trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
29.8.2007
 
Báo cáo về tình hình lương thực, thực phẩm (Hà Nội, 1970)
 1   2 
 
Ở Việt Nam có một huyền thoại thường nghe nhắc đến về miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Theo huyền thoại này, mặc dù phải chi viện nặng nề cho cỗ máy chiến tranh, nhân dân miền Bắc vẫn đoàn kết thắt lưng buộc bụng, chia sẻ ngọt bùi, hy sinh tất cả cho sự nghiệp thống nhất dân tộc và xã hội chủ nghĩa. Xã hội miền Bắc là một bức tranh lý tưởng, trái ngược hẳn với một miền Nam thối nát đầy tệ nạn tham nhũng, đĩ điếm, người bóc lột người. Thực tế dĩ nhiên phức tạp hơn nhiều, như chúng ta đã biết qua các bài viết trên talawas của Vũ Ngọc Tiến và Trần Vàng Sao. Tài liệu dưới đây (chụp và đánh máy lại từ tài liệu lưu trữ gốc ở Trung tâm Lưu trữ III, Hà Nội, hồ sơ số 435, phông Bộ Lương thực-Thực phẩm [vĩnh viễn], 21 trang) cho thấy sự khác biệt giữa hai miền có thể có, nhưng không quá tương phản như huyền thoại. Xã hội miền Bắc không phải bình đẳng mà thực tế chia ra về cả kinh tế lẫn chính trị. Tầng lớp quốc doanh được hưởng mọi ưu đãi. Hai tầng lớp kia chịu nhiều kỳ thị, đẩy đến chỗ họ phải bươn chải kiếm sống bất chấp mọi hình thức đàn áp (hàng ngàn người bị cưỡng bức lao động hàng năm). Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi, tầng lớp quốc doanh không phải chỉ gồm toàn anh hùng lao động hay công nhân gương mẫu. Nạn “chân ngoài dài hơn chân trong” khá phổ biến. Nhiều cán bộ công nhân quốc doanh cấu kết với hai thành phần kia để bòn rút tiền lương và nguyên vật liệu nhà nước (chủ yếu là hàng nhập khẩu từ gạo cho đến sắt thép). Trộm cắp, buôn lậu và đĩ điếm có thể ít hơn miền Nam dưới chế độ tư bản, nhưng không phải là hiếm. Dĩ nhiên chỉ một tài liệu nhỏ làm sao diễn tả trọn vẹn thực tế phức tạp của miền Bắc trong những năm chiến tranh gian khổ. Chúng tôi đăng tài liệu này với hy vọng những công trình nghiên cứu tương lai có thêm một tư liệu hữu ích.
talawas
Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 1970

Kính gửi: Bộ trưởng Bộ Lương thực, Thực phẩm

Báo cáo

Tình hình điều tra và nghiên cứu để thi hành chủ trương phân phối lương thực và hàng hoá công nghệ thuộc nhu cầu định lượng, kết hợp với quản lý lao động ở khu vực phi nông nghiệp của Thành phố Hà Nội.

Sau một tháng đi phổ biến dự thảo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về chủ trương phân phối hàng hoá theo nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội, và phổ biến dự thảo chính sách phân phối về lương thực, kết hợp với điều tra nghiên cứu tình hình ở 3 khu vực: Cơ quan và xí nghiệp; Hợp tác xã thủ công và phục vụ; Khu vực kinh tế cá thể và nhân dân, thấy những tình hình cụ thể và những ý kiến qua lại về chủ trương chính sách và biện pháp thực hiện ở mỗi khu vực như sau:


