trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
14.6.2004
Mai Lan
Hướng tới một nền học thuật tự do dân chủ
Bài viết như một nhận định chung cho những bài tranh luận đã được đăng trên trang điện tử của talawas
 
Gần đây tôi có theo dõi những bài viết trên talawas, theo tôi những bài viết này đều rất kích thích sự tranh cãi của người đọc, người viết nói chung. Vốn không thích những cuộc tranh cãi đôi khi vừa vô bổ vừa sa đà, quá khích, nên tôi đã suy nghĩ thật kỹ trước khi tham gia. Một cuộc chơi thường đem lại nhiều phiền toái hơn là niềm vui, niềm hiểu biết. Nhưng có lẽ, talawas là một sân chơi mở ra cho tất cả những ai thành tâm muốn tham gia. Dĩ nhiên cũng đôi khi có sạn, ví dụ như đọc được một bài rất hay về một triết gia nào đó, chưa kịp tiêu hóa hết niềm vui thì lại bị “dội bom” bởi một bài viết khá thô thiển, khá đơn giản của một cây bút vô danh nào đó cho rằng người dịch sao quá “khô khan”, quá “khó hiểu” v.v. Ðây là một thực tế khá hiển nhiên trên “chợ trời” văn chương của talawas. Có lần, có người hình như còn đề nghị talawas không nên cho đăng những bài quá kém chất lượng... Sau một thời gian đọc talawas thì tôi bớt dần đi sự dị ứng, bởi vì đọc talawas có hai cách để hiểu biết. Thứ nhất: hiểu thêm được một số vấn đề khá phức tạp do các vị là chuyên gia trong lãnh vực đó, lại có điều kiện gần “nguồn” viết hoặc luận giải. Thứ hai: phản ứng của một số người tạm coi như “đám đông”, công chúng và là xu hướng tạm coi là “một thời, một giai đọan” khá tiêu biểu và có lẽ ở đâu đó cũng còn được xem là khá phổ quát. Do vậy tính hàn lâm và tính đại chúng có cơ hội gặp nhau, cọ xát với nhau. Ðiều đó làm cho con người hàn lâm trong giới trí thức bớt đi phần nào tính trưởng giả, tính quan liêu, xa rời thực tế đời sống để có nguy cơ trở thành những kẻ biệt lập trên một cái đỉnh cao, một vòm cong trí tuệ tưởng tượng hão huyền nào đó...

Còn với những người được coi là “đám đông”, là “quần chúng” của tri thức, họ cũng có quyền tham gia vào diễn đàn với tư cách là những “chủ thể sống” với lời hiệu triệu: “Con người sinh ra ai cũng có quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Nhưng để mưu cầu sự hiểu biết, con người cần có quá trình rèn luyện về tư duy và khả năng diễn đạt. Nhất là trong những chuyên ngành hẹp, không có quá trình rèn luyện mà ham hố hiểu biết ngay, đòi hỏi sự dễ dàng nơi người trình bày là một điều không thể. Về điều này A. Einstein đã nêu một thí dụ.

Khi thuyết tương đối trong vật lý học của A. Einstein ra đời, một nhà báo trong buổi tiếp xúc với nhà bác học đã có lời “đề nghị khiếm nhã”, đề nghị nhà bác học giải thích thuyết tương đối sao cho thật dễ hiểu. Nhà bác học đã hóm hỉnh kể một câu chuyện vui: Có một anh chàng mù bẩm sinh, nghe thiên hạ thường lao xao về một thứ thức uống gọi là sữa, anh chàng động lòng hiểu biết, bèn nhờ một người giải thích cho anh ta hiểu như thế nào gọi là “sữa”. Người kia bèn giải thích rằng: Sữa là một loại chất lỏng có màu trắng. Anh mù bẩm sinh nghe vậy bèn nói, chất lỏng thì tôi biết nhưng màu trắng thì tôi không biết. Do vậy người kia bèn giải thích cho dễ hiểu là: Sữa là một loại chất lỏng thường được đựng trong một cái bình cổ cong. Từ đó chúng ta thấy, những điều tưởng chừng đơn giản với người này lại không đơn giản với người kia.Thay đổi khái niệm, thay thị giác bằng xúc giác (một nhận thức trực tiếp bằng một nhận thức mơ hồ), ta đã đánh tráo bản chất của sự vật, thay đổi chủ đề của câu chuyện. Dĩ nhiên có người sẽ nói: Cho anh ta uống sữa, anh ta sẽ biết ngay. Nhưng khốn thay, vũ trụ kia lại không phải là sữa để nhà bác học A. Einstein có thể cho gã nhà báo kia uống, để gã sớm nhận biết ra thuyết tương đối là gì.

