trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
26.10.2006
Tạ Chí Đại Trường
“Nhà ta: Người miền Dưới”
 
Đó là lời Trần Nhân Tông năm 1299, khi ông bảo xăm hình rồng cho Anh Tông để khỏi quên truyền thống nhưng Anh Tông trốn mất, từ đó các vua Trần không xăm hình rồng nơi đùi nữa. Danh nghĩa dân chài đã mất từ lâu khi Trần nắm quyền trị nước nhưng đây mới là dấu hiệu đoạn tuyệt hẳn với quá khứ dân dã của dòng họ này.

Nhóm Trần này (thay thế Lí 1226), “đời đời làm nghề đánh cá” nên dù có làm vua yên ổn, sắp xếp thứ bực tôn thất (1267), sai phủ Tông chính soạn ngọc phả của họ nhà vua (1304) thì cũng chỉ biết không quá 5 đời, ngay trên đất Đại Việt, là ở “hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường”, tỉnh Nam Định ngày nay. Kí ức xa hơn thì chỉ còn lờ mờ: “Tổ tiên là người đất Mân (Phúc Kiến), có người nói là Quế Lâm (Quảng Tây)”. Cuộc sống trên sông nước, làm di dân trôi nổi khiến họ không thể nhớ gốc tích xa hơn. Li Tana [1] đã nhìn ra đó là đặc tính của tộc Đản ghi chép trong thư tịch Trung Quốc xưa, có nguồn gốc Giao Chỉ, gọi là “Giao Chỉ Đản” (Lĩnh ngoại đại đáp 1178) và còn lưu dấu đến bây giờ.

Ngày nay người tộc Đản đã được chính quyền Trung Quốc ghi với chữ mới: Đan/Đơn (Hán-Việt), bỏ mất tên với bộ Trùng khinh miệt xưa kia. Họ sinh sống dọc biển Quảng Đông, Quảng Tây, Hương Cảng , đảo Hải Nam, qua Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, mang các tên Thuyền Hộ, Đản, Đản Gia, Ngái, Soisangyang (Thuỷ Sinh Nhân)... Tuy được ghép vào bộ phận của tộc Hán chính thức và nói tiếng Hoa (phương ngữ Quảng Đông), nhưng bản thân những người này vẫn coi như một tộc riêng biệt, và nhiều học giả, kể cả người Hoa cũng công nhận như vậy. Người Đản thích tự gọi là “Người Sinh (từ) Nước”, trong quá khứ thường bị miệt thị, khinh rẻ. Quế hải ngu hành chí (1175) của Phạm Thành Đại ghi rõ: “Đản là tộc man sống trên biển.” Họ được mang tên “Thuyền Hộ”, cho là có chân ngắn, chỉ thích hợp với cuộc sống ở biển, có tài liệu còn nói họ có chân 6 ngón, và có đuôi! Suốt đời họ sống trên thuyền, chỉ khi chết mới lên bờ chôn mà thôi. Họ thờ Thiên Hậu (thấy dấu vết ở Việt Nam), thần cá và thần rồng [2] . Ở Việt Nam ngày nay, người Hoa lân cận gọi họ là Đản Gia Lão (Quảng Ninh, Hải Phòng.) Nhóm Đản-Ở-Rừng ngày xưa thì nay là Ngái [3] . Nhóm Đản ở nước của thư tịch Trung Hoa bắt hàu, mò ngọc trai, thờ rồng nên còn có tên là Long Hộ (Từ hải). Tên Giao Chỉ Đản ở Lĩnh ngoại đại đáp có lẽ là để chỉ một bộ phận Đản chứ không phải là ghi nhận nguồn gốc bởi vì bộ phận Đản ở Trung Hoa rất đông, và dấu hiệu đi về phía nam rất rõ như trường hợp họ Trần, họ Mạc về sau. Với chứng cớ di chuyển ghi ở Toàn thư thì họ Trần ở đất Mân vào khoảng thế kỉ XI, ngang với lúc Lí bắt đầu cầm quyền.

Không có xác nhận trong sử kí triều đại để chứng tỏ họ Trần là thuộc tộc Đản nhưng các bằng cớ dân tộc học dựa vào chứng liệu lịch sử và suy đoán ngay từ lời nói và sinh hoạt của họ lúc khởi đầu khiến ta nghĩ như thế, dù là có thể khiến nhiều người mang tính tự tôn phản đối. Trong các thần tích lưu giữ ở các đền thờ vùng tỉnh Thái Bình thì những người khởi đầu họ Trần đều mang tên các loài cá: Ông tổ đầu tiên (Trần) Kinh là cá Kình, Trần Hấp là cá Chắm/trắm, Trần Lí là cá Chép (lí ngư), Trần Thừa là cá Dưa, Trần Liễu là cá Nheo, Trần Cảnh là cá (Lành) Canh [4] . Khi Nhân Tông xác nhận “Nhà ta người Miền Dưới – người vùng sông biển”, phải chăng đó là âm vang của tên tông tộc “Người Sinh (từ sông) Nước / Thuỷ Sinh Nhân”? Trần Thủ Độ, người dựng nghiệp Trần, hiên ngang tuyên bố: “Ta chỉ là con chó săn thôi...”, đủ cho sử quan chê nhẹ: “... tuy không có học vấn...” Ngay cả ông vua đầu, Thái Tông, cũng không thoát nhận định: “... tuy có tư chất tốt đẹp trời ban nhưng chưa có học thức...” Đây cũng là căn cứ để ta tin vào thuyết chính Nhân Tông mới là tác giả của Khoá hư lục đầy ý nghĩa kinh sách sâu sắc. Nhưng Thái Tông nổi bật ở sự liều lĩnh, xông xáo của chàng trai sông nước khi “bỏ thuyền lớn trong cõi (thuyền biển, trên sông lớn của tông tộc), chỉ đi thuyền nhỏ” xông vào đất Tống, bị lộ hình tích lại đương nhiên bứt rào cản, nhổ cọc mang về! Đến ông anh gặp mùa nước lụt, thản nhiên dùng thuyền đi chầu, nhân dịp hiếp cung phi Lí. Lúc cùng khốn nổi loạn thất bại, lại “dùng thuyền độc mộc, giả làm người đánh cá” đến xin hàng – và vua, qua mười mấy năm ở kinh đô, lúc đó cũng đang ở trên thuyền chứ không phải ngủ yên ấm trong cung điện lấy được của nhà Lí! Họ Trần “đời đời chuộng dũng cảm... nếp nhà theo nghề võ, thường xăm hình rồng vào đùi” (Nhân Tông). Và đàng sau những cá nhân nổi bật mang dấu vết xăm đơn giản là cả một tập đoàn rằn rện có tên “thái long” (rồng hoa): “Thời quốc sơ, quân sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi”. Và dân ở Vân Đồn còn có dấu hiệu mò ngọc trai sau khi nhà Trần làm vua đến hơn trăm năm (1348). Đâu cần phải có nhà dân tộc học so sánh nào đứng đó để ghi chép?

