© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
25.2.2008
Trần Đình Hượu
Nho Pháp tịnh dụng và con đường bành trướng thiên triều
 1   2 
 
Bài viết sau đây của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu (1927-1995) được tác giả hoàn thành vào giữa năm 1979, sau thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung. Bản thảo do gia đình và học trò của Giáo sư Trần Đình Hượu cung cấp và lần đầu được công bố toàn văn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
talawas
Trần Đình Hượu
Trần Đình Hượu (1927-1995)
Ngày nay đã thành sự thật hiển nhiên, không có gì để nghi ngờ, không có gì phải bàn cãi cái việc những nhà cầm quyền Bắc Kinh là một bọn phản động, thực hiện chính sách đối nội phản nhân dân, đối ngoại xâm lược, chống chủ nghĩa xã hội. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phải đi theo một con đường đặc thù nào đó lên chủ nghĩa xã hội mà là đi theo vết xe cũ của các triều đại phong kiến. Ở đó mấy chục năm nay, với danh nghĩa Đảng và Chính phủ Nhân dân, họ tước đoạt mọi quyền dân chủ, cưỡng bức lao dịch, vơ vét nhân tài vật lực, dốc vào việc quân sự hóa, chuẩn bị chiến tranh. Có lực lượng quân sự mạnh không phải để giải phóng Đài Loan hay đề phòng đất nước bị xâm lược mà để có thế mạnh, áp đặt địa vị siêu cường cho thế giới, nếu cần có thể bằng cách gây chiến tranh xâm lược. Ở đó các phe phái không ngớt cấu xé nhau, giành vị trí lãnh đạo, giành nhau làm chủ việc thực hiện mục tiêu đó. Những từ “Cách mạng vô sản”, “Chủ nghĩa Mác-Lênin”, “Đảng Cộng sản” chỉ là những cái nhãn hào nhoáng che đậy thực chất phản động.

Thực tế đó là kết quả áp dụng tư tưởng Mao Trạch Đông, mà nhiều người khi đi tìm nguồn gốc - ngoài những điều kiện thực tế và lịch sử khác - đều chú ý đến ý thức hệ truyền thống, đến tư tưởng Nho gia và Pháp gia, được truyền bá hàng ngàn năm, tạo thành một thứ tâm lý có tính dân tộc.

Vấn đề tư tưởng Nho gia và Pháp gia đã thành một vấn đề khá nổi bật trong các cuộc thảo luận ở Trung Quốc, trực tiếp hay không trực tiếp nêu tên hai học phái cổ đại đó. Hoạt động học thuật đó tiến hành một cách hoàn toàn khác thường. Tinh thần "cổ vi kim dụng" không chỉ là gắn với thực tế, gắn với chính trị, không phải là kế thừa có phê phán truyền thống mà là lấy xưa bàn nay, là khoác cái áo lịch sử khoa học cho các ý đồ chính trị, cho các mục tiêu tuyên truyền. Nghiên cứu, thảo luận học thuật có khi chỉ là một cách nói bóng gió của các phe phái đang xâu xé nhau, hơn thế nữa chỉ là quả bóng thăm dò, là cái bẫy của các phe phái ấy. Chiến dịch “phê Lâm phê Khổng” trực tiếp đề cập tư tưởng Nho gia và Pháp gia là như vậy. Người ngoài cuộc khó lòng hình dung được sự gán ghép kỳ quặc giữa Lâm Bưu và Khổng Tử và càng ngạc nhiên khi người ta phê Khổng chỉ căn cứ vào vào một vài câu mà Lâm Bưu nhắc lại ở đâu đó. Trước cách thảo luận học thuật như vậy người càng am hiểu chuyên môn bao nhiêu, càng mù tịt bấy nhiêu. Thế nhưng chính cuộc tranh luận quanh tư tưởng Nho gia và Pháp gia đó lại làm cho ta hiểu gián tiếp con đường Trung Quốc.

Chúng tôi bàn tư tưởng Nho gia và Pháp gia về mặt quan hệ của nó với tư tưởng bành trướng thiên triều, có đề cập đến chiến dịch "phê Lâm phê Khổng", mà không phê Khổng, phê Pháp theo cách đặt vấn đề của chiến dịch đó. Chúng tôi cũng không thảo luận tư tưởng Nho gia và Pháp gia như là nguồn gốc tư tưởng Mao Trạch Đông, theo cách đặt vấn đề của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Chúng tôi hạn chế trong phạm vi quan hệ giữa hai học thuyết đó và con đường bành trướng Đại Hán. Tư tưởng Mao Trạch Đông không chỉ có bành trướng. Những người không theo Mao, trước hay sau Mao, cũng theo con đường bành trướng. Nhưng cả Mao và họ, tuy đều khó có thể gọi là Nho hay Pháp, đều có liên hệ với tư tưởng Nho gia và Pháp gia. Làm cơ sở cho tư tưởng Mao Trạch Đông là một thực tế. Đằng sau màn khói “phê Lâm phê Khổng” cũng là một thực tế. Thực tế đó là nước Trung Hoa ngày nay. Thế thì tại sao các phe phái theo Mao hay chống Mao lại phải giương hai ngọn cờ cũ kỹ là hai học phái thời cổ đại lên để đấu đá nhau gay gắt đến thế?

