trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
15.10.2004
Ðặng Phùng Quân
Ai điệu Jacques Derrida
 
Từ văn phòng Tổng thống nước Pháp chính thức loan tin cho công chúng và giới truyền thông về việc triết gia Jacques Derrida đã qua đời ngày 9 tháng 10 vì bị chứng ung thư tụy tạng phát hiện vào năm 2003. Ông không là một triết gia của nhà nước, vì Pháp là một quốc gia tự do, dân chủ đa nguyên, không trói buộc trong một hệ tư tưởng nhất định nào. Vậy cớ sao tin một triết gia từ trần lại loan đi từ một cơ sở chính quyền cao nhất? Derrida là một niềm hãnh diện của nước Pháp, ông là một đại biểu của văn hóa Pháp vì tư tưởng và tác phẩm của ông có một ảnh hưởng lớn rộng trên nhiều vùng thế giới trong nửa sau thế kỷ hai mươi.

Cũng như Albert Camus và Louis Althusser, ông sinh ra (ngày 15 tháng Bảy năm 1930 tại El-Biar) và lớn lên ở Algérie. Ông chỉ đặt chân tới đất Pháp vào khoảng 1950, theo học ở Lycée Louis-le-Grand để chuẩn bị vào trường Cao đẳng Sư phạm (ENS). Khi thi hành nghĩa vụ quân sự trong những năm 1957-59 giữa lúc xảy ra cuộc chiến Algérie, ông được biệt phái dạy tiếng Pháp và tiếng Anh trong một trường dành cho con em quân đội ở Koléa (gần thủ đô Alger), ông thường lên án chính sách thực dân của Pháp ở Algérie. Ông cũng thường nói đến hoài niệm quê hương Algérie (nostalgeria).

Derrida bắt đầu sự nghiệp giảng dạy từ năm 1960 (phụ giảng tại Sorbonne, rồi tại ENS), xuất bản ba tác phẩm đầu tiên vào năm 1967 (La Voix et le Phénomène, L’Eùcriture et la Différence, và De la Grammatologie) đã tạo chấn động học giới, đưa tên tuổi ông vào hàng ngũ những khuôn mặt tư tưởng đương đại của nước Pháp (như R. Barthes, L. Althusser, M. Foucault, G. Deleuze). Bài diễn thuyết tại Hội Triết học Pháp vào năm 1968 với câu mở đầu: Tôi sẽ nói về một chữ (Je parlerai, donc, d’une lettre), đánh dấu một từ mới: La différAnce, cũng mở ra một học thuyết văn chương/triết lý mới: hủy tạo [1] (déconstruction).

Trong một phỏng vấn của tạp chí Nhân Văn xuất bản tại Mỹ vào năm 1991, tôi có nói: “Cách đây gần hai mươi năm, tôi đã đặt những vấn đề cơ bản của một khoa học văn chương trong cuốn sách xuất bản ở Sài Gòn. Trong thập kỷ 80 này, những vấn đề đó đang được khai phá trong một số đại học lớn ở Mỹ.” Cuốn sách tôi đề cập là cuốn Triết học và văn chương do nhà xuất bản Lửa Thiêng (thường in sách của giới đại học) phát hành vào tháng 8 năm 1974. Cuốn sách phát hành khoảng nửa năm thì xẩy ra vụ đốt và cấm lưu hành sách ở miền Nam sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 (và ông giám đốc Lửa Thiêng đã cho tiêu hủy những sách tồn kho). Tôi đã đọc Derrida cùng với phong trào văn chương mới của nhóm Tel Quel, bên cạnh những Barthes, Foucault, Deleuze, Serres, Lyotard...Tôi chú ý đến Derrida ngay từ cuốn giới thiệu và dịch L’Origine de la géométrie của Husserl (xuất bản năm 1962), trong phần Dẫn nhập, Derrida có lẽ là một trong mấy người đầu tiên dẫn tác phẩm Phénoménologie et matérialisme dialectique của Trần Ðức Thảo (ở luận án “Vấn đề căn nguyên trong triết học Husserl/Le problème de la genèse dans la philosophie de Husserl” đề xuất vào năm 1953-54, mãi đến năm 1990 mới cho xuất bản, Derrida tỏ ra chịu ảnh hưởng chiều hướng tư tưởng phê phán hiện tượng luận dưới góc nhìn biện chứng. Tôi bàn vấn đề này trong cuốn “Cơ sở tư tưởng thời quá độ” sẽ xuất bản vào năm 2005).

