Lê Diễn Đức – Từ chuyện xe cộ đến hai thái cực của nền giáo dục Hoa Kỳ và Trung Quốc
04/09/2009 | 1:00 sáng | 5 Comments
Category: Chính trị - Xã hội, Khủng hoảng đạo đức, Văn hoá – Giáo dục
Thẻ: Hoa Kỳ > Trung Quốc
Về những cái hay trong hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ có lẽ kể cả ngày không hết.
Chính vì vậy, trong tất cả các cuộc thăm dò, cho dù Top 100, Top 50 hay Top 25 các trường đại học xuất sắc nhất thế giới, Hoa Kỳ vẫn đứng đầu bảng một cách vượt trội. Trong Top 100 -The Best Universities năm 2008, trong 20 trường đầu tiên, Hoa Kỳ có 13 trường, Anh quốc có 4 trường, Úc có 1 trường, Nhật có 1 trường và Canada có 1 trường. [1]
Các trường đại học ở Hoa Kỳ không chỉ bao gồm giảng đường, các phòng thí nghiệm, ký túc xá, mà còn có những trung tâm nghiên cứu, sáng chế lớn, nơi đặt hàng của các nhà sản xuất muốn có sản phẩm mới cho xã hội. Các trường y có bệnh viện chuyên ngành hiện đại, thậm chí có cả một hệ thống mười mấy bệnh viện như ở thành phố Houston, tiểu bang Texas. Vào trường đại học ở Hoa Kỳ ta có cảm giác như đi vào một thành phố nhỏ với đủ các loại hình sinh hoạt, học tập, dịch vụ, giải trí…
Trong bài này, tôi chỉ muốn nói về một thứ duy nhất, rất đặc thù của Hoa Kỳ trong các trường tiểu học và trung học. Đồng thời qua nó, tôi muốn đưa ra một hiện tượng lạ khác, trái ngược, nhưng phổ biến ở Trung Quốc, một quốc gia đang có tham vọng đuổi kịp Hoa Kỳ về tiềm lực kinh tế vào những năm 2025-2030.
School Bus ở Hoa Kỳ
Ai sống ở Hoa Kỳ, nhất là có con nhỏ đều biết, trên 50 tiểu bang của nước này được sử dụng một loại xe buýt (School Bus) thống nhất, giống nhau, để đưa và đón học sinh trường tiểu học và trường trung học. Học tập của các em từ tiểu học đến hết trung học trường công là hoàn toàn miễn phí, cho nên việc đưa đón học sinh cũng vậy.
Trong một khu dân cư dù lớn hay nhỏ, ở thành phố nhộn nhịp hay vùng xa ít người, đều có một điểm hay nhiều điểm cố định (Bus Station) để các em học sinh tập kết lên, xuống xe vào giờ quy định, thường không xa chỗ ở, đi bộ từ nhà tới bến nhiều lắm là từ 5 đến 10 phút. Các em học sinh tự giác xếp hàng trật tự, khi xe đến, ai đứng trước lên trước.
Đây là loại xe sơn màu vàng, có nút tự động dùng để điều khiển bảng dừng (stop arm) nằm phía bên trái người lái xe. Khi xe dừng, người lái xe ấn nút, một bảng hiệu “STOP” màu đỏ, chữ trắng như một cái tai voi chìa ra ngoài, cùng với ánh đèn hiệu chớp liên tục.
Vào thời gian này, xe hơi ở phía trước, phía sau, bên trái, hoặc phải, kể cả xe cảnh sát, tất cả đều phải dừng lại. Tổng thống Hoa Kỳ nếu đi ngang cũng không có ngoại lệ. Khi người lái xe buýt tin rằng các em học sinh đã lên, xuống an toàn, mới khép bảng hiệu “STOP” lại và bấy giờ các xe khác mới được phép tiếp tục lăn bánh.