Chúng tôi muốn bàn mấy điểm chính:
Vấn đề thuộc phạm vi lịch sử tư tưởng, nhưng chúng tôi không muốn coi đó chỉ là vấn đề lịch sử, thuộc quá khứ. Được chỉ đạo theo nguyên tắc "cổ vi kim dụng" mà vấn đề đặt ra quan trọng đến thế, thảo luận gay gắt đến thế, tức là trong thực tế có vấn đề tương tự. Cuối thế kỷ XX mà có vấn đề tương tự với thời kỳ Chiến Quốc trước công nguyên, thì đó là vấn đề của cả lịch sử Trung Quốc. Và vì vậy, biết đâu nó cũng còn là vấn đề của tương lai - xa hay gần - của Trung Quốc.

Vài năm nay, sau khi đánh đổ “bè lũ bốn tên” , người ta đã “tiến hành chiến dịch” “chiêu tuyết”, “bình phản”, gác các chuyện “kỳ quặc” lại, gác các chuyện “phê Lâm phê Khổng” lại. Thế nhưng nếu đó là vấn đề của thực tế hiện tại hay hơn nữa của cả lịch sử Trung Quốc thì nêu ra hay gác lại vấn đề vẫn cứ còn tồn tại.

Với một nước Trung Hoa đang ra sức “bốn hiện đại hóa” và giả định là thành công, thì quan tâm về quan hệ của nó với hai học thuyết Nho gia và Pháp gia liệu có là vô lý? Liệu có thành chuyện gán ghép kiểu “phê Lâm phê Khổng”?


I. Nho gia và Pháp gia với chế độ chuyên chế của Hoàng đế - Thiên tử

Pháp gia ra đời chậm hơn Nho gia. Học thuyết của họ đối lập với học thuyết Nho gia. Tư tưởng Nho gia lúc bấy giờ mới được Khổng Tử hệ thống hoá lại, nhưng lại là hệ tư tưởng truyền thống chi phối xã hội Trung Quốc từ thời Ân Chu, tức là hàng chục thế kỷ trước đó. Vào lúc ra đời, tư tưởng Pháp gia là một trong ba dạng tư tưởng phủ định đối với tư tưởng truyền thống.

Trong lịch sử Trung Quốc, giữa Pháp gia và Nho gia có mối thù truyền kiếp. Không những về mặt lý luận hai bên mâu thuẫn gay gắt, mà trong hành động thực tế, Pháp gia là kẻ chủ mưu "đốt sách chôn Nho". Ngay từ khi tư tưởng Pháp gia ra đời, chưa thành hệ thống, Nho gia đã lên án kịch liệt; và đời sau, khi Pháp gia về mặt học thuật đã thất thế, suốt trong hai mươi thế kỷ, các nhà Nho vẫn không ngớt chửi rủa họ. Vào thời Chiến Quốc, Nho và Pháp ở thế bất tương dung. Kết thúc sự xung đột không phải một bên nào đó bị tiêu diệt, không phải dung hoà, xích lại gần nhau mà được sắp xếp thành "hai hàng văn võ" để thành học thuyết ngự dụng.

Nho giáo là hệ tư tưởng suốt trong lịch sử Trung Quốc - trừ đời Tần - vẫn làm chủ địa hạt chính trị, và tất nhiên do đó, ảnh hưởng đến nhiều mặt khác. Nho gia tuy cũng có mâu thuẫn với các học phái khác như Mặc gia, Đạo gia và Phật giáo. Nhưng chỉ với Pháp gia mới có một quan hệ đặc biệt: vừa là thù vừa là kẻ cộng tác không rời nhau để bảo vệ ngai vàng của hoàng đế.

Pháp gia ra đời trong cơ sở cục diện tranh bá tranh hùng thời Xuân Thu - Chiến Quốc, đã đưa nước Tần đến chế độ chuyên chế với ngôi hoàng đế. Chế độ mới cần lựa chọn một học thuyết làm hệ tư tưởng chính thống. Tranh chấp gay gắt giữa các học phái, nhất là giữa Nho và Pháp, phản ánh xu hướng của các lực lượng xã hội khác nhau trước thực tế mới và trước sự lựa chọn đó. Cùng với ngôi hoàng đế Tần - Hán ta thấy xuất hiện hai nét nổi bật của chính quyền: chuyên chế tuyệt đối và bành trướng. Nhà Tần dựa vào Pháp gia mà được thiên hạ nên độc tôn Pháp gia, tiêu diệt các học phái khác, trước hết là Nho gia. Nhà Hán sau một thời gian rút kinh nghiệm của nhà Tần lựa chọn "Nho pháp tịnh dụng" [1] dùng cả Nho cả Pháp. Trật tự do nhà Hán lập lại thực tế là duy trì chế độ nhà Tần, có bỏ bớt những điểm quá khích, về đại thể tồn tại lâu dài suốt cả lịch sử của chế độ phong kiến Trung Quốc. Nho Pháp tịnh dụng thích hợp hơn độc tôn Pháp gia vì nó đáp ứng tốt hơn yêu cầu chuyên chế và bành trướng, vì quyền lợi hoàng đế.

