướng lên thuyết “ở đâu được sống phè phỡn thì ở đó là tổ quốc”. Chúng rủ nhau đi tìm nơi có thể “sống phè phỡn”. Chúng cùng nhau bàn kế hoạch “vù”, tức là trốn đi Nam. Nguyễn Hữu Đang bàn với tên Lê Nguyên Chí tổ chức trốn vào Nam. Lê Nguyên Chí trước kia đã từng làm thanh tra chính trị của ngụy quyền. Nhưng những hành động tội ác của Nguyễn Hữu Đang và Lê Nguyên Chí không thể che mắt được nhân dân. Nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, ngày 10-4-1958, công an đã bắt được quả tang bọn Nguyễn Hữu Đang, Lê Nguyên Chí trên con đường trốn đi Nam. Thế là kế hoạch “vù hàng loạt” của bọn gián điệp, phản cách mạng bị phá vỡ, bọn Thụy An, Phan Tại, Trần Thiếu Bảo lần lượt bị bắt giữ.
Lý lịch bọn gián điệp và phản cách mạng bị đưa ra xử tại Tòa án nhân dân Hà Nội ngày 19-1-1960 như thế nào? Chắc có nhiều bạn muốn biết.
Đó là tên Nguyễn Hữu Đang, một tên phản bội, đầu cơ chính trị. Nó đã từng chui vào hàng ngũ cách mạng để lợi dụng cách mạng. Trong kháng chiến nó chạy dài, liên lạc với bọn phản cách mạng, tung ra luận điệu xuyên tạc kháng chiến, nói xấu Chính phủ ta và Đảng ta. Hòa bình được lập lại, nó trở về thủ đô, tiếp tục câu kết với bọn phản cách mạng, bọn gián điệp để hoạt động phá hoại, nó đã thú nhận là tư tưởng và hành động vô chính phủ và phản cách mạng của nó đã có từ lâu.
Đó là tên Phan Tại, một tên đầu hàng địch trong kháng chiến trở về vùng tạm chiếm làm tay sai cho địch. Nó đã từng làm việc trong các cơ quan tác động tinh thần của Pháp – Mỹ ở Hà Nội và Sài Gòn.
Đó là tên Trần Thiếu Bảo, chủ nhà xuất bản Minh Đức, một tên tư sản phản động, tự tách mình ra khỏi hàng ngũ của giai cấp tư sản dân tộc, hoạt động chống lại dân tộc, chống lại nhân dân. Hòa bình lập lại, nó câu kết với bọn mật thám cũ, bọn tờ-rốt-kít để hoạt động phá hoại. Nó tập hợp những phần tử xấu trong giai cấp tư sản để hoạt động đầu cơ tích trữ và chống lại kinh tế quốc doanh. Nó đã ăn cắp tài sản của Nhà nước bằng cách khai man để ăn cắp giấy, in sách báo ra bán theo giá đầu cơ quấy rối thị trường. Nó in sách xấu ra để đầu độc nhân dân, kích động nhân dân chống lại chế độ.
Đó là tên Thụy An tức Lưu Thị Yến, một tên gián điệp chuyên nghề. Trước cách mạng tháng Tám nó đã từng làm mật thám phá hoại cách mạng. Trong kháng chiến nó làm tay sai cho giặc, được giặc tin dùng và cho giữ chức phó giám đốc ‘Việt tấn xã”, một cơ quan tác động tinh thần của địch. Nó tuyên truyền phá hoại kháng chiến. Nó đã từng cùng bọn tướng Pháp đi quan sát mặt trận lấy tin tức về viết bài nói xấu kháng chiến và ca ngợi bọn tướng giặc Đờ-lát đờ Tát-xi-nhi và Cô-nhi. Nó liên lạc với những tên trùm gián điệp như Cút-xô, A-lờ-măng, Đuy-răng và những tên bù nhìn bán nước đầu sỏ để chống lại kháng chiến.