Trong Phần I bàn về quan hệ triết học và văn chương trong cuốn sách dẫn trên, tôi nói đến Derrida khởi từ tác phẩm De la Grammatologie chọn lựa văn tự làm tiêu điểm ưu tiên trong việc phê bình siêu hình học:

“Derrida phân tích quan niệm logos là trung tâm bản vị trong thứ tự: một khái niệm về văn tự trong một thế giới chủ trương văn tự là ký âm; một lịch sử về siêu hình học khoác cho logos vai trò nguồn gốc của chân lý tổng quát (bởi vì chỉ có lời nói mới thể hiện sự hiện diện tự thân trực tiếp, chân lý sống động và phát ngôn, hạ thấp vai trò (trở thành) phụ thuộc của văn tự; một khái niệm về khoa học chống lại đường lối biểu âm hóa văn tự, giả định phản kháng của văn tự, sự bạo động của văn tự làm điều kiện đối trọng của khoa học và triết học, của epistémè – chỉ có một khoa học về văn tự khả hữu mới cho những dấu hiệu giải phóng, vượt qua những chướng ngại của khoa học kỹ thuật, của thần học và siêu hình học.

...Tương quan ngôn từ/chữ viết đặt ra vấn đề ngôn ngữ vùng thoát khỏi sự lệ thuộc vào siêu hình học, ra bên ngoài vòng rào tri thức. Chữ viết, trong mọi ý nghĩa, bao hàm ngôn ngữ. Nhưng chọn lựa chữ viết như thể vượt qua giới hạn và xóa bỏ khi khái niệm về ngôn ngữ triển khai xóa bỏ những giới hạn. Vấn đề đặt ra chung quanh khái niệm ngôn ngữ của phương Tây xuất hiện như thị hiếu hay giả trang của một văn tự tối sơ; hoặc như Rousseau quan niệm văn tự chỉ giản dị là một bổ túc của ngôn từ. Vấn đề này chỉ minh thị rõ rệt trong thời đại kỹ thuật của chúng ta, với sự bành trướng và bài xích sách vở. Derrida nói đến “cái chết của nền văn minh sách vở”. Chữ viết tràn ngập đồng thời bị thay thế bởi những phương tiện thính thị hay bị bài xích bởi một hình thức của văn tự khác là ngôn ngữ khoa học, đi từ những biểu thức đại số đến những thuật ngữ khác nhau. Derrida nhận xét cái chết của sách vở này chắc hẳn chỉ báo hiệu một cái chết của ngôn từ (một ngôn từ tự nhận là tràn đầy) và một sự biến hóa mới trong lịch sử văn tự, trong lịch sử như thể văn tự.

...Thái độ ca ngợi ngôn từ và kết án văn tự đã được xác định không phải từ Aristote, nhưng từ Platon, trong thiên đối thoại Phèdre [Những phân tích và bình chú của Derrida trong “La pharmacie de Platon” (in lại trong La Dissémination)]: Mối quan hệ thân tộc giữa văn tự và huyền thoại. Quyển sách không nói, quyển sách là tri thức chết, nó không trả lời cho kẻ muốn tra hỏi nó. Giống như huyền thoại đối với tri thức sống động. Logos như một sinh vật hoạt động (logos-zôon): Mọi diễn ngôn phải được cấu tạo theo cách một sinh động vật (ôsper zôon) – Phèdre, 264c. Cũng như con người, logos sinh động có một người cha mà chân dung cũng như chân dung của điều thiện. Ðiều thiện (người cha, mặt trời, của cải) là nguồn thể bị che giấu, chói lòa bởi logos. Logos chính là nguồn lực của mặt trời chiếu rọi vào hang động, mà con người phải quay đầu về nó, mặc dầu nó có thể đốt cháy đôi mắt chúng ta.

