Lê Diễn Đức – Những nhà dân chủ thích sống nhục
20/08/2009 | 7:00 sáng | 29 Comments
Category: Chính trị - Xã hội
Thẻ: Lê Công Định > Nguyễn Tiến Trung
Vào tháng 6/2009, tôi đã hụt hẫng vì thái độ đầu hàng nhanh chóng của Lê Công Định.
Trước đó, cũng như với những người khác trong nước dám nói lên tiếng nói độc lập của mình, có tư tưởng phản kháng trước bất công, phi dân chủ và vong bản của chế độ độc tài toàn trị Hà Nội, tôi dành cho Định một tình cảm thân mến đặc biệt, thậm chí cảm phục.
Rất nhiều người viện dẫn lý do bào chữa cho thái độ của Lê Công Định, tôi chia sẻ và cảm thông nhưng không đồng tình. Hành động đầu hàng của Định rất đáng trách, không có cơ sở bao biện.
Từ sự kiện này, tôi đánh mất niềm tin vào những người tham gia vào cuộc tranh đấu dân chủ trong nước, hay chính xác hơn, tôi bắt đầu thận trọng trong việc đánh giá họ.
Nếu như mọi chính kiến của Lê Công Định đúng như trong những lời phát biểu, những bài viết của mình, thì Lê Công Định phải ý thức được rằng, tất cả những điều mình làm cho đến ngày bị bắt là đúng với tôn chỉ, lương tâm. Cao hơn, nó cũng thể hiện trách nhiệm của một công dân, một trí thức trước đòi hỏi tiến bộ của xã hội.
Lê Công Định cũng phải ý thức được rằng, dấn thân vào hoạt động chính trị trong lòng chế độ độc tài, toàn trị là đồng nghĩa với hy sinh, tổn thất, tù đày, có thể có lúc phải trả giá cao nhất là mạng sống.
Lê Công Định hoàn toàn có thể lý giải, thậm chí tranh luận trên thế thắng về mặt tri thức với nhà cầm quyền về quyền công dân của mình trong khuôn khổ của Hiến pháp CHXHCN Việt Nam, cho dù Hiến pháp này có rất nhiều điều cần phải xem lại.
Vì thế, nhà đương cục Hà Nội, kẻ cầm quyền và có trong tay bộ máy đàn áp, có thể quy kết cho Định vi phạm pháp luật CHXHCN Việt Nam.
Nhưng Lê Công Định tự nhận thì đây là hành động không có gì khác ngoài sự khiếp nhược, bản lĩnh hèn kém, phản bội lại chính mình và những người ủng hộ mình.
Thì ra, theo nguồn tin mà tôi tự tìm hiểu, lý do đầu hàng của Lê Công Định là đòn dọa nạt, răn đe về tâm lý, lật tẩy một số vấn đề về phạm trù cá nhân của Định hơn là phạm trù chính trị (tôi xin không tiết lộ) chứ không phải do tra tấn thể xác (điều mà Hà Nội hầu như không làm với các nhân vật trí thức đối lập), hay vì điều kiện khắc khổ của nhà tù (như ông Trịnh Hội nào đó nhận định trong một bài viết trên diễn đàn của BBC Việt ngữ).
Kể cả trong trường hợp nguồn tin của tôi không đúng đi chăng nữa, sự đầu hàng chứng minh cho sự ấu trĩ, nông nổi về tư duy cách mạng, ngựa non háu đá, ảo tưởng, thích nổi tiếng vớ vẩn, bạc nhược, không đúng với tư chất của một người có máu và có gan làm chính trị thực thụ. “Nhà” chính trị mà những người chống cộng phong cho Lê Công Định một cách vội vã, nhanh chóng trở thành “lều”, thành “chòi” một cách cay đắng và hổ thẹn.
Những dư âm về việc Lê Công Định, Trần Hùynh Duy Thức đầu hàng chưa dứt thì bản tin hôm 19/08/2009 của đài truyền hình Việt Nam (VTV) với bài “Video: Các đối tượng chống phá Nhà nước nhận tội” [http://www.vtv.vn/VN/TrangChu/TinTuc/CKX/2009/8/19/236682] làm một bản dài tổng kết các lời thú tội và xin khoan hồng của những người bị bắt giữ gần đây nhất, trong đó có hai người mới là Trần Anh Kim và Nguyễn Tiến Trung.
