Từ “Chính cương và sách lược vắn tắt” của Hồ Chí Minh đến “Luận cương Chính trị” của Trần Phú – Một nghịch cảnh cần làm sáng tỏ (2)
09/05/2009 | 2:43 chiều | Chức năng bình luận bị tắt ở Từ “Chính cương và sách lược vắn tắt” của Hồ Chí Minh đến “Luận cương Chính trị” của Trần Phú – Một nghịch cảnh cần làm sáng tỏ (2)
Category: Chính trị - Xã hội, Lịch sử
Thẻ: Trần Phú > tư tưởng Hồ Chí Minh
Kể từ những ngày thành lập ĐCS Việt Nam, có một vấn đề hết sức trọng yếu trong việc Bác viết “Chính cương” và “Sách lược” để xây dựng Đảng, mà mãi tới năm 1955 tại Hà Nội, Hồ Chí Minh mới nhắc lại rằng: Trong lời “Kêu gọi các nhà cách mạng phương Đông” từ năm 1919, nhằm xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở châu Á, vạch cho các dân tộc “con đường đi tới một đời sống có đủ điều kiện xứng đáng với con người”, Lênin đã nhấn mạnh ở chỗ phải biết:
“Dựa vào lý luận và thực tiễn chung của chủ nghĩa cộng sản, áp dụng vào những điều kiện đặc biệt, không có ở các nước Châu Âu; phải biết vận dụng lý luận và thực tiễn ấy vào điều kiện, khi nông dân là quần chúng cơ bản, khi cần phải giải quyết nhiệm vụ đấu tranh không phải là chống tư bản, mà chống những tàn tích của thời trung cổ”.
Và Bác Hồ còn nêu bật rằng: “Đó là những chỉ thị đặc biệt quý báu đối với một nước như nước chúng tôi là nơi 90% dân số sống về nghề nông, là nơi còn tồn tại rất nhiều những tàn tích của chế độ phong kiến quan lại thối nát” (20).
Bác đã nhắc nhở một đòi hỏi của Lênin đối với “các nhà cách mạng phương Đông” là không thể rập khuôn theo phương Tây, “phải biết” vận dụng cả lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa cộng sản một cách không thể máy móc “vào những điều kiện đặc biệt, không có ở các nước Châu Âu”. Lênin còn nhấn mạnh với các nhà cách mạng phương Đông là phải: “Đem học thuyết cộng sản vốn được viết cho những người cộng sản ở các nước tiên tiến, mà dịch ra tiếng nói của mỗi dân tộc” chưa phát triển và bị nô dịch dưới ách thực dân. Chắc hẳn khi viết Chính cương và Sách lược của ĐCS Việt Nam đầu năm 1930, Hồ Chí Minh cũng phải đem học thuyết cộng sản “dịch ra tiếng nói” của chính dân tộc Việt Nam, chứ không rập khuôn hay bắt chước một cách giáo điều theo những công thức xơ cứng.
Cho nên trong lúc nhận thấy lời kêu gọi của Lênin mang những “chỉ thị đặc biệt quý báu” đối với một nước như nước Việt Nam, là nơi đang cần giải quyết một cuộc “đấu tranh không phải chống tư bản”, là nơi mà cuộc đấu tranh chủ yếu không phải là của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư bản trong nước, Bác Hồ đã sớm phòng ngừa cái tệ “một mực bắt chước” khi người nêu rằng: “Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng” (21).