...Cần phải phá bỏ vòng rào, nghĩa là triệt hủy mọi hệ thống khái niệm chung quanh khái niệm dấu hiệu (như ngữ ý-ngữ thái/signatum-signans, nội dung và diễn tả, v.v.). Theo Derrida, Nietzsche đã đóng góp lớn lao vào việc giải phóng ngữ thái ra khỏi sự lệ thuộc vào logos và khái niệm liên hệ đến chân lý hay ngữ ý tối sơ: Bản đọc và bản viết, bản văn đối với Nietzsche là những khai triển “nguyên ủy” đối với một ý nghĩa mà trước tiên, những khai triển này không nhằm sao lại hay khám phá, nó cũng không phải là một chân lý được chỉ thị trong yếu tố nguyên lai và hiện diện của logos, tri năng thần linh hay cơ cấu của tất yếu tiên thiên... Nietzsche viết: phần lớn các nhà tư tưởng viết dở là vì họ không bằng lòng chỉ thông tri những tư tưởng của họ cho chúng ta, mà họ muốn thông tri cả cách tư tưởng về những tư tưởng này (das Denken der Gedanken). Derrida phê bình Heidegger đã đọc Nietzsche qua sự xâm nhập có “tính ngây thơ” không sao vạch được một lối ra khỏi siêu hình học, không thể phê bình triệt để siêu hình học khi vẫn dùng đến một cách thế, một loại hay một bút pháp của bản văn, những mệnh đề không được đọc hay đọc sai; cần phải có một cách khác, trung thành với lối viết của Nietzsche. Nietzsche viết điều ông đã viết. Văn tự của ông tự nguyên ủy không thể giản lược vào logos và chân lý. Heidegger vẫn còn ở trong vòng rào logos của hữu thể, với “Tư tưởng vâng theo lệnh truyền của Hữu thể” là nguồn lực trước tiên và sau cùng của dấu hiệu, phân biệt giữa signans và signatum. Sự đoạn lìa giữa “lệnh truyền của hữu thể” với phonè, giữa “tiếng gọi của hữu thể” với âm tiết hợp chứng tỏ vị thế lưỡng lự của Heidegger đối với siêu hình học hiện diện và chủ nghĩa lấy logos làm trung tâm bản vị.” [2]

Bài tham luận Cấu trúc, Dấu chỉ và Phép chơi trong diễn ngôn của các khoa học nhân văn [3] tại Hội thảo quốc tế của Ðại học Johns Hopkins về những ngôn ngữ phê phán và những khoa học của con người vào tháng Mười năm 1966 đã đưa tên tuổi Derrida trở nên quen thuộc trong học giới quốc tế, đặc biệt là học giới Mỹ, cho đến những chuyến viễn du giảng dạy, diễn thuyết tại nhiều nơi ở châu Âu và ngoài châu Âu, đại học Yale từ những năm cuối 70, rồi đại học UC tại Irvine khi rời Yale vào năm 1986, gặp gỡ những khuôn mặt nổi tiếng ở Mỹ như Paul de Man, J. Hillis Miller, G. Hartmann (thường mệnh danh là trường phái Yale), thuyết hủy tạo đã “xâm nhập” vào đại học Mỹ và nhất là trở thành một lý luận phê bình văn học thống trị văn đàn Mỹ, không khỏi gây ra những phản ứng “chống lại hủy tạo”, kể cả tỏ thái độ chống lại việc trao tiến sĩ danh dự cho ông (như đã xảy ra tại Ðại học Cambridge, mặc dầu ông đã thắng trong cuộc bỏ phiếu với 336 thuận và 204 chống; ông cũng đã được trao hàm danh dự này tại Columbia, Essex, New School, Williams College). Từ “hủy tạo” trở thành phổ biến trong nhiều lĩnh vực, như phê bình văn học, hội họa, kiến trúc, chính trị, xã hội, tâm lý v.v. Năm 1981, cùng với J-P. Vernant và một số bạn hữu, ông đã thành lập Hiệp hội bênh vực những nhà trí thức ly khai của Tiệp, ủng hộ Hiến chương 77, ông đã bị chính quyền Tiệp bắt giữ tại phi trường trong chuyến đi trở về, đổ tội là mang ma túy trong hành lý, khiến chính quyền Pháp thời Mitterand phải can thiệp. Ông cũng tham gia thành lập Collège international de philosophie và được bầu làm giám đốc đầu tiên của Học viện này.

