30 tháng Tư, Mẹ (không huyền thoại), và nhạc Trịnh
30/04/2009 | 10:53 chiều | 6 Comments
Category: Chiến tranh Việt Nam, Văn học - Nghệ thuật
Thẻ: 30 tháng Tư > Trịnh Công Sơn
Bố kể, tối 30 tháng Tư 1975, bố mẹ đưa tôi “đi chơi Bờ Hồ” và mua bóng bay. Trong khi tôi đang bay bổng với niềm vui của một đứa trẻ sống thời bao cấp bỗng một lúc có những mấy quả bóng bay, và trong khi mọi người xung quanh cười nói rộn ràng, bố thấy hoang mang. “Hòa bình ập tới phũ phàng, choáng váng đất trời và xiêu đảo lòng người, gây bàng hoàng, gây đau đớn nhiều hơn là mừng vui.”[1] Khi đó, đại gia đình người Nam kẻ Bắc của bố chưa (và một số sẽ không) được “Nối vòng tay lớn”[2], cũng chưa biết “Gia tài của mẹ”[3] còn/mất những gì. Nhưng bố biết, từ đây mọi sự sẽ khác xưa. Khác như thế nào, bố không hình dung nổi.
Chỉ một tháng sau, gia đình tôi đón mừng thay đổi đầu tiên. Tháng Năm, mẹ vào Sài Gòn (gia đình mẹ tập kết ra Bắc năm 54) 10 ngày. Mẹ về, cuộc đời tôi mở sang trang mới.
Những món quà mẹ mang về (“miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”) thời ấy làm cả phố trầm trồ, gồm 1 chiếc máy quay đĩa (loại đĩa nhựa), 5 băng (cối) nhạc, ít vải may quần áo, xoài và cau biếu hàng xóm và đồng nghiệp. Tôi được mấy bộ quần áo mới và một đôi dép nhựa bước kêu chút chít. Quà cho bố là ít thuốc lá và ba cuốn sách: Dòng sông định mệnh của Doãn Quốc Sỹ, Vòng tay lửa của Nguyên Vũ, và Mây mưa Thụy Sĩ (trong bộ Z.28) của Người Thứ Tám (aka Bùi Anh Tuấn).[4] Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao lại là ba cuốn sách đó mà không phải là những cuốn khác.
Trong 5 băng nhạc, tôi còn nhớ được 2: Khánh Ly[5] – Sơn ca 7, và Thanh Tuyền – Chế Linh.[6] Phải có một tuổi thơ như (chúng) tôi, mới hiểu được cú sốc và ảnh hưởng văn hóa do nốt “mi thứ” “tủi thân bi đát” của Sơn ca 7 mang lại như thế nào.
Thời đi nhà trẻ thì “yêu chú bộ đội đánh Mỹ tài ghê, tàu bay Mỹ đến đây chú bắn cho tan tành.”[7] Cấp 1 (tiểu học) thì có “đường vinh quang xây xác quân thù,”[8] rồi “Cùng nhau ta đi lên… cố gắng xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ.”[9] Và tất nhiên, không thể thiếu món “Năm điều Bác Hồ dạy” yêu (và làm) một số thứ. Cấp 2 và cấp 3 thay “Đội ca” bằng “Đoàn ca.” 18 tuổi (hoặc thiếu chút chút) thì chích tay lấy máu viết đơn, “anh là trai, phải ra chiến trận phen này” vì (đằng nào cũng có) “em chờ anh, với bao chiến công huy hoàng.”[10] Để chàng yên tâm ra mặt trận, cần rất nhiều điều kiện. Thiếp “mặc bom rơi pháo sáng mịt mùng,… vẫn mở đường để xe đi tới”, anh dũng đến “núi (cũng phải) ngả cúi đầu.”[11] Còn vũ khí giết giặc? Thô sơ thì có “mũi chông nhọn sắc căm thù” mà “em (Tây Nguyên – Bauxite) không ngừng tay vót”;[12] hiện đại thì có “Chị em mình đi tải đạn,” và
… mỗi trái đạn đây mang tấm lòng ta
Cùng các anh góp lửa diệt thù
Dù bom rơi, dù bao bốt đồn
mong các anh yên lòng,
từng trái pháo đến tay anh[13]
Còn lương thực?
Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ,
sóc Bom bo sẵn có cối chày đây
người Bom bo sẵn có đôi bàn tay
với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày[14]
Rồi em “gánh gạo”, hái rau, lấy măng (“Muỗi bay rừng già cho dài mà tay áo. Hết rau rồi em có lấy măng không?“)[15] em “nổi lửa” thổi cơm (để “đánh Mỹ đêm ngày”), vì:
vũ khí ta mang đâu có là tên lửa
chỉ bếp than hồng này ủ chín hơi cơm.
Bát nước chè xanh
nhẹ gối bước dồn thêm sức mạnh trên đường đi đánh Mỹ.[16]
Người ra mặt trận đã được phục vụ từ A-Z như vậy. Còn người ở lại?
Em “xinh đẹp, đảm đang, việc nước việc nhà vẹn toàn,” tăng gia sản xuất “lúa năm tấn”[17] (chứ không phải như Tây nó đồn là “Từ ngày anh đi ở nhà em đảm đang, đẻ đứa con trai nom giống cả làng”).
Nông thôn đã vậy, thành thị thì sao?
Em ơi tuy giờ đây hai miền còn cách xa
Niềm chia cắt thắt đau lòng chúng ta
…
Dù xa nhau trọn ngày đêm,
anh càng yêu em càng hăng say xây cho nhà cao cao mãi[18]
(Liệu có phải nhà anh xây? http://www.quocuy.com/?frame=newsview&id=1349)
Vậy chàng phải làm thế nào để xứng đáng với tinh thần phục vụ hăng say tới bến, như vậy? Đương nhiên là chàng phải chiến đấu “quên mình năm lại năm,”[19] cứ thế mà “pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ,”[20] để rồi (cùng tác giả Quốc ca Việt Nam Cộng hòa[21]), “Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù… tiến về đồng bằng, giải phóng thành đô.”[22]
Trên/dưới mái trường xã hội chủ nghĩa và những lúc chơi nghịch ngoài đường (qua hệ thống loa phường), dù đã sau 1975, tôi vẫn tiếp tục được các bài hát nói trên khuyến khích Nam tiến (one way ticket). Nhưng ở nhà, thì khác. Nhờ chiếc máy quay đĩa và Sơn ca 7, tôi mới (hình như) biết thế nào là “mưa rơi mênh mang, từng ngón tay buồn.”[23] Mưa Trịnh khác mưa Tố Hữu (“Trời mưa ướt áo tứ thân, mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu” – “Bầm ơi”) đã đành. Mưa Trịnh cũng khác hẳn “mưa sa trên màu cờ đỏ” của Trần Dần.
Gió Trịnh cũng khác. Gió heo may lại về, chiều tím loang vỉa hè, và gió hôn tóc thề.[24] (Vâng, biết rồi, khổ lắm. Sáo mòn, sến, vân vân. Nói mãi.)
Ngoài Sơn ca 7, mẹ còn mang theo về nỗi ám ảnh với một bài hát mà mẹ được nghe khi ở Sài Gòn.
Tôi có người yêu chết trận Plei-me
Tôi có người yêu ở chiến khu D
Chết trận Đồng Xoài
Chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng, dọc theo biên giới
Tôi có người yêu chết trận Chu-prong
Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông
Chết ngoài ruộng đồng, chết rừng mịt mùng
Chết lạnh lùng mình cháy như than
Mẹ không thuộc hết ca từ bài hát mà sau này tôi mới biết có tên là “Tình ca của người mất trí”[25], nhưng mẹ kể mẹ đã khóc khi nghe lần đầu. Với tôi, ấn tượng đầu tiên là sao cô ấy có nhiều người yêu thế. Mà sao ai cũng chết. Những địa danh như Plei-me, Đồng Xoài, Chu-prong nghe xa lạ hơn cả Paris, London. Còn chiến khu D thì tôi hình dung nó ở đâu đó xa hơn (đi) B. Mãi sau này tôi mới khóc. Và luôn nhớ mẹ mỗi khi nghe lại bản nhạc này.
