Vũ Hoài Nam – Chúng ta, người Việt Nam nên mang ơn Hoa Kỳ?
01/08/2009 | 1:14 sáng | 21 Comments
Category: Chiến tranh Việt Nam, Quan hệ Việt - Mỹ
Thẻ: Người Việt tại Mỹ
Định viết một bài trả lời bạn Brianboy và một số cá nhân đã góp ý với tôi, song bài trả lời dài quá và hơn nữa đây là một chủ đề mà tôi tin là có nhiều người quan tâm nên góp thời gian viết một bài đầy đủ hơn.
Xin được bắt đầu (lại) bằng bài phỏng vấn của ông đại tá Lương Xuân Việt do ông Phan Nhiên Hạo dẫn ra.
Tôi đã trả lời bằng 2 phản hồi:
https://www.talawas.org/?p=8230&cpage=1#comment-4066
Bạn brianboy hiểu nhầm ý của tôi. Tôi không có thành kiến với Mỹ, chỉ cố công nhận xét vai trò của Mỹ ở Việt Nam một cách công bằng nhất có thể (tôi không gọi đó là “đế quốc Mỹ” như nhiều người từng gọi). Bạn nói ân & oán giữa Mỹ & cộng sản Việt Nam là sao, tôi chỉ đề cập đến những “món quà” mà người Mỹ đã từng một thời mang “tặng” dân tộc Việt Nam dưới hình thức “xóa sổ cộng sản” (theo sách vở của cộng sản thì Mỹ âm mưu mang Việt Nam về thời kỳ đồ đá), như vậy nếu nói đến ân oán thì thì phải nói đến Mỹ – dân tộc Việt Nam. Còn về đại tá Việt thì tôi đã không có ý kiến, không phê phán, không tung hô, không chúc tụng, không dè bỉu (như một số người gán cho tôi hay làm những việc đó.. “thay tôi”), bạn brianboy và độc giả có thể đọc kỹ lại những gì tôi viết để chứng thực. Khi đọc bài của ông Hạo, tôi thấy ông ta có cái nhìn “dĩ nhiên khác xa”, nên tôi mới thử nghe bài phỏng vấn đó và thấy có chút không nên, vì được Mỹ cứu giúp thì biết ơn là chuyện đương nhiên, tuy nhiên có phải người Việt tị nạn nào Mỹ cũng cứu vớt hết đâu; phải vận động chán chê mê mỏi, hơn ngàn người tị nạn ở Phi sau bao nhiêu năm chờ đợi mới cập bến bờ tự do đấy chứ (kể ra thì tôi cũng nói hơi quá, Mỹ là nước Hợp chủng quốc, toàn người tứ xứ, ai đến đây cũng mang ơn và lo trả ơn thế thì chồng chéo quá, có khi chỉ ích cho… ông da đỏ, cái ông American Indian ấy. Mà ở Mỹ thì điều kiện sống tốt quá rồi, cũng dễ ăn dễ nói chứ bà con lao động ở Đức, Nga, Hung… chắc cũng chỉ “ơn thầm”). Nhưng chỉ vì bố con ông Việt đã từng là người Việt Nam mà thấy cái ơn của Mỹ nó to quá thì là điều không nên.
Bạn brianboy ạ, trong “nói tiếng Việt” nó có ít nhất 2 thành tố là: “phát âm tiếng Việt” và “vận dụng ngôn từ Việt” vì tiếng Việt của ta nó cũng khó lắm chứ không phải dễ như nhiều người tưởng (nhiều khi không biết sử dụng sẽ thành ra “ăn tục, nói phét”), cổ nhân có câu “học ăn học nói, học gói học mở” là thế.
Nhân câu nói của bạn brianboy: “Đại đa số người Việt bỏ Việt Nam ra đi là vì sợ cộng sản”, tôi cũng xin chia sẻ cảm giác bị cộng sản Việt Nam truy quét và hành hạ đến khốn khổ khốn nạn thế nào, tuy tôi và gia đình không có gì liên quan/bị liên quan đến chính trị nhưng, đã từng tiếp xúc với cộng sản “gộc” nhiều, tôi hiểu họ là những con người như thế nào để mà có được cảm giác của những người bị họ đàn áp, ví dụ như trường hợp một cô bé đi lao động ở Jordan bị họ gọi điện đe dọa thì đủ hiểu là cô bé đó sợ hãi đến mức nào (có mà thánh bảo cô ta cũng không nói được “Tôi yêu Việt Nam!” như cái anh Honda Việt Nam).