Hoàng đế Tần - Hán là tên độc tài tuyệt đối, tập trung trong tay mọi quyền hành chính trị, quân sự, kinh tế, tôn giáo. Nhân danh là thiên tử (con Trời), người có đức nhất, được Trời lựa chọn, giao cho ngôi báu để trị vì thiên hạ, quản lý toàn bộ ruộng đồng, núi rừng, sông biển và chăn dắt muôn dân, những người do Trời sinh ra. Đó là cơ sở của quy vương hữu và chế độ thần dân hoá toàn thể. Thiên tử độc quyền tế Trời Đất, thần núi sông và cai quản cả bách thần. Hoàng đế là người cầm đầu độc đoán về chính trị, là người duy nhất giữ quyền chỉ huy quân đội, không có ấn kiếm phù tiết của vua ban thì không điều động được quân đội. Hoàng đế là con người nắm độc quyền về chân lý, người trọng tài phân xử mọi vấn đề, kể cả các vấn đề học thuật. Đối với nhân dân, hoàng đế vừa là chúa, vừa là cha, vừa là thầy, làm chủ cả phần xác, cả phần hồn, cả phần đời, cả phần đạo, cả thân thể, cả sản phẩm lao động. Để đảm bảo sự tập trung tuyệt đối, tham lam vô độ như vậy phải tổ chức lại xã hội và chính quyền. Lãnh thổ được địa vực hoá sớm: chế độ "quận, huyện" thay thế chế độ "quốc, gia" của quý tộc phân phong. "Quận, huyện" tức là nhóm họp các công xã thị tộc lại thành đơn vị hành chánh thống nhất của trung ương. Trên đất nước bao la, địa vực hoá quá sớm so với giao lưu kinh tế, hoàng đế phải dựa vào một bộ máy quan lại đông và một đội quân thường trực mạnh để duy trì uy quyền thống nhất. Muốn thế phải tạo ra một cơ chế xã hội, một bộ máy chính quyền được phân cấp quản lý, nhất là được quy định rõ ràng về chức phận, về các mối quan hệ, đảm bảo ưu tiên cho quyền hành không chia sẻ của hoàng đế. Sự phân chia thứ nhất là vua, tôi. Phải coi là bề tôi của hoàng đế không chỉ là dân chúng mà cả cha, mẹ, vợ con, anh em, những người cộng sự thân cận nhất. Trong đám thần dân đó mới lại chia ra kẻ thống trị và kẻ bị trị. Thống trị là những tầng lớp giàu sang: quý tộc, quan lại. Bị trị là những dân đen, áo vải, tức là bốn hạng dân: sĩ, nông, công, thương. Do thực tế nên kinh tế và xã hội lạc hậu mà cũng là do nhu cầu quản lý của nhà nước chuyên chế, nông dân bị buộc chặt với làng họ, cày ruộng công, nạp thuế, đi lính, đi phu cho nhà vua. Nông dân chiếm tuyệt đại bộ phận dân số và là nguồn sống của chế độ. Thủ công phần thì bị nhà nước quản chế phục vụ cho nhu cầu cung đình và quân đội, phần thì phân tán, phát triển theo nhu cầu của đám nông dân, đông nhưng nghèo khổ, thiếu sức tiêu thụ. Thương nghiệp cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, vừa bị khinh rẻ vừa bị ức chế, cướp bóc. Chợ búa tuy phát triển rất nhiều; các đô thị cũng có khi phát triển thành sầm uất, đông dân, buôn bán thịnh vượng, nhưng về tổ chức không hình thành được các bourg phát triển tự do như ở phương Tây. Cả nước là nông thôn sống thành làng họ.

Công cụ thống trị là bộ máy quan lại và đội quân thường trực. Bộ máy quan lại có hai ban văn võ. Các quan văn võ có khi là ở triều, có khi là ở quận - tức là chia ra trung ương và địa phương - nhưng đều do hoàng đế tuyển lựa, bổ nhiệm, do đó có thể coi là nhất thể từ triều đình đến quận huyện. Ông quan là một nhân vật đặc biệt của chế độ chuyên chế của hoàng đế.

Quan là người được giao cho nhiệm vụ thay mặt vua cai trị với tư cách là làm cha, mẹ dân. Quan được lựa chọn không theo dòng máu và tài sản mà theo "đức" và "tài" (hiền, năng), theo chức mà làm việc và ăn lộc. Chức quyền không thế tập. Quan có khác với quý tộc. Quý tộc là hoàng thân, quốc thích - họ nội, họ ngoại nhà vua - và công thần. Họ được ban tước và cấp lộc điền, có thể truyền lại cho con cháu. Quan có công to cũng được ban tước, cho lộc điền mà quý tộc theo tài đức cũng được chọn làm quan. Đối với nhân dân họ là hạng giàu sang, là người quyền quý, không có gì phân biệt. Nhưng trong con mắt hoàng đế, sự phân biệt giữa quan và quý tộc - nhất là dựa vào quan hay dựa vào quý tộc - lại rất quan trọng. Muốn giữ vững ngai vàng hoàng đế phải ưu đãi quý tộc nhưng lại giao quyền và dựa vào quan.

Quan cũng khác thổ hào. Trên một lãnh thổ quá lớn, nhà vua phải chấp nhận sự tồn tại của các làng xã tự trị, vì trung ương không thể với tay tới được. Chính quyền do nhà vua lựa chọn, bổ nhiệm chỉ đến cấp huyện. Làng xã có thành hoàng - thần của làng - được nhà vua công nhận mà cũng có những bậc đàn anh mà chính quyền cấp trên phải thừa nhận. Họ hoặc là tộc trưởng, hoặc là thân sỹ, hoặc là dựa vào ruộng đất hoặc là dựa vào uy thế khác mà trở thành người "kẻ cả", "đàn anh" cầm đầu, chi phối nhân dân địa phương. Có khi họ cũng là người làm việc chính quyền cấp xã. Thổ hào không đồng nhất với chính quyền của vua quan. Nhân dân phải phục tùng họ mà quan trên phải nể họ.