I. Khu vực cơ quan và xí nghiệp

Trong 7 cơ quan xí nghiệp (nhà máy dệt 8-3, cơ khí Mai Ðộng, cơ khí Trần Hưng Ðạo, Bộ Tài chính và 3 đơn vị công trường thuộc Bộ kiến trúc) đoàn đã đến, đều là những đơn vị đang có phong trào cải tiến quản lý lao động, định mức lao động cho từng loại công việc tương đối hợp lý và có nền nếp, như cơ khí Mai Ðộng, cơ khí Trần Hưng Ðạo và công trường 101 của Bộ kiến trúc; nhưng vấn đề chung nhất hiện nay trong quản lý lao động thì nơi nào cũng đang còn lúng túng về xây dựng định mức, về biện pháp quản lý lao động, v.v…; trong công nhân thì những hiện tượng nghỉ việc tự do vẫn còn xảy ra ở một số khá đông, nhất là ở xí nghiệp như xí nghiệp 8-3, là 1 trong những đơn vị kém hơn các đơn vị khác về quản lý lao động; theo số liệu thống kê của phòng lao động, tiền lương của xí nghiệp cho biết thì năm 1969, xí nghiệp có 6.683 công nhân (4,830 nữ), thành 1.469.525 ngày công theo định mức, nhưng đã nghỉ 276.660 ngày công, bằng 18% tổng số ngày công, trong đó cụ thể của mỗi loại ngày nghỉ trong năm 1969:

1. Nghỉ đẻ:
37.088 công =
2,5% tổng số ngày công
2. Nghỉ phép:
39.569
2,6%
3. Nghỉ ốm:
117,621
8,0%
4. Nghỉ con ốm:
45,632
3,1%
5. Họp và học:
3,591
0,24%
6. Tai nạn lao động:
610
0,03%
7. Việc công
620
0,04%
8. Việc riêng
11,715
0,79%
9. Không có lý do
11,005
0,74%
10. Nguyên nhân khác
69
0,007%

Do tỷ lệ ngày nghỉ nhiều như vậy nên ngày công thực tế chỉ đạt 82,79%, và bình quân công nhân chỉ đạt 19,3% ngày, sụt 5,7 ngày công trong tháng theo định mức. [Ðiều đó] có ảnh hưởng nhất định đến việc hoàn thành kế hoạch sản xuất của xí nghiệp; chỉ tính riêng 2 loại ngày nghỉ, việc riêng và nghỉ tự do, đã có 22.760 ngày, tuy chỉ bằng 1,55% tổng số ngày công thôi, nhưng lại là những ngày nghỉ bất hợp pháp, nghỉ không được trả lương; lương thực của những ngày này tính bình quân 0,660kg ngày, thì có 13.556kg vẫn hưởng bình thường; nếu thi hành chính sách phân phối lương thực, kết hợp với quản lý lao động, thì số lương thực này phải mua bằng giá cao, bình quân 1đ96kg gạo và 1đ00 kg mỳ. Nhà nước sẽ thu được 13,886đ00 vào ngân sách (cả năm).

Cụ thể
Giá cung cấp
giá cao
Thu chênh lệch






60% bột mì
= 8.183kg
2.939đ48
8.193đ00
5.253đ52





40% gạo
= 5.463
2.075,94
10.708,48
8.632,54

----------
------------
------------
-------------

13,656
5.016đ42
18.901,48
13.886,06

6 tháng đầu năm 1970, xí nghiệp 8-3 tuy tỷ lệ 2 ngày nghỉ tự do và nghỉ việc riêng chỉ có 1,05%, nhưng tổng số ngày nghỉ bằng 19% tổng số ngày công định mức, vượt năm 69 = 1%, và ngày công thực tế chỉ đạt 82,14% thôi. Nếu như 6 tháng cuối năm 1970, xí nghiệp này không tăng được tỷ số ngày công thực tế lên, thì sẽ ảnh hưởng lớn đến thực hiện kế hoạch sản xuất năm 1970.

