Về công hàm Phạm Văn Đồng và các Atlas
30/04/2009 | 3:10 sáng | 21 Comments
Category: Vấn đề Biển Đông
Thẻ: Công hàm của TT Phạm Văn Đồng
Cuộc tranh luận vài tuần qua trên talawas về Biển Đông đã đem lại hào hứng cho nhiều người. Nhiều ý kiến đã đóng góp. Nhiều câu hỏi đã đặt ra. Tuy nhiên phần trả lời xem ra vẫn khiếm khuyết, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các câu hỏi. Thêm vào đó, nhiều chủ đề đang tranh luận vẫn chưa ngã ngũ. Tôi dự định trong tuần này sẽ viết các bài: 1/ Tranh chấp giữa Anh quốc và Argentine về chủ quyền quần đảo Malouines và so sánh vấn đề này với tranh chấp Việt – Trung về các quần đảo HSTS. 2/ So sánh các lý lẽ pháp lý và lịch sử giữa VN và TQ về chủ quyền các đảo. Bài thứ nhất tôi dự định viết vì nhận thấy có quá nhiều khác biệt về nhận thức giữa tôi và quí ông Phạm Quang Tuấn và Dương Danh Huy về các lý lẽ của Anh và Argentine về chủ quyền quần đảo Malouines mà các góp ý qua lại không thể trình bày đầy đủ và mạch lạc. Bài thứ hai nhằm trả lời câu hỏi rất quan trọng của một độc giả, nhưng chắc chắn đó cũng là câu hỏi của rất nhiều người.
Tuy nhiên, dự định có thể sẽ bị trễ vài hôm, vì ông Nghiêm Quang đã có bài viết trên talawas, nội dung chứng minh một điều tôi đã viết là không đúng với sự thật, đồng thời phê phán một số ý kiến của tôi trong bài “Chủ quyền VN tại bãi Tu Chính – Vũng Mây và vùng trũng Nam Côn Sơn”.
1. Tôi có viết trong bài đó như sau: «trên hầu hết các Atlas nước ngoài đều ghi nhận công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng đã công nhận HS và TS thuộc chủ quyền của Tàu. Điển hình, cuốn Atlas Des Atlas tháng 9 năm 2008 của Courrier International, một cơ sở truyền thông uy tín hàng đầu thế giới, đã ghi ở trang 91 như thế.» Ông Nghiêm Quang đã đưa ra một số các Atlas và kết luận «Như vậy có thể tạm kết luận rằng [khẳng định của Trương Nhân Tuấn về] ‘Hầu hết các atlas nước ngoài đều ghi nhận công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng‘ là một HUYỀN THOẠI.»
Có rất nhiều loại atlas, không phải cái nào cũng như nhau. Thí dụ, cuốn atlas của Le Monde Diplomatique mà ông Nghiêm Quang có dẫn là một tập tài liệu rất có giá trị, nhưng nó không nói về «conflit territorial – tranh chấp lãnh thổ» mà chỉ tập trung về các vấn đề lớn của thế giới như địa cầu đang bị đe dọa về việc hâm nóng, ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên nhiên liệu; về toàn cầu hóa, kẻ thắng, người bại; về các tranh chấp, dân chủ, Hồi giáo, các vấn đề của nước Nga, vấn đề diệt chủng tại Darfour…; cuối cùng là về sự phát triển của Châu Á. Thí dụ khác, cuốn Le dessous des cartes: Atlas Géopolitique của Jean-Christophe Victor cũng là một tập tài liệu hay, nhưng nó rất đơn giản, vỡ lòng, đặc biệt nó chú trọng về năng lượng cũng như các tranh chấp xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, các cuốn atlas mà ông Nghiêm Quang có dẫn ra, phần lớn có đề cập đến tranh chấp Biển Đông. Một số ghi nhận trực tiếp công hàm của ông Đồng, một số khác thì gián tiếp.
Tôi xin cung cấp cho ông Nghiêm Quang danh sách sau đây, gồm các atlas công nhận chủ quyền của TQ tại HSTS. Về danh sách các atlas có ghi nhận công hàm ông Đồng thì phải nói là rất nhiều. Nếu không nhớ lầm, chỉ ở Thư viện Quốc gia Pháp ở Paris, tôi đã tham khảo khoảng 20 cuốn atlas có ghi nhận công hàm của ông Đồng. Ông Nghiêm Quang nếu ở Paris thì kiểm chứng giùm.
