Dũng Vũ – Việt Nam và xe lửa tốc hành (2)
15/07/2010 | 1:00 sáng | Chức năng bình luận bị tắt ở Dũng Vũ – Việt Nam và xe lửa tốc hành (2)
Category: Kinh tế - Môi trường
Thẻ: dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam > đường sắt Trung Quốc
(Xem kì 1)
Bài học Trung Quốc
Nhìn lại mấy mươi năm về trước, Trung Quốc vẫn còn là một nước nghèo, lạc hậu.
Giống Việt Nam hiện tại, Trung Quốc cũng bắt đầu từ may quần áo, giày dép… bán và muốn trở thành cường quốc.
Suốt nhiều năm nhờ vô số vốn đầu tư của nước ngoài đổ vào, Trung Quốc có cơ hội vươn lên. Tận dụng dịp may, Trung Quốc đốt thời gian, gấp rút học kỹ thuật Tây phương, lao động cật lực để tiến thật nhanh.
Ngày nay, họ đã đạt nhiều thành quả đáng kể: mức thặng dư mậu dịch cao, tài chính dồi dào, trở thành cái nhà máy của thế giới, nắm được nhiều kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật của Đức mà họ hằng mơ ước.
Với bản tính chuộng sự vĩ đại, muốn hơn người, họ đang ra sức xây dựng đủ mọi ngành, trong đó có ngành hỏa xa.
Một dự án xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc gồm 13.000 km (gấp 7, 3 lần Đức) trị giá 300 tỷ USD đã được công bố vào năm 2009. Bốn đường nối Bắc-Nam, bốn đường nối Đông-Tây, dự tính chuyên chở 7 tỷ hành khách mỗi năm; vận tốc cần đạt đến 350 km/h.
Thay vì 300 tỷ USD (khoảng 207 tỷ € vào lúc ấy), chính phủ Trung Quốc còn tính chi rộng rãi 400 tỷ €, tức 579,7 tỷ USD [1].
Được biết, trước đó không lâu, vào năm 2005, Trung Quốc chỉ dự tính xây dựng tuyến đường sắt Bắc Kinh-Thiên Tân, dài khoảng 115 km, sẽ hoạt động vào dịp khai mạc Thế vận hội 2008 Bắc Kinh, với 60 xe lửa tốc hành loại Velaro E. Đây là loại xe lửa tốc hành hiện đại nhất do Siemens chế tạo theo mô hình ICE 3, dài 200 m, chứa hơn 600 chỗ ngồi, đạt vận tốc 300 km/h [2].
Vào thời điểm đó, giá trị 60 chiếc Velaro có thể lên đến 1,5 tỷ € nhưng Siemens chỉ ký được một hợp đồng 669 triệu € để chế tạo 3 chiếc và chuyển giao công nghệ. Số còn lại sẽ được làm tại Trung Quốc. Xưởng Tangshan Locomotive & Rolling Stock Works thuộc China Northern Locomotive & Rolling Stock Industry (Group) Corporation (CNR) sẽ đảm nhận công việc này. Chiếc Velaro (ICE 3) của Đức sẽ mang tên Trung Quốc: CRH 3 (China Railway Highspeed 3).
Trung Quốc cũng mua lại bản quyền của Nhật để chế tạo chiếc SiFang theo kỹ thuật Shinkansen. Cả loại xe lửa chạy chậm hơn như của Bombardier, họ cũng tìm cách hợp tác chung, học kỹ thuật rồi tự chế.
Với chiến lược ấy, Trung Quốc đã dần dần nắm được nhiều kỹ thuật tiên tiến và nội địa hóa tối đa sản phẩm gốc. Họ còn có khả năng làm chiếc xe CRH 3 chạy nhanh hơn nữa: 350 km/h [3].
Đó là sự cắt nghĩa tại sao Trung Quốc dám nghĩ đến một dự án khổng lồ mấy trăm tỷ nói trên.
Tựu trung, nhờ quyết tâm học hỏi để biết tự làm, Trung Quốc vừa tiết kiệm được vô số tiền, vừa tăng cường thế độc lập, lòng tự tin, vừa làm chủ tri thức, kinh nghiệm sản xuất, rất có lợi cho mục đích kinh doanh quốc tế sau này.
