Các bản tin về phiên toà xử Nhân văn – Giai phẩm (4)
02/05/2009 | 2:00 sáng | Chức năng bình luận bị tắt ở Các bản tin về phiên toà xử Nhân văn – Giai phẩm (4)
Category: Hồ sơ Nhân văn - Giai phẩm
Thẻ: Nguyễn Hữu Đang > Thụy An
Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn
PHIÊN TÒA CÔNG KHAI NGÀY 19-1-1960 XỬ VỤ ÁN GIÁN ĐIỆP, PHẢN CÁCH MẠNG, PHÁ HOẠI HIỆN HÀNH NGUYỄN HỮU ĐANG, LƯU THỊ YẾN TỨC THỤY AN…
TRƯỚC TÒA, CÁC BỊ CAN ĐỀU NHẬN TỘI
Ngày 19-1-1960, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa công khai xét xử vụ án gián điệp và phản cách mạng phá hoại hiện hành gồm những tên: Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến tức Thụy An, Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, Phan Tại và Lê Nguyên Chí.
Hàng nghìn đại biểu các tầng lớp nhân dân thủ đô đã tới dự, ngồi đông kín phòng xử của Tòa án, chăm chú theo dõi phiên tòa suốt từ sáng sớm cho đến chiều.
Mở đầu phiên tòa, sau khi nghe đọc bản quyết định của Công tố viện quyết định truy tố bọn gián điệp phản cách mạng này cùng nội dung quá trình hoạt động đầy tội ác của chúng, Tòa án đã lần lượt thẩm vấn công khai về lý lịch tội trạng từng can phạm một.
Thụy An là một tên gián điệp lợi hại của đế quốc. Trước Cách mạng tháng 8, thị đã từng làm tay sai cho bọn Mác-ty, Gơ-răng Giăng và những tên trùm mật thám và thực dân Pháp ở Đông Dương. Trong kháng chiến, toàn dân ta ra sức đánh giặc, thà hy sinh hết thảy không cam làm nô lệ thì Thụy An đã được giặc tin dùng cho làm Phó giám đốc Việt Tấn xã là một cơ quan tác động tinh thần của địch chuyên phản tuyên truyền, chống lại kháng chiến.
Tuy vậy, khi hòa bình lập lại, chính phủ ta vẫn khoan hồng giao công tác cho Thụy An để giáo dục cải tạo thị. Nhưng, Thụy An vẫn tiếp tục hoạt động cho địch. Theo lời thị khai, khi ta mới tiếp quản Hà Nội, Thụy An đã nhiều lần lén lút xuống Hải Phòng gặp gỡ bàn bạc với bọn đầu sỏ ngụy quyền và Quốc dân đảng phản động, trong số này có tên Quang, là một tay sai đắc lực của Mỹ – Diệm từ trong Nam ra đã giao nhiệm vụ cho thị ở lại để phá hoại chế độ ta. Về Hà Nội, Thụy An đã liên lạc ngay với một ngoại kiều tên là Đuy-răng để tiếp tục nhận nhiệm vụ gián điệp phá hoại, đặc biệt, dùng văn học, nghệ thuật để phá hoại.
Với những thủ đoạn tác động tinh thần rất xảo quyệt, Thụy An đã ra sức thực hiện nhiệm gián điệp, thường xuyên liên lạc với địch để nhận chỉ thị và báo cáo tình hình, nhận phương tiện hoạt động. Thụy An đã dùng nhiều mánh khóe mơn trớn, mua chuộc một số phần tử xấu trong giới văn nghệ, len lỏi vào các cuộc họp của giới trí thức, văn nghệ, công thương để xuyên tạc, vu cáo, phá hoại miền Bắc, tiến hành hoạt động chiến tranh tâm lý, tác động tinh thần.
Nguyễn Hữu Đang là một phần tử đầu cơ chính trị, y thú nhận “đã có tư tưởng và hành động phản động từ lâu”. Tên Nguyễn Hữu Đang đã cấu kết với tên tư sản phản động Minh Đức và một số phần tử phản cách mạng khác.
