Về một tài liệu “chống phá chính quyền” của luật sư Lê Công Định
18/06/2009 | 4:23 sáng | 4 Comments
Category: Chưa phân loại
Thẻ: Luật sư Lê Công Định bị bắt
Xem web site báo Công An Nhân Dân Online loạt ảnh cảnh bắt luật sư Lê Công Định, thấy có bức hình này, với chú thích “Tài liệu thể hiện sự chống phá chính quyền thu được trong máy tính của Lê Công Định”.
Nhìn tựa đề Từ Độc Tài Đến Dân Chủ, Một Hệ Thống Ý Niệm Về Giải Phóng, dễ lầm tưởng đây là thứ gì bí mật, âm mưu ghê gớm. Nhưng nếu chịu khó đưa mắt xuống dưới, sẽ thấy tác giả của tài liệu là “Gene Sharp, Học Viện Albert Einstein”.
Thì ra đây không phải “tác phẩm” do Lê Công Định hay bất cứ người Việt “phản động” nào viết. Đây là bản dịch một cuốn sách mỏng của Gene Sharp, học giả nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng thế giới về lý thuyết đấu tranh bất bạo động, người sáng lập ra Viện Albert Einstein (Albert Einstein Institution) có trụ sở tại Boston, Hoa Kỳ. Viện Albert Einstein, theo tuyên bố trên web site của họ, theo đuổi mục đích: “tìm hiểu hiệu lực của đấu tranh bất bạo động trong xung đột, khám phá tiềm năng chiến lược của nó, và thông tin về vấn đề này qua in ấn và các phương tiện truyền thông khác, dịch thuật, hội nghị, cố vấn, các lớp học.”
Gene Sharp, sinh năm 1928, là học giả nghiên cứu của Đại học Harvard trong gần ba mươi năm, cựu giáo sư chính trị Đại học University of Massachusetts Dartmouth. Sharp thường được gọi là “Clausewitz của tranh đấu bất bạo động” vì những cuốn sách có ảnh hưởng rộng rãi trong lãnh vực này, tiêu biểu như: The Politics of Nonviolent Action (1973), Gandhi as a Political Strategist, with Essays on Ethics and Politics (1979), Making Europe Unconquerable (1985)…
Từ Độc Tài Đến Dân Chủ, Một Hệ Thống Ý Niệm Về Giải Phóng là bản dịch cuốn sách mỏng From Dictatorship to Democracy của Gene Sharp, có thể tìm được dễ dàng trong các thư viện ở Mỹ, thậm chí hiện có bán trên Amazon.com. Bản dịch tiếng Việt của cuốn sách được đăng trên trang web Viện Albert Einstein, cho sử dụng miễn phí. Tiếng Việt chỉ là một trong khoảng bốn mươi thứ tiếng mà các tác phẩm của Gene Sharp đã được dịch và đăng trên trang web của viện.
Cái gọi là “tài liệu thể hiện sự chống phá chính quyền thu được trong máy tính của Lê Công Định” như vậy thật ra là một cuốn sách có tính học thuật được phổ biến công khai và rộng rãi trên internet. Lê Công Định chỉ tải xuống hoặc ghi nhớ trong máy để xem.
Từ Độc Tài Đến Dân Chủ, Một Hệ Thống Ý Niệm Về Giải Phóng, tuy vậy, được dịch ra tiếng Việt bởi Đảng Việt Tân. Đây có thể là lý do khiến công an Việt Nam và những người thiếu hiểu biết mới nhìn qua liền cho nó là tài liệu của một “tổ chức phản động” . Vấn đề lẽ ra nên được hỏi một cách thông minh hơn:
Một. Phải chăng vì Lê Công Định đọc và lưu giữ một cuốn sách ngoại quốc dịch bởi Việt Tân nên Lê Công Định là thành viên của Việt Tân, hay cấu kết với Việt Tân? Nếu lý luận kiểu đó, hàng triệu người đọc Mein Kampf của Hitler cũng sẽ là phát-xít. Mein Kampf có trong hàng ngàn thư viện đại học ở Mỹ và trên thế giới, hiện bán trên Amazon.com
Hai. Nếu Việt Tân đã bỏ công dịch cuốn sách về đấu tranh bất bạo động (mà có lẽ trước tiên để đảng viên của họ đọc), thì phải chăng họ là một “tổ chức khủng bố” như nhà nước Việt Nam thường kết án?
Sau cùng, thiết nghĩ chúng ta nên bỏ thời giờ đọc Từ Độc Tài Đến Dân Chủ, Một Hệ Thống Ý Niệm Về Giải Phóng và những cuốn sách khác của Gene Sharp, như một cách chia sẻ và ủng hộ luật sư Lê Công Định, người có nhiều thứ để mất hơn phần lớn chúng ta nhưng đã không sống chỉ vì bản thân mình.
Toàn văn cuốn sách ở đây:
http://www.aeinstein.org/organizations/org/FDTD-Vietnamese.pdf
17.6.2009
Bình luận
4 Comments (bài “Về một tài liệu “chống phá chính quyền” của luật sư Lê Công Định”)
[…] Nguồn: talawas […]
Anh Phan Nhiên Hạo ngồi bên Mỹ để đặt ra những câu hỏi thông minh. Lẽ nào anh không biết những kiểu lý luận kỳ quặc ấy cũng như bao nhiêu thứ tội vô lý dân Việt Nam phải chịu đựng bao nhiêu năm nay.
Mong những ai khi bênh vực, ủng hộ cho luật sư Lê Công Định hay những người bất đồng chính kiến khác không nên dùng những từ ngữ khoa ngôn kiểu “anh hùng”, “yêu nước thương nòi”, “sống hy sinh vì người khác”, etc như những luận điệu tuyên truyền mà bao lâu nay những cái loa, bồi bút của chế độ đã xài hết công suất. Những người có tự trọng không thích những kiểu tâng bốc như vây.
Hãy gọi tên sự thật đúng như nó là.
Xin trích lại đây một đoạn trong diễn văn của bà Suu Kyi để minh chứng cho điều trên:
“My father said that people who claim that they have taken over power for love of their people and love of their country will earn no respect. They would gain some respect if they just said outright that it was for love of power. The National League for Democracy has never claimed that we are motivated by love of country or love for our people. We are motivated by our desire for human rights and democracy. Why do we want democracy and human rights because we want the people to reach a human standard that is equal to international norms. We don’t go about flaunting the idea of love for country or love for our people.”
“Từ Độc Tài Đến Dân Chủ, Một Hệ Thống Ý Niệm Về Giải Phóng, tuy vậy, được dịch ra tiếng Việt bởi Đảng Việt Tân. Đây có thể là lý do khiến công an Việt Nam và những người thiếu hiểu biết mới nhìn qua liền cho nó là tài liệu của một “tổ chức phản động” . Vấn đề lẽ ra nên được hỏi một cách thông minh hơn”
Ôi, chẳng lẽ lại có một cách hỏi “hỏi” “thông minh” hơn về “vấn đề” này sao, thưa anh?
….
Lê Công Định, ông rất có thể là một người mà quần chúng mong đợi, cho nên tôi mong được phép nhắc lại, một câu ngắn thôi, tôi đã phát biểu vài hôm trước đây.” MONG ÔNG GIỮ VỮNG KHÍ TIẾT MỘT KẺ SĨ UY VŨ BẤT NĂNG KHUẤT, MONG ÔNG ĐỪNG BỎ LỠ CƠ HỘI HIẾM CÓ NÀY ĐỂ XÂY DỰNG NHÂN CÁCH LÃNH ĐẠO MÀ TRONG NGOÀI MONG ĐỢI”