trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
27.9.2007
Nicholas Wade
Giới thiệu sách mới: “Vĩnh biệt ăn mày” hay nguồn gốc của cuộc Cách mạng Công nghiệp
Bùi Ngọc Hải lược dịch
 
Tờ The New York Times số ra gần đây đăng bài của tác giả Nicholas Wade phân tích nguồn gốc cuộc Cách mạng Công nghiệp trên thế giới, từ đó đưa ra một số nhận định đáng lưu ý mang tính học thuyết nhằm lý giải sự chuyển hoá của nền kinh tế thế giới từ thế kỉ 19 đến nay. Dưới đây là nội dung bài báo này.
Trải qua hàng ngàn năm, phần lớn cư dân trên trái đất phải sống trong điều kiện nghèo khổ, đầu tiên là làm người săn bắn và hái lượm rồi sau đó làm nghề nông và thợ làm thuê. Tuy nhiên, với cuộc Cách mạng Công nghiệp hồi đầu thế kỷ 19, một vài xã hội đã chuyển từ tình trạng nghèo khố lâu đời này sang một sự giàu có không thể tưởng tượng nổi.

Các sử học gia và các nhà kinh tế từ lâu đã cố công tìm hiểu xem quá trình chuyển biến này đã diễn ra như thế nào, và vì sao nó chỉ diễn ra tại một số nước mà thôi. Một học giả, người đã bỏ ra 20 năm trời để lục lọi các đống hồ sơ của nước Anh thời trung cổ giờ đây đã đưa ra lời giải gây kinh ngạc cho hai câu hỏi này.

Gregory Clark, nhà sử học chuyên nghiên cứu các vấn đề kinh tế, làm việc tại trường Đại học California ở Davis, cho rằng cuộc Cách mạng Công nghiệp này - sự kiện tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ diễn ra đầu tiên ở Anh vào khoảng năm 1800 - chủ yếu là do sự thay đổi về bản chất dân số, trong đó con người dần dần hình thành những phương cách ứng xử khác thường, là yếu tố cần thiết để có thể vận hành một nền kinh tế hiện đại. Tiến sĩ Clark cho rằng các giá trị của giai cấp trung lưu như tính bất bạo động, việc học hành, thói quen làm việc nhiều giờ, và khát vọng tiết kiệm chỉ xuất hiện thời gian gần đây trong lịch sử loài người mà thôi.

Với việc các giá trị này ngày càng trở nên phổ biến trong những thế kỷ trước năm 1800 - hoặc do quá trình truyền bá văn hoá, hoặc do sự thích nghi mang tính tiến hoá - rốt cục dân chúng nước Anh đã đạt được một trình độ năng suất cao đủ để thoát khỏi tình trạng nghèo khổ, và điều này đã nhanh chóng được các nước khác có quá khứ sản xuất nông nghiệp lâu đời nhanh chóng noi theo.

Các ý tưởng của tiến sĩ Clark đã được nêu ra trong các bài báo và bài viết liên tục trong nhiều năm, và chuẩn bị được tập hợp trong một cuốn sách sẽ xuất bản trong tháng 9/07 này dưới đầu đề A Farewell to Alms [1] (tạm dịch là Vĩnh biệt ăn mày) do khoa báo chí trường Đại học Princeton xuất bản. Các sử gia kinh tế đánh giá cao luận điểm của ông, mặc dù cũng có nhiều người không tán thành một số phần trong các luận điểm này.

Philip Hoffman, một nhà sử học làm việc tại Viện Kĩ thuật California cho rằng đây là một cuốn sách lớn và đáng được mọi người chú ý. Ông mô tả cuốn sách như là một sự khiêu khích đầy hứng thú và là một thách thức thực sự đối với trường phái tư duy của những viện nghiên cứu vẫn biên soạn lịch sử kinh tế từ xưa tới nay.

Samuel Bowles, nhà kinh tế nghiên cứu về tiến trình văn hoá làm việc tại Học viện Santa Fe nhận xét công trình của Clark là một tác phẩm xã hội học lịch sử vĩ đại không giống như bộ môn xã hội học trước đây, nó chứa đựng những thông tin do học thuyết kinh tế hiện đại mang lại.

