trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
22.1.2004
Nguyễn Văn Cường
Nên khách quan hơn trong phê phán
 
Trong bài Gởi Trần Văn Hậu và học trò của giáo sư Trần Ðình Hượu (talawas, 14.01.04) Trần Lai Khê nhận định: "Vì Trần Ðình Hượu không được huấn luyện phương pháp nghiên cứu khoa học nên đã phạm những sai lầm sơ đẳng". Tôi thấy những lập luận của Trần Lai Khê cho nhận định này không xác đáng. Tuy không phải học trò của Trần Ðình Hượu, nhưng tôi muốn nêu mấy ý kiến về quan điểm đánh giá, liên quan đến một số ý kiến của Trần Lai Khê.

Trần Lai Khê đặt câu hỏi: "Một nghiên cứu khoa học nên khẳng định hệ tư tưởng là căn bản lý thuyết của nhà nghiên cứu. Căn bản lý thuyết của giáo sư là gì? Chủ nghĩa Mác chăng? Vậy khái niệm `nhà nho tài tử` đứng ở đâu trong duy vật biện chứng, trong cuộc đấu tranh giai cấp?". Trước hết cần lưu ý rằng Trần Ðình Hượu sử dụng khái niệm "nhà nho tài tử" với tư cách một khái niệm xã hội học hoặc văn học chứ không phải khái niệm triết học. Tiếp theo, có thể khẳng định rằng, những quan điểm triết học Mác-Lê nin là cơ sở triết học quan trọng trong những nghiên cứu của Trần Ðình Hượu. Tuy nhiên không có cơ sở để buộc nhà nghiên cứu chỉ được dựa trên một hệ tư tưởng duy nhất, nếu thừa nhận rằng không có một lý thuyết triết học toàn năng. Ví dụ chính Trần Ðình Hượu khi bàn đến các phương thức sản xuất cũng đã khẳng định rằng: "Kết luận của tôi là ở phương Ðông có một con đường phát triển khác, và Nho giáo là gắn với con đường đó chứ không nên nhìn nó theo kiểu 5 phương thức sản xuất" (Trích theo Trần Văn Hậu, talawas, 15.01.04). Như vậy theo ông, lý luận về 5 phương thức sản xuất của chủ nghĩa Mác đã không giải thích thoả đáng con đường phát triển các phương thức sản xuất ở phương Ðông, mà phải gắn với Nho giáo để giải thích. Vì vậy nên tôi cho rằng, nếu thấy khái niệm "nhà nho tài tử" mà Trần Ðình Hượu sử dụng không có chỗ đứng trong "duy vât biện chứng, trong cuộc đấu tranh giai cấp", mà có thể lại có cơ sở từ Nho giáo chẳng hạn thì cũng không thể suy diễn rằng công trình của ông không mang tính khoa học.

Trần Lai Khê nhận định: "Nghiên cứu khoa học phải dựa trên quan sát và thí nghiệm, điều mà chúng ta không hề thấy trong công trình của giáo sư". Các nhà nghiên cứu đều biết một điều tưởng như cũng sơ đẳng rằng: quan sát và thí nghiệm là hai trong nhiều phương pháp nghiên cứu (PPNC) khác nhau, trong đó thí nghiệm được dùng nhiều trong các khoa học tự nhiên. Trong các khoa học xã hội và nhân văn có các PPNC chẳng hạn như quan sát, điều tra dùng phổ biến khi tìm hiểu thực trạng vấn đề, các PPNC lý luận nhằm phê phán hoặc xây dựng, phát triển lý thuyết, trong đó có phân tích, tổng hợp, so sánh, xây dựng mô hình lý thuyết v.v. và phương pháp thực nghiệm nhằm kiểm tra các giả thuyết, mô hình lý thuyết. Không phải mọi đề tài hay mọi nhà nghiên cứu đều cần thiết hoặc có thể sử dụng tất cả các PPNC. Có thể thấy rõ rằng trọng tâm nghiên cứu của Trần Ðình Hượu là nghiên cứu lý luận, vì vậy các phương pháp mà ông sử dụng chắc chắn chủ yếu là các PPNC lý luận. Sẽ là không hợp lý nếu lấy phương pháp quan sát hay thí nghiệm làm thước đo tính chất khoa học trong công trình của ông.

Trần Lai Khê khuyến nghị: "Nếu muốn nghiên cứu khoa học thì người ta nên nghiên cứu đối tượng cụ thể. Ví dụ nếu thực sự muốn nghiên cứu một cách khách quan khoa học những trở ngại trên con đường hiện đại hoá, nhà khoa học nên nghiên cứu suy nghĩ của toàn thể đảng viên Ðảng Cộng sản Việt nam...". Không có gì cần bàn về việc khi nghiên cứu khoa học cần xác định đối tượng nghiên cứu cụ thể. Chủ đề mà Trần Ðình Hượu nghiên cứu là một lĩnh vực rộng lớn, mỗi tác giả có thể chọn những đối tượng nghiên cứu khác nhau, theo những hướng tiếp cận khác nhau. Có thể thấy "những trở ngại trên con đường hiện đại hoá" cũng là một trong những nội dung nghiên cứu của Trần Ðình Hượu, chẳng hạn ông phân tích những đặc điểm của ý thức hệ Nho giáo, trong đó có chỉ ra những yếu tố kìm hãm sự phát triển, hay ông phân tích những sai lầm trong việc áp dụng máy móc những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê nin vào Việt Nam khi không chú ý đầy đủ đến truyền thống văn hoá riêng... Nhưng có lẽ Trần Ðình Hượu đã không chọn đối tượng nghiên cứu là "suy nghĩ của toàn thể đảng viên Ðảng Cộng sản Việt nam..." với tư cách là những cá nhân. Tuy nhiên không thể vì thế mà phủ nhận tính khoa học trong công trình nghiên cứu của ông, vì công trình của ông có những đối tượng, phạm vi nghiên cứu mà ông xác định. Nếu muốn phê phán thì cần bàn đến chính nội dung và đối tượng nghiên cứu mà ông đề cập. Khuyến nghị của Trần Lai Khê có thể coi là gợi ý về một hướng nghiên cứu mà không thể coi là căn cứ để đánh giá công trình của Trần Ðình Hượu (song không nên nói là nghiên cứu suy nghĩ của "toàn thể" đảng viên..., vì điều này thật khó thực hiện với hàng triệu đảng viên. Chẳng hạn người ta có thể nghiên cứu suy nghĩ của các đảng viên thông qua việc chọn mẫu theo phương pháp nghiên cứu điều tra xã hội học).

Trần Ðình Hượu qua những công trình nghiên cứu ông để lại có những đóng góp và những hạn chế, cả về phương pháp luận lẫn kết quả nghiên cứu. Những nghiên cứu phê phán về ông chỉ có tính thuyết phục khoa học và có giá trị thực tiễn khi chúng dựa trên những lập luận xác đáng và cụ thể.

© 2004 talawas