Các “lều” dân chủ thi nhau đổ sập dưới mưa bão của nhà cầm quyền Hà Nội.
Những nhận định của tôi về Lê Công Định xin được được lặp lại cho Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim. Cho những ai tiếp theo? Chỉ có Trời biết!
Hoặc tất cả họ ấu trĩ, nông nổi trong tư duy cách mạng, ngựa non háu đá, ảo tưởng, thích nổi tiếng vớ vẩn, bạc nhược, không đúng với tư chất của một người có máu và có gan làm chính trị thực thụ. Hoặc họ là những “lều” dân chủ cuội, được Hà Nội dàn dựng cho một vở diễn ngoạn mục, tạo cú đòn cân não mạnh, một cơn bão dập tắt những ánh lửa manh nha chân chính khác của phong trào dân chủ Việt Nam trong nước.
Bản tin cùng ngày của BBC [http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/08/090819_dissidents_confession.shtml] ghi lại lời của bà Trần Thị Huệ, em gái ông Trần Anh Kim, nói bà rất buồn khi xem chương trình thời sự hôm 19/08/2009.
“Chết vinh còn hơn sống nhục. Đã thấy việc mình làm là đúng, thì dù có chết, cũng không nên làm như thế” – bà Huệ nói về hành động “nhận tội” của anh trai.
Bà Huệ cho hay bà nhận được tin của phía an ninh báo rằng ông Kim có thể “chỉ bị xử hai năm tù nếu nhận tội“. Nhưng bà nói nhìn hình ảnh anh trai xin khoan hồng, bà cảm thấy “mất mát trong lòng“.
Nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Khắc Toàn, từ Hà Nội, cũng theo BBC, nói ông “không chấp nhận lựa chọn như thế của những người đấu tranh có tên tuổi như vậy“.
© Lê Diễn Đức
© talawas blog
[…] Có hai khuynh hướng rõ rệt phản ứng về vụ này: Một khuynh hướng tỏ ra thông cảm cho những người trong hoàn cảnh đặc biệt, vì lý do nào đó chưa biết rõ được, đã phải bó buộc tự tố cáo mình, nhận tội, và xin được tha thứ. Một khuynh hướng khác tỏ ra khắt khe. Ví dụ, tác giả Lê Diễn Đức, qua bài mang tựa “Những Nhà Dân Chủ Thích Sống nhục” viết: “sự đầu hàng chứng minh cho sự ấu trĩ, nông nổi về tư duy cách mạng, ngựa non háu đá, ảo tưởng, thích nổi tiếng vớ vẩn, bạc nhược, không đúng với tư chất của một người có máu và có gan làm chính trị thực thụ (Blog Talawas 20-8-09). […]
Tôi đón nhận tin Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim và Trần Huỳnh Duy Thức đọc các lời nhận tội trên VTV khi đang ngồi chơi với hai nhà báo tự do từ Việt Nam sang châu Âu công du. Xin ai đó đừng nói là ở Việt Nam không có „Nhà báo tự do“ mà chỉ có bọn „Văn nô“, „Bút nô“. Hai người này đã từng làm việc cho các tòa báo nhà nước, nhưng rồi chán quá, bỏ ra ngoài cho tự do, cho dễ thở. Một anh chuyên làm các loại phóng sự cho các báo, từ Văn Hóa Thể Thao đến Lao Động. Anh phải quan hệ với ít nhất 15-20 tòa soạn thì mới luôn có đủ số bài đặt và nhờ đó thu nhập của anh cũng không ít hơn 15 triệu VNĐ/tháng, tương đuơng với luơng một nhà báo cùng cỡ làm cho nhà nuớc. Một anh thì đầu tư vào một nhà xuất bản đuợc „xã hội hóa“ và đứng ra điều hành nó. Cái sướng của các anh là đỡ phải luồn cúi và đấu đá, không phải uốn ngòi bút theo chỉ đạo của ai. Nhưng để trả giá cho việc đó, các anh phải vắt óc suy nghĩ ra các đề tài để các ban biên tập chấp nhận và phải tính toán từng xu, y như một doanh nhân thực thụ. Vụ này họ phải đầu tư thiết bị, bỏ tiền mua vé máy bay để đi làm phóng sự về cuộc sống ở châu Âu. Bên cạnh loạt phóng sự ảnh dài làm cho một tổ chức quốc tế ở Hà Nội, hàng ngày các anh liên tục gửi bài và ảnh về cho các báo khác ở Hà Nội và Sài Gòn. Chỉ một câu chuyện tình cờ với một phụ nữ Đức mang bầu gặp trong quán ăn, kể về chế độ bảo hiểm chu đáo khi sinh con cũng đã thành một bài báo có thể nói lên đuợc một cái gì đó mới mẻ cho bà con trong nuớc. Cứ như vậy, tuy lịch làm việc cho cả 15 ngày của hai vị đã kín mít, nhưng những bài báo phát sinh sẽ còn rất nhiều.
