trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
61 - 80 / 3021 bài
61 - 80 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
30.9.2008
Cổ Luỹ

Đây thôn Vĩ Dạ, ngôi thứ vi diệu

Tôi thích thú đọc loạt bài "Đọc một bài thơ như thế nào", chuyên mục ngôi thứ trong thơ, của Nguyễn Đức Tùng. Việc vận dụng tốt ngôi thứ sẽ mở ra chiều kích cho một tác phẩm, nâng tầm giá trị của tác phẩm. Cao hơn, đưa một phần sáng tạo của tác phẩm cho độc giả.

Bài này gợi cho tôi nhớ tới một bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử, một bài thơ mà một đời tôi chưa hiểu hết, bài “Đây thôn Vĩ Dạ”.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Ai trách Hàn đây? Có thể là một người em (em yêu, em gái, cháu gái…). Nhưng tôi nghĩ không hẳn là người em. Người em ở đây chỉ là cái cớ, không có em nào thì Hàn cũng tự trách mình rồi. Vì vậy người đọc có thể nghĩ, đó là người em hay là chính mình vậy. Ta tuy hai mà một.

Câu tiếp theo,

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Câu thứ ba này tác giả bắt đầu dắt chúng ta vào ngôi khu vườn thiên nhiên Huế, cũng bắt đầu dắt ta vào cái xưng hô vi diệu.

Vườn ai trong câu thơ là vườn của ai? Có thể là vườn nhà em, có thể là vườn nhà anh, có thể khu vườn mà hai ta có cùng kỉ niệm, hoặc là một khu vườn nào đó ở thôn Vĩ, cũng có thể vườn của tưởng tượng mà thôi. Chưa kể vườn ở đây có nghĩa là tâm hồn em đây, như trong câu “Chiều đã đi vào vườn mắt em” (Trịnh Công Sơn).

Đọc các câu tiếp theo, không thể nói rằng người em đang nói chuyện với Hàn hay Hàn tự nói:

Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.

Thuyền ai, ở đây có thể không là chủ thể của vườn ai trên kia nữa, đã được nâng cấp, đã là người thân, và có thể thân thiết hơn… bởi trăng đã muốn đi cùng thuyền trên bến “sông trăng”. Người đọc lại đi vào một thế giới mới của Hàn. Giờ đây không còn tôi và em mà hoà nhập vào sông và trăng. Kì thực đọc đoạn thơ này, tôi không biết ai là trăng, ai là sông, hay trăng là trăng, sông là sông; hoặc ngược lại. Ngôi thứ ở đây đã biến đổi kì ảo giữa ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai và hai nhân vật sông trăng ở ngôi thứ ba.

Mơ khách đường xa khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra,

Em là em, hay em là trăng, hay bóng dáng của kiều nữ trên sông Hương. Hay chỉ là tưởng tượng của Hàn, bởi tưởng tượng nên Hàn cố lộ cho ta thấy bằng câu, trắng quá nhìn không ra. Dĩ nhiên bằng cách nào đi nữa, ta cũng thấy cái tuyệt vọng của nhà thơ.

Tuy nhiên hai câu cuối không quá tuyệt vọng như ta tưởng:

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà.

Nhờ chữ “ai”, sự trách móc (nếu có) cũng nhẹ đi. Bởi tôi có trách em không đậm đà chăng nữa, thì tôi hãy nhìn lại mình, biết đâu tình tôi có đậm đà bằng tình em không. Ai biết tình ai. Ngôi thứ mông lung và diệu vợi. Đó là ngôn ngữ của thơ, là linh diệu của trời đất, của sương khói sông Hương.