Quan cũng khác lại. Lại là một loại công chức - đúng hơn là tay sai - giúp việc, thường là do quan chọn ở địa phương. Bọn này am hiểu thực tế địa phương, thông thạo việc giấy tờ, luật lệ, và quan trọng hơn là vì thạo việc nên cũng làm thủ đoạn gây chuyện kiếm chác, bòn rút nhân dân. Nhân dân sợ lại hơn cả quan. Quan và lại là hai mặt âm dương của bộ máy chính quyền ở địa phương. Thành phần chính thức của nhà nước là vua quan nhưng thống trị thực tế xã hội thì còn cả quý tộc, thổ hào và lại.

Để giữ ngai vàng, nhà vua cần đến những võ quan đánh dẹp, giữ gìn an ninh, nhưng nhà vua lại cần hơn những người quan văn để phủ dụ nhân dân, vừa răn đe vừa khuyên bảo, "truyền bá đức hoá" của triều đình để đốc thúc nhân dân nộp thuế, đi phu, đi lính. Quan văn đông đảo, làm những việc thiết yếu, thường xuyên của nhà nước lại đáng tin cậy hơn quan võ. Cho nên việc bồi dưỡng, đào tạo, lựa chọn lớp quan văn thành vấn đề then chốt của công việc trị nước. Điều đó làm hình thành đẳng cấp sĩ trong đám thần dân.

Sĩ là những người học trò, theo nghề nghiên bút lo học, thi đỗ và làm quan. Sĩ có thể thành quan, có thể thành thân sĩ, và nếu không đỗ đạt thì họ cũng là thầy của nông dân. Vì họ có văn hoá nên người dân ít học, từ lúc sinh đến lúc chết đều nhờ cậy đến họ. Mới đẻ ra là nhờ họ đặt tên, lấy số, lớn lên nhờ họ dạy dỗ học hành, ốm đau nhờ họ bốc thuốc chữa bệnh, lúc chết nhờ họ tìm đất chôn cất. Những công việc như vậy ở nông thôn phương Tây là công việc của giáo sĩ. Tầng lớp sĩ vừa là đội hậu bị của bộ máy quan lại vừa làm chức năng người giáo sĩ ở nông thôn. Trong xã hội như vậy, buôn bán vẫn là nghề "nhất bản vạn lãi", người thợ thủ công vẫn kiếm ăn dễ dàng hơn người nông dân. Thế nhưng dư luận xã hội, phản ánh chính sách xã hội của hoàng đế vẫn là "nhất sĩ nhì nông". Trong xã hội chuyên chế phương Đông không có các lãnh chúa, không có đẳng cấp hiệp sĩ, không có đẳng cấp tu sĩ như trong xã hội phong kiến phương Tây. Đẳng cấp nho sĩ là chỗ dựa xã hội cho chính quyền của hoàng đế.

Về hình thức thì đất nước của hoàng đế là một quốc gia thống nhất cao độ. Chế độ quận huyện với bộ máy quan lại cho phép hoàng đế trùm uy quyền lên cả đất nước và thần dân. Thế nhưng sự tập trung bằng cưỡng bức, vượt quá khả năng của cơ sở kinh tế lại chứa đựng nhiều thế lực phân tán. Muốn duy trì sự thống nhất, hoàng đế phải sử dụng một số chính sách có tính chất thủ đoạn giải quyết quan hệ giữa các lực lượng. Có thể nói tóm tắt là dựa vào quan lại và tầng lớp sĩ, hạn chế quý tộc và nhân nhượng với làng xã.