Vì không phụ thuộc vào nhà nuớc, vào các đoàn thể nên suy nghĩ và hành động của họ cũng „tự do“ hơn. Tuy chẳng ai trong họ có liên quan gì đến các nhóm đối lập ở Việt Nam, nhưng một anh đã từng tham gia vào cuộc biểu tình của sinh viên học sinh tháng 12.2007 phản đối Trung Quốc tuyên bố thành lập huyện Tam Sa. Là những nguời có trình độ và va chạm nhiều, các anh rất hiểu các giới hạn của của chế độ, các bức xúc của nguời dân. Nhưng là nguời trong cuộc và suy nghĩ thực tế, các anh không có những mơ mộng hão huyền vào một sự sụp đổ nay mai của chế độ cộng sản, hay mơ tưởng có thể viết các bài để bình luận hay phê phán hệ thống chính trị ở Việt Nam. Bằng những việc đang làm, họ cố giành cho mình cái quyền tự do tối đa có thể được và họ hãnh diện đuợc hưởng thụ cái tự do tí xíu đó. Họ cũng hãnh diện là đã sống, đã khẳng định được mình mà không phải xả thêm rác vào cái bãi rác khổng lồ nữa.
Khi tôi cho họ xem bài viết này thì hai anh nhìn nhau cuời và một anh nói:
– Nếu vị tác giả này vì hoàn cảnh nào đó mà không ra đuợc nuớc ngoài, đang bệ vệ ở trong nuớc thì liệu ông ấy có nghĩ đuợc một phần như vậy không? Nếu có nghĩ ra thì có dám viết không? Nhưng thôi, đó chỉ là phỏng đoán. Cái mà em khó tiêu hóa nhất là: chính những bác sốt sắng nhất, hay cho ông nọ bà kia lên mây, lại là những bác chửi ông kia bà nọ sớm nhất. Bọn em là tuy xưa nay chẳng quan tâm đến mấy vị Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung kia, nhưng đối với các loại tin này thì chúng em thận trọng lắm. Chỉ có nguời trong cuộc mới biết thực hư thôi. Em đuợc nghe là truớc khi Lê Công Định tự thú mấy giờ, họ đã đưa mẹ của Định vào trại giam gặp cậu ta. Ai biết đuợc cái gì đằng sau sự việc đó mà đã lên án lung tung?
Nghe ý kiến của một nguời xưa nay ít quan tâm đến Lê Công Định mà nay nói vậy, tự nhiên tôi so sánh giữa cái công việc gạn đục khơi trong để được huởng chút tự do hiếm hoi của số nguời và cái quyền đuợc nói xả láng của những nguời khác. Tôi liên tưởng đến cách tiêu tiền của kẻ giàu và nguời nghèo. Không phải ai nhiều tiền thì đều tiêu xài hoang phí, toàn mua những thứ viển vông, chẳng có ích cho ai cả. Nhưng ít ra sự rủng rỉnh tiền bạc cũng là đất để sinh ra căn bệnh hoang phí đó.
