trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
13.7.2007
Phạm Lưu Vũ
Thử bàn về chu kì
 1   2 
 
“Bây giờ năm tháng vẫn qua
Xót thương lần lữa lại là xót thương
Bây giờ lật khúc đoạn trường
Mới hay xưa cũng dặm đường đó thôi...”

(Thơ Trần Ninh Hồ)

Nhà thơ xứ Kinh Bắc đẹp trai lai... Giao Chỉ này còn có câu rất “lảm nhảm” nữa: “Hôm nay thì cũng là mai đó rồi...” Ô hay! nếu thế thì cuộc đời này còn hứng thú quái gì nữa? Thà trở lại cái thời của cụ Bút Tre ngày trước: “Hàng đầu rồi biết đi đâu? / Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi”... còn hơn. Song, loại trừ những yếu tố ám chỉ nhân tâm thế sự nhập nhằng của thi ca ra, thì những câu thơ trên chính là đã nói đến một quy luật muôn thuở của vũ trụ, quy luật của sự lặp lại.

Cái quy luật đó vừa hiện hữu, vừa cao xa vời vợi. Lúc nào cũng cảm thấy nó ở quanh ta mà hình như không ở đâu cả... Dẫu biết mình kiến thức cực kì nông cạn, chẳng khác chi ếch ngồi đáy giếng, người viết cũng cứ xin được “múa rìu qua mắt thợ”, mà liều mạng viết mấy dòng ngô nghê, thô thiển... ra đây, để (lạm) “bàn” (có pha chút “lãng mạn”...) về cái gọi là sự “lặp lại” ấy. Cúi mong các bậc cao nhân nếu có trót đọc đến thì (sau khi đã chê cười một cách chán chê rồi), hãy lượng thứ mà chỉ giáo cho những chỗ còn sai lầm, non nớt... Toàn văn sự liều mạng như sau:

Còn nhớ ngày trước, trong trường phổ thông, các thầy giáo giảng cho học trò (trong đó có người viết) rằng quan niệm về “ngũ hành” là một kiến thức hết sức “thô sơ” của người phương Đông xưa về cấu tạo của vũ trụ. Rằng “ngũ hành” tức là 5 “nguyên tố” cấu tạo nên toàn bộ vật chất trong vũ trụ này(!). Chà! nếu như thế thì các cụ xưa quả có thô sơ, kém cỏi thật. Các cụ mới chỉ… biết có 5; mà chưa biết đến… 10, đến 100… Bởi lúc ấy, cái ông Mendeleev người Nga kia đã lập ra cả một bảng tuần hoàn với ngót sáu bảy chục nguyên tố hoá học cấu tạo nên vũ trụ (mà vẫn chưa hết) kia mà.

Chao ôi! giảng như thế, chính là người ta đã hiểu hết sức “thô sơ” (nếu không muốn nói là chẳng hiểu gì) về “ngũ hành” cả. Chẳng trách học trò như kẻ đang viết những dòng này vì cái sự “học” ngày ấy mà “ngu” mãi cho đến tận bây giờ, thậm chí có nguy cơ sẽ còn ngu kéo dài thêm nhiều đời nữa (thế mới gọi “ngu lâu”). Chưa kể có một thời, người ta còn chủ trương đốt bỏ hẳn những học thuyết ấy đi (cùng với nhiều thứ sách khác ví dụ Kinh Dịch, tử vi, phong thuỷ…), cấm dạy cho học trò, cấm học trò tìm đọc vì cho đó là những thứ học thuyết “mê tín dị đoan”, là phong kiến phản động, phản khoa học, là tàn dư của chế độ cũ thối nát, v.v…

Lịch sử kiến thức cũng như văn hoá của nhân loại đã từng chịu bao nhiêu cú thất truyền. Song, đến cú này mới thật là một cú chí mạng.

Chẳng biết từ đời kiếp nào, căn cứ vào đâu mà các vị Tổ sư phương Đông nhà quê chân đất mắt toét lại chia Ngày ra làm mười hai canh giờ, rồi đặt cho nó những cái tên cũng sặc mùi nhà quê là tí, sửu, dần, mão... rồi lại gắn vào đó mười hai con vật thực hư, sang hèn lẫn lộn là chuột, trâu, chó, lợn cùng với cả rồng, hổ,v.v... nữa.

Điều này đối với các nhà lịch pháp vốn chẳng lạ lẫm gì. Bởi đây đang nói đến một thứ chu kì. Đó là chu kì tự quay xung quanh mình của Trái đất (chu kì NGÀY). Khoảng thời gian cho một vòng quay như thế được chia đều làm 12 canh giờ theo cách chia của người phương Đông, hay 24 tiếng đồng hồ theo cách chia của người phương Tây. Song, sự khác nhau (rất quan trọng) giữa Đông - Tây không phải ở chỗ 12 hay 24, mà chính là ở cái chỗ “tí”; “sửu”; “dần”; “mão”... kia.

Sở dĩ nói khác nhau rất quan trọng bởi mấy lẽ sau:

Người phương Tây quan niệm thời gian đi theo đường thẳng (một đi không trở lại), thời gian là đồng nhất, là một đại lượng độc lập, một đại lượng “vô cơ”, vô hồn.

Ngược lại, người phương Đông xưa quan niệm thời gian đi theo vòng tròn (đúng ra là xoáy ốc), thời gian là một quá trình lặp lại. Thời gian là không đồng nhất. Nó chỉ có ý nghĩa khi gắn liền với một không gian cụ thể. Nó là một đại lượng “hữu cơ”, có hồn.

Hãy xem cái “tí”; “sửu”; “dần”; “mão”... kia của chu kì ngày (tháng, năm, kỉ (12 năm), giáp (60 năm)… cũng thế). Nó cứ lặp lại như vậy mãi, theo quy luật của đèn cù, rằng: “tít mù nó lại vòng quanh”, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, v.v… cứ “tý, sửu, dần, mão...” không bao giờ ngừng.

Nhưng điều lý thú nhất (và cũng cực kì khoa học) là cái món “tí”; “sửu”; “dần”; “mão”... (gọi là 12 “địa chi”) ấy hoàn toàn không dửng dưng vô tình vô nghĩa bỏ mặc nhân gian trôi đi một mình (giá nó bỏ mặc có khi lại thích hơn). Đằng này nó luôn luôn gắn bó một cách vô cùng biện chứng với một thứ “không gian” rất trừu tượng mà cũng rất chi là cụ thể mới là điều đáng nói.

Không gian đó là gì?

Là NGŨ HÀNH (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ). Năm đặc trưng tổng quát, bao trùm toàn bộ vật chất, tinh thần... không tha một thứ gì trên thế gian.

