trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
6.9.2007
Tiền Giang
Chu Ân Lai và Hội nghị Genève
(trích, chương 27 và 28)
Tam Dương dịch
 1   2   3 
 
(Tiếp chương 27)

Hội nghị ngày hôm ấy chia ra làm ba đoạn sáng, chiều và tối. Giữa hè nóng bức, lúc này còn chưa có điều hoà không khí, ngồi ở trong phòng mồ hôi ra như tắm. Do quá nóng bức, Hồ Chí Minh quấn khăn ướt lên đầu để giảm nhiệt, Chu Ân Lai vẫn quần áo chỉnh tề.

Để họp tốt Hội nghị Liễu Châu, Phòng Giao tế Quảng Tây đã cử tới những nhân viên đắc lực. Khương Chấn Kiệt, người phụ trách các phòng đại biểu Việt Nam vốn theo Dã chiến quân thứ tư từ Đông Bắc đánh xuống Quảng Tây, sau khi vào thành phố được cử làm công tác tiếp đón. Mấy năm qua, bà đã trở thành một cán bộ đón tiếp có kinh nghiệm. Hôm đó Hồ Chí Minh đi họp, Khương Chấn Kiệt tới phòng ngủ của Hồ Chí Minh kiểm tra vệ sinh, phát hiện thấy trên nền nhà có một mảnh vải. Suy nghĩ một lúc bà cũng không biết là dùng để làm gì, hay là Hồ Chí Minh đã dùng để buộc cái gì vậy? Rồi bà thuận tay vứt vào một hộp giấy.

Ai ngờ sau cuộc họp, khi về đến phòng Hồ Chí Minh lập tức tìm người phục vụ hỏi: “cái thắt lưng của tôi đâu rồi?” Các nhân viên phục vụ đều nói không thấy, rồi báo cáo lên Khương Chấn Kiệt. Và điều này đã làm Khương Chấn Kiệt nghĩ ra, bà tới phòng Hồ Chí Minh, từ thùng giấy nhặt mảnh vải lên, hỏi Hồ Chí Minh: “Có phải mảnh vải này không ạ?” Hồ Chí Minh gật đầu nói phải, đại khái là đặt vào lưng ghế tựa rồi bị rơi xuống đất, còn nói nó là cái ông cần dùng. Khương Chấn Kiệt nói một cách cảm khái: “Hồ Chủ tịch, người thật gian khổ, giản dị vậy!” [1]

Vào hạ tuần tháng 6, bốn sư đoàn chủ lực quân đội Việt Nam hoàn thành chiến dịch Điện Biên Phủ đã về tới vùng tập kết ở tây bắc Hà Nội 80 km. Văn Tiến Dũng [2] , Tổng Tham mưu trưởng quân đội [Nhân dân] Việt Nam [1953-1978] chỉ huy một bộ phận nhỏ sư đoàn 320 thâm nhập vào nơi chỉ cách Hà Nội 15 km. Để cố giữ chặt đồng bằng sông Hồng, Mỹ cho máy bay vận tải chở tới một trung đoàn 2.100 quân từ Bắc Phi, đến lúc này đã lộ rõ đó chỉ là đem muối bỏ biển, chẳng được tích sự gì. Chiến trường Việt Nam tiếp tục xảy ra những thay đổi có lợi cho quân đội Việt Nam.

Ngày 24 tháng 6, Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh chiếm thị xã An Khê trên đường quốc lộ 19 tại Trung bộ Việt Nam, một bộ phận Trung đoàn cơ động số 100 của Pháp rút từ An Khê về Pleiku, giữa đường bị Quân đội Nhân dân Việt Nam tập kích. Trong trận đánh này binh lực hai bên Việt, Pháp hầu như bằng nhau, binh lực của Việt Nam không nhiều hơn bao nhiêu, hai bên hoàn toàn có thể đánh nhau. Nhưng quân Pháp không còn sĩ khí, thần hồn nát thần tính, hoảng hốt sợ hãi vừa đánh đã thua, hơn 1.000 quân hầu như bị tiêu diệt toàn bộ. Qua trận đánh này quân đội Việt Nam hoàn toàn chiếm quyền chủ động trên chiến trường miền Trung Việt Nam.

Từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6, tại miền Bắc Việt Nam quân Pháp rút bỏ 5 huyện lỵ, hơn 60 cứ điểm, trong đó có thủ phủ hai tỉnh Ninh Bình và Thái Bình. Ngày 3 tháng 7 quân Pháp lại rút khỏi một thủ phủ tỉnh. Khi quân đội Pháp rút lui, quân đội Việt Nam tiến hành tấn công, quân Pháp tổn thất trên một ngàn người.

Trước tình hình này, dù đang ở Liễu Châu, nhưng Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh đều rất quan tâm chú ý.

Phiên họp thứ tư của Hội nghị Liễu Châu họp vào sáng ngày 4 tháng 7, do Chương Văn Tấn ghi chép.

Chu Ân Lai nhấn mạnh nói về những vấn đề có liên quan tới việc Việt Nam vạch giới tuyến tạm thời để cai quản. Ông chỉ ra, căn cứ vào mức độ mà hai bên có khả năng tiếp nhận, nói chung cuối cùng đạt được hiệp nghị ở vĩ tuyến 16 mới là tốt. Một bộ phận người lãnh đạo ở nam vĩ tuyến 16 có thể rút lên phần bắc vĩ tuyến 16, nhưng những người lãnh đạo chủ yếu có liên hệ với quần chúng, nói chung phải ở lại, chuẩn bị bầu cử. Công tác công khai và bí mật đều cần người. Nếu có thể tiến hành bầu cử tất nhiên là tốt rồi, còn nếu bầu cử chậm, thậm chí không thể tiến hành vẫn có thể công tác trong quần chúng. Về việc rút khỏi phần nam vĩ tuyến 16, phải thuyết phục quần chúng. Dù có khó khăn cũng phải thuyết phục họ, làm như vậy là vì lợi ích chung.

Về vấn đề Lào và Campuchia, Chu Ân Lai cho rằng, phương châm cần phải khác với Việt Nam. Việt Nam dựa vào sự phấn đấu của mình mà đi lên, mà bản chất là chủ nghĩa dân chủ mới. Nhưng Lào và Campuchia không giống thế, trước mắt chỉ cần họ được tự do, dân chủ, độc lập là tuyệt lắm rồi. Điều quan trọng là làm cho họ không ngả về phía đế quốc, bảo trì được trung lập.

Nhìn lại phía sau, một lần nữa Chu Ân Lai chỉ ra, Hội nghị Genève 8 tuần lễ qua, nói chung cho rằng là có thành tích, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cũng cho là như vậy, chủ yếu là do lực lượng 3 nước, thêm nữa là tác dụng lãnh đạo của Đoàn đại biểu Liên Xô. Đoàn đại biểu Liên Xô có nhiều kinh nghiệm, không chỉ cần họ nắm về sách lược mà kỹ thuật, văn kiện, cũng phải dựa vào họ. Tất nhiên họ cũng có một số khuyết điểm, có lúc chuẩn bị chưa được tốt, có khi nói quá nhiều, có khi lại nói ít.

Từ sau ngày 20 tháng 6, Ngoại trưởng các nước rời Genève. 3 tuần lễ sau đó, công tác của chúng ta là, tuần lễ thứ nhất làm tốt không khí. Vì vậy tôi đã gặp Mendès-France, cũng gặp Đoàn đại biểu Lào, Campuchia. Tuần lễ thứ hai, cố ý kéo dài ra một chút, thế là nước Pháp đề xuất một phương án về vạch giới tuyến ở Việt Nam, thể là nắm được con bài của ông ta. Tuần lễ thứ ba, cũng tức là hiện nay, chuẩn bị giải quyết một số vấn đề. Như thế là trong tuần lễ thứ ba, cũng có thể có tuần lễ thứ tư cố sức có thể bàn xong vấn đề. Sau đó trong tháng 7 phải họp Hội nghị Ngoại trưởng thông qua vấn đề nguyên tắc và bàn vấn đề chính trị. Hy vọng là Hội nghị Genève không đứt đoạn, đợi đến cuối năm mới họp một lần nữa, như thế thì Liên Hiệp quốc không có tác dụng. Đợi sau khi đình chiến mấy tháng họp lại, đem cụ thể hoá vấn đề chính trị, đồng thời do các nước bảo đảm, thẩm tra tình hình đình chiến, cũng có thể suy tính tới việc mở rộng nước bảo đảm. Nếu như thu hút được các nước như Ấn Độ vào thì có chỗ tốt, có thể buộc chặt Mỹ.