Đối với hoàng đế, hoàng thân, quốc thích - bà con nội, ngoại - và công thần tức là quý tộc, cố nhiên phải coi là thân cận nhất. Thế nhưng đó cũng là những người đáng nghi ngại nhất. Ở Trung Quốc có những lý do lịch sử làm cho họ hàng có vai trò rất quan trọng. Không ở đâu như ở đây quan hệ họ hàng nội ngoại với đủ tình nghĩa và trách nhiệm được quy định rành mạch, có thứ bậc cụ thể đến thế. Từ đời xa xưa, người ta đã giải thích ngôi vua là do mệnh trời giao cho người có đức, nhưng có đức trước hết lại là người có hiếu, biết yêu quý giòng họ. Thiên tử có trách nhiệm làm cho người thân được tôn quý và giàu sang. Mệnh trời chỉ là cái chiêu bài, còn bản thân hoàng đế thì biết rõ là nhờ "ngồi trên lưng ngựa", hay nói theo cách ngày nay là "từ đầu mũi súng" mà có. Công lao cầm gươm, mang cung đâu chỉ là của một mình hoàng đế hay con em hoàng đế. Đó là một sự cướp giật. Hoàng đế ở vào vị thế phải thấy quý tộc coi mình là kẻ cướp công lao, và quý tộc là lực lượng có khả năng nhất để cướp giật lại. Từ đời Chu, Chu Công Đán đã bị nghi oan là có âm mưu cướp ngôi cháu. Hàn Phi, ông tổ của Pháp gia đã phân tích cái thế của "trọng nhân", đã phát hiện ra sự tính toán của hoàng hậu thích sống với một hoàng đế là con hơn là một hoàng đế là chồng. Làm hoàng hậu ở vào cảnh nhan sắc đã phai nhạt mà phải cạnh tranh với các phi tần trẻ và đẹp hơn thì sao yên vui bằng làm hoàng thái hậu có uy quyền chắc chắn, thiếu gì cách bù đắp những chỗ thiếu thốn. Cho nên cũng từ đời Tần, hoàng đế đã nghe theo Pháp gia cảnh giác với quý tộc, không dùng người trong họ làm tể tướng, ít có tể tướng được để về hưu, sống trọn đời. Những công thần của Hán cao tổ trước sau đều bị giết, các thân vương lúc đầu được phong giữ nước riêng nhưng đến đời Hán Võ đế - tức là lúc chế độ chuyên chế được hoàn thiện - thì đều bị tiêu diệt hết. Quý tộc các triều đại sau tuy cũng được phong tước vương, tước công của nước này, nước nọ nhưng đó chỉ là về danh nghĩa. Thực tế họ không có lãnh địa, không có quân đội và không giữ quyền tư pháp. Ngay cả lộc điền cũng cấp phân tán ở nhiều nơi, tước lộc hết đời là phải khai báo để xét phong lại cho con cháu, và phong có rút bớt. Có thể nói đối với quý tộc, hoàng đế cho hưởng vinh hoa nhưng tìm mọi cách giám sát, hạn chế thực quyền không cho phép phát triển thành thế lực lớn. Gặp những lúc loạn lạc, nhà vua không thể không giao quyền cho các võ tướng, phải cho họ quyền hành rộng rãi và ban thưởng tước lộc hậu hĩnh. Những thứ sử đời Hán, Tiết độ sứ đời Đường thực chất là các lãnh chúa địa phương, nhiều khi cha truyền con nối nhưng về danh nghĩa vẫn phải coi là quan của triều đình.

Hoàng đế có thể hạn chế được các thế lực đủ sức nhòm ngó ngai vàng nhưng cũng không có thể tập trung mọi quyền hành trong cả nước. Đối với số làng xã quá lớn và quá phân tán, với số nhân dân sống theo làng họ, nhà vua không thể trực tiếp nắm chắc để vắt kiệt như các lãnh chúa đối với lãnh địa nhỏ. Hoàng đế phải chịu bóc lột vừa phải, cố gắng duy trì cảnh an cư lạc nghiệp, không để dân đến nỗi xiêu tán. Ruộng đất về danh nghĩa là của vua, nhưng nhà vua phải chịu duy trì chế độ công điền thuộc làng xã, để cho làng xã quân cấp, tự chia nhau cày cấy, để người dân cày ruộng làm nhiệm vụ nộp thuế, đi phu, đi lính, đóng góp cho nhà nước thay cho địa tô. Lệ làng - có khi trái phép vua - được chấp nhận và vai trò của các bô lão, các bậc đàn anh trong làng - thổ hào - cũng được mặc nhiên thừa nhận. Muốn cho nông dân an cư tức là không bỏ làng đi nơi khác kiếm ăn thì cột chặt họ vào ruộng công, vào hộ tịch chính quán, không cho họ trốn nhiệm vụ đóng góp. Thổ hào cùng với lý hương chịu trách nhiệm với nhà nước về tình trạng "an cư lạc nghiêp" như vậy của địa phương. Chính sách của hoàng đế đối với làng xã nói chung có thể nói là nhân nhượng, cố giữ tiếng khoan huệ, nhân hậu, vừa phải hạn chế nhưng cũng lại phải tranh thủ đám thổ hào. Thổ hào ít có khả năng trành giành ngôi vua nhưng lại rất dễ chiếm đoạt ruộng công và giành giật, lôi kéo sức lao động của thần dân, tức là trực tiếp xâm phạm lợi ích của vua. Cấm chấp chiếm ruộng công, hạn điền, hạn nô chính là nhắm vào họ.

Chỗ dựa đáng tin cậy của nhà vua chỉ có quan lại và kẻ sĩ.

Với chế độ ruộng đất và các lực lượng xã hội như vậy, không ai quan tâm, không ai có khả năng cải tiến nền sản xuất, dầu là bằng tổ chức lao động hay bằng kỹ thuật. Vua quan không quản lý được; quý tộc không lãnh ấp riêng; nông dân với chế độ công điền quân cấp, không thể đầu tư tái sản xuất. Công điền cũng lại là cái biên giới tự nhiên ngăn cản địa chủ mở rộng ruộng đất tư hữu ở quy mô to lớn đáng kể.

Sản xuất nông nghiệp bị hãm trong tình trạng tự nhiên, thủ công nghiệp trong mức cung ứng nhu cầu thấp của dân dăm ba làng xã lân cận, thương nghiệp trong mức chợ búa, không tạo thành nền kinh tế hàng hoá phát triển, không làm xuất hiện thành thị công thương nghiệp đủ phát triển để thành tư bản chủ nghĩa. Nền kinh tế như thế không đưa người dân ra khỏi cái nghèo truyền kiếp. Người dân nay có gặp lúc thái bình, làm ăn no đủ thì cũng lại yên vui trong cảnh trời đất nhỏ hẹp cua mình, họ vun vén để giữ yên nó chứ không ước được cái gì cao xa hơn.