Học thuyết về âm dương ngũ hành (từ đây thỉnh thoảng gọi tắt là “ngũ hành”) có lẽ ra đời trước cả những Socrate, Platon, Aristote, v.v... rất lâu. Những nhà triết học Hy Lạp cổ đại này với môn vật lý học cổ điển nổi tiếng bảo tàng của mình có tham vọng tìm ra cái “lý kì cùng” của mọi sự tồn tại trong vũ trụ. Các vị đã chủ trương rất đúng rằng cái “lý kì cùng” ấy là một “nguyên lý chất thể”, rằng vạn vật hình thành là do “quá trình biến hoá của những nguyên lý”. Đáng tiếc là vật lý học cổ điển đã không nhờ được vào những chủ trương đúng đắn ấy mà đi xa hơn. “Vật lý học” hiện đại tiếng là nối tiếp vật lý học cổ điển, song đã rẽ sang hướng khác. “Nguyên lý chất thể” đã được thay thế bằng “nguyên lý vật thể”. Dù đạt được rất nhiều thành tựu, đặc biệt là tính ứng dụng cực kỳ cao trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội (nhất là trong chiến tranh), song “vật lý học” hiện đại ngày càng rời xa cái “lý kì cùng” mà các vị tiền bối ngày trước muốn hướng tới. Vì thế, cái gọi là môn “vật lý học” hiện đại ngày nay dù khổng lồ đến mấy, thực chất cũng chỉ nên gọi là môn “vật học” mà thôi.

Ngũ hành nếu có một chủ trương ngay từ đầu, thì cũng chẳng khác chủ trương của các nhà triết học cổ đại Hy Lạp kia mấy tí. Chỉ khác ở chỗ là nó dường như đã đạt tới cái “lý kì cùng” mà các vị ấy đã hình dung. Ngũ hành thoạt tiên nghe có vẻ như một môn lý sự mô tả vật chất đấy, song (rồi ta sẽ thấy), rằng nó lại không thèm quan tâm đến tính “vật”, mà chỉ quan tâm mỗi cái khoản “chất” của vật chất mới là điều kinh dị đáng bàn.

Chẳng khác nào một anh lấy vợ mà không một lần nhìn đến gương mặt, chỉ chăm chăm ngó... cái mông. Vậy mà cứ sinh con đẻ cái sòn sòn mới giỏi.

Nói cách khác, học thuyết ngũ hành chính là sự mô tả quy luật tồn tại, phát sinh, phát triển của tất cả, nhỏ thì như một hạt cơ bản, một khoảnh khắc, mà lớn thì toàn bộ vũ trụ vô cùng tận này mà không hề quan tâm đến tính “hạt” (rất giả) của nó. Ngũ hành chỉ xét mỗi tính “sóng” (rất thật) của vật chất mà thôi. Tóm lại, ngũ hành chính là những quy luật về tính “sóng” của vật chất.

Triết học cổ điển Trung Hoa nổi tiếng bởi tính chất thực dụng của nó. Vì vậy, khác với Hoa Nghiêm tông, Thiền tông... chỉ chấp nhận thế giới tận cùng thực (sóng – không), trong khi đó thì ngũ hành lại có thể áp dụng cả với những cái chưa thực, chưa tận cùng (học một chữ cũng có thể làm thầy được rồi mà học trăm chữ, vạn chữ... cũng đều có thể làm thầy). Thậm chí cả những nhận thức thiển cận, sai lầm, lệch lạc, v.v... cũng không ra khỏi ngũ hành. Vậy có thể nói ngũ hành “Đại thừa” còn hơn cả... Đại thừa.

Kiến thức vũ trụ theo quan điểm của người phương Đông xưa không bắt đầu từ Trái đất vươn tới các thiên thể, hệ thiên thể... như ngành khoa học nghiên cứu về vũ trụ từng làm thế. Mà được bắt đầu ngay từ cái nhỏ nhất, từ những “hạt” cơ bản (hoặc siêu cơ bản) trở ra cho đến các thiên thể, hệ thiên thể. Tóm lại là từ sâu thẳm trong “bụng” ta ra đến ngoài vô cùng...

Bởi từ lâu, người phương Đông đã quan niệm tất cả đều là... thiên thể. Cả vũ trụ chỉ bao gồm các thiên thể, từ nhỏ nhất đến lớn... vô cùng. Ngoài ra không còn gì khác. Kể cả người, vật, cái cây, hòn đá... cũng là một tập hợp các thiên thể (vì thế mới bảo con người là một “tiểu vũ trụ”). Đến lượt “thiên thể” xét đến cùng thì cũng chả có gì. Đó chẳng qua chỉ là tập hợp của những “dao động” nào đó mà thôi. Thực ra dùng từ “thiên thể” hoặc “hạt” để chỉ những thứ tồn tại ấy là rất “gượng” bởi không còn từ nào khác. Chỉ nên nhớ rằng sở dĩ nó “tồn tại” bởi bản thân nó (hoặc trong nó) đang có sự chuyển động. Chứ sự chuyển động ấy chỉ cần dừng lại một cái là lập tức các “thiên thể” hoặc các “hạt” ấy sẽ biến mất tăm tích, như chưa hề có nó bao giờ.

Ví dụ ta cảm thấy có ánh sáng trong phòng là do có sự dao động của các “hạt” photon. Song khi tắt công tắc, không còn sự dao động nữa, các “hạt” photon lập tức biến mất. Không phải chúng “chuồn” ra khỏi phòng hay “độn thổ” đi đâu nhé. Chúng biến thật đấy, như chưa hề tồn tại. Vì thế dù có nhanh tay cỡ... Tôn Hành Giả thì cũng không thể “hứng” được “hạt” nào.

Nhưng điều lạ nhất, song cũng kì diệu nhất là người phương Đông xưa lại không có ý định mô tả tính “hạt” của vật chất như con đường đi của vật lý học hiện đại. Mà ngay từ đầu họ đã mô tả tính “sóng” (hay sự dao động) của vật chất. Tính “sóng” mới là thực, Chân như, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. “Sóng” mới là bản chất tổng quát nhất. Nó bao trùm toàn bộ vũ trụ này.

Tại sao người xưa lại có thể cảm nhận được vật chất dưới dạng huyền vi, tổng quát như thế mà không hề cần đến bất cứ một thiết bị nào? Có lẽ phải mượn một chút tư tưởng của Thiền để giải thích. Chung quy do cái sự “chấp” mà thôi. Rằng con người vì “chấp” vào cái “ngã” (tôi, ta, sự tồn tại của bản thân, của vạn vật...) quá lớn nên không thể sang phòng bên cạnh mà không bước chân qua cửa. Nếu xoá bỏ được cái “ngã” đó trong hết thảy mọi ngóc ngách của tận cùng tâm tưởng thì ngay lập tức, nếu muốn, bạn không những có thể có mặt ở phòng bên cạnh, mà ở ngoài đường bay bất cứ đâu trong mọi vũ trụ đều được. Điều đó còn kì diệu gấp nhiều lần nhân vật Dutilleul trong tác phẩm “Người đi xuyên tường” của Marcel Aymé. Một khi bạn đã xoá được “chấp” trong chính tâm tưởng của mình, thì những bức tường không còn là vật ngăn trở nữa. Khi đó, bạn sẽ nghe được hết thảy mọi âm thanh đang rộn rã khắp mọi thế giới, sẽ nhìn thấy mọi màu sắc đang phơi bày trước mắt mình... Ấy là nói một cách hình tượng thế thôi. Chứ đạt tới cảnh giới đó, thì tri thức sẽ cảm nhận một cách trực tiếp, không cần thông qua các giác quan nữa. Và hình ảnh thực về những tồn tại bấy lâu xung quanh bạn, của cả vũ trụ này sẽ khác đi nhiều lắm.

