trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
14.10.2004
Jonathan Kandell
Jacques Derrida, lý thuyết gia khó hiểu
Lê Tuấn Huy giới thiệu và chú thích
 
Thật quá nhanh, ngày 01.10.2004, talawas có bài của Ngô Văn Tao về Jacques Derrida, có nhắc đến “suy tư đương đầu cái chết gần kề” của ông, thì trong hai ngày 09 và 10.10.2004, các hãng thông tấn lớn đều đã đồng loạt đưa tin về sự ra đi của triết gia này. Bài dịch vội sau đây từ nguyên bản đăng trên New York Times, điểm qua về thân thế và cuộc đời Jacques Derrida, xin trân trọng giới thiệu.
Lê T u ấ n H u y
Jacques Derrida, trí thức người Pháp sinh tại Algeria, một trong những triết gia lừng danh, mà cũng nổi tiếng khó hiểu nhất của nửa sau thế kỷ 20, đã qua đời vào ngày thứ sáu (08.10.2004) tại một bệnh viện ở Paris, ở tuổi 74 – Văn phòng Phủ Tổng thống Pháp loan báo.

Theo truyền hình Pháp, và Associated Press đưa tin, nguyên nhân của cái chết là căn bệnh ung thư tụy.

Derrida được biết đến như cha đẻ của quan niệm hủy cấu trúc [1] , phương pháp đòi hỏi khẳng định rằng chữ nghĩa viết ra là hoàn toàn lẫn lộn và mâu thuẫn, và rằng ý định của người viết có thể không vượt qua được những mâu thuẫn vốn có trong chính ngôn ngữ, khiến cướp đi của bản văn - dù là văn chương, lịch sử, hay triết học - ý nghĩa chân thực và tính thuần khiết, cùng sự cố định của nó. Khái niệm rốt cuộc là gắn với tổng thể nghệ thuật và các khoa học xã hội, bao gồm ngôn ngữ học, nhân loại học, khoa học chính trị, và ngay cả kiến trúc.

Trong khi có một số rất lớn những người ủng hộ - ở Hoa Kỳ nhiều hơn ở Châu Âu - ông là đích ngắm giận dữ cũng của từng ấy người. Đặt biệt đối với với người Mỹ, ông là hiện thân của trường phái tư duy Pháp mà họ cảm thấy rằng đã phá hoại nhiều chuẩn mực truyền thống của nền giáo dục cổ điển, và người ta thường gắn chúng với những nguyên nhân gây chia rẽ chính trị.

Các nhà phê bình văn chương thì chẻ nhỏ bản văn thành những đoạn và cụm tách rời để tìm kiếm những nghĩa ẩn giấu. Người ủng hộ thuyết nữ quyền, quyền của người đồng tính luyến ái, và các vấn đề của thế giới thứ ba, thì nắm lấy phương pháp này như công cụ vạch ra những thành kiến và mâu thuẫn của Plato, Aristotle, Shakespeare, Freud, và những hình tượng “đàn ông da trắng đã chết” khác của văn hóa Phương Tây. Các kiến trúc sư và họa sỹ khẳng định tiếp nhận tiếp cận “phá bố cục” trong xây dựng, bằng việc từ bỏ đối xứng truyền thống và sáng tạo những không gian zic-zac đôi khi gây boăn khoăn. Woody Allen đặt tựa một phim của mình là “Hủy cấu trúc Harry” để nói rằng nhân vật chính tốt nhất có thể được hiểu bằng cách bẻ gãy và phân tích những mâu thuẫn thần kinh của anh ta.


Một từ chuẩn cho thuyết trình

Đến cuối thế kỷ 20, hủy cấu trúc trở thành một từ chuẩn của những bàn thảo học thuật, dù rằng chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa cấu trúc – hai loại triết học khó nắm và thời thượng khác cũng đã nổi lên từ Pháp sau đại chiến thế giới II – đã có trước đó. Derrida và các môn đệ đã không sẵn lòng – đôi khi nói là không thể - đưa ra bất kỳ định nghĩa chính xác nào cho hủy cấu trúc, vì thế nó vẫn bị hiểu sai hoặc được diễn dịch theo những cách mâu thuẫn.

Điển hình những giải thích mờ mịt của Derrida về triết học của ông là một bài ông trình bày tại Trường luật Benjamin N. Cardozo ở New York. Nó bắt đầu bằng: “Không cần thiết để nói, dù chỉ thêm một lần, hủy cấu trúc, nếu không có một sự vật như vậy, thực hiện như sự trải nghiệm của cái bất khả”.