Chế độ chuyên chế tạo ra tình hình đó và tình hình đó là miếng đất thuận lợi nhất cho chế độ chuyên chế tồn tại.

Chế độ chuyên chế tồn tại dựa vào quyền vương hữu. Đó cũng là một hình thức sở hữu. Thế nhưng quyền sở hữu tất cả của chỉ một người như vậy chỉ có thể có hiệu lực với danh nghĩa nhà nước và duy trì trong thực tế bằng uy quyền chính trị và bằng lừa gạt có tính tôn giáo. Với danh nghĩa thiên tử, hoàng đế độc quyền thu và phân phối tô thuế cả nước. Ngoài phần chi tiêu có tính chất công ích và chi dùng riêng cho nhà vua, tô thuế thành bổng lộc để nhà vua chia cho quý tộc và quan lại theo tước vị. Thế là cả xã hội có thu nhập định lượng. Nhân dân ít có khả năng mở rộng nguồn thu nhập. Quan lại, quý tộc hưởng bổng lộc định ngạch. Mỗi người đều có vị và và có phận. Nhà nho mong ước qua cách phân phối đó mà tạo ra cái "quân" cái "bình", tức là sự thăng bằng hợp lý trong xã hội. Mạnh tử nói: “Vua có một vạn thì (khanh đại phu) có một ngàn; khanh đại phu có một ngàn thì sĩ có một trăm. Như thế không phải là không nhiều". Trong xã hội chia ra nhiều bậc kẻ dưới có 1/10 của người trên trực tiếp là quân bình. Quân bình trong quan niệm của Khổng Tử “Không lo ít mà lo không quân bình” là như vậy. Tất nhiên, tất cả các thế lực khác nhau đều muốn giành được nhiều hơn mức quân bình ấy. Thế nhưng không ai dám chống lại vì không ai có đủ lực lượng để phá vỡ nó. Cái "quân bình” có lợi cho chế độ chuyên chế như vậy có một điều nghịch lý: người dân là kẻ bị hoàng đế áp bức bóc lột nhưng lại là đồng minh của hoàng đế. Nhà vua dùng công điền cột chặt người dân trong làng xã để họ làm nghĩa vụ thần tử nhưng người dân lại cảm ơn vua cho họ ruộng đất. Nhà vua giữ gìn ruộng đất và thần dân để bảo vệ nguồn thu nhập tô thuế, không để lọt vào tay quý tộc, thổ hào thì người dân lại coi đó là bênh vực họ chống lại những người bóc lột trực tiếp - những người vì muốn mở rộng quyền lợi thế lực ngoài phận nên bóc lột không định ngạch và nặng. Nông dân thích một ông vua chuyên chế như vậy hơn là các lãnh chúa cát cứ. Chế độ chuyên chế của hoàng đế Trung Quốc nhìn bề ngoài rất tập trung nhưng thực chất là rất phân tán, phân tán hơn cả chế độ lãnh chúa. Đó là một xã hội chia ra đẳng cấp theo danh vị và sống bằng danh vị. Sở hữu kinh tế tuỳ thuộc vào danh vị, không có ý nghĩa quyết định bằng chức vị, danh phận chính trị, xã hội.

Nhìn Trung Quốc không thể chỉ nhìn đó là một quốc gia mênh mông, tổ chức thành châu quận, có triều đình và bộ máy quan lại tổ chức chu đáo đến tận các địa phương mà phải nhìn cả các làng xã bao gồm các họ. Không chỉ có một nhân vật kỳ lạ thiên tử tập trung hết mọi quyền hành trong tay, mà còn có cả những quan văn, số đông thì chỉ biết làm văn chương, cầm hạc, tiêu dao nhưng có những tể tướng bụng chứa nhiều mưu kế quỷ quyệt; có cả những quan võ trở thành quân phiệt xưng hùng xưng bá từng vùng. Và ở làng xã có những hào cường, liệt thân, những tên lại làm thầy cò xui nguyên dục bị. Tất cả những cái đó mới làm nên bộ mặt của xã hội chuyên chế vì là sản phẩm tất yếu của chế độ chuyên chế. Tư tưởng Nho gia và Pháp gia ra đời trên cơ sở chế độ chuyên chế đó và bảo vệ tích cực chế độc chuyên chế đó. Không phải tất cả những cái vừa nói đã có đủ khi Nho gia và Pháp gia ra đời. Nói cho đúng lúc đó ngay cả chế độ chuyên chế cũng chưa có, người tiêu biểu cho chế độ đó là hoàng đế cũng chưa ra đời. Thời Xuân thu - Chiến Quốc, lúc chế độ "quốc, gia" nhà Chu tan rã, lúc xuất hiện Ngũ bá, Thất hùng, điều đó mới chỉ là khả năng. Chính Pháp gia đã xây dựng nên chế độ chuyên chế của hoàng đế. Và lại chính là Nho gia, kẻ thù của nó đã hoàn thiện chế độ đó. Các hoàng đế nhà Hán, nhất là Hán Võ đế, đã tìm ra cách sắp xếp các lực lượng và tổ chức phân phối tạo ra thế bền vững, lâu dài, không những vì tranh thủ được dân đứng về phía hoàng đế chống lại mọi thế lực cát cứ mà quan trọng hơn là ngăn chặn không để phát sinh lực lượng đối lập đáng kể (lực lượng thành thị) để thủ tiêu chế độ đó.