Chắc hẳn cũng vì vậy mà khi viết Chính cương và Sách lược của ĐCS Việt Nam, bấy giờ Bác Hồ đã đề ra một nguyên tắc trong cuộc cách mạng chống đế quốc và phong kiến ở nước ta là: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, (thanh niên, Tân Việt, phái Nguyễn An Ninh v.v…) để kéo họ đi về phe giai cấp vô sản. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản Việt Nam thì phải lợi dụng, ít nữa làm cho họ trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến v.v…) thì phải đánh đổ. Trong khi liên lạc tạm thời với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng bộ một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường lối thỏa hiệp” (22)
Thế nhưng đến Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930 đổi thành “ĐCS Đông Dương” thì bản “Luận cương chính trị” của Trần Phú đã lật ngược rằng: “Trí thức, tiểu tư sản, học sinh v.v… là hạng có xu hướng quốc gia chủ nghĩa, chúng nó đại biểu cho quyền lợi cho tất cả giai cấp tư bổn bổn xứ, chứ không phải chỉ bênh vực quyền lợi riêng cho tiểu tư sản mà thôi. Trong thời kỳ chống đế quốc chủ nghĩa thì hạng ấy cũng hăng hái tham gia, nhưng chỉ lúc đầu mà thôi, chúng nó không thể binh vực quyền lợi cho dân cày được, vì chúng nó phần nhiều có giây giướng với bọn địa chủ…” Phủ nhận tất cả ảnh hưởng của các phong trào yêu nước trước năm 1930, Luận cương của Trần Phú còn lên án từ “bọn Huỳnh Thúc Kháng” cho đến “bọn Nguyễn An Ninh”, và đưa ra một quan điểm cực đoan về cuộc đấu tranh giai cấp là: “Sự tranh đấu của giai cấp ở Đông Dương ngày càng bành trướng. Điều đặc biệt và quan trọng nhứt trong phong trào cách mạng ở Đông Dương là sự đấu tranh của quần chúng công nông có tính chất độc lập rõ rệt, chứ không phải là chịu ảnh hưởng quốc gia chủ nghĩa như trước nữa” (23).
Rõ ràng đó là một thứ lập luận hết sức cô độc biệt phái do đã quan niệm sai về đấu tranh giai cấp.
Nghị quyết Trung ương tháng 10 năm 1930 dựa vào luận cương chính trị của Trần Phú còn quy kết cho “Chính cương” và “Sách lược” do Bác Hồ đề ra là phạm “sai lầm rất nguy hiểm” vì đã: “Chia địa chủ làm đại, trung và tiểu địa chủ; đối với đại địa chủ thì tịch ký ruộng đất, và đối với tiểu, trung địa chủ thì chủ trương lợi dụng họ, ít ra cũng làm cho họ đứng trung lập. Như thế là sai lầm và nguy hiểm”. Bản nghị quyết này lại phê phán thêm rằng: “Trong sách lược nói phải lợi dụng bọn tư bổn mà chưa rõ mặt phản cách mạng, ít ra cũng phải làm cho chúng nó trung lập, tức là như biểu Đảng đừng chủ trương công nhận tranh đấu với tư bổn bổn xứ nữa” (24).
