Roger Cohen – Bức bối diễn biến hoà bình
29/05/2009 | 1:00 sáng | 8 Comments
Category: Chính trị - Xã hội
Thẻ: Diễn biến hoà bình
Phạm Minh Ngọc dịch
Viết từ thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam – Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc anh em, đã xác định được kẻ thù số một của họ. Đấy là “diễn biến hoà bình”.
Điều này mới nghe thật chẳng khác nào nhân viên dự báo thời tiết cảnh báo vể mối đe doạ của trời quang, mây tạnh. Nhưng những kiến trúc sư của chủ nghĩa Lenin định hướng thị trường, những người đã đưa chủ nghĩa tư bản phát triển như vũ bão vào các nước độc đảng ở Á châu, không nói đùa. Cơn ác mộng của họ không phải là sự trỗi dậy của cách mạng mà là lún sâu, lún sâu mãi vào thể chế dân chủ tự do.
Hai mươi năm trước, sau vụ tắm máu ở quảng trường Thiên An Môn, phản kháng đi vào thoái trào, sinh viên từ Bắc Kinh đến Hà Nội đều trở nên dễ bảo. Họ hưởng lợi từ quá trình phát triển mà bỏ qua dân chủ trong một tương lai có thể nhìn thấy được. Có thể là họ muốn có nhiều tự do hơn, nhưng không đến mức phải đối đầu với hệ thống như thế hệ Thiên An Môn đã làm.
“Nhiệm vụ chủ yếu của Trung Quốc bây giờ là phát triển”, Song Chao, sinh viên khoa sinh thái học của trường Đại học Bắc Kinh đã nói với Sharon LaFraniere, một đồng nghiệp của tôi như thế. Đấy cũng là tâm trạng ở Việt Nam hiện nay, tại đây, chuyển từ xe máy lên xe hơi có lẽ được giới trẻ quan tâm hơn là thúc đẩy chế độ dân chủ đa đảng.
Ở Trung Quốc thái độ thực dụng như thế được cho là do chấn thương tâm lí. Nửa sau thế kỉ XX nội chiến xảy ra ở cả hai nước, gây ra rất nhiều thiệt hại. Cho nên ổn định được coi trọng, đặc biệt là khi nó đem lại một mức sống cao hơn.
Nhưng bóng ma của “diễn biến hoà bình” đã tạo ra nhiểu thay đổi làm cho Bộ Chính trị ở nước Á châu này phải giật mình tỉnh giấc giữa đêm đen.
Công nghệ đã tước mất của chế độ toàn trị chữ “toàn”. Đêm trường tư tưởng của chế độ Stalinist hay Maoist đã bị các xã hội nối mạng vất vào đống rác của lịch sử. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không phải là những nước tự do. Đồng thời cả hai nước đều không mất tự do đến mức nhân dân phải đứng lên đòi tự do.
Shi Guoliang, người đang nghiên cứu qua điểm của giới trẻ ở Trường Chính trị học Thanh niên Bắc Kinh, nói với tờ Financial Times rằng: “Sinh viên không biểu tình ngồi nữa, họ viết blog và sử dụng Twitter.”
Dĩ nhiên là chính quyền Trung Quốc có ngăn chặn một số Web sites thù nghịch. Internet không được hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam, mọi thứ nói chung là lỏng lẻo hơn phương Bắc, cho nên cũng được tự do nhiều hơn. (Sự kình địch giữa Việt Nam và Trung Quốc bao giờ cũng được che đậy bởi tình hữu nghị anh em theo đúng thể thức.)
Ở cả hai nước, thông tin liên lạc và thế giới mạng đã trở thành những chiếc van an toàn cho chế độ độc đảng, nơi chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là cái mác để người ta nắm giữ quyền lực mà thôi.
Về đại thể, tôi có thể nói rằng thời đại cách mạng đã qua rồi. Google đã ăn tươi nuốt sống tinh thần bạo loạn. Đấy là khác biệt chủ yếu giữa thế hệ Thiên An Môn và “Thế hệ toàn cầu” đang nổi lên ở châu Á. Sức nóng chỉ gia tăng trong không gian chật hẹp. Khi các bức tường và những đường biên giới đã bị thủng lỗ chỗ thì nó sẽ tiêu tán đi.