Dù có gắn bó ít hay nhiều với đất nước, dù có muốn quay về Việt Nam hay không, những nguời có ý thức cổ vũ cho dân chủ và canh tân đất nuớc chắc chắn đều hiểu một điều là: Tương lai của một nuớc Việt dân chủ thịnh vượng sẽ do những nguời sống trong đó định đoạt! Chẳng có Jim Webb, chẳng có Sanchez, cũng chẳng có Obama nào có thể biến nuớc Việt Nam như hiện nay thành một xứ sở văn minh dân chủ. Xin ai đó chớ có ảo tưởng là sáu hay bảy tỷ USD kiều hối có thể trở thành áp lực để buộc chính quyền nói chuyện với họ. Có chăng là những bài viết trên mạng Bô-Xít đã buộc chủ tịch Ủy ban Pháp luật Quốc hội phải xin lỗi giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Có chăng là các cuộc biểu duơng lực lượng ôn hòa của giáo dân đã buộc công an xin Toà Tổng Giám mục Vinh cho đứng ra giữ trật tự giao thông trong vụ 200.000 nguời về dự lễ cầu nguyện cho Tam Tòa ngày 15.8 vừa qua.
Như vậy khi đặt vấn đề „Viết cho đồng bào tôi đọc“ thì nguời viết phải đặt mình vào trong hoàn cảnh của họ. Nguời Mỹ đã thua cuộc chiến tranh Việt Nam chính vì luôn đem các tư duy của một thể chế chính quy để đấu với chiến lược, chiến thuật của một đội quân du kích luôn hoạt động trái với mọi quy luật!
Trong vụ này, tôi cho là cả chính quyền lẫn một số nguời bị bắt đang tìm cách hành động trái với mọi quy luật! Hai anh bạn nhà báo của tôi sống cùng hoàn cảnh đó nên họ không vội kết luận ai hèn, ai nhục!
Tiễn hai nhà báo đi rồi, tôi vào X-Cafe tìm lại bức ảnh của anh mặc áo đỏ sao vàng đi biểu tình hôm 16.12.2007 truớc đại sứ quán Trung Quốc. Tôi tình cờ thấy luôn cả hình ảnh anh Hải Điếu Cày, cô Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa trên internet. Trời đất ơi, còn biết bao người tù chính trị đã và đang hành động đúng quy luật.
Tất cả họ, kể cả nguời còn chịu lao tù, còn bị quản thúc, bị theo dõi hay những nguời đã khuất như các bác Kim Ngọc, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ đều đã phải hy sinh cái chút xíu tự do của họ để tạo nên những biến đổi như hiện nay.
Vậy mong những ai còn được thừa thãi tự do chớ có phung phí nó!
Trong phản hồi 21/08/2009 lúc 11:38 chiều, tôi đã viết sai Bùi Kim Thành thành Bùi Khắc Thành, xin trân trọng tạ lỗi cùng bà luật sư Bùi Kim Thành
(xem http://www.internationalpen.org.uk/go/news/vietnam-internet-writer-and-dissident-bui-kim-th-nh-f-returned-to-psychiatric-detention-fears-of-ill-treatment, hay http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/RFAInterviewLawyerBuiKimThanh_VHung-06232008151935.html)
Thưa cô Tracy,
Vài ý kiến trước tôi nêu ra dựa theo nội dung bài góp ý của cô khi cô so sánh cách ứng xử khác nhau giữa những nhà dân chủ bị công an VN bắt giữ. Tôi nêu nhận xét về tình cảnh họ khác nhau (và tất nhiên càng khác với hoàn cảnh chúng ta ngoài này).
Về câu viết:
“Nếu không thì chẳng có việc ông Lê Diễn Đức phải sững sờ hay những lời thất vọng của bà em ông Trần Anh Kim.”
Ở đây có vài người ngoài tôi không nghĩ ông Lê Diễn Đức nhận xét về 4 nhà dân chủ bị bắt mới đây là đúng, là tốt hoặc thích hợp. Hay nói khác, một số người chúng tôi không nghĩ giống ông Đức về trường hợp này. Phần tôi không biết được ông Đức có sững sờ hay không, và nếu có sững sờ thì có nên viết như vậy hay không. Nếu cho ông ấy viết vì bị sững sờ thì cũng là cách đánh giá nội dung bài viết ấy, nhưng chắc không phải là ngợi khen nhiều. Chuyện em gái ông Trần Anh Kim nhận xét về anh bà, theo tôi chỉ là ý nghĩ riêng, từ một góc nhìn riêng, với ít nhiều cảm tính (chẳng hạn có thể trông chờ nhiều quá ở anh mình nên sinh thất vọng). Tôi không có lý do gì để nghĩ như bà ấy, nhất là khi nghĩ về những người không phải anh bà ấy, họ có tình cảnh cũng khác ông Kim.