Nền tảng công trình của Clark là những số liệu ông thu hồi được, từ đó ông có thể tái tạo rất nhiều những khía cạnh của nền kinh tế Anh từ năm 1200 đến năm 1800. Từ cơ sở dữ liệu này, ông chứng minh một cách rõ ràng hơn nhiều so với những gì mọi người có thế làm được trước đó, rằng nền kinh tế bị khoá chặt trong một cạm bẫy của thuyết Malthus [2] , nghĩa là mỗi khi một kỹ thuật mới ra đời cho phép tăng hiệu quả sản xuất một chút thì dân số lại tăng, số nhân khẩu tăng thêm ấy lại ăn mất phần thặng dư, và thu nhập bình quân lại tụt xuống mức trước đó. Mức thu nhập này thấp một cách thê thảm xét trên phương diện khối lượng lúa mì mà nó có thể mua được. Vào năm 1790, mức tiêu thụ bình quân đầu người ở Anh chỉ là 2.322 calori mỗi ngày trong khi mức ăn của người nghèo là 1.508 calori. Mức ăn của các cộng đồng người sống bằng nghề săn bắn và hái lượm là 2.300 calori hoặc hơn thế. Từ thực tế này, Clark chỉ ra rằng người nguyên thuỷ ăn uống tốt hơn so với một người sống trong xã hội giàu có nhất trên thế giới hồi năm 1800.

Xu hướng dân số tăng nhanh hơn nguồn cung cấp thức ăn khiến cho phần lớn dân chúng sống trong tình trạng đói là điều đã được Thomas Malthus miêu tả trong cuốn sách của ông xuất bản năm 1798 nhan đề Luận về nguyên lí dân số (An Essay on the Principle of Population). Các số liệu do Clark đưa ra cho thấy cái cạm bẫy Malthus này đã khống chế nền kinh tế Anh từ năm 1200 đến thời kì Cách mạng Công nghiệp, và theo ông, có thể nó đã kìm hãm loài người trong suốt quá trình tồn tại của mình. Thời kì dễ thở duy nhất là thời kì xảy ra những thảm hoạ như dịch hạch, khi dân số giảm mạnh và trong một vài thế hệ, những người sống sót đã có được nhiều đồ ăn thức uống hơn cho mình.

Cuốn sách của Malthus là tác phẩm khá nổi tiếng, vì nó cung cấp cho Darwin ý tưởng về sự chọn lọc tự nhiên để phát triển học thuyết của mình. Do nền kinh tế Anh vận hành theo những giới hạn của thuyết Malthus, vậy chẳng lẽ nó không tuân theo dưới hình thức nào đó các lực lượng tạo nên sự chọn lọc tự nhiên mà Darwin dự báo sẽ phát triển "trong những điều kiện thuận lợi" như vậy sao? Clark đã bắt đầu tự hỏi liệu quá trình chọn lọc tự nhiên có làm biến đổi bản chất của dân số trên phương diện nào đó hay không, và nếu có thì đây chính là sự giải thích mà người ta vẫn còn thiếu về cuộc Cách mạng Công nghiệp.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp, sự kiện đầu tiên thoát khỏi cái cạm bẫy Malthus, đã diễn ra khi hiệu quả sản xuất cuối cùng đã được thúc đẩy nhanh, nó tăng nhanh đủ để vượt qua mức tăng dân số, và cho phép tăng mức thu nhập bình quân. Theo các nhà sử học, có rất nhiều lập luận giải thích về tình trạng gia tăng hiệu quả này, một số lập luận mang tính kinh tế, một số lập luận mang tính chính trị, song đã không có một cách giải thích nào hoàn toàn là thoả đáng.

Thoạt đầu, tiến sĩ Clark nghĩ rằng dân chúng có thể đã đạt được khả năng kháng bệnh mạnh hơn. Ý tưởng này được nêu trong cuốn sách của Jared Diamond nhan đề Súng, vi trùng và thép (Guns, Germs anh Steel), trong đó ông lập luận rằng người châu Âu sở dĩ có khả năng chinh phục các dân tộc khác một phần là bởi vì họ có khả năng đề kháng bệnh tật tốt hơn.

Để hỗ trợ cho ý tưởng về sức đề kháng bệnh tật, có thể nêu trường hợp các thành phố như London trước đây rất bẩn thỉu và thường xuyên bị dịch bệnh hoành hành, đến nỗi mỗi thế hệ có tới 1/3 dân số bị chết, và số người chết đã được bù đắp bằng những người từ nông thôn di cư ra thành phố. Điều này khiến cho Clark dự đoán rằng dân chúng Anh ngày nay phần lớn là hậu duệ của những người nông dân.

Ông cho rằng có một cách để chứng minh lập luận này là thông qua việc phân tích những bản di chúc thời trước, chúng có thể hé lộ mối liên hệ giữa của cải và số người thừa kế. Tuy nhiên, các bản di chúc đã cho kết quả hoàn toàn trái ngược với điều ông chờ đợi.