Trong khi nghị quyết đó nhấn mạnh rằng “giai cấp tranh đấu của công nông” là điều “quan trọng nhất” ngay ở Việt Nam, thì luận cương của Trần Phú cũng từ đầu chí cuối chỉ kêu gọi “mở rộng hàng trận công nông”, không hề nhắc tới “đoàn kết dân tộc” mà chỉ nêu bật “mâu thuẫn giai cấp”. Luận cương của Trần Phú đã vạch ra thành “hàng trận” giữa một phía là “thợ thuyền và dân cày” chống lại bên kia bao gồm tất cả “đế quốc, phong kiến, địa chủ, phú nông, tư bản bản xứ, tiểu tư sản, trí thức, học sinh v.v…” Sự trái ngược căn bản giữa “Luận cương” kia của ĐCS Đông Dương so với “Chánh cương” do Bác Hồ viết cho ĐCS Việt Nam vốn khởi thủy là ở điểm ấy: Luận cương của Trần Phú chỉ nhằm mở rộng “hàng trận công nông” và “đấu tranh giai cấp” một cách biệt phái cực đoan; trong lúc chính cương của Bác Hồ lại nêu bật “mặt trận toàn dân” và “thống nhất dân tộc” nhờ sự tập hợp lực lượng rộng lớn nhất để đánh đổ đế quốc thực dân và chế độ phong kiến, như “Hội nghị hiệp nhất” của ĐCS Việt Nam đề ra việc lập “Đồng minh phản đế” tức mặt trận chống đế quốc. (25)
Đáng chú ý là ngay sau khi vừa xóa “Chính cương” của Đảng do Bác Hồ đề ra, tự bản chỉ thị tháng 11-1930 của Trung ương do Trần Phú làm Tổng Bí thư vẫn phải ghi nhận trung thực về tình hình ở Nghệ Tĩnh bấy giờ: “Địa chủ, phú nông và một số quan lại nhỏ trong nông thôn đã phân hóa, và một số lớn đã nghiêng về cách mạng, họ đã tỏ ra trọng và phục ĐCS và phong trào công nông. Giai tầng tư sản nhỏ ở Nghệ Tĩnh như buôn bán đều có ý thức, xu hướng cách mạng” (26)
Thế nhưng mới sang đầu năm 1931 thì Xứ uỷ Trung kỳ của ĐCS Đông Dương đã vội “làm cho Đảng Bôn-sê-vích hoá” bằng một chỉ thị thanh Đảng viết rõ từng chữ “thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”! Rồi tiếp đấy chẳng bao lâu sau khi Trần Phú bị Pháp bắt ngày 18 tháng 4-1931, thì có chỉ thị Trung ương ngày 20 tháng 5-1931 gửi Xứ ủy Trung kỳ để ngăn chặn việc “thanh trừ trí phú địa hào”, và lại nhấn mạnh tinh thần căn bản đúng như Đồng minh phản đế đã nêu: “Xuất phát từ chỗ giác ngộ phản đế, ghét Pháp từ trước tới nay, nên trong hàng ngũ Đảng có những thư gia đệ tử, cựu nho, trung, tiểu, địa chủ, phú nông, trung nông ở nông thôn, và một số giáo viên, học sinh chữ Pháp, một số tiểu thương, tiểu chủ hay con nhà tiểu thương, tiểu chủ ở thành thị, cùng với một số thợ xí nghiệp, một số công chức, tổ chức hỗn hợp lại trong một phong trào… Nhưng đa số đồng chí hết sức trung thành, đã hiến thân cho Đảng đến giọt máu cuối cùng” (27).
Hiện thực ấy của cách mạng nước ta và việc xây dựng Đảng ta, ngay cả sau khi đã bị áp đặt thành “ĐCS Đông dương” và xuyên suốt đến ngày khôi phục lại “Đảng Lao động Việt Nam”, hiển nhiên đã bắt nguồn từ “Chánh cương” và “Sách lược” do Bác Hồ nêu ra đầu tiên chứ không phải từ “Luận cương” và “Nghị quyết” của Trần Phú mang về thay thế. Sau này khi nói về “Mặt trận dân tộc thống nhất”, người còn vạch rõ rằng: “Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam” (28)
Bàn về vai trò của trí thức trong cuộc cách mạng của công nhân, từ năm 1921 khi còn ở nước ngoài Bác đã nhấn mạnh rằng: “Ở Ấn Độ, ở Nhật Bản, ở Trung Quốc, nhất là ở Trung Quốc, phần nhiều là các nhà trí thức trung thành với sự nghiệp của giai cấp công nhân đang lãnh đạo giai cấp này trong cuộc đấu tranh” (13). Nhận định rất trung thực đó của Bác Hồ từ năm 1924 cũng được xác minh đến khi thành lập ĐCS Việt Nam đầu năm 1930 cho tới mãi sau này ở nước ta.