Chu Ân Lai nói rất tỉ mỉ, trình bầy ý kiến Trung Quốc hy vọng vạch đường phân giới tạm thời tại vĩ tuyến 16 vô cùng rõ ràng. Lúc này quan điểm hai bên về việc có thể đạt thành hiệp nghị tại vĩ tuyến 16 trên thực tế đã được phía Việt Nam tiếp thu. Tiếp đó đã thảo luận một số vấn đề cụ thể.

Chu Ân Lai chỉ ra, về vấn đề Đảng Lao động Việt Nam bỏ một số căn cứ địa tại miền Nam, rút quân đội đi không phải là sẽ nộp vũ khí quân không chính qui. Chúng ta có thể giải thích, phàm là đơn vị quân đội đều rút đi, nhưng không rút đi tất cả vũ khí, Vũ khí, thứ nào cất giấu đươc thì cất giấu, cán bộ quân đội ai lưu lại được thì lưu. Cất giấu vũ khí phải phân tán, không được tập trung nhằm tránh rơi vào tay quân địch.

Võ Nguyên Giáp nói, bước đầu chúng tôi dự tính rút khỏi miền Nam khoảng 60.000 người, trong đó 50.000 bộ đội, 10.000 là những người làm công tác chính trị, những người “đỏ” quá phải rút đi. Cũng có tính toán, lưu lại một ít trong số 60.000 người. Ví dụ từ 5.000 đến 10.000 người ở lại miền Nam, chờ thời cơ.

Trong đối thoại liên tục, Chu Ân Lai nói, tình hình trước mắt có 3 khả năng, tức là cũng có 3 thượng, hạ và trung sách.Thượng sách là hoà được, trung sách là đánh rồi hoà, hạ sách là đánh tiếp. Nếu như tình hình đòi hỏi phải đánh, phương hướng chủ công của các đồng chí là ở đâu?

Võ Nguyên Giáp nói, nếu chiến tranh mở rộng, chủ trương đánh trước ở đồng bằng sông Hồng, một bộ phận ở Lào và Liên khu Năm có tác dụng kiềm chế.

Chiều ngày hôm đó họp hội nghị lần thứ 5, vẫn Chu Ân Lai là người nói chủ yếu, giới thiệu vấn đề kiểm soát quốc tế một khi ngừng bắn. Sau khi nói xong vấn đề đó, ông kiến nghị, văn kiện về tình hình trước mắt và phương châm chính sách liệu có thể dùng danh nghĩa Chủ tịch Hồ Chí Minh thảo luận tại hội nghị Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam hay không? Vì hiện nay thời cơ đã đến rồi, thảo luận trước tại Bộ Chính trị, rồi lại thảo luận tại hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương. Sau đó truyền đạt cho các địa phương, nhằm đạt được sự thống nhất tư tưởng chính trị trong cán bộ. Nếu không, qua bước ngoặt này không dễ. Ông chỉ ra, trong Hội nghị Genève, yêu cầu chính của chúng ta có khả năng là như thế này: tại Việt Nam lấy vĩ tuyến 16 vạch đường ranh giới. Tại Lào chúng ta yêu cầu tại Thượng, Trung, Hạ Lào mỗi nơi đều được một mảnh, cuối cùng là tranh thủ được Thượng Lào, còn có khả năng được thêm một mảnh ở Trung Lào. Tại Campuchia có thể yêu cầu vạch vùng tập kết, nhưng không thể có hy vọng tương đối lớn.

Hội nghị đã tới xế chiều, lúc này Hồ Chí Minh, người từ khi hội nghị họp đến nay phát biểu không nhiều, đã phát biểu. Ông nói, trên vấn đề lớn của Hội nghị Genève chúng ta phải giúp Mendès-France một chút, đừng để ông ta bị đổ. Mendès-France đối với hội nghị vẫn là tích cực, nếu đàm phán không thành, ông ta sẽ đổ, không có lợi đối với chúng ta. Phải có quan hệ tốt với Pháp, tranh thủ hoà bình. Mặc dù Hồ Chí Minh nói không nhiều nhưng phân lượng rất nặng, thuyết minh ông đã hạ quyết tâm, tranh thủ triển vọng hoà bình tại Hội nghị Genève.

