trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
29.8.2007
 
Báo cáo về tình hình lương thực, thực phẩm (Hà Nội, 1970)
 1   2 
 
A. Chính sách phân phối lương thực đối với HTX
  1. HTX hoàn toàn gia công cho nhà nước 100%. Nếu hoàn thành đầy đủ hợp đồng kinh tế, giao nộp toàn bộ sản phẩm cho Nhà nước thì lương thực của HTX được cấp đủ 100% số tiêu chuẩn của xã viên trong HTX, và chế độ ca III như công nhân quốc doanh. Ngược lại, nhưng điều trên như: không hoàn thành hợp đồng do bản thân HTX gây nên, và không giao toàn bộ sản phẩm cho nhà nước đúng phẩm chất kỹ thuật đã hợp đồng, thì lương thực sẽ giảm đi theo tỷ lệ % trong hợp đồng đó.

  2. Ðối với những HTX vừa gia công cho Nhà nước, vừa tự sản tự tiêu không qua liên hiệp xã quản lý, thì gia công bao nhiêu % giá trị tổng sản lượng, sẽ được cấp bấy nhiêu % lương thực theo tiêu chuẩn xã viên bằng giá cung cấp, phần còn lại ăn theo tiêu chuẩn nhân dân (13,5kg/tháng) với giá cung cấp; nếu phần tự sản tự tiêu đó mà không chấp hành đúng chính sách giá cả, thì đối xử như người sản xuất cả thể, phần lương thực còn lại đó phải mua giá cao.

  3. Ðối với HTX thủ công, sản xuất những mặt hàng mà Nhà nước không cần gia công, thì căn cứ vào việc chấp hành giá cả thuế khoá (nhận xét của cơ quan thuế) để quyết định việc mua lương thực theo giá cung cấp hay giá cao.

  4. Hợp tác xã phục vụ và sửa chữa (cắt tóc, sửa chữa xe đạp, đồng hồ, may đo nhân dân v.v…). Loại HTX này sẽ căn cứ vào thái độ phục vụ sửa chữa (xem sổ góp ý của khách hàng), căn cứ vào ý kiến chấp hành giá cả, thuế khoá (nhận xét của thương nghiệp, của phòng thuế) để quyết định mức độ hưởng giá cung cấp toàn phần hay nửa phần.

  5. Hợp tác xã vận tải xe bò, ba gác, xích lô chở hàng: Sẽ căn cứ vào hoàn thành định mức tấn cây số, cấp loại đường thực tế và phí bốc dỡ hợp lý của Nhà nước quy định (xem sổ góp ý của đơn vị gia công với HTX sau mỗi hợp đồng) thì mới đảm bảo tiêu chuẩn lương thực theo ngành nghề bằng giá cung cấp; ngược lại những căn cứ trên thì tiêu chuẩn lương thực của xã viên sẽ ăn 13,5 và bằng giá cao.

  6. Hợp tác xã kiến trúc: hiện nay, thực chất là tổ thầu khoán, nên tiêu chuẩn lương thực khởi điểm là 13,5 kg tháng, được cấp chênh lệch ngành nghề, khi nào cơ quan gia công chứng nhận cụ thể, mới được phòng lương thực kết hợp với phòng quản lý Nhà đất ở các khu xét cấp đủ hoặc thiếu tiêu chuẩn cho xã viên, và mua giá cao hay giá cung cấp là do cơ quan gia công đề xuất và xem tổ trả lương để xác định nhân lực của HTX này.

  7. Hợp tác xã xích lô chở khách: Hiện nay, cách làm ăn của họ thực chất gần như làm riêng lẻ, tuỳ tiện về giá cả, nên tiêu chuẩn lương thực ăn 13,5 kg và mua giá cao.

  8. Tổ phục vụ nào, nếu chuyên gia công cho Nhà nước, chấp hành mọi chính sách như hợp tác xã chuyên gia công, thì được ăn lương thực theo giá cung cấp như hợp tác xã chuyên gia công cho nhà nước.