Thụy An đã thú nhận trước Viện công tố là khi hòa bình được lập lại, trong khi quân giặc còn đóng ở khu tập kết 300 ngày, nó đã nhiều lần xuống Hải Phòng bắt liên lạc với tên Quang, trùm Việt Nam Quốc dân đảng phản động ở Nam ra tổ chức các cơ sở gián điệp và đảng phái phản động cài lại để phá hoại miền Bắc. Tên Quang đã giao nhiệm vụ cho Thụy An. Sau khi nhận nhiệm vụ, Thụy An đã liên lạc với Đuy-răng, một tên gián điệp cáo già mà y đã quen biết từ trước. Đuy-răng đã bày kế hoạch cho Thụy An lấy tin tức và hoạt động phá hoại. Cũng như những tên Phan Năm, Nguyễn Quang Hải, Trần Minh Châu tức Cập…., Thụy An chính là một tên gián điệp do địch cài lại để phá hoại miền Bắc. Đúng như vị đại biểu Viện công tố Hà Nội đã nói trong phiên tòa ngày 19-1-1960 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội: “Vụ án mà Tòa xét xử hôm nay là vụ xét xử năm tên gián điệp, phản cách mạng, phá hoại hiện hành, hoạt động có tổ chức, thực hiện âm mưu của kẻ địch bên ngoài, tiến hành những hoạt động chiến tranh tâm lý đê hèn nhất, những hoạt động phá hoại thâm độc nhất, để hòng cuối cùng lật đổ chế độ tốt đẹp của chúng ta ở miền Bắc“.
Vì sao bọn đế quốc và tay sai phải dùng đến những thủ đoạn bỉ ổi như “phá thối”, “tác động tinh thần”, “chiến tranh tâm lý”? Đó là vì chúng yếu, chúng không có nhân dân làm hậu thuẫn. Ta hãy nghe tên trùm gián điệp Đuy-răng bảo Thụy An: “Sức mạnh của Việt Minh là ở lòng tin của nhân dân, phải làm yếu lòng tin đó”. Tên cáo già thực dân đã nói đúng khi nó bảo rằng sức mạnh của chúng ta là ở lòng tin của nhân dân. Nhưng nó đã lầm to khi nó nghĩ rằng thủ đoạn “chiến tranh tâm lý” của nó có thể làm yếu được lòng tin đó. Do kinh nghiệm của bản thân, nhân dân ta hiểu rằng chỉ có Đảng ta mới có thể lãnh đạo họ đấu tranh để tự giải phóng. Nhân dân một lòng một dạ tin tưởng ở Đảng. Được rèn luyện trong cách mạng và kháng chiến, nhân dân ta đã có trình độ giác ngộ chính trị cao. Những thủ đoạn “tác động tinh thần” của bọn đế quốc và tay sai không thể nào lung lạc được tinh thần của nhân dân ta. Âm mưu phá hoại của Nguyễn Hữu Đang, Thụy An bị đập tan một lần nữa chứng tỏ rằng kế hoạch “chiến tranh tâm lý” của bọn đế quốc đối với nhân dân ta đã bị phá sản.
Đảng ta và Chính phủ ta từ trước đến nay tỏ ra có một thái độ rất khoan hồng đối với những người mắc sai lầm. Nhưng Đảng ta và Chính phủ ta kiên quyết bảo vệ lợi ích của nhân dân, của tổ quốc, và kiên quyết trừng trị bọn phản cách mạng làm tay sai cho giặc, phản bội tổ quốc, phản bội nhân dân, đúng theo pháp luật của Nhà nước. Thể theo tinh thần đó của Đảng và Chính phủ, Viện công tố Hà Nội đã đề nghị và tòa án nhân dân Hà Nội đã xét xử bọn gián điệp phản cách mạng Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Phan Tại, Trần Thiếu Bảo, Lê Nguyên Chí.(1) Một số phần tử khác đã từng đồng mưu và cộng tác với bọn Nguyễn Hữu Đang, tội nhẹ hơn, đều được hưởng lượng khoan hồng của Đảng và Chính phủ, không bị truy tố trước tòa án, lại được Đảng và Chính phủ giúp đỡ cho học tập để tự cải tạo thành những người công dân lương thiện.
Việc xét xử những tên gián điệp phản cách mạng Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Phan Tại, Trần Thiếu Bảo, Lê Nguyên Chí trước tòa án biểu thị ý chí không gì lay chuyển được của nhân dân ta là kiên quyết đập tan mọi âm mưu phá hoại của địch, bảo vệ thành quả của cách mạng, kiên quyết xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
HỒNG CHƯƠNG
(1) Trong phiên tòa ngày 19-1-1960, Tòa án nhân dân Hà Nội đã xử phạt Nguyễn Hữu Đang 15 năm tù, 5 năm mất quyền công dân; Thụy An 15 năm tù, 5 năm mất quyền công dân; Trần Thiếu Bảo 10 năm tù, 5 năm mất quyền công dân; Phan Tại 6 năm tù, 3 năm mất quyền công dân; Lê Nguyên Chí 5 năm tù, 3 năm mất quyền công dân. (nguyên chú của Hồng Chương)
Nguồn: Văn học, Hà Nội, 05/02/1960, tr. 11, 14.
Bình luận
Không có phản hồi (bài “Các bản tin về phiên toà xử Nhân văn – Giai phẩm (5)”)