Sau đây là danh sách ghi lại từ Bộ Ngoại giao TQ mà tôi giữ lại từ hơn 10 năm nay, các atlas này công nhận chủ quyền của TQ tại HSTS. Tài liệu này hôm nay có nguy cơ dài ra gấp bốn hoặc năm lần: 1. Welt Atlas (RFA, các năm 1954, 1961 và 1970); 2. Atlas Mondial (USSR 1954 và 1967); 3. Atlas Mondial (Roumanie 1957); 4. Osford Australian Atlas et Record Atlas (Anh, 1957) và Atlas Mondial de l’Encyclopédie Britannique (Anh, 1958) ; 5. Atlas Mondial (Việt Nam năm 1960, NXB Quân Đội Nhân Dân) ; 6. Haack Welt Atlas (RDA en 1968); 7. Daily Telegraph World Atlas (Anh, năm 1968); 8. Atlas International Larousse (France năm 1968 và 1969); 9. World Map Ordinary (l’Institut National Geographique, France, 1968); 10. World Atlas (Văn Phòng phủ Thủ Tướng, Viet Nam 1972; China Atlas (Neibonsya, Nhật Bản 1973).
2. Về cách giải thích tài liệu
Tôi dẫn lại từ trong bài của ông Nghiêm Quang:
“Mais le traité de paix signé en 1954 ne mentionne pas ces îles et la position vietnamienne est affaiblie par la reconnaissance, en 1958, de la souveraineté chinoise par le Premier ministre Pham Van Dong.”
Tạm dịch: “Nhưng hiệp định hòa bình ký kết hồi 1954 không đề cập đến những hòn đảo này và vị thế của Việt Nam (trong việc giành chủ quyền đảo – ND) bị yếu đi do sự thừa nhận, vào năm 1958, chủ quyền Trung Quốc bởi ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng.”
Ông phê bình dữ kiện công hàm ông Đồng trong sách này là: «Là thông tin không có tư cách», «tính thứ yếu», «vô giá trị về học thuật và đương nhiên về pháp lý»…
Mọi người ai cũng có quyền có ý kiến, nhưng tôi nghĩ ông Nghiêm Quang chưa đủ «trọng lượng» để có những phê bình một dữ kiện từ một cuốn sách quan trọng như thế.
Ông viết: «Mất bao nhiêu đường đất cho một sự diễn dịch từ ‘vị thế của Việt Nam bị yếu đi’ thành ra ‘dư luận thế giới đã công nhận HS&TS của Trung Quốc là do hiệu lực của…’? “Affaiblie” / “bị yếu đi” đồng nghĩa với “công nhận… là do hiệu lực…”?» Ông Nghiêm Quang viết đó lại quên đó. Chữ «reconnaissance» nghĩa là gì? Ông vừa mới dịch là «thừa nhận» sau đó lại quên.
Ý nghĩ của câu trên là: công hàm năm 1958 của ông Đồng đã công nhận (hay thừa nhận) chủ quyền của TQ tại các đảo, việc này làm cho tư thế của VN bị yếu đi.
Về các tài liệu khác cũng vậy, chỉ nói đến các tài liệu do ông Nghiêm Quang dẫn: Chi-kin Lo, China’s Policy towards Territorial Disputes: The Case of the South China Sea Islands, Routledge 2005; Brantly Womack, China and Vietnam: The Politics of Asymmetry, Cambridge University Press 2006.
Nếu dẫn các tài liệu như thế này tôi có thể dẫn đến hàng trăm tài liệu khác nhau. Số đầu sách của các học giả TQ (Đài Loan và lục địa) đã lên trên trăm cuốn rồi! Nhưng đâu có thời giờ mà phí như thế!)
Các tài liệu đó, theo ông Nghiêm Quang đã dịch, thì là: “người Hoa đã khéo léo gài Bắc Việt vào thế công nhận quyền của Trung Quốc sở hữu các hòn đảo”.