Cần xây dựng một kho dữ liệu về kiến thức.
Khi Lê Công Định “thú tội” thì Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim đang ở ngoài. Biết phản ứng của quốc tế, của dư luận tung hô hay miệt thị trước và sau vụ việc, ắt hẳn qúi vị này đã tưởng tượng về những tình huống lẫn cách ứng xử có thể xảy đến cho mình. Nên nếu tạm loại trừ khả năng chim mồi, “dân chủ cuội”, thì những lời “thú tội” mới đây là những hành động có suy nghĩ, cân nhắc, dựa trên những điều chính họ biết (suy nghĩ, hành động), công an biết, những yếu tố khách quan như phản ứng của công luận quốc tế, Việt Nam, một diễn trình mà họ nắm khá vững.
Những nhà dân chủ, trí thức sa-lông hay không sa-lông, những nhà phê bình Mao Tôn Cương, Kim Thánh Thán thích sống vinh ở Việt Nam lẫn ngoại quốc cần trù liệu kịch bản tương tự sẽ tiếp tục xảy ra; cần trao đổi, hoạch định ứng sách cụ thể thay vì liên tục “hụt hẫng”, liên tục thụ động hoan hô hay dè bỉu trước sự đã rồi. “Trí thức” Việt Nam chê “chính quyền” Việt Nam nhưng lúc nào cũng đi sau “chính quyền” vài bước về đầu óc lẫn hành động, và rất xứng đáng với số phận “dương vật buồn thiu”, số phận phảỉ cầm chim cho người khác của mình.
Một đề nghị cụ thể là những ngưòi đã nhiều lần phải “làm việc” với công an, từng tù tội như Trần Khải Thanh Thủy, Bùi Khắc Thành, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Khắc Toàn, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Đan Quế, Đòan Viết Hoạt … (quí vị này thuộc nhiều thế hệ, phương trời, tâm tính khác nhau, làm “case study” thêm đa dạng) … có thể chia xẻ CÔNG KHAI với quần chúng những biện pháp nghiệp vụ cương nhu, o-ép … họ đã phải chịu, lẫn những nhượng bộ, qui phục ngắn hạn, dài hạn … họ đã phải làm. Đây đâu phải lần đầu và chắc chắn không phải là lần cuối mà chúng ta cứ phải đoán mò, như các phản hồi thể hiện?!
Dựa trên nguời thật, việc thật, cần xây dựng một kho dữ liệu về kiến thức (knowledge base) “Làm cách nào mà công an bẻ gãy các nhà dân chủ” , và phổ biến công khai để rút kinh nghiệm, để ứng phó; chuyện này qúa dễ trong thời đại Internet, blog, và không phải là chuyện hàng nước “Nông cổ mín đàm”. Bệnh qủi cần có thuốc tiên. Bệnh qủi đã thể hiện dưới đủ dạng thái, hình thức mà thuốc tiên thì chưa đi vào nghiên cứu ngoài việc nhiều bác sĩ, nhiều thày dùi thắc mắc sao bệnh nhân lại mê sảng, iả đái be bét mà không tỉnh táo, có tư cách.
Hy vọng rằng thắp một ngọn nến nhỏ thì có ý nghĩa hơn là nguyền rủa bóng tối.
Một “góc nhìn” từ trong nước.
Xin được lưu ý quần hào một “góc nhìn” không hoàn toàn từ “lề phải” của bà con trong nước về “quốc sự” này:
http://vn.myblog.yahoo.com/batkhuatho/
trong bài viết “HOA RA CHI LA TRO CHOI DO HANG”
Thưa ông/bà Hoà Nguyễn,
Tôi chưa bao giờ phê phán việc “nhận tội” của 4 nhà dân chủ, chỉ đưa ra nhận xét là việc “nhận tội” của họ có ảnh hưởng đến phong trào dân chủ trong nước mà thôi vì tôi không ở trong hoàn cảnh tù đày, tra tấn như các vị này. Nếu không thì chẳng có việc ông Lê Diễn Đức phải sững sờ hay những lời thất vọng của bà em ông Trần Anh Kim. Tôi từng ở với CS 20 năm, dĩ nhiên tôi hiểu họ một phần nào. Tôi đã từng biết và viết “cho đến nay cô Ngọc Khánh vẫn chưa được phép gặp mặt và thăm nuôi chồng, cô Khánh mất tất cả các hợp đồng với các kênh truyền hình”. Nếu đối với cô Khánh không dính líu gì đến phong trào dân chủ mà còn bị khủng bố về tinh thần, bao vây tài chính như thế dĩ nhiên tôi hiểu được CS đã dùng những trò tra tấn tàn bạo tinh vi hơn đối với những người bị bắt. Thành ra tôi cũng hiểu được tại sao ông Nguyễn Tiến Trung đã nói việc với của ông đã liên lụy đến gia đình, hay ông đã tin người quá đáng, nếu không tại sao CS lại có những bằng chứng của các cuộc hội họp giữa các ông ấy, ắt hẳn phải có nội gián, tôi tin là như thế, điều này đã làm tôi nghĩ đến những bài viết về Nguyễn Sĩ Bình như của bà Hoàng Dược Thảo, của ông Lữ Giang và nhiều người khác nữa.