Bộ máy của Đảng, đã học thuộc bài của Bác Mao và Bác Hồ, còn phải lo gì nếu không có “diễn biến hoà bình”?
Sự sụp đổ của hệ thống Xô-viết mà hầu như không gây ra một tiếng động nào và những cuộc cách mạng nhung ở Trung Âu đã cho những kiến trúc sư chế độ đàn áp tinh vi của thế kỉ XXI ấn tượng không thể phai mờ. Họ dỏng tai nghe không phải những tiếng nổ lớn mà là những lời chửi thầm.
Hệ thống của họ không ồn ào. Họ không dựa vào khủng bố hay quần đảo ngục tù (GULAG) mà dựa vào việc thiết lập các lằn ranh giới hạn tự do, khi tự do có nghĩa là quyền phủ nhận hoặc quyền tổ chức chống lại chính quyền.
Cho nên điều những người bảo vệ chủ nghĩa cộng sản bạo ngược đã hoá đá sợ không phải là các đơn vị cách mạng với súng AK-47 lăm lăm trong tay mà là các tổ chức phi chính phủ (NGO) có vẻ vô hại. Họ luôn cảnh giác với những người phương Tây đầy lí tưởng, có học, mặt búng ra sữa, những người mà đằng sau câu chuyện về nhân quyền và chế độ pháp quyền, có thể xoá nhoà làn ranh không thể vượt qua nói trên và làm lung lạc tinh thần của cán bộ Đảng.
“Công ty thì anh có thể đăng kí trong vòng một ngày, nhưng xin hãy quên NGO và các hội từ thiện đi”, Jonathan Pincus, người đang lãnh đạo chi nhánh mang tên Kennedy của Đại học Harvard ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nói với tôi như thế. Một đoàn đại biểu Nga mới tới thăm Việt Nam gần đây đã chỉ cho họ cách đối phó với những mối đe doạ của NGO.
Đấy là điều đáng tiếc nhưng không phải là tai hoạ. Cái tốt nhất không nhất thiết phải là kẻ thù của điều lành. Việc phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và Việt Nam, chiếm khoảng 20% dân số thế giới, đã đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo kể từ ngày chế độ cộng sản toàn trị sụp đổ. Phương Tây không thể nói rằng họ giỏi hơn được nữa.
Xin nói thêm một chút về cái học thuyết đã dẫn dắt nhân loại vào con đường sai lầm. Trong một giai đoạn ngắn ngay sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, thị trường tự do và chế độ tự do đa đảng tưởng như sẽ quét sạch mọi thứ trên bước đường vinh quang của nó. Nhưng từ Moskva đến Bắc Kinh và Hà Nội, phản động đã quay trở lại. Thị trường và chủ nghĩa dân tộc đã chà đạp tự do và lá phiếu của người dân, tinh thần cao quí của Thiên An Môn và Berlin phai nhạt dần.
Nước Mĩ, vốn được sinh ra từ tư tưởng tự do, phải trung thành với những giá trị của tư tưởng này. Nhưng tỉnh táo và đang trong tình trạng nghèo túng, Mĩ phải biết kiên nhẫn. Khi giới trung lưu đang lên của Việt Nam và Trung Quốc trở thành khó tính hơn đối với hàng hoá họ dùng hàng ngày thì họ cũng sẽ trở thành những khách hàng khó tính hơn của chính phủ.
Họ sẽ đòi hỏi minh bạch hơn, luật pháp ổn định hơn, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, ít tham nhũng hơn, giáo dục mở rộng hơn, nhiều tự do ngôn luận hơn và ít giới hạn không thể vượt qua hơn.
Chế độ độc đảng khó mà làm được chuyện đó. Tôi xin đánh cược rằng trong một phần tư thế kỉ nữa, thông qua diễn biến hoà bình, ở cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều sẽ có nhiều dân chủ và tự do hơn, chứ không ít hơn.
Nguồn: http://www.nytimes.com/2009/05/25/opinion/25iht-edcohen.html?_r=2
Bình luận
8 Comments (bài “Roger Cohen – Bức bối diễn biến hoà bình”)
[…] bình luận quốc tế nổi tiếng thế giới của New York Times với bài viết “Nỗi bức bối diễn biến hòa bình” (Peaceful evolution angst) cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định […]
Mến chào bạn Lê Điều,
Hóa ra những gì tôi nói về sự thật ở Việt Nam đã làm cho bạn Lê Điều “chán ngấy” chứ không phải “chán nản”… Ra là thế! Vậy thì tôi xin lỗi, vì không nhìn thấy trạng thái chán chường của bạn trước những viễn ảnh đen tối của nước nhà.