Nhưng cái gì sinh ra những thứ thời gian và không gian (ngũ hành) ấy?

Hình dung một cách thô thiển, thì bắt đầu từ một chuyển động đầu tiên nào đó, vật chất lập tức xuất hiện dưới dạng một hạt cơ bản (hoặc siêu cơ bản...). Xin đừng thắc mắc vậy cái gì “chuyển động”? Không có gì cả (thế mới gọi thái cực). Nói cách khác, vũ trụ đang từ “không”, bắt đầu có tính “sóng” (dao động) đồng thời có cái gì đó tựa như... tính “hạt”. Vật chất xuất hiện. Và vũ trụ lập tức bước ra khỏi “Đạo” (nói theo Lão Tử), hoặc bước ra khỏi “Thái cực” (nói theo Dịch) để bắt đầu hình thành. Chuyển động đầu tiên ấy ngay lập tức đã là một chuyển động có chu kì (lặp lại). Sự lặp lại tất phải có hai chiều ngược nhau, sinh ra Âm, Dương (Lưỡng nghi). Chuyển động làm thay đổi trạng thái của “hạt”, khoảng cách từ trạng thái nọ sang trạng thái kia chính là thời gian. Tập hợp những vị trí của nó tạo nên không gian. Như vậy chuyển động tạo nên vật chất, đồng thời chuyển động sinh ra không gian và thời gian.

Thế nếu không có chuyển động sẽ không có vật chất chăng? Đúng thế. Đây là điều mà sau ngũ hành mấy ngàn năm, cho đến tận thế kỉ thứ 17, Descartes vĩ đại mới hình dung thấy một cách gần đúng khi ông chủ trương vạn vật là “kết tinh của trương độ và chuyển động”. Ngày xưa có câu chuyện cả làng đuổi theo một con trâu vô chủ. Con trâu nom rõ to, hứa hẹn một bữa chén no nê cho cả làng. Thế mà đến khi túm được sợi dây thừng, bắt nó dừng lại thì bỗng không thấy con trâu đâu nữa. Ban đầu mọi người cho là ma, người nọ tìm cách giải thích với người kia... Về sau đâm ra nghi ngờ có kẻ ăn mảnh... Làng xóm vì thế đâm mất đoàn kết nội bộ. Con trâu ấy đến giờ vẫn không tìm thấy, trong khi nỗi ngờ vực thì cứ nhân mãi lên...

Nếu bảo đó là câu chuyện bịa thì chuyện này là thật chăm phần chăm. Ấy là nguyên lý của cái sự... nhìn. Đôi mắt của chúng ta (và của mọi loài vật khác) sở dĩ nhìn thấy những gì đang hiện hữu phía trước là do có sự... chuyển động. Cho dù ta ngồi im và những vật phía trước ta cũng bất động, thì con ngươi trong mắt ta vẫn chuyển động trong một môi trường “thuỷ tinh thể” hết sức linh động, giúp nó luôn thay đổi vị trí tương đối đối với mọi vật. Và thế là ta nhìn thấy. Nếu có cách gì giữ cố định con ngươi lại thì trước mắt ta sẽ chỉ là một màn sương đục lờ. Dĩ nhiên đối với những vật chuyển động thì ta vẫn nhìn rõ. Ở một số loài động vật ví dụ loài ếch chẳng hạn, chúng có đôi mắt cố định. Vì thế chúng chỉ nhìn thấy mọi vật trong khi di chuyển. Nếu chúng ngồi im thì trước mắt chúng cũng chỉ là một màn sương trắng. Một con châu chấu có thể bình yên vô sự đậu ngay trước mũi con ếch, với điều kiện nó phải nằm thật yên. Song nếu có một làn gió thổi tới thì trong mắt con ếch ấy, thiên nhiên cây cỏ sẽ lập tức hiện lên. Và chỉ cần một cái lắc nhẹ, con châu chấu kia cũng lập tức bị nó phát hiện.

Ở mức độ các vi “hạt” (electron, neutron, photon...) thực chất khoa học cũng chưa bao giờ “sờ” thấy hay “tóm” được một “hạt” cụ thể nào. Mà chỉ nhận biết sự “tồn tại” của nó thông qua những tương tác lẫn nhau hoặc thông qua sự tác dụng lên một môi trường nào đó (màn huỳnh quang chẳng hạn). Nghĩa là chỉ nhận biết và mô tả hạt (hoặc sóng) thông qua những tính chất chuyển động của nó (chính xác gọi là dao động). Chính điều này, người phương Đông xưa đã làm từ lâu. Có điều người ta không dùng các đại lượng (vật lý) khô khan, như tần số, biên độ, chu kì... như khoa học đã làm. Các đại lượng ấy dẫu có giúp con người phân biệt được các hạt (lại hạt), song đó chỉ là những đại lượng “vô cơ”, “vô hồn”. Nó không cho thấy những quy luật phát sinh, phát triển, diệt vong, những quy luật thịnh suy, hưng phế... của vật chất, mở rộng ra là toàn vũ trụ. Người phương Đông xưa nhìn nhận những chuyển động (sóng) như những cơ thể sống, có mùi vị, hồn vía, có số phận, lớp lang... đàng hoàng. Theo đó thì bất kì một chuyển động có tính lặp lại (dao động) nào của mỗi “hạt” (cũng là mỗi thiên thể hoặc vũ trụ...) cũng đều sinh ra những “thuộc tính”, đều bao gồm những cái “lý” đặc trưng. Những cái “tính”, hay cái “lý” đó là gì? Có 5 thứ cả thảy, tạm “định nghĩa” như sau:
  1. Tính sinh sôi, hướng theo chiều dài... - gọi là mộc

  2. Tính nóng, nhẹ, hướng lên... - gọi là hỏa

  3. Tính nuôi dưỡng, hoá dục... - gọi là thổ

  4. Tính cứng cáp, thanh, tĩnh... - gọi là kim

  5. Tính lạnh, chan hòa, hướng xuống... - gọi là thuỷ
Thế là cùng với sự xuất hiện của cái chuyển động đầu tiên đó, NGŨ HÀNH (mộc, hoả, thổ, kim, thuỷ) lập tức xuất hiện, cùng lúc với sự xuất hiện của Lưỡng nghi (âm, dương). Vạn vật rồi sẽ hình thành, phát sinh, phát triển và sinh sôi nảy nở... trên cơ sở sự biến hoá của những cái “tính” hay những cái “lý” này. Đây chính là những “nguyên lý” mà các nhà triết học cổ đại Hy Hạp nói trên đã hình dung thấy. Có điều các vị đã không thể đi tới tận cùng.

