talawas blog

Chuyên mục:

Valencia, Van Dyke & Ludwig viết về vùng biển của các đảo

30/04/2009 | 3:18 chiều | 25 Comments

Tác giả: Phạm Quang Tuấn

Category: Vấn đề Biển Đông
Thẻ:

Phạm Quang Tuấn dịch

Lời người dịch

Trong cuộc tranh luận về Biển Đông và Hoàng Sa-Trường Sa trên talawas cũng như các nơi khác, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là: các đảo Hoàng Sa-Trường Sa có được cho vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa không? Trung Quốc, vì chắc ăn đã chiếm được Hoàng Sa và sẽ chiếm được Trường Sa, cho rằng câu trả lời là có vì điều đó rõ ràng có lợi cho họ. Ông Trương Nhân Tuấn nhất quyết bảo vệ quan điểm đó của TQ. Ngược lại, ông Dương Danh Huy của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông cho là các đảo Hoàng Sa-Trường Sa không đủ lớn để có EEZ-thềm lục địa, hay ít ra là để có EEZ-thềm lục địa tối đa như đất liền (nghĩa là EEZ 200 hải lý và thềm lục địa tối đa 350 hải lý).

Ông Trương Nhân Tuấn hăng hái đến nỗi ông coi những người không đồng ý với ông (và với chính phủ TQ) về chuyện vùng biển của các đảo là vô ơn với các chiến sĩ và học giả đã hy sinh cho HS-TS: “… tôi phẫn nộ khi có người chủ trương các đảo của VN chỉ có hiệu lực 12 hải lý, đi ngược lại quyền lợi của VN và nội dung Luật Biển 1982 […] Nếu chủ trương các đảo chỉ có giá trị 12 hải lý thì rõ ràng chúng ta có lỗi rất lớn với những hy sinh vô biên của lớp người ấy. Chủ trương như thế cũng phủ nhận công lao các học giả đã mất cả đời nghiên cứu, chứng minh chủ quyền của VN tại các đảo ấy.

Thực ra, vấn đề này cũng đã bàn nhiều trong giới học giả quốc tế và đa số tác giả đã có một sự đồng thuận (consensus) nào đó. Một tài liệu nói về vấn đề này là cuốn Sharing the Resources of the South China Sea (Chia Sẻ Tài Nguyên Biển Nam Trung Hoa) của Mark J. Valencia, Jon M. Van Dyke và Noel A. Ludwig (Martinus Nijhoff Publishing, The Hague, 1997). Mark Valencia tốt nghiệp thạc sĩ về Biển đại học Rhodes Island và tiến sĩ đại học Hawaii, làm việc tại East-West Center. Jon Van Dyke là giáo sư (professor) luật đại học Hawaii. Cả hai đều có mấy chục năm kinh nghiệm về luật biển và biển Đông, và đã viết hơn trăm bài vở và sách nghiên cứu. Trong những năm gần đây, Valencia đã tư vấn về luật biển cho nhiều tổ chức quốc tế, nhiều chính phủ (kể cả Việt Nam) và nhiều hãng luật và hãng dầu. Tiểu sử của ông có thể đọc được ở http://www.nautilus.org/admin/staff/Valencia.html.

Tuy cuốn sách biên khảo công phu, tham khảo nhiều tài liệu, nhưng suốt trong cuộc tranh luận về biển Đông cho tới nay tôi đã không trích dẫn sách này vì Trương Nhân Tuấn đã bịa rằng Mark Valencia là người Philippines và thiên vị cho nước này, do đó ông cho rằng lý luận của Valencia vô giá trị. Thậm chí ông còn sáng chế ra thành ngữ “mắc bùa Valencia”, “dọn sân cho Phi” để chụp mũ ông Dương Danh Huy. Nay thì sự gian dối của Trương Nhân Tuấn đã bị lật tẩy, (https://www.talawas.org/?p=3112), tuy Trương Nhân Tuấn hãy còn chối (https://www.talawas.org/?p=3252), nên tôi đã xin phép Mark Valencia dịch vài trang từ cuốn sách cho độc giả talawas, bắt đầu từ trang 41. Tôi không dịch hay đăng lại hết các chú thích và tài liệu tham khảo trong bài này (tổng cộng trong 7 trang sách có 30 tài liệu tham khảo và 6 chú thích, chỉ đăng lại ba cái).

Giới thiệu bài này, không có nghĩa là tôi hoàn toàn đồng ý hay cho rằng Valencia và Van Dyke là “thẩm quyền tối hậu” – chỉ có Tòa án Quốc tế mới có thể được phong cho chức ấy – nhưng chỉ để độc giả có cơ hội đọc một tài liệu viết theo tiêu chuẩn học thuật quốc tế: khách quan, thận trọng, lý luận nghiêm túc, có bằng chứng vững vàng, không đầy những bịa đặt và cảm tính như nhiều bài chúng ta đã đọc gần đây về chuyện này. Ít ra, tôi nghĩ rằng họ hiểu “nội dung Luật Biển 1982” hơn bất cứ ai khác ở đây.

Pham Quang Tuấn

____________________

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ SỰ PHÂN CHIA CÁC VÙNG BIỂN
Trích dịch từ Sharing the Resources of the South China Sea
Mark J. Valencia, Jon M. Van Dyke và Noel A. Ludwig

Tầm quan trọng của Luật Biển UNCLOS trong cuộc tranh chấp Trường Sa

TQ, VN, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Singapore đã phê chuẩn UNCLOS 1982. Thái, Lào và Cambodia đã ký nhưng chưa phê chuẩn ở thời điểm 1996. Đài Loan không có thẩm quyền để gia nhập. Những nước nào đang đợi phê chuẩn thì không được hành động trái với những mục đích căn bản của công ước. Rất nhiều nước đã tuyên bố rằng họ coi UNCLOS đã nói ra cho rõ những thông lệ của luật pháp quốc tế (customary international law) vốn đã áp dụng cho biển, và Tòa án Quốc tế cũng đã ra quyết định rằng ít nhất là một phần nào của UNCLOS đã trở thành thông lệ của luật pháp quốc tế [tức là những nước không phê chuẩn cũng vẫn phải tuân theo]. Vì vậy chúng ta nên xem xét những điều khoản trong UNCLOS khi phân tích các vấn đề [về tranh chấp Trường Sa]. Nhưng cũng cần nhớ là có những điều khoản của UNCLOS có thể không được chấp nhận bởi tất cả các nước, và tục lệ của một vùng có thể thay đổi những quy tắc được chấp nhận ở các nơi khác.

