trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
24.11.2006
Trần Bình
Việt Nam - Vai trò và đặc tính của các địa phương trong phát triển kinh tế. Hệ quả lịch sử hay chính sách?
 
Mối tương quan quyền lực giữa chính quyền trung ương và địa phương luôn là một trong những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến việc điều hành và thực hiện chính sách phát triển quốc gia của các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, vai trò của chính quyền địa phương đã trở thành một mắc xích quan yếu trong sách lược phát triển kinh tế do việc phân cấp quyền điều hành guồng máy kinh tế địa phương ngày càng sâu rộng. Trong những năm gần đây, qui mô của các công trình đầu tư trong nước và nước ngoài thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh được nâng cao dần. Nghị định thi hành Doanh nghiệp và Luật Đầu tư ban hành tháng 9 năm 2006 còn đẩy mạnh độ phân cấp này xa hơn nữa, trao trọn quyền cấp giấy phép đầu tư cho các địa phương [1] Vai trò quan trọng của các tỉnh địa phương trong phát triển kinh tế của Việt Nam đã được nhấn mạnh trong bản “Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2006”, do các tổ chức kinh tế và tài chánh quốc tế đang tài trợ Việt Nam thực hiện và được Ngân hàng Thế giới (WB) phổ biến tháng 11/2005 [2] : trong tiến trình xây dựng và hoàn chỉnh, trình trạng luật pháp tại Việt Nam còn thiếu rõ ràng, bất cập và chồng chéo, thì khả năng diễn giải và thực hiện các đạo luật và nghị định trung ương của các cấp chính quyền địa phương là một trong những nhân tố hàng đầu quyết định thành quả của phát triển kinh tế.


*


Từ một góc độ khác, ta thấy mức tăng trưởng kinh tế của các tỉnh giữa hai miền Nam và Bắc chênh lệch đáng kể. Vấn đề này đã được Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) quan tâm và tiến hành nghiên cứu qua tài liệu Lịch sử hay chính sách - Tại sao các tỉnh phía Bắc không phát triển nhanh hơn, phổ biến tháng Sáu năm 2004. Các cuộc điều tra về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) thực hiện năm 2005 và 2006 với sự hợp tác của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng đã cho thấy các tỉnh phía Nam chiếm đa phần trong bảng xếp hạng cao nhất. Song có ý kiến cho rằng khoảng cách phát triển giữa hai miền đã được thu hẹp. Ông Kay Johnson trong bài bình luận trên báo Time số ấn hành tháng 5 năm 2006 đã nhận định về vấn đề này trong bài viết “Miền Bắc đang tỉnh giấc”: “Thông thường mọi người đều nghĩ rằng cộng sản miền Bắc đã thắng cuộc chiến ba mươi năm trước, nhưng miền Nam từng quen thuộc với kinh tế tư bản đã thắng trong hòa bình. Thế nhưng trong năm qua, Sài Gòn đã gặp cạnh tranh về vốn đầu tư nước ngoài. Lần đầu tiên Hà Nội đã vượt Sài Gòn về FDI, đạt 1.6 tỷ so với 738 triệu USD”.


1. Kết quả các cuộc điều tra

Công trình nghiên cứu Lịch sử hay chính sách - Tại sao các tỉnh phía Bắc không phát triển nhanh hơn [3] do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc thực hiện năm 2004, với sự tham gia của Giáo sư David Dapice, chuyên gia của chương trình nghiên cứu Việt Nam thuộc trường Quản lý Nhà nước J.F. Kennedy Đại học Harvard, các Ông Phạm Anh Tuấn, Bùi Văn, hiện là giảng viên của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Đại học Kinh tế TP. HCM, và Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã so sánh sự phát triển kinh tế của 7 tỉnh phía Bắc và 4 tỉnh phía Nam trong tương quan dân số 10 và 5 triệu, cùng có các điều kiện phát triển tương tự về hải cảng, thị trường, nguồn nhân lực, và nằm cận kề các thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM). Kết quả như bảng tóm tắt dưới đây cho thấy các tỉnh phía Nam đã vượt trội trên các chỉ tiêu kinh tế quan trọng tính bình quân theo đầu người, như kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, đầu tư theo luật doanh nghiệp nói chung, và tạo thêm công ăn việc làm mới.