Kể từ ba tác phẩm đầu xuất bản năm 1967, Derrida là một tác gia viết rất nhiều và đa dạng, xông xáo vào nhiều lĩnh vực, từ triết học, phê bình văn học, hội họa, thi ca, kiến trúc, phân tâm học, chính trị, giáo dục... Lối nghĩ hủy tạo đã mở ra những chiều hướng trên mỗi bản văn, phong cách phá thể (tiêu biểu như Glas, La Carte postale de Socrate à Freud et au-delà) đã liên thủ văn chương/triết lý (đồng điệu với những triết gia khác như Deleuze, Lyotard). Ảnh hưởng tư tưởng của Derrida có tầm thước lớn rộng ở cả hai bờ Ðại Tây Dương.

Bên cạnh lý luận hủy thể, lối viết của Derrida còn biểu hiện những nét độc đáo: tinh thần hợp đồng, một điều hiếm hoi nơi những triết gia. Ngoài hiện tượng G. Deleuze và Félix Guattari chung viết những tác phẩm, Derrida có thể là tác giả duy nhất đã viết chung với nhiều người khác, như Geoffrey Bennington, Hélène Cixous, M-F. Plissart, G.Vattimo, Anna Dufourmantelle, Henich Micaëla, Paule Thévenin, Marc Guilaume và J.P. Vincent...

Nét độc đáo khác là đặt mối quan hệ giữa tình bạnai điệu. Khởi đi từ cuốn sách xuất bản năm 1994, ông đã đặt cho nó một nhan đề Chính trị của tình bạn/Politiques de l’amitié, mở đầu chương thứ nhất ông đã dẫn câu: Hỡi các bạn tôi, không có bạn. Ở lời tựa, ông dẫn lời này từ Montaigne lấy lại từ lời gán cho Aristote, ở chương hai Derrida liên hệ lời này với minh trí và di chúc – từ nhà hiền triết thốt ra hơi thở sau cùng. Câu tán thán ‘Hỡi bạn hữu, không có bạn’ tuyên xưng cái chết của bạn hữu, cả ký ức lẫn chúc từ, kế thừa của một tin truyền rộng rãi xuyên suốt dòng văn chương triết học phương Tây, từ Aristote đến Kant, rồi đến Blanchot, cũng có thể coi như từ Montaigne đến Nietzsche, nhưng là một lời dẫn đảo ngược. Trong tiết 376 “Về bạn hữu/Von den Freunden” trong Menschliches, Allzumenschliches, Nietzsche viết: Và như vậy, từ khi chúng ta có thể chịu đựng được chúng ta, hãy để chúng ta chịu đựng kẻ khác, và có lẽ nơi mỗi người chúng ta sẽ có thêm thời giờ hoan hỉ khi chúng ta tán thán “hỡi bạn hữu, không có bạn!” như lời nhà hiền triết hấp hối đã nói; “hỡi kẻ thù, không có thù! như tôi đây, một gã khùng đang sống nói thế. Cái ý tưởng “có lẽ/vielleicht” như Derrida lý giải hàm ngụ một tình bạn sẽ đến, trong tương lai: “Vì yêu tình bạn, không đủ để biết làm sao chịu đựng kẻ khác trong ai điệu, tang tóc; người ta phải yêu tương lai.” Tương lai của một lớp những nhà triết học mới (einer neuen Gattung von Philosophen) – những nhà triết học của tương lai (diese Philosophen der Zukunft), những tinh thần tự do, rất ư tự do (freie, sehr freie Geister), những người đồng hội đồng thuyền, những người bạn của cô đơn, chia sẻ một điều không thể chia sẻ: cô đơn.