Dưới hình thức hoạt động văn nghệ, Đang đã cấu kết chặt chẽ với Thụy An để hoạt động phản cách mạng. Đang đã giữ vai trò chủ chốt trong các hoạt động chính và chỉ huy tất cả mọi mặt hoạt động phá hoại. Đang tập hợp và cầm đầu nhóm Nhân văn, lợi dụng tự do xuất bản để ra báo Nhân văn làm công cụ của bọn gián điệp, phản cách mạng để phá hoại miền Bắc, chính y cũng khởi xướng thành lập một đảng chính trị phản cách mạng, viết báo kích động quần chúng xuống đường biểu tình. Đang lại liên lạc với kẻ này nhóm khác để phối hợp các hoạt động chống đối, lúc nào, ở đâu y cũng tung ra những luận điệu xuyên tạc, vu khống chế độ ta.
Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức là một tên tư sản phản động. Y đã làm tay sai cho bọn đế quốc từ hồi Pháp thuộc, in những sách báo phản động để phá hoại phong trào cách mạng, Trong kháng chiến, y chuyên hoạt động đầu cơ và đã cấu kết chặt chẽ với Nguyễn Hữu Đang từ lúc đó.
Đang đã cấu kết với Minh Đức, đã biến nhà xuất bản Minh Đức thành một công cụ làm cơ sở cho hoạt động phản cách mạng của bọn Đang. Minh Đức được Đang giới thiệu với bọn tư sản phản động, cung cấp cho chúng hàng chục triệu đồng (tiền cũ) để in hàng loạt tập san phản động và sách xấu để đầu độc tư tưởng nhân dân ta. Minh Đức lại còn thường xuyên dùng thủ đoạn mua chuộc để lôi kéo những phần tử xấu viết các sách báo phản cách mạng công khai tuyên truyền phá hoại.
Phan Tại trước đây đã từng phản bội lại nhân dân ta trong kháng chiến. Phan Tại được Đang và Thụy An tích cực lợi dụng hoạt động sân khấu, điện ảnh để phản tuyên truyền, xuyên tạc chính sách và tìm mọi cách thâm độc để phục hồi lại những lối sống sa đọa, trụy lạc dâm ô theo lối Mỹ. Đang và Thụy An đã biến nhà Phan Tại thành một “câu lạc bộ” bí mật, lén lút tụ tập nhau nghe đài địch, đọc sách báo phản động của đế quốc, thảo luận những âm mưu phá hoại mới.
Sau khi bọn Nhân văn bị vạch mặt, mặc dầu được Chính phủ và nhân dân ta giáo dục nhiều lần, nhưng Đang vẫn không chút nào hối cải, lại càng cấu kết chặt chẽ với con gián điệp Thụy An để liên tục hoạt động phá hoại.
Cuối cùng, Đang bàn mưu tính kế với Lê Nguyên Chí, là một tên tay chân đắc lực của địch trong thời kỳ tạm chiếm, để y bí mật tổ chức Đang trốn theo địch, tiếp tục làm tay sai cho chúng. Nhưng, trước tinh thần cảnh giác của nhân dân, Đang và Chí đã bị bắt quả tang trong khi đi trốn…
Tại cuộc thẩm vấn của phiên tòa, trước những nhân chứng, vật chứng rõ ràng cụ thể, bọn chúng đã phải thú nhận những hoạt động đầy tội lỗi của chúng.
Thụy An đã thú nhận việc thường xuyên ra vào gặp gỡ tên ngoại kiều Đuy-răng để báo cáo tình hình hoạt động. Thụy An đã tự vạch trần bộ mặt phản nước hại dân của thị, trong lời khai “Đuy-răng đã giao cho tôi nhiệm vụ lũng đoạn tư tưởng phá hoại miền Bắc”. Câu tiếng Pháp, Thụy An đã khai trong bản cung là “pourrissement idéologique”, “pourrissement du terrain”. Đối với nhiệm vụ gián điệp mà Đuy-răng giao cho, Thụy An khai: “Tôi làm việc đó một cách thích thú vì nó phù hợp với tư tưởng phản động của tôi”.
Trước vành móng ngựa, Nguyễn Hữu Đang cúi đầu thú tội: “Thực chất tư tưởng của tôi và những người theo tôi là phản động cho nên chúng tôi bàn nhau ra tờ Nhân văn để làm lợi khí chống đối, báo này do chính tôi giữ một vai trò chủ chốt”.