Nguồn: Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) - History or policy: Why don't northern provinces grow faster?

Các cuộc điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) được thực hiện với sự hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Nâng cao Năng lực Cạnh tranh Việt Nam (VNCI), một dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ [4] . Kết quả các cuộc điều tra trong hai năm qua cũng đã cho thấy các tỉnh phía Nam chiếm phần lớn trong nhóm xếp hạng cao nhất: 5 trên 7 năm 2005 và 8 trên 10 tỉnh đứng đầu bảng năm 2006. Cuộc điều tra năm 2006 được thực hiện hoàn chỉnh hơn với số doanh nghiệp tham gia lên đến 6.379, trên 64 tỉnh thành. Hai chỉ số mới được đưa thêm vào, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý, là hai vấn đề gai góc mà các địa phương và doanh nghiệp đang đối đầu khi qui mô nền kinh tế mở rộng và mức độ hội nhập cao dần đòi hỏi lao động có kỹ năng và nền pháp lý hiệu quả, tin cậy để giải quyết các hợp đồng và tranh chấp kinh tế ngày càng phức tạp. Các chỉ số khác cũng được cải tiến và hoàn thiện bao gồm chính sách phát triển phát triển kinh tế tư nhân, tính minh bạch, tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, chi phí thời gian để thực hiện quy định của Nhà nước, ưu đãi đối với doanh nghiệp Nhà nước, các chi phí không chính thức, khả năng tiếp cận đất đai, và chi phí gia nhập thị trường. Những đặc điểm đáng lưu ý qua kết quả của cuộc điều tra năm 2006 là hai tỉnh Bình Dương và Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng, Sài Gòn được xếp hạng thứ 7, Hà Nội thứ 40, và Hải Phòng thứ 42. Cuộc điều tra cũng bộc lộ những mặt yếu Việt Nam đang đương đầu trong nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh khi đất nước đang bước vào thời kỳ kinh tế hội nhập hậu WTO: 50/64 tỉnh đạt số điểm dưới 5/10 về chỉ số thời gian để thực hiện các qui định Nhà nước, 59 địa phương đạt điểm dưới 5 về thiết chế pháp lý, và đến 69.19% doanh nghiệp cho rằng việc trả các khoản phí không chính thức là rất phổ biến, trong khi 56% doanh nghiệp cho biết phải trả tiền "hoa hồng" để có được hợp đồng từ cơ quan Nhà nước.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam – PCI 2006: Bức tranh nhiều tương phản


2. Hệ quả lịch sử hay chánh sách?

Các nhà nghiên cứu tham gia cuộc điều tra năm 2004 của UNDP đã đặt ra câu hỏi vì sao các tỉnh phía Bắc lại không phát triển nhanh như các tỉnh phía Nam. Là hệ quả của lịch sử hay chính sách?

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, ba lý do thường được nêu ra để giải thích cho trình trạng phát triển yếu kém của các tỉnh phía Bắc không có tính thuyết phục. Thứ nhất, “không thể tiếp tục vin vào lý do cơ sở hạ tầng ở phía Nam tốt hơn. Trong những năm qua nhiều khoản đầu tư lớn đã được rót vào cảng và thiết bị, đường cao tốc, điện và cấp nước cho khu vực phía Bắc. Khu công nghiệp mọc lên ở nhiều nơi”. Lý do về nguồn nhân lực cũng không xác đáng: “Chi phí nhân công ở phía Nam còn cao hơn phía Bắc và rõ ràng đây là một lợi thế của các tỉnh phía Bắc”. Và sau cùng: “Một lập luận khác, khá thuyết phục, đó là Cụm tập trung (Cluster). Theo cách lập luận này, khi mức độ tập trung hoạt động đã đạt tới một qui mô nhất định, hay một ngưỡng nhất định, tự bản thân các cụm tập trung này sẽ thu hút được thêm nhiều hoạt động mới. Khu vực phía Nam được cho là đã vượt qua ngưỡng này nhưng khu vực phía Bắc vẫn chưa làm được. Nhưng trước đây mười năm, ngưỡng này chắc hẳn khá gần nhau. Vậy tại sao phía Nam lại tiến nhanh lên trước nhiều như vậy?”