… Còn Việt Nam
Việt Nam cũng muốn có xe lửa tốc hành như Đức, Nhật, Trung Quốc…, nhưng không có tiền và kỹ thuật. Từ đó đã nảy sinh ý tưởng đi vay, sắm một món hàng đắt giá rồi biện luận: Việt Nam đã được hiện đại hóa.
Một suy nghĩ hết sức đơn giản. Thế nhưng vấn đề có thực sự đơn giản vậy không? Chắc chắn là không. Thử làm một phân tích nhỏ sau đây:
1. Phí tổn: Tính theo tài liệu đã dẫn, ngành hỏa xa Đức đã đầu tư 53,236 tỷ USD cho 1771,3 km đường sắt cao tốc và 236 chiếc ICE. Dự án Việt Nam tốn 56 tỷ USD cho tuyến Sài Gòn-Hà Nội dài tương đương (1726 km), nhưng không nói rõ có bao nhiêu chiếc Shinkansen. Chỉ có thể đoán, với số tiền đầu tư lớn như vậy, có lẽ số lượng xe phải nhiều.
Giả sử Việt Nam bỏ ra 53,236 tỷ USD để có gói hàng giống Đức (1771,3 km đường sắt cao tốc cộng 236 chiếc ICE), chắc chắn cũng không cần đến 236 chiếc như một nước Đức kỹ nghệ nặng, giàu có bậc nhất thế giới, phải cần có để phục vụ một số lượng hành khách lớn gấp bao lần mình. Suy ra vốn đầu tư phải thấp hơn.
Đức xây dựng 1771,3 km đường sắt với phí tổn 43,61 tỷ USD tính theo công thợ ở Đức (lương brutto trung bình: 2000 € / tháng (160 giờ), tương đương 2472 USD) [4]. Công thợ Việt Nam thấp hơn nhiều. Nếu lương công nhân xây dựng đường sắt Việt Nam đạt được 247 USD/tháng, thì vẫn thấp gấp 10 lần lương thợ Đức. Cho nên vốn đầu tư càng thấp nữa.
Nhưng chưa hết.
Về địa lý, Việt Nam có nhiều thuận lợi. Đường sắt Sài Gòn-Hà Nội được quy hoạch chạy dọc bờ biển. Địa thế tương đối bằng phẳng, lý tưởng cho xa lửa chạy nhanh. Sông ngòi đâm ra biển cũng có nhưng nhỏ, phí tổn làm cầu không cao. Trở ngại lớn có thể nằm ở khu vực núi non Cà Ná, Nha Trang, đèo Hải Vân, đèo Ngang… cần xẻ núi hoặc làm đường hầm.
Trong khi đó, địa thế Đức có nhiều đoạn phức tạp hơn, ví dụ đoạn Würzburg-Hannover dài 327 km, cần xây 214 cái cầu tổng cộng 30 km, 61 đường hầm tổng cộng 121 km. (Việt Nam mới xây đường hầm Thủ Thiêm dài 1490 m, chỉ bằng khoảng 1,23 % của 121 km kia, cũng đủ thấy tốn biết bao công sức, tiền của, thời gian và cả vấn đề [5]). Chưa kể đoạn đường Würzburg-Hannover cần đắp đê dài tổng cộng 77 km; đường đất bằng phẳng chỉ có 17 km.
Nhìn chung địa thế cần xây dựng đường sắt cao tốc Việt Nam không phức tạp như ở Đức. Suy ra, vốn đầu tư càng thấp nữa.
Về vật liệu, Việt Nam đã có sẵn mỏ sắt, nhà máy luyện thép, thì có thể tự sản xuất đường rày, cột điện, cáp điện… Đã có sẵn mỏ đá, nhà máy xi măng, thì có thể tự đúc tà vẹt beton, đổ nền beton, rải đá, …
Cần nhớ, phí tốn xây dựng đường sắt cao hơn phí tổn mua xe lửa gấp nhiều lần. Việt Nam chắc chắn không đủ khả năng kỹ thuật mua bản quyền xe lửa của Đức/Nhật và tự sản xuất như Trung Quốc để tiết kiệm khoảng này, nhưng hoàn toàn có khả năng tự túc phần lớn về khoảng xây dựng cơ sở hạ tầng. Suy ra, vốn đầu tư càng thấp nữa.