Vì tình trạng phân phối bình quân và bao quá rộng của chính sách, nên trong những ngày nghỉ bất hợp pháp này, tuy công nhân không được trả lương, nhưng lương thực thực phẩm và các hàng công nghệ theo định lượng vẫn đảm bảo giữ nguyên, đã gây nên tâm lý chán nản và bất bình trong những người tích cực lao động. Do đó, trong những buổi họp mặt với chị em của phân xưởng dệt sợi, nhuộm và động lực, họ đã nói rõ là phần thực chất nội dung, những ngày nghỉ của một số người như: có người nghỉ việc riêng hay nghỉ tự do, về gia công dán hộp, dán túi cho mậu dịch, hoặc làm hàng thủ công, làm đồ chơi của trẻ em như mũ kỳ lân, đèn ông sao v.v… để thêm thu nhập, có người vì mệt mỏi, lười nhác dựa vào lương của bố mẹ như Vũ Thị Loan 98 Thuỵ Khuê tự ý bỏ việc không làm hàng tháng, chị Hoà Lò Ðúc dựa vào lương chồng để chơi, một tháng chỉ đảm bảo 14-15 ngày công là cao lắm rồi; cá biệt có người bỏ xí nghiệp 3 tháng liền đi buôn chuyến, đủ tiền mua 1 xe đạp rồi mới trở về nhà máy; còn phổ biến là mỗi tháng nghỉ 4, 5 ngày ngoài chế độ, ngay cả ngày nghỉ vì con ốm mẹ nghỉ, hoặc bản thân ốm, cũng thường có những nội dung tương tự như nghỉ tự do.

Vì điều kiện sản xuất dây chuyền đảm bảo hoạt động bình thường của nhà máy, và các phân xưởng, các tổ sản xuất phải đảm bảo định mức kế hoạch đơn vị mình, nên ca nào có 1, 2 người nghỉ thì cả tổ phải cố gắng đảm nhiệm hoàn thành kế hoạch của tổ đó; cá biệt có tổ sản xuất nghỉ tới 50% số người, như tổ vận chuyển than vào lò có 11 người, nhưng thường chỉ có từ 6 đến 7 người/ ca, vẫn phải hoàn thành khối lượng công việc của 11 người/ca. Người nghỉ việc tự do vẫn hưởng đủ tiêu chuẩn chế độ, người phải gánh vác khối lượng việc của người nghỉ lại chưa được phụ cấp thêm tý gì trong những trường hợp này.

Ngoài ra, chị em còn cho biết ở nhà máy hiện nay, những người chuyên từ việc nặng sang việc nhẹ vẫn giữ nguyên tiêu chuẩn của việc nặng là phổ biến. Chính vì vậy mà sau khi phổ biến phần dự thảo chính sách về lương thực đối với cán bộ công nhân viên, thì hầu hết các cơ sở đoàn đã đến, từ anh chị em trực tiếp sản xuất đến cán bộ lãnh đạo, đều nhất trí tán thành với nội dung chính sách và biện pháp là:
  1. Chính sách:

    • Nghỉ việc ngày nào (không có lý do hợp lệ hợp pháp) thì phần lương thực ngày đó không được mua giá cung cấp, phải mua giá cao.
    • Tự ý bỏ việc thì bỏ chế độ cung cấp lương thực, nếu muốn được cấp tiếp phải trở về cơ quan cũ đơn vị cũ để sản xuất, muốn đi sang cơ quan, xí nghiệp khác phải được sự thoả thuận của cơ quan xí nghiệp cũ giới thiệu phần lương thực, thì mới được cấp tiếp lương thực ở nơi mới đến.

  2. Biện pháp:

    • Mỗi cán bộ công nhân viên phải chuyển phần lương thực của bản thân có ở sổ gia đình nhập vào sổ lương thực tập thể cơ quan xí nghiệp quản lý, hằng tháng xét duyệt phần lương thực của mỗi người qua bảng chấm công phát lương, để làm căn cứ phát tem lương thực cho tháng sau.
    • Ngành lương thực sẽ có 1 loại tem lương thực khác màu hoặc có ký hiệu đặc biệt để bán lương thực theo giá cao, giao cho cơ quan xí nghiệp xét duyệt ngày công để cấp phát hằng tháng cho những người có những ngày nghỉ không có lý do hợp lệ hợp pháp.
Trong quá trình trưng cầu ý kiến với các đơn vị và ý kiến qua lại trong đoàn, cũng có những ý kiến hơi khác một chút như:

1. Có ý kiến đề nghị hằng tháng cơ quan xí nghiệp chỉ giới thiệu, hoặc thông báo danh sách anh A chị B v.v…, đến phòng lương thực, tháng này phải rút bao nhiêu kg lương thực theo tiêu chuẩn để phòng lương thực báo cho cửa hàng bán giá cao cho những anh A chị B đó v.v…

Làm như thế nghe chừng đơn giản nhưng rất phức tạp; vì công văn của cơ quan đó sẽ không đến phòng lương thực được kịp thời vì nhiều lẽ… mà lương thực trong nhà họ đã hết, thì việc quyết định bán lương thực cho gia đình ấy thế nào? v.v… Ý kiến này rõ ràng là không có cơ sở để nghiên cứu được.

2. Một số ý khác cho rằng: số cán bộ công nhân viên nghỉ tự do tuy có, nhưng tỷ lệ không nhiều, nhất là ở cơ quan hành chính sự nghiệp thì hiện tượng nghỉ tự do càng không rõ nét như ở xí nghiệp, nên không muốn chuyển phần lương thực của bản thân cán bộ công nhân viên từ sổ gia đình vào sổ lương thực tập thể của cơ quan xí nghiệp, e rằng thêm phức tạp cho cơ quan; chỉ muốn chuyển về cơ quan, xí nghiệp quản lý sổ lương thực của những người có biểu hiện chây lười, vô kỷ luật thôi.

Ý kiến này có lý, muốn hạn chế cái gọi là “xáo trộn” nhưng thực tế sẽ càng không ổn định, vì số người nghỉ tự do vô kỷ luật thì có thể tháng này là anh A tháng sau lại là anh B chị C v.v…, cơ quan tiếp tục đi quản lý thêm 1 số sổ lương thực của những người này thì lại càng gây thêm lộn xộn về tổ chức chính trị. Ở cơ quan mà họ chưa thấy rằng: các cơ quan và xí nghiệp ở Hà Nội hiện nay vẫn quản lý 1/2 hoặc 1/3 cán bộ công nhân viên có trong sổ lương thực tập thể rồi, nay chỉ quản thêm phần còn lại thì có gì là xáo trộn? Mặt khác, nếu cơ quan xí nghiệp mà không quản phần lương thực của cán bộ công nhân viên, thì cũng chẳng thực hiện được chủ trương phân phối kết hợp với quản lý lao động ở mỗi cơ quan, mỗi xí nghiệp v.v… Ý kiến này phân tích đến cùng thì vô tình đã phản đối lại chủ trương lấy việc phân phối lương thực làm đòn bảy cho quản lý lao động ở cơ quan và xí nghiệp, nên đã không được đa số tán thành.

3. Riêng ý kiến của đồng chí phó giám đốc nhà máy dệt 8-3 thì tán thành về chủ trương chính sách này, nhưng sợ quản lý không nổi, muốn đề nghị cơ quan khác (lao động lương thực) quản giúp, còn nói chung các đồng chí Ðảng uỷ giám đốc công đoàn của 8-3 thì rất tin tưởng là có thể quản được, tuy có thêm phần phức tạp, nhưng đều thấy rằng: quản lý tốt việc phân phối lương thực là 1 then chốt để quản lý lao động của xí nghiệp.

II. Khu vực hợp tác xã thủ công và phục vụ

Toàn thành Hà Nội có 3 ngành nghề của lao động thủ công như:

1.Thủ công và phục vụ có =
38.978 người trong đó:
 340 hợp tác xã (HTX) có =
23.522 xã viên
 971 tổ sản xuất
10.107 tổ viên
 cá thể có
4.372 người
2. Vận tải thô sơ và bốc vác có 41 HTX gồm: 4.131 xã viên.
3. Xây dựng và sửa chữa nhà cửa 4 HTX gồm: 2.235 xã viên.

