trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
9.11.2007
Nguyễn Tuấn
Jesenice: mới đó mà gần 20 năm!
 
Tôi đến Jesenice vào một buổi chiều cuối tháng 7 năm 1988. Sau hai tuần mệt mỏi băng qua những biên giới giữa Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung và Serbia, Jesenice là một điểm dừng cho tôi biết mình sắp tới đích trong con đường đi đến miền Tây. Trong ánh nắng vàng rực rỡ của một buổi chiều mùa hè của vùng Nam Âu, giữa một vùng núi non xanh biếc của ngã ba biên giới Áo, Ý và Slovenia, Jesenice như một bức hình bưu ảnh của những ngôi nhà xinh xắn với mái ngói đỏ, những tiệm ăn nho nhỏ, một tháp chuông giáo đường cao vút và hoa khắp nơi, trên những bệ cửa sổ, trong những khu vườn đầy cây olive và cam, trên những lối đi lát bằng đá tảng. Mới cách đây vài ngày tôi còn ở Beograd, không khí ở đó ảm đạm quá. Hay có lẽ trong lòng tôi lúc đó như vậy. Tại khu tị nạn của UNHCR [1] ở Beograd, những người Romania bê bết bùn đất, có người còn bị thương do biên phòng Romania bắn thẳng vào họ trên đường chạy trốn. Những khuôn mặt hốc hác, vô hồn và ngày mai không biết cái gì sẽ xảy ra khiến tôi quyết định tiếp tục con đường của mình. Và hôm nay tôi có mặt ở đây, giữa phố núi Jesenice. Nếu có một chiếc thuyền nào vượt biên, sau những bão táp dữ dội bỗng nhiên trời mây hiện ra xanh biếc và những cánh hải âu xa xa báo hiệu đất liền ở gần, thì đối với tôi, Jesenice vào buổi chiều tháng 7 đó cũng vậy. Jesenice là thành phố “Tây” nhất, “western” nhất mà tôi đến được cho đến bây giờ. Tôi đã đi dọc theo con phố Bernauer Strasse của Đông Berlin, để có thể nghe được tiếng xe cộ của Tây Berlin, nhưng giữa hơn một trăm mét phân ly Đông Tây đó là một bức tường và những người lính Đông Đức lăm lăm súng sẵn sàng nã đạn. Tôi đã ngồi trên xe bus trong một chuyến du ngoạn dọc theo xa lộ phía nam của Tiệp Khắc để có thể thấy được những khu đồi của Áo xa xa, nhưng bạn cũng có thể thấy được thấp thoáng bóng dáng chết người của cái hàng rào được mệnh danh là “iron curtain”, với những tay bắn tỉa ở những chòi canh. Tôi đã ngồi trên cái tiệm café hơn một trăm mét cao trên chiếc cầu bắc qua sông Danube ở Bratislava để thấy trạm cửa khẩu giữa Slovakia và Áo. Trước đó mấy ngày, một gia đình người Đông Đức, trong một phút giây tuyệt vọng đã kiếm đâu được một chiếc xe tải, cả vợ chồng con cái hơn một trăm cây số giờ đâm vào cái barrier ở cửa khẩu này. Chiếc xe hay chỉ là một mớ kim loại bẹp gí dừng được trên phần đất của Áo nhưng mọi người đều chết vì va chạm, cái giá của tự do quá đắt, dẫu họ là người Đức.
Tháng Bảy năm 1961, lãnh tụ Đông Đức Walter Ulbricht tuyên bố: "Không ai có ý định dựng bức tường nào hết!" Vài tuần sau, ngày 13 tháng Tám, Đông Đức xây Bức tường Berlin.
Ngày 09 tháng Mười Một 1989, Bức tường Berlin bị phá bỏ.
Một mảng của Bức tường Berlin còn lưu lại hiện nay


Jesenice không gần Ý hay Áo trong một tầm tay nhưng phía trước tôi là một biên giới không có rào cản, không có lệnh bắn mà không cần cảnh cáo và vào cái chiều mùa hè đó, Đông và Tây đang mờ nhạt vào nhau ở Jesenice. Khi hoàng hôn đang xuống, bạn có thể thấy những du khách dập dìu qua lại trên những con đường trải đá, tiếng ồn ào từ những quán bia, những dãy núi xanh thẫm hơn và những ngôi sao bắt đầu lấp lánh trên bầu trời. Thật là yên bình!