Ngũ hành vừa xuất hiện, thì lập tức mang trong mình những quy luật tương sinh, tương khắc... bất diệt của nó. Đây mới là điều kiện cốt tử cho mọi sự phát sinh, phát triển, diệt vong... của vũ trụ, sự sinh sôi nảy nở của vạn vật... Giả sử bắt đầu từ “Thái cực”, cũng (tình cờ) xuất hiện một chuyển động nào đó, song nếu chuyển động ấy không mang những thuộc tính “ngũ hành” như vừa kể ở trên, thì vũ trụ sẽ mãi mãi dừng lại ở chuyển động đầu tiên ấy. Và đó sẽ vĩnh viễn là một “vũ trụ” chết, một “vũ trụ” không thể sinh ra vạn vật kể cả con người, không thể sinh ra các nền văn minh... Rất may điều đó đã không xảy ra. Thế là con người hàng ngày hàng giờ cứ được chứng kiến một vũ trụ luôn nằm trong trạng thái phát sinh, phát triển, luôn ở trong những quá trình có sinh, có diệt... Từ đó, con người đã tìm ra nguyên nhân tối hậu đã tạo nên tất cả những quá trình ấy. Đó chính là “ngũ hành” cùng với những tương sinh, tương khắc... kì diệu của nó. Những quy luật “tối hậu” ấy là:

Tương sinh: Mộc sinh hoả, hoả sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thuỷ, thuỷ sinh mộc...

Tương khắc: Mộc khắc thổ, thổ khắc thuỷ, thuỷ khắc hoả, hoả khắc kim, kim khắc mộc...

Tương sinhtương khắc là 2 quy luật cơ bản, quan trọng bậc nhất của ngũ hành. Song nếu chỉ có như vậy thì học thuyết ngũ hành chưa quan tâm đến “khối lượng” (hay mật độ “vật chất” của “hạt”), điều mà khoa học bao giờ cũng xét đến đầu tiên (người ta từng đã “cân” được tuốt, từ hạt cơ bản cho đến các thiên thể...). Các chuyển động rõ ràng phải có “khối lượng” (hay mạnh, yếu, thịnh, suy...) khác nhau, không thể bình quân chủ nghĩa được, điều này sẽ tạo nên bất công. Mặt khác, trong quá trình phát sinh, phát triển của chuyển động, do ảnh hưởng của quy luật tương sinh, tương khắc nói trên, mà những thuộc tính ngũ hành của nó luôn luôn trong trạng thái biến đổi. Điều đó sẽ tạo nên những tính chất khác của chính những thuộc tính ngũ hành ấy. Vì vậy, ngoài hai quy luật trên, ngũ hành còn chỉ ra những quy luật liên quan đến tính chất này của chuyển động. Có thể nói những quy luật này do chính sự tương sinh tương khắc của ngũ hành sinh ra. Cụ thể là:

Ngũ hành tương thừa: Cái gì thịnh quá mức thì thừa. Khi đó xem ra “lợi bất cập hại”, khó có thể trông chờ vào cái sự tương sinh. Thổ nhiều quá mức sẽ làm át hẳn kim mà không sinh kim, có khi còn huỷ diệt kim. Kim cực mạnh có thể ngăn chặn thủy mà không sinh thuỷ. Mộc cực vượng có thể huỷ diệt hoả mà không sinh hỏa. Hoả quá thừa có thể làm chai cứng, co rút hoặc bốc hơi mất cả thổ mà không sinh thổ. Đó là toàn bộ ngũ hành tương thừa.

Ngũ hành phản ngược: Ngũ hành tương khắc tuy là quy luật có thật, song không phải vô điều kiện. Còn phải tính đến cả lẽ thịnh suy trên đời. Thổ khắc thủy đấy. Song thủy quá vượng có thể khắc ngược lại thổ suy (nước to vẫn có thể làm vỡ đê). Thuỷ khắc hoả đấy. Song hỏa quá vượng có thể khắc ngược lại thuỷ suy (đám cháy to không thể chữa được bằng một vài xô nước). Hoả khắc kim đấy. Song kim vượng quá có thể khắc ngược lại hoả suy (một que diêm đơn độc khó có thể làm chảy con dao). Kim khắc mộc đấy. Song mộc quá vượng có thể khắc ngược lại kim suy (chiếc đinh rỉ sẽ gãy khi đóng vào gỗ lim). Đó gọi là ngũ hành phản ngược.

Như trên đã nói, chuyển động làm thay đổi vị trí, đồng thời cũng làm thay đổi trạng thái (hay lý, tính) của bản thân cái chuyển động đó. Lý, tính ấy chính là ngũ hành. Vậy ngũ hành đích thực là cái phần “hồn vía”, “mùi vị”, là “bản chất”, “quy luật” của mọi chuyển động. Giả sử lúc bắt đầu, chuyển động ấy có tính “mộc”, thì trạng thái tiếp theo của nó tất phải mang tính “hoả” (bởi “mộc” sinh hoả”). Tiếp theo, nhất định sẽ lần lượt là các trạng thái “thổ”, “kim”, “thuỷ”, rồi lại quay trở lại “mộc”... cứ thế lặp đi lặp lại theo đúng quy luật tương sinh. Nghĩa là “ngũ hành”, trong quá trình “vận hành” theo cái chiều “tương sinh” bất hủ ấy cùng với chuyển động, nó đã mô tả một cách liên tục tính chất phát sinh, phát triển của vũ trụ.

Và một khi “ngũ hành” đã mô tả “trạng thái” (hay lý, tính) của chuyển động, thì đồng thời nó cũng cho ta thấy “vị trí” của chính cái đối tượng (“hạt” hoặc thiên thể, hoặc vũ trụ...) đã tạo nên “chuyển động” đó. Bởi vì một chuyển động (hoặc những đại lượng đặc trưng của chuyển động) một khi đã có tính lặp lại, thì tất có thể biểu diễn “vị trí” của nó trên một đường tròn (như kiểu “vòng tròn lượng giác” vậy). Đó chính là “phương vị” của ngũ hành mà căn cứ vào đó, nếu biết được thuộc tính ngũ hành của đối tượng (“hạt” hoặc thiên thể, hoặc vũ trụ...), chắc chắn sẽ xác định được “phương vị” của nó và ngược lại. Thậm chí còn xác định được phương vị tiếp theo của đối tượng theo quy luật tương sinh, thuận chiều kim đồng hồ. Cụ thể là:

Cung mộc thuộc phương đông.
Cung hoả thuộc phương nam.
Cung thổ thuộc chính giữa (trung tâm).
Cung kim thuộc phương tây.
Cung thuỷ thuộc phương bắc.

Rõ ràng ngũ hành hoàn toàn không phải là 5 “nguyên tố” như người ta lầm tưởng. Thậm chí nó chẳng dính dáng gì đến hai chữ “nguyên tố” cả. Nói cách khác, chính sự chuyển động sinh ra ngũ hành. Nó là như thế, vốn như thế. Người phương Đông không tự “nghĩ” ra nó, mà chỉ “ngửi” thấy những tính chất “đua chen”, “cay đắng”, “ngọt bùi”, “thịnh suy”, “hưng phế”... trong những quá trình của chuyển động rồi đặt cho nó 5 cái tên là “Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ” mà thôi. Đó là 5 thuộc tính (cũng là 5 cái lý) của bất kì một chuyển động có tính lặp lại (dao động) nào. Từ 5 thuộc tính này, người phương Đông bắt đầu chỉ ra những quy luật cực kì tổng quát về sự phát sinh, phát triển, tương hỗ... áp dụng cho toàn bộ các chuyển động của mọi hạt (hoặc mọi thiên thể, vũ trụ...) mà không cần (và cũng không hề) quan tâm đến tính “hạt” của chúng. Một thái độ mới tự tin và kì vĩ làm sao.