Những “đá hay đảo” (features) nào bị ngập lúc thủy triều cao thì không có vùng biển

Nguyên tắc truyền thống này của luật thông lệ quốc tế được xác nhận bởi Điều 121 của UNCLOS 1982. Đòi vùng biển [từ chung cho lãnh hải, vùng tiếp giáp, EEZ và thềm lục địa] dựa theo những đá ngầm bị ngập lúc nước dâng không có giá trị, dù là có người xây cất lên trên.

Có đảo Trường Sa nào có khả năng có EEZ hay thềm lục địa theo Điều 121 của UNCLOS không?

Để có thể giải quyết các vấn đề ranh giới biển, vấn đề chính cần phải xem xét trước là có hòn đảo nào của Trường Sa nào có khả năng có EEZ hay thềm lục địa không. Từ 25 tới 35 hòn trong 80-90 hòn khác nhau (distinct features) trong vùng Spratley cao hơn mặt biển lúc thủy triều cao, và do đó có thể gọi là “đảo” theo Điều 121 của UNCLOS 1982 và dường như được lãnh hải (territorial sea). Tuy nhiên Điều 121(3) nói rằng “những đá (rocks) không tự duy trì được sự cư trú hay đời sống kinh tế của con người thì không có EEZ hoặc thềm lục địa”.

Từ “đá” (rock) không được định nghĩa trong công ước, và đã được diễn giải nhiều cách. Một bài viết mới đây của một công ty luật Mỹ do Việt Nam mướn khẳng định rằng có một sự đồng thuận (consensus), và “hầu hết (overwhelming majority) những nhà bình luận cho rằng từ đó phải được hiểu là kể cả những đảo nhỏ” [1]. Bài này cũng khẳng định rằng có sự đồng ý rằng công thức “cư trú của con người” đòi hỏi là ít ra phải có khả năng cho một số thường dân (civilian population) cư trú lâu dài – quân nhân và người coi hải đăng không đủ điều kiện.

Như đã tả ở trên, cho tới gần đây các đảo Trường Sa không có người ở ngoại trừ đôi khi có dân đánh cá thăm viếng. Tuy có người đôi khi thăm viếng, nhưng chắc chắn những đảo ấy không có đời sống kinh tế độc lập riêng của nó. Ngôn ngữ trong Điều 121(3) dường như đòi hỏi rằng “đời sống kinh tế” của các đảo phải là “riêng của nó” (of their own). Một đời sống kinh tế nhân tạo, nương tựa vào dân ở xa, cốt để chiếm hữu một vùng biển mở rộng, thì không đủ.

Đảo lớn nhất, Itu Aba, có diện tích 0,43 km vuông. Đảo Spratly diện tích 0,15 km vuông và chỉ có năm đảo khác lớn hơn 0,1 km vuông – Thi Tu, West York, Northeast Cay, Southwast Cay và Sand Cay. Những đảo còn lại thực sự rất nhỏ. Cao nhất là đảo Namyit, cao 6,2 m. Chỉ có mười hòn đảo có cây mọc tự nhiên – Itu Aba, Loaita, Namyit, Namshan, Northeast Cay, Sand Cay, Southwast Cay, Thi Tu, West York và Sin Cove. Chỉ có vài đảo đã được dùng để khai thác phân chim – Spratly, Amboyna Cay và Southwest Cay. Itu Aba và Thi Tu đã được dùng làm căn cứ địa phương trong lịch sử bởi dân đánh cá Hải Nam và những nơi khác.

Trong một số bài trước, một trong những tác giả sách này đề nghị rằng chỉ những đảo có thể duy trì một dân số vững bền ít nhất 50 đầu người mới có thể cho phép phát sinh những vùng biển, và Trường Sa không hội đủ điều kiện này [2]. Nhiều tác giả khác cũng đi tới kết luận tương tự về sự không có khả năng duy trì dân cư và do đó không thể có EEZ và thềm lục địa. [Footnote f kể ra bảy nhóm tác giả.] Chính quyền Việt Nam dường như chấp nhận quan điểm là các đảo Trường Sa không thể có EEZ và thềm lục địa. Đại sứ Indonesia Hasjim Djalal – bây giờ là Chủ tịch Hội nghị của Cơ quan Quốc tế về Đáy Biển (International Sea-Bed Authority và là điều hợp viên của những hội thảo về tranh chấp Biển Đông do Indonesia đỡ đầu – cũng đã phát biểu quan điểm ấy. Mặc dù có những lý lẽ rất mạnh để không cho đảo nào ở Trường Sa được có vùng biển mở rộng [tức là EEZ và thềm lục địa], thỉnh thoảng cũng có những tác giả tiếp tục đề nghị rằng ít ra vài đảo có thể có vùng biển mở rộng [3]. Và Trung Quốc thường hành động như thể họ cho rằng những đảo Trường Sa có thể có vùng biển mở rộng.

Làm sao để giải quyết vấn đề này? Các nước đang tranh dành có thể thỏa thuận với nhau rằng không đảo nào có thể có vùng biển mở rộng chăng? Hoặc là, họ có thể thỏa thuận cho các đảo một “vùng khu vực” (regional zone) chung do một Cơ quan Quản lý Trường Sa cai quản?

Chúng tôi nghĩ rằng cách tiếp cận tốt nhất, dựa theo luật pháp quốc tế, logic và thực tế là không cho đảo Trường Sa nào một vùng biển mở rộng cả. Khái niệm vùng biển mở rộng được chấp nhận bởi UNCLOS 1982 vì thấy rằng cho những dân cư ven biển lãnh trách nhiệm quản lý và khai thác những tài nguyên cạnh đó là chuyện hợp lý. Tuy nhiên khi không có dân bản xứ thì logic đó không áp dụng, và không nên cho vùng biển mở rộng. Điều 121(3) dựa theo nhận thức này và phải hiểu theo cách đó.