Cũng tương tự như vậy, khi talawas có cuộc tranh luận về Kant với quan điểm Khai Sáng của ông,có độc giả đã lên tiếng cho rằng dịch giả đã làm cho Kant trở nên quá khó hiểu và có một so sánh khá buồn cười là "tôi đọc sách dịch của Marx thì hiểu, còn với Kant thì không". Nhưng ở đây có một sự nhầm lẫn lớn nơi vị độc giả kia, đó là, Marx là phép “duy vật biện chứng”, còn với Kant là “siêu hình học”, do vậy không thể đọc Kant giống như đọc Marx. Càng không thể xem Marx như một thứ “chân lý tuyệt đối” hay là lời giải thích cho mọi thứ lý thuyết nơi thế gian này. Bởi vì xét cho cùng, biện chứng là biện chứng của cái cụ thể. Tuy nhiên, sau đó vị dịch giả dịch Kant cũng đã có một bài trả lời khá hay: I.Kant trên chiếc thuyền nan Việt ngữ. Ðiều đó cho thấy thái độ làm việc nghiêm túc của cả hai phía, một bên có quyền đề nghị, yêu cầu, đòi hỏi... một bên đáp ứng, giải thích... Tóm lại, mọi người cùng làm việc cẩn trọng, khắt khe sao cho tiếng Việt ngày càng trong sáng, chuẩn mực, diễn đạt được mọi cung bậc tình cảm cũng như mọi khái niệm khoa học đòi hỏi cao về sự chính xác, nhất là trong việc dịch Kant ra tiếng Việt, một thử thách rất lớn đối với dịch giả.

Nhân đây tôi cũng xin nói thêm một chút về ý thức “dân chủ, tự do trong học thuật”. Tôi không đi vào những khái niệm, chỉ xin nói về thái độ tranh luận. Khi trao đổi một vấn đề nào đó, cần có sự thẳng thắn và nên tránh thái độ miệt thị người khác. Vì xét cho cùng ai cũng vậy, có điều mình biết, nhưng cũng có điều mình không biết. Dĩ nhiên hai thái độ khác nhau sẽ rất dễ dị ứng với nhau. Nhưng cần phải trao đổi thẳng vào vấn đề của đối tác hơn là né tránh và dùng những thủ đoạn khác. Tôi thí dụ trường hợp của ông Nguyễn Hữu Liêm. Khi ông Liêm có một bài viết trên talawas, thay vì đi vào tranh luận những điều mà ông Liêm nêu ra, một vị độc giả nào đó lại viết một bài “mai mỉa” ông Nguyễn Hữu Liêm, gọi ông là ông “thầy triết” với hàm ý xấu coi ông thầy triết cũng như ông “thầy đời” trong cách gọi của người bình dân. Trong khi, dù sao đi nữa cũng phải nhìn nhận là ông Liêm làm việc chuyên nghiệp và nghiêm túc, nếu không hài lòng với ông ấy thì cũng nên chuyên nghiệp và nghiêm túc như ông ấy hơn là “xì bánh xe” và chơi trò “hàng tôm hàng cá”. Chuyện này không chỉ xảy ra trên talawas, mà trên “chiếc thuyền nan Việt ngữ” nó còn tái diễn dài dài. Tuy nhiên các vị thức giả cũng không nên vì vậy mà buồn. Cuộc đời vốn là như vậy. Và chính thái độ trước những nhiễu nhương của cuộc đời tạo ra bản lĩnh của một cây bút, tạm gọi là những cây bút “triết luận”. Trí thức Việt (nếu có) thường là khá yếu đuối khi bị những “tay ngang tấn công” và phản ứng của giới trí thức thường là quay về với “tháp ngà” của chữ nghĩa. Nhưng cuộc đời là cuộc đời cụ thể, không thể dùng khái niệm để “đánh tráo” cho dù một ai đó có thể rất thông minh. Theo tôi, thông minh chẳng qua đó là sản phẩm của sự tình cờ; ngẫu nhiên bạn sinh ra và ngẫu nhiên bạn sở hữu một bộ óc “nặng ký” hơn người khác. Nếu bạn thông minh mà bạn chẳng đem lại điều gì hữu ích cho cuộc đời, thì cũng vô dụng như người đẹp ngủ trong rừng – một nhan sắc chẳng hề ân ái với ai. Còn nếu cậy mình thông minh mà hợm hĩnh thì cũng giống như cậy khỏe mà hiếp yếu vậy. Tuy con người là