Giá đất đắt đỏ là điểm bất lợi cho các tỉnh phía Bắc, nhưng “Sự chênh lệch lớn trong giá đất giữa miền Bắc và miền Nam vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của thực tế là phía Nam thân thiện với các hoạt động của tư nhân hơn. Nếu các cán bộ địa phương coi sự thành công của họ chính là sự tăng trưởng của nền kinh tế, họ sẽ tìm mọi biện pháp để chuyển đổi nhiều đất nông nghiệp sang các mục đích sử dụng khác hơn. Như thế giá đất sẽ giảm xuống và cả doanh nghiệp mới cũng như các cư dân mới đều có thể tìm được chỗ hoạt động và sinh sống”. “Nhu cầu về đất ở phía Bắc tại mức giá cao như hiện nay đang chịu tác động của đầu cơ. Chính do Hà Nội nằm gần các tỉnh nên nhiều cán bộ trung ương có thể dễ dàng mua đất ở các tỉnh lân cận. Nắm được thông tin khu vực đất đai nào sẽ được chuyển đổi trở thành một thông tin vô cùng đáng giá bởi đây là cơ hội mua được quyền sử dụng đất với giá rất rẻ khi người chủ chưa biết được thông tin này để rồi bán đi thu với mức giá cao hơn nhiều. Cũng không thể bỏ qua khả năng động cơ chính là do các cán bộ đang có đất muốn giữ giá đất cao dẫn đến việc làm trì trệ đi quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp”.

Nhóm nghiên cứu đã nêu lên những nguyên nhân sâu xa mang dấu ấn của lịch sử, âm hưởng của nền kinh tế tập trung, của thời kỳ bao cấp vần còn tồn đọng trong nếp nghĩ, lề thói làm việc, quen trông chờ, dựa dẫm vào chỉ đạo của trung ương và ưu thế các doanh nghiệp quốc doanh, và dị ứng với sự phát triển của kinh tế tư nhân, mà hệ quả là nền kinh tế kém năng động và tính cạnh tranh thấp: “Khu vực phía Bắc đã nhiều năm theo hệ thống kế hoạch hóa tập trung, thiếu kinh nghiệm về kinh tế thị trường và do vậy chưa quen ứng xử với các nhà đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước. Theo cách suy nghĩ này, những vấn đề như năng lực hạn chế của bộ máy hành chính, các cơ cấu tổ chức xã hội và lối suy nghĩ cũ đã cản trở sự phát triển của miền Bắc. Các cán bộ vẫn ngồi chờ việc đến, suy nghĩ theo kiểu kế hoạch hoá tập trung và kỳ vọng nhà nước dẫn dắt các doanh nghiệp lớn. Thực ra nhiều người còn trở nên e ngại, nghi ngờ khi các doanh nghiệp tư nhân phát triển quá lớn. Xúc tiến đầu tư chỉ đơn thuần là lên Hà Nội gặp các bạn bè cũ và xin dự án. Ngay cả người dân cũng suy nghĩ như vậy, và do đó không có ai thực sự mong muốn xây dựng các công ty tư nhân thật sự và vững mạnh.”