Nhưng nếu các nước không thỏa thuận được theo cách này, có thể có một giải pháp thứ hai là cho các đảo có một “vùng khu vực” quản lý chung. Giải pháp này công nhận rằng Trường Sa đã được thăm và, ở một mực tối thiểu nào đó, được dùng bởi dân trong vùng từ nhiều thế kỷ, và phải tiếp tục được coi là tài nguyên chung. Giải pháp này đã có tiền lệ trong vụ xử Gulf of Fonseca ở Tòa án Quốc tế (International Court of Justice), khi mà Honduras, Nicaragua và El Salvador được công nhận là có đồng chủ quyền (“condominium” ownership) lên vùng biển và tài nguyên vịnh Fonseca, được gọi là vùng biển lịch sử sở hữu chung. Trong một đoạn sau, chúng tôi sẽ phân tích vụ Vịnh Fonseca và vài ví dụ về cách quản lý chung một vùng như vậy.

Có đảo nào ở Trường Sa phải được coi là “đảo nhân tạo”, và nếu có thì tình trạng pháp lý của chúng ra sao?

Điều 60(8) của UNCLOS nói rõ rằng những đảo nhân tạo thì không có khả năng có EEZ hay thềm lục địa. Có vẻ cần coi vài cái kiến trúc hiện thời là “đảo nhân tạo”. Căn cứ ở Subi Reef và Johnson South Reef bởi TQ có vẻ rõ ràng cần được gọi như vậy, căn cứ của Malaysia ở Dallas Reef và căn cứ của Việt Nam ở Vanguard và Prince of Wales Banks cũng vậy.

Điều 60(8) được viết để ngăn cản các nước đừng xây cao lên trên những đá ngầm và đá chỉ hiện khi nước xuống, với mục đích phát sinh những vùng biển mở rộng mà trước đó không có. Nếu không hiểu theo cách rõ ràng đó thì chúng ta sẽ thấy trước là các nước sẽ tiếp tục xây cao lên những hòn đá ngầm để đòi biển.

Có nước nào được quyền đòi vùng biển [Trường Sa] làm vùng biển quần đảo?

[Tóm tắt: trong các nước đòi Trường Sa, chỉ Philippines là có quyền đòi vùng nước Trường Sa là vùng biển quần đảo (archipelagic waters), vì Phi đã sẵn là một quần đảo (UNCLOS Điều 47/1 và 46a). Muốn làm vậy thì Phi phải vẽ đường căn bản bao gồm Trường Sa. Tuy nhiên, vì theo tin tức mới nhất năm 2009, Phi đã quyết định không làm việc đó, nên miễn dịch đoạn này.]

Những đảo Trường Sa cao hơn thủy triều cao thì có được lãnh hải 12 hải lý không?

Điều 3 UNCLOS 1982 cho phép mỗi nước thiết lập lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý, và Điều 121 cho các đảo trên thủy triều cao cũng được một vùng như vậy. Việt Nam đã tuyên bố lãnh hải 12 hải lý quanh [các đảo] Trường Sa vào năm 1977, và TQ cũng tuyên bố như vậy trong Luật Lãnh hải 1999 của họ. Một tác giả cho biết Malaysia đã tuyên bố lãnh hải 12 hải lý quanh Swallow Reef và Amboyna Cay nhưng không tuyên bố cho những đảo khác mà họ đòi.

Tuy UNCLOS cho phép các nước công bố lãnh hải 12 hải lý ven bờ và quanh các đảo, điều đó không có nghĩa là chiều rộng đó thích hợp ở mọi chỗ và cho mọi mục đích. Điều 300, “Thiện chí và lạm quyền”, nhắc nhở rằng các nước không được viện dẫn quyền lợi theo Công ước một cách làm thiệt hại đáng kể cho nước khác. Chẳng hạn, có những trường hợp khi một hòn đảo ở bên kia một đường ranh giới biển thì các nước liên hệ đã chấp nhận một lãnh hải ít hơn 12 hải lý cho đảo đó. Hiran W. Jayewardene (1990) dẫn chứng các trường hợp đảo Isla Patos thuộc Venezuela, nằm giữa nước này và Trinidad & Tobago, đảo Dayyinah của Abu Dhabi nằm giữa nước này và Qatar, và những đảo của Úc trong eo biển Torres giữa Úc và New Guinea, tất cả những đảo này đều chỉ có lãnh hải 3 hải lý. Đây là những tiền lệ hợp lý cho Biển Đông, vì những đảo như Trường Sa đều nhỏ và ít dân cư. Những đảo trong Biển Aegean chỉ có lãnh hải 6 hải lý. Đại sứ Indonesia Hasjim Djalal nhận xét vào tháng 7/1995 rằng ông không cảm thấy những đảo Trường Sa có quyền có lãnh hải gì hết, mà chỉ phải được bảo vệ bởi một “khu an toàn”. Chắc chắn những nước đang tranh chấp có thể thỏa thuận rằng những đảo cao hơn thủy triều cao chỉ được lãnh hải ít hơn 12 hải lý, và thỏa thuận như vậy sẽ phù hợp với quan điểm rằng tài nguyên của khu vực này phải được chia sẻ giữa các dân tộc trong vùng, hay có thể là cộng đồng quốc tế nói chung.

GHI CHÚ VÀ THAM KHẢO

[1] Brice M. Clagett, Competing Claims of Vietnam and China in the Vanguard Bank and Blue Dragon Areas of the South China Sea, 1954, Oil & Gas L. & Taxation Rev. 375 and 419, at 386.
[2] Jon M. Van Dyke & Dale L. Bennett, Islands and the Delimitation of Ocean Space in the South China Sea, in Ocean Yearbook 10, 75-80, 89 (1993).
[3] Vd. Daniel J. Dzurek, South East Asian Offshore Oil Disputes, in Ocean Yearbook 11 at 171 (1994); Victor Prescott, Maritime Hurisdiction in South East Asia: Commentary and Map (Honolulu: East West Center, 1981); Victor Prescott, Sharpening the Geographical and Legal Focus on the Potential Regional Conflict in the Spratly Islands 5 (paper presented at the Workshop on the Spratly Islands), Institute of South East Asian Studies (ISEAS) (1993); Haller-Trost (1994), International Law and the History of the Claims to the Spratly Islands 10 (South China Sea Conference, American Enterprise Institute, Sept. 7-9, 1994). Jorge R. Coquia, Maritime Boundary Problems in the South China Sea, 24 U.B.C. L. Rev. at 120, dường như cũng cho rằng “nước nào sở hữu Trường Sa thì sẽ có quyền tuyên bố quyền lực pháp lý (jurisdiction) và chủ quyền (sovereignty) lên một vùng biển rộng”, tuy rằng ông cũng công nhận rằng những đảo này không thể duy trì được sự cư trú của con người.