Cũng như nói về “tư bản” trong mặt trận chống “đế quốc”, thì Bác lại nêu bật một hiện thực lớn trên thế giới: “Ănghen dù là con nhà tư bản, ông đã trở nên một người thầy dạy chủ nghĩa cộng sản cho chúng ta”. Rồi nói luôn về “địa chủ” trong mặt trận chống đế quốc, chính Bác còn nhấn mạnh rằng: “Đồng chí Bành Bái ở Trung Quốc, gia đình đồng chí ấy là đại địa chủ, đại phong kiến, nhưng đồng chí ấy đã tổ chức và lãnh đạo nông dân đấu tranh rất quyết liệt chống địa chủ và phong kiến… Địa chủ cũng có đôi người làm cách mạng, nước ta cũng như các nước khác, ta cũng có vài đồng chí đại địa chủ mà làm cách mạng, hồi bí mật có bao nhiêu tiền của giúp cho Đảng hết, cam chịu tù đầy. Họ tuy là người trong giai cấp địa chủ, nhưng lập trường và tư tưởng đã đứng về phe vô sản, là người của giai cấp công nhân… Đồng chí xuất thân là địa chủ, nhưng họ tự nguyện hiến hết ruộng đất, để chia cho nông dân, như thế thì không có gì đáng xấu hổ. Dù mọc ở bùn thối lên nhưng hoa sen vẫn thơm đẹp. Địa chủ mà thật thà tiến bộ thì cũng như hoa sen vậy” (29).
Rõ ràng từ những tổng kết trên cả thế giới và qua các nhà yêu nước tiền bối của mình, Bác Hồ đã nêu rõ về “địa chủ” về “tư bản”, về “trí thức”, trong Chính cương và Sách lược để xây dựng ĐCS Việt Nam từ năm 1930 xuyên suốt cách mạng nước ta.
Chỉ sau mấy năm Đảng ta bị tan vỡ do cuộc khủng bố trắng hồi 1931-1932 của thực dân và phong kiến, tới khi có thể khôi phục tổ chức của Đảng và phong trào cách mạng trên cả đất nước, Bác lại tiếp tục chủ trương mặt trận thống nhất “Hoa Nam, Đông Dương, Thái Lan, Malaixia” , Bác Hồ đã tự thấy có “bổn phận bức thiết đối với các Đảng của chúng tôi là phải đề xuất” một số đề nghị trong đó có việc “thực hiện mặt trận thống nhất”. Nhờ đấy ngay từ những năm 1936-1939, “Mặt trận dân tộc dân chủ” theo đường lối của Bác lại khôi phục phong trào cách mạng rất rộng rãi sôi nổi khắp nước ta, bằng cách “kết hợp hoạt động bất hợp pháp và hoạt động hợp pháp” đúng như Bác đã nêu trong thư vừa kể (30).
“Mặt trận dân tộc dân chủ” bấy giờ quả nhiên đã bắc một nhịp cầu có vị trí quyết định đối với phong trào cứu quốc từ năm 1941, khi Bác về nước triệu tập ngay Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5 lập “Việt Nam độc lập đồng minh” tức “Mặt trận dân tộc thống nhất” giành độc lập của dân tộc. Trong bức thư ngày 6 tháng 6 năm 1941 ký Nguyễn Ái Quốc gửi toàn thể đồng bào, kêu gọi “các bậc phụ huynh, các hiền nhân và chí sĩ, các bạn sĩ, nông, công, thương, binh”, từ đấy Bác càng nêu bật là phải đặt “quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”, và càng nhấn mạnh “toàn dân đoàn kết” để ai nấy đều “hiệp lực đồng tâm” (31).
Từ đấy, rõ ràng “độc lập đồng minh” đã trở về đúng với cội nguồn là “phản đế đồng minh” từng được đề ra ngay trong Hội nghị thành lập Đảng tháng 2-1930, và tinh thần căn bản của “Chính cương” và “Sách lược” do Bác Hồ từng khởi thảo cho ĐCS Việt Nam lại được khôi phục hoàn toàn với “Mặt trận dân tộc thống nhất”, trở thành bí quyết thành công của cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945, tiếp đến các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thế nhưng phải chăng có những lúc khối “đoàn kết dân tộc” lại bị phá vỡ bởi cuộc “đấu tranh giai cấp” đã bị áp dụng một cách giáo điều sai với tư tưởng của Lênin và quan điểm của Bác Hồ? Và phải chăng đó chính là những lúc mà trong Đảng ta có các quan điểm đối lập hẳn với Bác Hồ trong việc vận dụng lý luận của Lênin về “vấn đề dân tộc” và “vấn đề giai cấp”?