Rõ ràng tài liệu đã viết: Bắc Việt công nhận chủ quyền của TQ ở các đảo. Việc “gài” hay không gài không ăn thua gì đến dư luận quốc tế. Người ta chỉ biết “Bắc Việt đã công nhận chủ quyền của TQ ở các đảo”. Điều quan trọng mà ông Nghiêm Quang chỉ nói lướt qua mà không dẫn ra hết cho rõ rệt, là việc “công nhận” này do hiệu quả từ công hàm của ông Đồng cũng như các viên chức bộ ngoại giao khác như Ung Văn Khiêm, Lê Lộc…, các tài liệu đăng trên báo Nhân Dân v.v… ở thập niên 50-60
Như thế dư luận có ghi nhận hiệu lực của công hàm ông Đồng, vấn đề là hình thức ghi nhận có khác đi mà thôi.
Về cuốn La souveraineté sur les archipels Paracels et Spratleys của bà Monique Chemillier-Gendreau, tôi nhìn nhận là cuốn sách này là một cuốn tài liệu rất có giá trị và tác giả là một người rất có lòng đối với VN. Tuy nhiên, cũng như nhiều cuốn sách khác, sách này có nhiều điểm có thể bị đặt lại vấn đề (chính tác giả của nó cũng biết như vậy). Tuy nhiên, tôi nhận thấy hình như các học giả VN xem nó như là cuốn kinh thánh, như có người đã xem ý kiến của ông Valencia là “thánh ý”, nói điều gì thì điều ấy phải đúng. Điều này hoàn toàn phản khoa học. Làm khoa học là phải hoài nghi, phải đặt dấu hỏi, phải phản biện thường trực. Nhưng hành động đó vô tình xác nhận tánh hay vọng ngoại của người Việt Nam.
Dẫn lại ba điều mà ông Nghiêm Quang trích: «Tóm tắt 3 luận điểm Chemillier-Gendreau:
a) Công hàm Phạm Văn Đồng tự giới hạn trong việc thừa nhận bề rộng 12 hải lý của lãnh hải Trung Quốc. “Việt Nam tuyên bố công nhận đòi hỏi của Trung Quốc” (về chủ quyền đảo) là một khẳng định vô căn cứ, mặc dầu sự im lặng của Bắc Việt có thể bị diễn giải là ngầm ưng thuận (its silence can be interpreted as acquiescence).
b) Bắc Việt Nam không giữ chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa vào 1956 cho nên không thể gắn kết các tuyên bố của nhà cầm quyền Bắc Việt với vấn đề chủ quyền đảo.
c) Nước Việt Nam thống nhất kế thừa chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa từ chánh quyền Việt Nam Cộng hòa. »
Nhận xét đầu tiên là ông Nghiêm Quang không có nguyên bản cuốn sách này.
Về điểm a) có nhiều học giả nhận xét về công hàm ông Đồng hoàn toàn trái ngược với bà M. Chemiller-Gendreau.
Chính tác giả của công hàm là ông Phạm Văn Đồng đã công nhận, năm 1977, quan điểm của ông về công hàm này như sau: «đó là thời chiến nên phải nói như vậy thôi». Nói như vậy là nói như thế nào ? Đó là chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa công nhận tuyên bố của TQ. Tuyên bố đó là HS&TS thuộc TQ và chúng có 12 hải lý «hải phận» (ông Đồng dùng chữ hải phận thay cho lãnh hải như ngày hôm nay).
Ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 2 tháng 12 năm 1992 nói công hàm ông Đồng chỉ «tạm công nhận» chủ quyền của TQ tại HS&TS mà thôi.
Ông Nghiêm Quang viết: «Bỏ qua điểm (a) là một thiếu sót trong bài viết ngày 01/04 của Trương Nhân Tuấn làm sai lệch cường độ sự việc.»
Cường độ sự việc nào? Sai lệch cái gì và ai sai lệch?
Tôi nhận thấy việc né tránh hiệu lực của ông Đồng là một thái độ phản khoa học, «phi học giả».
