Đúng 100 ngày của tổng thống Barack Obama: vấp váp, thử thách và hy vọng
29/04/2009 | 5:23 sáng | 2 Comments
Category: Chính trị - Xã hội, Khủng hoảng tài chính thế giới, Thế giới
Thẻ: Thế giới - Khủng hoảng tài chính thế giới
Hôm nay, 29/04/2009, đúng 100 ngày giữ chức tổng thống Hoa Kỳ của Barack Obama kể từ lễ tuyên thệ chính thức vào ngày 20/01/2009.
Cột mốc 100 ngày đối với người Mỹ đã thành thông lệ và rất quan trọng để nói đến kết quả và đánh giá viễn cảnh toàn bộ nhiệm kỳ của một tổng thống.
Franklin D. Roosevelt đã chỉ cần từng đó thời gian để chuẩn bị và đưa quốc hội vào tiến trình triển khai “New Deal”. Gerald Ford một tháng sau khi nhậm chức đã ân xá cho người tiền nhiệm Richard Nixon để rồi trả giá cho lần tranh cử kế tiếp. Bill Clinton, trong ba tháng đầu đã sai lầm khi cho ngưng kế hoạch cải cách an sinh xã hội đầy tham vọng, hoặc tạo ra xung đột về sự có mặt của giới đồng tính trong quân đội. Còn Ronald Reagan, bỏ qua vấn đề đối ngoại, chương trình chấn hưng kinh tế của ông đã cho thấy hiệu quả chỉ trong 6 tháng kể từ ngày nhậm chức…
Một vài cái vấp
Tổng thống Obama trong 100 ngày đầu tiên đã tránh được những sai lầm cơ bản nhưng không phải không bị vấp.
Obama hứa sẽ thay đổi diện mạo của đại sa lông chính trị Washington thì vấp ngay khi bổ nhiệm thành viên nội các. Bộ trưởng Y Tế Tom Daschle nợ 146 ngàn đôla tiền thuế. Trong năm 2008 Tom Daschle thu nhập 2 triệu đôla mà cử tri không hiểu ông ta lấy từ đâu, nếu không phải giải quyết “cửa vào” với vai trò vận động hành lang cho các công ty dược phẩm trước đó. Tương tự, vấn đề chưa trả thuế cũng được đặt ra với bộ trưởng ngân khố Tim Geithner. Sự bất cẩn trong kế hoạch tái thiết hệ thống tài chính đã khiến Tim Geithner khó khăn lắm mới thoát khỏi từ chức.
Với ý định gặp gia đình của nạn nhân các vụ khủng bố WTC ngày 11/09/2001 và tàu USS “Cole” để chia sẻ thì Obama đã bị nhiều người phê phán thẳng thừng việc đóng cửa nhà tù Guantanamo.
Huỷ bỏ hai bộ luật cấm ngân sách nhà nước bảo trợ các chương trình phá thai và nghiên cứu nhân bản tế bào gốc của người tiền nhiệm W. Bush, Barack Obama bị xung khắc trong quan hệ với Vatican, mà hậu quả là Vatican đã khước từ ba lần ứng viên giữ chức đại sứ Hoa Kỳ tại Toà Thánh Giáo hội công giáo.
Cộm nhất là xì-căng-đan AIG. Khi chính phủ bơm 170 tỷ đôla cho AIG thì các sếp của AIG bỏ túi 165 triệu tiền thưởng. Hưởng phần lớn số tiền này là bộ phận làm ra sản phẩm tài chính mà chính nó chịu trách nhiệm về các mạo hiểm phát sinh đưa công ty đến phá sản!
Người ta cũng nói AIG trong những năm qua đã hỗ trợ hào phóng cho việc vận động bầu cử của Christopher Dodd, chủ tịch Uỷ ban Tài chính Thượng viện và thượng nghị sĩ Barack Obama.
Trước trụ sở các tập đoàn tài chính như AIG, American Express, Chase và Citygroup, thường xuyên có các cuộc biểu tình với khẩu hiệu “Lifestyles of the rich and Shameless” [Cách sống của những kẻ giàu có và không biết hổ thẹn].
Tuyên bố thay đổi mức thu thuế, trong đó hạn chế việc khấu trừ chi phí cho hoạt động từ thiện – một yếu tố làm nhẹ đi gánh nặng suy thoái – cũng là sai lầm của chính phủ Obama. Rất may, Obama đã kịp thời rút ngay ý tưởng này.
Obamamania
Phải nói rằng, tổng thống Barack Obama nhanh chóng nhận ra những khuất tuất của mình trong các quyết định và khi cần thiết ông đã cương quyết thay đổi, điều chỉnh. Người Mỹ nhận ra điều này và Obamamania vẫn còn rất sống động.
Theo Newsweek (số 18, 3/05/2009), chỉ số ủng hộ Barack Obama của người Mỹ trong tuần cuối vừa rồi vượt quá 63%. Tuy Obama có mất đi sự ủng hộ của những người Cộng Hoà, nhưng đa số cử tri độc lập vẫn tin tưởng ông, còn với những người Dân Chủ thì đương nhiên.
Theo kết quả thăm dò của CNN/Opinion Research Corporation, 58% cho rằng tổng thống Obama có kế hoạch rõ ràng để đưa Hoa Kỳ ra khỏi suy thoái kinh tế.
Một số người so sánh Barack Obama với Franklin D. Rosevelt và cho rằng Obama muốn trở thành Ronald Reagan nhưng chỉ về hình thức còn khác về nội dung, Cách mạng Tân tiến thay cho Cách mạng Bảo thủ.
Darrell West, giám đốc các vấn đề về cấu trúc chính phủ của Brookings Institution nói với Newsweek rằng, với Obama, “không có gì chống đối sự quay lại một kịch bản” của Reagan.
Thách đố nằm phía trước
Barack Obama đưa ra thời điểm chấm dứt hoạt động quân sự của 140 ngàn lính Mỹ tại Irag vào ngày 31/10/2010 và rút hoàn toàn đến cuối 2011, đồng thời tăng quân số cho Afghanistan. Nhưng người ta đặt câu hỏi, với Iraq sẽ ra sao nếu tình hình không tiến triển tương đối tích cực như hiện nay? Còn tuần báo Đức Der Spiegel (16/03/09) dự đoán Afghanstan có thể là Việt Nam của Obama.
Barack Obama hứa hẹn trong vòng 2 năm sẽ tạo ra thêm 3,5 triệu việc làm. Trong ba tháng vừa qua, mỗi ngày bình quân tại Hoa Kỳ mất đi 20 ngàn việc làm, tính từ giai đoạn suy thoái kinh tế, có khoảng 5 triệu người thất nghiệp, cao nhất từ 25 năm nay. Mặc dù đã có những tín hiệu phục hồi trong ngành xây dựng và bán lẻ, nhưng theo các nhà quan sát, tình hình thị trường lao động sẽ còn xấu hơn.
Tổng thống Obama muốn an sinh xã hội của công dân phải được nhà nước bảo đảm hoàn toàn. Ông muốn xây dựng các trường mẫu giáo công và mở rộng cánh cửa đại học cho mọi tầng lớp. Ông cũng muốn Hoa Kỳ phải thoát khỏi lệ thuộc nhanh nhất khỏi dầu mỏ, than và khí đốt bằng cách đầu tư phát triển năng lượng mới.
Thế nhưng tất cả sẽ kéo theo một núi tiền. Theo Reuter hôm 26/02/09: Toàn bộ gói kích hoạt kinh tế của Hoa Kỳ là 787,2 tỷ đôla cho giai đoạn 2009-2019. Bội chi ngân sách cho năm 2009 là 1,75 ngàn tỷ đôla, cao nhất từ Thế chiến II (hơn 400 tỷ 2008), trong đó 750 tỷ trợ cứu các ngân hàng, 634 tỷ cho hệ thống sức khoẻ và 537 tỷ cho quân sự (ít hơn 100 tỷ so với 2008).
Tổng thống Obama giải thích: “Chúng ta phải bội chi trong một thời gian ngắn để bảo đảm nền kinh tế có được hỗ trợ ngay tức thời và thúc đẩy tăng trưởng. Sự lựa chọn và các quyết định mà chúng ta đưa ra thật nặng nề, nhưng cần thiết”.
Tham vọng của Barack Obama cũng là hy vọng của người Mỹ. Không phải không thể nào không thực hiện được mà là vô vàn khó khăn. Ngay cả New York Times, tờ báo đứng về phía Obama, cũng tỏ ra nghi ngờ.
Lời kết
100 ngày dù sao cũng quá ít để phán quyết cho 1.500 ngày cả nhiệm kỳ tổng thống.
Tôi nhớ lại Daniel Finskielstein của Times đã nói sau lễ nhậm chức của Barack Obama: “Chiến thắng của Obama được hiểu một cách phổ cập như là mở đầu kỷ nguyên của tham vọng và chủ nghĩa lạc quan. Thế nhưng cũng cần chuẩn bị cho những gì ngược lại”.
Sự lựa chọn tổng thống Hoa Kỳ gốc Phi đã làm nức lòng và rơi lệ hàng triệu người Mỹ và công dân các nước khác trên thế giới.
Nếu tổng thống Barack Obama đạt được mong muốn của mình là: “Change. Yes, We Can!” – thay đổi Hoa Kỳ một cách cơ bản, thì vào năm 2017, chia tay ông, người ta sẽ hát vang lời ca của R.E.M Michael Stipe: “Chấm dứt thế giới hiện có (và tôi cảm thấy thật tuyệt vời)”.
Ngược lại, nếu như ông đánh cuộc quá cao vào một ván cờ, thì 4 năm trước đó người Mỹ sẽ nhớ tới Tom Waist mà ca rằng: chúng tôi muốn “trở về thế giới cũ và tốt”.
Warsaw 28/04/2008.
© http://ledienduc.wordpress.com
Bài được đăng trên BBC Việt ngữ tại link: htttp://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/04/090428_obama_100days.shtml
Bình luận
2 Comments (bài “Đúng 100 ngày của tổng thống Barack Obama: vấp váp, thử thách và hy vọng”)
Chân tình cám ơn ông Trần Văn Tích v/v nhắc cho sự lầm lẫn trong bài. Tom Dashchle được Obama cử làm Bộ trưởng Y tế (sức khoẻ và chăm sóc xã hội). Bài đã được hiệu đính lại. LDĐ
Tom Daschle được Barack Obama mời giữ chức Bộ trưởng Y tế chứ không phải Bộ trưởng Giáo dục. Daschle 61 tuổi, gốc tiểu bang South Dakota, tác giả cuốn “Critical : What can we do abouth the Health Care Crisis” (Khủng hoảng : chúng ta có thể làm gì nhằm chống khủng hoảng y tế). Ngoài ra Daschle còn là một chính trị gia chuyên nghiệp, từng tham gia Quốc hội Hoa Kỳ trong 26 năm, từng làm lãnh tụ đa số nhóm Dân chủ. Obama hy vọng với một quá khứ tham gia ngành lập pháp lâu ngày như vậy, Bộ trưởng Y tế được đề cử sẽ có nhiều mối liên lạc hữu hảo với các bạn đồng viện nhằm tìm kiếm hậu thuẫn cho chủ trương canh tân hệ thống Y tế Hoa Kỳ.