So sánh về chỉ số năng lực cạnh tranh giữa hai miền là một vấn đề tế nhị và nhạy cảm đối với các viên chức chính phủ. Song, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đã thẳng thắng nhận xét vấn đề này trên báo VNEconomy, số in tháng Sáu năm 2006: “Ưu thế của các tỉnh phía Nam trên bảng xếp hạng là minh chứng cho nhận định rằng các địa phương này cho đến nay đã tỏ ra thành công hơn trong việc xây dựng một nền kinh tế theo định hướng thị trường, trong khi môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phía Bắc vẫn còn đang chịu quá nhiều ảnh hưởng từ các mối quan hệ”. Cũng trong số báo này, Bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban nghiên cứu của văn phòng Thủ tướng, đã nhận xét “Tỷ lệ này của miền Bắc là rất đáng suy nghĩ, khi có lợi thế là gần Trung ương hơn, gần mặt trời, nhưng môi trường kinh doanh lại có nhiều mặt khiến doanh nghiệp phàn nàn nhiều như vậy”.


3. Miền Bắc đang tỉnh giấc?

Ông Kay Johnson, qua bài viết “Miền Bắc đang tỉnh giấc” [5] trên báo Time số tháng Sáu năm 2006, nhận định rằng hiện nay cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trên cả hai miền Nam Bắc đều rất thuận lợi, song “Miền Bắc đang nắm ưu thế trong làn sóng phát triển kinh tế đợt hai”. Làn sóng phát triển và đầu tư lần thứ hai này thể hiện qua “mức phát triển của Việt Nam chỉ đứng sau Trung quốc tại Á châu, và FDI tính theo đầu người hiện cao hơn Trung Quốc và Ấn Độ”. “Việt Nam là cơ hội để các công ty đa dạng hóa (diversify) các địa bàn sản xuất, được đánh giá cao là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số biết đọc và viết cao nhất, với lực lượng lao động trẻ cung ứng hàng triệu lao động mới mỗi năm, và thị trường nội địa đang phát triển”.

Những lợi thế của các tỉnh phía Bắc mà ông Johnson nêu ra là chi phí lao động, đất đai thấp, các cảng kề cận không bị trình trạng quá tải như cảng Sài Gòn, nhưng quan trọng hơn cả là ưu thế về địa điểm. “Hà Nội chỉ cách Trung Quốc 170 km. Năm ngoái, quốc gia này đã thay thế Hoa Kỳ ở vị trí số một về tổng kim ngạch mậu dịch với Việt Nam, đạt $8.7 tỷ USD. Hầu hết các công ty nước ngoài đang đặt cơ xưởng tại miền Bắc đều có kế hoạch xuất cảng sản phẩm sang Trung quốc.” Để minh chứng, Ông Johnson nêu lên đầu tư FDI vào Hà Nội năm 2005 đã vượt Sài Gòn, đạt $1.6 tỷ so với $738 triệu USD, và ngày càng có thêm nhiều công ty lớn đầu tư vào các tỉnh phía Bắc, trong số đó có Fujitsu, LG Electronics, Daewoo, Canon, và công ty địa ốc khổng lồ Nhật Bản Sumitomo. Và để củng cố cho luận cứ của mình, Ông Johnson đã trích lời của Ông Kenjiro Ishiwata, đại diện Tổ chức Xúc tiến Giao thương nước ngoài của Nhật Bản (JETO): “Hà Nội là một trong những địa điểm tốt nhất nếu bạn muốn bán sản phẩm sang Trung Quốc. Lương trung bình mỗi tháng cho lao động tại tỉnh Quảng Châu của Trung Quốc hiện trên $100 USD. Mức lương trung bình quanh Hà Nội là $50 USD, như vậy thực ra nếu sản xuất tại đây và chuyễn tải sang Trung Quốc giá thành sẽ rẻ hơn”.