Tính sông nước khiến ta xếp lại tên Yết Kiêu. Hai người nô nổi tiếng của Trần Quốc Tuấn, một tên là Dã Tượng (Voi Rừng) vì Đản có một bộ phận phá rừng lấy gỗ gọi là Mộc Đản, ngày nay qua Việt mang tên tộc Ngái / Ngải (Sán Ngải: Người Ở Rừng). Yết Kiêu ghi bằng chữ Hán nơi Toàn thư thường được giải thích là Chó Săn. Có vẻ dịch giả hơi vị nể một nhân vật đã đứng tên trên đường phố chứ Từ hải chỉ đưa nghĩa:”chó đồng, loại thở ngắn hơi”. Chữ “kiêu” ở sách sử mang bộ Mã nhưng cũng có chữ kiêu mang bộ Điểu, như thế hợp với chữ “yết” kèm theo (cũng có âm đọc khác) mang ý nghĩa “tháo ra”, hay đồng âm với chữ “yết” là “cổ họng”. Ta không đòi hỏi sử quan phải là nhà điểu học nhưng gộp các hình tượng từ các chữ được điều chỉnh, ta có hình dáng một con cồng cộc, con chim nuôi mang vòng thắt nơi cổ họng, bắt cá mà không nuốt được của đám dân sông nước vùng hạ Dương Tử. Lúc Trần Quốc Tuấn thua quân, thấy Yết Kiêu vẫn giữ thuyền chờ mình, thốt lên lời khen về “chim hồng hộc bay cao nhờ sáu trụ cánh”, lời liên tưởng ấy hẳn không phải là tình cờ. Tính cách sông nước cũng giải thích được sự buông thả tính dục và lối kết hôn trong thân tộc của nhà họ Trần. Tất nhiên cũng có chứng cớ họ lấy người khác họ (như mẹ Trần Cảnh họ Lê) nhưng bởi chỉ quây quần trên ghe thuyền nên tính nội hôn là nổi bật, rồi càng gay gắt hơn khi làm vua, phải gả con cho nhau để giải quyết vấn đề tranh chấp giữa nhà Trần Cảnh và Trần Liễu, trước khi giải đãi buông thả khuôn khổ qua thời gian. Lên làm vua mà con trai còn đi ăn cướp cho thoả chí tung hoành thì người nữ chọn trai cho vừa ý thích cũng chỉ là sự tương đồng trong sinh hoạt mà thôi. Cho nên, dòng họ lên làm chủ nước, Chàng Cả Trần Liễu hiếp cung phi Lí lúc ban ngày ban mặt trong lần có buổi hội họp quần thần, bị nhóm nho thần cựu trào đàn hặc, tuy phải xuống chức nhưng nơi chốn bị “nhơ uế” ấy lại mang tên Thưởng Xuân (hai năm sau được nhắc thêm lần nữa), biểu lộ một tâm tình phơi phới, khoái trá, đầy khích động tính dục của tập họp Trần không một chút ân hận, hối tiếc nào.

Do tính cách di chuyển của tông tộc như thế nên bây giờ ta có thể hiểu tại sao sử quan phân vân về nguồn gốc Trần: Mân hay Quế Lâm (Quảng Tây)? Có thể trên đường phát xuất từ đất Mân, họ đã ghé vào Quảng Tây một giai đoạn. Và trước khi đến Nam Định, họ cũng đã bám trụ trên vùng Quảng Yên, với chứng tích “Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên / An Bài, Yên Hưng, Yên Bang” là đất phong (1237) cho Trần Liễu để đền bù chuyện mất vợ. Trần đến đất Việt mà ở trên sông nước thì không phải va chạm với Lí đang nắm quyền trên đất liền. Như thế cũng có nghĩa là họ hành động độc lập, chia từng khu vực quyền lực với các toán sông nước khác.

Ta không rõ các nhóm ấy tên gì nhưng thấy họ xuất hiện mang tính tập thể sông nước trong hội nghị Bình Than (1282) trên một bến sông (vũng Trần Xá), họp “vương hầu và trăm quan”, trong một ý nghĩa bao quát, thô thiển, đó là họp lãnh tụ Miền Dưới và Miền Trên (Thăng Long). Chi tiết hơn, trong tập họp đương cự Nguyên cuối 1284 có tên các xứ Ba Điểm, Bàng Hà, Na Sầm, Vân Trà / Hương Trà, Yên Sinh, Long Nhãn, trong đó hai hương Ba Điểm, Bàng Hà bị trừng trị sau chiến tranh cho ta suy đoán về tính độc lập của các xứ kia. Hương Trà sau chiến thắng 1289 có người (Phùng Sĩ Chu) được chọn làm Hành khiển, vẫn giữ một chừng mực riêng biệt đến nỗi năm 1344 còn làm nơi phát xuất của loạn Ngô Bệ kéo dài đến 1360. Chúng ta lại còn biết thêm rằng hương Bàng Hà là gốc của Mạc Đĩnh Chi. Trần Quý Nha (tiến sĩ 1748), tác giả Công dư tiệp kí tục biên không những dựa Toàn thư mà còn dẫn địa danh để chứng minh đất Bàng Hà là của Mạc [5] . Trong cuộc chiến với Nguyên, đã có rất nhiều người đầu hàng phe địch, Trần phải làm lơ, thiêu huỷ chứng cớ nhưng còn giữ tên hai hương, vì đó là chuyện “phe sông nước” của mình, trừng trị được mà không gây biến động lớn, chứ không phải chỉ có hai nơi ấy mà thôi.