Bình luận

25 Comments (bài “Valencia, Van Dyke & Ludwig viết về vùng biển của các đảo”)

  1. Dương Danh Huy viết:

    Cho tới nay, điều tôi trân trọng ở ông Hòa Nguyễn là tinh thần phản biện độc lập.

    Đồng ý với bác Nghiêm Quang.

  2. Dương Danh Huy viết:

    EEZ 12 HL như là “tuyến phòng thủ” hiện nay của VN, được Valencia (và nhiều nhà phân tích) cho là “dường như VN bằng lòng”. Nên dù ông Huy hay vài người nữa đề nghị, đồng ý việc này, cũng không đem lại lợi nhiều hơn, mà dễ bị cho ủng hộ quan điểm nhà nước (như đã thấy, dù chẳng làm sao).

    Như tôi đã nói, Quỹ Nghiên cứu Biển Đông và cá nhân tôi có 3 mục đích:

    1. Đem thông tin tới người Việt:

    Khía cạnh 12 HL nói riêng hay hiệu lực của HSTS nói chung cũng là thông tin, mà cho tới nay chưa được đề cập tới nhiều trên các kênh đại chúng.

    Khi chúng tôi bắt đầu đưa v/d này ra thì phần lớn thông tin không hơn “HSTS là của VN”.

    2. Nghị kiến với CPVN:

    Nghị kiến ở đây là CP VN cần phải tích cực khai thác khía cạnh đó để xây dựng lập trường chung ASEAN, thay vì chỉ “HSTS là của VN”.

    4. Tranh thủ dư luận nước ngoài:

    Dùng cả 2 khía cạnh “HSTS là của VN” và “HSTS chỉ được 12 HL (hay ít hiệu lực)”.

  3. Nghiêm Quang viết:

    Ông Trương Nhân Tuấn có viết:
    “…điều đáng tiếc là dường như mọi người trên talawas (không vơ đũa cả nắm, những người lên tiếng về việc này) hầu hết đều đứng về phe ông Phạm Quang Tuấn, ngoại trừ một hai người như ông Hòa Nguyễn, Tôn Thất Tuệ…”.

    Cho tới nay, điều tôi trân trọng ở ông Hòa Nguyễn là tinh thần phản biện độc lập.

    Hòa Nguyễn vẫn tiếp tục tranh luận với các ông Phạm Quang Tuấn, Dương Danh Huy, tuy nhiên không vì những lời lẽ có tính chất phe phái trên kia mà ông dành sự ủng hộ vô điều kiện cho nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn.

    Quan trọng nhất, ông đã có kết luận riêng về vấn đề giải pháp Valencia có lợi cho ai, điểm mấu chốt trở đi trở lại trong những bài viết suốt một tháng qua. Một lần nữa, xin cám ơn tinh thần phản biện của Hòa Nguyễn.

    EEZ 12 HL như là “tuyến phòng thủ” hiện nay của VN, được Valencia (và nhiều nhà phân tích) cho là “dường như VN bằng lòng”. Nên dù ông Huy hay vài người nữa đề nghị, đồng ý việc này, cũng không đem lại lợi nhiều hơn, mà dễ bị cho ủng hộ quan điểm nhà nước (như đã thấy, dù chẳng làm sao).

    Trong tình hình TQ chiếm trọn HS,và một số đảo TS nằm ở phía cực tây, gần với bờ biển VN nhất,thì ước muốn không có HS&TS, hay mỗi đảo ở nơi đó chỉ có lãnh hải 12 HL (không có EEZ) thấy ở VN (tuy không chính thức, nhưng qua một số diễn đàn), hay ở các luât gia có cảm tình hoặc làm việc cho VN, như Valencia…
    (trích Hòa Nguyễn)

  4. Dương Danh Huy viết:

    @Các bác,

    V/d HSTS nên được 12 HL lãnh hải hay cả 200 HL EEZ là điều hay để bàn.

    Và việc các bác chịu khó bàn về nó là điều rất hay. Ít người quan tâm đủ để bàn.

    Thật ra tôi nghĩ cách hay nhất là xin Toà án Công lý Quốc tế ban ý kiến tư vấn. Hay là xem Internationa Tribunal on the Law of the Sea có phán quyết không.

    Khỏi tranh cãi. Khỏi ai cảm thấy VN bị thiệt hại (đòi nhiều EEZ cho HSTS cũng là thiệt hại cho VN). Khỏi ai chửi ai dâng cống gì cho TQ, Phi.

    Mà tôi thấy nhiều luận điểm chỉ dựa trên có phải rock hay không (Điều 121.3 hay không). Như vậy chỉ nhìn 1/2 vấn đề và khó có trả lời công bằng.

    Trong việc phân định chủ quyền, Toà và các nước không chỉ xét “đảo” đó mà còn xét các vùng lãnh thổ chung quanh để xem thế nào là công bằng. Tiêu chuẩn của việc phân định chủ quyền là sự công bằng.

    Giữa “có thể có EEZ” và “được 200 HL hay 100% hiệu lực” là một khoảng cách lớn.

    @Bác Hoà,

    Tôi nghĩ Phi không dại gì đòi 200 HL EEZ cho Thị Tứ. Thị Tứ nằm gần Phi hơn VN, TQ nằm trong EEZ 200 HL từ bờ biển chính của Phi. Nếu cho là Thị Tứ được 200 HL EEZ thì EEZ 200 HL từ bờ biển chính của Phi sẽ bị thiệt hại nhiều nhất, trong khi Phi có thể đòi thêm ít hơn.

    Về Indonesia: Indonesia là quốc gia quần đảo, UNCLOS cho phép vẽ đường cơ sở quần đảo, khác với HSTS.