Tôi cũng xin thanh minh rằng tôi không có vấn đề gì để mà nhỏ nhen tị hiềm, suy bì, hay “cay cú” trâu buộc ghét trâu ăn với những người Việt thành tài ở hải ngoại như một số vị phán xét. (Tôi thấy nhiều người do chống cộng “hăng say” quá đâm ra hoang tưởng, nhìn đâu cũng thấy lời lẽ của cộng sản, những từ ngữ thoát thai từ “nhồi sọ”, cái tâm mà không sáng thì nhìn đâu cũng thấy tối tăm như thế thôi.) Trái lại tôi rất lấy làm mừng khi họ thành công. Có đôi lúc đọc tin về những thành công của người những người Mỹ, Canada, Úc Đại Lợi gốc Việt ở hải ngoại tôi thầm “thấy người sang bắt quàng làm họ”, ừ đấy người Việt mình cũng giỏi đấy chứ. Cũng xin thú thật là từ khi biết đến Talawas mà hồi ở trong nước tôi chưa có được biết đến, tôi thấy thật ngạc nhiên sao có nhiều người Việt hải ngoại tâm huyết với tổ quốc đến thế, có những kiến giải để cho một Việt Nam văn minh và phát triển hay đến thế (nhiều khi càng đọc càng cảm thấy đau vì biết rằng nó khó mà trở thành hiện thực với điều kiện hiện nay). Tôi thấy ý kiến nên khuyến khích họ để họ giúp nước là rất hay, bằng cách gì cũng được, miễn là Việt Nam có được dân chủ và ngày càng cường thịnh (tôi tin là nếu Nhà nước Việt Nam thực tâm khẩn cầu thì chắc chắn họ sẽ giúp vì tình yêu đất nước) nhưng phải thấy sự thật là còn khuya, chính phủ cộng sản hiện nay không những đánh người chạy đi mà còn phang cả người chạy lại, giúp nhiều có khi dại mặt (thế nên phải “giúp thật khéo”, tuy nhiều khi khéo sẽ dẫn đến được lòng vả mất lòng sung là chuyện thường). Điển hình là bộ Luật về Đăng ký Quốc tịch Việt Nam trong thời hạn 5 năm kể từ tháng Chín 2009 là một câu trả lời chót với người Việt hải ngoại.
Thưa ông Trần Huy Bách, ông định mang “tấm mề-đay hai mặt” và “thủ phạm giết người trong Tết Mậu Thân và trong Cải cách Ruộng đất” ra để đặt lên bàn cân với 80 triệu lít chất độc đầu bảng và 7 triệu tấn bom (tôi đã kiểm chứng lại là 7 triệu tấn bom, trong khi chỉ có 2 triệu tấn được Mỹ sử dụng trong Thế chiến II) chăng? Ông thấy Mỹ gây chiến ở Việt Nam là “điều có thể lên án” (có thể thôi sao?) và cứu vớt người tị nạn “đáng để mang ơn”? Chắc ông sẽ vỗ tay hoan hô phán quyết của quan tòa Jack Weinstein bác đơn kiện của nạn nhân Dioxin và an ủi các nạn nhân của cuộc chiến, thôi thôi bác (cô, chú, cháu, anh, ông) về đi, cái gì cũng có hai mặt của nó, bị ăn chất độc của Mỹ là còn may đấy, chứ không đã ăn đạn của Cộng sản Tết 68, hay bị chúng nó đấu tố thì sống cũng chẳng bằng chết ấy chứ! Trong khi chính phủ Mỹ lại bồi thường binh lính Mỹ và con cháu họ về những di chứng do dioxin gây ra là sao, “nhân quyền” là từ chuyên dùng cho người Mỹ thôi phỏng? Theo cách nói của dân chợ Đồng Xuân thì đó là cách của “mấy con mẹ Hàng Lươn cân điêu” đấy ông Bách ạ. Người Việt huynh đệ tương tàn thì cũng anh em một nhà, bạn Mỹ tới “giúp”, tới “hòa giải”, tới “ổn định” hay gì đi nữa thì cũng tốt thôi, có điều bạn Mỹ giúp hơi quá tay và quá nhiệt tình như thế thì tôi thấy cũng không khác Hitler là mấy, Hitler cho người Do Thái vào phòng hơi ngạt làm một lúc vài trăm nguời, ấn nút một cái là đứt hẳn, còn bom và chất độc “rải thảm” có lẽ chỉ khác ở chỗ một cái ở trong phòng nhỏ, một đằng chơi nguyên cả bình địa, có lẽ là đằng “rải thảm” thì “hay” hơn, “độc đáo” hơn.