Trong Đảng ta hơn một nửa thế kỷ vừa qua, rõ ràng chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo duy nhất nêu bật lời của Lênin “Kêu gọi các nhà cách mạng phương Đông”, khi Người nhắc phải vận dụng sáng tạo các lý luận cộng sản. Đây chính là mối quan tâm của Lênin về “vấn đề nông dân” do Bác tiếp thu như một “vấn đề giai cấp” gắn với “vấn đề dân tộc” mà Bác coi thực chất là “vấn đề nông dân”. Đứng trên quan điểm giai cấp công nhân của một chiến sĩ quốc tế cộng sản, cuối năm 1923 tại Đại hội quốc tế nông dân ở Mátxcơva, Bác đã xác định rằng “nông dân là quần chúng căn bản” có nghĩa như thế nào khi bản tham luận quan trọng của Người vạch rõ:
“Trong thời đại hiện nay, giai cấp công nhân là giai cấp độc nhất và duy nhất có sứ mệnh lịch sử phải lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng, bằng cách liên minh với giai cấp nông dân. Những trào lưu cơ hội chủ nghĩa nịnh nông dân, coi nông dân là một lực lượng chủ yếu, là động lực duy nhất của cách mạng, là đội ngũ cách mạng nhất, đều chỉ đi tới chủ nghĩa phiêu lưu, chủ nghĩa cực đoan, vô chính phủ và đi tới chỗ phản bội chủ nghĩa Lênin mà thôi” (32).
Bấy giờ, mới cuối năm 1923, chưa xuất hiện “chủ nghĩa Mao” là thứ chủ nghĩa cơ hội “nịnh nông dân”, coi nông dân là một lực lượng chủ yếu của cách mạng và là đội ngũ cách mạng nhất. Song đến “Chỉ thị Trung ương” ngày 20 tháng 3 năm 1931 của ĐCS Đông Dương do Trần Phú làm Tổng Bí thư, thì lúc nêu bạn “đồng minh sinh tử của giai cấp công nhân”, lại nhấn mạnh rằng “giai cấp nông dân là một lực lượng chủ yếu của cách mạng” nước ta (33).
Phải chăng cũng do cái chủ nghĩa cơ hội “nịnh nông dân” ấy, mà ngay trong đầu năm 1931 Trần Phú vừa về nước đã có lệnh: “thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”? Rõ ràng chỉ thị kia đã đối lập hẳn với “yêu cầu giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân” từng do Bác Hồ nêu lên khi vạch rõ rằng: “Trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu như nước ta thì vấn đề dân tộc lại thực chất là vấn đề nông dân, thì cách mạng dân tộc thực chất là cách mạng của nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo” (34).
Đứng trên lập trường giai cấp vô sản để giải quyết vấn đề dân tộc ở một nơi mà nông dân đông tới 90% dân số cả nước, Bác Hồ lại không hề mang tư tưởng biệt phái về giai cấp công nhân như nhiều ĐCS bên phương Tây bấy giờ, chỉ nêu “đấu tranh giai cấp” chứ không bàn tới “đoàn kết dân tộc” ở các thuộc địa là một yêu cầu to lớn. Bởi vậy, đến năm 1924 khi Lênin vừa qua đời, Bác vẫn thẳng thắn phê phán những tư tưởng biệt phái về giai cấp trong vấn đề dân tộc, khi nhân danh các dân tộc mà viết: “Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lênin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một bậc thầy, thì các dân tộc phương Đông lại thấy Lênin là một con người còn vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa” (35).
Bác không chỉ nhìn thấy giai cấp trong đấu tranh, mà rộng hơn nữa, còn nhìn thấy dân tộc và con người trong cách mạng. Cho nên tới năm 1925 lại nhắc đến Lênin trong lòng các dân tộc mất nước, Bác cũng vẫn thẳng thắn gạt bỏ tư tưởng biệt phái về giai cấp ở các ĐCS bên phương Tây bấy giờ đang rất coi thường vấn đề dân tộc, khi Bác có thể làm mếch lòng cả Stalin mà viết rõ ra rằng: “Lênin đã đặt cơ sở cho một kỷ nguyên mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa. Lênin là người đầu tiên đã kiên quyết lên án một thành kiến về vấn đề này còn âm ỷ trong đầu óc của nhiều nhà cách mạng châu Âu và châu Mỹ” (36).