Vấn đề họ Mạc cũng khá phức tạp. Có những thủ lãnh Mạc (không có gì chứng minh là đồng tông) đeo đẳng suốt đời Lí, qua Trần tuy ép mình làm gia thần (như Mạc Đĩnh Chi với Trần Ích Tắc) nhưng vẫn còn thế lực đến Hồ, Minh thuộc, Hậu Lê, qua thời gian, lập nên triều Mạc. Toàn thư đã sắp xếp ra một phả hệ liên tục kể từ Mạc Hiển Tích (thế kỉ XI), và còn cả bia đá đời Lê Thánh Tông (1470) liên hệ đến làng Cổ Trai của Mạc Đăng Dung, nhưng thư tịch Trung Quốc lại níu họ Mạc Cổ Trai vào với một dòng di cư khác. Mạc Kính Thự trong tờ biểu cầu cứu Mãn Thanh đã kể gốc ông cha ở thôn “Chaxiang [Trà Hương], huyện Đông Quan, Quảng Đông” [6] . Có thể họ Mạc thất thế phải viện dẫn thật xa đời để làm kế nhờ cậy, chứ đến lúc này thì Mạc đã hoà hợp với vùng trên, mang ý thức Việt rõ ràng rồi, chứng cớ là con cháu những người trên vùng biển chạy loạn thế kỉ XVI tập họp trên các đảo ven bờ Quảng Tây ngày nay nhận mình là Việt, rồi với sự xuất hiện của Cộng hoà XHCN Việt Nam họ đã đổi thành Kinh [7] . Nhưng dù sao thì Mạc Hiển Tích ve bà Thái hậu mà không ai dám xử, Mạc Đĩnh Chi trên xứ Bàng Hà bị xoá sổ, dân làm nô mà không sao cả, còn đỗ trạng, đi sứ, tất cả chứng tỏ một vài họ Mạc đã có quyền lực riêng biệt trên một vùng đồng ruộng, sông nước làm kiêng nể các chính quyền ở Thăng Long. Cũng có thể với thế lực địa phương khó khu trừ đó mà Trần Quốc Tuấn bao dung, đưa thêm một cánh tay an toàn cho họ Mạc, với dụng ý lấy vây cánh trong âm mưu chống đối dòng làm vua để trả thù nhà theo lời dặn của cha.

Một thế lực khác dễ lẫn với Trần ở Thiên Trường vì cùng họ: Trần Khánh Dư ở Chí Linh. Không thể lẫn được vì các sự kiện tiếp nối đã chứng minh. Trong câu chuyện ông bán than vua vời không tới kể như một sự tích truyền kì thú vị, sử quan nhắc lại chuyện Trần Khánh Dư tham gia đánh quân Mông Cổ, rồi thắng quân Man ở vùng rừng núi (?), được trao chức Phiêu kị tướng quân, chức chỉ dành cho hoàng tử, hợp lí, vì lúc này Khánh Dư được coi là “Thiên tử nghĩa nam” / con nuôi vua. Chỉ bấy nhiêu đó cũng đã thấy chút khác biệt với họ Trần Thiên Trường. Cho nên về lại Chí Linh, Khánh Dư không phải chỉ là anh bán than nghèo khó vì chính sử quan cũng chép về “chiếc thuyền lớn chở than củi” xuôi sông lớn ra biển giữa nước triều gió mạnh – thuyền như thế thì chủ nhân không cần phải “Một gánh kiền khôn quẩy tếch ngàn” làm gì. Nhân Tông than thở “Nam nhi mà đến nỗi này!” là nhìn vào vị trí chủ nước của mình liên hệ đến ông cựu “nghĩa nam” chứ không phải vì ông bán than đội nón lá, mặc áo ngắn!

Khánh Dư bị thất sủng vì trai gái với bà công chúa, dâu ông mang chức vụ công là “Quốc công tiết chế thống lĩnh quân đội toàn quốc” nhưng bên trong luôn nuôi chí trả thù cho cha. Vua “sợ phật ý Quốc Tuấn mới sai người đánh chết Khánh Dư ở hồ Tây”. Nhưng ông lại ngầm bảo đánh nhẹ, không phải vì thương nghĩa nam mà vì thế lực Chí Linh, chứng tỏ là đã “xuống chiếu thu hết quan tước, tịch thu tài sản không để lại một chút gì” mà vẫn còn đất ở Chí Linh vì “châu Chí Linh vốn là của riêng của Thượng tướng Trần Phó Duyệt”, chắc là cha Khánh Dư, vua không thể đụng tới được. Ngày nay, trên bản đồ hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hầu hết các xã đã bỏ tên xưa, lấy tên các nhân vật lịch sử, kể cả những người thời nay, trong đó có tên Nhân Huệ (Vương) ở môt góc hợp lưu của sông Thái Bình và Kinh Thầy. Những hành động về sau của ông tiểu thủ lãnh: phối hợp quyền lực và mưu mẹo bán nón Ma Lôi, cai trị đất Vân Đồn theo cách “gà chó đều kinh” ở cửa khẩu tiền bạc của đất nước, rồi biện bạch với vua về hành động của mình, rằng “dân, lính là vịt dành làm vật nuôi cho tướng là chim ưng”, khi bị vua “rầy la” bỏ về xứ yên lành, tất cả chứng tỏ đó không phải là hành động ngang tàng của một cá nhân mà là biểu tượng của một thế lực địa phương miền biển. Thế lực đó rồi sẽ tàn lụi khi nhóm Trần-làm-vua tóm thâu quyền hành lãnh thổ, chứng tỏ về sau không thấy dấu vết con cháu Khánh Dư đâu hết. Có thể do đó Trần Minh Tông làm thơ vịnh “... Nhân Huệ vương trang” mới có câu (dịch): “Một góc biển trên bản đồ đã theo giáo hoá của nhà vua” [8] . Xác nhận như vậy cũng phải bởi vì trong trận đánh Chiêm (1312), ông tướng ngang tàng hoảng hồn khi Anh Tông nghe lời tâu của Đoàn Nhữ Hài đã nổi giận chặt chân giám quân của Khánh Dư!