sản phẩm của sự tình cờ, nhưng chọn lấy cây bút thì hầu như chẳng tình cờ chút nào. Là một sản phẩm của ý thức - nó phải được viết bằng ý thức - ý thức dấn thân và lựa chọn. Con người chỉ có thể trở thành con người giữa đồng loại của mình, trên kinh nghiệm mà nó sở hữu cùng với đồng loại của nó, giữa cái biết và cái chưa biết, con người là một song hành giữa ý thức và kiến tạo. Viết, tranh luận là một hành vi kiến tạo trên một thực tại mà còn chưa được hoàn toàn khẳng định. Do vậy học thuật phải gắn liền với tự do dân chủ như một thiết yếu không thể tách rời, nhất là trong thời đại thông tin nhanh và các sản phẩm tinh thần cũng như vật chất ra đời ào ạt, điều đó làm cho con người thông minh hơn, đồng thời có nguy cơ tụt hậu cũng nhanh hơn, nhất là với những kẻ luôn cho rằng điều họ “sở hữu” trong cái sự biết là duy nhất đúng và bất biến – như một chân lý vĩnh hằng.

Quay trở lại với những cuộc tranh luận trên talawas, có lẽ trong không gian Việt ngữ hiện nay hiếm có được trang điện tử nào giống như talawas, bởi hai lẽ. Thứ nhất, trang báo được cập nhật mỗi ngày. Thứ hai, các bài viết trên talawas, là một “tập đại thành thượng vàng hạ cám” theo sát tiến trình văn hóa văn nghệ trong nước. Chẳng hạn như vụ “Hoa thủy tiên” do Nguyễn Huy Thiệp khởi xướng. Trong nước thì có sự phản ứng của “nhà thơ đương đại” Trần Mạnh Hảo, ngoài nước thì có nhà thơ Ðỗ Kh. và một vị hình như là tiến sĩ gì đó tham gia. Ðiều mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp phát biểu dường như chẳng có gì gọi là mới mẻ, đó là điều hầu như ai cũng biết, nhưng nhiều người không nói ra, vì nó thuộc “phạm trù” mà cụ cố Hồng bằng kinh nghiệm sống lâu lên lão làng đã phán: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!. Khi nói mà không thay đổi được gì thì người ta có tâm lý ngại nói. Và các nhà văn An Nam xưa nay vốn không phải là những người có tư duy khoa học, bây giờ lại phải viện dẫn ra bao nhiêu phần trăm là “vô học”, rồi trên cơ sở của một thứ thống kê không hề được khảo sát, lọai thống kê “khống” để cãi nhau về sự chính xác trong ý kiến của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là không xác đáng. Bởi vì đâu có cần thiết phải cãi nhau về những thực trạng đáng buồn trong văn nghệ Việt Nam, chẳng hạn như xưa kia ông Tố Hữu có làm câu thơ: “Ðường ta rộng thênh thang tám thước” thì nhiều người cũng “chậc lưỡi” cho qua – thơ mà! Hay như Tố Hữu hào hứng hơn trong cái đặc tả mênh mông về cái sự vụ gọi là “dép lốp bước lên tàu vũ trụ” thì cũng được cho qua thôi, thơ Việt Nam mà, mênh mông cái linh hồn thời đại mà, ai đâu có cần chính xác chi ly làm chi, làm ra lại thành ra cái con người hẹp hòi, mất tính cách thơ đi (!). Nhưng có điều nếu như anh Trần Mạnh Hảo có gì không bằng lòng với cách nói, cách nghĩ của Nguyễn Huy Thiệp thì xin anh lên tiếng bằng cách đưa ra lý lẽ của mình, chứ xin anh đừng lôi các vị thi hào, thi bá trong văn học sử ra mà đè người, càng không nên “lu loa” giữa làng để kéo cả Hội nhà văn vào cuộc để “bề hội đồng” người ta, như thế vừa không sòng phẳng vừa không lương thiện. Tài năng của anh Trần Mạnh Hảo thì có lẽ nhiều người đã biết, nhất là sau cái vụ anh đại chiến với các vị giáo sư ở Hà Nội. Nhưng có lẽ anh Trần Mạnh Hảo sẽ thuyết