Hội nghị Liễu Châu họp đến lúc này, lập trường và cách nhìn của hai bên đã điều hoà được.

Tối hôm đó không sắp xếp họp tiếp. Nhưng lãnh đạo hai bên cũng không nghỉ ngơi, Chu Ân Lai báo cáo tiến trình hội nghị với Trung ương, nói rõ, ngoài nói chuyện trong hội nghị ra, còn trao đổi ý kiến riêng với Hồ Chí Minh. Hội nghị Liễu Châu vốn dự định họp hai ngày, bây giờ thấy do liên quan đến phương án giải quyết cụ thể, ngày mai phải họp thêm một ngày nữa, nên phải lùi ngày về Bắc Kinh.

Nói một cách tương đối, các trợ thủ của Chu Ân Lai được thoải mái hơn một chút. Mấy hôm trước khi vừa tới Quảng Châu, đang lúc mùa vải chín, Mã Liệt ăn hơi nhiều, bị đau bụng. Sau khi đến Liễu Châu, Kiều Quán Hoa đã nói đùa với ông: “Ăn tại Quảng Châu, chết tại Liễu Châu” [3] . Câu sau chỉ ở Liễu Châu có nhiều gỗ tốt có thể đóng quan tài. Tối hôm đó không có việc, hai người ra đường tìm kiếm. Kết quả chẳng thấy gì. Thì ra vật đổi sao rời, các khu rừng cổ của Liễu Châu đã bị người đời sau chặt hết, môi trường thiên nhiên rất đáng lo, nghề đóng quan tài đã mất từ lâu rồi. [4]

Thực ra những vấn đề Hội nghị Liễu Châu phải giải quyết vô cùng cấp bách. Đúng vào ngày hôm đó, 9 giờ sáng ngày 4 tháng 7, trên chiến trường miền Bắc Việt Nam, căn cứ vào [thoả thuận tại] Hội nghị Genève, đại biểu hai quân đội Việt, Pháp đã tiến hành hội đàm tại một địa điểm tên là Trung Giã, nằm trên đường quốc lộ số 3 cách thị xã Thái Nguyên 30 km về phía nam. Hai bên cử đoàn đại biểu mỗi bên đều gồm 5 sĩ quan,, thiếu tướng Văn Tiến Dũng đại biểu Quân đội Nhân dân Việt Nam và đại tá [Marcel] Lennuyeux, đại biểu quân đội Pháp đều phát ngôn. Hai bên quyết định, trong khuôn khổ của hiệp nghị Genève thảo luận: 1.Trong khuôn khổ hiệp nghị Genève thảo luận vấn đề tù binh. 2.Vấn đề thực hiện ngừng bắn. 3. Vấn đề điều chỉnh vùng tập kết. 4. Vấn đề hai bên thành lập Uỷ ban Liên hiệp. 5. Giải quyết những vấn đề cụ thể do Hội nghị Genève nêu ra.

Ngày 5 tháng 7, hai bên đạt được vấn đề trao trả trước tù binh bị thương, bị ốm, quyết định loạt tù binh bị thương, bị ốm đầu tiên sẽ được trao trả vào ngày 14 tháng 7.

Thế nhưng đàm phán trên chiến trường Việt Nam chỉ có thể tiến hành trong khuôn khổ hiệp định Genève qui định. Lúc này cuộc hội đàm Văn Tiến Dũng - Lennuyeux vừa cử hành đã phải dừng lại chờ Hội nghị Genève phát triển hơn nữa. Vì thế, giới hạn đàm phán cuối cùng của “mặt trận phương đông” phải dựa vào Hội nghị Liễu Châu để xác định.