Mưa Trịnh buồn. Gió Trịnh buồn. Tình Trịnh buồn (“một người về đỉnh cao, một người về vực sâu, để cuộc tình chìm mau…” – “Tình nhớ”). Đời Trịnh càng buồn hơn. Cát bụi mệt nhoài (“Cát bụi”). Cánh chim bỏ rừng,… trái tim bỏ tình. (“Cho một người nằm xuống”). Nhưng với tôi, nhạc Trịnh là liều thuốc giải.
Nhờ Sơn ca 7, “Từ ấy trong tôi”[26] đã biết buồn.[27]
[1] Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh. Chương 3: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nnntnnn0n31n343tq83a3q3m3237nnn
[2] Trịnh Công Sơn, “Nối vòng tay lớn,” http://www.youtube.com/watch?v=Tzf5YKlCHQs
[3] Trịnh Công Sơn, “Gia tài của mẹ,” http://www.youtube.com/watch?v=80VCegJzvCA
[4] Sở dĩ tôi nhớ rõ tên ba cuốn (hấp dẫn, nóng bỏng, li kì, toàn “vòng tay lửa” với lại “mây mưa”) ấy, vì sau này tôi tìm (mọi) cách đọc trộm chúng (và đã thành công, không thành danh), dù bố mẹ tôi đã cố giấu kỹ, vì sợ (không phải tôi).
[5] “Nhưng lần này, và cũng là lần đầu tiên, Sơn ca 7 sẽ đưa quý vị về với khung trời hoa bướm ngày xưa, với tiếng hát nồng nàn tình ái của Khánh Ly” – Lời giới thiệu, chép theo trí nhớ.
[6] Tên băng được viết tay. Băng Thanh Tuyền – Chế Linh: tên Thanh Tuyền để trước, không biết liệu có phải nhằm nịnh đầm, hay đề cao nữ quyền không. Trong băng này, tôi còn nhớ được hai bài. Bài thứ nhất là “Tình bơ vơ,” rất thịnh hành ở các đám cưới thời hậu chiến, khi cô dâu chú rể “vui duyên mới” đã được phép không cần phải lo lắng tới việc “không quên nhiệm vụ” nữa. Bài thứ hai, “Vòng tay xin giữ trọn ân tình,” có những câu mà thời trẻ dại tuổi teen, tôi trót bị ảnh hưởng những câu “em yêu một người trai, lạnh lùng đi giữa đời, thường gục đầu vào cánh tay…” và đem lòng say nắng một “chàng” đáp ứng đúng tiêu chuẩn đó. Ít lâu sau, phát hiện ra nguyên nhân chàng gục đầu vào cánh tay và lạnh lùng là do chàng… dốt quá, không biết nói gì, tôi đã phải bỏ của chạy lấy người. May mà của hồi đó chỉ gồm mấy chiếc khăn (nhờ bạn) thêu (hộ).
[7] Trong bài này, tôi chỉ đề cập đến một phần rất nhỏ những bài hát nổi tiếng (và không chỉ có giá trị tuyên truyền) ở miền Bắc trong thập niên 60, 70 và sang cả nửa đầu thập niên 80. Bài chú bộ đội bắn tàu bay Mỹ: không rõ tên tác giả và tên bài.
[8] Văn Cao, “Quốc ca”.
[9] Phong Nhã, “Đội ca”.