Tổng số ngành nghề trên, kể cả tập thể và cá thể, có 45.344 người (số người làm các nghề thủ công và phục vụ chiếm đại bộ phận = 39.000 người).

Sau khi đi trưng cầu ý kiến, kết hợp nắm tình hình ở 12 cơ sở của mỗi loại ngành nghề từ tổ sản xuất đến hợp tác xã, để thấy được một số đặc điểm tình hình như sau:

1. Cơ cấu tổ chức và tính chất hoạt động của HTX (hợp tác xã)

Hợp tác xã thủ công ở các tỉnh thường hình thành trên cơ sở truyền thống của 1 nghề nào đó trong một khu vực dân cư nhất định, cho nên mỗi khi hình thành 1 tổ chức sản xuất thủ công là có ngay cơ sở lãnh đạo của chi bộ Ðảng đoàn được chặt chẽ, họ thu hút được mọi tầng lớp tham gia sản xuất, người tốt chiếm đại bộ phận để dìu dắt cải tạo người xấu, còn ở Hà Nội thì khác hẳn, các hợp tác xã tổ chức ra phần lớn là những người không đủ điều kiện (tiêu chuẩn chính trị) tuyển dụng vào cơ quan xí nghiệp, và 1 số ít đã bị cơ quan xí nghiệp đào thải ra, được hợp nhau lại để có 1 đăng ký sản xuất hợp pháp, cho nên rất ít HTX có chi bộ Ðảng lãnh đạo (khu Hoàn Kiếm có 78 HTX, chỉ có 47 HTX có đảng viên sinh hoạt ở 40 chi bộ), tỷ lệ người tốt so với HTX ở các tỉnh thì chắc chắn là thấp, và hoạt động kinh doanh sản xuất của những HTX này thường mang nhiều tính chất tư bản chủ nghĩa, cạnh tranh chạy theo lợi nhuận, chưa thể hiện rõ nét vai trò vị trí kinh tế tập thể của chủ nghĩa xã hội, như HTX nông nghiệp và thủ công nghiệp thuần tuý ở các tỉnh khác; vì vậy hiện nay có khoảng 70% số HTX có hợp đồng gia công cho Nhà nước hoàn toàn hoặc 1 phần, còn lại là kinh doanh tự do, tự sản tự tiêu, ngoài việc hợp đồng gia công với những công ty hoặc cơ quan, bộ đội trong thành Hà Nội ra, HTX còn tự do hợp đồng sản xuất với các tỉnh khác, không thông qua liên hiệp xã quản lý, do đó có tháng có HTX giao dịch từ 10 đến 20 khách hàng như HTX cơ khí Tây Sơn, Duy Nhất ở Cửa Nam, Gió Ðông Hàng Bài. Và họ sẵn sang tự ý bỏ hợp đồng khi giá cả không thoả đáng, ít lợi nhuận v.v… có những HTX nói là đã gia công cho Nhà nước 100%, cũng vẫn còn nhận làm ngoài kế hoạch để tăng thu nhập, thậm chí còn lợi dụng cả công cụ của tập thể hoặc của Nhà nước để thu nhập cho cá nhân. Ðây là chuyện phổ biến của các loại HTX mà đoàn đã đến (trừ HTX dệt Thành Công).

Ngoài ra có loại nghề tự sản tự tiêu không được phép sản xuất nhưng họ vẫn hoạt động được như: đúc, nhuộm lậu, dập chắn bùn xe đạp bằng nguyên liệu của nhà nước quản lý, tuy bị ngăn cấm nhưng không ngăn nổi họ, là vì yêu cầu của nhân dân rất lớn, trong khi đó quốc doanh chưa có điều kiện sản xuất để đáp ứng được yêu cầu cho dân, như ngõ 331 Bạch Mai có gồm 200 nhà làm nghề này.