Sáng ngày 5 tháng 7 cử hành phiên họp thứ 6 Hội nghị Liễu Châu, Mã Mục Minh ghi chép. Hôm ấy, Hồ Chí Minh đề xuất với Chu Ân Lai nhiều vấn đề, bao gồm trong hiệp nghị sắp tới liệu có trình bầy lý luận hay không, xử lý ngụy quân như thế nào v.v...Võ Nguyên Giáp cũng biểu thị với Chu Ân Lai đồng ý phương án vĩ tuyến 16, nhưng ông lại nói, hiện nay Phạm Văn Đồng đang đề xuất phương án vĩ tuyến 13 hoặc vĩ tuyến 14. Võ Nguyên Giáp cho rằng có thể lùi từng bước, nhưng đến vĩ tuyến 16 là giới hạn cuối cùng. Vì vậy yêu cầu đề xuất đối ngoại hiện nay có thể từ vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 14.

Chu Ân Lai đồng ý với Võ Nguyên Giáp.

Hồ Chí Minh nói, nếu lấy vĩ tuyến 16 làm giới hạn thì cả Vịnh Bắc bộ thuộc về chúng ta.

Võ Nguyên Giáp còn đề xuất không ít ý kiến sửa chữa đối với những soạn thảo trong dự thảo hiệp nghị, cho thấy rõ ông suy xét vấn đề chặt chẽ tỉ mỉ. Nhiều chỗ, Chu Ân Lai biểu thị đồng ý, đồng thời yêu cầu Kiều Quán Hoa căn cứ vào ý kiến nhất trí của mọi người sửa chữa phương án.

Võ Nguyên Giáp còn đề xuất ý tưởng, khi rút quân khỏi miền Nam, các vùng từ cấp tỉnh trở lên, đơn vị từ cấp đại đội trở lên, đều rút; nhưng từ cấp huyện trở xuống và đội du kích thôn không rút, đem cất giấu vũ khí, để lại phục vụ cho việc tranh giành miền Nam sau này.

Tại phiên họp thứ 7 buổi chiều hôm đó, Chu Ân Lai nhấn mạnh, nhất định cần phải giải thích nhiều lần cho cán bộ: “trải qua bầu cử, đạt được thống nhất”. Ở đây có hai hàm nghĩa, thứ nhất là nói, cán bộ có cố gắng công tác thì mới có thể giành được thắng lợi bầu cử. Thứ hai là nói, phải tạo thành cục diện bầu cử, tạo thành xu thế không bầu cử không được. Đặc điểm của Việt Nam là, bất kể là Anh, Pháp, Bảo Đại đều không dám phản đối thống nhất. Về phương diện này, điều kiện của Việt Nam tốt hơn so với Triều Tiên, Đức.

Võ Nguyên Giáp nói, phải thống nhất tư tưởng trong Đảng. Tháng 7 có thể họp hội nghị Trung ương. Khó khăn là đại biểu miền Nam không dễ dàng đến được, mà truyền đạt cho miền Nam rất khó khăn.

Chu Ân Lai nói, hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay đúng là vô cùng phức tạp, có sự khác biệt giữa vùng cũ, vùng mới, có sự khác biệt giữa thành thị, nông thôn, có sự khác biệt trong Đảng ngoài đảng, có sự khác biệt giữa miền Nam, miền Bắc, có sự khác biệt giữa 3 nước, lại còn sự khác biệt với các nước khác. Quan hệ của 6 loại khác biệt này vô cùng tế nhị. Khi đạt được hiệp nghị, nhất định phải đồng thời tuyên bố các nguyên tắc cơ bản. Những nguyên tắc này là, nước Pháp công nhận nền độc lập, thống nhất của 3 nước Đông Dương cũng như nước Pháp rút quân, tiến hành bầu cử v.v..

Vi Quốc Thanh phát biểu tiếp, biểu thị ủng hộ những ý kiến của Chu Ân Lai. Trung tâm tư tưởng của những phát biểu của Vi Quốc Thanh là nắm chắc thời cơ có lợi, chấm dứt chiến tranh vào lúc có thể chấm dứt được. “Nếu tiếp tục đánh, có thể đuổi được kẻ địch yếu [Pháp] nhưng lại đưa vào kẻ địch mạnh [Mỹ]. Đó là tình hình, đòi hỏi chúng ta phải tránh né nhất.” Lúc này Chu Ân Lai nói xen vào: “Đó không phải là giả thiết mà là sự thực.”

Vi Quốc Thanh còn đề xuất, nếu khi đàm phán không đạt được dự án của hiệp nghị, nếu “hoà” không đến thì vào tháng 10 sẽ chuẩn bị đánh đồng bằng sông Hồng.