Sống riêng biệt trên sông nước, Trần không hề chuẩn bị mở rộng quyền hành trên đất liền. Nơi ấy đang có một triều đình, dù sao cũng là một trung ương cố gắng kết tập theo mẫu hình Hán Đường Tống một cách thô thiển với các ông “thư” gia làm tính, viết chữ (Hán), học kinh Phật và Nho, tập tành làm thơ, đi thi, leo lên từng cấp bậc trong triều đình... Trần Thủ Độ “không có học vấn” như sử quan chỉ rõ, có lấy nước cho họ Trần thì cũng chỉ bằng vào âm mưu thu xếp và từ quyền lực của tập đoàn. “Nhà Trần Lí nhờ nghề đánh cá nên giàu...”. Người đời nay có thể thắc mắc không biết họ đã tổ chức việc đánh bắt, phân phối như thế nào, có giống như tổ chức Đầu nậu gần đây không, có liên kết nghề nghiệp riêng với tổ chức thương mại, cướp biển hay không để tạo thành uy thế khiến “người quanh vùng theo về, nhân có quân chúng, cùng nổi lên làm giặc.” Vậy là họ Trần đã bắt đầu đặt chân lên đất liền tuy đại bản doanh vẫn còn là một tập họp bềnh bồng của thuyền bè đông đúc, chưa hẳn có tên riêng: ấp Biển / Hải Ấp. “Ấp” không phải nhỏ như ngày nay mà là một đơn vị trong đất liền khi nổi dậy cũng khiến vua Lí phải thân chinh. Tước phong Thuận Lưu bá cho Trần Tự Khánh với nghĩa “xuôi dòng” cũng cho thấy tính lưu động sông nước của nhóm Thuận Lưu. Và ngờ rằng thôn Lưu Gia của Hải Ấp, trên mặt chữ mang nghĩa: ”thôn của nhà họ Lưu” nhưng thật ra có thể hiểu theo chính nghĩa là “vùng gió mát” của sông nước, bởi vì không thấy nhân vật họ Lưu nào nổi lên ở đây hết.

Vương tử Sảm (Huệ Tông về sau) lấy Cô Hai ở ấp Biển khiến Trần có cơ hội xen vào triều chính Lí với chức tước ông vương tử tay trắng phong ẩu để làm của cho hôn ước. Sự can thiệp vào chính tình Lí khiến Trần triển khai thế lực trên bộ. Lưu Gia hẳn mở ra thành hương Tinh Cương, đất chôn ông thượng hoàng chưa từng làm vua và ba ông vua đầu, với dân làm đội quân nòng cốt của họ Trần lúc sơ khởi, đất được nâng lên thành Phủ (Long Hưng). Bên kia sông Hồng, hương Tức Mặc xuất hiện trên chính trường (1210) như một vị thế kém quan trọng hơn nhưng khi chiếm được chính quyền, Trần đã sai Phùng Tá Chu đến xây nhà cửa, cung điện (1239) để trở thành phủ Thiên Trường, nơi cất cung Thánh Từ của Thái thượng hoàng, chốn kinh đô thứ hai của Trần. Dòng chính đã có đất thì các vương hầu chậm chạp cũng phải lập điền trang (1266) để thành điền chủ tiếp theo, bỏ nghề sông biển. Hệ thống trang điền của vương hầu Trần mà Ngô Sĩ Liên kể ra rõ ràng nằm ở vùng biển. Ở Miền Trên, trừ các vùng của Lí chuyển qua, các thế lực địa phương vẫn còn đó, như chuyện về Đỗ Tế ông chủ ấp Hợp bị đuổi (1216 ĐVSL), nhân Trần bận chiếm ngôi, mười năm sau trở về đất cũ để cho con cháu dựng bia đá xác nhận (Đỗ Năng Tế) có chủ quyền trên “hương Binh Hợp”, nịnh bợ nâng lên làm “ấp thang mộc” như là thuộc dòng họ nhà vua! Trần Nhật Duật có lấy tiền đồn chống Nguyên là đất của công chúa Phụng Dương trên vùng Ngã Ba thì lúc rút lui cũng phải luồn lọt qua vùng “Man Lão” mới gặp quân nhà. Đến cuối đời, Nghệ Tông trốn chạy lên trấn Đà Giang cũng phải nhờ Man Lão che giấu! Sự giàu có của chủ đất Miền Trên nổi bật khi Trần suy yếu, lúc ông vua phải sai người trồng tỏi cung đốn cho việc chi tiêu riêng, thì nhà giàu Đình Bảng (đất dòng Lí), Nga Đình (Quốc Oai, đất nô Chàm?) vào cung đánh bạc ngang ngửa với vua.

Trần lúc đầu cũng phải ì ạch mới ngoi lên được trong tranh chấp. Biến động tranh giành quyền lực ở Đại Việt được thấy rõ hơn qua những ghi chép thô phác còn giữ ở quyển Đại Việt sử lược, đại loại kể chuyện đánh nhau theo tính chất cá nhân, tập nhóm nhỏ chứng tỏ thực trạng tranh chấp lúc đương thời, với những chi tiết lặt vặt khá tức cười được lặp lại: trói người bằng dây thép, “trói bằng dây thép năm vòng”, người bị trói vẫn mang cả vòng dây thép nhảy múa vui đùa! Loạn từ những năm cuối thế kỉ XII, nhà Lí lúc đầu còn đủ khả năng huy động những lực lượng lớn (như 12.000 quân đánh Sơn Lão năm 1184) nhưng càng lúc càng đuối sức. Sự việc tỏ rõ trong trường hợp thanh lọc mang dạng đầu voi đuôi chuột để lấy người về cho nhà nước năm 1198: “Dĩ Mông triệu tập tăng đồ trong xứ lại nơi kho thóc, để vài chục người có danh tiếng làm tăng, số còn lại đánh dấu vào tay bắt hoàn tục.” Lúc còn lớn quyền, Lí đi đánh nơi nào vẫn phải nhờ đến các tập họp địa phương, cho nên khi sa sút thì các nhóm này lại nổi lên như ong.