Công trình nghiên cứu của Clark cho thấy qua các thế hệ, tỉ lệ sống sót của con cái người giàu bao giờ cũng cao hơn so với người nghèo. Điều này có nghĩa là chắc đã có một xu hướng sa sút liên tục về xã hội khi mà những người nghèo không có khả năng sinh sản kịp để thay thế số người chết, và những người thừa kế của những người giàu có đã chiếm chỗ của họ. Clark kết luận: Một phần lớn dân số hiện đại của nước Anh là hậu duệ của giai cấp thượng lưu thời Trung cổ.

Clark cho rằng với việc con cháu người giàu chiếm lĩnh phần lớn các cấp bậc trong xã hội, hành vi làm giàu có thể đã lan rộng cùng với họ. Clark đã thu thập được các cứ liệu cho thấy một số khía cạnh của cái mà ngày nay có thể gọi là những giá trị của giai cấp trung lưu đã thay đổi từ thời các xã hội săn bắn hái lượm cho đến năm 1800. Số giờ lao động tăng lên, trình độ học hành, ý thức tính toán và mức độ bạo lực giữa con người với nhau cũng giảm đi. Theo Clark, một thay đổi có ý nghĩa khác trong việc thay đổi hành vi là ý thức của người dân thích tiết kiệm thay vì liên tục tiêu thụ, điều mà ông nhận thấy đã được phản ánh trong thời kì lãi suất liên tục suy giảm từ năm 1200 đến 1800.

Tính tiết kiệm, sự thận trọng, thói quen mặc cả và tinh thần lao động cật lực đã trở thành những giá trị đối với các cộng đồng trước đây vẫn quen tiêu xài, thích sự bột phát, bạo động và thích ăn chơi.

Vào khoảng năm 1790, một trào lưu gia tăng liên tục năng hiệu quả sản xuất lần đầu tiên đã nổi lên trong nền kinh tế Anh. Một sự gia tăng đáng kể tỉ năng suất lao động rốt cục đã giúp cho nước Anh thoát ra được cái cạm bẫy Malthus, và đánh dấu sự ra đời của cuộc Cách mạng Công nghiệp.

Tại các nơi còn lại của châu Âu và Đông Á, dân chúng các nước cũng từ lâu bị định hình bởi cái cạm bẫy Malthus do nền kinh tế nông nghiệp ổn định của họ tạo ra. Các lực lượng lao động của họ dễ dàng tiếp thu những kĩ thuật mới xuất hiện đầu tiên ở nước Anh.

Điều đáng ngạc nhiên là Cách mạng Công nghiệp đã không diễn ra trước tiên ở những nước có dân số đông hơn rất nhiều như Trung Quốc hay Nhật Bản. Tiến sĩ Clark đã tìm được những tư liệu cho thấy các giai cấp thượng lưu ở các nước này, giới võ sĩ đạo Samurai ở Nhật Bản và triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc đẻ rất ít và vì vậy họ có thể đã không thể tạo nên động lực xã hội xuống bên dưới nhằm mở rộng các giá trị hướng tới sản xuất như ở Anh. Sau cuộc Cách mạng Công nghiệp, khoảng cách chênh lệch về tiêu chuẩn sống giữa các nước giàu và các nước nghèo bắt đầu gia tăng, từ mức chênh lệch về của cải theo tỉ lệ 4/1 lên tới 50/1 hiện nay.

Nhiều nhà bình luận nêu lí do sự thất bại của các thể chế chính trị và xã hội như là lí do khiến cho các nước nghèo vẫn lâm vào tình trạng nghèo khổ. Tiến sĩ Clark viết: Tuy nhiên, liều thuốc cải cách thể chế mà người ta đề nghị sử dụng đã liên tục không có tác dụng chữa trị cho con bệnh. Ông ví các trung tâm như Ngân hàng Thế giới và Quĩ Tiền tệ Quốc tế như là những thày lang áp dụng phương pháp nhể máu cho những chứng bệnh mà họ không hiểu chúng là cái gì.

Clark cho rằng nếu như cuộc Cách mạng Công nghiệp được tạo ra do sự thay đổi phương cách hành xử của mọi người, thì các giá trị của giai cấp trung lưu cần thiết cho việc tăng năng suất có thể đã được truyền thụ hoặc qua con đường văn hoá, hoặc bằng con đường di truyền. Tuy nhiên, trong một số bài phân tích, ông có vẻ ngả theo hướng lí giải sự kiện này trên cơ sở sự tiến hoá. Ông viết: từ bối cảnh sản xuất nông nghiệp lâu đời tiến đến cuộc Cách mạng Công nghiệp, về mặt sinh học, con người có xu hướng trở nên thích nghi hơn với thế giới kinh tế hiện đại. Và, thắng lợi của chủ nghĩa tư bản trong thế giới hiện đại do vậy có thể đã nhờ vào gien của chúng ta cũng như vào hệ tư tưởng hay phương pháp suy luận của chúng ta.