*


Giá cả đất đai được xem là lợi thế của các tỉnh phía Bắc theo sự phân tích của Ông Johnson dựa trên số liệu năm 2006 trái nghịch với những dữ kiện của cuộc điều tra năm 2004 của UNDP. Chúng tôi không có số liệu về giá đất thay đổi trong khoảng thời gian hai năm qua để xác minh điểm này. Song, những ưu thế về chi phí lao động, cảng và nhất là địa điểm do ông Johnson nêu lên đều rất có cơ sở. Những năm gần đây, các học giả kinh tế thường đề cập đến nỗ lực đa dạng hoá đầu tư của các công ty đa quốc gia đang có vốn đầu tư lớn tại Trung Quốc, bằng cách chuyển những khoảng đầu tư mới đến các quốc gia khác nhằm giảm thiểu độ rủi ro và đồng thời khai thác lợi thế về lao động vì chi phí lao động tại Trung Quốc ngày mỗi tăng cao. Mô thức đầu tư này thường được hình dung hoá dưới công thức “Trung Quốc + 1”. Vị trí địa lý của miền Bắc nằm kề cận Trung Quốc, chi phí lao động thấp hơn rất đáng kể, cộng với mức tăng trưởng khá cao, ổn định của Việt Nam và sự kiện Việt Nam gia nhập WTO đã làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vị trí địa lý của miền Bắc còn được Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo phân tích dưới một góc nhìn khác khi cho rằng “do tính chất của các sản phẩm (gồm nhiều linh kiện, bộ phận, nhiều sản phẩm trung gian), ta thấy có sự phân công nhiều tầng giữa những nhà máy (lập ở nhiều nơi) của cùng một công ty đa quốc gia”. Theo sự phân công và liên kết này, các tỉnh phía Bắc là đầu nối với Trung Quốc trong khi các tỉnh phía Nam là đầu cầu qua khu vực ASEAN.

Nhưng những lợi thế mang có tính chất cơ cấu vẫn chưa phải là các yếu tố hội đủ cho sự phát triển bền vững chừng nào các địa phương vẫn chưa thực hiện thành công các chỉ số năng lực cạnh tranh, bao gồm những yếu tố ngoài cơ cấu nhưng thiết yếu cho sự tồn tại của một môi trường đầu tư thông thoáng, như các qui chế pháp lý, tính minh bạch, chi phí không chính thức, thủ tục và thời gian cấp giấy phép, và chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Ông David Ray, Phó giám đốc dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) đã không ngần ngại phát biểu về vấn đề này trong buổi phỏng vấn với Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số in tháng 6/2006 [6] , khi được hỏi vì sao mức đầu tư FDI của Hà Nội tăng nhanh và đồng thời các chỉ số năng cạnh tranh lại sút giảm: “Trên thực tế hầu như tất cả các chỉ số, trừ một chỉ số về sự minh bạch, điểm của Hà Nội đều giảm so với năm trước. Điều này làm chúng tôi tin rằng Hà Nội vẫn tiếp tục nhận được sự gia tăng đầu tư bất kể những quy định của môi trường đầu tư chưa thật tốt chứ không phải là nhờ có một môi trường đầu tư tốt. Thành công về kinh tế tiếp tục được duy trì của Hà Nội, theo cách nói của chúng tôi, là do những lợi thế về cơ cấu (structural endowments) như quy mô thị trường nội địa, nguồn nhân lực hay cơ sở hạ tầng - là những yếu tố không bị ảnh hưởng bởi các quan chức thành phố về ngắn hạn. Những phân tích của chúng tôi cho thấy rằng Hà Nội có thể tận dụng tốt hơn những lợi thế cơ cấu này bằng cách cải thiện việc quản lý khu vực tư nhân”.