Trong Demeure: Maurice Blanchot, 1998 Derrida lấy nguồn cảm hứng từ một thiên (hầu như tự) truyện của Blanchot: L’instant de ma mort, 1994 để viết ra luận văn kể trên trong hội thảo về “những đam mê văn chương: với J. Derrida” vào năm 1995, dể nói về quan hệ giữa giả tưởng và sự thật tự truyện, cũng là để nói về văn chương và cái chết, nhắc nhở đến việc tưởng niệm một người bạn, Paul de Man, và ông còn nhớ đã viết: “Nói và viết điếu văn không thể theo đuổi cái chết, mà dựa trên đời sống trong cái mà chúng ta gọi là tự truyện. Và như thế nó ở chỗ giữa giả và thật, Dichtung und Wahrheit..”

Chết – bất tử/ Mort – immortel, Derrida dẫn từ thiên truyện của Blanchot để nói đến chết bởi vì bất tử... bởi một khi đã chết người ta không còn chết nữa, và theo mọi phương thức khả hữu, người ta trở nên bất tử, nghĩa là làm quen với hư vô.

Jacques Derrida quả thực là một triết gia ám ảnh nhiều về cái chết – không phải từ lúc ông phát hiện bị chứng ung thư. Ông là một triết gia viết nhiều về tình bạn và nỗi chết, nhưng đặc sắc hơn nữa là viết nhiều ai điệu về bằng hữu.

Hai tác giả Pascale-Anne Brault và Michael Naas do sự thúc đẩy hoàn tất một công trình về Derrida nhân cuộc hội luận về chủ đề ai điệu và chính trị trong tác phẩm của Derrida tổ chức vào tháng Mười năm 1996 tại Ðại học DePaul, đã thu tập được mười bốn bài, khởi từ bài thứ nhất tưởng niệm Roland Barthes (1915-80) viết năm 1981, Paul de Man, Michel Foucault, Max Loreau, J.-M. Benoist, Louis Althusser, Edmond Jabès, Joseph N. Riddel, Michel Servière, Louis Marin, Sarah Kofman, Gilles Deleuze, Emmanuel Levinas, J-F Lyotard , đã dẫn lời Derrida: “Tình yêu/Philia bắt đầu từ khả năng của sống còn. Sống - là một danh xưng khác của ai điệu mà khả năng thì không bao giờ chờ đợi.” [4]

Dường như chưa nhà triết học nào khác, ngoài Derrida, có một tình yêu dành cho bằng hữu trong những bài ai điệu sâu sắc đến thế. Còn chính ông, tôi nghĩ con người bất tử ấy cũng đã làm quen với cái chết như một hiền thánh:

Mortem sibi instare cernerat tanquam obitus sui prescius [5]

© 2004 talawas


[1]Hủy tạo đã trở thành một khái niệm phổ biến trong giới phê bình văn chương Mỹ trong khoảng một thập niên sau, trước khi trở thành một vấn đề triết lý, bắt nguồn từ khái niệm Destruktion (hủy triệt) của Heidegger trong dự thảo chương vượt Siêu hình học tây phương. Cả hai khái niệm hủy tạohủy triệt đều dẫn tới vấn đề cáo chung của triết học.
Derrida xác nhận khái niệm “hủy tạo” nhằm để phiên dịch từ Abbau của Heidegger. Một số dịch giả của Heidegger sang Anh ngữ đã dùng từ “hủy tạo” (deconstruction) để dịch từ Abbau như một thời khoảng nhất định của vận động hủy triệt (Destruktion) khái quát hơn. Xem Ðặng Phùng Quân, Cơ sở tư tưởng thời quá độ (một trích đoạn in trong tập san Chủ Ðề số mùa hạ 2000 x.b. tại Mỹ).
[2]Xem Ðặng Phùng Quân, Triết Học và Văn Chương, 1974 tt. 21, 23-32.
[3]La structure, le signe et le jeu dans les discours des sciences humaines, in lại trong J. Derrida, L’écriture et la différence, 1967.
[4]X. J. Derrida, Politics of Friendship (bản dịch tiếng Anh, 1997).
[5] Ông đã thấy cái chết ỏ phía sau và biết mình đi tới cái chết.