  5. Hoà Nguyễn viết:

    (Tiếp)
    TQ tính rất kỹ khi đánh chiếm của VN tuy chỉ mấy hòn đảo, đá, bãi nhỏ, nhưng nằm ngoài rìa phía tây TS, hướng về bờ biển VN. Thấy rõ TQ dự mưu dùng các đảo đó để gây tranh chấp vùng Tư Chính -Vũng Mây và trũng Nam Côn Sơn nơi biết có nhiều dầu. Tôi nghĩ lưỡi bò tuy hiện TQ vẫn còn giữ, nhưng chỉ làm “diện”, TQ không sử dụng dù vẫn nói tới, còn “điểm” là EEZ 200 HL quanh các đảo HS đã chiếm trọn và ở TS gần VN. Từ đó TQ gây tranh chấp với VN, Indo, Mã, Brunei, và Phi. Riêng VN bị hai sức ép từ HS và TS.
    Việc Phi muốn biến Thitu (và vài đảo nữa) thành nơi có người ở, tôi nghĩ do để phòng khi TQ đòi 200 HL EEZ từ các đảo TQ ở TS; lúc đó Phi cũng sẽ đòi như vậy, nhưng là để bảo vệ EEZ từ Thitu trở về Palawan, không phải hướng về phía VN. Đơn giản là Phi không đủ sức .
    VN không thể đòi hỏi TQ làm theo đề nghị của mình (EEZ 12 HL), và TQ có khả năng đòi các đảo có EEZ 200 HL khi họ thấy chuẩn bị đủ, đúng thời cơ và nếu có lợi hơn. VN nên tìm cách đáp ứng thích hợp trước mưu tính của đối phương.

    EEZ 12 HL như là “tuyến phòng thủ” hiện nay của VN, được Valencia (và nhiều nhà phân tích) cho là “dường như VN bằng lòng”. Nên dù ông Huy hay vài người nữa đề nghị, đồng ý việc này, cũng không đem lại lợi nhiều hơn, mà dễ bị cho ủng hộ quan điểm nhà nước (như đã thấy, dù chẳng làm sao). Thật tiếc: VN chiếm thế mạnh hơn nếu còn giữ trọn HS (như trước 1956) hay chỉ giữ một nửa HS (trước 1974), và không bị mất mấy đảo TS (từ 1988), khi đó EEZ 200 HL sẽ đem lại lợi ích rất lớn

  6. Hoà Nguyễn viết:

    Ông Huy viết: “… đủ nói là chủ trương “12 HL” (hay 24, 36, hay trong 5-6 giải pháp tôi đã nói tới) có lợi cho VN.
    Ngược lại, chủ trương “200 HL hay 100% hiệu lực” có lợi cho Trung Quốc, có hại cho Việt Nam.”

    Tôi đã viết nếu không kể đến các đảo HS và TS (là giả thuyết ông Vũ Hữu San nêu ra có lẽ dựa theo Valencia) sẽ xóa được cái “lưỡi bò” TQ; nhưng khi viết nếu mỗi đảo có EEZ 12HL tôi không nói lưỡi bò sẽ bị xóa. Lý do vì lưỡi bò đó được TQ vẽ từ 1947 lúc hải phận các nước chỉ 12 HL (trước nữa chỉ 3 HL). Nếu để ý thì thấy lưỡi bò đi rất sát các đảo Borneo và Phi, và dường như ở quãng đó chỉ cách đất liền 12 HL. Nhưng chỉ cần dựa vào UNCLOS, các nước VN, Mã, Brunei, Phi cũng có thể cho lưỡi bò này vô giá tr ị, không cần xét EEZ đảo là 12 HL hay hơn. Lý lẽ mạnh nhất là TQ không phải nước quần đảo nên không thễ vẽ đường cơ sở thắng đi qua các đảo nhỏ ở HS và TS để tạo ra vùng nội thủy lớn như vậy. Thật ra, nhiều người tìm hiều nhưng không biết TQ căn cứ vào đâu để vẽ lưỡi bò, cho nên nghĩ là nó chỉ có ý nghĩa tượng trưng.
    Indonesia hiện nay cũng bị TQ “đặt vấn đề” (tranh chấp)tại nhóm đảo Natuna nơi Indo khai thác nhiều dầu (Natuna nằm ngoài vịnh Thái Lan, ở phía Nam VN. bên ngoài TS).

    Các nước ĐNA có thể đoàn kết để chống lại lưỡi bò TQ. Nhưng nếu Indo có thể đồng ý 12 HL EEZ quanh các đảo HS&TS nơi họ không dính dáng, sẽ không chịu giới hạn EEZ 12 HL quanh nhóm đảo Natuna, mở rộng hơn về phía VN, từng tranh chấp với VN từ thời VNCH (dường như nay đã giải quyết).

  7. Nghiêm Quang viết:

    1.
    “Thitu lớn hơn 0,1 km2” đâu có mâu thuẫn với việc “Thitu lớn thứ nhì ở Trường Sa rộng 0.372 km2”. Ông Hòa Nguyễn đọc hơi vội nên cho rằng Valencia “sai trầm trọng”. Vả lại, năm 1997 chưa phải quá xa, quá lạc hậu đến mức Valencia “thiếu thông tin xác thực thời đó”.

    2.
    ““có đời sống kinh tế” (hoặc thêm từ “tư thân” của ông Lưu Linh) tôi hiểu không phải sống bằng cấp dưỡng của chính phủ hay tổ chức nào.” (Hòa Nguyễn)

    Nếu người dân có nhà cửa trong đất liền đem cho thuê, cho mướn rồi ra đảo sống, như vậy cũng được gọi là đảo “có đời sống kinh tế tự thân”?

    3.
    “Phi là nước nghèo, không thể “nuôi” 300 dân trên đảo trong 7 năm nay, và còn phải tiếp tục “nuôi” thêm nhiều năm nữa để cho là tạo ra nơi có người cư trú và đời sống kinh tế “nhân tạo”.” (Hòa Nguyễn)

    Lập luận trên không có căn cứ số liệu. Dù Phi là nước nghèo thì việc chu cấp cho 300 dân không phải là quá sức với nền kinh tế 168 tỷ USD nầy.

    4.
    Thế nào là “có đời sống tự thân” dầu sao vẫn còn là điểm mập mờ. Phải đợi UNCLOS lần sau?

  8. Phạm Quang Tuấn viết:

    Bác Hòa:
    1. Tôi biết bác đọc thế và viết thế. Bác suy diễn như vậy là sai. Câu dịch từ sách không hề nói là Thitu nhỏ hơn Spratly. Có thể vì đảo Spratly được lấy tên đặt cho cả quần đảo, nên họ minh xác là nó không to hơn Itu Aba. Bác hãy tìm đọc cuốn sách, nó có nói rõ là Thitu là đảo lớn thứ 2.
    2. “Phi là nước nghèo, không thể “nuôi” 300 dân trên đảo trong 7 năm nay, và còn phải tiếp tục “nuôi” thêm nhiều năm nữa để cho là tạo ra nơi có người cư trú và đời sống kinh tế “nhân tạo”.” Tôi không biết nói sao trừ… bật cười.

