Anna Bikont – L. Kolakowski: Có phải vẫn còn sự thật để mà chết vì nó?
21/07/2009 | 12:00 chiều | Chức năng bình luận bị tắt ở Anna Bikont – L. Kolakowski: Có phải vẫn còn sự thật để mà chết vì nó?
Category: Chính trị - Xã hội, Tư tưởng
Thẻ: Kolakowski > Thêm thẻ mới > Tư tưởng
Lê Diễn Đức dịch
Lời người dịch: Triết gia Ba Lan L. Kolakowski qua đời ngày 17/07/2009 tại Anh quốc. Ông là một trong số ít các nhà triết học của Đông Âu giành được sự thừa nhận ở đỉnh cao tri thức ở châu Âu và thế giới.
Trong bài tưởng nhớ về ông, BBC (17/07/2009) viết: Leszek Kolakowski “mổ xẻ chủ nghĩa Marx qua các giai đoạn và đóng các cột mốc quan trọng cho lý luận Marxism kể từ khi có Liên Xô”. Bài viết dẫn lời của nhà báo Adam Michnik, một trong những trí thức dấn thân hàng đầu của Ba Lan nói về ông: “Ông là triết gia và nhà văn thực thụ, người thầy của mấy thế hệ trí thức tự do Ba Lan. Trong nhiều thập niên, ông vừa là bậc có uy tín đạo đức vừa là biểu tượng của nước Ba Lan độc lập về tư tưởng và không chấp nhận kiếp nô lệ. Ông là tinh thần của tư duy phản kháng Ba Lan và tâm hồn ngỗ nghịch của Ba Lan”.
Giáo sư triết học Gesine Schan, chính trị gia của SPD, đặc trách của chính phủ Đức về quan hệ Ba Lan – Đức nói với nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza (GW) hôm 18/07/2009: “Leszek Kolakowski đã để lại cho châu Âu bản quyết toán của mình với chủ nghĩa Mác-xít và cả tư tưởng rộng mở về tôn giáo. Ông là phát ngôn của lòng bao dung và chủ nghĩa tuyệt đối trên mọi hữu vật. Ông viết rằng, con người phải có tính trái ngược, bởi vì đấy là nhân tính. Tuy nhiên ông cảnh báo hiệu quả tuyệt đối sẽ dẫn tới tội ác. Ông đã rút ra từ lịch sử thế kỷ XX của châu Âu một khoa học như vậy, một khoa học mà châu Âu phải ghi nhớ”.
Dưới đây là bài phỏng vấn của Anna Bikont, tìm được trong thư viện của L. Kolakowski lần đầu tiên được công bố trên nhật báo Ba Lan GW ngày 18-19/07/2009. Bài phỏng vấn cho chúng ta thấy cách tư duy về sự thật. Có phải vẫn còn có sự thật để mà chết vì nó? Phải có nghĩa là thế nào? Với ai thì phải? Có phải ai cũng sẵng sàng chết vì sự thật ấy? Những sự thật như thế không tồn tại.
Lê Diễn Đức
___________
Anna Bikont: Có nghĩa là: chúng ta muốn đánh giá một con người sẵn sàng chết vì sự thật.
Leszek Kolakowski: Nhiều người đã chết với tên của Stalin trên môi, có nghĩa rằng họ đã chết với niềm tin rằng, Stalin là lãnh tụ vĩ đại đã dẫn dắt thế giới tới một ngày mai tốt đẹp hơn. Thế nhưng thật ngạc nhiên khi nói rằng, niềm tin vào sự trung thành đối với Stalin là sự thật để có thể vì nó mà chết.
Anna Bikont: Dù sao thì những người lính Liên Xô chết vì niềm tin đã thúc đẩy nhanh hơn sự kết thúc của Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Leszek Kolakowski: Trong một ý nghĩa nào đó, niềm tin kém thông minh này của họ đã dẫn đến điều là họ đã chiến thắng cuộc chiến tranh này. Nhưng không thể nói rằng, niềm tin này bắt buộc tất cả mọi người. Có những người sẵn sàng chết vì đức tin tôn giáo của mình, và cũng có những người chẳng quan tâm gì chuyện đó. Vậy thì bây giờ chúng ta làm sao đánh giá người này và người kia? Có thể là sự thật mà cần phải chết vì nó, đó là chính cái sự thật rằng, có tồn tại sự thật. Không có bất cứ sự xác định nào sự thật nằm ở đâu.
Những người Công giáo đã tử vì đạo và những người bảo vệ niềm tin của mình đã chết trên các giàn hỏa thiêu. Không thể phê phán những người này và cả những người kia. Niềm tin sâu sắc vào sự việc quan trọng nào đó làm phong phú chúng ta thêm. Có thể là những niềm tin ác độc và khủng khiếp mà con người gắn chặt với nó, chúng ta nhìn thấy hàng ngày, cho dù tôi tin chắc rằng, nó làm phong phú cuộc sống thêm. Tất nhiên, người ta không biết, bằng nó có làm phong phú thêm người khác hay không, bởi vì chính niềm tin này có thể là một cái gì đó bất nhân. Vậy thì nảy ra câu hỏi, nên hay không diễn đạt khác hơn: phải với sự thật nào và không phải với sự thật nào. Ở tại điểm này chúng ta nằm trong bụi rậm của ngờ vực.
Anna Bikont: Thế có nên chết vì tổ quốc?
Leszek Kolakowski: Nên. Nếu như tổ quốc bị lâm nguy thì cần phải chết để nó không bị tiêu diệt. Đây là điều bình thường và tự nhiên và rất nhiều người bằng mạng sống và cái chết đã chứng thực rằng đúng như vậy. Trong một cách tự nhiên chúng ta sẵn sàng trả giá cho sự cống hiến và hành động của chính mình.