2. Tình hình lao động và quản lý lao động của HTX

Các HTX tự thu hút kết nạp xã viên rất nhiều, không có cơ quan nào khống chế chỉ tiêu lao động của họ, nên có loại xã viên tham gia sản xuất thực sự, có loại sản xuất rất ít; loại này vào HTX để có danh nghĩa về chính trị (là tầng lớp người thứ 2 sau cán bộ công nhân viên) cho bản thân và con cái họ; nhất là những HTX kiến trúc tự thuê mướn nhân công, kê danh sách xã viên rất nhiều để xin rút tiền ở ngân hàng về trả lương cho công nhân, như tháng 5 năm 1970 xin rút 25.000đ00, liên hiệp xã chỉ duyệt 15.000đ00, tháng 6 xin rút 38.000đ00, chỉ duyệt 18.000đ00, trả lương xong không hề kêu ca gì về thiếu lương cả, chứng tỏ họ man khai danh sách khá nhiều, có khi còn man trá để xin cấp lương thực chênh lệch nữa (cần có dịp kiểm tra khâu lương thực đối với HTX xây dựng này).

Việc quản lý lao động của HTX cũng trên cơ sở trả lương theo sản phẩm và có phúc lợi vật chất kích thích, nên thường là họ huy động được toàn bộ lao động vào sản xuất, và có cường độ lao động cao từ 10 giờ trở lên. Có xã viên còn đưa con cái đến giúp đỡ bố mẹ 1 số việc phụ. Do đó họ thường vượt kế hoạch so với chỉ tiêu lao động và thời gian hoàn thành (họ hơn xí nghiệp quốc doanh trong vấn đề quản lý lao động); mặt khác, trong xã viên còn đem hàng về gia công lại cho những người không ở HTX, để vừa góp phần hoàn thành kế hoạch nhanh, vừa thêm thu nhập cho xã viên (may mặc). Ngoài những công cụ sản xuất của tập thể ra, mỗi gia đình xã viên thường có đủ đồ nghề riêng ở nhà (may đo, chữa đồng hồ, sản xuất tôn thiếc…) để làm riêng thêm thu nhập.

3. Sự quản lý các nghành nghề của cơ quan Nhà nước chưa thể hiện sự tập trung thống nhất vào chính quyền khu và thành quản lý, hiệu lực của chính quyền chưa được phát huy, mà thường mỗi ngành quản lý một nghề như:
  • Các ngành nghề may đo, dệt, da, giấy, cơ kim khí hoá chất, gỗ tre, mây song, văn phòng phẩm và công nghiệp khác do liên hiệp xã thủ công của khu, thành quản lý.
  • Nhuộm, giặt là, sửa chữa đồng hồ, chế biến lương thực (bún, mì sợi, bánh đa, dong riềng) do thương nghiệp quản lý (cấp đăng ký).
  • Chụp ảnh truyền thần, tranh vẽ do văn hoá quản lý.
  • Vận tải xe bò, ngựa, ba gác, xích lô, bốc vác, sửa chữa xe thô sơ và cơ giới do liên hiệp xã vận tải quản lý.
  • Sửa chữa và xây dựng nhà cửa do phòng nhà đất quản lý.
  • Sản xuất bánh mỳ do công ty bánh mỳ quản lý.
  • Sửa chữa xe đạp do công ty mô tô xe đạp quản.
  • Các tổ sản xuất và cá thể sản xuất hoặc buôn bán do văn phòng Uỷ ban các khu phố trực tiếp phụ trách xét cấp đăng ký.
Kể ra mỗi ngành trực tiếp quản lý mỗi nghề có tác dụng sâu sát về chuyên môn, nhưng về mặt chỉ đạo chấp hành các chính sách về cải tạo quan hệ sản xuất rõ ràng là phân tán rời rạc, và tất nhiên không tránh khỏi cục bộ địa phương chủ nghĩa trong hoạt động kinh tế ở khu vực tập thể.