Nổi bật lúc đầu vì phải chịu đựng áp bức lớn và khá thuần nhất vì nguồn gốc xuất phát và sự kì thị kia, ngoài nhóm Hoa Lư uất ức vì bị hạ giá còn có các nhóm cựu tù binh Chàm trong thế kỉ XI đến lúc này vẫn giữ được tiếng nói, phong tục riêng. Đó là nhóm “giặc Đại Hoàng” mà địa danh (hoặc nói gọn: “hoàng” kèm danh từ chung châu / sông / người-sống-ở) chỉ hai nơi: vùng Hoa Lư và khúc sông Hồng bao gồm phủ Lị Nhân cùng với sông Đáy, chắc đã gây nên lúng túng của sử gia xưa nay. Loạn Đại Hoàng của Phí Lang xuất phát (trước 2003) từ việc những người này bị bắt xây cửa Đại Thành (tất là của thành Thăng Long), nghe nơi khác nổi dậy nên “trốn về làm phản”. Con cháu tù binh thì phải xây thành trì cung điện, nên “Đại Hoàng” ở đây là của hành cung Lị Nhân, địa điểm lập ra để trông coi nhóm tù binh Chàm ở vùng có chùa Bà Đanh – Đinh Xá, nơi dễ cho nhóm làm loạn trở về hơn là phải lặn lội đến tận Hoa Lư! Loạn có tướng giặc Phí Lang lúc đầu hàng (1205) dẫn theo đến hơn 170 “hào trưởng” rồi hai năm sau lại nổi dậy tiếp. Nhưng sử quan ghi chiến trận đều ở vùng gần Hoàng Giang của Hoa Lư, kể cả lúc Phí Lang chiếm hành cung Ứng Phong ở hạ lưu sông Đáy nên ta ngờ rằng họ đã phối hợp được với cuộc loạn của “kẻ mạo danh con cháu Đinh Tiên Hoàng” trên vùng Thanh Nghệ từ năm 1198, và kéo dài dấu vết đến năm 1214, Trần thắng (1215 ĐVSL ghi: thua). Có nhóm phía tây kinh thành, vùng ông thần Lí Phục Man với tướng quân Cam Giá Phan / ”phiên” Cụ, nhóm vùng phía bắc nơi có cái mukhalinga chùa Dạm, một lúc được Nguyễn Nọn chiếm lĩnh thu phục tướng Chàm Phan / “phiên” Ma Lôi được sử quan khen “có tài chủ động đánh thắng, dùng binh như thần”. Nhưng cũng bởi gốc tù binh lạc loài mà họ không làm nên việc lớn.

Loạn quân tập họp thành nhóm mang tính khu vực mà dấu hiệu danh xưng còn ghi lại cho thấy sự xáo trộn lớn là ở vùng hạ du lúc này nổi bật trên chính trường: nhóm lộ / hương / châu Hồng, Khoái, Nam Sách, Thuận Lưu (của Trần)... Vì thế ta không lấy làm lạ về sự kiện Trần Lí bị các nhóm khác giết. Họ Trần lúc đầu cũng chỉ là “giặc” để bảo vệ bản thân, để tồn tại, và có lẽ từ tính thuần nhất của tập họp bộ tộc, của khả năng chống chọi với sông nước, thiên nhiên, họ có sức mạnh ban đầu để bung ra, phát triển lớn. Tuy nhiên lại cũng không phải có được sự dễ dàng, suôn sẻ trên đường tiến chiếm quyền lực.

Trần Tự Khánh lên thay Trần Lí, không nhiều tự tín cho đến khi móc nối được với thế lực địa phương Lí trở cờ như Phùng Tá Chu, Phạm Kính Ân, với các nhóm cung đình và các tướng tù binh Chàm tan rã như “tướng quân Phù Lạc (?) là Phan / ”phiên” Thế (1214), “Tướng quân Cam Giá” Phan / “phiên” Cụ, Thượng tướng quân Phan / “phiên” Lân, người được Toàn thư tán dương, cho là năm 1217 cùng với Tự Khánh “xếp đặt quân ngũ, chế tạo binh khí, luyện tập võ nghệ, quân thế dần dần phấn chấn.” Rối rắm buổi đầu cho thấy Trần lại cũng xung đột với nhóm của phe ngoại như Tô Trung Tự, hay chống với chính các người dưới quyền điên đảo đổi thay phe phía trong tình hình thấy trước mắt, như Phan Lân bị giết (ĐVSL ghi thời điểm lệch lạc: 1214) vì chạy theo Nguyễn Nộn, ông Hoài Đạo Vương trên đất Thuận Thành. Phan Cụ “làm phản” (1214) bị bắt nhưng đánh nhau cho Trần Tự Khánh bị chết (1220) nên được truy phong vương tước do “chết vì nước.” Thế nhưng việc Tự Khánh nắm được tập đoàn vua Lí – cũng phải trải qua giai đoạn lọc lựa các ông hoàng kế nghiệp, cuối cùng chọn được con bài Vương tử Sảm, chịu cho rước Trần thị về cung – đã khiến ông có danh nghĩa phát triển sức mạnh tông tộc để khi chết đi, Trần Thủ Độ có cơ hội thay đổi triều đại. Sức mạnh đó toàn là ở lực lượng đường thuỷ, được nhận rõ trong các cuộc tiến quân, cả trong việc tạo thuận lợi cho quân thuỷ như trong trận đánh Nguyễn Nộn (1218), phá vỡ đê để “quân theo thế nước tràn vào”.