Ông viết tiếp:
«Thêm một dẫn chứng cho cách đọc-hiểu-viết đại khái của ông này khi gọi “thuyết” của bà Chemillier-Gendreau là “estoppel”. Đọc kỹ lại bài của TS Từ Đặng Minh Thu, sẽ thấy Jian-Ming Shen nêu “estoppel” để khẳng định những tuyên bố [trong công hàm Phạm Văn Đồng và lời ông Ung Văn Khiêm] có giá trị bó buộc đối với Việt Nam. Tuy nhiên, TS Thu đã phản bác mấy ý này, xin phép không lặp lại ở đây. Tóm lại, “estoppel” không ăn nhập gì đến luận điểm của MC-G.»
Ông Nghiêm Quang không có sách nguyên bản tiếng Pháp nên nói chuyện với ông cũng khó. Thế nào là thuyết estoppel và bà M. Chemiller-Gendreau có đề cập đến thuyết này không? Đây cũng là điểm b) ghi trên. [L’estoppel (ou principe d’interdiction de se contredire au détriment de l’autrui), règle par laquelle une partie est privée de se prévaloir d’une position contraire de celle qu’elle a fait valoir auprès d’une autre partie et qui a conduit cette deuxième à modifier sa position initiale à son détriment ou à l’avantage de la première]
Trang 123 cuốn La souveraineté sur les archipels Paracels et Spratleys bà M. Chemiller-Gendreau đã giải thích ý nghĩa pháp lý của công hàm ông Đồng trên nguyên tắc « estppel », dầu bà không nói ra. Không khoa học gia nào viết phương trình quĩ đạo của một phi thuyền mà nói mình viết theo công thức này, công thức nọ. Bà có có viết thế này: «on ne peut renoncer à ce sur quoi on n’a pas d’autorité – người ta không thể từ khuớc về cái mà người ta không có thẩm quyền».
Tôi không có bài của ông (bà?) Từ Đặng Minh Thu ở đây, nhưng tôi nhớ có đọc câu trích dẫn này trong bài viết mà ông Nghiêm Quang có đề cập. Và đó cũng là nội dung chính của bài viết này. Nhưng hình như ông (bà) Từ Đặng Minh Thu dịch không đúng nghĩa câu này và có người đã lên tiếng phê bình trên diễn đàn x-café.
Về điểm c) thì cũng có nhiều điều cần bàn luận và tôi đã có ý kiến của tôi trong phần nói về gía trị pháp lý của công hàm ông Đồng trong bài trước, không tiện nhắc lại.
3. Kết luận
Sẵn dịp ông Nghiêm Quang nhắc lại bài «Chủ quyền VN tại bãi Tu Chính – Vũng Mây và vùng trũng Nam Côn Sơn», cũng là bài đã mở đầu cho cuộc tranh luận trên talawas trong mấy tuần qua. Xin ghi lại đoạn này:
«Sự việc hai hãng khai thác dầu Exxon-Mobil (Hoa Kỳ) và BP (Anh) lần lượt rút khỏi VN là một gáo nước lạnh, một cái tát rát mặt cho phía Việt Nam, nhưng cũng là một dịp may để các học giả VN xét lại các dữ kiện cơ bản mà phía VN dựa lên đó chứng minh chủ quyền của mình tại vùng trũng nam Côn Sơn và bãi Tu Chính – Vũng Mây (TC-VM). May vì còn thời giờ để thảo luận lại nghiêm túc. Đồng thời cũng là dịp để phía VN đặt lại toàn bộ lý lẽ của mình về chủ quyền HS&TS và hải phận biển Đông cách nào cho hợp lý.»
Mấy tuần qua mọi người đã bàn về điều gì? Có ai đã giải thích lý do, hay đưa ra một giả thuyết nhằm cắt nghĩa vì sao tập đoàn BP rút lui và ExxonMobil ngưng hoạt động hay không? Hoàn toàn không có. Tôi có cảm tưởng các «học giả» đang uống thuốc an thần, tưởng mình đang hưởng lạc trên một nước Việt phồn vinh, hùng mạnh, y chang cảnh vua quan triều Tự Đức ngày xưa. Mọi người đã thấy: tất cả tranh luận đều ra ngoài lề. Nước đã bị mất trong triều Tự Đức, xem ra mọi người không thấy chủ quyền của đất nước đang bị đe dọa hôm nay.