1. Hợp đồng kinh tế

a. Các cơ quan gia công thường là bất bình đẳng trịch thượng đối với hợp tác xã thủ công như:
  • Không cung cấp đủ nguyên liệu cho HTX. Có mặt hàng cần 35 thứ nguyên liệu và phụ liệu như va ly, nhưng chỉ đảm bảo được 15 thứ, còn mặc cho HTX tự kiếm.
  • Nguyên liệu không đúng chất lượng như: sản xuất kìm lại không có thép CT 45 và thuốc tôi, lại đưa loại thép khác, dẫn đến kết quả sản phẩm không đúng chất lượng, không thu hoá, làm đọng vốn của HTX, như HTX cơ khí Hồng Hà.
  • Tuỳ tiện thay đổi mặt hàng như công ty kim khí cấp I gia công cho HTX Việt Hưng 72 Hàng Chiếu, sản xuất 3000 đôi vành xe đạp nhuộm, HTX vừa chuẩn bị xong khuôn mẫu thiết bị để sản xuất, hết trên 10.000đ00, thì công ty lại báo không sản xuất, không cấp nguyên liệu nữa, bỏ mặc HTX chịu khoản chi phí kia.
  • Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà còn chiếm dụng 63.000đ00 vốn của HTX Hữu Nghị giấy đã gần 2 năm nay chưa trả.
Qua những hiện tượng trên, thấy rõ các cơ quan gia công của nhà nước đã gây nhiều khó khăn cho HTX, làm trái với thông tư 32 TTg ngày [1] … của Hội đồng Chính phủ đối với việc phát triển công nghiệp và thủ công nghiệp địa phương; nhưng họ vẫn sống được, họ vẫn phải chịu sự chi phối của cơ quan gia công, họ không dám kiện lại cơ quan gia công, chính là họ sợ cơ quan không giao việc tiếp cho họ. Mặt khác, họ đã triệt để lợi dụng giấy tờ của cơ quan gia công để tìm kiếm nguyên liệu, cuối cùng vẫn là moi vật tư của Nhà nước ra thôi; giới thiệu đi mua 1, họ có thể mua 10 hoặc nhiều hơn nữa để sản xuất mặt hàng mới. Ngoài ra, họ cố tình tăng công thức nguyên liệu lên để rút vật tư nguyên liệu của Nhà nước ra, như HTX Gió Ðông sản xuất huy hiệu cho quân đội bằng sắt máy bay hiện nay, đã làm xong hợp đồng rồi, vẫn còn hàng 100kg mảnh máy bay nữa.

Tổ sản xuất nút chai Chi-Mai, sau 1 tháng sản xuất hết hợp đồng, vẫn còn thừa 2 kg nhựa PVC v.v… Những nguyên liệu còn lại này sẽ là những mặt hàng mới nhà nước sẽ không quản lý được của họ. Ðiều này có thể cơ quan gia công chưa biết rõ mặt trái đó, hoặc biết rồi nhưng cũng phải lờ đi, hoặc có sự ăn cánh với nhau giữa cán bộ nhà nước đi gia công, thu hoá sản phẩm, nên đã buông lỏng giám sát quản lý nguyên liệu. Chính vì thế họ vẫn có thu nhập cao và chưa dám tố cáo trước pháp lý về những hiện tượng cơ quan gia công thiếu bình đẳng, trịch thượng với họ.

b. Ðối với các HTX vận tải và kiến trúc thì lại bắt bí cơ quan gia công; tuy bề ngoài họ vẫn lấy đúng giá cước nhà nước quy định đấy, nhưng họ bắt bí cơ quan gia công bằng cách tự tăng chỉ tiêu tấn cây số vận chuyển, tăng độ dốc, tăng cấp đường loại II, tăng cước phí bốc dỡ v.v… để tăng thu nhập. Vì ngoài họ ra, thì chẳng ai có khả năng làm được, nên cơ quan gia công phải theo yêu sách của họ.

Thí dụ: Sở giao thông Hà Nội quy định mỗi xe bò phải đi 17T/km ngày, họ tự nâng lên 21T/km ngày để làm căn cứ tính tiền công với các cơ quan gia công.

Ngày công bốc vác họ cũng tăng độ dốc để tính công, như phòng lương thực Hoàn Kiếm đã phải trả công bốc vác 1 bao bột mì 50-70kg từ xe vào xếp trong kho hết 0đ70; họ nói là độ dốc càng cao, tiền cũng càng đắt.

HTX Kiến Trúc thì khai tăng nguyên liệu, tăng định mức lao động, để tăng ngày công, trên cơ sở đó để ký hợp đồng với cơ quan gia công; ngoài ra còn khai tăng công thức nguyên liệu để rút nguyên liệu của nhà nước ra để bán lại cho dân hoặc cho cơ quan khác mới khi thuê họ làm mà thiếu thứ nguyên liệu đó, như Học viện Thuỷ Lợi hiện đang thuê HTX 318 quét vôi sửa chữa nhà hết 51.000đ00, mà vôi là do hợp tác xã nói là mua giúp với 1 giá đắt hơn giá chỉ đạo.

Qua những dẫn chứng trên, đã thấy rõ hiệu lực của hợp đồng rất ít giá trị về pháp lý.


Tình hình thu nhập

Do cách làm ăn trên của các cơ quan gia công khi thì hữu khuynh buông lỏng quản lý, khi thì bị họ bắt bí, cho nên HTX thu nhập khá cao ở cả 3 nguồn thu:
  1. Thu nhập nằm trong sự quản lý của HTX để công khai tính toán với nhà nước, làm căn cứ rút tài khoản.
  2. Thu nhập tiền mặt do HTX nhận làm hàng ngoài kế hoạch.
  3. Thu nhập của từng xã viên làm riêng (đã nói ở cuối đặc điểm 2).
Sự thu nhập cao thấp khác nhau ở 3 nguồn thu đó là tuỳ ở tính chất sản xuất và sự quản lý sản xuất của HTX để quyết định; nếu như HTX không bố trí công việc được liên tục, xã viên phải nghỉ việc, họ về làm riêng ở gia đình họ, thì nguồn thu thứ 3 sẽ cao. Hoặc là sau khi làm xong hợp đồng gia công 1 mặt hàng, trong khi chờ đợi kế hoạch tiếp của HTX, nhận làm thêm một loại mặt hàng cho 1 cơ quan khác ở tỉnh khác để thu tiền mặt, thì giá cả khác xa chỉ đạo, nguồn thu nhập thứ hai cũng sẽ cao v.v… Hiện nay, nguồn thu thứ nhất được công khai báo cáo thì:

Bình quân đầu người từ

43đ – 55đ
của HTX dệt
60đ – 85đ
của HTX cơ kim khí sửa chữa
100đ – 140đ
của HTX vận tải xe bò
120đ – 200đ
của HTX xích lô chở khách
200đ – 250đ
của HTX kiến trúc
300đ – 400đ
của xích lô chở hàng kiêm bốc xếp.


Ðó là chưa kể nguồn thu thứ 2 và thứ 3 mà đã cao gấp nhiều lần so với mức thu nhập ở khu vực quốc doanh; vì vậy, chính sách phân phối lương thực và hàng hoá công nghiệp phải nhằm khuyến khích được lao động giỏi và lao động chính đang làm được nhiều của cải vật chất, tập trung được toàn bộ sản phẩm và nguồn hàng vào nhà nước. Do đó, phải trên cơ sở định mức sản phẩm, định mức lao động để định mức lương thực với các hợp tác xã, đồng thời cũng cần nghiên cứu đến tính chất sản xuất thu nhập khác nhau để có sự phân biệt đối xử khác nhau, nhằm góp phần cải tạo quan hệ sản xuất của những HTX mang nặng tính chất kinh doanh tư bản chủ nghĩa, nên có dự kiến như sau:

(Còn 1 kì)


[1]Ngày tháng bị mờ, đọc không rõ (talawas).
Nguồn: Trung tâm LÆ°u trữ III, Hà Ná»™i, hồ sÆ¡ số 435, phông Bá»™ LÆ°Æ¡ng thá»±c-Thá»±c phẩm. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.