Trả lời các phản hồi bài “Tham vọng của anh Sáu”
28/04/2009 | 1:57 sáng | 16 Comments
Category: Chiến tranh Việt Nam
Thẻ: Lê Trung Tường > Ngô Quang Trưởng > Nguyễn Ngọc Loan
Tôi thành thực xin lỗi độc giả và chuẩn tướng Lê Trung Tường vì tính cách vội vã theo trí nhớ lầu nhầu và bất khả tín của tôi nói chung và trong bài viết này nói riêng.
Như phản hồi trên đây cho biết chính xác hơn, tướng Tường không hề bay ra tàu HQ 400 mà bay thẳng vào… quân y viện. Ông không cần năn nỉ ai hết nhưng chuyện ông bị thương ở mức độ nào có nhiều dư luận, có người (chẳng hiểu thẩm quyền y khoa đến đâu) xác định ông chỉ bị sứt trán vì một mảnh kim khí trên trực thăng văng phải khi trực thăng này trúng đạn và chỉ cần dán một băng cấp cứu là xong.
Điều rõ rệt và đích xác hơn là khi Liên đoàn 21 (hay 23?) Biệt động quân đang trên đường giải tỏa thị xã Buôn Mê Thuột, tướng Tường đã ra lệnh LĐ 21 đổi mục tiêu để đến cứu gia đình ông bị kẹt ở một chỗ khác. Lựa chọn bên tình bên lý này đã đưa đến việc mất thành phố (chứ sao) và hậu quả liên đới sau đó là di tản không phải chỉ riêng gia đình ông mà cả Quân đoàn 2 được đi cùng. Thay vì bị cách chức, tướng Tường lại được, hoặc là cho tôi nói lại, thay vì được cách chức (nằm nhà nghỉ khỏe với vợ con đã được giải thoát), tướng Tường lại bị cấp trên phong làm chỉ huy cuộc tấn công tái chiếm Buôn Mê Thuột lần thứ hai, khiến ông bị thương nặng /nhẹ/ bêu đầu/ bao nhiêu múi chỉ khâu như đã nói.
Tôi nhầm lẫn giữa trường hợp của tướng Tường với trường hợp vào cùng thời điểm của tướng Phan Đình Niệm, tư lịnh sư đoàn 22. Đây mới là người ra tàu hải quân, và tâm thần bất an (chấn thương tâm thần cũng là thương tích có khi còn trầm trọng hơn là chấn thương sọ não) khiến phó đề đốc Hoàng Cơ Minh được chỉ định nắm sư đoàn và mặt trận thay ông. Sau đó đề đốc Minh có xuống bờ thị sát khu vực trách nhiệm mới của mình hay là nhận chức thế thôi và nhổ neo đi thẳng cho đến nay vẫn có ý kiến trái ngược của các chứng nhân, người thì quả quyết có theo ông xuống tận bến và đi dạo, kẻ quả quyết là trên bờ đứng đợi ông mãi mà chỉ thấy mịt mù xanh.
Tướng Ngô Quang Trưởng rời Đà Nẵng thế nào, có tin được chuyện thuật từ Tư lịnh phó Quân đoàn? Tướng Phú đối chọi với tình hình tại Quân đoàn 2 ra sao, có tin được Tham mưu trưởng hay Trưởng phòng 2 Quân đoàn hay không? Các vị này khi thuật lại có thanh toán ân oán gì với thượng cấp một thời? Khi phát hiện nhân viên tiểu khu Khánh Hòa đã biến mất vào một sáng xấu trời, tướng Phú có phát biểu với mọi người là chuồn thôi hay là ông lặng lẽ ra đi mà không phát biểu gì? Hay là ông chỉ về hướng Tây Nguyên mà thầm nhủ “Tôi sẽ có ngày trở lại” nhưng không ai nghe thấy?