Bạn nói bao nhiêu đó đủ để diễn tả trung thực bản chất con người bạn rồi. Ở đây, không ai có thể động viên bạn được, tôi chỉ xin nhắc lại một điển tích bên Tàu ngày xưa cho bạn nghe chơi. Bạn có hiểu thành ngữ “nằm gai, nếm mật” là gì không nhỉ, từ đâu ra?
Bạn có biết ngày xưa Việt vương Câu Tiễn đi làm thân tôi đòi, bưng bô, nếm phân, hứng chịu cảnh “nằm trên giường gai nhọn đau đớn, lâu lâu thè lưỡi nếm một trái mật đắng nghét” chỉ vì không muốn quên đi mối thù truyền kiếp và nuôi ý chí phục thù, giành lại giang sơn gấm vóc nước Việt, không được quyền chán nản, chán chường.
Tôi không biết nước Việt này trong Đông Châu Liệt Quốc có phải là Việt Nam ta hay không, xin các bạn khác điều chỉnh giùm, và kể ngọn ngành câu chuyện cho ông bạn Lê Điêu nghe chơi.
Mến chào và xin phép chấm dứt màn đối thoại vô bổ này.
Mặc dù ý kiến lần này của ông Lê Quốc Trinh đã đỡ chán hơn các lần trước một chút (vì đề cập một câu chuyện chưa đến mức “biết rồi khổ lắm nói mãi” về các Việt kiều cánh tả chống Mỹ cứu nước ngày xưa, nay “im thin thít”…), nhưng tôi sợ rằng nói chuyện với ông giống như ở tình trạng ngôn ngữ bất đồng nên cuối cùng thì cũng vô nghĩa thôi. Trong ý kiến trước, tôi bảo là ý kiến của ông rất… chán. Ông phản hồi lại rằng “sự thật” mà ông nói ra làm cho tôi… chán nản! Chắc ở Canada người Việt dùng một thứ tiếng Việt khác nên không phân biệt được hai từ chán và chán nản. Ngoài ra, tôi bảo là cái cách ông tuôn ra những “sự thật” nào đó là đáng chán. Ông phản hồi lại là những “sự thật” đó làm cho tôi chán nản, khiến ông “bó tay chấm com”. Thế thì trao đổi làm gì cho vô nghĩa!
Đành chúc ông tiếp tục hớn hở căm thù những người công nhân Trung Quốc đang “phé phỡn dạo mát” trên cao nguyên của ông và tiếp tục vô tư dùng loại tiếng Việt Canada đặc biệt của ông vậy.
Mến gửi bạn Lê Điều,
Bạn đã trách móc tôi viết lên một bài tả oán, lời lẽ nói lên sự thật và làm cho bạn “chán nản”. Tôi thực sự xin lỗi bạn vậy. Tôi chỉ biết nói lên sự thật “mắt thấy, tai nghe, chứng cớ rành rành trên báo chí truyền thông”. Nếu những gì tôi nói không đúng sự thật thì đó là sai lầm của tôi. Còn nếu “sự thật” làm cho bạn chán nản thì tôi xin chịu, không biết làm sao hơn.
Trạng thái chán nản này tôi còn nhận thấy qua biểu hiện của các bạn thân tôi ngày xưa đã từng chung lưng hoạt động trong phong trào “Chống Mỹ cứu nước” ở Canada.
Ngày nay họ đã được nệm ấm chăn êm, nhà cửa xe cộ sang trọng, có công ăn việc làm vững chắc ở hải ngoại, nhưng họ chỉ đành ngậm ngùi khóc thầm trước những “sự thật mà tôi đã kể”. Ngày xưa họ hăng say nồng nhiệt lập Hội, in sách báo ra sức tuyên truyền cổ vũ cho CNXH VN, ủng hộ chính phủ cách mạng và chính quyền CSVN, tổ chức mọi hoạt động “chiến tranh nhân dân” để vận động dư luận Mỹ. Nhưng ngày nay thì họ ngậm miệng, im thin thít trước tình hình sôi đọng, trước những sai lầm cơ bản của cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội VN, mà họ đã có trách nhiệm phần nào.