Đôi khi vì trục trặc gì đó, do ngủ quên chẳng hạn, không kịp ra xe buýt, tôi phải tự đưa các con tới trường. Ở ngã ba hay ngã tư, ngay chỗ rẽ vào trường học, vào giờ học sinh đến lớp hay lúc tan trường, tôi đều thấy có một xe cảnh sát đứng điều khiển xe qua lại, ưu tiên cho xe ra vào trường trước. Tôi thầm nghĩ rằng, trên 50 tiểu bang, hàng ngày có biết bao nhiêu cảnh sát làm việc này, đúng là tiền núi! Về sau, tôi mới biết, ngoài nguồn tiền được rót từ ngân sách liên bang, tiểu bang, tiền thu thuế bất động sản (là khoản tiền rất lớn, thu hàng năm) của địa phương nào thì được chuyển vào ngân sách giáo dục của địa phương đó. Tôi thấy đây là phương pháp hỗ trợ giáo dục đáng khâm phục.
Để hình dung được phần nào về mức độ đầu tư cho giáo dục tiểu học và trung học, tôi đưa ra ví dụ về quận Forsyth, tiểu bang Georgia nơi các con tôi học (Cumming city). Với chỉ khoảng 100 ngàn dân cư ngụ, vậy mà ngân sách giáo dục của được trường thông báo tới phụ huynh, cho các niên khóa 2006-2010, hơn 800 triệu đôla. Ở các trường tiểu học của quận này, ngoài các tiện nghi bình thường như nhà ăn, thư viện, các sân đấu bóng, sân chơi, sân khấu biểu diễn, trang bị máy vi tính, các bảng đen trong lớp và phấn viết được trang bị bằng bảng và bút điện tử…
Trẻ em được ưu tiên hạng nhất trong xã hội Hoa Kỳ. Đối xử xấu với trẻ em là đụng vào tabu cao nhất, sẽ bị dư luận lên án nghiêm khắc và luật pháp trừng trị rất khắt khe.
Tất cả những điều nói trên chứng tỏ sự quan tâm, bảo vệ rất lớn và chu đáo của gia đình, xã hội và nhà nước đối với thế hệ tương lai.
Khi mới sang Mỹ lần đầu, nhìn thấy School Bus dừng phía bên kia đường, trong khi tôi ở hướng ngược lại, nên tôi chỉ cho xe chạy chầm chậm lại. Lúc ấy người quen đi cùng nói tôi dừng ngay lập tức nếu không muốn bị cảnh sát phạt. Đừng tưởng không nhìn thấy cảnh sát tại chỗ, ai đó định “phá rào”, thì hãy coi chừng con mắt của người đi đường hoặc của người lái xe buýt. Họ chỉ cần lấy điện thoại bấm 911, báo số xe vi phạm, thế là người lái xe đó ra tòa, mất bằng lái, bị phạt tiền và còn có thể bị đi lao động công ích nữa. Trong trường hợp xe mượn, chủ xe có thể bị vạ lây, xe bị ghi vào dữ liệu của hệ thống vi tính toàn liên bang. Giá mua bảo hiểm xe tăng tỷ lệ thuận với số điểm an toàn của xe bị mất, là một trong những cách thức làm người lái cẩn trọng hơn, vì đánh thẳng vào túi tiền. Ở Hoa Kỳ không có bằng lái xe coi như cụt hai chân, không còn đi đâu làm ăn gì được nữa!
Quan sát nhiều nước, tôi có thể không đắn đo gì để khẳng định Hoa Kỳ là một đất nước của sự thượng tôn pháp luật. Những người công dân lương thiện bình thường rất có ý thức tôn trọng các quy định của luật pháp, chẳng ai dại gì rước họa vào thân.
Xe hơi con ở Trung Quốc
Đi qua Trung Quốc, tới các vùng quê hay thị trấn, ta rất dễ bắt gặp chuyện lạ, chướng mắt. Khi thấy những chiếc xe hơi con sang trọng chạy qua, các em học sinh đứng lại và dơ tay chào theo nghi thức của đội viên thiếu niên.
Tôi không nghĩ rằng, các em làm việc này tự giác. Chắc chắn phải có sự dạy bảo, khuyên răn của các bậc cha mẹ hoặc thầy cô giáo.
Thật là vô lý và đáng xấu hổ! Những quan chức thời cộng sản sử dụng tiền thu được từ mồ hôi lao động của những người dân bình thường để mua sắm xe hơi sang trọng.Tiêu chuẩn của họ được đảng và nhà nước đãi ngộ như thế. Xe hơi, với họ, như là phương tiện chứng tỏ khả năng, uy tín và đẳng cấp của mình. (Ở Việt Nam thời trước 1975 phân xe theo cấp bậc, chức vụ nào đi xe Volga, chức vụ nào đi Lada, thời nay thì Mercedes, Toyota, v.v…)
Điều gì nói lên ở đây? Các em có thể chào cờ tổ quốc, chào cha mẹ, thầy cô giáo, nhưng tại sao buộc các em phải chào, phải kính trọng các quan chức đi xe hơi? Vì sao giá trị của trẻ thơ bị coi thường như vậy ở Trung Quốc?
Các em còn nhỏ, chưa đủ nhận thức việc mình phải làm, cho nên điều này gây tác hại lớn về mặt tâm lý, hủy diệt tư duy của trẻ.
Chính sách giáo dục của một quốc gia quyết định đạo đức, văn hóa hành xử của con người và là nền móng phát triển của thế hệ tương lai. Mà con người lại là yếu tố quyết định toàn bộ cấu trúc và linh hồn của xã hội. Cho nên, có câu “giỏ nhà ai, quai nhà nấy” hay “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” là vậy!
Trong một bản tin gần đây trên báo chí, người ta nói đến nhà đầu tư Hoa Kỳ Warren Buffett, người được tạp chí Fobers xếp hạng nhì năm 2009 với tài sản 37 tỷ đôla trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Warren Buffett nổi tiếng là một trong những người bỏ nhiều tiền nhất thế giới (bên cạnh Bill Gates) cho các hoạt động từ thiện, đặc biệt trong lĩnh vực nâng cao đời sống và chữa trị dịch bệnh cho trẻ em của các nước nghèo. Thế nhưng, ông chẳng cần phải phô diễn. Vợ chồng ông có cuộc sống giản dị, hàng ngày ông đi làm bằng chiếc xe hơi đời cũ và vẫn ở trong ngôi nhà mà ông mua cách đây 50 chục năm với giá 31.500 đôla. Warren Buffett cũng nổi tiếng là nhà hùng biện với nhiều câu nói được xem như kinh điển đối với những người chơi cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trung tâm Wall Street được ông định nghĩa là “nơi duy nhất mà những người đến đây bằng xe Rolls-Royce để nghe tư vấn từ những người đi bằng xe điện ngầm”.
Cho nên, tôi nghĩ rằng, cho dù hai, ba thập niên nữa, Trung Quốc với 1,3 tỷ dân, có thể trở thành tiềm lực kinh tế hàng đầu thế giới, ngang ngửa, thậm chí hơn cả Hoa Kỳ về tổng thu nhập (chỉ về tổng thu nhập thôi!), nhưng còn lâu, rất lâu nữa mới có thể đạt được một xã hội văn minh và có hệ thống giáo dục tốt, nhân bản như ở Hoa Kỳ và các cường quốc châu Âu. ■
————
[1] : Ranking 2008 TOP 100 của QS-Topuniversities – http://www.topuniversities.com/worlduniversityrankings/results/2008/overall_rankings :
1) HARVARD University – USA
2) YALE University – USA
3) University of CAMBRIDGE – Anh quốc
4) University of OXFORD – Anh quốc
5) CALIFORNIA Institute of Technology – USA
6) IMPERIAL College London – Anh quốc
7) UCL (University College London) – Anh quốc
8) University of CHICAGO – USA
9) MASSACHUSETTS Institute of Technology – US
10) COLUMBIA University – USA
11) University of PENNSYLVANIA – USA
12) PRINCETON University – USA
13) DUKE University – USA
14) JOHNS HOPKINS University – USA
15) CORNELL University – USA
16) AUSTRALIAN National University – Úc
17) STANFORD University – USA
18) University of MICHIGAN – USA
19) University of TOKYO – Nhật Bản
20) MCGILL University – Canada
© talawas blog
Bình luận
5 Comments (bài “Lê Diễn Đức – Từ chuyện xe cộ đến hai thái cực của nền giáo dục Hoa Kỳ và Trung Quốc”)
Dường như ông Lê Diễn Đức có vẻ không được khách quan lắm khi đánh giá hệ thống giáo dục an sinh Hoa Kỳ.
Theo ông, “Trẻ em được ưu tiện hạng nhất trong xã hội Hoa Kỳ”: muốn được như thế, trẻ sơ sinh phải sống sót cái đã bởi so sánh với các quốc gia kỹ nghệ khác về khiá cạnh tử vong nhi đồng, Hoa Kỳ rất đáng xấu hổ vì đứng thứ hai mươi chín. Về tuổi thọ dự tính (life expectancy) của người dân, Mỹ chỉ được xếp hạng thứ mười bốn. Trong lĩnh vực phòng ngừa các nguyên nhân gây tử vong có thể tránh được (avoidable causes of death), Mỹ đứng hàng thứ mưới chín.
Cũng theo ông Đức, có cả một “hệ thống mười mấy bệnh viện như ở thành phố Houston”. Đúng thế. Ai cũng ngưỡng mộ các bệnh viện như Sloan-Kettering ở New York hay M.D.Anderson ở Houston chuyên về ung thư hoặc Cleveland Clinic chuyên về bệnh tim. Tuy nhiên chỉ những thành phần tỷ phú, triệu phú hoặc các thành viên đóng bảo hiểm y tế rất nặng mới được chữa bệnh tại các cơ sở này, mới được hưởng thụ các tiến bộ tân kỳ nhất của kỹ thuật hiện đại, mới được đích thân những giáo sư, bác sĩ từng lãnh giải Nobel Y khoa cùng môn đệ họ chẩn đoán điều trị. Còn đại đa số quần chúng thì chẳng bao giờ đặt chân được đến những nhà thương vừa kể.
Các con số về chi tiêu cho dịch vụ công cộng không nói lên được phẩm chất của dịch vụ: ai cũng biết hệ thống y tế Hoa Kỳ ngốn tiền như một con thủy quái khổng lồ, như một thứ leviathan. Mỗi năm cái hệ thống đó nuốt trôi 2,3 billions dollars, nó đắt đỏ nhất thế giới, nó chiếm mười sáu phần trăm tổng sản lượng quốc gia Hoa Kỳ. Vậy mà Obama kêu gọi yes, we can…
Hai bức hình chụp cảnh mấy cháu bé đứng bên lề đường đưa tay chào xe hơi tư nhân đi qua cũng gây băn khoăn cho cá nhân tôi. Tôi đồng ý với độc giả bacle. Có thể có cảnh đó nhưng chỉ là chuyện địa phương: phải chăng một ông quan cán bộ nào đó ra lệnh như vậy trong lãnh thổ mình cai trị, do tinh thần sứ quân chủ nghĩa?
Về vụ học sinh chào xe hơi, tôi thử hỏi mấy bạn đồng nghiệp Trung Quốc trong hãng, sao ai cũng không biết chuyện này, dù cũng có vài người chỉ mới sang Mỹ mới có mấy năm và khi ở Trung Quốc họ cũng xuất thân từ vùng quê, thị trấn nhỏ. Bác thử kiểm chứng lại với những người TQ thử xem.
Anh Lê Diễn Đức,
Top gì thì cũng không hẳn là Top Top hay Tip Top. E là ở đây anh không phản ánh sự quan ngại của dư luận cũng như lãnh đạo, phụ huynh, các chuyên gia tại Hoa Kỳ về tụt dốc của tình trạng giáo dục hiện nay (đây không ví với Trung Quốc). Hoa Kỳ là nước gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung trong lãnh vực này trong các quốc gia phát triển, không xứng đáng với tầm siêu cường kinh tế và về vài mặt còn kém hơn cả…Cuba.