phục người đọc hơn nếu như anh bỏ đi cái lối tranh luận như thế này: Sau khi nghe một vị giáo sư hay học giả gì đó cho rằng ngày nay thiếu vắng những cây bút “đầu tàu” trong phê bình, trong học thuật thì anh Hảo ngay lập tức phản biện: Thế còn cơ quan cấp trên đâu, Ðảng đâu mà phát biểu như thế. Chính cái lối hùng biện kiểu như thế làm cho mấy vị hàn lâm ở Hà Nội tỏ ra lúng túng và thất thủ trước cái lối “lu loa” rất điệu nghệ của anh Hảo. Ðiều đó cho thấy nhà thơ Ðỗ Kh. quả là... khờ, khi gọi anh Hảo là “chú bé hồn nhiên”. Tuy nhiên thật vô nghĩa khi đặt ra câu hỏi: Ai đứng sau lưng anh Hảo?, bởi vì điều đó gợi lại tàn dư của thời chiến tranh lạnh và làm vẩn đục bầu không khí của tinh thần dân chủ mà xã hội Việt Nam đang hăm hở tiến tới. Anh Hảo chẳng qua chỉ là kẻ lạc điệu đã không tự biết mình, dù cũng phải nhìn nhận là anh ấy rất thông minh, tuy nhiên anh Hảo nên suy nghĩ nhiều hơn nữa trước khi trích “Chúa”, trích “Phật” bởi vì hai vị ấy chắc không dám “chứng” cho anh đâu.

Nhân cái vụ “Hoa thủy tiên” của Nguyễn Huy Thiệp mới thấy các nhà văn An Nam chúng ta thông minh thật. Từ văn chương mà biến thành ra hoa thủy tiên, rồi sau đó mọi người được vị tiến sĩ gì đó bên ngoại quốc dẫn đi uống cà-phê hoài niệm và công thức pha cà-phê... nhanh, để rồi sau đó nghe thi sĩ Ðỗ Kh. “lên lớp” vị khoa bảng kia về cái sự tính múi giờ trớt quớt (Tôi rất khâm phục Ðỗ Kh. về đoạn này) nhưng vị tiến sĩ kia quả là lợi hại khi tung cú “hồi mã thương” – chiêu thức gần như đã tuyệt tích giang hồ của cố nhà thơ- Quan Vân Trường – Khi cho rằng cách tính giờ của Ðỗ Kh quả là lạc hậu, ai lại nhìn đồng hồ Big Ben mà so đo với “đồng hương, đồng khói”, mà theo cách tính của cụ cố “hậu hiện đại” là phải tính bằng... giờ bay cơ. (Ðúng là dân đi Tây sướng thật, bà con An Nam được dịp mở rộng tầm nhìn, từ hoa thủy tiên - loài hoa mà dân nhà quê như tôi chưa một lần được “hân hạnh” diện kiến, rồi tới các kiểu lọai cà-phê, cách tính giờ quốc tế và... hậu hiện đại). Nói tóm lại, xin cám ơn các nhà văn An Nam. Chúng ta thông minh thật sự, chứ không có đùa! Lối nói lòng vòng này cho thấy chúng ta rất sở trường “về khoản” du kích chiến, đường hướng thì “đố” biết đâu mà lần. Do vậy, Tây –Tàu-Mỹ-Nhật cứ là phải đua nhau ôm đầu máu mà chạy. Hay thật! Từ cách “hành” văn của người “bổn địa” mà tìm ra đường hướng “chiến tranh” và giải thích được những chiến thắng “huyền sử” của người Việt, quá xá thông minh và đáng được... tán thưởng. Vâng! Cái gì tôi cũng hiểu, nhưng mỗi cái sự vụ “chửi có thưởng” mà anh Hảo “gán” cho anh Thiệp thì tôi không hiểu lắm, là vì tôi thấy anh Hảo cũng chửi dữ lắm mà, sao không thấy có ai thưởng cho anh ấy? Nói như thế không có nghĩa là tôi bênh các nhà văn, thực ra văn chương Việt Nam cũng chẳng hơn gì thi ca Việt Nam, có điều số người viết văn xuôi không nhiều bằng các nhà thơ để tạo thành phong trào rộng khắp Nhà nhà “làm” thơ, người người “hành” thơ. Có lẽ theo đa số áp đảo thì Hội nhà văn nên đổi thành Hội nhà thơ, như thế mới là công bằng và phụng hiến sự cho đông đảo đại chúng... sự. (Ðoạn này, tôi xin lỗi vì thử bắt chước các nhà “hậu hiện đại” thử nhái giọng của các anh Bùi Chát/Bùi Chét xem thế nào, xin làm ơn đừng giở từ điển văn phạm ra tra mất công).

