trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 11 / 11 bài
  1 - 11 / 11 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Sách mới
11.3.2005
Nguyễn Văn Dân
Phương pháp luận nghiên cứu văn học
Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004
 


Công trình là một trong số ít những cuốn sách đề cập đến vấn đề phương pháp luận nghiên cứu khoa học và có thể là chuyên luận thuộc loại đầu tiên về lĩnh vực phương pháp luận nghiên cứu văn học ở Việt Nam.

Sách dày 328 trang, ngoài Lời nói đầu, chuyên luận có 3 chương.


Chương I: Phương pháp luận nghiên cứu văn học, một bộ phận của lý luận văn học

Trong chương này tác giả trình bày vấn đề xác định bản chất và chức năng, nhiệm vụ cũng như vị trí của phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu văn học trong nghiên cứu khoa học.


Chương II: Các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu văn học

Khi đề cập đến khái niệm phương pháp nghiên cứu khoa học và phương pháp luận nghiên cứu văn học, tác giả đã xác định rõ mối quan hệ giữa phương pháp với phương pháp luận, ’’phương pháp là cấp cụ thể của phương pháp luận; nhưng đồng thời nó lại vừa là một công cụ độc lập của chủ thể nghiên cứu khoa học” (trang 69). Bên cạnh đó tác giả cũng lưu ý đến tính bình đẳng của phương pháp cũng như phân loại các phương pháp, công trình này đã phân loại các phương pháp thành ba nhóm: nhóm các phương pháp cận cảnh; nhóm các phương pháp tổng quan; nhóm các phương pháp trung dung.

Giới thiệu các phương pháp nghiên cứu văn học, tác giả lưu ý: “Chúng tôi đặt vấn đề là giới thiệu các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu văn học chứ không phải la các phương pháp của nghiên cứu văn học’’ (trang 83). Các phương pháp được tác giả giới thiệu gồm có: phương pháp thực chứng (lịch sử-ngữ nghĩa); phương pháp hình thức; phương pháp hiện tượng học; phương pháp ký hiệu học; phương pháp cấu trúc (cổ điển –phân giải [hậu cấu trúc]); phương pháp trực giác; phương pháp tâm lý học (sáng tác ,tiếp nhận); phương pháp giải thích học; phương pháp xã hội học (sáng tác, tiếp nhận [mỹ học tiếp nhận]); phương pháp tiểu sử; phương pháp so sánh; phương pháp mỹ học; phương pháp lọai hình; phương pháp hệ thống.
Do vấn đề thời sự của phương pháp xã hội học tiếp nhận [mỹ học tiếp nhận] nên nó đã được tác giả dành cho một số trang nhất định. Bản thân tác giả cũng tự đề xuất một phương pháp mới có giá trị bổ sung cho các phương pháp khác, đó là phương pháp ngưỡng tâm lý, phương pháp này được tác giả xếp trong phương pháp tâm lý học tiếp nhận. Phương pháp này chú ý vào cơ chế cảm thụ thẩm mỹ của người tiếp nhận, và để khảo sát cơ chế này, tác giả đề xuất khái niệm công cụ: ngưỡng tâm lý - ý thức.


Chương III: Yêu cầu về tổng hợp và liên ngành

“Có thể nói tổng hợp và liên ngành là hai mặt của một vấn đề nhằm tiếp cận toàn diện đối tượng nghiên cứu’’ (trang309) và đó cũng là nội dung chính được tác giả triển khai trong chương này.

Ðây là một cuốn sách “mang tính chất đúc kết thành tựu về phương pháp luận và về phương pháp của cả ngoài nước lẫn trong nước” (trang 7). Nó thật sự cần thiết cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành văn cũng như những nhà nghiên cứu trẻ và các nhà nghiên cứu nói chung.

Trần Minh Tuấn