Tôi là một nhà dân chủ Việt Nam (ở Mỹ) thích sống vinh, xin ngả nón cúi đầu trước những chàng tuổi trẻ, và tuổi không còn trẻ đi vào khung cửa hẹp.
Câu hỏi là đất nước Việt Nam như thế nào để một chàng tuổi trẻ, tài cao, danh giá, vợ hoa hậu, nhà Phú Mỹ Hưng … như Lê Công Định phải chọn con đường gian nan như vậy.
Có những vấn đề mà câu hỏi quan trọng hơn là lời giải đáp.
Mục đích của chính quyền khi công bố những lời nhận tội là để hạ uy tín và danh dự đối tượng. Uy tín và danh dự càng bị hạ thấp, chính quyền càng thành công. Có lẽ có nằm mơ, chính quyền cũng không thể tưởng tượng là, trên một trang web nổi tiếng, có người (tôi không nói là vô tình hay cố ý mà chỉ nói ra sự kiện) tiếp tay cho mục đích của họ bằng cách sỉ vả kẻ địch của họ thậm tệ, nhắc đi nhắc lại những lời sỉ vả một cách đay nghiến: “ấu trĩ, nông nổi trong tư duy cách mạng, ngựa non háu đá, ảo tưởng, thích nổi tiếng vớ vẩn, bạc nhược…”, và, bằng hàng tít lớn, “thích sống nhục”.
Dĩ nhiên, ông Lê Diễn Đức có quyền nói những gì mình nghĩ, nhưng tôi nghĩ là không cần thiết (!) phải làm loa phóng thanh cho CA như vậy, dù đó là những suy nghĩ hay cảm tưởng chân thật của ông LDĐ. Việc hạ nhục những người đòi dân chủ (dù là “nông nổi”) có lẽ là một đề tài “nên loại ra” vì nó chẳng có lợi cho ai cả ngoại trừ…
Bát Cơm Bảo Hộ của Ngô Đình Khôi
Sự “đầu hàng, nhận tội và xin được khoan hồng” của các nhà “đấu tranh” dân chủ tại quốc nội hiện nay thật ra không phải là một việc thiếu tiền lệ trong lịch sử Việt Nam thời cận đại.
Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, anh em ông Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm đã nương vào thế lực của đoàn quân viễn chinh Nhật tại Việt Nam để hoạt động chống Pháp. Mùa hè năm 1944, tổ chức Đại Việt Phục Hưng Hội của họ Ngô bị Mật Thám Pháp khám phá và hơn 50 thành viên của nó bị bắt giam. Ngô Đình Diệm may mắn được người Nhật giúp thoát khỏi bàn tay người Pháp, nhưng Ngô Đình Khôi thì không.
Ông Khôi đã nhờ Ngô Đình Nhu nói với Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Paul Arnoux rằng ông ta thề ông không bao giờ xuối ai chống Pháp và chỉ mong được nhận bát cơm từ tay nước Pháp mà thôi. Sau đây là nguyên văn trong bức điện tín mà P. Arnoux đã gửi cho Toàn Quyền Decoux về vụ này:
“NGO DINH DIEM est toujours en Indochine. NGO DINH NHU reconnaît agitation coupable aveuglément ariente; il aurait reçu hier après-midi sur crucifix de son aîné KHOI – que ce dernier n’a jamais incité quiconque contre la France à laquelle il ne demande plus que « son bol de riz », ajoutant « il ne nourrit aucun mauvais sentiment contre gouverneur général qu’il considère comme animé droiture parfaite malgré erreurs dues ses collaborateurs».”
Thái độ “đầu hàng, nhận tội và xin được khoan hồng” của Ngô Đình Khôi thật khác thái độ của những vị chí sĩ đấu tranh chống Pháp như Nguyễn An Ninh hay Nguyễn Thế Truyền rất xa. Ninh chết ngoài Côn Đảo còn Truyền bị đày sang Madagascar.
Bức điện tín nói trên được tiến sĩ sử học Vũ Ngự Chiêu tìm thấy trong văn khố Pháp và đã được in lại trong: Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, Tập 3, Văn Hóa, 2000, tr. 856.
Tôi đã phóng ảnh và đưa bức điện tín này lên mạng lưới internet. Bạn nào muốn đọc nó thì xin mời vào link này:
http://www.virtualarchivist.wordpress.com
Cô Tracy không nhận thấy có sự khác biệt giữa trường hợp của những nhà dân chủ bị bắt.
Chị Hồ Thi Bích Khương bị bắt vì tập họp dân nghèo biểu tình đòi nhà đất trong các vụ gọi là “khiếu kiện của dân oan”, rất khó bị đưa ra tòa để kết án, và không thể bị hăm doạ sẽ cho ở tù 5, 10 năm. Ngay Điếu Cày cũng chỉ bị kết tội trốn thuế (khi không buộc được tội biểu tình chống TQ chiếm HSTS của VN). LS Đài và LS Công Nhân dường như bị ghép tội sử dụng văn phòng luật sư để tuyên truyền, hay “huấn luyện” (sinh viên), do đó có thể coi như không phạm tội gì “cụ thể” (vậy mà cũng nhiều năm tù). Cà 4 người này dễ cảm thấy mình thật sự “vô tội” trước lương tâm và luật pháp trong nước hiện nay.
Còn các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim bị buộc tội, với chứng cớ hẳn hoi, là từng tuyên truyền, tiếp xúc, hợp tác với Đảng Dân chủ, hay với ông Nguyễn Sỹ Bình ở Mỹ, mà trong nước coi là một nhóm “khủng bố”, để hoạt động lật đổ chế độ ở VN hiện nay. Tội danh đó có thể đưa tới 20 năm tù, và những hình phạt khác. Nên không lạ khi Nguyễn Tiến Trung nhận mình đã quá tin vào người “nước ngoài”. Và 4 người này không thể nói họ “vô tội” với luật pháp hiện nay ở VN.
Tóm lại, công an VN có lý lẽ và chứng cớ để gây những áp lực trên 4 người sau nặng hơn 4 người trước rất nhiều.
Tôi nghĩ ông Lê Diễn Đức vì thất vọng nên hơi vội vàng trong nhận định về những “nhận tội, khoan hồng.”
Một chế độ cộng sản có thể làm bất cứ gì miễn để đạt được mục đích theo nguyên tắc “cứu cánh biện minh phương tiện” và mục đích chính là gây phản cảm đối với những người vận động, tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ. Mối nghi ngờ họ tạo ra sẽ là khó khăn cho những nhà dân chủ trong tương lai.
Công an cộng sản không phải quan tâm về thủ tục nghiệp vu, phạm pháp hay vi hiến trong vai trò bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền của họ. Đọc bài của anh L. H. Mạnh về chuyện ai hưởng lợi từ sự kiện trục xuất người Hoa và dịch vụ thuyền nhân thời 1970 cũng cho thấy tâm địa tham tàn, gian ác của thành phần xã hội này. Tôi đề nghị là chúng ta lên tiếng phản đối việc xâm phạm nhân phẩm của những nhà dân chủ đó trước khi có một phiên toà độc lập xét xử. Và trong phiên toà đó, những bản ép cung (coerced confession) hay những lời khai vì áp lực (under duress) không có giá trị pháp lý (legally immaterial) và không được toà chấp nhận (inadmissible in court.)