Vậy những quy luật tổng quát ấy là gì? Là sự mô tả những trạng thái (sinh, tử, thịnh, suy, cát, hung, mạnh, yếu...) của cái đối tượng là chuyển động (hoặc hạt, hoặc thiên thể, vũ trụ...) gắn liền với sự chuyển vận, biến đổi, tương sinh tương khắc... của 5 thuộc tính (và chỉ có 5 thuộc tính đó, ngoài ra không còn thứ “thuộc tính” nào khác).

Giờ đến công việc mô tả cụ thể những quy luật ấy.

Trước tiên: vì chuyển động lặp lại sinh ra ngũ hành, nên ngũ hành cũng phải có âm, có dương (nghĩa là cũng có chiều theo đúng chiều của chuyển động). Thế là có âm mộc, dương mộc; âm hoả, dương hoả, v.v...

Tổng cộng gồm: 5 hành dương + 5 hành âm = 10 hành. Thập “can” (giáp, ất, bính, đinh...) xuất hiện. Thập “can” chính là những tên gọi hay những “thuật ngữ” ứng với 10 hành đó.

Điều đó có nghĩa là thập “can”, dù có nhà nghiên cứu cho rằng nó được “tìm ra” trước cả “ngũ hành”, thì về mặt bản chất, chính là “ngũ hành” sau khi đã được “phối” Âm, Dương (hay chiều của chuyển động). Trước hay sau chỉ quan trọng đối với các nhà chuyên viết lịch sử. Cái chuyện “sinh con rồi mới sinh cha” âu cũng là điều bình thường trong quá trình phát triển của tri thức nhân loại. Nói cách khác, thập “can” đóng vai trò thay thế cho “ngũ hành” để mô tả “chiều” của chính những “ngũ hành” đó tương ứng với chiều của chuyển động (hoặc hạt, hoặc thiên thể...). Và cũng chính vì vai trò đó mà thập “can” cũng đồng thời chỉ cho thấy cả “vị trí” (hay tọa độ không gian) của chuyển động.

Như thế thập “can” cũng mô tả “vị trí” của “đối tượng” sinh ra chuyển động chẳng khác gì ngũ hành. Vậy tại sao phải “đẻ” ra thập “can”? Bởi vì muốn mô tả chuyển động của những đối tượng (“hạt” hoặc thiên thể hoặc...) ấy, ngoài việc mô tả “vị trí”, còn phải chỉ rõ chiều (âm hoặc dương) của nó. Vậy thì thập “can” (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỉ, canh, tân, nhâm, quý) chính là để thoả mãn yêu cầu mô tả cùng lúc cả tọa độ (về mặt không gian) và chiều chuyển động của hạt (hoặc thiên thể...) trong chuỗi dao động không ngừng nghỉ của nó.

Và cũng bởi cùng mô tả tính chất của chuyển động, nên thập “can” đương nhiên cũng gắn liền với các thuộc tính ngũ hành, nó mang “vị” của ngũ hành. Nói cách khác, nó chính là ngũ hành, chỉ mang danh tính khác để chỉ chiều hướng của sự vận động. Theo đó thì:
  • Giápdương mộc, ấtâm mộc (Giáp, ất đồng thuộc mộc).

  • Bínhdương hỏa, đinhâm hỏa (Bính, đinh đồng thuộc hoả).

  • Mậudương thổ, kỉâm thổ (Mậu, kỉ đồng thuộc thổ).

  • Canhdương kim, tânâm kim (Canh, tân đồng thuộc kim).

  • Nhâmdương thuỷ, quý âm thuỷ (Nhâm, quý đồng thuộc thuỷ).
Đồng thời, thập “can” đương nhiên cũng có phương vị theo đúng phương vị của ngũ hành. Cụ thể:

Giáp, ất thuộc phương đông (cung mộc).
Bính, đinh thuộc phương nam (cung hoả).
Mậu, kỉ thuộc trung tâm (cung thổ).
Canh, tân thuộc phương tây (cung kim)
Nhâm, quý thuộc phương bắc (cung thủy)

Bây giờ nói đến sự vận hành của các “toạ độ” không gian (giáp, ất, bính, đinh...) nói trên. Sự vận hành này tất phải liên tục bởi sự dao động của hạt là không ngừng nghỉ. Song tại sao lại có cái thứ tự đó? Có thể thay đổi được không?

Xin thưa rằng “thập can” một khi đã gắn với những thuộc tính ngũ hành như trên thì thứ tự của chúng là không thay đổi được. Vị trí của hạt (hoặc thiên thể...), hay nói cách khác, các “toạ độ” không gian của hạt (hoặc thiên thể...) trong chuỗi dao động của nó sẽ vận hành theo chiều (quy ước) từ dương sang âm, từ âm lại sang dương... đồng thời tuân theo quy luật tương sinh. Nghĩa là cái thập “can” ấy với tư cách mang theo những thuộc tính ngũ hành sẽ phải vận hành theo đúng quy luật của ngũ hành. Cụ thể như sau (a):
  • Bắt đầu từ “dương mộc” sang “âm mộc” (cũng tức là bắt đầu từ giáp sang ất).

  • Qua “mộc” tất đến “hoả” bởi “mộc” sinh “hoả” (từ dương hoả - âm hoả). Thế là tiếp đến bính - đinh.

  • Qua “hoả” phải đến “thổ” vì “hỏa” sinh “thổ” (dương thổ - âm thổ). Ta được cái tiếp theo là mậu - kỉ.

  • Qua “thổ” sẽ đến “kim” vì “thổ” sinh “kim” (dương kim – âm kim). Tiếp theo nữa là canh - tân.

  • Qua “kim” phải đến “thuỷ” vì “kim” sinh “thuỷ” (dương thuỷ - âm thuỷ). Cuối cùng là nhâm - quý.

  • Hết “thuỷ” lại quay về “mộc” bởi “thuỷ” sinh “mộc” Lại bắt đầu giáp - ất
    v,v...
Cứ như thế, khép kín một vòng tròn ngũ hành ta được: giáp - ất – bính – đinh - mậu - kỉ - canh – tân – nhâm – quý... Lại quay trở lại “giáp - ất”... tiếp tục một vòng khác, như thế mãi.

Ta gọi sự chuyển vận của các “tọa độ” không gian (giáp, ất, bính, đinh...) trên là “vòng ngũ hành” của không gian. Vậy vòng này tuân theo đúng quy luật tương sinh. Nó khởi đầu từ “mộc”. Cụ thể là: mộc - hoả - thổ - kim - thuỷ - mộc...

Đồ hình “vòng ngũ hành” của không gian như sau:

Ta nhớ rằng những “giáp, ất, bính, đinh...” chính là những “dương”, “âm”, là các thuộc tính ngũ hành như vừa nói ở trên. Kết quả là trên những “vòng” ngũ hành của không gian ấy, ta hình dung thấy “ngũ hành” cứ liên tục biến đổi từ dương sang âm, lại quay về dương... đảo chiều liên tục. Đó chính là cái mà người xưa gọi là “khí ngũ hành”. Nó tồn tại và liên tục chuyển vận theo cách thức như thế trong vạn vật từ “hạt” đến “thiên thể”... từ nhỏ đến lớn... cho đến toàn vũ trụ. Chẳng khác gì những dòng điện xoay chiều cũng liên tục đổi dấu khi chuyển động trong dây dẫn, trong các thiết bị, động cơ điện... vậy. Đó chẳng phải sự mô tả một cách tuyệt vời tính “sóng” của vật chất hay sao?