Khi đang viết dang dở bài này, tôi lại đọc được bài mới (Cú điện thoại của nhà thơ Trần Mạnh Hảo) trên talawas. Tôi vội “cập nhật” ngay trong bài viết, dù tôi vẫn chưa dám tin đây là sự thật. Chẳng lẽ một người như anh Hảo – mưu toan là một nhà “học phiệt” nay lại sớm rẽ lối thành một nhà “quân phiệt”. Nếu đúng, thì quả thật đáng lo cho cái gọi là Ðổi mới và tự do, dân chủ ở Việt Nam. Và đây có lẽ cũng không phải là lần đầu tiên, ở Việt Nam có vụ một nhà thơ không tin vào “quyền năng” của ngòi bút, của tự do tranh luận, đến mức phải đi tìm một thứ quyền lực khác. Ngày anh Tố Hữu còn đương chức, ít ai dám có ý kiến về thơ của anh ấy, trừ những lời ca ngợi, chỉ vì chức của anh ấy to quá, nếu anh ấy “nổi giận” thì thật là mệt. Nhưng từ ngày Tố Hữu “mất chức” xem ra anh ấy có vẻ thông minh hơn, đồng thời cũng dân chủ hơn. Thế nếu như bây giờ quyền chức rơi vào tay của anh Trần Mạnh Hảo, rồi anh ấy lại đưa ra những lời hăm dọa như đã dẫn trong bài nói trên thì mọi người phải làm sao? Nhưng tôi hy vọng đây chỉ là một sự nhầm lẫn hay là một phút cao hứng của nhà thơ Trần Mạnh Hảo – người rất thích chơi trò “cáo mượn oai hùm”. Nhân đây tôi cũng xin nói thêm, không phải chỉ có một mình anh Hảo mới thích “hăm dọa” người khác, có nhiều vụ khác, tuy không nghiêm trọng bằng và cũng vì không được báo nêu. Có vụ, chỉ vì tranh cãi sao đó mà có anh nhà thơ đã dắt theo hai tay “anh chị”, đến nhà của một anh nhà văn định xin anh kia “tí huyết” để kỷ niệm những ngày xưa thân ái! Nhưng may là anh nhà văn nọ đi vắng, mẹ anh nhà văn đã phải ra xin lỗi và năn nỉ nhà thơ tha cho con trai mình. (Sau này cả hai vị kia đều thành danh). Một trường hợp khác, năm đó Hội nhà văn Việt Nam trao giải cho một nhà thơ, có nhà thơ kia không phục, do vậy anh kia trong lúc bia bọt đã “ngẫu hứng lý qua cầu” mà rằng: Hội nhà văn có lẽ bị điên nên mới trao giải nhầm như thế! Tin đến tai thi sĩ được giải nọ (lúc đó đang công tác trong một cơ quan khá là quyền lực), thi sĩ bèn phán: Phải làm một cái công văn đưa thủ trưởng ký, gởi sang cơ quan của thằng “mất dạy” kia, hạch nó về tội phát biểu linh tinh, vô kỷ luật! Nói tóm lại, trong làng văn chương Việt Nam luôn có những con sâu – những kẻ thích hành xử theo kiểu “giang hồ, bạo lực”, do vậy trước hết những người cầm bút phải là một tấm gương cho dân chủ và chữ nghĩa, nếu không làm cho gương sáng thì cũng xin đừng bôi đen, bôi bẩn.