Đây khiến Fidel từng tự hào là lao động tính dục tại Cuba còn có học thức và hiểu biết vệ sinh. Câu này bị G W Bush bám vào mà phê bình là Castro quảng cáo du lịch sex trong khi ông này quảng cáo trình độ giáo dục tại nước ông.
Dĩ nhiên là các con số nào cũng phải thận trọng và đánh giá thống kê, xếp hạng nào cũng phải nhìn kỹ. Theo UNESCO, Cuba tiêu 18.7% tổng sản lượng cho giáo dục (#1) trong khi Hoa Kỳ tiêu 5.7% (#37), tuy GDP Hoa Kỳ có hơi bị cao hơn là GDP Cuba. Nếu nói về tỉ lệ của ngân sách nhà nước, Hoa Kỳ hàng 38, đồng hạng thí dụ với Cape Verde và Peru.
Các thống kê này ở đây tiện lợi http://www.nationmaster.com/cat/edu-education&all=1, hoặc http://www.uis.unesco.org/ev_en.php?ID=3753_201&ID2=DO_TOPIC.
Về chất lượng (khó thẩm định hơn, cũng như tại sao cứ vài năm thì Venezuela lại Hoa hậu Hòan vũ một lần), chẳng hạn theo tìm hiểu tại 30 quốc gia thuộc OECD và 11 quốc gia khác, năm 2003
Toán, hàng 28/41
Đọc, hàng 18/41
Khoa học, hàng 22/41
Giải vấn (Problem Solving), hàng 29/41
Đây là kết quả của một trắc nghiệm hai tiếng đồng hồ trên 4 bộ môn này của tổ chức PISA, có 250.000 học sinh 15 tuổi tham gia tại 41 nước, http://www.pisa.oecd.org/pages/0,2987,en_32252351_32235731_1_1_1_1_1,00.html .
Ở Mỹ, trẻ em không chào xe con, nữa nhưng chào cờ và tuyên thệ (Pledge of Allegiance) thường xuyên trong trường (sau khi được Bus nhà trường chở đến). Con tôi khi lên 4 và mới vào mẫu giáo ở Hoa Kỳ, có đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Trước tượng ông Hồ, cờ quạt và bầu không khí trang nghiêm của chốn này, không ai bảo, nó đã tự động đặt tay lên ngực đứng ngay người và đọc lời thề Mỹ vừa mới học thuộc năm đầu đến trường!
Cho dù là quân xa đi nữa, thì trẻ con ở Mỹ vẫn không chào và nếu là quân xa Mỹ thì ở Afghanistan hay Iraq thì trẻ con cũng như người lớn lại càng tránh xa.
Xin cám ơn lưu ý của bạn Nam Giang. Tôi nhầm Cumming (city) với quận Fosyth. Còn riêng về ngân sách GD, thì con số hơn 800 triệu tôi nhớ gia đình được trường thông báo, nhưng chắc chắn tôi nhầm về mức thời gian, có thể là cho cả County trong mấy niên khóa. Đã hiệu đính lại. Một lần nữa xin đa tạ.
Tác giả Lê Diễn Đức viết: “Để hình dung được phần nào về mức độ đầu tư cho giáo dục tiểu học và trung học, tôi đưa ra ví dụ về quận (county) Cumming, tiểu bang Georgia nơi các con tôi học. Với chỉ trên 5 ngàn dân cư ngụ, vậy mà ngân sách giáo dục của quận, được trường thông báo tới phụ huynh, cho niên khóa 2006-2007, hơn 800 triệu đôla!”
Xin góp ý về địa danh và những con số mà tác giả đã nêu trên:
1. Cumming là một thành phố thuộc quận Forsyth.
– Dân số Cumming là 5,802 (2005)
– Dân số của quận Forsyth theo thống kê năm 2000 là 98,407 (2007 là 158,914)
2. Ngân sách chi phí cho toàn quận Forsyth vào năm:
2006: $185,277,580
2007: $219,661,100
2008: $260,534,662
Con số $800 triệu chi cho giáo dục của thành phố Cumming trong năm 2007 là sai vì ngân sách cho cả quận mới chỉ hơn 200 triệu.