Theo quan niệm của ông, những gì được thừa kế không phải là một trí thông minh lớn hơn, một người đi săn trong xã hội rừng rú đòi hỏi nhiều kĩ năng hơn là những hành động lặp đi lặp lại của một người làm công việc đồng áng. Đúng hơn, đó là một tập hợp những kĩ năng và điều kiện khác hẳn những kĩ năng và điều kiện của con người sống trong thế giới tiền nông nghiệp

Phản ứng trước luận điểm của Clark, các sử gia nghiên cứu về kinh tế nói chung có vẻ tán đồng với ông, mặc dù chỉ có ít người nhất trí với tất cả những gì ông nêu ra, và nhiều người tỏ ra hoài nghi về phần phát hiện mới nhất của ông, đó là ý kiến của ông cho rằng sự thay đổi mang tính chất tiến hoá là nhân tố cần phải xem xét trong lịch sử.

Các sử gia vẫn chấp nhận quan điểm cho rằng những thay đổi trong hành vi của mọi người như là một cách lí giải cho các sự kiện kinh tế như luận thuyết của Max Weber, người liên hệ sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản với đạo Tin lành. Tuy nhiên, phần lớn mọi người giờ đây ngả theo quan điểm kinh tế cho rằng tất cả mọi người đều như nhau, và họ sẽ phản ứng theo cùng một cách thức trước cùng một sự kích thích. Chính vì vậy, các nhà sử học tìm cách giải thích các sự kiện như cuộc Cách mạng Công nghiệp trên phương diện những thay đổi về thể chế, chứ không phải là thay đổi trong con người. Trong khi đó, đối với Clark, các thể chế và các biện pháp kích thích trên thực tế xưa nay vẫn như nhau, và nó không đem lại một giải đáp nào lớn lao.

Phần lớn các nhà sử học cho rằng sự thay đổi mang tính chất tiến hoá diễn ra quá từ từ nên không thể tác động đến các cộng đồng dân cư riêng trong một giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, các nhà khoa học nghiên cứu về gien, những người giờ đây được trang bị thông tin về bản đồ gien của con người đã bắt đầu phát hiện ra những ví dụ xảy ra gần đây về những thay đổi mang tính tiến hoá của con người. Chẳng hạn, một công trình nghiên cứu đăng trên tờ American Journal of Human Genetics gần đây cho thấy đã có sự chọn lọc tự nhiên trong dân Puecto Rico từ năm 1513 đến nay. Chính vì vậy, các nhà sử học có thế hào hứng với những số liệu kinh tế thu thập được từ thời trung cổ và về công việc tái dựng lịch sử của Clark hơn là với ý kiến của ông cho rằng con người phải thích nghi với những ràng buộc của một xã hội nông nghiệp theo thuyết Malthus.

Nhà sử học Hoffman cho rằng Clark xứng đáng được khen ngợi trong nỗ lực thu thập tất cả những số liệu như vậy, song ông không nhất trí với những luận điểm cơ bản của Clark. Ông nhấn mạnh: lấy ví dụ quyết định giảm lãi suất ở Anh có thể là do nguyên nhân nhà nước muốn bảo đảm an ninh trong nước tốt hơn, và bảo đảm các quyền về sở hữu, chứ không phải là do có sự thay đổi trong nguyện vọng của dân chúng theo hướng muốn tiết kiệm.

Kenneth L Pomeranz, nhà sử học làm việc tại Đại học California thì cho rằng phần lập luận của Clark về sự chọn lọc tự nhiên là phần có nội dung rất yếu và không cần thiết, nếu như người ta theo dõi kĩ những thay đổi về thể chế. Trong cuốn sách mới đây nhan đề The Great Divergence, Pomeranz cho rằng việc đưa những nguồn năng lượng mới như than đá vào sử dụng và việc đưa những vùng đất mới vào trồng trọt như điều người ta đã làm tại các thuộc địa ở Bắc Mỹ chính là những bước tiến về năng suất đã đưa các nền kinh tế nông nghiệp cũ vượt ra khỏi những hạn chế của thuyết Malthus.



[1]Nhại tên sách A Farewell to Arms (Giã từ vũ khí) của Ernest Hemingway viết năm 1929 (BT)
[2]Thuyết nhân mãn (ND)
Nguồn: Bản tiếng Anh bài viết của Nicholas Wade ngày 07.8.2007: http://www.nytimes.com/2007/08/07/science/07indu.html?
_r=1&partner=rssnyt&emc=rss&pagewanted=all&oref=slogin
. Bản tiếng Việt: Kinh tế Quốc tế, Thông tấn cã Việt Nam, số 37/2007, trang 10-14