Trên đây mô tả “vòng ngũ hành” của không gian áp dụng cho một chu kì bất kì. Mỗi chu kì đều có vòng ngũ hành không gian riêng của nó. Song các chu kì của chuyển động trong vũ trụ bao giờ cũng ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau theo chiều hướng chu kì nhỏ nằm trong chu kì lớn, chịu sự chi phối của chu kì lớn (nói cách khác, bất cứ một chu kì nào cũng nằm trong “thời” (khí ngũ hành) của một hoặc vô số chu kì lớn hơn nó). Và một khi các “toạ độ” không gian của các chu kì ấy “gặp” nhau, thì ngũ hành một lần nữa lại... “biến”. Cái đó gọi là “thập can hoá hợp”. Hoá hợp như thế nào? Thưa rằng cũng theo quy luật tương sinh. Cụ thể như sau:

Căn cứ vào vòng ngũ hành (của không gian) trên, ta thấy cứ cách một cung, ngũ hành lại khắc nhau. Ví dụ mộc sau khi sinh hoả lại khắc thổ do hỏa sinh; hoả sau khi sinh thổ lại khắc kim do thổ sinh; thổ lại khắc thuỷ, v.v... Khi phối âm, dương thành thập can, ngũ hành bèn mang tính âm dương. Khi đó sẽ thấy rõ một quy luật nữa, đó là âm dương (khác dấu) hút nhau. Nghĩa là trong một nhóm chu kì, nếu các “can” (cũng tức là ngũ hành) có quan hệ tương khắc song khác dấu gặp nhau, sẽ hóa hợp thành một thuộc tính ngũ hành khác. Cụ thể gồm 5 cặp như sau:
  1. Bắt đầu từ giáp (dương mộc), nếu gặp kỉ (âm thổ), dương mộc sẽ khắc âm thổ, hóa hợp thành thổ. Nghĩa là giáp, kỉ hoá hợp thổ.

  2. Cứ thế lần theo quy luật tương sinh, ta có: bởi thổ sinh kim, nên ất (âm mộc) nếu gặp canh (dương kim), dương kim sẽ khắc âm mộc hoá hợp thành kim. Vậy là ất, canh hoá hợp kim.

  3. Tiếp theo, bởi kim sinh thủy, nên bính (dương hỏa), nếu gặp tân (âm kim), dương hỏa sẽ khắc âm kim hoá hợp thành thuỷ. Vậy là bính, tân hoá hợp thuỷ.

  4. Tiếp theo, bởi thủy sinh mộc, nên đinh (âm hoả), nếu gặp nhâm (dương thuỷ), dương thủy sẽ khắc âm hoả hoá hợp thành mộc. Vậy là đinh, nhâm hoá hợp mộc.

  5. Cuối cùng mộc sinh hoả, nên mậu (dương thổ), nếu gặp quý (âm thuỷ), dương thổ sẽ khắc âm thuỷ hoá hợp thành hoả. Vậy là mậu, quý hoá hợp hoả.
Khác dấu (âm, dương) hút nhau. Vậy cùng dấu (dương với dương; âm với âm) gặp nhau thì sẽ đẩy nhau, tương tự như hai cực nam châm. Đối với ngũ hành, sự đẩy nhau sẽ không đưa đến kết quả hòa sinh mà gọi là “phá” (hoặc khắc, xung). Có tổng cộng 10 cặp “phá” như sau:
  1. Giáp (dương mộc) phá mậu (dương thổ) – ( bởi mộc khắc thổ)

  2. Ất (âm mộc) phá kỉ (âm thổ) – ( bởi mộc khắc thổ)

  3. Bính (dương hỏa) phá canh (dương kim) – ( bởi hỏa khắc kim)

  4. Đinh (âm hoả) phá tân (âm kim) – ( bởi hỏa khắc kim)

  5. Mậu (dương thổ) phá nhâm (dương thuỷ) – ( bởi thổ khắc thuỷ)

  6. Kỉ (âm thổ) phá quý (âm thuỷ) – ( bởi thổ khắc thuỷ)

  7. Canh (dương kim) phá giáp (dương mộc) – ( bởi kim khắc mộc)

  8. Tân (âm kim) phá ất (âm mộc) – ( bởi kim khắc mộc)

  9. Nhâm (dương thuỷ) phá bính (dương hỏa) – ( bởi thuỷ khắc hỏa)

  10. Quý (âm thuỷ) phá đinh (âm hỏa) – ( bởi thuỷ khắc hỏa)
Trên đây là ngũ hành của không gian.

Thế còn thời gian thì sao?

Tiếp theo, xin bàn đến thời gian (tý, sửu, dần, mão...) Trước tiên, bởi thời gian cũng sinh ra do có sự chuyển động (thay đổi trạng thái) của hạt (hoặc thiên thể...), nên thời gian cũng phải có chiều tương ứng với chiều của chuyển động. Nghĩa là thời gian cũng phải có âm, dương (lưỡng nghi).

Tuy nhiên, khác với ngũ hành chỉ không gian, thời gian bắt buộc phải có tính liên tục, cho nên không thể có dương , âm , dương sửu, âm sửu, v.v... được, mà phải đến sửu rồi đến dần, đến mão... Thế thì phải ngược dấu với sửu; nghĩa là thuộc dương thì sửu thuộc âm. Sửu phải ngược dấu với dần suy ra dần thuộc dương. Dần ngược dấu với mão, vậy mão thuộc âm, v.v... cứ thế lần lượt một âm đến một dương cho đến hết vòng rồi lại quay trở lại từ đầu. Quá trình chuyển vận của vòng thời gian vậy là cũng đổi dấu (âm, dương) liên tục, cũng giống như một dòng điện xoay chiều mà không hề mang dáng dấp nào của dòng điện một chiều. Điều lý thú là tính dương, âm hay thuận, nghịch này của thời gian trong học thuyết âm dương ngũ hành ban đầu cũng là một quy ước, chẳng khác gì những qui tắc bàn tay trái hoặc quy tắc bàn tay phải... trong môn vật lý học hiện đại vậy. Sau một lần qui ước, từ đó trở đi tuyệt đối không được thay đổi nữa.

Nếu sự chuyển vận của không gian sinh ra 5 thuộc tính (hoặc lý) gọi là ngũ hành như trên, thì quá trình chuyển vận liên tục của thời gian cũng lần lượt trải qua 4 tính (hoặc lý) đặc trưng của nó. Cụ thể:
  1. Tính ấm áp, tươi tắn gọi là (mùa) xuân

  2. Tính nóng nực, ẩm thấp gọi là (mùa) hạ

  3. Tính mát mẻ, điều hoà gọi là (mùa) thu

  4. Tính lạnh lẽo, khô hạn gọi là (mùa) đông
Cũng như ngũ hành, 4 thuộc “tính” này của thời gian cũng là những cái “tượng” dùng để mô tả tính chất khác biệt (về mặt trạng thái) của các trình tự thời gian trong quá trình chuyển vận của nó. Sự so sánh giữa các “mùa” nói trên chỉ mang tính tương đối giữa chúng với nhau chứ không câu nệ chúng dứt khoát phải như vậy. Đây chính là một trong những đặc điểm mang tính tổng quát cần phải lưu ý khi nghiên cứu ngũ hành.

Vậy 4 “mùa” trên ứng với các “toạ độ” của thời gian như thế nào? Thời gian khởi từ “dần”, bắt đầu từ “dần” mà chuyển vận theo đúng thứ tự của 12 chi. Gom nhóm 3 “địa chi” làm một để phối “mùa” vào, ta có (b):

“Dần”, “mão”, “thìn” - thuộc (“mùa”) xuân.
“Tị”, “ngọ”, “mùi” - thuộc (“mùa”) hạ.
“Thân”, “dậu”, “tuất” - thuộc (“mùa”) thu.
“Hợi”, “tý”, “sửu” - thuộc (“mùa”) đông.

Quá trình chuyển vận của thời gian gắn liền với sự biến đổi trạng thái của chuyển động (hạt, sự vật...). Trạng thái đó được thể hiện thông qua những thuộc tính ngũ hành của nó theo quy luật tương sinh. Nghĩa là thời gian cũng phải mang những thuộc tính ngũ hành. Vậy ngũ hành của thời gian được xác định như thế nào?

Trước tiên, bất cứ sự phát triển nào cũng trên cơ sở tính “hoá dục, nuôi dưỡng...” của “thổ”, không thể rời xa “thổ”. Do đó lấy “toạ độ” (thời gian) cuối của mỗi “mùa” làm “thổ”. Căn cứ vào (b), “chi” thứ 3 (chi cuối) của mỗi mùa đều thuộc thổ, ta được:

“Thìn”, “mùi”, “tuất”, ”sửu” thuộc thổ

Còn lại 4 cặp: 1- “dần”, “mão”; 2- “tị”, “ngọ”; 3- “thân”, “dậu”; 4- “hợi”, “tý”.

Từ đấy chỉ việc phối chúng với 4 thuộc tính ngũ hành còn lại (trừ thổ đã có) theo đúng quy luật tương sinh. Vì các “toạ độ” không gian khởi từ “mộc”. Vậy nên ta có:

Cặp 1 (“dần”, “mão”) thuộc mộc.
Mộc sinh hỏa. Vì vậy cặp 2 (“tị”, “ngọ”) thuộc hỏa.
Hoả sinh thổ (là thìn, mùi, tuất, sửu đã xác định), thổ lại sinh kim. Vì vậy cặp 3 (“thân”, “dậu”) thuộc kim.
Kim sinh thủy. Vì vậy cặp 4 (“hợi”, “tý”) thuộc thuỷ.

Xin viết lại các thuộc tính ngũ hành nói trên của các “toạ độ” thời gian cho đỡ rắc rối, đồng thời “phối” âm dương. Kết quả thật là kì diệu:
  • Dần, mão thuộc mộc, trong đó dầndương mộc; mãoâm mộc.

  • Tị, ngọ thuộc hoả, trong đó tịâm hỏa; ngọdương hỏa.

  • Thân, dậu thuộc kim, trong đó thândương kim; dậuâm kim.

  • Tý, hợi thuộc thuỷ, trong đó dương thuỷ; hợiâm thuỷ.

  • Thìn, tuất, sửu, mùi thuộc thổ, trong đó thìn, tuấtdương thổ; sửu, mùi âm thổ.
Thay thế tương ứng các thuộc tính ngũ hành này của thời gian vào (b), ta tìm được “vòng ngũ hành” của thời gian như sau:

Xuân: dương mộc – âm mộc – dương thổ
Hạ: âm hoả - dương hoả - âm thổ
Thu: dương kim – âm kim – dương thổ
Đông: âm thuỷ - dương thuỷ - âm thổ

Đồng thời, thời gian cũng chỉ ra vị trí của chuyển động (“hạt”) hoặc ngược lại, vị trí của chuyển động (“hạt”) cũng chỉ ra “tọa độ” thời gian theo đúng tính chất của ngũ hành. Căn cứ vào các kết quả trên, ta dễ dàng suy ra:
  • Dần, mão thuộc phương đông (mộc)

  • Tị, ngọ thuộc phương nam (hoả)

  • Thân, dậu thuộc phương tây (kim)

  • Tý, hợi thuộc phương bắc (thuỷ)

  • Thìn, tuất, sửu, mùi thuộc trung tâm (thổ)
Thể hiện trên đồ hình sau:


Đồ hình trên cho thấy rõ ràng vòng ngũ hành của thời gian không giống với vòng ngũ hành của không gian như phần (a) trên kia đã mô tả. Diễn theo phương ngang thì “vòng ngũ hành” này của thời gian sẽ như sau (lưu ý có sự “đổi dấu” dương, âm liên tục): +mộc -mộc +thổ-hỏa+hoả-thổ+kim-kim+thổ-thuỷ+thuỷ-thổ+mộc-mộc+thổ, v.v... Tính cả dương lẫn âm, thì trong vòng này, ngoại trừ thổ xuất hiện 4 lần (hoặc âm hoặc dương cách đều), 4 thuộc tính còn lại mỗi thuộc tính chỉ xuất hiện 2 lần (dương liền tới âm). Tổng cộng 1 vòng có 8+4=12 thuộc tính thay nhau xuất hiện. Con số 12 này phản ánh một chu kì lặp lại của ngũ hành về mặt thời gian. Nhìn trên đồ hình phương vị, ta thấy các chuyển vận của vòng này luôn hướng về tâm (thổ).

Vậy là thời gian một khi đã trôi đi cùng với chuyển động, nó không còn là một đại lượng vô cơ, vô hồn nữa, mà luôn luôn biến hoá về chất, cả “lý” lẫn “tính”. Quả là mỗi “thời” mỗi khác, không “thời” nào giống với “thời” nào... Và một khi đã mang những thuộc tính của ngũ hành, thì thời gian cũng phải tuân theo những quy luật tương sinh, tương khắc... như của ngũ hành. Ngoài ra, với tính chất là một “tọa độ” đặc biệt, chỉ “khoảng cách” giữa các “trạng thái” của chuyển động, trên cơ sở bị chi phối bởi các thuộc tính ngũ hành, cũng như các “tọa độ” không gian kể trên, thời gian trong một nhóm chu kì (ví dụ giờ, ngày, tháng, năm... chẳng hạn) nếu “gặp” nhau, chúng cũng sẽ “biến hoá” hoặc tác động lên nhau thông qua những mối quan hệ sau:

Quan hệ nhị hợp: sửu hợp thành thổ; Dầnhợi hợp thành mộc; Mãotuất hợp thành hoả; Thìndậu hợp thành kim; Tỵthân hợp thành thuỷ; Ngọmùi hợp thành thổ.

Quan hệ tam hợp: Thân + tý + thìn hợp thành thuỷ; Hợi + mão + mùi hợp thành mộc; Dần + ngọ + tuất hợp thành hỏa; Tỵ + dậu + sửu hợp thành kim.

Quan hệ tương xung: xung khắc với ngọ; Sửu xung khắc với mùi; Dần xung khắc với thân; Mão xung khắc với dậu; Thìn xung khắc với tuất; Tỵ xung khắc với hợi.

Quan hệ tương hại: Tý, mùi tương hại; Sửu, ngọ tương hại; Dần, tỵ tương hại; Mão, thìn tương hại; Thân, hợi tương hại; Dậu, tuất tương hại.

Quan hệ tương phạt: phạt mão, mão phạt tý. Xét trong quan hệ trên dưới, cha con, thầy trò... đại loại thuộc về “lễ”.

Dần phạt tỵ, tỵ phạt thân, thân phạt dần. Trong các mối quan hệ vai vế, quyền thế...

Sửu phạt mùi, mùi phạt tuất, tuất phạt sửu. Trong các mối quan hệ ân huệ, ơn nghĩa...

Thìn, ngọ, dậu, hợi tự phạt (tự kìm hãm nhau)

Trên đây là những quy luật tổng quát của các “toạ độ” thời gian vận hành theo những thuộc tính ngũ hành áp dụng cho mọi thiên thể (hoặc hệ thiên thể...), nói cách khác, áp dụng cho mọi chuyển động hay mọi chu kì. Điều đó có nghĩa là cũng như những “tọa độ” không gian (ngũ hành), mỗi chu kì cũng đều có một hệ “toạ độ” thời gian riêng của nó. Những chu kì dao động dù là của một hạt cơ bản, của một nguyên tử, một phân tử, của Trái đất, Mặt trăng, Mặt trời, hay của cả Hệ Mặt trời, v.v... đều vận hành theo cái “vòng” tí, sửu, dần, mão... riêng của mình cùng những thuộc tính ngũ hành bất hủ của chúng. Đây quả là một điều kì diệu của học thuyết âm dương ngũ hành. Thời gian té ra không tuyệt đối, không có một thứ “thời gian” của một “thiên thể” (hay chu kì) bất kì nào (mà thuyết Tương đối gọi là “hệ quy chiếu”) thay thế cho tất cả. Mặc dù cũng “tí, sửu, dần, mão...” đấy, song “ngày” của electron không thể dài bằng “ngày” của cả nguyên tử, “ngày” của nguyên tử khác “ngày” của phân tử... cũng như “ngày” Trái đất không giống “ngày” sao Mộc hay “ngày” Mặt trời, Hệ Mặt trời, v.v... Chẳng khác gì câu chuyện Từ Thức lấy tiên, lên “trời” một ngày bằng ba trăm năm hạ giới... Thế là chỉ riêng về mặt thời gian, ngũ hành xem ra không hề mâu thuẫn với thuyết tương đối của Einstein vĩ đại một tí nào, khác chăng là ngũ hành có trước Einstein hàng nghìn năm mà thôi.

Như trên đã nói, sự chuyển vận từ giáp đến ất... cuối cùng cho đến quý... (đương nhiên) làm thay đổi trạng thái của không gian (ngũ hành). Vì thế mà tạo nên thời gian. Thời gian cũng phải chuyển vận theo, đồng thời cũng liên tục “đổi dấu”. Bắt đầu từ “tý”, đến “sửu”, rồi “dần”, “mão”... Thời gian với tính chất là “khoảng cách” giữa các trạng thái của chuyển động, nghĩa là các “toạ độ” của không gian ngũ hành (cụ thể là 10 can “giáp, ất, bính, đinh...”) luôn vừa biến đổi, vừa “trôi” theo vòng thời gian. Kết quả là tại bất kì một “tọa độ” không gian nào, cũng có thể xác định được một “toạ độ” thời gian tương ứng và ngược lại, bất kì một “tọa độ” thời gian nào, cũng xác định được một “toạ độ” không gian tương ứng. Lưu ý đến chiều của chuyển động (dương, âm), đem 10 “can” (hay 10 “tọa độ” không gian) lần lượt kết hợp với 12 “chi” (hay 12 “tọa độ” thời gian), theo quy luật dương với dương, âm với âm sẽ tạo nên các “tọa độ” Không - Thời gian (Can, Chi) của mọi chuyển động. Đó chính là 60 “hoa giáp” như chúng ta đã thấy xưa nay.

Khi kết hợp thành các “toạ độ” Không - Thời gian, giờ đến lượt các “toạ độ” (Can, Chi) ấy trong quá trình chuyển vận cũng liên tục đổi dấu từ dương sang âm, lại từ âm sang dương... Ví dụ từ “giáp tý” (dương) đến “ất sửu” (âm), lại đến “bính dần” (dương) rồi “đinh mão” (âm), v.v... vẫn giống hệt một dòng điện xoay chiều.

Tại sao khi kết hợp Can với Chi thành “toạ độ” Không - Thời gian, phải tuân theo quy luật dương đi với dương, âm đi với âm? Ví dụ dương mộc là “giáp” thì chỉ có thể đi với tí, dần, thìn... (đều dương) mà không thể đi với sửu, mão, tỵ... (đều âm), v.v... Bởi một Can + một Chi vừa chỉ “toạ độ” Không - Thời gian của chuyển động, vừa chỉ chiều (hoặc thuận, hoặc nghịch) của chuyển động ấy. Mà Âm, Dương cũng chính là “chiều”. Cho nên một “toạ độ” Can, Chi tất nhiên không thể cùng lúc mang hai chiều ngược nhau được.

Tuy nhiên, bạn cứ thử làm “nghịch” cái quy luật ấy đi (chẳng ai cấm), ví dụ ghép “giáp” với “sửu”; “ất” với “dần”... chẳng hạn, bạn cũng sẽ được đúng 60 “toạ độ” Không - Thời gian ảo (không tồn tại) ví dụ:”giáp sửu”; “ất dần”; “bính mão”... Song 60 “toạ độ” ảo ấy cũng chứa đựng không ít quy luật lý thú đâu nhé. Ở những “toạ độ” này, không gian và thời gian ngược chiều nhau, sự chuyển vận của ngũ hành trong cả Không - Thời gian sẽ lập tức dừng lại, chuyển động bị triệt tiêu, vật chất biến mất. Ở cái “sát-na” cuối cùng trước khi biến mất ấy, “chuyển động” rơi vào “toạ độ” Không - Thời gian ảo. “Toạ độ” ảo đó tất nhiên cũng mang một thuộc tính ngũ hành nào đó. Nếu thuộc tính đó là “hoả” sẽ giải phóng ra năng lượng (dưới dạng photon chẳng hạn), thuộc tính đó là “thổ” sẽ hấp thụ năng lượng để biến thành một chuyển động khác, v.v... Đừng cho đấy là chuyện vô bổ, nhảm nhí. Cái ấy xin được gọi là “phản ngũ hành”. Biết đâu sẽ có lúc con người phải dùng tới cái món “phản ngũ hành” này thì sao? Ví dụ khi nghiên cứu về “phản vật chất” chẳng hạn? Khoa học chẳng đã từng phát hiện ra sự biến mất tăm tích của vô số loại “hạt” đó sao? Hy vọng sẽ có dịp quay trở lại câu chuyện lý thú này.

© 2007 talawas