Hôm rồi mọi người có xem một video của TQ do ông Trương Thái Du đưa lên. Tôi có cảm tưởng hình như cảnh những người lính VN đang bảo vệ đất nước bị TQ bắn giết đã không làm cho mọi người thức tỉnh. Bài viết này tôi không có hào hứng để viết, viết đi viết lại hai ba lần, vì không có gì để viết, toàn những chuyện lặt vặt. Không ai bỏ thì giờ đi làm những chuyện như thế. Nhưng cũng phải viết, vì không viết không được.
Tôi không hiểu vì sao, tình hình nguy cấp như thế này, không ai đặt câu hỏi vì đâu tất cả các atlas mới in vài năm nay đều ghi Paracels & Spratleys và trong dấu ngoặc ghi tên Xisha, Nansha để chỉ cho HS&TS? Sao không có bản đồ nào của nước ngoài ghi tên Việt Hoàng Sa hay Trường Sa mà lại ghi tên Tàu? Không ai đặt câu hỏi vì đâu BP rút lui, ExxonMobil ngưng khai thác và việc này thiệt hại gì cho VN? Không ai đặt câu hỏi vì sao các atlas có ghi hiệu lực công hàm của ông Đồng?
Đối với học giả VN, công hàm ông Đồng không có giá trị. Các học giả VN hình như không cần biết lý lẽ đối thủ mình về công hàm này như thế nào và ảnh hưởng các lý lẽ đó lên dư luận quốc tế ra sao? Đã mất đất mất biển do các hiệp ước phân định biên giới trên đất liền 1999 và phân định vịnh Bắc Việt 2000, tình hình này thì sẽ mất HS&TS rồi mất cả Biển Đông. Tôi cho là nguy cơ lịch sử thời Tự Đức đang lặp lại.
Cuối cùng cũng phải nói là tôi phẫn nộ khi có người chủ trương các đảo của VN chỉ có hiệu lực 12 hải lý, đi ngược lại quyền lợi của VN và nội dung Luật Biển 1982. Không phẫn nộ làm sao khi đã có những người lính đổ máu để giữ đảo, Hoàng Sa cũng như Trường Sa, cũng như nhiều người bất chấp hiểm nguy, dãi gió dầm mưa, chịu cô đơn, khổ cực để giữ những hòn đảo ấy? Nếu chủ trương các đảo chỉ có giá trị 12 hải lý thì rõ ràng chúng ta có lỗi rất lớn với những hy sinh vô biên của lớp người ấy. Chủ trương như thế cũng phủ nhận công lao các học giả đã mất cả đời nghiên cứu, chứng minh chủ quyền của VN tại các đảo ấy.
Nhiều thế hệ Việt Nam đã hy sinh vì HS và TS, thật có lỗi nếu ngày hôm nay mình không làm được việc gì. Thấy nước mất mà không làm được gì là điều tồi tệ nhất.
© 2009 Trương Nhân Tuấn
© 2009 talawas blog
Xin bổ túc Góp ý trước:
Cuốn “Chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của bà Monique Chemilier Gendreau (bản tiếng Anh “Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands”) viết:
Ngày 15-6-1956, Thứ Trưởng Ngoại giao VN nói với một viên chức TQ tại đại sứ quán TQ ở Hà Nội: “Theo những tài liệu VN đang có, các đảo Xisha và Nansha, căn cứ trên chứng cớ lịch sử hiển nhiên, là phần lãnh thổ của TQ” (sách dẫn, trang 128). Như vậy, nói cho công bằng, đây không phải tin trên báo Nhân Dân, chỉ do phía TQ đưa ra, và theo bà Monique không có bằng cớ chuyện đã xảy ra như vậy. Nhưng một tác giả khác, Todd C. Kelly nhắc lại chuyện đó, và cho lấy từ nguồn Valencia, có nghĩa là câu chuyện đã phổ biến rộng.
Câu bà Monique viết vế CH PVĐ đã được hiểu: Miền Bắc không thể chuyển giao (transfer) cho TQ chủ quyền HS & TS mà mình không có” (chủ quyền đó thuộc về miền Nam). Nhưng vẫn có cách hiểu khác: đây không phải là giao cho, mà từ bỏ (abdicate). Về lý lẽ, nửa nước bên này có quyền và trách nhiệm trên phần lãnh thổ của nửa nước bên kia, ở một chừng mực (và do đó có ước vọng thống nhất). Vào thời đó, miền Bắc quả thật không trao gì đang có cho TQ, mà chỉ đứng bên ngoài vụ này. Bà Monique không nhắc tới quan điểm của miền Bắc khi TQ chiếm HS năm 1974, chỉ ghi lời tuyên bố của MTGPMN ở Paris lúc đó:”Việc TQ dùng vũ lực chiếm HS phải là loại tranh chấp giải quyết bằng thương thuyết”.