Dù là một nhà cách mạng phương Đông sinh ra từ Grudia, nhưng Stalin vẫn cứ cho rằng: “Vấn đề dân tộc ở nước Nga chỉ là một vấn đề thứ yếu”! Tư tưởng biệt phái coi nhẹ vấn đề dân tộc để chỉ nhấn mạnh vấn đề giai cấp, phải chăng còn có nguyên nhân cụ thể từ các quan niệm xuyên tạc về sự hình thành dân tộc? Vận dụng lý luận của Mác trong vấn đề dân tộc, Stalin cũng đã trình bày sai về Mác, và sai lạc cả lịch sử của nhiều dân tộc khi lại cho rằng: “Quá trình tan rã của chế độ phong kiến và phát triển chủ nghĩa tư bản đã đồng thời là một quá trình của sự tập hợp những con người thành dân tộc… Không còn nghi ngờ gì nữa là chỉ đến những giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản thì các dân tộc mới được tập hợp” (37).
Quan điểm đó của Stalin rõ ràng không thể xác thực đối với Việt Nam mà sự hình thành dân tộc đã có quá trình lịch sử từ trước đây mấy ngàn năm, chứ không chờ tới ngày tan rã của chế độ phong kiến và ngày có mặt chủ nghĩa tư bản phương Tây kéo sang hơn một trăm năm vừa qua. Thế nhưng chính do quan niệm không xác thực ấy đối với cả Cao Miên và Lào vốn cũng hình thành quốc gia từ rất lâu đời, cho nên mới đem ghép hai nước đó vào một “ĐCS Đông Dương” trái với quan điểm của Lênin về “vấn đề dân tộc”, khi đã có một văn kiện từ Liên Xô “gửi cho những người cộng sản ở Đông Dương” lại coi Cao Miên và Lào chỉ là “dân tộc thiểu số”! (38).
Từ những lời của Lênin kêu gọi các nhà cách mạng phương Đông, đến “Chính cương” và “Sách lược” của ĐCS Việt Nam, Bác Hồ đã trải qua bao đoạn chống chọi với chủ nghĩa giáo điều và tư tưởng biệt phái ở phương Tây cả trong vấn đề giai cấp và trong vấn đề dân tộc. Rồi tới những năm Đảng ta từng bước đưa “Chính cương” và “Sách lược” của Bác vào thực tiễn, thì Bác lại trải qua bao đoạn chống chọi với luận điệu xuyên tạc và thủ đoạn áp đặt từ châu Âu sang châu Á cũng như chung quanh Người. Song các thành công và thất bại của Đảng trong sáu chục năm vừa qua phải chăng cũng đã chứng tỏ rằng: Chỉ có thực hiện và phát triển đúng “Chính cương” và “Sách lược” của Bác mới đạt được thành công và tránh được thất bại!
Khẳng định chân lý ấy giữa lúc đang có cuộc khủng hoảng tư tưởng trong đảng viên và đại chúng, càng đòi hỏi nhiều trí tuệ và tâm huyết để nói thẳng các sự thật to lớn và rất đau lòng! Mỗi cán bộ tự thấy cần suy nghĩ về vận mệnh của đất nước đang vượt qua bao khó khăn chồng chất, ắt cũng tự hỏi rằng những khó khăn chồng chất ấy hiện nay phải chăng đã có một nguyên do hết sức nghiêm trọng. Bắt đầu thống nhất nước nhà, giành được độc lập trọn vẹn, thì lại làm sai “Chính cương” và “Sách lược” của Bác từng vạch ra để xây dựng Đảng ta suốt nửa thế kỷ vừa qua?