Với tình hình đó thì việc ông vua đầu đời bị chê “chưa có học thức” cũng là phải lẽ. Con vua, cháu chúa ra ngoài cung ăn cướp, đánh nhau tay không, lại cũng nơi bến nước bờ Đông! Điện vua, nhà vương hầu luông tuồng không tường thành phân cách để người nửa đêm gà gáy lẻn vào nhà cướp gái (Trần Quốc Tuấn) hay cậy thân tình gõ cửa bày tỏ công việc (bà Thuỵ). Bà cựu Huệ hậu, vợ ông tể tướng đương thời, đi lăng quăng bị lính chận lại, về khóc lóc với chồng. Yến tiệc triều đình để cho mọi người say khướt, “có người đội mo nang, cầm dùi làm tửu lệnh... dang tay mà hát.” Vướng víu với đám đông bình thường khiến vua làm lễ gả con gái cũng muốn phô bày cho mọi người cùng biết (1251), và còn kéo dài tới chuyện tang lễ Nhân Tông (1310), người xúm lại chật ních như đi xem đám ma nhà giàu! Vua không chịu an tâm tù túng trong cung điện, Thánh Tông đi coi chữa cháy nhà dân, Anh Tông đêm tối đi chơi bị du đãng ném đá bể đầu! Thế mà mặt khác, chỉ không lâu tổ chức triều đình, xứ sở vượt lên trên cả Lí, vua thông thạo kinh Nho, kinh Phật. Tại sao? Sử quan khen ông vua đầu, khởi phát thấp mà tiến trình xa, nhân dịp gán cho “tính trời” siêu hình cũng tán tụng luôn hiệu quả “Thánh học” của phe Nho mình. Thật ra mọi việc cũng chỉ là tuần tự nhi tiến trên nền tảng phát triển 200 năm của Lí để sử quan mỗi khi được dịp đều không bỏ qua: Hội thề tổ chức liên tục thành thường lệ, tổ chức kiểm kê đinh số ở đơn vị thấp nhất, tổ chức bên trong cung đình, sử dụng hoạn quan như điểm xuất phát xuyên suốt của quyền hành trung ương, tổ chức lãnh thổ, thi cử thu dụng người văn học trong thế mở cửa từ phía biển, qua chiến tranh...

Có những phát kiến tốt đẹp, tạo ảnh hưởng lâu dài nhưng nhìn kĩ thì chỉ là phó sản của một toan tính khác. Như vấn đề khơi sông, đắp đê, vấn đề thuỷ lợi theo cách nói ngày nay. Đê thì trước kia cũng đã có nhưng rải rác tuỳ thuộc vào các thế lực lãnh chúa điền chủ trong vùng. Nhưng với Trần thì đắp đê lần đầu được nhắc tới là năm 1248, gọi là “để ngăn nước lũ tràn ngập” nhưng chủ yếu “từ đầu nguồn đến bờ biển”, rõ rệt là một hình thức làm đường giao thông nối kết trú sở mới của họ Trần là Thăng Long với quê hương cũ ở Miền Dưới, khu vực Thiên Trường! Thăng Long là đất địch hôm qua, còn có dân chúng thấy ông chúa cũ đi chơi xúm lại kêu khóc nhưng là trung tâm của phần đất mới chiếm được, khác với khu sông nước căn bản, vững chắc hơn nhưng lại nằm bên lề của vùng quản lí mới. Việc nối kết hai nơi bằng đường đất – có thể nhiều nơi chỉ là nối các đoạn đê có sẵn, đã khiến Trần an tâm với nơi ở mới, làm quân bình mối âu lo về tương lai. Việc ấy cũng được thực hiện cùng năm với “việc lấp các khe kênh, mở đường ngang dọc nhiều không kể xiết”. Đó là chủ trương của Trần Thủ Độ, mang ý nghĩa phong thuỷ với đương thời nhưng thật ra là để các địa phương mất tính cô lập, diệt trừ các thế lực nơi ấy theo cách “đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng pháp thuật để trấn yểm”. Bảy năm sau (1255) lại có việc đắp đê ở Thanh Hoá, đặt các chức quan hà đê trên khắp các lộ. Công việc trị thuỷ do đó thành hình trên khắp cả nước, mở rộng quyền trung ương lớn hơn triều trước, đưa đến việc khai thác trung châu trên diện rộng.

Như thế một chủ trương chính trị đã trở thành một chính sách kinh tế có hiệu quả lâu dài mà cũng sẽ là hệ luỵ cho các triều đại cai quản vùng đồng bằng sông Hồng này. Đê đắp càng cao, lụt lội vỡ đê càng mang tác hại nặng nề mà người ta lại không dám phá đê để bồi đắp đồng ruộng ngày càng cạn kiệt mầu mỡ và càng nằm sâu hơn lòng sông khiến mối đe doạ chết vì nước càng lớn hơn. Vấn nạn này đang được lặp lại ở phía nam khi các nhà trị thuỷ sông Hồng mang kinh nghiệm chiến thắng thi hành trên đất phù sa Cửu Long, không quan tâm đến những lời phản bác rụt rè tội nghiệp! Họ chưa từng biết đến đề nghị ngược đời: Phá đê sông Hồng để cứu lụt nơi này!

Kết quả nối kết hai kinh đô trên đồng, dưới biển đã đem lại thành công cho họ Trần sâu xa hơn là ta tưởng. Thăng Long đem lại vị thế chủ nước, bắt buộc vua, hoàng tộc thu thái kiến thức, từ đó mở rộng đất nước theo hướng văn minh. Thiên Trường giữ lại truyền thống dụng võ, có người dân chỉ được quyền làm lính trong đội quân nòng cốt Tinh Cương, Thiên Thuộc, mở rộng ra là cả một lực lượng thuỷ quân làm chủ suốt vùng sông biển ngay trong những lúc thất thế. Thuyền chở vua quan thoát tay giặc, quân trên thuyền tránh né khi giặc tấn công rồi quay trở lại chiếm lĩnh trận địa tạo chiến thắng. Tất cả những trận thắng quyết định đều là trên đường thuỷ. Có gì lạ khi Trần Quang Khải ca tụng Chương Dương, Hàm Tử dù chưa nhắc tới Tây Kết, Vân Đồn? Và trong khi chống đối để phát triển lực lượng, bảo vệ đất đai, Trần chắc không ngờ rằng họ sẽ đem lại ba “nhân vật lịch sử”, ba “anh hùng dân tộc” cho Đại Việt: Triệu Quang Phục, Trương Hống, Trương Hát. Truyện tích của nhân vật nào được họ Trần phong tặng để nhờ cậy thần linh yểm trợ chống Nguyên cũng đều được trưng dẫn gốc gác sách sử, thế mà ông Triệu Quang Phục bỗng nhảy ngang ra từ đời Trần với Lí-Đệ tử-Phật, được phong làm Hoàng đế Cõi trên bởi chính một hoàng đế Cõi dưới, ngược ngạo không theo một nguyên tắc nào cả. Trần chẳng cần đếm xỉa gì đến nguyên tắc Nho ấy chỉ vì họ thấy đã lên cấp ở trần gian thì cũng phải nâng cấp cho kẻ được Con Rồng Bản Mệnh của tông tộc họ bảo hộ trên Cõi thiêng. Thế là ta có một ông hoàng đế Ma-da được thờ cúng, xuất hiện từ đầm lầy, hoá thân vào trong sóng biển, kéo theo hai ông thần sông nhỏ hơn với tước Vương cho cân xứng và để phát lời thơ thần phù trợ: “Nam quốc sơn hà...”.