Tờ báo Nhân văn đã có một mục đích chính trị phản động rất rõ rệt. Tên Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Báo Nhân văn có tính chất chính trị ngay từ số 1″. “Mục đích của tờ báo là khích động quần chúng cùng với chúng tôi chống lại lãnh đạo”. “Để đạt mục đích ấy, – đây vẫn là lời của tên Đang – chúng tôi đã dùng lối bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, các bài báo của chúng tôi không đúng sự thật, cứ viết bừa nói bừa, chuyện không nói có và nói toàn những vấn đề quan trọng để gây những tác hại lớn”.
Buổi chiều, Công tố ủy viên đã phân tích hoạt động phản quốc của bọn này trong mấy năm qua và bằng những dẫn chứng, tài liệu cụ thể vạch rõ hoạt động phá hoại của từng tên một. Nhận định về bọn gián điệp này, Công tố ủy viên nêu rõ: “Tất cả những hoạt động phá hoại của bọn bị can này đều nằm trong kế hoạch gián điệp, chiến tranh tâm lý của địch… Xét về hành động của bọn này, chúng ta thấy rõ, chúng đã lợi dụng tự do hội họp, tự do báo chí, lợi dụng các hình thức văn nghệ, ca kịch, điện ảnh, xuất bản, v.v… để vu khống xuyên tạc chế độ ta, nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc để cuối cùng thực hiện mục đích gây phiến loạn…”
Công tố ủy viên nhấn mạnh bằng những lời đanh thép: “… Vụ án mà tòa xét xử hôm nay là vụ án xử 5 tên gián điệp, phản cách mạng, phá hoại hiện hành hoạt động có tổ chức, thực hiện âm mưu của kẻ địch bên ngoài, tiến hành những hoạt động chiến tranh tâm lý đê hèn nhất, những hoạt động phá hoại thâm độc nhất để hòng cuối cùng lật đổ chế độ tốt đẹp của chúng ta ở miền Bắc”. “Vụ án Tòa xét xử hôm nay, là kết quả thắng lợi của một cuộc đấu tranh bền bỉ của nhân dân, của giới văn hóa và trí thức ta đã vạch trần bộ mặt gián điệp, phản cách mạng, hoạt động phá hoại hiện hành của các bị can Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại và Lê Nguyên Chí”.
Luật sư Đỗ Xuân Sảng bào chữa cho các bị can. Luật sư nêu rõ tội lỗi chung của từng bị can, đề nghị cụ thể áp dụng luật pháp với từng bị can và đề nghị tòa khoan hồng giảm nhẹ tội cho các bị can.
Các bị can phát biểu ý kiến cuối cùng, tất cả đều đã cúi đầu nhận tội và xin được hưởng mức án khoan hồng.
Sau khi vào phòng nghị án, căn cứ theo sắc lệnh số 133 ngày 20-1-1953, ông Chánh án đã tuyên án:
1/ Nguyễn Hữu Đang: 15 năm tù giam, 5 năm mất quyền công dân sau khi mãn hạn giam.
2/ Lưu Thị Yến tức Thụy An: 15 năm tù giam, 5 năm mất quyền công dân sau khi mãn hạn giam.
3/ Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức: 10 năm tù giam, 5 năm mất quyền công dân sau khi mãn hạn giam.
4/ Phan Tại: 6 năm tù giam, 3 năm mất quyền công dân sau khi mãn hạn giam.
5/ Lê Nguyên Chí: 5 năm tù giam, 3 năm mất quyền công dân sau khi mãn hạn giam.
Trong 15 ngày, các bị can được quyền kháng cáo.
Các đại biểu nhân dân thủ đô dự phiên tòa này rất căm phẫn trước âm mưu thâm độc của Mỹ – Diệm và hành động phản nước của bọn gián điệp và đã nhiệt liệt hoan nghênh bản án, hoan nghênh chính sách của Đảng và Chính phủ nghiêm trị những tên đầu sỏ và khoan hồng đối với những người bị lừa phỉnh, bị ép buộc lầm đường, đối với những người thật thà hối cải.
NGUYỄN VINH
Nguồn: Thủ đô Hà Nội, Hà Nội, 21/01/1960 (số 382) tr. 4.
Bình luận
Không có phản hồi (bài “Các bản tin về phiên toà xử Nhân văn – Giai phẩm (4)”)