B. Chính sách phân phối lương thực đối với xã viên
  1. Những hợp tác xã sản xuất ổn định, chuyên gia công giao nộp toàn phần sản phẩm cho Nhà nước, thì hình thức phân phối cũng giống như khu vực quốc doanh:

    • Nghỉ việc ngày nào (không có lý do hợp lệ hợp pháp) thì phần lương thực ngày đó không được mua giá cung cấp mà phải mua giá cao.
    • Tự ý bỏ việc thì cũng bỏ chế độ cung cấp lương thực; muốn được cấp tiếp phải trở về HTX để sản xuất; muốn đi sang HTX khác phải được sự thoả thuận của HTX cũ giới thiệu phần lương thực chuyển đi, thì mới được cấp tiếp lương thực ở nơi mới đến.

  2. Những HTX sản xuất không ổn định, khi có việc, khi không, thì:

    • Thời gian không có việc làm do thiếu điều kiện, thiếu than, thiếu nguyên liệu, hoặc phải nghỉ để thay đổi thiết bị sản xuất mặt hàng mới do đơn vị gia công yêu cầu, hoặc phải nghỉ do thiên tai dịch hoạ gây ra, thì vẫn được cung cấp đủ tiêu chuẩn lương thực theo giá cung cấp như khi sản xuất.
    • Nếu thời gian nghỉ đó có nguồn thu nhập bất hợp pháp (làm máy khâu tự do, sửa chữa xe đạp tự do, buôn bán linh tinh có đăng ký làm sai đăng ký, hoặc không có đăng ký, hoặc là ra sản phẩm bán tự do v.v… mà chính quyền khu phố không thừa nhận việc đó là hợp pháp, đều coi như thu nhập bất hợp pháp), thì phải mua tiêu chuẩn lương thực bằng giá cao (tuỳ theo mức độ khác nhau để phải mua nửa phần hay toàn phần cho bản thân hay cho cả những người ăn theo của gia đình đó).

C. Biện pháp
  1. Ðối tượng quản lý của ngành lương thực là Ban quản trị HTX và giúp đỡ HTX quản lý phân phối lương thực cho xã viên theo bảng chấm công của HTX.

  2. Liên hiệp xã mỗi khu phố là cơ quan chủ yếu giúp Uỷ ban Hành chính khu quản lý các HTX thủ công, phải là đơn vị giám sát, nhận xét các định mức sản phẩm, lao động và hợp đồng kinh tế của mỗi hợp tác xã, theo từng tháng hoặc từng quý đối với các HTX sản xuất thủ công, và được sự tham gia của những đơn vị gia công đánh giá hoặc chứng nhận việc thực hiện hợp đồng của những HTX. Nhưng trước mắt hiện nay, mỗi ngành quản lý một nghề của mỗi loại HTX, do đó từng ngành quản lý chỉ đạo HTX nào thì ngành đó sẽ làm nhiệm vụ tương tự như liên hiệp xã thủ công nhận xét các hợp tác xã thủ công.

    Ðối với những HTX trồng rau, hoa, đánh cá v.v… sẽ do cơ quan quản lý sản xuất thu mua sản phẩm nhận xét đánh giá việc thực hiện hợp đồng hằng quý hoặc hàng vụ sản xuất để quyết định tỷ lệ % hoàn thành hợp đồng, làm căn cứ cho quyết định cung cấp bấy nhiêu % lương thực theo giá cung cấp hoặc giá cao.

    Tất cả những việc làm trên của các đơn vị đối với hợp tác xã đều phải có sự tham gia của phòng lương thực để cùng quyết định mức độ lương thực cho từng hợp tác xã. Sau đó nhân viên cửa hàng lương thực căn cứ định mức lương thực đó cùng với HTX dựa vào bảng chấm công phát lương để xét duyệt cấp phát tem lương thực hằng tháng cho mỗi xã viên.

  3. Toàn bộ xã viên phải chuyển phần lương thực của bản thân từ sổ gia đình vào sổ tập thể của HTX. HTX quản lý phần lương thực của xã viên cũng như quản lý quỹ lương của hợp tác.