Derrida là một người viết khỏe, nhưng hơn 40 cuốn sách của ông về những khía cạnh khác nhau của hủy cấu trúc đã không tiếp cận đến mọi người dễ dàng. Ngay cả vài tựa của chúng, “Of Grammatology”, “The Postcard: From Socrates to Freud and Beyond”, và “Ulysses Gramophone: Hear Say Yes in Joyce” [2] có thể gây khó chịu với những người không thạo.

“Nhiều người không ác ý khác thực tế đã sai lầm về mong muốn thoái bộ của hủy cấu trúc – nếu chỉ để làm an tâm chính họ về gánh nặng cố gắng hiểu nó”, Mitchell Stephens, giáo sư báo chí tại New York University, viết như vậy trong một bài trên The New York Times Magazine.

Sự tín nhiệm của Derrida cũng bị đe dọa do một scandal năm 1987 liên quan đến Paul de Man, giáo sư tại Yale University, người giải thích về hủy cấu trúc được biết đến nhiều nhất ở Hoa Kỳ. Bốn năm sau khi de Man chết, đã có khám phá rằng ông đã có nhiều bài viết thân Đức quốc xã và bài Semite [3] , cho một tờ báo ở Bỉ, nơi ông sinh ra, trong thời gian Đức chiếm đóng hồi thế chiến II. Khi bảo vệ người đồng sự đã mất, Derrida, một người Do Thái, đã bị nhiều người cho là bỏ qua chủ nghĩa bài Semite của de Man.


Những môn đệ tận tụy

Dù như vậy, trong những năm 1970 và 1980, các trang viết và thuyết trình của Derrida đem lại cho ông một lượng rất lớn những môn đệ, đa số ở các đại học ở Hoa Kỳ; rốt cuộc ông đã chứng tỏ có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ hơn là tại Pháp. Đối với những giáo sư trẻ, nhiều tham vọng, những gì được truyền giảng từ ông trở thành tấm ván bắc sang những vị trí vốn chiếm ưu thế của những đồng nghiệp cao cấp hoặc thâm niên hơn, với những triết lý đã mòn mỏi vì chỉ để trưng bày. Đối với nhiều sinh viên, hủy cấu trúc chính là con đường bước vào cái thế giới học thuật nổi loạn.

Jacques Derrida sinh ngày 15.07.1930, ở El-Biar, Algeria. Cha ông là một thương nhân. Năm 12 tuổi ông bị đuổi khỏi trường học nói tiếng Pháp, khi viên hiệu trưởng, trung thành với luật lệ phân biệt chủng tộc của chính quyền Vichy, ra lệnh nhất quyết không thu nhận người Do Thái. Ngay những năm chưa tới tuổi 20, Derrida đã là một người ham đọc, có những quan tâm rộng rãi đến các triết gia Jean-Jacques Rousseau, Friedrich Nietzsche, Albert Camus, và nhà thơ Paul Valéry.

Nhưng ông cũng là một học sinh bình thường. Rớt kỳ thi tú tài lần đầu. Hai lần rớt sát hạch tuyển vào École Normal Supérieure, cái nôi truyền thống của trí thức Pháp, dù cuối cùng cũng được nhận vào, năm 1952. Ở đây, ông lại một lần thi hỏng vấn đáp ở những kỳ thi cuối. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1956, ông có kỳ nghiên cứu ngắn hạn tại Harvard University. Phần lớn 30 năm tiếp theo ông dạy triết học và logic tại Đại học Paris và École Normal Supérieure. Dù vậy, ông vẫn chưa bảo vệ luận án tiến sỹ cho đến năm 1980, khi đã 50 tuổi.

Vào đầu những năm 1960, Derrida làm nên tên tuổi cho mình như một trí thức trẻ đang lên, bằng việc công bố các bài viết về ngôn ngữ và triết học trên các tạp chí khoa học hàng đầu. Ông đặt biệt chịu ản hưởng của các triết gia Đức, Edmund Husserl và Martin Heidegger. Cả hai đã là những người phê phán mạnh mẽ siêu hình học truyền thống, nhánh triết học muốn khám phá cái cơ sở và nhận thức đối với hiện thực.