Nhân đây, xin phép được ra khỏi “vùng bạo lực” để đề cập tới một loại “hành văn” khác: Văn chương vô bằng cớ. Trên talawas gần đây có bài của một vị ký tên là Lý Ma, không biết là ma cỡ nào, nhưng Lý Ma cho rằng Nguyễn Quốc Chánh “giẫm chân” Ðinh Linh, trong khi không đưa ra được chứng cớ. Chẳng hạn nêu ra được những “giẫm chân” trong thơ (Nêu thơ của cả hai phía để người đọc tự so sánh), trích dẫn những phát biểu v.v. Tối thiểu phải là như thế, chưa kể phải nêu ra niên biểu xem ai có trước và ai có sau (đó là nói về lý thuyết). Chứ trên thực tế thì nhận định của Lý Ma chỉ là ý kiến của một... con ma – không bằng cớ !

Bạo lực (dù chỉ là bạo lực miệng và mượn danh quyền lực) cũng như văn chương vô bằng cớ (như một sự vu khống, một loại “tin đồn” có ác ý) là một trở ngại rất lớn trong việc hành văn vì tự do và dân chủ – cho một xã hội công bằng và văn minh. Ðây là một ngưỡng tâm lý của xã hội Việt Nam và đặc biệt là giới cầm bút Việt Nam. Trong khi những người cầm bút còn chưa tự khai sáng mình về ý thức dân chủ và cách hành xử sao cho dân chủ trong giới cầm bút với nhau, thì thử hỏi họ còn khai sáng ai? Và họ cần viết về cái gì? Có thể tin được không những kẻ mở miệng ra là tổ quốc, là nhân dân, là hồn thiêng sông núi như một sự lên đồng, viện cớ những linh thiêng để “đàn áp” những người khác suy nghĩ với mình, làm như thiên hạ là thiên hạ của “trẫm”, chân lý là chân lý của “trẫm”... Nhưng thôi, biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Nhưng người nói thì cũng phải có người nghe, người trao đổi chứ! Xã hội là một tập hợp những con người, những cá nhân sống động, chứ phải đâu là bức tường thành rêu phong và câm lặng?

Nói như thế không có nghĩa là sổ toẹt hết tất cả, nhất là sau khi vượt qua cả một thế kỷ - thế kỷ 20 -đầy những thương đau, máu lửa, hận thù của những cuộc tranh luận bằng cách “chạm súng”, để rồi lại phải vượt qua những năm tháng tăm tối của thời bao cấp. Cho đến những năm tháng đổi mới và mở cửa – không phải không có nhiều điều khiến cho người ta phải cười trong nước mắt. Tuy thế, tương lai, hạnh phúc của người Việt trước hết nó được quyết định bởi những cố gắng, những nỗ lực của người Việt chứ không do thần thánh hay các siêu cường quyết định thay cho người Việt. Do vậy, những tranh luận trong văn chương, trong học thuật và trong nhiều lãnh vực khác là cần thiết (nó thể hiện những cố gắng tối đa của người Việt trên bước đường mưu sinh, lập nghiệp và mưu cầu hạnh phúc). Tuy nhiên, những ấu trĩ, những quá khích, những mưu toan quay trở lại con đường cũ là không thể tránh khỏi trên bước đường đi đến tự do – dân chủ và hạnh phúc của người Việt. Ðó là con đường như phép biện chứng của những người Cộng Sản đã chỉ ra: con đường của ý thức là con đường từ tự phát tới tự giác. Con đường ấy cá nhân nào cũng phải trải qua, dân tộc nào cũng phải trải qua, là một lẽ tự nhiên trên hành trình tiến bước của nhân lọai. Do vậy, người Việt không nên tách mình ra khỏi hành trình ý thức của nhân loại, để tạo thành một quốc gia dị biệt với những cách hành xử dị biệt, nhất là với những đứa con của mình, trong đó có những đứa con sinh ra trong giá thú, hợp thức bởi cái cơ chế đang lưu hành, và những đứa con hoang – những đứa con tạm thời vượt khỏi cơ chế hiện hành. Trong một xã hội phát triển, theo như phép biện chứng thì chẳng có một cơ chế xã hội nào được xem là vĩnh viễn đúng. Do vậy, trong một cơ chế mở thì những đứa con hoang đều được phép trở về nhà sau khi đã hoàn thành cuộc cách mạng quá đà của mình. Một xã hội không thể trở thành một xã hội phát triển và tiến bộ nếu như nó không biết tôn vinh những đứa con hoang của cơ chế – những người đã dũng cảm đi trước thời đại, dũng cảm đối đầu với những cơ chế đã lỗi thời, lạc hậu. Dĩ nhiên những người dám vượt qua những thiển cận của xã hội bao giờ cũng phải trả một giá đắt, thậm chí rất đắt, nhưng lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc, cũng như lịch sử nhân lọai luôn biết ơn, ghi nhớ và tôn vinh họ: những đứa con hoang của những cơ chế hiện hành, đã dám can đảm dùng chính bản thân mình trong những thể nghiệm, tìm kiếm, dấn thân, lưu đày để mưu cầu hạnh phúc cho đồng lọai bằng cách cảnh báo và đặt ra những ý thức mới trứơc những hiểm họa mới, những vấn nạn mới của nhân lọai. Nói về thí dụ, có vô số người, nhưng có một người mà có lẽ ai cũng biết, đó là ông Nobel, người mà sau khi chết đã viết di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình cho một hội đồng, để hội đồng ấy hàng năm trao giải thưởng tôn vinh những con người đã dám vì đồng loại mà dấn thân như chính ông Nobel thuở sinh thời.