Nói tóm lại, nếu tính thực tế cho trường hợp Việt Nam, con số 56 tỷ USD được đề nghị (có lẽ từ phía Nhật) sẽ giảm đáng kể [6].
2. Hiệu quả kinh tế, xã hội: Theo thống kê của ngành đường sắt Việt Nam, năm 2006, số lượng hành khách đạt được là 12,768 triệu người không kể giao thông đường xa lẫn đường gần [7]. Trong khi đó tại Đức, riêng khoản giao thông đường xa, số lượng hành khách đã là 119,9 triệu người: cao gấp 9,4 lần Việt Nam. Nếu cộng thêm số 1,215 tỷ hành khách giao thông đường gần ở Đức, kết quả sẽ cao gấp 104,5 lần.
Muốn thấy rõ vấn đề, cần nhìn vào đời sống thực tế của người dân. Nhận xét chung: người đi xe lửa phải có nhu cầu, có tiền và có thời gian.
Ở Đức: Rất nhiều người có nhu cầu đi làm, đi học mỗi ngày bằng xe lửa. Người dân của một xứ kỹ nghệ như Đức không sống chen chúc trong thành phố mà rải đều khắp các vùng ven đô; nhà ở cách sở làm 40-50 km là bình thường, cách trung tâm phố 10 km là bình thường. Vì khoảng cách xa, con người cần phương tiện đi lại. Xe lửa là một lựa chọn phổ biến nhờ lợi điểm rẻ hơn đi xe hơi cá nhân trong lúc giá xăng nhớt ngày càng tăng, không gặp nạn kẹt xe trong lúc xe hơi ngày càng nhiều.
Người Đức có nhiều ngày nghỉ. Trung bình khoảng 40 ngày/năm: khoảng 30 ngày nghỉ hè, cộng thêm ngày lễ (Phục sinh, Chúa thăng thiên, lễ Lao động, lễ Thống nhất, Giáng sinh, Tết… [8]). Có những dịp lễ, học sinh được nghỉ một/hai tuần. Có ngày nghỉ, mọi người mới có thì giờ đi chơi xa, thăm viếng nhau và xe lửa là một phương tiện di chuyển.
Người đi làm việc, công tác xa, cuối tuần cũng thường trở về nhà bằng xe lửa. Con cái học đại học ở thành phố khác, cuối tuần hoặc được dịp nghỉ, cũng thường lấy xe lửa về thăm cha mẹ.
Dĩ nhiên đi xe lửa phải có tiền mua vé (trừ trẻ con). Muốn đi xe lửa tốc hành nhanh hơn, tiện nghi hơn, phải trả nhiều tiền hơn. Chính người Đức, nhiều khi lại chuộng đi máy bay rẻ tiền vì lợi hơn, nhanh hơn đi xe lửa tốc hành.
Ở Việt Nam: Người dân không có nhiều ngày nghỉ hoặc dịp nghỉ dài để có thì giờ đi lại nhiều lần như dân Âu châu. Người đi xe lửa chủ yếu là đi xa. Nhất là dịp Tết. Nhưng mỗi năm chỉ được một lần. Bình thường nghỉ cuối tuần, thì cũng chỉ có thể đi lại gần. Ví dụ dân Sài Gòn đi tắm biển Vũng Tàu cách trăm cây số rồi về. Đi xe đò, xe hơi cũng được, không cần xe lửa tốc hành.
Cuối tuần muốn đi chơi xa hơn, Phan Thiết, Nha Trang chẳng hạn, cho dù có xe lửa tốc hành đi nữa, người dân vẫn không dư giả thời gian tận hưởng một chuyến đi thoải mái. Chưa kể cần tiền cho một cái vé xe lửa tốc hành sang trọng, chạy nhanh. Ở Đức, một cái vé ICE cuối tuần (đã bớt gần phân nửa), đi một chiều Stuttgart-Hannover 550 km là 69 € (khoảng 85 USD), giá tối thiểu để ngành đường sắt Đức còn có lợi, bằng tháng lương chị công nhân Việt Nam may quần áo. Ở Việt Nam, ai làm được chuyện đó ngoài giới có tiền (thương gia, đảng viên, du khách ngoại quốc, “Việt kiều”) ? Số đó bao nhiêu người ? Xe lửa tốc hành có phục vụ số đông nông nhân, công nhân, người nghèo hay không ? Vay 56 tỷ đô la sắm xe lửa tốc hành sang trọng, dân giàu hưởng, dân nghèo không hưởng mà phải cùng trả nợ là điều bất công.