[10] Hoàng Việt, “Lá xanh,” http://www.youtube.com/watch?v=InU2E_dQAtg
[11] Xuân Giao, “Cô gái mở đường” http://www.youtube.com/watch?v=QOlaFLhavJM&feature=related
[12] Hoàng Hiệp, “Cô gái vót chông,” http://www.youtube.com/watch?v=W0nDba8enuo
[13] Lư Nhất Vũ, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn,” http://www.youtube.com/watch?v=6CYJbrCtTus&feature=related
[14] Xuân Hồng, “Tiếng chày trên sóc Bombo,” http://www.youtube.com/watch?v=3F691xxkHpU&feature=related
[15] Hoàng Hiệp, “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây,” http://www.youtube.com/watch?v=OocolyBar_w&feature=related
[16] Huy Du, “Nổi lửa lên em,” http://www.nghenhac.info/nhacvietnam_pm.asp?iFile=25363&iType=20
[17] Phó Đức Phương, “Những cô gái quan họ,” http://www.youtube.com/watch?v=PVIPWYBYFRw
[18] Phan Huỳnh Điểu, “Những ánh sao đêm,” http://www.youtube.com/watch?v=FV6WC89gWUQ
[19] Vũ Cao, “Núi đôi”.
[20] Phan Huỳnh Điểu, “Hành khúc ngày và đêm,” http://www.youtube.com/watch?v=zHWlWHc4HUk&feature=related
[21] http://www.youtube.com/watch?v=—UReVcUKc (Nhạc: Lưu Hữu Phước).
[22] Lưu Hữu Phước, “Tiến về Sài Gòn,” http://www.youtube.com/watch?v=Qs31DvTncD8&feature=related
[23] Trịnh Công Sơn, “Tuổi đá buồn,” http://www.youtube.com/watch?v=H9eFhwka4vg
[24] Trịnh Công Sơn, “Nhìn những mùa thu đi,” http://www.youtube.com/watch?v=gOY_fHWlqWg
[25] Trịnh Công Sơn, “Tình ca người mất trí,” http://www.nghenhac.info/nhacvietnam_pm.asp?iFile=32704&iType=20
[26] Mượn “Từ ấy” của Tố Hữu.
[27] Buồn thế nào, kiểu nào và đến bao giờ, lại là chuyện khác.
Bình luận
6 Comments (bài “30 tháng Tư, Mẹ (không huyền thoại), và nhạc Trịnh”)
Tôi nhớ hình như có lần ông Trần Văn Tích có đôi điều nhận xét về câu văn của ông Lê Diễn Đức,tôi cũng hơi lấy làm lạ một người viết khá nhiều như ông Đức mà câu văn tiếng Việt của ông cứ có cái gì cồm cộm,hình như ông viết nhanh quá “ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút” hay sao ấy nên lời không chuyên chở nổi ý chăng ? Ngay một đọan văn ngắn ở trên tôi cũng nhặt được 3 chỗ bất thường :
1/Ngay câu đầu “Cảm ơn Hoài Phi một bài chút chút châm biếm …” tôi cũng không rõ lắm nó thiếu cái gì nhưng rõ ràng là không ổn.
2/ “Hẹn gặp nhé giữa Sàigòn! chớ không phải “Hẹn
gặp em giữa Sàigòn”.
3/ …”và Khánh Ly với những bản ca anh họ Trịnh”
cũng lỉnh kỉnh thế nào ấy,
và cả câu chót ý của ông rất minh bạch và hay nhưng “lời vẫn hại ý”.
Mong được học hỏi thôi ạ.
Cám ơn Hoài Phi và Tracy đã cho hai cái nhìn từ hai miền đất nước sau ngày 30/4/75. Trước 75, Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam, Ta Phải Thấy Mặt Trời đã không ít thì nhiều thấm vào tâm cảm cũa tuổi trẽ miền Nạm vào thời chiến tranh hai miền chém giết nhau không nương tay Ngày miền Nam đứt phim, hoà bình được vẽ vời và mơ ước như trong những tập nhạc trên đã không là như thế Năm 77, tôi có dịp đi chuyến tàu thống nhất từ Saigon ra Hanoi và mang một nỗi ngậm ngùi chua chát khi lẩm bẩm lại lời hát Huế Saigon Hà Nội khi đi và về suốt chiều dài đất nước Và quyết định cuối cùng là bỏ đất nước ra đi như nhiều người trong Saigon lúc ấy Sau đó ở ngoài đất nước, có những dịp tình cờ nghe lại những ca khúc ở trên đã được một số người cho là phản chiến, tôi có cảm nghĩ là hình như mình bị phản bội ?