Sau Thế chiến thứ 2, Cộng hoà Liên bang Xã hội Chủ nghĩa Nam Tư [2] được thành lập và khi họ tuyên bố không phụ thuộc vào Liên Xô thì Stalin không dám gửi xe tăng tới. Ông ta thừa biết rằng, những du kích Nam Tư đã chiến đấu mãnh liệt như thế nào, đã làm thất điên bát đảo các sư đoàn SS và Panther của Hitler. Nam Tư trở thành một xã hội rất Tây trong lòng Đông Âu và rất Đông trong lòng Tây Âu. Bức rào cản “iron curtain” kéo dài từ biển Baltic cho đến Hung không phủ xuống được biên giới Nam Tư với các nước khác. Tito cho UNHCR mở trại tị nạn cộng sản ở Beograd, và Slovenia hầu như làm ngơ cho những ai muốn sử dụng Nam Tư trên đường chạy trốn. Âm thầm trong 40 năm qua, một làn sóng người từ Ba Lan, Hung, Tiệp Khắc, Romania kể cả Liên xô đã qua Nam Tư để đến với phương Tây. Một underground trail đã hình thành với những thông tin truyền miệng, người đi lọt nói cho người sắp đi, những thủ thuật để vượt biên giới qua Nam Tư mà còn sống sót. Jesenice trong con đường đó như trạm dừng cuối cùng, một phút dừng chân trên con đường thiên lý rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Bao nhiêu triệu người đã sử dụng con đường này, tôi không biết chính xác, nhưng nhiều, nhiều lắm. Như một dòng sông có lúc nhanh lúc chậm, dòng người ra đi cũng vậy: Budapest 1956, Berlin Wall 1961, Praha 1968, Gdansk 1980. Khi nhân danh những lí tưởng cao đẹp nhất của con người được hậu thuẫn bằng xe tăng và dây thép gai Liên Xô, thì những người Đông Âu chỉ còn cách bỏ nước ra đi. Dọc theo con đường underground ấy, bạn có thể thấy những gia đình, hành trang của họ chỉ gọn nhẹ một vài ba lô, tài sản chắt chiu cả đời một vài trăm đô. Chỉ có ý chí làm lại cuộc đời là mạnh.

Ngồi uống một ly café ở Jesenice vào buổi chiều tháng 7 đó, để xua tan những cơn buồn ngủ chợt đến sau những tuần vất vả, tôi biết rằng mình đã qua những sự hiểm nguy. Ngày mai sẽ vẫn còn có người bị bắn khi vượt bức tường Berlin, sẽ vẫn còn có người phơi thây ở biên giới Romania-Serbia, Tiệp-Áo, Tiệp-Tây Đức, nhưng dòng người vẫn đi như dòng sông vẫn chảy. Tôi như một đám lục bình sắp ra được biển lớn và Jesenice như một cù lao cho mình một phút bình yên.

Sáng hôm sau, cách Jesenice 30km về phía Nam, ở Most Na Soci tôi vượt biên qua Ý. Ở cao độ khoảng 1500m, bạn có thể thấy đỉnh núi Triglav gần 3000m cao và thung lũng của Jesenice. Thị trấn như một vệt mờ màu đỏ nhạt ở phía bên phải. Bên trái là Ý. Triglav và Jesenice như một drinking gourd giữa ban ngày. Nếu bạn muốn đi vào ban đêm thì cứ hướng mặt vào đường chân trời ở chỗ nào sáng nhất, đó là đèn của hải cảng Trieste thì Ý ở phía bên phải. Đó là mùa hè 1988, những thông tin của underground trail, nó giúp bạn sống mà không phải lãnh một viên đạn vào lưng bởi những tay bắn tỉa.

Khi tôi đổ dốc để vào Ý, bạn có thể tưởng tượng cảnh đẹp như clip cuối cùng trong phim The Sound of Music, khi gia đình von Trapp vượt qua rặng Alpes để vào Thụy Sĩ. Những hoa dại muôn màu giữa mùa hè, giữa núi non hùng vĩ. Tôi cũng không biết Ý bắt đầu ở đâu và Slovenia chấm dứt nơi nào. Sau lưng tôi là Đông Âu và những năm tháng dữ dội nhưng đáng nhớ và đáng sống của tuổi trẻ. Là Mạc Tư Khoa, Praha, Berlin, Warszawa, Budapest, những địa danh tôi đã đi qua chỉ để đến Jesenice để đi vào Tây Âu. Một cuộc đời mới bắt đầu. Hàng triệu người đã như thế sau những hiểm nguy, tôi cũng đã như thế.

2007, 18 năm sau khi Bức tường Berlin bị phá bỏ

© 2007 talawas



[1]UNHCR: viết tắt của United Nations High Commissioner for Refugees, Cao ủy Tị nạn của Liên hiệp quốc
[2]Nam Tư: Socialist Federal Republic of Yugoslavia là một liên bang trong đó có Serbia (thủ đô là Beograd) và Slovenia là hai thành viên. Jesenice là một thị trấn của Slovenia. Liên bang Nam Tư tan rã vào 1992