Nhưng thế quân bình của hai trục kinh đô đó rồi có lúc phải gãy đổ. Thăng Long với vị thế quan trọng thường trực phải lấn lướt Thiên Trường, nơi an dưỡng của ông vua về hưu. Miền Dưới trở thành thứ yếu từ thời điểm điển hình là lúc Anh Tông từ chối xăm hình rồng trên đùi (1299). Họ Trần đã làm chủ nước đến 2/3 thế kỉ rồi thì không vì lẽ gì lại cứ phải mang dấu vết của thời ngụp lặn xưa kia? Không phải chỉ con cháu từ chối “truyền thống” mà người thế hệ trước cũng không còn vững tin nữa. Nhân Tông có thể đòi truất phế ông con say rượu vì điều đó hợp với tính cách đương thời, nhưng khi Anh Tông trốn mất thì đành bảo “xăm cho Quốc Chẩn”, như một hành động gượng gạo để giữ thể diện, khỏi phải thú nhận mình lạc hậu với thời thế mà thôi. Truyền thống phai nhạt dần lan đến cấp dưới: từ 1323 quân sĩ không xăm hình rồng nữa, khả năng đi biển yếu đi cho nên trong chuyến viễn chinh 1376, Duệ Tông đã phải cúng cung nhân Nguyễn Bích Châu cho thần Po Riyak của kẻ địch để cầu mong được thuận buồm xuôi gió! Tình hình bên ngoài bản thân ông vua cũng đổi khác. Mối đe doạ của quân Nguyên vẫn còn đó nhưng các chuyến giao tiếp sứ thần đã làm dịu sự căng thẳng, một phần vì ngay chính dòng máu lấn lướt của Mông Cổ cũng đã hạ xuống ở Bắc Kinh. Các tướng lãnh, nhân vật chủ chốt trong chiến tranh chống Nguyên lần lượt biến đi hay tàn tạ. Trần Quang Khải chết trước, khá sớm (1241-1294), đến Trần Quốc Tuấn (1300), Nhân Tông (1308), Trần Nhật Duật (1330), lúc sống không làm gì hơn là giữ nhà cho vua đánh giặc (1312). Trần Khánh Dư khá thọ (chết 1339) còn theo vua hành quân (1312) nhưng đã biết sợ trước các thế lực mới lên. Mối lo phương Bắc nhẹ đi thì chuyển qua sự chống đối phía tây với tập đoàn Thái tràn xuống, và trở lại sự lấn lướt ở phía nam “dễ đánh” (nhận định của Trần Khắc Chung) để Đoàn Nhữ Hài, đại diện lớp nho sĩ tuy còn ở địa vị gia thần nhưng nương theo sự phát triển đất nước lọt được vào triều chính, nhân đó dựa hơi vua lấn lướt công thần, hoàng tộc Trần, đe doạ Trần Khánh Dư ngay trên chiến địa.

Nguyên tắc truyền ngôi “thuần chủng Trần” cũng không được duy trì nữa vì Minh Tông (lên ngôi 1314) là cháu ngoại Trần Bình Trọng, nghĩa là chỉ mang dáng Trần ở bề ngoài chứ thực có phần là gốc Lê của Lê Hoàn! Nhìn ở khía cạnh này ta dễ hiểu nguyên cớ vụ Minh Tông giết Quốc Chẩn, cha vợ mình (1328). Tập họp triều chính đã đa tạp, truyền thống “thuần chủng” đã phai lạt thì việc Quốc Chẩn đòi chờ hoàng hậu, con mình, sinh con rồi mới lập thái tử không còn có thế đứng vững vàng nữa. Hình như đây lại còn có nguyên do là sự xung đột giữa hai gia đình Quốc Chẩn và Nhật Duật, khi sử nhắc chuyện nô tì của Nhật Duật không những chỉ bị ức hiếp ngoài sông mà nô của Quốc Chẩn còn xông cả vào nhà giữa của Nhật Duật để bắt người khiến bà tướng phải than trách chồng quá nhu nhược. Minh Tông lại là con nuôi của Nhật Duật, phe phía thật rõ ràng. Con (hay em) của Nhật Duật đã tố cáo Quốc Chẩn mưu phản, và khi sự việc vu cáo vỡ lở cũng phải đợi vài năm sau, có phải là sau khi Nhật Duật chết đi (1330)? Rồi gia nô của Quốc Chẩn trả thù thì chỉ nhắm vào gia nô, vào loại Trần “giả” như Khắc Chung chứ không thấy len tới nhà Đại Vương Tể tướng. Nhưng quan trọng hơn, là sự việc đã động đến ông vua biết mình vốn không phải “thuần chủng”. Cho nên khi thấy tố cáo cha vợ âm mưu làm phản thì giết ngay, không chịu nghe lời can của Phạm Tông Mại để ba mươi năm sau còn hối tiếc. Quốc Chẩn mang trên đùi dấu vết rồng xăm tình cờ hồi 30 năm trước, chắc không ngờ rằng đó là chứng cớ của một thời đã qua, chứng cớ chết người vì làm cản trở tiến hoá, chỉ còn đường phải huỷ diệt mà thôi. Và ngay trong truyền thống không xa xưa gì, truyền thống mới tạo lập thời tông tộc lên ngôi cửu ngũ, là ăn chay, tu Phật mà Minh Tông cũng tỏ dấu thờ ơ, ngăn cản không cho hoàng hậu đi tu khi mình chết đi.