  4. Ngành lương thực sẽ có loại tem lương thực khác màu hoặc ký hiệu riêng để phát cho HTX nào có tỷ lệ % mua lương thực giá cao để HTX phát tem đó cho những xã viên chây lười vô tổ chức, không đảm bảo ngày công trong tháng.
Nếu thực hiện chủ trương và chính sách trên là những HTX và tổ sản xuất nào có gia công sản xuất 100% theo kế hoạch sản xuất và nộp sản phẩm cho Nhà nước theo hợp đồng, thì mới được ăn lương thực theo giá cung cấp; số còn lại không gia công cho nhà nước phải ăn giá cao, hằng tháng Nhà nước sẽ thu vào ngân sách 1 số tiền khá lớn như:
  1. Theo thống kê của liên hiệp xã thủ công thì còn khoảng 1/3 số HTX không có gia công cho Nhà nước, bằng 9.962 xã viên. Lương thực được cấp (15kg/tháng) = 149.430kg; nếu bán giá cao thì số tiền chênh lệch được 150.841đ88.

    Phân tích cụ thể:



  2. Và 2/3 số tổ sản xuất không có gia công với nhà nước có 9.704 người được cung cấp (13,5 kg/tháng) = 131.004kg/tháng, sẽ thu được 132.900đ46 tiền giá cao.

    Phân tích cụ thể:



III. Tình hình nhân dân khu Hoàn Kiếm

1. Dân số toàn khu có: 170.716 người (83.430 là nữ)
  • Trong độ tuổi lao động (nam từ 16 tuổi đến 50, nữ từ 16 tuổi đến 45), có: 96.051 người (46.240 là nữ).
Trong đó:
  • Cán bộ công nhân viên có: 64.431 (25,025 nữ)
  • Sinh viên học sinh công nhân: 846 (408 nữ)
  • Lao động khác: 30.674 (20.807 nữ)

Trong số 30.674 người thì:
  • Khu vực kinh tế tập thể có: 5.648 người (2.985 nữ)
  • Khu vực kinh tế cá thể có: 24.990 (16.822 nữ)

Trong số 24.990 người ở khu vực kinh tế cá thể, có:
  • Thủ công cá thể
    2.484 người,
    có 1.275 là nữ
    Tiểu thương cá thể
    4.507
    4.507 là nữ
    Học sinh phổ thông
    4.600
    2.091
    Nội trợ
    6.590
    6.590
    Lao động linh tinh khác
    1.235
    1.261 [1]
    Chưa có việc làm thực sự
    3.310
    1.895
    Tổ sản xuất
    2.264
    1.340

2. Biện pháp sử dụng lao động: ngoài những người ở hợp tác xã và tổ sản xuất ra, thì đến nay (tháng 7 năm 1970), khu Hoàn Kiếm đã cho đăng ký kinh doanh:
  • 1.400 người sản xuất thủ công cá thể trong số 2.484 người;
  • 2.579 người buôn bán cá thể trong số 4.507 người
Số còn lại khoảng 4,500 người vận động đi làm xa hoặc vào HTX họ cũng không đi xa và không vào HTX hoặc cho đi rồi lại quay về buôn bán linh tinh như:
  • Năm 1968 giới thiệu đi công trường:
    1.500 người
    bỏ về 900
    Năm 1969
    1.300
    800
Ngoài các hình thức vận động ra, đầu năm 1970 có chủ trương cưỡng bức lao động 2 đợt, được 58 người đi xa và 37 người làm gần (công ty vệ sinh), đồng thời nhờ áp lực của cưỡng bức lao động đã giới thiệu đi vào công trường được 375 người nữa.

3. Những hoạt động kinh doanh và sản xuất cá thể

Từ sau khi tạm ngừng kiểm tra 89 đến nay, những hoạt động thủ công và buôn bán cá thể phát triển khá nhanh, nhân dân ở khối phố cho là phồn vinh nhất cả trước khi có 89; vì đại bộ phận đã được Uỷ ban Hành chính cho đăng ký rồi, chen vào đó những người không có đăng ký cũng tự do buôn bán ngang nhiên ở các chợ Ðồng Xuân, Bắc Qua. Số người này có nhiều loại buôn bán chuyên nghiệp và một số mới xuất hiện ở các HTX, ở tổ sản xuất chạy ra, và những gia đình neo đơn, gia đình thương binh liệt sĩ, một số cán bộ về hưu hoặc mất sức cũng chạy ra buôn bán; đáng chú ý nhất là số thương binh, cán bộ công nhân nghỉ mất sức là người miền Nam mất chất, đang làm chỗ dựa cho những hoạt động đầu cơ buôn lậu và chống lại cán bộ thương nghiệp, vì thế những người không có đăng ký lợi dụng làm liều hơn.