  9. Hoà Nguyễn viết:

    (Trả lời tiếp ông Phạm Quang Tuấn)
    1/ Vì bản dịch Valencia viết: “Đảo lớn nhất, Itu Aba, có diện tích 0,43 km vuông. Đảo Spratly diện tích 0,15 km vuông và chỉ có năm đảo khác lớn hơn 0,1 km vuông – Thi Tu, West York, Northeast Cay, Southwast Cay và Sand Cay.”
    Nên tôi viết:
    “…diện tích đảo Thitu của Phi được Valencia xếp sau đảo Itu Aba của Đài Loan (0,46 km2),sau cả đảo Spratly của VN (0,15 km2), và cho chỉ trên 0,1 km2. Nhưng thật sự Thitu lớn thứ nhì ở Trường Sa rộng 0.372 km2”.

    2/ “có đời sống kinh tế” (hoặc thêm từ “tư thân” của ông Lưu Linh) tôi hiểu không phải sống bằng cấp dưỡng của chính phủ hay tổ chức nào. Phi là nước nghèo, không thể “nuôi” 300 dân trên đảo trong 7 năm nay, và còn phải tiếp tục “nuôi” thêm nhiều năm nữa để cho là tạo ra nơi có người cư trú và đời sống kinh tế “nhân tạo”. Người dân trên Thitu có thể đánh bắt hải sản, làm công việc sửa chữa tàu thuyền, lưới đánh cá…, bán lại những thú tìm được ở vùng gần đó để có thu nhập dùng mua gạo, mắm, và những thứ cần thiết khác chở ra từ đảo quản lý hành chính là Palawan. “Có đời sông kinh tế tự thân” không thể hiểu đơn giản là phải lao động để sản xuất đủ mọi thứ cần thiết cho sự sinh tồn, vì kinh tế có tinh cách trao đổi, giao lưu qua thương mại.

    Tôi quên kể Phi còn xây trên đảo Thitu một đường bay dài 1.4 km có thể nhận máy bay phản lưc quân sự (và dân sự). Họ dự định lâp căn cứ hải quân trên đảo (nhưng chắc cũng ngại TQ phản ứng), và muốn biến Thitu thành trung tâm du lịch.

  10. Phạm Quang Tuấn viết:

    Không biết bác N Hòa và bác Luu Linh có liên hệ gì không mà có chữ “tiếp” trong phản hồi của bác Hòa! Anyway, xin trả lời chung:
    1. Valencia thường được giới thiệu là “maritime policy analyst, political commentator and consultant ” và “Maritime Policy Expert” và đã publish nhiều về chuyện đó. Vậy ông làm consultant về luật biển (chuyện pháp lý) không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều mà tôi muốn nhấn mạnh là ông KHÔNG PHẢI LÀ LUẬT SƯ BÀO CHỮA CHO VN.
    2. Như đã nói, khi diễn giải luật biển, đảo, đá v.v. thì tôi tin Valencia và Van Dyke (professor of law) hơn là bác Hòa/bác LL.
    3. Bác Hòa viết “Sách của Valencia dữ kiện sai trầm trọng, do thiếu thông tin xác thực thời đó. Thí dụ, diện tích đảo Thitu của Phi được Valencia xếp sau đảo Itu Aba của Đài Loan (0,46 km2),sau cả đảo Spratly của VN (0,15 km2), và cho chỉ trên 0,1 km2”. Bậy! Sách của Valencia không nói là “diện tích đảo Thitu của Phi được Valencia xếp sau cả đảo Spratly của VN (0,15 km2), và cho chỉ trên 0,1 km2”. Chỉ đọc có 40 chữ tiếng Việt mà bác Hòa cũng diễn dịch sai rồi bảo người ta “sai trầm trọng”!!!
    4. Bác Hòa viết “[Thitu] có được đời sống kinh tế theo điều kiện UNCLOS đặt ra” là lại càng sai. Cái Wikipedia link bác cho nói “Pagasa residents raise pigs, goats and chickens and plant crops […] to SUPPLEMENT their supplies of goods provided by a naval vessel which visits once a month”. Như vậy thì làm sao mà gọi là đời sống kinh tế tự lập? Bác biết chữ “supplement” có nghĩa là “phụ thêm” chứ?

1 2
  • talawas - Lời tạm biệt

  • Nói lời chia tay sau 9 năm tồn tại, chúng tôi thiết tha hi vọng vào sự ra đời của những mô hình báo chí và truyền thông mới, thực hiện bởi những người được trang bị những khả năng và phương tiện mà chúng tôi đã không thể có, với cùng một nhiệt thành phấn đấu cho một nền báo chí tự do cho Việt Nam… đọc tiếp >>>