Vậy thì để suy nghĩ về vấn đề to lớn của hơn một nửa thế kỷ sẽ tới, cũng cần hết sức nghiêm túc xem xét nguyên do từ đâu mà lúc bắt đầu đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội là việc gắn liền với nền độc lập dân tộc, lại đã toan đổi “Quốc ca” sau khi xoá bỏ tên nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa” và đổi thành nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”? Liệu điều đó có liên quan như thế nào với sự kiện xóa bỏ “Chính cương” và “Sách lược” do Bác Hồ đã khởi thảo cho ĐCS Việt Nam, rồi áp đặt bản “Luận cương chính trị” của Trần Phú mà sáu chục năm vừa qua vẫn được coi là “Cương lĩnh cách mạng” đầu tiên của một Đảng do Bác từng sáng lập và đào luyện!
Thế nhưng trong lúc nêu bật các điều trên đây, thì bản báo cáo chính trị năm 1976 lại nhiều lần nhấn mạnh rằng sau khi đã thống nhất, trên đất nước ta vẫn diễn ra một “quá trình đấu tranh giai cấp gay go, phức tạp giữa hai giai cấp tư sản và vô sản”. Ngay lúc bắt đầu kế hoạch những năm 1976-1980 nhằm “hoàn thành về cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam”, bản báo cáo đã khẳng định “cuộc đấu tranh giai cấp gay go, phức tạp nhằm giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản” (39).
Phải chăng báo cáo chính trị của Đảng năm 1976 vẫn mang ảnh hưởng bản luận cương chính trị của Trần Phú năm 1930, chứ không căn cứ vào “Chính cương” và “Sách lược” do Bác Hồ vạch ra để giành độc lập dân tộc và để đi lên chủ nghĩa xã hội? Làm sao vừa nhờ “đoàn kết dân tộc” mà đánh bại được đế quốc và nguỵ quyền, lại liền quay ra “đấu tranh giai cấp” một cách quyết liệt để rồi đối đầu với các đồng minh cách mạng đã cùng giai cấp công nhân giành lấy độc lập dân tộc, chỉ vì muốn sớm áp đặt vào miền Nam một thứ quan liêu bao cấp từng bị thất bại ở miền Bắc!
Bác Hồ đã vượt qua bao giáo điều và áp đặt mới có thể dắt dẫn cả dân tộc đi tới được những đỉnh cao thắng lợi của đất nước trong thế kỷ XX này. Song phải chăng cũng do các giáo điều từng đem áp đặt khác hẳn “Chính cương” và “Sách lược” của Người, mà Đảng ta và đất nước phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do để sai lầm nghiêm trọng như trong cải cách ruộng đất v.v…?
Tư liệu góp bàn về vấn đề “Xây dựng Đảng” ắt còn có thể kể ra nhiều nữa. Tôi chỉ xin nêu một phần, mong được cho thêm ý kiến, để kịp bổ khuyết và trình Đại hội với tất cả tấm lòng vì lợi ích của đất nước.
Chú thích
20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 7 tr. 204 và 206 (xem thêm V.I. Lênin, Toàn tập, tập 39, bản tiếng Việt, tr. 372).
21. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 4, tr. 491.
22. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 2, tr. 297.
23. Văn kiện Đảng, 1930-1945, Ban NCLSĐ xuất bản, H, 1977, tr.67 và 70.
24. Văn kiện Đảng, sđd, tr. 84-85.
25. Văn kiện Đảng, sđd, tr. 194.
26. Văn kiện Đảng, sđd, tr. 175-176 và 178.
27. Văn kiện Đảng, sđd, tr. 286-287
28. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 9, tr. 403.
29. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 1, tr. 250
30. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 6, tr. 357 và 396.
31. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 3, tr. 55, 58 và 114.
32. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 3, tr. 147 và 148.
33. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 1, tr. 157-158.
34. Văn kiện Đảng, sđd. tr. 224.
35. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 8, tr. 604.
36. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 1, tr 232.
37. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 2, tr.1.
38. J. Sta-lin, sđd, tr. 19 và 43.
39. Văn kiện Đảng, sđd, tr. 43.
Bình luận
Không có phản hồi (bài “Từ “Chính cương và sách lược vắn tắt” của Hồ Chí Minh đến “Luận cương Chính trị” của Trần Phú – Một nghịch cảnh cần làm sáng tỏ (2)”)