Giờ, tôi có thể thuật lại việc một sáng này như sau:
Tiểu khu trống vắng lạ lùng. Bước vào bàn giấy của đại tá tỉnh trưởng Lý Bá Phẩm, tướng Phú không thấy một ai, cái máy đánh chữ của thư ký tỉnh trưởng ở bàn nhỏ đặt bên cũng đã biến đâu mất. Ông nghiến răng:
(Chúng nó) chuồn rồi!
Tùy tùng của tướng Phú đang chột dạ lại nghe ra thành “(chúng ta) chuồn thôi” và tự động đằng sau ông nhốn nháo, người thập thò ở cửa cách ông xa nhất đã vội chạy ra sân, mấy kẻ nữa chẳng hiểu là đuổi theo ngăn lại hay là cũng theo ông này bỏ đội ngũ. Ba ngày nay không ăn ngủ và tận lực với trách nhiệm khiến tướng Phú lảo đảo, ông ngã xuống sàn trước khi đại úy tùy viên đỡ lấy kịp. Ông khiêng tướng Phú ra ngoài định đưa về quân y viện Nguyễn Huệ nhưng phi tiêu trực thăng đã nổ máy ra hiệu. Khi được dìu lên tướng Phú phần vì yếu, phần vì tức giận trước sự hèn nhát của thuộc cấp vẫn còn hôn mê. Gió mát của cánh quạt khi con tàu bốc lên bầu trời xám ngoét và thê lương làm ông tỉnh lại và hé mở một mắt. Tướng Phú gầm lên yếu ớt:
Đi đâu thế này! Quay đầu lại!
Tiếng ông bị động cơ át đi và mặc dù tùy viên của ông ra hiệu, viên phi công vẫn giữ hướng về phía biển. Mắt nhìn về Tây Nguyên mù mịt sau làn sương thời tiết trắng tang thương điểm vài cột khói đen đang cuồn cuộn bốc đau buồn, tướng Phú chỉ còn sức thì thầm mà không ai nghe thấy:
Ta sẽ trở về!
Ông biết đâu là cạnh những cuộn khói đang bốc ngoài thị xã là toán quân cuối cùng của tiểu khu gồm cán bộ văn phòng do đại tá Phẩm chỉ huy đang lập phòng tuyến của tuyệt vọng. Trong đêm đại tá Phẩm đã gom góp họ lại mà không kịp báo với Quân đoàn. Trong lúc đang bố trí tuyến tử thủ, đại tá Phẩm thấy thư ký của ông còn khệ nệ cái máy đánh chữ to đùng bên hố cá nhân.
Mày mang cái này ra đây làm gì, ông hỏi.
Thưa đại tá, giặc đến nơi thì người có súng đánh bằng súng, em có máy đánh chữ thì đánh bằng máy đánh chữ, anh ta cười hồn nhiên. Cận chiến thì cái này còn lợi hại hơn lưỡi lê đó ông thầy, phang trúng là lỗ đầu!
Đại tá Phẩm kiểm điểm lại thì đạn thật ra cũng chẳng còn có bao nhiêu. Biết đâu lại chẳng cần đến cái máy chữ này. Ông ngước đầu lên khi nghe tiếng ầm ì của tăng T54 vừa trườn đến trên con dốc của quốc lộ.
Trở lại câu chuyện chính ở đây, là nhắc lại cuộc gặp gỡ của tôi với tướng Loan, tôi xin tất nhiên là chịu trách nhiệm hoàn toàn về những điều thuật lại.
Tôi xin cám ơn ông Trần Văn Tích về những chi tiết bổ sung về tướng Loan.