Tôi không phải là người thích đao to, búa lớn, nhưng đôi khi phải nêu ra những hiện tượng, những nhân vật rõ nét như trên, để cho thấy rằng những gì người Việt chúng ta đang làm chẳng có gì gọi là xa lạ, là ghê gớm so với những gì nhân loại đã làm từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước. Chỉ có điều là một quốc gia lạc hậu, là kẻ đi sau, chúng ta có quyền và (càng phải khôn ngoan) rút kinh nghiệm của kẻ đi trước. Như vậy, tranh luận là một trong những động lực phát triển của một xã hội dân chủ đang mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân. Do vậy, những ý kiến dị biệt cũng cần phải được lắng nghe, được trao đổi lại bằng tinh thần dân chủ của con người với nhau trong một xã hội văn minh, đồng thời mỗi cá nhân đều có quyền bảo lưu ý kiến của mình, như một ngân hàng dữ liệu cho tương lai. Ðiều này cũng chẳng phải là điều mới mẻ, tôi nhớ không lầm là trong nghị quyết của thời kỳ đổi mới, vấn đề này đã được nêu ra thành văn bản. Có như vậy, trong tương lai những đứa con hoang như là Walt Whitman, Rimbaud, Maia... của người Việt chúng ta mới có thể trở về trong vinh quang của một dân tộc. Nhưng ai sẽ là những người như thế? Câu trả lời phụ thuộc vào mỗi nhà thơ hiện nay, vào cá nhân mỗi người Việt – những người bằng cách này hay cách khác, đang làm tăng nhanh tinh thần dân chủ tự do, hay làm cho tinh thần ấy thoái trào đi? Câu hỏi cho ngày mai bao giờ cũng vừa là điều thách thức vừa là lời mời gọi đầy quyến rũ cho những ai là người Việt, biết mơ những giấc mơ tốt lành cho người Việt, và trên hết là những con người biết hy sinh bản thân để mỗi một giấc mơ đều là một hiện thực trong một tương lai gần. Và sự hy sinh ngày nay không có gì là ghê gớm, vì chúng ta đâu có cần phải thánh chiến để đến nỗi phải tử vì đạo. Ðơn giản, mỗi chúng ta bỏ bớt đi những tự ái cá nhân, những dục vọng cá nhân, những sự háo danh muôn thủa làm lầm lạc ý thức của chúng ta, làm ngăn cản ý chí tự do và dân chủ của xã hội. Chỉ bấy nhiêu điều đơn giản, cũng đủ để cho trời quang, mây tạnh và chim én bay, đủ để chúng ta, xã hội chúng ta cất bước trên những con đường dài. Về mặt xã hội (bao gồm cả cơ chế và công luận) cũng cần phải có những cái nhìn thoáng hơn, cách ứng xử nhân bản hơn đối với những hiện tượng xã hội do chính những đứa con của mình gây ra (dù là con hoang hay là con ngoan hiền trong vòng tay mẹ), trừ những đứa "sớm đầu, tối đánh" – là những đứa chỉ vì dục vọng cá nhân mà làm lẫn lộn trắng đen thị phi.