Nói về những thủ đoạn điều tra, đối xử mà công an cộng sản Việt Nam sử dụng, tôi xin kể trường hợp một người bạn hồi 1997 bị bắt, không xét xử, bị đi tù 3 năm. Anh ấy kể là lối “khủng bố” kinh khủng nhất là bị nhốt đứng trần truồng trong một buồng vuông mỗi bề nửa mét, chiều cao được điều chỉnh cho vừa sát đầu và tất cả đều là những tấm tôn thép. Chỉ vài giờ sau vì nóng quá, anh bất tỉnh. Công an tạt nước cho tỉnh lại và thẩm vấn.
Nếu chưa khai theo ý họ thì lại bị “biệt giam – solitary confinement” kiểu như thế!
Người bạn tôi cho biết không ai chịu đựng nổi sự hành hạ kiểu đó cả. Ai rồi cũng khai – theo ý công an!
Vậy thì cách đó có được xếp vào loại “tra tấn – torture”, hay “đối xử vô nhân đạo – inhumane treatment.”
Thức lâu mới biết đêm dài. Chế độ cộng sản ở VN đã đủ dài để chúng ta nhận biết bản chất dối trá, gian manh của những người cộng sản. Hãy còn quá sớm để xét đóan những người dân chủ tài tử; họ vẫn là những kẻ có lòng !
Có một cặp cha mẹ nào đó, vì giấc mơ làm nhạc sĩ bị thất bại, muốn con cái trở thành nhạc sĩ đại tài như Beethoven. Điều đó không có gì chê trách, nhưng ít nhất cặp cha mẹ đó phải ủng hộ và đầu tư cho xứng đáng như mua cây đàn tạm (gọi là) được, trả tiền học đàn, khích lệ khi thất bại, tự hào khi thành công… Đây ngay cả ủng hộ tối thiểu cũng không, mỗi khi lên tiếng thì như thế này:
“Hãy minh xác rằng các cuộc biểu tình chỉ là nhất thời, sẽ chấm dứt, không đi vào cơ cấu tổ chức, và hoàn toàn minh bạch, ôn hòa, tôn trọng luật pháp” (http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=11758&rb=0401)
Cũng may Ba Lan không phải VN. Cỡ như Lech Walesa sinh ra ở VN cũng bó tay chấm cơm chứ nói gì tới những Lê Công Định hay Nguyễn Tiến Trung.
Nếu họ không có đủ bản lãnh đi đến hết con đường dân chủ, họ không có lỗi lầm gì cả. Chừng nào chúng ta có được những ủng hộ đáng kể với họ, chừng đó chúng ta hãy nói tới chuyện đánh giá. Việc làm sống lại ước mơ của mình ở người khác, theo tôi, hơi giống loài ốc mượn hồn.
Tất nhiên đôi khi lý trí cũng phải ngả nón trước: “Tôi không khuyên họ liều mạng, “chết vinh hơn sống nhục”, nhưng một khi đã dám làm hãy dám chịu. Thà nói “không dám” như tôi đây rồi “yên phận” cho rồi, hơn là hô hào xúi người ta, rủ rê bè bạn” mần” rồi KHAI RÁO TRỌI sau mấy đòn “cân não” như vậy”.
Chuyện ngoài lề. Tôi phát hiện một phương pháp trở thành nhạc sĩ mà VN có thể đăng ký bản quyền; thay vì cho con đi học nhạc, chỉ nên cho con học huýt sáo rồi vào ngành công an. Mai mốt đứa bé lên tướng công an, chỉ cần huýt sáo là có cả khối những kẻ học nhạc thực thụ “úm ba la” thành những bài hát mất ngủ (tớ cũng sợ CA thấy trời nên không dám nói thẳng ra là “phá giấc ngủ”).
Cho dù “nhận tội” vì bất cứ lý do nào đi chăng nữa thì người CS đã làm cho những người đấu tranh cho dân chủ cảm thấy thất vọng trước những lới nói nhận tội ấy.
Tôi nghĩ nếu họ bị những đòn phù phép nào của CS để nhận tội thì cô Luật sư Lê Thị Công Nhân, anh Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng đã bị dùng những đòn ấy. Nhắc đến LS Đài, Ls Công Nhân để tỏ lòng khâm phục trước hành động gan dạ và chí khí của họ. Cũng xin được ngả nón chào chị Hồ Thị Bích Khương, một anh thư đã từng bị họ dùng trò xe đụng để giết mà vẫn không xao xuyến, như họ đã từng làm đối với vợ chồng nhà biên kịch và thi sĩ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh.