Văn chương nghệ thuật và công chúng khán giả
30/04/2009 | 10:35 sáng | 2 Comments
Category: Chính trị - Xã hội, Văn học - Nghệ thuật
Thẻ: Tự do sáng tạo
Văn nhân hay nghệ sĩ thường có xu hướng tìm tòi cái mới, đổi thay cái cũ, vì vậy nên mới xuất hiện các trường phái mới, các thể loại lạ. Tự do trong sáng tạo chủ xướng phủ nhận qui luật, phá bỏ câu thúc để mở đường cho cảm xúc, bút hứng tung cao đôi cánh; để đưa văn học nghệ thuật đến gần hiện thực cuộc đời; để tán trợ tưởng tượng, sở thích, sáng ý và – đối với giới thưởng ngoạn – để thay đổi niềm vui thích khi tiếp nhận thành quả trí tuệ. Nhưng tự do trong sáng tạo cũng hàm chứa những nguy cơ tiềm ẩn: nhà văn nhà thơ có thể viết lách dị hình dị dạng, bức tranh tấm ảnh có thể mang nét quái gở bất thường; câu văn dòng thơ trở nên dễ dãi, cẩu thả và – đối với giới thưởng ngoạn – văn phẩm, thi phẩm, hoạ phẩm có thể không được đón tiếp vì người đọc người xem không hiểu, không chịu.
Bất cứ nền văn hoá nào cũng có những cấm kỵ. Nước Đức ngày nay không chấp nhận tranh vẽ chữ “Vạn” Quốc xã; Quốc hội một trong ba nước vùng Baltíc đã ra đạo luật cấm cả chữ “Vạn” Quốc xã lẫn búa liềm cộng sản.
Cấm đoán văn hoá như thế khác xa kiểm duyệt toàn trị. Trong môi trường dân chủ tự do, có những điều đạo đức khuyên chẳng nên làm tuy không có luật pháp ngăn cản. Trong chế độ độc đảng độc tài, có những điều không được phép làm mặc dầu hiến pháp, luật pháp cho phép. Nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nghệ sĩ ở Việt Nam ngày nay sáng tác sáng tạo với vòng kim cô trên đầu. Nghệ sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ, văn sĩ Việt Nam ở nước ngoài sáng tác sáng tạo theo ý thức tự giác, theo quyết định cá nhân, theo tinh thần trách nhiệm. Người vẽ tranh họ Nguyễn ở Berlin, nhà điêu khắc họ Trần ở Hamburg không ai nghĩ đến chuyện vẽ hình chữ “Vạn” Quốc xã, tạc tượng Hitler để triển lãm. Không ai nghĩ rằng như vậy là mình vẫn phải hoạt động nghệ thuật theo đường lối chủ trương trong nước.
Chế độ cộng sản có đủ thứ trong tay. Nó bắt đi bên lề phải nên blogger mới dợm hướng lề trái là vô tù vì… trốn thuế. Cộng đồng tỵ nạn hải ngoại không có gì ngoài tiếng nói. Tiếng nói cất lên nhằm mời gọi, van xin, năn nỉ, kêu nài, cầu khẩn, thỉnh nguyện. Tiếng nói đưa ra giữa cá nhân với cá nhân trong đối thoại trực tiếp, tiếng nói vang động giữa tập thể và phe nhóm trong biểu tình tuần hành. Đã có chuyện thực việc thực: cha năn nỉ con đừng chụp ảnh như thế, chị khẩn cầu em đừng vẽ tranh như vậy. Nhưng con vẫn chụp như thế, em vẫn vẽ như vậy. Quá lắm thì có thể xem người cha là thành phần lạc hậu bảo thủ, đầu óc xơ cứng ngạnh hoá nên không tiếp thu được nghệ phẩm kỳ vĩ. Nhưng người chị, vốn cùng thế hệ trang lứa, cùng khuôn đúc văn hoá, sao cũng dị ứng mạnh mẽ? Nghệ thuật không chừng từng tự vấn phải chăng mình chẳng tuyệt đối vô can.
Tuy nhiên chuyện thật ra không phải bao giờ cũng… căng như thế. Người ta có thể vì thiện chí cách tân canh tân mà hành động. Picasso trải qua nhiều giai đoạn sáng tác theo những trường phái, đường lối khác nhau.
Xã hội, ngay cả xã hội dân chủ tự do, dù muốn dù không, chẳng nhiều thì ít, luôn luôn cùm chân buộc tay văn nghệ. Nghệ sĩ, văn sĩ có thể vì chiều theo thị hiếu khán giả, thính giả mà mất tự do tự chủ, thậm chí trở thành phục tòng lệ thuộc. Xã hội có thể lôi kéo văn sĩ, nghệ sĩ vào những tranh luận tranh chấp chính trị văn hoá. Cộng đồng có thể áp đặt một trật tự nào đó, một đường lối nào đó cho ngòi bút sáng tác, cho cây cọ vẽ tranh, cho mũi dao tạc tượng vì dù sao, kẻ sử dụng bút, cọ, dao vẫn là một thành viên cộng đồng. Qua tuyên truyền quảng cáo nhằm đề cao tài tử siêu sao, tập thể đối tác của văn học nghệ thuật lắm khi khiến cho văn nghệ sĩ trở thành kiêu căng hợm hĩnh và/hoặc nhỏ mọn tẹp nhẹp. Ngược lại, qua cung cách hành xử cá nhân, văn nghệ sĩ trong nhiều trường hợp đánh lộn sòng tài năng với nổi loạn, từ đó, rơi vào lập dị, phóng túng, lưu đãng (tuy rằng động cơ thực ra vốn tích cực). Kết quả: văn nghệ sĩ chuyển sang thách thức xã hội, tập thể.
Jean Genet là nhà thơ, nhà viết kịch và nhà tiểu thuyết Pháp, sinh năm 1910 tại Paris. Bị bỏ rơi từ nhỏ, năm mười tuổi đã ăn cắp, bị kết án nhiều lần, càng lớn càng đi sâu vào tội lỗi. Đồng tính luyến ái, chỉ điểm, đào ngũ. Từ hai mươi đến ba mươi tuổi, lang thang khắp châu Âu. Bắt đầu viết văn trong tù. Kịch của Genet gây nhiều tai tiếng, đề cao cái ác và tội lỗi để phản ứng lại xã hội giả dối, địa ngục được coi là thiên đàng. Mất năm 1986 cũng ở Paris.
Céline (1894-1961) là nhà viết tiểu thuyết Pháp. Xuất thân từ một gia đình nghèo, mười hai tuổi đã phải làm việc cực nhọc. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ, sống ở châu Mỹ và châu Phi trước khi về Pháp. Nhà văn chống cộng, chủ trương phân biệt chủng tộc, dữ dội chống Do Thái, theo phát xít Đức và chính phủ Pétain. Céline miêu tả sự sa ngã của con người, căm ghét quần chúng và cả nhân loại, chống lại mọi công thức, lên án xã hội hiện đại (chiến tranh, thực dân, dối trá), sử dụng đắc địa từ vựng dân gian, ngôn ngữ tục tĩu, tiếng lóng tiếng lái để chửi rủa lăng mạ. Khẩu ngữ dùng trong tác phẩm Céline bị đánh giá là thô bỉ, đôi khi buồn nôn. Cuối cùng Céline đành tự lưu đày.
Yves Klein (1928-1962), hoạ sĩ Pháp, táo bạo thử nghiệm nghệ thuật đơn sắc xanh, hồng hay vàng; trình bày những hoạ phẩm chứa lửa; đưa lên khung vẽ những hình tích cơ thể trần truồng thấm đẫm sơn màu; giới thiệu cùng khán giả thưởng ngoạn những hình nổi hành tinh. Kết quả: xem tranh Klein nhiều người muốn điên cái đầu.
Salvador Dalí (1904-1989), hoạ sĩ người Tây Ban Nha, sáng tạo những bức tranh siêu thực mê sảng, cưu mang những ảo tượng dựa vào phương pháp cuồng ám phê phán, chủ trương biểu hiện tự do các đường nét liên hợp hoảng loạn. Kết quả: ngay chính hoạ sĩ cũng nhận mình vẽ tranh theo lối paranoia!

Salvador Dalí: Linh cảm về nội chiến (1936)

Salvador Dalí: Hoá thân của Narcisse (1937)
Trong thi ca cũng vậy. Sự cách tân thi pháp nhiều khi chẳng những không được hoan nghênh mà còn bị chống đối. Trường thơ Bạch Nga của Nguyễn Vỹ, chủ yếu dựa vào hình thức alexandrin mười hai chân của thơ Pháp, chẳng phổ cập được bao nhiêu. Quan điểm nghệ thuật của nhóm Xuân Thu Nhã Tập thần bí, tối tăm, lập dị nên tuổi thọ rất thấp.
Thực ra thời nào cũng có chống đối, thách thức trong văn học nghệ thuật. Nhưng tất cả vấn đề nằm ở chỗ biết ngừng lại khi cần ngừng lại.
Hoạ sĩ văn sĩ dù có ý thức độc lập đến đâu, dù có đấu tranh tự do sáng tác bao nhiêu, dù có thiên tài như thế nào đi nữa, cũng không thể cất mình đứng bên trên xã hội như một siêu nhân, cũng không thể tự tách mình ra ngoài cộng đồng trong một splendid isolation.
Bình luận
2 Comments (bài “Văn chương nghệ thuật và công chúng khán giả”)
Các nhà văn Genet và Céline, các họa sĩ Klein và Dalí, là những tên tuổi đã quá quen thuộc trong giới văn nghệ. Thậm chí Klein và Dalí đã là những tên tuổi kinh điển nằm trong giáo trình môn vẽ ở các lớp trung học tại các nước phương Tây từ gần nửa thế kỷ nay. Vậy mà ông Trần Văn Tích vẫn không thưởng thức nổi, cho là “lạ”, chê bai. Rồi ông huytu bắt chước nói theo.
Thế mới thấy là cả Cộng sản và chống-Cộng đều đối xử với nghệ thuật giống như nhau. Nghệ sĩ người Việt (cả trong và ngoài nước) không thở nổi là phải. Chán thật.
Cảm ơn ông Trần Văn Tích đã sưu tập một số nghệ sĩ dị thường.
Chúng ta nhận thấy hầu hết các nhà báo, văn sĩ, thi sĩ,.. đều thuộc giới “đối lập chuyên nghiệp” bao hàm cả:
-Đối lập xây dựng,
-Đối lập phá rối,
-Đối lập hợm đời,…(.)?