Cám ơn tác giả cho biết cảm tưởng của 1 người miền Bắc XHCN sau chiến thắng khi nghe nhạc hô Trịnh, còn chúng tôi những đứa trẻ lớn lên từ miền Nam khi nghe nhạc Trịnh trên đài phát thanh sau ngày Giải Phóng cảm thấy thật bơ vơ, hoài nghi “Huế, Sài Gòn, Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa…” và nó vẫn còn xa mãi cho đến 15 năm sau ngày bỏ nước ra đi, tôi mới có cơ hội để trở về thăm đất bắc, đi thăm quê cha đất tổ, để bồi hồi khi đặt chân vào Quốc Tử Giám, hay vào chùa Một Cột nhỏ bé khiêm nhường nằm khuất sau cái lăng của Hồ Chủ Tịch to lớn hoành tráng mà vô cùng xa lạ .
Ngày 30 tháng tư tự dưng con trai con gái trong xóm trở nên gần gũi đi họp tổ để nắm tay nhau nhảy hát “vòng tròn có 1 cái tâm “, hay những bài học buồn cưởi với “O du kích nhỏ giương cao súng . Thằng Mỹ lom khom bước cúi đầu ” hay truyện chị Út Tịch còn cái lai quần cũng đánh đối với chúng tôi đó là những điều kỳ quặc không được cha mẹ dạy, tại sao chị ấy lại ném muối ớt vào mắt thằng bé con chỉ vì cha mẹ nó là chủ của chị ta, đã vậy còn được phong danh hiệu anh hùng Cách Mạng ? Hay làm quen vớ bài hát “Bé bé bằng bông, đôi má hồng hồng . Bé đi sơ tán, bế em đi cùng” . Bây giờ đã bước qua tuổi trung niên, ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi thương nhiều cho tuổi thơ cả 2 miền, nhất là miền Bắc, trẻ thơ nhưng không hề có tuổi thơ .
Cám ơn Hoài Phi một bài viết chút chút châm biếm nhưng hài hước,lôi cuốn. Có lẽ chúng ta sinh ra cùng một thế hệ từ “đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” cho đến lúc gào lên “hẹn gặp em giữa Sài Gòn”, nên những điều hồi tưởng của Hoài Phi kéo tôi về miền ký ức xa xưa theo từng lời của các bài hát được trích dẫn trong bài viết. Đúng là phải trải nghiệm qua mới có thể hiểu sâu sắc có một thời như thế. Tôi đặt chân vào Sài Gòn sau 1975 khi vẫn còn càphê MiniRex Saigon, Thương xá Tax và Tam Đa chưa bị biến thành cửa hàng bách hoá tổng hợp và người miền Bắc rất giống nhau khi nhận hoặc mua món quà nhẹ nhàng đầu tiên từ Sài gòn mang ra: xe đạp mini gấp lại được, con búp bê nhựa, ít mét vải, vài đôi dép sa-pô, cái quạt máy, đôi cuốn sách hay (chưa kịp bị cấm hoặc bị tiêu huỷ, bán trên lề đường Lê Lợi), v.v… và ai cũng cố có được cái radio hay máy nghe nhạc (quay đĩa hay cassette) với những cái đĩa nhựa hay cuốn băng không thể thiếu của Ngọc Lan, Thanh Lan, Hùng Cường, Thanh Tuyền, v.v. và Khánh Ly với của những bản ca anh họ Trịnh. Lúc bấy giờ tôi nghe nhạc Trịnh say mê và đúng là liều thuốc giải sau cả một thời gian tâm hồn bị xơ cứng bởi cuộc lên đồng tập thể cùng với thiếu thốn và khắc nghiệt của chiến tranh.
Bài viết này quá hay. Cảm ơn tác giả, và hy vọng chị sẽ đóng góp nhiều nữa cho talawas.
Hề hề, không biết talawas kiếm đâu ra bài tếu táo này hay quá vậy?
Đâu phải lúc nào cũng chỉ có chuyện rào trên biển, biên giới trên đất, ông đội nón này, em quàng khăn nọ hay tôi đi dép kia.
Cám ơn talawas và hoan hô tác giả nhiều nhiều.