Tiếp theo, thử suy nghĩ về hiệu quả kinh tế đối với việc thu hồi vốn mua một chiếc Shinkansen. Chưa tính đến vấn đề thu hồi vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Không rõ trong dự án xe lửa tốc hành của Việt Nam có loại xe nào. Chỉ có thể đặt nghi vấn, với số vốn 56 tỷ UDS khổng lồ, có lẽ phải là loại xe hiện đại đắt tiền, chạy nhanh 300 km/h. Shinkansen 700 là một sản phẩm tiêu biểu, mỗi chiếc trị giá khoảng 34,35 triệu € [9], tương đương với loại ICE 3 của Đức.
Xem lại bài toán hiệu quả kinh tế đối với việc mua một chiếc ICE 3 ở Đức như đã trình bày phía trước, thì biết khả năng thu hồi vốn chiếc xe sau vài năm là có thể. Tuy nhiên khả năng ấy chỉ có giá trị cho nước Đức.
Ở Việt Nam, số cây số hoạt động hằng năm của mỗi xe tuy không rõ nhưng chắc chắn ít hơn rất nhiều. Lượng hành khách km cũng ít hơn. Liệu mức phát triển kinh tế của Việt Nam đến năm 2035 (khi toàn bộ đường sắt cao tốc Bắc-Nam đã hoàn thành theo dự tính) có đủ cao để mỗi chiếc xe đạt năng suất 500.000 km/năm như hiện thời ở Đức ? Suy ra lợi nhuận thấp.
Giá vé ở Việt Nam không thể tính đắt như ở Đức vốn là một nước có thu nhập cao. Đến khi mua được xe lửa để sử dụng thì giá chiếc xe đã đắt hơn bây giờ. Tiền điện tăng dần. Phí tổn hoạt động của dịch vụ ngành hỏa xa tăng dần. Suy ra giá vé phải tăng theo. Vật giá mọi thứ đều tăng nhanh hơn mức lương của đại đa số công nhân, khiến người dân mất nhiều tiền hơn cho sinh hoạt hằng ngày. Ai dám bỏ nhiều tiền đi xe lửa tốc hành ? Từ tâm lý tiết kiệm họ sẽ chọn phương tiện đi lại rẻ tiền như xe đò, máy bay rẻ. Số hành khách đi xe lửa tự động giảm vì bị cạnh tranh. Suy ra lợi nhuận sẽ giảm đi.
Xe lửa tốc hành không chở hàng hóa mà chở hành khách; lợi nhuận chỉ có thể thu được từ khoản này. Lợi nhuận thấp không thể thu hồi vốn chiếc xe cho nhanh để còn trang trải vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Xe lửa tốc hành có thể giúp nâng cao hiệu quả kinh tế ngành du lịch địa phương. Tuy nhiên người dân trong nước không được nghỉ nhiều để đi chơi xa. Khoản này chỉ có thể hy vọng vào du khách ngoại quốc, nhưng con số ấy vẫn ít ỏi. Ngành du lịch ở Đức phát triển mạnh hơn ở Việt Nam nhiều, tuy vậy ngành hỏa xa không thể sống nhờ du khách mà chủ yếu nhờ nhu cầu đi lại bình thường của người dân.
Dưới mắt người chuyên nghiệp, mức hiệu quả kinh tế ấy không mấy khả quan để thuyết phục được giới đầu tư, ngoại trừ Nhật. Đối với một dự án khổng lồ 56 tỷ USD, lẽ ra các nước muốn bán xe lửa tốc hành như Pháp, Đức đã ra sức cạnh tranh nhau, nhưng hoàn toàn không thấy dấu hiệu quan tâm.