Ông Ray cũng nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa các chỉ số năng lực cạnh tranh PCI và sự thịnh vượng: với điều kiện truyền thống tương đương nhau, những tỉnh có chỉ số PCI cao có mức sống cao hơn [7] . Mối quan hệ này cũng đã được xác định qua nhiều cuộc điều tra khác. Phần phân tích về vai trò của các địa phương trong phát triển kinh tế qua tài liệu “Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2006” do WB ấn hành mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu gần đây trên diễn đàn talawas [8] cũng đã minh chứng: Trong những điều kiện phát triển tương tự (yếu tố cơ cấu), các tỉnh Bình Dương, Đà Nẵng và Vĩnh Phúc đã đạt mức độ phát triển cao hơn hẳn so với các tỉnh lân cận Long An, Huế và Hà Tây, vì theo sự đánh giá của các doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra, các địa phương này đã thực hiện hữu hiệu chính sách khuyến khích khu vực tư nhân, tốc độ đăng ký, cấp đất và giấy phép, và thông tin về kế hoạch và chính sách. Những vấn đề quan hệ khác có liên quan đến vai trò các tỉnh địa phương được đề cập trong bản Báo cáo Phát triển Việt Nam 2006 như việc gia tăng quyền lực và vốn đầu tư tại các địa phương dễ nảy sinh tệ nạn lạm dụng chức quyền, nhất là trong lãnh vực đất đai như những vụ tai tiếng đã xảy ra gần đây tại Bạc Liêu, Kiên Giang, Phú Thọ, Khánh Hoà và Đồ sơn. Thứ đến là tầm quan trọng của những phương pháp đánh giá các tỉnh như qua cuộc điều tra PCI, song song với các biện pháp khuyến khích thăng thưởng và qui trách nhiệm cho các cấp lãnh đạo địa phương về các kết quả phát triển. Và sau cùng, các cơ chế phân bổ ngân sách đã thực hiện khá tốt cần được phát huy trong việc chuyển một lượng đáng kể nguồn lực từ các tỉnh giàu sang các tỉnh nghèo để hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở và cung cấp dịch vụ xã hội.

Trên bình diện quốc gia, phát triển kinh tế bền vững và chất lượng chỉ thực sự đạt được khi sự phát triển ấy được tỏa rộng và cân đối trên khắp các tỉnh, vùng địa phương, giữa các thành phần kinh tế khác nhau, bổ sung và liên kết tạo thành một sức mạnh tổng hợp, và thành quả của sự thịnh vượng được san sẻ sâu rộng đến mọi tầng lớp quần chúng. Những bước tiến đạt được sau gần hai thập niên cải cách đã đưa Việt Nam đến một ngưỡng cửa mới, rộng mở cho một thời kỳ phát triển cao hơn. Nhưng liệu Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội của làn sóng đầu tư lần thứ hai? Liệu công cuộc cải cách có thành công trong những vấn đề huyết mạch như thu hẹp qui mô và nâng cao hiệu quả quản lý của khu vực kinh tế quốc doanh thông qua tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, gỡ bỏ rào cản và hỗ trợ việc mở rộng khu vực kinh tế tư nhân, khắc phục tệ trạng tham nhũng, chấn chỉnh luật pháp, cải thiện hạ tầng cơ sở, đào tạo lao động có kỹ năng và sẽ trở thành thành viên của nhóm các quốc gia có lợi tức trung bình trong vòng một thập niên như tiên đoán và kỳ vọng của các nhà đầu tư và các tổ chức kinh tế tài chánh quốc tế đang tài trợ Việt Nam. Hay một lần nữa, Việt Nam lại bỏ lỡ cơ hội như nghi vấn mà Fred Burke, cộng sự viên công ty luật Hoa Kỳ Baker & McKenzie, đã đặt ra và được ông Johnson trích dẫn trong phần kết của bài viết của ông ta: “Vào cuối thập niên 90, người ta thường đùa rằng Việt Nam không bao giờ bỏ lỡ việc bỏ lỡ các cơ hội. Nhưng tôi hy vọng điều này sẽ không xảy ra lần nữa.”

11/2006

© 2006 talawas



[1]Môi trường đầu tư: "Hy vọng sẽ có một bước ngoặt"
[2]Bản tiếng Anh: Vietnam Development Report 2006
Bản tiếng Việt: Báo cáo Phát triển Việt Nam 2006
[3]Bản tiếng Anh: History or policy: Why don't northern provinces grow faster?
Bản tiếng Việt: Lịch sử hay chính sách: Tại sao các tỉnh phía Bắc không phát triển nhanh hơn?
[4]PCI 2006: Bức tranh nhiều tương phản
[5] Waking Up the North
[6]Tác động lan tỏa
[7]Xếp hạng khả năng cạnh tranh các tỉnh
[8]Kinh tế Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập