trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
30.12.2003
Quốc Việt
Mồ yên mả đẹp
 
Tôi đã định không có ý kiến gì về cuộc tranh luận quanh Trần Đình Hượu (TĐH), nhưng đọc ý kiến của anh Ngô Tự Lập (NTL) lần thứ hai, tôi lại muốn góp một vài ý kiến quanh bài viết Ongtalawas. Tôi chẳng có ý định phán xét GS TĐH, cũng như những đánh giá của anh NTL về tính khoa học trong các bài viết của TĐH, mặc dù để ý kĩ thì không phải là không có nhiều điều thú vị trong cuộc tranh luận này. Điều thú vị hơn, với tôi, là lối suy nghĩ được thể hiện trong bài viết Ongtalawas.

Có 3 điều quan trọng trong bài Ongtalawas. 3 điều mà so với chúng thì những nhận xét về TĐH, và về tính khoa học, theo tôi, chỉ là những điểm vặt vãnh.

  1. trước khi đòi hỏi hoặc phê phán, cần phải định danh người được phê phán.
  2. một giáo sư thì không cần thiết phải có hệ thống, tính khoa học.
  3. một cuốn sách giáo khoa cũng không cần thiết phải có hệ thống, tính khoa học.

Điều thứ nhất giải thích vì sao ở Việt Nam ít có các cuộc tranh, thảo luận về những gì đã được viết ra, mà chủ yếu tranh luận để định danh, định vị các tác giả là chính. Điều thứ hai giải thích vì sao chất lượng nghiên cứu khoa học của giáo sư ở Việt Nam không cao. Còn điều thứ ba giải thích vì sao chất lượng sách giáo khoa ở Việt Nam kém như người ta thường ca thán.

*


Theo tôi hiểu thì Patrick Raszelenberg (PR) phê phán TĐH không phải vì ông là một cái gì đó cần phải phê phán mà đơn giản vì những gì đã được ông viết ra. Đối với PR, TĐH có thể là bất cứ ai. Cái mà PR hướng tới không phải là đòi hỏi đối với TĐH mà là phê phán một lối suy nghĩ, một cách trình bày. Điều đó hoàn toàn khác với việc đòi hỏi một cá nhân, một giáo sư hay một nhà nghiên cứu. Lẽ dĩ nhiên, là giáo sư thì chỉ cần có học trò. Và TĐH có lẽ chẳng cần phải đề cao sự chính danh ấy, cho dù ông có am hiểu văn hoá phương Đông hay không. Là một nhà gì khác thì khó có thể vì một lời nhận xét mà ngay lập tức lại trở nên là hay không là. Tuy nhiên, đó lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Một người có thể biện minh là ở đây đang đề cập đến cái một cái gì riêng, chứ không nói đến cái chung. Nhưng nếu đề cập đến riêng TĐH, thì tại sao lại phải định danh TĐH như một GS trước đã? Tại sao không tranh luận thẳng là TĐH không khoa học, không lô gích, không hệ thống như PR đã làm mà lại phải tốn công định danh TĐH là gì trước đã? Phải chăng nếu TĐH không phải là GS thì các thảo luận về các bài viết của ông mới có ý nghĩa? Ở đây có 2 điều không được phép nhập nhằng: hoặc là GS TĐH không có phương pháp, hệ thống, quan điểm riêng. Hoặc là giáo sư nói chung không có phương pháp, hệ thống, quan điểm riêng. Ngoài ra, lại có một vấn đề khác nảy sinh: trong khi có thể thoải mái phê phán về việc không có quan điểm riêng, thì với phương pháp, hệ thống, và tính khoa học lại không thể phê phán là không riêng một cách dễ dãi như vậy. Ngược lại, tính hệ thống, tính khoa học chỉ có thể là những chuẩn mực chung được nhiều người chấp nhận. Ít ra, tôi chưa nghe ai phê phán về việc không có một lôgích riêng, một tính khoa học, và tính hệ thống riêng cả.

Cũng giống như thế, sách giáo khoa, theo anh NTL lại là một cái gì đó mà chẳng cần đến
tính hệ thống, tính khoa học và tính lô gích. Nếu không thì anh đã phải nói là các cuốn sách của TĐH, chứ không cần gán cho nó một cái nhãn là sách giáo khoa trước cả khi phán xét về nó. Trong khi theo tôi thì sách giáo khoa lại là thứ cần theo những chuẩn mực cao nhất về tính hệ thống, tính khoa học, và tính lô gích. Lẽ dĩ nhiên, mỗi người một ý kiến về sách giáo khoa. Một ý kiến hoàn toàn ngược lại không phải là không thể có. Trong trường hợp như vậy thì liệu có thể mong đợi những cuốn sách giáo khoa tốt chăng?

*


Có lẽ cả 3 điều trên là những điều đáng buồn nhất trong những điều đáng buồn trong một bài viết. Một cách ngắn gọn, một người khoanh một vòng tròn, một vị trí, rồi đặt một tác giả vào trong cái vị trí ấy. Thế là hết. Từ nay ta chỉ việc ung dung áp dụng những hiểu biết, có thể là rất không đầy đủ và sâu sắc, về cái vòng tròn ấy, mỗi khi cần nói đến tác giả đã được dán nhãn, bởi cái vòng tròn kia. Thật là giản đơn và tiện lợi.

Bài Ongtalawas nhằm nói lên một điều: ông X là một nhà giáo. Những cuốn sách của ông hoặc là sách giáo khoa, hoặc là cảm tính, thế thôi; và xin đừng đòi hỏi tính khoa học và hệ thống trong các cuốn sách của ông. Cả bài không chỉ dựa trên mà còn nhằm xây dựng các giả định sau:

  • không nên phê bình, đòi hỏi một tác giả, nếu không gán nhãn được tác giả đó trước.
  • làm giáo sư, viết sách thì không cần phải hệ thống, khoa học và có quan điểm riêng. Nói một cách khác, nếu một tác giả là giáo sư thì không nên đòi hỏi tính hệ thống, tính khoa học ở tác giả đó.
  • sách giáo khoa nói chung, và sách giáo khoa của TĐH nói riêng cũng chẳng cần có hệ thống và khoa học, có quan điểm và tư tưởng riêng. Nói một cách khác, nếu định danh được một cuốn sách là sách giáo khoa rồi thì không nên đòi hỏi tính hệ thống, tính khoa học của cuốn sách đó.

Tôi hi vọng PR không nghe theo lời khuyên của NTL. Bởi nếu nghe theo, thì lần sau, trước khi phê phán ai, ông sẽ phải hỏi tường tận người được ông phê phán 2 câu hỏi sau: ông là giáo sư hay là một nhà nghiên cứu? Và: cuốn sách tôi định phê phán là một cuốn sách giáo khoa hay là một công trình khoa học? Điều đó có thể sẽ làm cho ông chẳng bao giờ có cơ hội để phê phán một ai hay một cái gì ở Việt nam cả.

© 2003 talawas