Quan hệ gia đình của ông Loan với đại tá đô trưởng Sài Gòn Văn Văn Của, như thế nào là do ông Của kể lại trong hồi ký. Có thể là em họ bên này hay em dâu bên kia gì đó, rất tiếc là tôi không có quyển sách này ở đây để xem lại, xin nhờ các bạn đọc có phương tiện này tra giúp. Hay là (giờ thì tôi hoang mang) ông Loan bà con với giám đốc thương cảng Sài Gòn, giám đốc hải quan Tân Sơn Nhất nhưng dẫu sao cũng không thay đổi phê bình về tính cách phe nhóm của bộ chỉ huy bị sát hại ở Chợ Lớn (ông Của thoát chết nhờ đang đi tiểu ở ngoài cổng khi tên lửa bắn vào). Ngược lại, tuy không có sách trên tay hiện nay, tôi xin cam đoan theo trí nhớ là đại tá Của chỉ định đại tá Hai là thủ phạm mà không nêu tên như đã viết ở trong bài. Đây là thông tin tôi ghi nhận rõ ràng nhất trong hồi ký này giữa những chuyện đại loại bác sĩ Của nghiện, cai, rồi nghiện lại v.v. và cai hẳn thuốc phiện thế nào. Dĩ nhiên, đây là xác định của đại tá Của, còn sự thật thế nào thì chưa, hay là chẳng bao giờ có thể biết được.
Tướng Loan theo tôi nghĩ, có kiêm nhiệm An ninh Quân đội, chí ít là trong thời kỳ ông được chỉ định giải quyết biến loạn miền Trung và bắt trung tướng Nguyễn Chánh Thi. Ngây thơ mà suy đoán thì theo luật pháp, cảnh sát không có quyền bắt tướng lãnh quân đội nhưng tướng Loan đã ở ngoài vòng luật pháp?
Tôi cũng xin bổ sung chi tiết về đại úy phạm cùng một tội với tướng Loan. Theo trung tá Lê Xuân Nhuận đó là một quận trưởng thuộc tỉnh Phú Yên.
Sau cùng, một sai lầm khác là gọi khẩu súng của ông bin Laden là AK 74 R “Krinkov”. Đây là cây AKS 74 SU (S chỉ bá xếp, SU chỉ nòng ngắn) và Krinkov chỉ là tên gọi thông dụng ở phương Tây, theo cách gọi của kháng chiến chống Liên Xô tại Afghanistan chứ không phải là tên gọi chính gốc Nga.
Một sơ suất khác của bài này không bị phát hiện vì tôi đã kịp thời chữa lại trước khi lên mạng. Trong bản nháp đầu tiên tôi gửi đi có câu :
Một tay chai bia tay cầm súng, nhưng nếu có gặp một bà đầm Pháp nào hỏi chuyện, tôi nghĩ là ông cũng sẽ nói về Paris và những bức tượng Maillol hớ hênh ở vườn Tuileries để mà rồi cũng lại mau nước mắt tần ngần.
Đây điển hình (thêm) cách tùy tiện của người viết vì tượng Maillol tuy có hớ hênh nhưng cũng chỉ được trưng bày ở vườn Tuileries (theo đề nghị của Bộ trưởng Văn hóa André Malraux) từ năm 1965. Ông Loan sang Âu châu trong thập niên 50 và năm 1966 ông còn đang bận dẹp bàn thờ Phật ở Đà Nẵng. Tôi bèn chữa lại thành những bức tượng Maillol hớ hênh và trường phái Primitifs Modernes là không ai bắt bẻ được nữa.
Nhưng người viết bất thập toàn và bạn đọc bất dung gian, may thay là còn có các bạn. Một lần nữa, tôi xin cám ơn và trân trọng các bổ sung, ý kiến và phê bình.
Kính gửi bác Hòa Nguyễn:
Theo như tiểu sử của nhà kách mệnh Đỗ Kh. ở đây http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=12952&rb=0102 thì Người chưa từng học Đại học Sư phạm như bác đã dẫn. Người đã từng nộp đơn xin vào trường bảo hộ “ENS rue d’Ulm” nhưng bị từ chối.
Phải chăng vì sự kiện đó nên Người mới đăng lính làm kách mệnh?