Ở khu vực sản xuất thủ công thì tự do chứa chấp nguyên vật liệu quý của bọn ăn cắp, ở khu vực thương nghiệp và phục vụ thì đăng ký bán 1 mặt hàng, nhưng thực tế lại bán nhiều mặt hàng khác, thí dụ: quầy bán xổ số, kèm theo đó bán cả phong bì, tem thư, thiệp mời, giấy mời, chỉ màu v.v…; đăng ký bán miến gà, nhưng thực tế lại có miến lợn, miến lươn v.v… hoặc là bánh phở bằng bột gạo, bột mì, chứ không phải là miến dong riềng nữa; từ đó mà đời sống của lớp người này thu nhập cao nhất, như:

Hàng ăn có:
  • Giang Thị Phẩm, 15 phố Hàng Gà, ngày chủ nhật thường là bán đến 500 bát, giá từ 1.00 đến 3đ00, doanh thu cả tháng lớn lắm.
  • Nguyễn Thị Hựu, 30 Hàng Thiếc, mỗi ngày chỉ có 1 gánh miến gà bán vỉa hè, doanh thu từ 70-100đ/ngày.
  • Phạm Thị Gái, 23 Hàng Mành, ở miền núi về hơn một năm thôi, chưa có hộ tịch, không có đăng ký kinh doanh, chỉ làm bún chả, doanh thu 50-60đ/ngày trong 7 ngày liền; thương nghiệp đến phạt 200đ, nhưng họ vẫn công khai bán bún, đời sống gia đình rất đầy đủ.
Buôn bán có:
  • Nguyễn Thị Mùi, 25 Hàng Nón, bề ngoài chỉ buôn bán lơ thơ vài mặt hàng thủ công, chồng làm ở xí nghiệp xe đạp Thống Nhất, gia đình có 10 người ăn, nhưng vẫn đầy đủ và lại mới mua 1 cái nhà 10.000đ và 1.500đ tiền hoả hồng cho chủ cũ dọn nhà đi. Theo dư luận chung thì còn nguồn buôn bán trao tay khá lớn.
  • Phố Hàng Ðào có 376 hộ, thì 276 hộ có buôn bán công khai những mặt hàng Nhà nước không quản lý (bề ngoài), nhưng bên trong nhà mới là nơi buôn bán lớn những hàng công nghệ phẩm khác.
Sản xuất thủ công có:
  • Nguyễn Phú Năm, 56 Hàng Nón, gia đình có 11 người, có con là cán bộ công nhân nên ở nhà còn 6 con, 2 vợ chồng sản xuất những dụng cụ gia đình bằng tôn thiếc, thu nhập bình quân tháng 1.000đ/tháng.
  • Nguyễn Phú Ninh, 32 Hàng Thiếc, là tư sản đã công tư hợp doanh, đang làm ở cơ khí Lương Yên, có 1 vợ 4 con ở nhà sản xuất bếp đèn dầu hoả loại 10 ngọn, bán từ 10-12đ/chiếc đèn, hằng ngày lắp ráp bán ra từ 20-30 chiếc đèn (cho gia công 1 số bộ phận). Vì vậy mà thu nhập rất cao. Nếu trừ chi phí cho gia công, trừ nộp thuế và tiền mua nguyên liệu ra, 1 tháng cũng có thể thu trên dưới 3.000đ.
Ngoài ra còn một số người chuyên buôn bán trao tay, rất khó biết cụ thể thu nhập của họ, chỉ thấy đời sống sinh hoạt hằng ngày rất cao, ăn uống rất sang (mỗi bữa lót dạ sáng của gia đình họ hết 20-30đ như Nguyễn Ðăng Thăng, 17 Hàng Thiếc, là xã viên HTX Thăng Long bỏ về sản xuất cá thể, thừa sức nuôi 1 vợ 8 con) và một số rất ít chuyên làm nghề lừa đảo gái điếm cướp giật, đã bị pháp luật trừng trị nhiều lần, như phố Hàng Chai có gia đình đi tù cả nhà như Nguyễn Thị Dung số 8, Nguyễn Thị Phách số 9).