Với tư cách giảng viên, Derrida vun bồi nên uy tín, và cả sự bí ẩn. Trong nhiều năm ông không chịu chụp ảnh để công bố. Ông ăn mặc bảnh bao, đầy dáng vẻ nơi bục giảng, mái tóc dầy sớm bạc trắng, nước da nâu đỏ, trong bộ complê cắt may khéo. Ông chua cay trong các bài giảng của mình với những tuyên bố chơi chữ, vần điệu và khó hiểu, như “Tư duy là cái chúng ta đã biết rằng chúng ta vẫn còn chưa bắt đầu”, hay “Ồ, các bạn của tôi, không có bạn bè nào cả…”

Nhều đọc giả nhận thấy sự khoa trương chán ngắt khiến gây trở ngại, ngay cả ở những người nhiệt tình tìm kiếm những soi rọi của nó. Một câu viết có thể trải dài đến ba trang, và một chú thích thậm chí còn dài hơn thế. Đôi khi các sách của ông được viết theo phong cách “phá bố cục”, chẳng hạn, cuốn “Glas” đưa ra những bình luận về triết gia Đức Georg Wilhelm Friedrich Hegel và nhà văn Pháp Jean Genet trong những cột song song trên trang sách, ở giữa có một cột thứ ba, không thường trực, bình giải về ý tưởng của hai người này.

“Rắc rối khi đọc Derrida là có quá nhiều mồ hôi đổ ra cho quá ít những cảm hứng có được”, xã luận trên tờ The Economist viết vào năm 1992, khi Cambridge University trao giải thưởng vinh danh triết gia này, sau cuộc tranh cãi thâm mày tím mặt giữa những người ủng hộ và phê phán ông. Những nơi khác ở Châu Âu, triết học hủy cấu trúc của Derrida đã có được thành quả trước đó, và cũng được chấp nhận dễ dàng hơn.


Rũ bỏ một bộ môn

Derrida xuất hiện trên cảnh quang học thuật Hoa Kỳ vào năm 1966, tại hội nghị về khuynh hướng học thuật Pháp được biết dưới cái tên “chủ nghĩa cấu trúc”, tại Johns Hopkins University ở Baltimore. Lãnh đạo tinh thần của nó là nhà nhân loại học Pháp Claude Lévi-Strauss, người nghiên cứu các xã hội qua cấu trúc ngôn ngữ của họ.

Derrida đã khiến các thính giả người Mỹ bị sốc khi cho rằng chủ nghĩa cấu trúc đã lỗi thời ở Pháp, và tư tưởng của Lévi-Strauss quá cứng nhắc. Thay vào, Derrida đưa ra hủy cấu trúc, như một triết học mới, toàn thắng.

Trình bày của ông đã hun đốt các giáo sư trẻ, vốn đang tìm kiếm khuynh hướng học thuật mới cho riêng mình. Trong một bài viết năm 1991 trên Los Angeles Times Magazine, Stephens, giáo sư báo chí, viết: “Ông đem lại cho các giáo sư văn chương một món quà đặt biệt: cơ hội thách đố những nghịch biện thâm thúy nhất của tư tưởng Phương Tây, không đơn thuần như những triết gia hạng hai, không đơn thuần là diễn dịch cho người viết tiểu thuyết, mà là những người khám phá có đầy đủ bản lĩnh theo chính những quyền của họ”.

“Nếu họ đã đọc, nếu họ đã bắt đầu chú ý đủ vào các ẩn dụ này”, Stephens tiếp, “các giáo sư văn chương, từ sự thỏa mãn với những vị trí thoải mái của họ, có thể vạch ra sự sáo rỗng của những khẳng định cơ bản, vốn là nói dối, đằng sau tất cả những trang viết của chúng ta”.

Những người phê bình thì nhận thấy sự hỗn loạn làm mơ hồ các giá trị hàm lâm, có thể giả định để bôi nhọ Sophocles, Voltaire, hay Tolstoy, bằng việc tìm kiếm những thiên hướng văn hóa và ngôn ngữ không chính xác trong các kiệt tác của họ. “Văn chương, các nhà hủy cấu trúc thường minh chứng, đã hoàn toàn được viết từ những người sai trái, cho những lý lẽ sai trái hoàn toàn”. Malcolm Bradbury, tiểu thuyết gia và là giáo sư người Anh, viết trên The New York Times Book Review, năm 1991.