Tôi còn muốn nói rất nhiều, nhưng dân chủ tự do là một đề tài “rộng” của người Việt. Nói đến bao giờ cho hết? Nên tôi tạm ngưng tại đây, vào một dịp nào khác tôi sẽ quay trở lại, như là viết "tiểu thuyết chương hồi" về dân chủ tự do nhiều tập? Ðiều quan trọng của một cuộc tranh luận vấn đề không phải là ai thắng (cây bút này thông minh sắc sảo hơn cây bút kia) mà là mở rộng dân chủ tự do trong nhận thức của người đọc. Chiến thắng của cả xã hội bao giờ cũng quan trọng hơn là chiến thắng của cá nhân này với cá nhân khác. Hơn nữa, không vì bất cứ lý do gì mà trù dập, tước quyền cầm bút, hay tẩy chay một cá nhân ra khỏi cộng đồng vì ý kiến cá nhân của người ấy, vì trên nguyên tắc ai cũng có thể phạm sai lầm. Và nguyên tắc của một xã hội dân chủ dưạ trên sự hiểu biết, phải là – sự khoan dung của cộng đồng với cá nhân, tức là cho mỗi con người trong xã hội được quyền sửa chữa những sai lầm của mình. Đây chính là sức mạnh nhân văn của xã hội dân chủ. Vì cá nhân có quyền sai lầm và sửa chữa sai lầm mà xã hội tránh được một sai lầm “phi nhân tính” lớn nhất, đó là dồn ép những cá nhân vào những “ghết-tô” văn hóa. Hơn nữa, người Việt xưa nay nói như Nguyễn Trãi là: “Nhân tài như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm” đâu phải ngày một ngày hai mà có được người này, người kia. Phải thay đổi chiến lược loại bỏ con người bằng chính sách (đúng hơn là quốc sách) thu phục nhân tâm, thu hút hiền tài trong cuộc cạnh tranh kinh tế và cạnh tranh dân chủ với các cường quốc dân chủ trên thế giới. Bởi vì, người Việt chúng ta là một bộ phận của thế giới không thể vì một lý do nào đó lại một lần nữa “tụt hậu” trong cuộc chơi ý thức của nhân loại toàn cầu. Mỗi lần “tụt hậu” của người Việt đều tương ứng với một thời kỳ “mất nước” và lần này, chúng ta sẽ không rơi vào tay những đế quốc mà sẽ rơi vào cuộc “khủng hoảng” ý thức, khi những đứa trẻ lớn lên trên đất Việt sẽ không được biết gì nhiều hơn là những khẩu hiệu thương mại, quảng cáo của những đại công ty và những giấc mơ của chúng, không gì hơn là trở thành một “bộ phận cấu thành” của công ty – với danh nghĩa vừa là nhân viên, vừa là kẻ tiêu thụ sản phẩm. Tôi không phải là người “cực hữu” nhưng phải thấy rằng trong guồng máy khổng lồ của xã hội tiêu thụ thì một quốc gia yếu kém, một cá nhân yếu kém sẽ bị nghiền nát như bột giấy. Nơi nào giấc mơ về tự do cá nhân bị bóp chết, nơi đó chủ nghĩa tư bản sẽ đem hàng hóa tới chiếm hữu nốt phần linh hồn còn lại. Tôi không phải là kẻ chống lại toàn cầu hóa cũng như kinh tế thị trường, nhưng việc ý thức về cuộc chơi bao giờ cũng hơn là sự buông mình vào tay kẻ khác. Thế giới chắc sẽ không biết ơn hoặc thương khóc người Việt, nếu như sau này trên bản đồ thế giới Việt Nam chỉ là một “tô giới” của xã hội tiêu thụ quốc tế, nơi mà từ linh hồn tới sản phẩm vật chất, tư tưởng, văn hóa tinh thần, nói chung đều là hàng “second-hand” của người ngoại quốc, chưa kể cái “ngoại quốc” ấy có khi chỉ là những quốc gia láng giềng – những đại lý cấp ba của chủ nghĩa thương mại toàn cầu. Lúc đó, ai sẽ hát bài ai điếu “Don’t cry for me-Vietnamese!”?

Sài Gòn 14 tháng 5 năm 2004.
© 2004 talawas