Trong cuộc sống quá chênh lệch giữa những người làm ăn không chính đáng với những người làm ăn chính đáng ấy đang có những mâu thuẫn ở đường phố, ở từng số nhà về sinh hoạt và thái độ chính trị; họ công khai khích bác cán bộ công nhân viên ta về cuộc sống kém xa họ, hoặc tung tiền ra mua tranh gà, vịt với cán bộ ta ở thị trường tự do, gây nên giá cả không ổn định và trước mức sống phồn vinh của những người làm ăn riêng lẻ này đã và đang hấp dẫn những xã viên HTX chạy ra làm ăn riêng lẻ, một số công nhân viên cũng tự do mỗi tháng nghỉ vài ngày về sản xuất, hoặc gia công hoặc buôn bán để thêm thu nhập, tệ hại hơn là một số nhân viên mậu dịch đã công khai chuồn hàng hoá vật tư cho họ để kiếm thêm thu nhập (kể từ con cá bìa đậu trở đi, đến những nguyên liệu quý như tôn thiếc đồng chì v.v…). Nếu không được sớm ngăn chặn và có biện pháp cải tạo thì những tàn dư của tư bản tự phát có dịp hoành hành chống phá thị trường xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Chỉ mới tính riêng khu Hoàn Kiếm thôi, cũng đã có tới 20.000 người trong độ tuổi lao động ở khu vực kinh tế cá thể chưa ổn định các ngành; mới cho đăng ký sản xuất và buôn bán 5.000 người, còn 15.000 người làm ăn tự do, Nhà nước vẫn đảm bảo tiêu chuẩn lương thực bình thường như mọi người dân thành phố là 13,5 kg/tháng cho 15.000 người, bằng 212.500 kg/tháng.

Nếu Nhà nước thực hiện chủ trương phân phối theo lao động mà không giảm tiêu chuẩn của khu vực này, chỉ bán giá cao, thì hằng tháng Nhà nước sẽ thu khoản tiền chênh lệch của 212.500kg lương thực là 216.900đ.

Phân tích cụ thể:



1. Ðối với chủ trương phân phối lương thực kết hợp quản lý và sử dụng chung lao động ở khu vực nhân dân

Từ tình hình trên, nên sau khi phổ biến nghị quyết của Hội đồng Chính phủ và dự kiến về nội dung chính sách lương thực với nhân dân 2 phố khối 18, 34, với các phòng chức năng (phòng lương thực – thương nghiệp – lao động và phòng thủ công) và Uỷ ban Hành chính khu Hoàn Kiếm đều nhiệt liệt hoan nghênh mong muốn Chính phủ sớm cho thực hiện chủ trương phân phối theo lao động và nhất trí tán thành với đoàn về nội dung chính sách và biện pháp thực hiện như sau:

Về chính sách:
  1. Những người làm các ngành nghề thủ công và phục vụ (tổ sản xuất và cá thể):

    • Ðã được đăng ký kinh doanh và chấp hành đúng nội dung đăng ký, đúng chính sách giá cả thuế khoá, được nhân dân đồng tình, được chính quyền công nhận, thì được cấp tiêu chuẩn 13,5 kg đối với người sản xuất, 12 kg đối với người buôn bán, theo giá cung cấp.
    • Ðược đăng ký nhưng không chấp hành đúng nội dung đăng ký thì phải mua lương thực theo giá cao (sản xuất 13,5kg, buôn bán 12 kg) toàn phần hay nửa phần là tuỳ theo tính chất sản xuất và kinh doanh, tuỳ theo kết quả thu nhập cao thấp và thái độ cụ thể của mỗi người để quyết định mức độ và phạm vi khác nhau (do chính quyền địa phương quyết). Thí dụ: Cùng 1 nghề đó nhưng vì làm sai nội dung đăng ký nên có thu nhập cao hơn người chấp hành đúng đắn nội dung đăng ký, thì phải mua giá cao. Giữa 2 người đều không làm đúng đăng ký thì xem căn cứ tính chất mức độ thu nhập khác nhau giữa hai người.
    • Không có đăng ký: thì tiêu chuẩn lương thực ăn 7kg và mua giá cao, nhưng có phân biệt giữa người trong độ tuổi lao động với người mất sức hoặc hết sức lao động. Thí dụ: người trong độ tuổi lao động thì lương thực ăn 7 kg theo giá cao. Người già hết tuổi lao động và thương binh, quân nhân, cán bộ công nhân về hưu nghỉ mất sức lại làm các nghề không có đăng ký thì lương thực ăn 7kg theo giá cung cấp.
  2. Những người có lao động mà không chịu lao động thì không được cấp lương thực như:

    Gồm những người đến tuổi lao động mà không chịu lao động, và những người chuyên trộm cắp buôn lậu, gái điếm, chứa chấp những tài sản của bọn trộm cắp buôn lậu, hoặc chuyên phục vụ cho bọn này (may quần áo, phidê tóc kiểu cao bồi) đã có hồ sơ xử phạt ở cơ quan chuyên môn.