Ảnh hưởng của Derrida đặt biệt mạnh ở Khoa Văn chương thuộc Yale University, nơi mà giáo sư sinh tại Bỉ, bạn thân của ông, Paul de Man, nổi lên như người xung kích của hủy cấu trúc luận trong phân tích văn chương. De Man cho rằng mình là người tỵ nạn của cuộc chiến tương tàn Âu Châu, và thậm chí để lại ấn tượng nơi các đồng nghiệp rằng ông ta đã có tham gia kháng chiến.

Nhưng năm 1987, bốn năm sau khi de Man chết, một nghiên cứu cho thấy ông đã viết trên 170 bài vào đầu những năm 1940 cho Le Soir, tờ báo Đức quốc xã ở Bỉ. Vài trong số các bài này công khai bài Semite, gồm cả bài có tiếng vang mà Đức cần cho “giải pháp cuối cùng”, và dường như bảo vệ cho quan niệm về các trại tập trung.

“Giải pháp cho vấn đề Do Thái là nhắm tạo một khu vực Do Thái biệt lập khỏi Châu Âu, sẽ không đem lại hệ quả tệ hại nào cho đời sống văn chương Phương Tây”, de Man đã viết như vậy.

Phát hiện này trở thành scandal lớn tại Yale và các trường đại học khác, trong khi trước đó de Man còn được xem như một anh hùng trí thức. Vài đồng sự cũ khẳng định rằng scandal này được sử dụng để hạ uy tín hủy cấu trúc luận, từ những người luôn thù địch với xu hướng này. Nhưng Derrida lại tạo thêm cơ hội cho những người phê phán, khi bảo vệ cho de Man. Ông thậm chí sử dụng kỹ thuật hủy cấu trúc trong một nỗ lực chứng minh rằng các bài báo của học giả gốc Bỉ này thật sự không bài Semite.

“Vay mượn logic của Derrida, một người có thể hủy cấu trúc Mein Kampf để cho thấy rằng [Adolf Hitler] xung khắc với chủ nghĩa bài Semite”, Peter Lennon chế giễu như vậy trong bài viết năm 1992 cho tờ The Guardian. Theo một nhà phê bình khác, Mark Lilla, trong một bài trên The New York Review of Books, sự uốn mình của Derrida bảo vệ cho người bạn cũ đã để lại “ấn tượng rằng hủy cấu trúc có nghĩa là anh không bao giờ nói lời xin lỗi của mình”.

Hầu như hủy hoại đối với hủy cấu trúc luận và Derrida là sự việc phơi trần, cũng trong năm 1987, rằng Heidegger, một trong những thi hứng học thuật của ông, là đảng viên quốc xã Đức từ 1933 đến 1945. Một lần nữa Derrida bị những người phê phán cáo buộc là thiếu quả quyết, lần này là vì sao nhãng việc lên án những tư tưởng phát-xít của Heidegger.

Cuối những năm 1980, sao mệnh học thuật của Derrida lu mờ ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Nhưng ông vẫn tiếp tục qua lại giữa Pháp và Hoa Kỳ, nơi ông được trả những khoản thù lao lớn cho việc giảng thuyết vài tuần mỗi năm, ở vài đại học ven biển phía đông và University of California ở Irvine [4] .


Vén vầng bí ẩn

Trong buổi đầu của danh tiếng học thuật, Derrida bị những người cánh tả Châu Âu phê phán vì thiếu sự cam kết chính trị. Thật vậy, vì ông gắn bó với một triết học tấn công vào chính quan niệm về tính xác thực chính trị thuần túy. Nhưng trong những năm 1980, ông trở nên năng động trong một số vấn đề chính trị: chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Nam Phi, bảo vệ người bất đồng chính kiến tại Czech, và ủng hộ quyền của di dân Bắc Phi tại Pháp.

Derrida cũng trở nên dễ tiếp cận hơn đối với truyền thông. Ông ngồi yên cho chụp ảnh và trả lời các phỏng vấn vén bỏ vầng bí ẩn trước đây, nhằm bộc lộ những chi tiết thường tình về đời sống cá nhân của ông.