Tôi còn nhớ hai câu đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm ngày xưa:
– Đặng Trần Thường:
“Ai công hầu, ai khanh tướng
Trong trần ai, ai dễ biết ai?”
– Đặng Thì Nhậm đối lại:
“Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu
Gặp thời thế, thế thời phải thế”
Mến chào.
Ông Nguyễn Viện nói: “Vai trò của người trí thức là từ thực tế này nhìn thấy quy luật phát triển của xã hội và tìm mọi cách góp phần rút ngắn sự lạc hậu về thể chế, về pháp luật và cả về con người ở nuớc ta. Rút ngắn từng ngày một. Có khi chỉ vì một ngày đó mà dân tộc sẽ bỏ mất một cơ hội ngàn năm, hay đất nuớc sẽ chịu một thảm họa khôn lường”.
Tôi chưa thấy những phân tích về chính sách phát triển Tây Nguyên của nhóm phản đối bauxite (được xem là phong trào dân chủ). Trong khi vấn đề khai thác bauxite được Bộ Chính trị và Chính phủ xem là động lực chính để phát triển Tây Nguyên (gần như chưa có phương án, phương pháp thay thế). Họ đã ở tình thế không thể chờ, trong khi ta đòi hỏi họ phải có một phương án khác cho Tây Nguyên… Thật khó!
Nếu phản đối nó thì sẽ có “phương án khoa học” (thậm chí phương pháp kiến nghị chuyên nghiệp và có tính xây dựng) nào để thế vào? Chứ không thể chỉ có phản đối (buộc họ phải đứng về phía chủ trương “sai”). Chấp nhặt với những ứng xử chưa phải với quyền kiến nghị là đi vào vụn vặt. Chủ trương phát triển (chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành…) và quyền được hưởng lợi kinh tế, thay đổi tư duy kinh tế và thói quen sinh hoạt ở Tây Nguyên có phải hoàn toàn là tiêu cực?
Nếu chỉ vì bất đồng với một chủ trương trong một hệ thống những chính sách (đối nội, đối ngoại) mà ta chưa nắm rõ được “thế thuật” như thế nào và sẽ cho ra những kết quả gì (tức những điều còn chưa diễn ra, chưa rõ tốt hay xấu) thì rất khó để bảo vệ quan điểm phản đối của mình.
Thú thật là tôi thấy những điều ông Lê Quốc Trinh viết rất… chán. Không phải là vì không đúng, mà vì… biết rồi khổ quá nói mãi, mà nói lại không được thú vị sâu sắc gì cả, chỉ lặp lại những thông tin đã được nói đi nói lại quá nhiều lần thôi. Mà lặp lại rồi bình luận lại rất ư là… vớ vẩn. Ông bảo “lao động VN gửi đi nước ngoài bị bóc lột thậm tệ, đói khát quay về, trong khi công nhân TQ phè phỡn đi dạo mát trên công trường Tây Nguyên“. Ông làm như công nhân TQ ở Tây Nguyên sống cuộc đời sung sướng lắm? Công nhân ta hay công nhân Tàu đều là công nhân bán sức lao động rẻ mạt cho các tập đoàn tư bản nhà nước (nhà nước ta và nhà nước Tàu). Họ đều khổ như nhau cả thôi ông ơi. Trách móc chính sách quản lí thị trường lao động VN là đúng, nhưng những người công nhân TQ thì có lỗi gì hở ông? Thử hỏi, nếu công nhân VN đi lao động ở nước ngoài cũng bị người bản quốc miêu tả như ông vừa miêu tả công nhân Tàu thì thế nào nhỉ? Thật là vớ vẩn! Ông cũng làm như người Việt đi lao động nước ngoài là khổ cực lắm! Thưa ông, “chạy” được một suất đi lao động nước ngoài là oanh liệt lắm đấy ạ. Bất kể ông có tố cáo nước ngoài nó bóc lột công nhân ta thậm tệ thế nào, số người ngong ngóng ra đi vẫn lớn hơn gấp bội số người “đói khát quay về” của ông. Nhưng đấy là câu chuyện khác mà tôi e rằng ông không muốn nhìn thấy. Ông chỉ thích kết luận đánh xoẹt một cái là xong. Tôi e rằng mấy lời có phần “nói đi thì có nói lại” này của tôi đã biến tôi trong mắt ông thành kẻ bảo vệ chế độ hiện nay ở VN rồi.
Tiệm tiến hay cấp tiến? Vấn đề không đơn giản như thế đâu.
Thử nhìn lại 34 năm qua, từ ngày 30-04-75 đến nay, lãnh đạo và người dân Việt Nam đã tiến tới đâu rồi?
Ông Hồ có để lại di chúc cho con cháu:
“Còn non còn nước còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.” (1969)
Thử làm một vòng tham quan hai thành phố lớn nhất đất nước xem sao:
– Lụt lội càng lúc càng tệ hại (ngay cả ngày nắng không mưa, chỉ vì triều cường dâng)
– Lô cốt đầy đường (chỉ vì không có kế hoạch, không giám sát);
– Dây điện chằng chịt như mạng nhện treo trên đầu (gây ra biết bao đau thương tang tóc cho người dân);
– Phụ nữ con gái phải đứng xếp hàng cho người ngoại quốc chấm điểm mua về làm nô lệ tình dục;
– Lao động VN gửi đi ra ngoài bị bóc lột thậm tệ, đói khát quay về, trong khi nhân công TQ phè phỡn đi dạo mát trên công truờng Tây Nguyên;
– Biển đảo VN bị xâm chiếm, ngư dân bị cấm đánh bắt cá trong vùng lãnh hải của VN;
– Sông ngòi thì bị xây đập trên thượng nguồn TQ ngăn chặn nước ngọt;
– Học sinh bị ngăn cản học sử ký nước nhà, vì sợ đụng chạm, muốn biết các trận đánh lich sử chống ngoại xâm phuơng Bắc, hãy tìm lại sách vở thời Việt Nam Cộng hòa.
Chúng ta tiến chậm chăng? Để rồi càng ngày càng nghèo đi, độc lập chủ quyền luôn bị đe doạ, phải nhắm mắt tiêu thụ hàng giả của TQ, và bị khinh miệt suốt đời.
Hãy nhìn và nghe để thấy cơn bĩ cực Việt Nam ra sao.
„Cơn ác mộng của họ không phải là sự trỗi dậy của cách mạng mà là lún sâu, lún sâu mãi vào thể chế dân chủ tự do.“…
„..chuyển từ xe máy lên xe hơi có lẽ được giới trẻ quan tâm hơn là thúc đẩy chế độ dân chủ đa đảng….“ bởi vì: „Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không phải là những nước tự do. Đồng thời cả hai nước đều không mất tự do đến mức nhân dân phải đứng lên đòi tự do“. Nhưng rồi: „…trong một phần tư thế kỉ nữa, thông qua diễn biến hoà bình, ở cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều sẽ có nhiều dân chủ và tự do hơn.“
Tất cả những điều này đều đúng với thực tế, tuy nghe ra có vẻ cay đắng cho những nguời chủ trương dân chủ cấp tiến, thay vì tiệm tiến. Sinh hoạt xã hội ở Việt Nam nay đã tiến bộ hơn so với truớc nhiều và ngày mai sẽ còn dễ thở hơn. Vụ tranh luận về bô xit và quan hệ Việt Trung hiện nay đang xảy ra trên các blog ngoài luồng, trên báo chí nhà nước như VNN, TBKTSG v.v. và ngay cả trong Quốc hội, trong Đảng cầm quyền là những bằng chứng sinh động cho các biểu hiện tích cực này. Nhưng không được vì thế mà cứ tiếp tục khuyên thanh niên hưởng thụ, bắt mọi người ráng chịu 25 năm nữa. Lại càng không đuợc phép vùi dập những đòi hỏi tăng tốc cải cách. Một ngày chậm tiến cũng là quá dài!
Vai trò của người trí thức là từ thực tế này nhìn thấy quy luật phát triển của xã hôi và tìm mọi cách góp phần rút ngắn sự lạc hậu về thể chế, về pháp luật và cả về con người ở nuớc ta. Rút ngắn từng ngày một. Có khi chỉ vì một ngày đó mà dân tộc sẽ bỏ mất một cơ hội ngàn năm, hay đất nuớc sẽ chịu một thảm họa khôn lường.