2. Biện pháp:

Sau khi đã tách phần lương thực của những cán bộ công nhân viên và xã viên HTX chuyển vào sổ lương thực tập thể của cơ quan xí nghiệp và HTX rồi, thì khối phố sẽ cùng với cửa hàng lương thực quản lý nhân khẩu còn lại trong khu vực nhân dân hằng tháng hoặc hằng quý, nhân viên ngành lương thực, thương nghiệp, công an, cùng với đại biểu nhân dân khối phố duyệt cấp lương thực cho từng hộ và phải được cấp hành chính tiểu khu chuẩn y, ngành lương thực căn cứ vào đó để cấp phát tem lương thực cho từng hộ; trong đó có loại tem khác màu hoặc ký hiệu riêng để mua lương thực theo giá cao.


IV. Ðối với những người ăn theo (thuộc diện Nhà nước cung cấp lương thực):

Là những người chịu sự chi phối của người lao động chính nuôi dưỡng (bố mẹ già, em và con cái còn nhỏ), thì:
  1. Của gia đình cán bộ công nhân viên:
    • Nếu không có thu nhập bất hợp pháp thì vẫn được cung cấp lương thực theo giá Nhà nước.
    • Nếu có những thu nhập bất hợp pháp thì phải mua lương thực bằng giá cao (toàn phần hay nửa phần bằng giá cao là tuỳ sự thu nhập bất hợp pháp quyết định).
  2. Của gia đình xã viên và của những người lao động tự do khác: đều tuỳ thuộc kết quả lao động của người lao động chính trong gia đình ấy quyết định.
Thí dụ:
  • Bố mẹ là xã viên HTX có những lý do phải ăn 1 phần lương thực theo giá cao thì những người ăn theo này cũng chịu 1 phần mua lương thực theo giá cao.
  • Bố là cán bộ công nhân viên, mẹ là tiểu thương không có đăng ký bị cơ quan phạt lần thứ 1 thì chỉ người mẹ chịu ăn lương thực theo giá cao; nếu bị phạt lần thứ 2 trở lên thì những người ăn theo cũng phải ăn lương thực theo giá cao, nhưng tối đa không quá 50% trong số tiêu chuẩn của những người này.
  • Bố là cán bộ công nhân viên hoặc xã viên ở 1 địa phương khác, người mẹ hoặc người lao động chính của gia đình này ở Hà Nội mà vi phạm các chính sách trong sản xuất và buôn bán thì những người ăn theo ở với ai (1 trong bố hoặc mẹ) do ai chi phối nuôi dưỡng, mà người đó phải ăn giá cao, thì người ăn theo cũng phải ăn giá cao.

Biện pháp:

Những người ăn theo của gia đình cán bộ công nhân viên, của xã viên HTX, và của những người lao động khác đều do khối phố quản lý. Do đó, việc xét duyệt lao động hằng tháng hằng quý như biện pháp tiến hành ở khu vực nhân dân.


Kết luận chung:

Sau 1 tháng phổ biến nghị quyết của Hội đồng Chính phủ và trưng cầu ý kiến trong dự thảo chính sách lương thực từ cơ quan xí nghiệp đến HTX và nhân dân, từ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Uỷ ban thành, khu, đến khối dân phố; từ cán bộ nghiên cứu đến các phòng chức năng; tất cả đều có 1 thái độ đòi hỏi phải có sự phân biệt trong chính sách phân phối hàng hoá (nhất là vấn đề lương thực) đối với những người lao động tích cực với người lười lao động trong công tác, trong sản xuất, ở khu vực quốc doanh, khu vực tập thể, giữa những người làm ăn chính đáng với những người chuyên lợi dụng thời cơ chạy theo lợi nhuận cá nhân, vi phạm mọi chính sách ở khối phố. Chủ trương chuyển mạnh sang thực hiện đúng đắn nguyên tắc phân phối theo lao động này, càng bàn xuống dưới thì càng đòi hỏi gay gắt, mong sớm được thực hiện, nếu không khẩn trương được, thì sẽ có nhiều hậu quả không tốt, vì tâm lý bi quan chán nản của những người tích cực trong xã hội đã bắt đầu xuất hiện. Do đó, tất cả đã tán thành những vấn đề chính như sau:

  1. Chuyển mạnh sang thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, nhanh chóng khắc phục tình trạng phân phối bình quân tràn lan.
  2. Tán thành chính sách 2 giá trong khâu phân phối hàng hoá; giá cao dành cho những người chây lười vô kỷ luật, bỏ việc công về làm việc riêng, không đảm bảo giờ công ngày công, không đảm bảo chất lượng công tác, chất lượng sản phẩm ở khu vực nhà nước, khu vực tập thể và những người làm ăn theo lối tư bản chủ nghĩa ở khu vực nhân dân.
  3. Trước mắt tập trung thực hiện tổ chức phân phối vấn đề lương thực theo nguyên tắc trên, còn hàng công nghệ phẩm sẽ chuẩn bị thi hành vào năm 1971 và chủ yếu là ban hành phiếu công nghệ.
  4. Tán thành chủ trương bán lương thực giá cao đối với những người ăn theo khi những người lao động chính (người có trách nhiệm nuôi dưỡng những người ăn theo ở gia đình) phải ăn một phần hoặc toàn phần giá cao, thì người ăn theo cũng ăn giá cao như vậy.
  5. Về tiêu chuẩn lương thực ở khu vực quốc doanh và hợp tác xã: vẫn áp dụng như hiện nay, chỉ thực hiện giá cao đối với những người lười biếng vô kỷ luật, làm ăn không chính đáng. Sẽ giảm tiêu chuẩn lương thực ở khu vực sản xuất kinh doanh cá thể và những người có lao động mà không chịu lao động.

Như vậy là quá trình trao đổi trưng cầu ý kiến chỉ có những ý kiến khác nhau về mức độ thi hành, về biện pháp tổ chức thực hiện, và băn khoăn lo rằng khó thực hiện được, vì sẽ đụng chạm đến nhiều chính sách, đến gia đình cán bộ chủ chốt ở các cấp v.v… nếu như không được sự lãnh đạo, giáo dục, động viên chặt chẽ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, của các ngành các cấp.


IV. Những kiến nghị
  1. Qua một số ý kiến trên của cơ sở và của cán bộ trong đoàn đều thấy rằng chính sách phân phối lương thực kết hợp với quản lý lao động cần được tiến hành gấp ở khu vực phi nông nghiệp là một đòi hỏi khách quan khi khu vực nông nghiệp đã đi trước 1 bước rồi. Nếu không sớm thực hiện thì mâu thuẫn về phân phối giữa nông thôn và thành thị sẽ nổi lên, chúng ta sẽ bị động trong việc giải quyết mâu thuẫn này. Do đó, cần được tiến hành chỉ đạo từ điểm ngay trong quý IV – 1970 để rút kinh nghiệm, mỡ rộng diện trong năm 1971. Và trước mắt, hãy tiến hành ở các đơn vị kinh doanh và sản xuất trước đã, còn những đơn vị hành chính sự nghiệp sẽ làm sau 1 bước. Ở khu vực HTX và nhân dân cũng tiến hành cùng 1 lúc như xí nghiệp.
  2. Thi hành chủ trương này sẽ đụng chạm đến các đối tượng, đến toàn dân ở khu vực phi nông nghiệp, nên cần phải có sự lãnh đạo của Ðảng, của các ngành từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, và tiến hành đồng bộ, chặt chẽ ngay từ đầu, thì mới có điều kiện thuận lợi cơ bản cho việc tổ chức thực hiện từ điểm đến diện.
Thay mặt Tổ Nghiên cứu Cục Cung cấp

Ðào Mạnh Khiêm (ký)



[1]Số liệu đánh máy trong bản gốc sai (talawas)
Nguồn: Trung tâm LÆ°u trữ III, Hà Ná»™i, hồ sÆ¡ số 435, phông Bá»™ LÆ°Æ¡ng thá»±c-Thá»±c phẩm. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.