  • Phản hồi mới nhất của độc giả

    talawas blog: Cảm ơn tất cả! Tạm biệt và mong ngày ...
    Trung Thứ: Trích: „Ngoài ra, việc duy trì nhóm khởi...
    Hà Sĩ Phu: LỜI TẠM BIỆT: Buông lơi “một...
    Phùng Tường Vân: Dục Biệt Nhung Dục (Trung Đường) có ...
    Hoài Phi: Chỉ còn vài phút thôi là talawas chính th...
    Hà Sĩ Phu: @ixij Bạn ixij đã gõ đúng chỗ tôi c...
    P: Kính gửi hai bác Lê Anh Dũng và Trung Thứ...
    Hoangnguyen: Không biết những dòng chữ này còn kịp ...
    Trần Quốc Việt: Dear Talawas, Thank you! You're gone now but I ...
    Nguyễn Ước: Xin lỗi. Tôi hơi bị nhớ lầm vài chữ t...
    Trung Thứ: Thưa bác Lê Anh Dũng, Thời giờ cũng đ...
    Trần Quốc Việt: Hành trang rời Talawas: Live Not By Lies ...
    Hoà Nguyễn: Qua bức thư hết sức nhã nhặn, lịch s...
    Trần Việt: Ôi, nếu được như bác Hữu Tình hình du...
    ixij: Không được tham gia trả lời 3 câu hỏi ...
    Lâm Hoàng Mạnh: Đốt Lò Hương Cũ. Mượn thơ của Th...
    P: Cũng xin góp thêm một bài mới biết :D ...
    Lê Tuấn Huy: Xin gửi anh VQU, TV và những người quan t...
    Khiêm: Cảm ơn nhà văn Võ Thị Hảo đã thực hi...
    Phùng Công Tử: Bị bắt cũng đáng! Vào blog của CoigaiDoL...
    Phùng Công Tử: Nô lệ của văn hóa Trung Quốc: Đi hỏ...
    classicalmood: Bài viết có một số điểm tích cực nh...
    Thanh Nguyễn: Đọc những con số thống kê trong bài vi...
    Phùng Tường Vân: Vĩ Thanh tiễn chị Hoài Thế sự mang ...
    Tiêu Kiến Xương: ĐBA mượn lời ông bác nông dân: "Nói gì...
    dodung: "Sóng lớp phế hưng coi đã rộn......
    Camillia Ngo: Chín năm, một quãng đường dài, Bóng ng...
    Camillia Ngo: Một dân tộc u mê, hèn kém tột độ mớ...
    Thai Huu Tinh: Thưa các bác Trần Việt, Quốc Uy, Tuấn H...
    Phùng Tường Vân: " Thứ nhất, nói mọi thứ đều thối ná...
    Nguyễn Ước: Tôi không vào được Phản hồi bên bài C...
    Tôn Văn: Tiếp theo „Lời tạm biệt“ Câu hỏi...
    Trần Việt: Công bằng mà nói một cách ngắn gọn, Gs...
    Phùng Công Tử: Và gần đây tôi cảm thấy hơi phiền hơ...
    Bùi Xuân Bách: Việc talawas ngừng hoạt động tuy có là ...
    Nguyễn Chính: Gửi chị Phạm Thị Hoài và Ban Biên tập...
    Lê Tuấn Huy: Việc cảnh giác, tôi đã nói đến. Tôi t...
    vuquocuy: - Tác giả Lê Tuấn Huy đã phát hiện rấ...
    Hạnh Đào: Hơn tuần nay, tôi ngần ngại không muốn ...
    classicalmood: Talawas đột ngột chia tay khiến không ít ...
    Lê Anh Dũng: Bravo ý tưởng tuyệt vời của Arthur, ...
    Thanh Nguyễn: Chào chị Hoài, Cảm ơn tâm huyết và nh...
    Thanh Nguyễn: Cảm ơn ý kiến của anh Hoàng Ngọc Tuấn...
    Hà Minh: Cuộc vui nào cũng phải đến lúc tàn, (al...
    P: Xin có lời cảm ơn gửi đến những ngư...
    Nguyễn Đình Đăng: Tôi lợi dụng chính phản hồi của mình ...
    Arthur: Có nên đề nghi BBT Talawas chơi/hát lại b...
    Phùng Tường Vân: Tôi xin kể thêm truyện này, nghe cũng lâu...
    Hà Sĩ Phu: @ Nam Dao Đây là bài “bình thơ chơi” v...
    Lê Anh Dũng: Thưa bác Trung Thứ, Cám ơn bác về nhã...
    Trần Việt: Đồng ý với ông Lê Tuấn Huy. Tuy chỉ c...
    Trầm Kha: CÓ THẾ CHỨ! THẾ MỚI 'TIỀN VỆ' CHỨ!...
    Phùng Tường Vân: Hết xảy ! (http://www.talawas.org/?p=26665#co...
    Hoàng Ngọc-Tuấn: Xin thông báo cùng quý vị: Để tiếp n...
    Dương Danh Huy: Cảm ơn bác Phùng Tường Vân và Lâm Hòan...
    Phùng Tường Vân: Đôi lời thưa thêm với bác D.D.Huy, Xin...
    chuha: Mỗi người có một "gu" ăn phở. Riêng t...
    Trương Đức: "Chị Hoài ơi, chị Hoài ơi Niết Bàn nà...
    Phùng Tường Vân: Thưa Bác Dương Danh Huy Xin vội vã trìn...
    Dương Danh Huy: À, có điều tôi muốn nhắc các bác: K...
    hlevan: “Le coeur a ses raisons que la raison ignore” ...
    Dương Danh Huy: Bác Phùng Tường Vân, Lâm Hòang Mạnh &...
    Phùng Tường Vân: CẨN BẠCH Nhận biết được giới hạ...
    Le Van Hung: Thử lướt qua các trang web Việt Nam, chún...
    Đinh Minh Đạo: Tin TALAWS sẽ ngừng hoạt động làm tôi n...
    Lê Quốc Trinh: Cám ơn tác giả Phạm Hồng Sơn, Nếu c...
    Le Van Hung: "Giáo dục, giáo dục và giáo dục (có l...
    classicalmood: Vậy thì quyết định đóng cửa Talawas, n...
    VanLang: "Merda d’artista" vẫn đang được trưng b...
    Khiêm: Bác Phùng, Một người quen cho biết xếp...
    Nguyễn Đăng Thường: Đập phá & xây dựng “Đạp đổ t...
    Tonnguyen147: Bác Phùng Tường Vân, Người ta không ...
    Hoà Nguyễn: Hôm nay có tin đại biểu Quốc hội Việt...
    Hoà Nguyễn: Báo Người Việt hôm nay đăng toàn văn l...
    Trung Nu Hoang: @ Tạm Biệt talawas. Với lòng quý mến ...
    Tonnguyen147: Bác Trung Thứ và các bác ơi, Chủ Nh...
    VanLang: Đầu thập niên 90 Việt Nam lạm phát phi ...
    Nam Dao: Trình với cả làng Thể ý Trưng Nữ Ho...
    Lâm Hoàng Mạnh: Nâng cốc, cụng ly ... hết váng đầu Nh...
    Hoà Nguyễn: Cứ tưởng nếu khách ngồi bàn chuyện ho...
    Nam Dao: Anh thân mến Quí trọng những việc an...