Vào lúc hội nghị gần kết thúc, Võ Nguyên Giáp phát biểu, nói “trước đây được nghe Hồ Chủ tịch truyền đạt, [bây giờ] lại được [nghe] Chu Thủ tướng báo cáo, càng hiểu thêm tình hình mới và nhiệm vụ mới. Vấn đề trung tâm trước mắt là tranh thủ thống nhất tư tưởng trong Đảng. Mặc dù có khó khăn, nhưng lòng tin được nâng cao. Nếu Trung ương truyền đạt chính sách này xuống dưới, lòng tin của bên dưới càng nâng cao. Ở Lào và Campuchia cũng sẽ như thế. Đợi đến lúc đàm phán có kết quả, cán bộ miền Bắc nhìn thấy thắng lợi, tâm tình sẽ thoải mái nhẹ nhõm. Còn cán bộ miền Nam có thể xuất hiện tâm tình bi quan. Campuchia và Lào cũng có thể có tình hình giống như thế. Tất nhiên, vấn đề này cần phải giải quyết.

Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến có tính tổng kết. Ông nói: đồng chí Chu Ân Lai không chỉ phấn đấu tại Hội nghị Genève hơn nữa còn đến Liễu Châu báo cáo, nói rất thấu triệt. Chúng tôi rất cám ơn! Kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, 30 năm nay đều được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và đồng chí Chu Ân Lai giúp đỡ. Trong lần hội nghị này, các đồng chí bổ sung rất tốt, tôi đồng ý, còn phải cám ơn các loại giúp đỡ của các đồng chí Quảng Tây. Hiện nay Việt Nam đang đứng trước ngã tư đường, có khả năng hoà cũng có khả năng chiến. Phương hướng chủ yếu là tranh thủ hoà chuẩn bị chiến. Tính phức tạp của công việc đòi hỏi phải có hai loại chuẩn bị. Đối với người bình thường, thậm chí là cán bộ, vấn đề này rất phức tạp. Bởi vì khẩu hiệu trước đây là “kháng chiến đến cùng” bây giờ lại muốn hoà, “rốt cuộc thì cái nào đúng đây?” Người ta có thể hỏi như vậy. Tôi đồng ý với cách nhìn của mọi người, vấn đề hàng đầu là đánh thông tư tưởng, tuy khó khăn nhiều, nhưng trước tiên phải dựa vào sự cố gắng của các đồng chí Việt Nam, ngoài ra còn phải dựa vào sự giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc.

Công tác của Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam là phải đả thông tư tưởng của cán bộ cao cấp, còn phải đả thông tư tưởng các đồng chí Campuchia, Lào, thời gian rất khẩn trương. Vấn đề là cán bộ không nhiều mà công việc lại rất nhiều. Nếu chuẩn bị tiếp thu Hà Nội, Hải Phòng thì phải chuẩn bị một loạt cán bộ, hiện nay lo lắng nhất vẫn là cán bộ không đủ, nói những cái đó vì còn cần các đồng chí cố vấn giúp đỡ.

Hồ Chí Minh nói, tôi thay mặt hội nghị lần này hỏi thăm Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đến đây Hội nghị Liễu Châu đạt được sự đồng thuận của cả hai bên. Cuối cùng Chu Ân Lai phát biểu, nói: cám ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi thăm Mao Chủ tịch. Kết luận vừa rồi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài phần khen ngợi ra, tôi hoàn toàn tiếp nhận. Mỗi chúng ta đều có khuyết điểm sai lầm, chủ yếu là dựa vào lực lượng tập thể.

Tối ngày 5 tháng 7, cử hành phiên họp thứ 8. Thời gian tương đối eo hẹp, chủ yếu thảo luận là một khi thực hiện ngừng bắn, những tình hình mới mà quân đội Việt Nam tiếp quản thành thị sẽ phải đối mặt. Hội nghị thảo luận và sửa chữa 4 điều trong “Bố cáo yên dân khi vào thành phố” do La Quí Ba khởi thảo, cũng thảo luận và sửa chữa “Chính sách vùng tiếp quản” cũng do La Quí Ba khởi thảo. Cuối cùng Chu Ân Lai tuyên bố hội nghị kết thúc.

Trong Hội nghị Liễu Châu, Chu Ân Lai trình bầy thấu triệt, kiên nhẫn giải thích vấn đề đã để lại ấn tượng sâu sắc trong những người tham dự hội nghị. Tình hữu nghị giữa Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh cũng thường xuyên thể hiện ra. Trong tiến trình hội nghị, Chu Ân Lai phát hiện đồng hồ đeo tay của Hồ Chí Minh hỏng, ông bảo La Quí Ba tìm ngay cho Hồ Chủ tịch một chiếc đồng hồ khác. La Quí Ba làm theo, đã mang tới cho Chu Ân Lai một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ rất tốt, Chu Ân Lai đã tặng chiếc đồng hồ đó cho Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh không từ chối, nói “cám ơn” rồi đeo vào tay. Theo ấn tượng của La Quí Ba, Hồ Chí Minh đã đeo chiếc đồng hồ đó trong một thời gian rất dài. [5]

Mã Liệt, sau này là đại sứ Trung Quốc tại Hungari [6] chỉ ra, then chốt của Hội nghị Liễu Châu lần đó là “vạch giới tuyến”, vấn đề trung tâm là phải để nước Pháp rời khỏi Đông Dương, đồng thời không để Mỹ can thiệp vào. Đó là suy nghĩ rõ ràng của Chu Ân Lai khi đến Hội nghị Liễu Châu, kết quả đã thực hiện hoàn toàn dự kiến của ông. [7]

Chiều ngày 6 tháng 7, Chu Ân Lai trở về Bắc Kinh. Ngày 8 tháng 8, Nhân dân Nhật báo [8] đăng “Tuyên bố về cuộc hội đàm Trung Việt” tại vị trí trang trọng đầu trang nhất, toàn văn như sau:

Thủ tướng nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh đã cử hành hội đàm tại biên giới Trung Việt từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 7 năm 1954. Thủ tướng Chu Ân Lai và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao đổi ý kiến đầy đủ về vấn đề khôi phục hoà bình ở Đông Dương và các vấn đề có liên quan khác. Tham gia hội nghị còn có, Hoàng Văn Hoan, đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Trung Quốc và Kiều Quán Hoa, cố vấn Đoàn đại biểu nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Hội nghị Genève. [9]



[1]Phỏng vấn Hứa Kỳ Tình ngày 9 tháng 6 năm 2004. TG
[2](1917–2002) khi đó là Thiếu tướng. Đại tướng (1974), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1980-1986).
[3]Ngạn ngữ Trung Hoa: "Sinh tại Tô Châu, ở tại Hàng Châu, ăn tại Quảng Châu, chết tại Liễu Châu".
[4]Phỏng vấn Mã Liệt ngày 29 tháng 5 năm 1998. TG
[5]Phỏng vấn La Quí Ba tại Bắc kinh ngày 18 tháng 4 năm 1990, theo tư liệu La Quí Ba bảo tồn được từ Hội nghị Liễu Châu. TG
[6]Giai đoạn 1983-1985.
[7]Phỏng vấn Mã Liệt tại Bắc Kinh ngày 29 tháng 5 năm 1998. TG
[8]Báo hàng ngày chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (cho tới nay).
[9]Xem thêm: Phạm Cao Dương, “Geneva và những kinh nghiệm chưa được rút tỉa”,
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2004/07/040719_phamcaoduong.shtml
Nguồn: Tiền Giang (钱江/Qian Jiang), Chu Ân Lai và Há»™i nghị Genève (周恩来与日内瓦会议/ Chu Ân lai dữ nhật ná»™i ngoã há»™i nghị), Trung cá»™ng Đảng sá»­ Xuất bản Xã, 2005. ISBN:7-80199-189-3. (chÆ°Æ¡ng 27: Quan kiện đích Liá»…u châu há»™i nghị; chÆ°Æ¡ng 28: Lãnh tụ quyết sách hoàn vÅ© khinh, tr. 434-465). ChÆ°Æ¡ng 27 đã đăng trên tạp chí Thế ká»· 21 số 219 (tr. 13-18) và 220 (tr. 28-32) July-August 2007; và tạp chí XÆ°a & Nay số 288 (tr. 3, 6-9) và 289 (tr.16-19) tháng 7-8/2007. ChÆ°Æ¡ng 28 đăng lần đầu trên talawas.