Trung Quốc từ đời Ân, Chu đã hình thành cục diện thống nhất. Từ bộ lạc đến liên minh bộ lạc, đến thành lập quốc gia nô lệ, nước Trung Quốc xưa đã dùng quan hệ họ hàng để cố kết các "quốc", "gia" trong vương triều do Đế hay Thiên tử - cũng là tộc trưởng - Đại tôn - đứng đầu. Đến thời Xuân Thu - Chiến Quốc cục diện thống nhất như vậy bị phá vỡ, phá vỡ vì sự sắp xếp theo lễ tôn tộc và phân phong không còn được các "quốc" "gia" tôn trọng; chiến tranh “kiêm tính” [2] nổ ra. Qua năm thế kỷ chiến tranh liên miên, cục diện thống nhất lại lập lại vào thời Tần, Hán, nhưng là với một vị hoàng đế đứng đầu. Hoàng đế Tần Hán thay cho vương chế Ân, Chu.

Nho gia và Pháp gia đều bảo vệ truyền thống thống nhất. Nhưng Nho gia muốn khôi phục vương chế. Vương theo Nho gia, là một ông vua chung của cả thiên hạ, cai trị theo mệnh trời, dựa vào họ hàng, cố cựu, cai trị theo Lễ và bằng Đức. Thiên tử phong tước cho con cháu và người hiền năng tạo ra trật tự theo phân phong (thiên tử và các bậc chư hầu) thân sơ (quan hệ họ hàng) và đẳng cấp (quân tử, tiểu nhân tức là tầng lớp thống trị và dân lao động). Căn cứ vào sự sắp xếp như vậy mà mọi người có vị có phận; trong xã hội có trật tự, có sự quân bình và hoà mục. Mọi người tôn trọng ngôi vua chính thống, tôn trọng trật tự của phận vị, yên phận theo mệnh, thờ vua theo nghĩa, theo lễ với tình cảm hiếu kính như con đối với cha mẹ. Nho gia chống hành động tranh giành, “tiếm việt”, tức là tìm cách kiếm giàu sang quá mệnh, vị. Điều đó chủ yếu là nhằm ngăn ngừa các vua chư hầu, các khanh, đại phu, tức là lớp quý tộc có phong ấp lúc đó. Nho gia cũng nhấn mạnh vua phải thương dân, dùng kẻ hiền tài, tôn trọng kẻ sĩ tức là đòi hỏi nhân nhượng với lực lượng làng xã, trước hết là từng lớp sĩ quân tử, đội hậu bị của tầng lớp quan lại.

Pháp gia ra đời trong giai đoạn thế lực lớp khanh đại phu chư hầu đời Chiến Quốc đã mạnh, muốn giành nhau làm chủ cả thiên hạ. Ngôi vua ra đời sau cuộc chiến tranh thất hùng là hoàng đế. Danh hiệu hoàng đế tuy mới chính thức dùng từ Tần Thuỷ Hoàng nhưng quan niệm một ông vua kiểu hoàng đế thì đã có từ khi Thương Ưởng giúp Hiếu công triệt hạ thế lực quý tộc và vai trò của gia trưởng ở làng xã, hay chậm hơn một ít nữa là từ khi nước Tần thi hành chế độ quận huyện. Thương Ưởng chủ trương dùng lực lượng kinh tế và quân sự (phú, quốc, cường, binh) và giành lấy thiên hạ. Muốn làm cho nước Tần giàu mạnh, vua Tần tập trung được mọi lực lượng vào chiến tranh, Thương Ưởng triệt hạ uy thế của quý tộc, tách người dân ra khỏi sự kiềm chế của tộc trưởng, kha lão [3] ở làng xã làm cho mỗi người với vợ con ở thành hộ (cưỡng bức, tảo hôn và ra ở riêng) theo vua cày ruộng và đánh giặc (canh chiến) mà lập công. Có công thì có tước, có vị, có lộc. Vua nắm lấy mọi quyền hành, không chia cho họ hàng và người thân cận: vua dựa vào “vị”, giữ lấy "thế", nắm lấy "quyền" sinh sát, "thưởng phạt", quy định ý chí của mình thành "pháp độ" dùng "thuật" mà bắt mọi người ra sức thi hành, dùng bạo lực mà mở rộng quyền thế. Với dân vua không phải là cha mẹ mà là chúa, không đối xử bằng tình nghĩa, ân huệ mà bằng thưởng phạt cưỡng bức. Chỗ dựa của hoàng đế là quan lại là quân đội chứ không phải họ hàng người cố cựu. Có thể nói đó là hai quan niệm đối lập về ông vua. Tuy vậy nên chú ý là cả hai đều chủ trương chỉ một thiên tử toàn quyền trị thiên hạ. Một bên chủ trương “việc lễ nhạc, đánh dẹp do thiên tử quyết định” và “dân thường không được bàn bạc” (Nho) và một bên "giữ lấy thế" “không đưa quyền bính cho ai” (Pháp). Một bên coi dân là trẻ thơ (xích tử) không đủ nhân cách (Nho) và một bên coi dân là trâu ngựa không có nhân cách (Pháp). Cả hai đều đòi hỏi người dân trung thành, phục tùng, tôn trọng sự chuyên chế của thiên tử, dầu đó là ông chúa quyền thế hay ông cha được Trời uỷ nhiệm. Chỗ khác nhau chỉ là ở việc thực hiện quyền hành tổ chức sắp xếp các lực lượng, cách giải quyết quan hệ giữa các lực lượng. Đối tượng được lưu ý là họ hàng, người cố cựu tức quý tộc và làng xã bao gồm cả dân và những người đàn anh. Một bên nô dịch triệt để, không thừa nhận một sự chia sẽ quyền lực nào và một bên là hạn chế và nhân nhượng (định phận).