    Thanh Nguyễn: Talawas trước giờ lâm chung mà vẫn đau ...
    Phùng Tường Vân: Chiếc Cân Thủy Ngân ..."Cứ xét theo ...
    Trung Nu Hoang: Nếu nhà văn Phạm Thị Hoài và BBT Talawas...
    Bắc Phong: bác bị váng đầu thèm uống rượu cứ ...
    Lê Thị Thấm Vân: Ngân trong "là con người", một trích đo...
    classicalmood: Talawas đột ngột chia tay khiến không ít ...
    Trung Thứ: Thưa bác Lê Anh Dũng, Tôi xin chia sẻ thê...
    Canuck: Bác Nguyễn Phong, Tui thấy đây là vấn...
    Nguyễn Đình Đăng: Bravo! Như một minh hoạ cho bài này mờ...
    Dương Danh Huy: Bác Phùng Tường Vân, Tôi đã set up hai...
    Phùng Tường Vân: @Nguyên Phong (http://www.talawas.org/?p=26665#c...
    Nguyễn Phong: Tôi thấy các bác hơi lạc quan và ảo tư...
    Thuận: Chỉ còn ít giờ nữa, Talawas sẽ đóng c...
    Trương Đức: "Nửa ấy… “nói chung là”: nửa dưới...
    Trầm Kha: talawas ơi! oan ức quá! Oan ức quá! Em ...
    Canuck: Tui cám ơn Ban Chủ Nhiệm, Ban Biên Tập Ta...
    Trầm Kha: bác vạch lẹ quá! em há hốc hà lá nho ...
    Trầm Kha: thường thì bác Thường siết... hết bế...
    pham duc le: Tôi đồng ý với bạn Nguyễn Phong, nhưng...
    booksreader: Au plaisir de vous revoir, "một mô hình hoạt...
    Bach Phat Gia: Tôi là độc giả của talawas đã mấy nă...
    Lề Trái: Trong việc tẩm bổ chỉ xin Gia Cát Dự đ...
    Lê Anh Dũng: Thưa bác Trầm Kha, bác Đào Nguyên, Xin ...
    Lê Thượng: Nói rằng "So với thảm họa môi trường ...
    Anh Dũng: @1mitee: 1. Muốn SỐNG tới mức "cụ" nh...
    Đào Nguyên: @ Anh Dũng "...phải nghe lời cái dạ dày,...
    Trầm Kha: “Khi cầm cuốn Kinh thánh, tôi đọc với...
    Đào Nguyên: @ bác Nguyễn Phong Tôi đồng thanh tương ...
    Hoà Nguyễn: Sau chuỗi cười khá thoải mái do ông Gia ...
    1mitee: @Anh Dũng "Cả ông Marx, ông Hồ Chí Minh,...
    Bùi Văn Phú: Bạn Trung Nu Hoang ơi, Bạn có khả năng...
    Thái Hữu Tình: Bài vừa mới ra lò, mấy anh (cả mấy ch...
    Canuck: Trong đời tui, có 3 lần / hoàn cảnh xảy...
    Phùng Tường Vân: Lời đề nghị khẩn khoản của tôi Nh...
    Thái Hữu Tình: 1/ Bài nghiên cứu này của ông MTL càng ch...
    Nguyễn Phong: Thực ra ở hải ngoại hiện nay thì có m...
    Anh Dũng: @Đào Nguyên: 1. Cái bạc triệu (VNĐ) c...
    Dương Danh Huy: Bác Hòa Trước hết tôi cảm ơn về l...
    Louis: Trong phút giây chia tay người tình ảo, b...
    Đào Nguyên: Từ lâu ngưỡng mộ bác, biết bác thích ...
    Trầm Kha: Ha ha ha! Bác Trương Đức ơi, Bác "đả t...
    Lê Quốc Trinh: LÊ QUỐC TRINH - LỜI GIÃ BIỆT Thân m...
    vantruong: Thôi thì trước khi giải tán tụ tập tal...
    Đào Nguyên: @Anh Dũng "... - Không có đủ sản phẩm ...
    VietSoul:21: Tôi không nghĩ tài chánh là vấn đề (ch...
    Hoàng Trường Sa: Talawas ơi Ta giã biệt em Như giã từ cu...
    Hoàng Trường Sa: Bauxite Việt Nam: hãy cứu ngay chữ tín! (...
    Anh Dũng: @Đào Nguyên: Thực ra Marx có nói, nói n...
    Lâm Hoàng Mạnh: Chỉ còn vài 28 giờ, Ta Là... Gì sẽ ngh...
    Le Van Hung: Kính thưa các Anh Chị, Từ trước đế...
    Phùng Tường Vân: Bi giờ sắp đến giờ lâm biệt Xin Gia T...
    Hoàng Trường Sa: EM ĐI RỒI Em đã đi rồi thế cũng xong...
    Nguyễn Đăng Thường: Chia tay phút này ai không thấy buồn? Nh...
    Trung Nu Hoang: Tôi cũng có nghe kể chuyện một "học gi...
    peihoh: Tôi không được hỏi ba câu hỏi của tal...
    peihoh: Anh Lại Văn Sâm ơi! Dịch giùm câu này: "...
    Đào Nguyên: @ Anh Dũng Mác nói nhiều về lợi nhuận,...
    Hoà Nguyễn: Ông Huy viết : Điều tôi nói hoàn toàn kh...
    Trương Đức: Đọc cái câu này: "2030: định mệnh đã ...
    Đào Nguyên: Tôi cũng có đọc những câu chuyện với ...
    Camillia Ngo: Nguyễn Khoa Thái-Anh nói "Vũ Huy Quang là m...
    Dương Danh Huy: Bác Hoà Tôi cũng thấy thú vị khi đọ...
    Thanh Nguyễn: Giữa cái lúc "dầu sôi lửa bỏng" thế n...
    Thanh Nguyễn: Nếu vì lý do tài chính mà talawas đóng c...
    Thanh Nguyễn: Oh, Thank you Trầm Hương! We all have our h...
    Hà Minh: Một truyện ngắn quá hay, cảm ơn tác gi...
    Nguyễn Việt Thanh: Trên Talawas bộ cũ, có lần nhà văn Phạm...
    Anh Dũng: Ông Đào Nguyên nói đến "duy lợi". Nhưng...
    Hoàng Trường Sa: BRING ME HAPPINESS Đừng đi Đừng đi Đ...
    Lê Anh Dũng: (tiếp) Nhưng chính nhờ Tin Lành VN như...
    Lê Anh Dũng: Thưa bác Trung Thứ, Trong cảnh talawas ch...
    Đào Nguyên: Lời ông Vũ Huy Quang làm tôi nhớ tới l...
    Đào Nguyên: @ Nguyễn Khoa Thái Anh Trước khi chiéc thu...
    Trương Nhân Tuấn: Trích : « Người Việt hải ngoại vẫn th...
    Hoàng Trường Sa: Bô xít Việt Nam : Truyền thông Mỹ sắp n...
    khonglaai: Không ngờ anh Bách còn giỏi cả tiến...
    khonglaai: Nếu có giải thưởng talacu thì tôi ti...
    Phùng Tường Vân: Chúc nhau chân cứng đá mềm Chúc nhau an ...
    khonglaai: “Khi nói chuyện với mình họ chỉ nhìn ...