Ý thức thuần chủng Trần dành cho ngôi vị tối cao lại một lần phai lạt đến mức xoá nhoà khi Dụ Tông mất (1369), Dương Nhật Lễ lên ngôi vì là con (ghẻ) của một ông hoàng thái tử Trần. Họ Dương được ghi trong sử có lẽ vì các biến chuyển về sau chứ tình hình có dáng giống như Minh Tông xưa, Nhật Lễ làm vua vẫn mang họ Trần, nghĩa là sự truyền ngôi khá thuận thảo. Tên “Vong Danh” mà Hồ Nguyên Trừng sử dụng [9] khi nói về ông vua rủi ro này chỉ là một dấu vết phủ nhận về sau. Bà Thái hậu đã ủng hộ, tông thất Trần chỉ chống đối khi thấy có cơ nguy đến tính mệnh họ vì ông vua mới muốn trở lại họ Dương. Nghệ Tông, người sẽ lật ông, chỉ bỏ chạy khi nghe lời cảnh cáo “người ta muốn hại ông...”, và khi thắng thế vẫn tỏ ra vị nể Dương, để tin tức ra vào thong thả khiến ông này có thể lừa gọi kẻ phản bội vào nhà để giết. Người “phản bội” đó, Trần Ngô Lang tỏ ra rất có uy tín lúc đương thời vì được Nhật Lễ giao quân quyền, và cũng từng xuất hiện khi sử nhắc chuyện ông khinh rẻ một thượng tướng (1335), có nhà cho Dụ Tông ghé trên đường rong chơi (1366), thế mà khi Nhật Lễ thất thế, gọi đến ông vẫn vào, quỳ xuống cho Nhật Lễ bóp cổ đến chết. Đến lúc đó Nghệ Tông mới chịu giết Nhật Lễ. Có cách nào giải thích khác về uy thế của Nhật Lễ trong triều Trần hay không?

Nhưng vấn đề đối với chúng ta ở đây là khi dấy quân chống với Nhật Lễ, Nghệ Tông phải lên miền Trung du, phối hợp với quân Thanh Hoá trước rồi mới về vùng Thiên Trường cỗi gốc. Miền Dưới không còn là trung tâm chủ lực của Trần nữa. Lúc này lối khai thác tính chất bồi lắng của hệ thống sông Hồng, Thái Bình đã khiến cho cả vùng căn bản của họ Trần nằm sâu trong đất liền, dẫn theo cơ nghiệp truyền thống của họ càng bám vào Thăng Long với tính cách trung tâm Đại Việt của nó. Trần Quốc Kiệt, rõ ràng gốc thân vương Trần, coi lộ Tân Hưng (vùng Thái Bình) đã đắp đê ngăn nước mặn lấn đất biển thành ruộng (chuyện năm 1404, nhắc về trước). Vương hầu Trần mở rộng trang điền của mình theo cách đó và đã thấy dấu hiệu tiêu cực của công trình đắp đê khiến nước không vào đồng, không cứu được hạn hán, gây đói khổ ảnh hưởng đến đám gia nô sống ở các nơi đó phải vùng lên nổi loạn (1343, 1354) với các nhân vật nổi bật: Ngô Bệ (1344-1360) và một người tên Tề xưng là cháu ngoại Hưng Đạo Vương, gợi lại một mối rối loạn cung đình cứ tưởng đã chìm khuất từ lâu. Trấn Đà Giang mà Nghệ Tông đến lánh nạn giữa những người “Man”, có lẽ là liên hệ đến thái ấp ban cho con gái Trần Thủ Độ trước kia, nhưng lực lượng chủ chốt để lật đổ Nhật Lễ có bà công chúa Ngọc Tha đầy nam tính cầm đầu lại là ở hương Đại Lại, Thanh Hoá, đất của họ Lê / Hồ từng cung cấp hai người con gái làm cung phi cho Minh Tông, ông vua Trần lạc giống. Bà công chúa Ngọc Tha đóng vai chủ chốt trong việc phục hồi cơ nghiệp cho họ Trần, sau được gọi tưng là “Hương thơm của đất nước” / Quốc Hinh, từng bảo Nghệ Tông: “Anh đi đi, em sẽ mang bọn gia nô dẹp nó cho!” thế mà lại chạy về Đại Lại! Sử quan ghi thoáng qua địa danh ấy nhưng ta biết rằng Nghệ Tông thành công là nhờ lực lượng nơi này, cũng là cỗi gốc của mẹ ông – một trong hai cung phi họ Lê của Minh Tông, nơi có người khởi nghiệp thay thế Trần: Lê / Hồ Quý Li. [10]

Mười 2006

© 2006 talawas



[1]Li Tana, “A View from the Sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese Coast”, Journal of Southeast Asian Studies 37 (1), Feb. 2006, 100-101. Tác giả viết tên làng theo lối phiên âm mới, không có chữ Hán kèm theo nên không chuyển sang chữ Hán Việt thông thường được. Nhân tiện xin cảm ơn anh Lê Quỳnh BBC đã gửi tặng tài liệu.
[2]P. Hattaway, Operation China, Piquant, California 2000, 169, 232.
[3]Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1978, 388, 389.
[4]Nguyễn Duy Hinh (Văn minh Đại Việt, Nxb. Văn hoá Thông tin & Viện Văn hoá Hà Nội 2005, 148) dẫn Đông A liệt thánh tiểu lục lưu giữ ở thôn Cổ Xá xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình và ở các nơi thờ Trần Quốc Tuấn. Tập nghiên cứu hơi dày (958 trang) so với thực tế cần thiết, giá rút lại còn độ một phần tư thì tránh được cho tác giả khỏi mang tiếng về bản quyền.
[5]Vũ Phương Đề, Công dư tiệp kí, Nxb. Văn học 2001, 209.
[6]x. 1.
[7]x. 2. Có lẽ tác giả ngụ ý nói tới “Việt tộc tam đảo” - còn gọi chính thức là Kinh tộc (the Jings) - có khoảng hơn 15.000 người, tụ cư sinh sống trong ba hòn đảo nhỏ là Vạn Vĩ (Wanwei), Ô Ðầu (Wutou) và Sơn Tâm (Shanxin), huyện Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. BT
[8]Thơ văn Lí Trần, II, tập thượng, Nxb. Khoa học xã hội, 1989, 801-802.
[9]Nhiều tác giả, Nam Ông mộng lục và những truyện khác, Nxb. Văn học 2001, 16.
[10]Các chứng dẫn khác đều lấy của Toàn thư, Đại Việt sử lược.