Anna Bikont: Khi còn là chàng trai trong chiến tranh ông có mơ ước chiến đấu và chết vì tổ quốc?
Leszek Kolakowski: Không, không bao giờ tôi có những mơ ước như thế cả. Nói chung chẳng bao giới tôi mơ ước mình là một lính chiến gan dạ. Tôi đau trên số phận của tổ quốc, tôi nhớ nỗi thất vọng mà tôi gặp phải khi là một đứa bé 12 tuổi, lúc ấy tôi biết rằng, Warszawa đã bị quân Đức chiếm đóng.
Anna Bikont: Ông có cho rằng, nên chăng có Cuộc khởi nghĩa Warszawa mà trong đó trẻ em bị ném vào điên rồ như những cục đá?
Leszek Kolakowski: Bản thân tôi không tham dự Cuộc khởi nghĩa và tôi cũng không chứng kiến Cuộc khởi nghĩa vì tôi phải đi khỏi Warszawa trước đó. Chiến tranh đang diễn ra, đấy là những tuần lễ cuối cùng của tôi khi tôi tới Warszawa vào lúc 16 tuổi, nhìn thấy thành phố như thế nào sau sự bất hạnh. Rất nhiều người đã có ý kiến chống lại cuộc khởi nghĩa. Khởi nghĩa, đấy là sự điên rồ dẫn đến hủy diệt một phần tinh tú nhất của lớp trẻ. Và rồi đã xảy ra. Nhưng có thể nào nói một cách cả quyết rằng, chẳng có cái gì giành được từ nó? Hay là có thể có? Jan Nowak khẳng định rằng, Cuộc khởi nghĩa là yếu tố dẫn đến việc Stalin không sát nhập Ba Lan vào Liên Xô. Tôi không có ý kiến gì về nhận định này. Tôi chỉ nhắc lại lời nói của một con người thông minh và trong các sự việc này ông là người rất thông thái. Còn cho dù chẳng có gì gặt hái được ngoài sự bất hạnh, thì hàng ngàn người đã chịu khổ cực và chết để bảo vệ đất nước và bảo vệ thủ đô, là một điều vĩ đại không thể nào phủ nhận. Không nên chỉ trích những người đã quyết định chiến đấu mà cuối cùng đi đến thất bại. Cần xem Cuộc khởi nghĩa là một phần quan trọng và to lớn trong lịch sử của chúng ta, nhờ đó, mặc dù thất bại, mặc dù thủ đô bị tàn phá, là một cái gì đó rất cơ bản giành được trong ý nghĩa của tâm hồn.
Anna Bikont: Người Mỹ nghĩ ra chuyện trục ác và rằng, họ phải mở cuộc chiến tại Iraq. Đây có phải là sự thật mà vì nó những người Mỹ, người Anh và cả người Ba Lan phải chết?
Leszek Kolakowski: Vào thời điểm này chẳng ai còn nghi ngờ gì về một cuộc chiến được khởi đầu một cách khủng khiếp. Thế nhưng tôi không xác nhận rằng, đã có thể lường trước hết được những bất hạnh cũng như không dễ dàng tháo lui trong một ngày.
Anna Bikont: Nhưng đây là sự thực thi tồi về quân sự hay là sự thật về trục ác là sự dối trá tuyên truyền?
Leszek Kolakowski: Đây không phải là sự dối trá tuyên truyền trong ý nghĩa đối với một nơi mà chế độ bạo tàn, bất nhân ngự trị. Thế nhưng cũng có những chế độ khác, tại sao lại chọn chế độ này? Người ta không tấn công Bắc Hàn, cho dù có thể nói rằng, nó còn tệ hơn ở Iraq thời Hussein. Cuộc chiến thứ nhất tại Iraq không những chỉ thành công mà còn có lý trong một cách thức đương nhiên. Nhưng cuộc chiến thứ nhì thì không còn đương nhiên nữa.
Anna Bikont: Nếu như người Mỹ thành công trong việc nhanh chóng lật đổ hệ thống và đưa dân chủ vào, thì lúc ấy việc nói về trục ác có thể là sự thật? Hay là, một điều gì đó có thể là sự thật hay không, phụ thuộc vào hiệu quả?
Leszek Kolakowski: Không, sự hiệu quả không thể là tiêu chuẩn mà qua đó chúng ta phán quyết cho sự có lý của một sự thật tổng quát hơn nào đó. Trong bản chất sự việc, có những chế độ tốt hơn và xấu hơn. Và điều này không ai phủ nhận. Tất cả những chế độ với ý thức hệ nhất định là xấu hơn, ở nơi mà con người bị trấn áp, tra tấn và không có tự do công dân, con người sống trong nghèo khổ. Thế nhưng không phải từ đó mà kết luận rằng, chúng ta biết cách xoay xở với nó ra sao và thử tìm cách xoay xở với nó có thể gây nên những hậu quả tệ hại hơn.
Anna Bikont: Có phải thế giới tốt là thế giới mà trong đó không phải chết vì một sự thật nào đó?
Leszek Kolakowski: Có lẽ có thể nói như thế. Có những nơi trên thế giới nói chung người ta không phải chết vì sự thật. Và đây có thể là tiêu chuẩn quan trọng để xác nhận rằng, đấy là nơi tốt. ■
Bản tiếng Việt © Lê Diễn Đức
Bản tiếng Việt © talawas Blog
Bình luận
Không có phản hồi (bài “Anna Bikont – L. Kolakowski: Có phải vẫn còn sự thật để mà chết vì nó?”)