Chỉ dựa vào quan lại và quân đội, không có một lực lượng xã hội làm chỗ dựa, trong điều kiện nền kinh tế chỉ là nông nghiệp phân tán, Hoàng đế nhà Tần giành được thiên hạ nhưng không thể duy trì được sự thống trị tham tàn trên thiên hạ quá rộng lớn. Quý tộc và làng xã có dịp là chống lại. Trong cuộc chiến tranh Hán Sở đánh Tần rồi giành nhau thiên hạ,Trương Lương đã hiểu ra điều đó. Theo kế hoạch của Trương Lương, Lưu Bang phong đất rộng rãi cho quý tộc chống Tần, đặt ba điều ước đơn giản thay cho các luật pháp phiền hà, khôi phục vị trí của “tam lão” [4] ở làng xã và dùng cỗ thái lao [5] tế Khổng Tử. Chính sách tranh thủ đám quý tộc lục quốc, nhân nhượng với làng xã, tôn trọng tầng lớp sĩ như vậy đã làm cho Lưu Bang, tuy thế lực yếu hơn Hạng Võ mà lại thắng Hạng Võ.

Chế độ chuyên chế của hoàng đế nhà Tần cực kỳ tàn bạo nhưng về mặt tiến hoá của lịch sử, so với Vương chế Ân, Chu lại là một sự tiến bộ. Nó phá vỡ cơ sở công xã thị tộc để hoàn thành việc xây dựng quốc gia nô lệ làm hình thành đế chế. Nếu tiếp tục phát triển thì khi đế chế tan rã, sẽ hình thành chế độ phong kiến lãnh chúa, theo đúng con đường chính thường của lịch sử loài người. Nhà Hán đã chống Tần với lý do nhà Tần tham lam tàn bạo. Nhưng khi đã giành được thiên hạ, nó không từ bỏ những tham vọng của hoàng đế nhà Tần. Tiêu Hà, tướng quốc của Lưu Bang vẫn căn cứ vào luật pháp của nhà Tần để trị nước. Các quý tộc, công thần lúc đầu đều được phong tước, ruộng đất nhưng sau một thời gian ngắn, lần lượt bị diệt, chế độ châu quận lại được khôi phục. Chỗ khác nhau chỉ là chính sách nhân nhượng với làng xã và phát triển tầng lớp sĩ làm lực lượng xã hội bảo vệ ngôi hoàng đế. Làm như thế nhà Hán đã duy trì tàn tích công xã, tạo ra thế giằng co có tác dụng kìm hãm sự phân hoá, phân giải nên đế chế nhà Hán trở thành trường thọ. Đế chế kiểu nhà Hán là chỗ dừng lại của ba xu thế khác nhau:
Đó là mảnh đất hoãn xung cho các thế lực yếu, không thanh toán được lực lượng để phát triển. Các thế lực phân tán yếu nhưng hoàng đế cũng bất lực.

Chủ trương Nho - Pháp tịnh dụng phản ảnh thực tế đó. Hán Võ đế đã biết lợi dụng cái thế đó và sử dụng cả Nho cả Pháp phục vụ cho quyền lợi của hoàng đế. Ngoài là nói "độc tôn Nho thuật" lên án Pháp gia, nhưng bên trong lặng lẽ dùng luật pháp theo tinh thần Pháp gia để trị nước. Theo Nho, đề cao nhân nghĩa, chống tham bạo cũng không phải là chọn cách cai trị nhân đạo hơn mà thực tế là vì yếu nên phải nhân nhượng và hơn thế, che dấu sự tàn bạo bằng lời nhân nghĩa giả dối.

(Còn 1 kì)

© 2008 talawas



[1]Trong bản gốc, tác giả đánh máy là “tĩnh dụng”. Thực ra từ này đọc là “tịnh dụng” hoặc “tính dụng” nghĩa là “kiêm dùng” hoặc “cùng dùng”. Theo chúng tôi, từ này tác giả phát âm theo lối xứ Nghệ, vì vậy chúng tôi mạo muội sửa lại cho đúng âm đọc. Gs Nguyễn Tài Cẩn cũng xác định như vậy (Tất cả các chú thích đều của người đánh máy.)
[2]Chiến tranh “kiêm tính”: Chữ dùng của Mặc Tử trong thiên “Thiên chí hạ”, để chỉ việc chiến tranh thôn tính đất đai
[3]Kha lão: Từ để tôn xưng những người cao tuổi tôn quý ở trong làng xã
[4]Tam lão: Thời xưa mỗi làng cử ra một người từ 50 tuổi trở lên có đức hạnh, nắm giữ việc giáo hóa dân chúng ở trong làng gọi là “tam lão”. Như nước Ngụy thời Chiến Quốc có “tam lão”, nước Tần thì đặt ra chức “hương tam lão”, đến đời Hán thì lại thêm “huyện tam lão”, đến thời Đông Hán còn có “quận tam lão”, và “quốc tam lão”…
[5]Cỗ thái lao: Cỗ hiến sinh dùng thịt của ba loài vật là: ngưu (bò), dương (dê), thỉ (lợn)