Không thể làm lại lịch sử, nhưng bài học lịch sử chỉ ích lợi khi được ghi đúng và nhận định đúng.
Phần viết về “thuyết estoppel”,tôi thấy rằng ông vẫn chưa hiểu nguyên tắc nầy nên nói chuyện với ông hơi khó.
“Estoppel” được Jian-Ming Shen viện dẫn để cấm Việt Nam ngày nay nói ngược lại những gì VNDCCH đã tuyên bố trước kia. Đứng về lập trường của bà MC-G thì phải nói bà “phản estoppel”.
Song le, muốn nêu “estoppel” thì cần đưa ra nguồn luật và các điều kiện phải thỏa mãn. Nại một nguyên tắc không phải là điều khoản trong bộ luật thì việc nêu tên và nguồn luật là cực kỳ quan trọng.
Do vậy nói bà MC-G không đề cập về “estoppel” mới chính xác.
Giải thích như vầy nếu ông Tuấn vẫn không rõ thì có lẽ cần viết thư cho MC-G để biết câu trả lời cụ thể từ tác giả.
*
Ông Tuấn đăng lại quan điểm về thuyết “liên tục quốc gia” về “bàn giao quyền lực”, nhưng ông vẫn chưa trả lời câu hỏi nầy:
– Có hay không một buổi lễ bàn giao quyền lực sau cuộc chiến Nam-Bắc Mỹ, cuộc chiến Quốc-Cộng Trung Hoa, lịch sử nội chiến 1775-1805 ở Việt Nam?
– Trong các trường hợp đó, có hay không sự “kế thừa nhà nước”?
Phần trích dẫn Chi-kin Lo, tôi có chú thích rõ đây là những quyển có ghi nhận CH PVD. Từ đó tôi xác định họ đề cập đến dữ kiện nầy “trong quá trình tìm hiểu ý chí (intention) của VNDCCH trong việc xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa-Trường Sa”. Khác xa với việc “dư luận công nhận chủ quyền TQ là do hiệu lực của…” một cách trực tiếp và sỗ sàng như vậy.
Chưa kể, “ghi nhận” và “ghi nhận hiệu lực” (như ông Tuấn viết) cũng khác xa nhau về ngữ nghĩa.
*
Ông Tuấn viết: “Nếu dẫn các tài liệu như thế này tôi có thể dẫn đến hàng trăm tài liệu khác nhau. Số đầu sách của các học giả TQ (Đài Loan và lục địa) đã lên trên trăm cuốn rồi!”.
“Hàng trăm tài liệu”: lại một khẳng định rất kêu. Nhưng, dẫn khơi khơi sách TQ tự in mà không xét đến tên tuổi và nhà xuất bản, ai có thì giờ làm việc đó? Chi-kin Lo và Brantly Womack, dầu gì cũng có tên trong thư mục BNF và Pompidou, được Routledge và Cambridge xuất bản.
Hân hạnh được tiếp thu phương pháp tham khảo thư viện của ông Trương Nhân Tuấn. Chắc ông cho rằng phải là “học giả” thì mới biết tới và mới được quyền vào thư viện quốc gia François Mitterand (BNF).
Ít ra là tới giờ nầy, quyển nào Trương Nhân Tuấn đã dẫn, tôi đều tìm thấy và nếu cần, có thể chụp hình lại. Riêng Atlas des Atlas, do “quá quan trọng” nên chưa có trên kệ sách của BNF và Centre Pompidou, buộc lòng phải mua ở Eyrolles. Phần ông Tuấn, ông không trình ra được danh sách atlas như ông đã dọa. Với sách do chính mình dẫn ra, ông cũng không đọc kỹ.