Một cựu sinh viên ở Yale, Amy Ziering Kofman, tập trung vào ông trong một tài liệu năm 2002, “Derrida”, rằng vài người nhà phê bình phát hiện những điều dễ mến. “Với mái tóc bạc ngang ngạnh và khuôn mặt quắc thước, diện mạo Derrida trông thu hút ngay cả khi ông đang trầm tư về một vấn đề”, Kenneth Turan viết trên tờ Los Angeles Times. “Thậm chí những bình luận ứng khẩu của ông cũng gây thích thú vì, mọi thứ được xem xét nghiêm túc. Còn khi thận trọng, ông không bao giờ khó khăn vì chính lợi ích của nó, mà vì lập trường triết học của ông khiến ông phải vậy.

Thay vì sống ở vùng quanh khu café Left Bank truyền thống của trí thức Pháp, Derrida thích sự yên tĩnh của Ris-Orangis, một khu ngoại ô phía nam Paris, nơi ông sống trong căn nhà nhỏ với vợ, Marguerite Aucouturier, một nhà phân tâm học. Họ có hai con trai, Pierre và Jean. Ông cũng có một con trai khác, Daniel, với Sylviane Agacinski, một giáo viên triết sau đó đã thành hôn với một lãnh đạo chính trị Pháp, Lionel Jospin.

Khi còn trẻ, Derrida thú nhận, ông hy vọng trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Và ông tự nhận là người nghiện xem truyền hình, coi đủ thứ, từ tin tức cho đến phim nhiều tập. “Tôi phê bình cái tôi đang xem”, Derrida nói vẻ chế nhạo kiêu hãnh, “tôi hủy cấu trúc mọi lúc”.

Những năm cuối đời Derrida rất thường xuyên được hỏi hủy cấu trúc là gì. “Tại sao bạn không hỏi nhà vật lý hay nhà toán học về tính nan giải?”, ông đáp lại, một cách lạnh nhạt với Dinitia Smith, phóng viên của tờ Times, một lần vào năm 1998. “Hủy cấu trúc luôn cần đến tác phẩm. Nếu hủy cấu trúc là quá mờ mịt, sao thính giả trong các thuyết trình của tôi luôn là hàng ngàn? Họ cảm thấy hiểu đủ để hiểu thêm”.

Được yêu cầu sau đó trong cùng cuộc phỏng vấn, rằng tối thiểu là định nghĩa về hủy cấu trúc, Derrida nói: “Điều này không thể đáp ứng được. Tôi không thể làm điều mà khiến tôi sau đó không thỏa mãn”.

© 2004 talawas


[1]Dù có thể hiểu “giải cấu” là “giải thích cấu trúc”, hay “giải” trong “phá giải” thì cũng đúng với Deconstructionism/ Deconstruction ở những khía cạnh này, nhưng tôi mạn phép dịch là “Hủy cấu trúc (luận)” nghe có vẻ xuôi tai hơn một chút, mà cũng căn cứ vào tinh thần của Derrida khi ông bài bác chủ nghĩa cấu trúc và muốn phong cách mới của mình thay thế vào. (Nên cũng có thể dịch là “phản cấu trúc”, “bài cấu trúc”… chẳng hạn. Tuy nhiên, theo học giả Đặng Phùng Quân, Deconstruction của Derrida có liên quan đến Destruction [Hủy triết] của Heidegger, do vậy xin chọn chữ “hủy”).
“Cấu trúc” ở đây có một nghĩa rộng, từ sắp xếp câu, bố cục tác phẩm, cho đến kết cấu thể hiện của công trình. Vì vậy, trong bài này, tùy văn cảnh, “phá bố cục” có thể được dùng tương đương với “hủy cấu trúc”, nhưng chỉ ở cấp độ thể hiện, không ở cấp độ lý luận, phương pháp như khái niệm sau.
[2]Tạm dịch, theo thứ tự: “Về nghi thức học từ ngữ”, “Một bưu thiếp: từ Socrates đến Freud và qua Thế giới bên kia”, và “Máy hát Ulysses: nghe và nói Vâng ở Joyce”.
[3]Semite: nhóm chủng tộc vùng Trung Đông và Bắc Phi, gồm cả Ả Rập và Do Thái.
[4]Nhân tiện, tác phẩm “Những bóng ma của Marx” của Derrida đã có bản tiếng việt, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia và Tổng cục II Bộ Quốc phòng, Hà Nội, 1994

Nguồn: © Jonathan Kandell, Jacques Derrida, Abstruse Theorist, Dies In Paris At 74
http://www.nytimes.com/2004/10/10/obituaries/10derrida.html
hay: http://www.viet-studies.org/Derrida_NYT.htm