Ông Bách còn cho rằng Mỹ ném bom xuống Nhật là để “kết thúc cuộc chiến chứ không thì không biết đến chừng nào”, đây là lời phân trần của Mỹ về cú đúp bom (còn về những gì gây cho Việt Nam thì tôi đã nói ở trên), nếu ông thật sự tin là như vậy thì có lẽ ông đọc truyện cổ tích nhiều quá rồi. Để cho ông biết thêm về người Mỹ trong những năm cuối của Thế chiến II, tôi xin điểm lại một số sự kiện vào năm 1945:
Milan, Ý, 28 tháng 4: Mussolini bị treo cổ sau khi bị bắn chết
Berlin, 30 tháng 4: Hitler tự tử bằng súng trong boong-ke.
Rems, Pháp, 7 tháng 5: Đức đầu hàng Đồng minh.
London, Anh Quốc, 8 tháng 5: Churchill thông báo chiến tranh kết thúc ở châu Âu vào nửa đêm.
Nhật, 21 tháng 6: Mỹ giành thắng lợi ở Okninawa.
New Mexico, Mỹ. 16 tháng 7: Mỹ thử quả bom nguyên tử đầu tiên.
Nhật, 6-9 tháng 8: Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki
Nhật, 15 tháng 8: Nhật đầu hàng không điều kiện (không đầu hàng nhanh nhanh thì không chừng sẽ ăn thêm vài quả Uranium nữa thì có lẽ nước Nhật bị xóa sổ mất)
Đọc những sự kiện trên, ông Bách có suy luận được gì không? Trục phát xít Đức-Ý-Nhật thì hai anh tài đã gãy cánh, Nhật sớm muộn gì chả thua, một mình đương đầu sao nổi với quân Đồng minh (CCCP) thiên binh vạn mã. Có điều, cái tinh thần thượng võ tử vì đạo của người Nhật đã làm họ lần khân mà thôi. Đáng tiếc thay cái tinh thần đó đã mang lại tai họa lớn quá, một phần tư triệu người Nhật trong nháy mắt đã thành tro bụi. Nếu Nhật tỉnh táo thì phải hiểu Mỹ thử bom nguyên tử hồi tháng 7 là để dọa rồi, song có lẽ họ nghĩ là Mỹ dọa chơi chăng? Vậy, hai quả bom Uranium có cần thiết để chấm dứt Đệ nhị thế chiến như ông Bách nghĩ không? Nhiều người bình luận đây là vụ tranh công của người Mỹ, phải làm nhanh trước khi Liên Xô nhảy vào, đó là một cú lấy điểm trước Liên Xô, cũng có người cho là Mỹ tranh thủ trả thù vụ Trân Châu cảng nhưng dù thế nào đi nữa thì cũng dã man quá. Mỹ đã thử nó thì hẳn biết rõ nó khủng khiếp đến cỡ nào, một quả tương đương với gần 20 triệu kg TNT đấy, so với bom và Dioxin thả ở Việt Nam chắc cũng một chín một mười. Chính Einstein đã phát biểu rằng quyết định kết thúc chiến tranh bằng mọi giá đó là hấp tấp trước khi Nga Xô tham gia, và ông tỏ ý tiếc rằng nó đã không xảy ra nếu Roosevelt còn trị vì. Tôi có thể nghĩ thoáng hơn thế này, hai quả bom thả ở Nhật cứ đổ lỗi cho phi công “nhỡ tay, nhất thời, hay không biết” bấm phải (tuy rằng Harry Truman biết thừa là Nhật sắp hàng nhưng vẫn cho lệnh thả), nhưng ở Việt Nam, dioxin và bom thả thì có lịch, ngày này qua ngày khác, vậy nhân tâm nằm ở đâu? Nếu các bạn có thể xí xóa số dioxin và bom đạn đó thì cũng nên thông cảm với Hitler với những câu giải thích “dễ thương” bắt đầu bằng từ “giá mà”, “nếu mà”, “chỉ vì”, “if” thì đã không có mấy chuyện đáng tiếc đó, nhưng cái gì xảy ra thì đã xảy ra rồi, người chết thôi thì cũng coi là cái số nhưng những nạn nhân còn sống (lay lắt) thì phải bù đắp được chút nào chứ? Và vì thế người Việt ta nói chung nên nặng ơn Mỹ chăng?
Chiến tranh đã qua, dân tộc Việt Nam phải tạm quên đi cái quá khứ thương đau để vì một ngày mai sáng hơn. (Xin tạm dừng ở đây với một chút băn khoăn cá nhân, rất mong được các bạn cho đôi lời kiến giải: tại sao những thù hằn, những tội ác đã gây cho nhau của những người Việt lại lâu quên đến thế, ta có thể thấy đầy rẫy những lời căm phẫn, nguyền rủa nhau trên các trang mạng, diễn đàn, thế mà mối nợ với Mỹ (tôi không có ý là ta phải trả thù họ) có thể quên nhanh đến thế, hiếm thấy đâu nói đến, trong nước thì đã đành vì chủ trương lớn của Nhà nước là quên đi quá khứ, ai dám nói, còn ở nước ngoài thì có lẽ sợ “phạm húy” chăng, hay là vì mải tự hào là người Mỹ rồi thì không cần biết, mải lo cái nợ cứu vớt mà quên cái nợ với dân tộc mình, hay là nợ nào ra nợ ấy, cá nhân thì nhớ còn cao hơn nữa thì phải quên, hay là vì điều gì khác nữa?). Nhưng quên đi thì với mức độ nào, quên hẳn, xí xóa hẳn, và giở sang trang mới trắng tinh tươm, reset lại như reset game hay cái gì cần quên thì quên, cái gì nên phải nhớ? Câu trả lời có lẽ cũng tùy người, cùng là người Việt (vì có người đã thêm chữ “gốc Việt”) nhưng sẽ có mức độ quên khác nhau, từ “Không thể nào quên!” cho đến “Quên đi, quên đi, chuyện thường mà, đen phải chịu thôi, đời mà”. Theo tôi, những gì còn có thể trả được như việc bù đắp cho 500 nghìn trẻ em bị dị tật khi sinh ra và 2 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp của Dioxin, giải quyết hậu quả ở những vùng đất, ao hồ vẫn còn mang chất độc Dioxin thì phải trả, tôi hiểu trả thế thì lớn quá, thế nên Mỹ mới dùng chiêu tẩu vi thượng sách, và để tóm lại một câu, Mỹ vẫn còn nặng nợ với Dân tộc Việt Nam lắm! Từ “đòi nợ Mỹ” nghe chừng là một từ khá là khó phát ngôn, vì rằng “đòi nợ” không phải đơn giản như ông À đòi ông Uôm tạ gạo mà ông Uôm khi đốt nương phá rẫy đốt phải ruộng ông À, mà là người dân Việt, ở một nước nghèo, thấp cổ bé họng, luật lá viết ra chủ yếu dùng để lưu kho, đi đòi một đại cường quốc Hoa Kỳ, được trang bị đầy đủ luật lệ (quốc tế), và hơn nữa là những uy quyền, những ảnh hưởng mạnh với cả thế giới chứ riêng gì với Việt Nam, nên có thể coi đây chỉ là chuyện bắc thang lên hỏi ông Giời. Và câu chuyện kiện cáo này làm tôi nhớ đến chuyện “Đồng hào có ma” của Nguyễn Công Hoan, con mẹ Nuôi kiện không xong lại mất toi một hào bạc, tôi thấy sao mà cái thân phận Việt Nam ta nó cơ cầu, lận đận, chó cắn áo rách như cái con mẹ Nuôi ấy thế! Ôi chao là buồn!
© 2009 Vũ Hoài Nam
© 2009 talawas blog
Đọc nhanh bài của tác giả Vũ Hoài Nam “Chúng ta, người Việt Nam nên mang ơn Hoa Kỳ?” khiến tôi thật ngạc nhiên khi tới những năm cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 mà lại còn có người đọc thông viết thạo hỏi đồng bào mình có “… nên mang ơn Hoa Kỳ?”
Thân kính
Tôi nghĩ bạn Vũ Hoài Nam đã lẫn lộn hai khái niệm “ơn nghĩa” thuộc phạm trù tâm lý và “trách nhiệm” thuộc phạm trù đạo đức. Về mặt đạo đức Mỹ có trách nhiệm đền bù những thiệt hại chiến tranh to lớn do mình gây ra cho Việt Nam, nhưng điều này không cấm những người Việt tị nạn định cư ở Mỹ cảm thấy mang ơn Mỹ vì quốc gia này đã cho mình được định cư và tạo dựng cuộc sống mới. Vì nếu không thì sẽ dẫn đến phân biệt ơn nghĩa một cách máy móc khôi hài: Chỉ những người Việt tị nạn không định cư ở Mỹ thì có thể mang ơn quốc gia đã cho mình được định cư còn những người Việt tị nạn định cư ở Mỹ thì không nên.
@Talaai: Nếu bạn vẫn còn ở tuổi ô mai sấu dầm thì chuyện ham hố page view tôi có thể hiểu được. Tôi thì không, hay ho gì vài trăm ngàn view mà trong đó phần lớn là view lướt vài dòng hay click vào rồi chửi bài như $&*%##@, nhưng chửi vậy rồi im lặng thì đã là người biết điều vì Internet vốn dĩ là một mớ hổ lốn, thiếu gì điều rác tai, có phải cái gì cũng “giữa đường thấy việc bất bình nên chẳng tha”, đằng này phải cố tuôn ra dăm câu dạy đời cho tỏ cái sự “biết chữ”, “thừa mứa chữ” không biết đổ đi đâu nên mới phóng bút ẩu tả. Tôi chỉ muốn có được góp ý của những người có tâm, chỉn chu trong cách nói chuyện, tôi không nề hà chuyện mình sai hay hiểu không đúng.
@Đỗ K. : Bác nhận mình “thiếu tấm lòng”, tôi thật sự rất lấy làm cảm kích về sự thẳng thắn của bác.
He, bác Vũ Hoài Nam xuất sắc trong vai một blogger biết cách câu page views và comment, chơi yahoo 360! hồi nó chưa chết thì bác là hot blogger nóng chảy mồ hôi rùi!
Có thể bác V.H.Nam nói đúng là người Mỹ có nợ với người VN. Nếu nói đòi nợ thì sau không thấy bác Nam nhắc đến cái nợ CSVN đã làm gì mà biết bao nhiêu người đã là nạn nhân. Cũng chẳng thấy bác nhắc đến tụi CS Trung Quốc. Bác cũng quên rằng CSVN đã từng xua quân xâm chiếm Campuchia. Bác đừng nghĩ là người Miên không căm hờn người VN. Cháu thấy coi bộ cứ bàn luận kiểu này thì không đâu vào đâu. Bác có thể biết nhiều hơn cháu, nhưng Bác càng viết thì cháu thấy bác Nam có nhiều thành kiến với người Việt tị nạn quá. Tuổi trẻ VN ở ngoài đây không xấu như bác nghĩ đâu. Thôi cháu không bàn vấn đề này nữa.
Bác Vũ Hòai Nam,
Tuy hay lăng nhăng ý kiến nhưng ở đây đúng là như bác nói, với vấn đề này tôi lại thiếu tấm lòng nên chỉ nhắc đến vài khiá cạnh bên lề. Đến nỗi lạc đề như bariaboy phải nhắc nhở!
Tôi xin lỗi đã vi phạm “etiquette” mạng vì đây không phải là “forum” để mở những “thread” mới từ các phản hồi.