*
Ông Tuấn cho rằng tôi “chưa đủ «trọng lượng» để có những phê bình một dữ kiện từ một cuốn sách quan trọng” như Atlas des Atlas. Thật ra, trong bài, tôi chỉ đánh giá mức độ quan tâm của người làm sách đối với chi tiết “công hàm Phạm Văn Đồng”. Như đã nhấn mạnh, dữ kiện nầy chỉ được nhắc tới trong nửa câu 21 chữ và trong box bên lề, hoàn toàn không xuất hiện trong đoạn văn bản chính.
Với 21 chữ đó, “dư luận thế giới” chỉ cho rằng “vị thế của VN bị làm yếu đi” chứ KHÔNG “công nhận HS&TS của TQ LÀ DO hiệu lực của CH PVD”.
Bài trên đây, ông Tuấn cố tình tách làm đôi câu ông đã viết và
– tìm sách ghi nhận chủ quyền TQ ở HS-TS;
– tìm sách ghi nhận CH PVD.
Quan hệ nhân quả giữa 2 dữ kiện nầy, ông Tuấn không chứng minh được như ông khẳng định qua mấy chữ “LÀ DO hiệu lực của…”
“Reconnaissance”, thưa ông, có nghĩa là thừa nhận, tuy vậy chữ nầy trong câu đã dẫn gắn với ông Phạm Văn Đồng chứ không phải “dư luận”. Xin đọc rõ ràng.
Ông Tuấn biết phẫn nộ thì người khác cũng biết phẫn nộ.
Nếu tôi muốn, tôi cũng có thể phẫn nộ là trong khi các người lính VN đổ mồ hôi, nước mắt, máu để giữ TS thì ông Tuấn lại đi loan tải mệnh đề là tất cả/hầu hết các atlas trên thế giới đều công nhận là HSTS là của TQ, để lập luận là thế giới công nhận là HSTS là của TQ.
Nếu tôi muốn, tôi cũng có thể phẫn nộ là trong khi các người lính VN đổ mồ hôi, nước mắt, máu để giữ các vùng Tư Chính, Vũng Mây thì ông Tuấn lại lập luận là vùng đó thuộc TS, mà thế giới cho là TS là của TQ.
Điều tôi muốn nói (lặp lại) ở đây là không ai có độc quyền, độc tài, độc năng để nhận định thế nào là lợi/hại cho đất nước, không ai có độc quyền, độc tài, độc năng để phẫn nộ.
Vì vậy, không nên dùng “yêu nước”, “phẫn nộ” để làm cớ cho những việc đả kích cá nhân trong tranh luận.
Về việc tham khảo các atlas, cũng cần nói đến hai nguyên tắc để tham khảo. Nếu chỉ đi tham khảo ở các thư viện nhỏ đương nhiên sẽ không đọc được các atlas nước ngoài xuất bản năm 2008. Đề nghị ông Nghiêm Quang vào tham khảo ở Thư Viện Quốc Gia Pháp ở Paris để kiểm chứng việc này.
Tôi có đề nghị hay hơn là bạn đọc Talawas ở các nước trên thế giới vào thư viện, tiệm sách địa phương xem bao nhiêu phần trăm atlas “nước ngoài” (= nước khác nước Pháp) ghi nhận CH PVD và công nhận là HSTS là của TQ.
Mặt khác, phương pháp tham khảo cũng cần « focus » vào đề tài tham khảo. Nên tập trung vào phần « conflit territorial – tranh chấp lãnh thổ ».
Nếu tài liệu nào có phần về tranh chấp lãnh thổ thì việc nói về CH PVD không có nghĩa công nhận là nó có hiệu lực VN phải chấp nhận HSTS là của TQ, không có nghĩa công nhận HSTS là của TQ – như luận điểm của ông Trương Nhân Tuấn.
Khi nói về tranh chấp lãnh thổ thì Talawas, X-cafe, Minh Biện, website Việt Tân, BBC, sách của Lưu Văn Lợi, Chemillier-Gendreau, bạch thư của VN, cũng nói về CH PVD. Điều đó không có nghĩa họ công nhận HSTS là của TQ (vì CH PVD).
Không thể dùng “có nói tới X khi nói về tranh chấp lãnh thổ” để kết luận hay tạo vẻ là thế giới công nhận là CH PVD có nghĩa/làm cho VN không còn chủ quyền d/v HSTS.