Hiệu quả kinh tế thấp không bảo đảm khả năng trả nợ. Nợ càng lâu, lãi càng nhiều, gánh nặng người trả nợ càng cao và lâu dài. Người vác gánh nợ chính không ai khác hơn là thế hệ sau.
Còng lưng trả nợ 20 năm chưa hết thì chiếc xe đã cũ, kỹ thuật đã lạc hậu. Người biết chế xe sẽ làm ra chiếc xe đời mới hiện đại hơn để bán, còn người mua thì tiếp tục trả nợ cho chiếc xe “hiện đại” kia, tiếc thay đã thuộc về hôm qua.
Đó là bài học kinh nghiệm của Đức. Sau 20 năm hoạt động, loại xe ICE 1 (thế hệ đầu tiên) đã trở nên cũ kỹ và lạc hậu. Ngành hỏa xa Đức buộc phải tân trang. Và dĩ nhiên phải tốn tiền. Rất nhiều tiền.
Vài điều đáng suy ngẫm
Dự án xe lửa tốc hành của Việt Nam rất lớn, rất tốn kém và rất phức tạp. Nó đòi hỏi nhiều thông tin và sự suy tính kỹ lưỡng.
Dù Quốc hội đã không thông qua nhưng tỷ lệ ủng hộ vẫn khá cao: 37,53% [10]. Không hiểu các đại biểu dựa vào thông tin, tính toán nào chứng minh có lợi để ủng hộ. Có bao nhiêu người trong số 500 đại biểu thực sự có thẩm năng chuyên môn, có kinh nghiệm hoặc hiểu biết sâu sắc về hoạt động xe lửa tốc hành? Không có kiến thức, thông tin thì làm sao thảo luận vấn đề? Không hiểu biết vấn đề thì làm sao quyết định? Con số 56 tỷ đưa ra dựa vào đâu? Ðã có một tiền dự án khảo sát tính khả thi?
Người quan sát có cảm tưởng con số 56 tỷ USD đã được trao vào tay người nhận quá dễ dàng. Người nhận chẳng thắc mắc gì, chỉ nhận lấy và thông báo cho đại biểu để quyết định. Thay vì xử sự đơn giản và hời hợt, người nhận cần biết phát huy bản lĩnh thương lượng để hạ phí tốn, yêu cầu chuyển giao công nghệ (như Trung Quốc đã làm).
Chuyển giao công nghệ ngày nay không còn là điều cấm kỵ đối với những đồ án lớn, có lợi nhiều cho đôi bên. Để tiếp nhận kỹ thuật cần có một lực lượng kỹ sư chuyên môn. Công việc đào tạo đòi hỏi rất nhiều thời gian. Trước khi Trung Quốc ký hợp đồng mua gói hàng xe lửa tốc hành của Siemens đã kể, họ đã chuẩn bị tìm hiểu về lĩnh vực này nhiều năm trước đó. Mặt khác họ đã âm thầm xây dựng một nhóm kỹ sư chuyên môn cho tương lai, chứ không “đợi nước đến chân mới nhảy”. Việt Nam đã thành lập nhóm này ?
Dự án lớn, phức tạp bao giờ cũng có nhiều chi tiết. Người không hiểu chi tiết dễ bị hớ, thiệt thòi. Ngược lại, người hiểu biết có thể lạm dụng những chi tiết để trục lợi. Đây là cơ hội tốt cho tham nhũng. Dự án càng lớn, cơ hội tham nhũng càng lớn. Chi tiết càng nhiều và thiếu minh bạch, cơ hội trục lợi, thông đồng, ăn chia càng nhiều và rất dễ.
Một ví dụ: Một chiếc ICE 3 406 của Đức giá chế tạo khoảng 27 triệu € [11], nhưng trang thiết bị có thể nâng giá thành lên nhiều triệu Euro một cách nhanh chóng, đặc biệt là trường hợp thực hiện theo ý khách hàng. Chẳng hạn, thay mẫu ghế tiêu chuẩn bằng mẫu ghế khác. Xét về mặt chế tạo, giá hai chiếc ghế không chênh lệch nhiều, thế nhưng nếu được thực hiện, phí tổn có thể khác một trời một vực. Nhà sản xuất kiếm lợi nhiều từ những món phát sinh.
Hoặc cũng có trường hợp, giá chế tạo bao gồm những trang thiết bị không cần thiết, v.d. hệ thống lò sưởi đối với Việt Nam. Nhà chế tạo tìm cách khuyến dụ người có trách nhiệm mua hàng để nguyên vậy, và anh ta sẽ được lãnh huê hồng. Nói chung, anh ta có thể thông đồng với người bán, để người bán được lợi nhiều nhất, và anh sẽ được tặng “phong bì”. Ðó là một trong vô vàn mánh lới tham nhũng. Cho nên dự án càng có nhiều chi tiết, càng có nhiều chỗ để lạm dụng, tham nhũng. Trong khi tiền đầu tư một chiếc xe lửa có thể bị thiệt hại vài triệu USD, thì tiền đầu tư một đoạn đường có thể bị thiệt hại đến vài chục triệu USD, tùy độ phức tạp.
Kết luận
Đồ án xe lửa tốc hành 56 tỷ USD của Việt Nam thiếu thuyết phục về hiệu quả kinh tế lẫn xã hội. Không phục vụ số đông. Tiền nợ quá nhiều để giải quyết vấn đề vận chuyển một cách xa xỉ chưa thật cần thiết. Phần lợi nghiêng hẳn về phía Nhật, vì Việt Nam thiếu thông tin, kinh nghiệm. Chưa chuẩn bị hàng ngũ kỹ thuật để đảm nhận công nghệ được chuyển giao cũng như đủ khả năng tự túc nhiều mặt để giảm giá thành. Rủi ro tham nhũng khá lớn; có thể nhiều tỷ USD. Người dân phải trả nợ cho món tiền bị tham nhũng này.
Thay vì vậy nên đầu tư vào những nhu cầu thiết thực hơn. Dĩ nhiên sớm muộn gì Việt Nam cũng cần phát triển về đường sắt, nhưng phải biết cách làm.
Stuttgart, 07.2010
(Tác giả hiện định cư tại Đức, hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, cố vấn kỹ nghệ.)
© 2010 Dũng Vũ
© 2010 talawas
Chú thích:
[1] Xem http://www.welt.de/wirtschaft/article4504727/China-steckt-300-Milliarden-Dollar-in-Bahnstrecken.html
[2] Xem http://www.siemens.com/press/pool/de/events/industry/mobility/2010-04-velaro-d/whitepaper_siemens_velaro_projekte_en.pdf
[3] Xem http://www.innovations-report.de/html/berichte/verkehr_logistik/bericht-114875.html
[4] Xem http://www.gehaltsvergleich.com/gehalt/Strassenbauer-Strassenbauerin.html
[5] Xem http://www.giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/News/khoa-hoc-doi-song/Duong_ham_Thu_Thiem_duoc_xay_dung_nhu_the_nao/
[6] Xây dựng cơ sở hạ tầng là phần Việt Nam có thể tiết kiệm nhiều tỷ USD (từ 56 tỷ USD). Thay vì để người ngoài hưởng, thì lấy một phần để tăng lương, ưu đãi công nhân Việt Nam vẫn có lý hơn.
[7] Xem http://www.vr.com.vn/hientaihoatdong_kinhdoanh.htm
[8] Số ngày lễ còn tùy tiểu bang. Xem http://www.feiertage-newsletter.de/deutschland/gesetzliche.html
[9] Xem http://www.hochgeschwindigkeitszuege.com/japan/index_br_700.htm. Cần lưu ý: Thực ra giá mua một chiếc xe lửa còn lệ thuộc vào trang thiết bị. Càng tiện nghi càng đắt tiền.
[10] Xem http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/06/100620_na_shinkansen.shtml
[11] Một website chuyên đề về xe lửa tốc hành, giàu thông tin, đáng dịch sang tiếng Việt cho giới khoa học, đại biểu Việt Nam tham khảo:
http://www.hochgeschwindigkeitszuege.com/deutschland/ice-3.php
Bình luận
Không có phản hồi (bài “Dũng Vũ – Việt Nam và xe lửa tốc hành (2)”)