trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dụcTư tưởngTôn giáo
19.3.2004
Nguyễn Bình
Bóng ma của các Công án Thiền
 
Trước hết cần phân bua ngay để tránh cãi vã nhau vì chuyện không đâu: các Công án Thiền có thật, nói theo cách hiện đại thì chúng là những "công cụ đào tạo" dùng trong một số Thiền phái, đặc biệt thịnh hành ở Nhật thế kỉ 12-14. Như vậy các Công án Thiền không phải là "ma" theo nghĩa thường dùng. Tôi "giật tít" cho bài viết này như vậy vì hình ảnh: "Một bóng ma lởn vởn khắp Hà Nội, bóng ma của các Công án Thiền..." mà ai cũng biết là nhại từ câu mở đầu Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (1848) của Karl Marx và Friedrich Engels: "Một bóng ma lởn vởn khắp châu Âu, bóng ma của chủ nghĩa cộng sản..." Tất nhiên chúng ta không hình dung chủ nghĩa cộng sản trong câu này là "ma" như trong truyện của Bồ Tùng Linh.

Cuối những năm 79 đầu những năm 80 ở Hà Nội có một cơn sốt các Công án Thiền. Một người mà tôi quen đem từ miền Nam ra một quyển sách mỏng, trong đó chép những chuyện đọc lên nghe có vẻ kì quặc, vô nghĩa, tên là những Công án Thiền. Không biết có bao nhiêu quyển như thế lưu truyền ở Hà Nội, nhưng chẳng mấy chốc mà những Công án ấy thịnh hành trong một giới văn nghệ sĩ và trí thức nhất định, người của giới ấy mới biết, khác "môi trường" là không biết. Những năm ấy chùa chiền còn đìu hiu chay tịnh, hương khói chỉ phảng phất chứ không có cảnh đốt hương um khói như cháy nhà mà ngày nay thường gặp. Người đi lễ thưa thớt, vừa lễ vừa liếc quanh xem có ai theo rình hay không. Tôn giáo, tín ngưỡng còn là hàng lậu. Trong bầu không khí ấy, thì thào về một Công án Thiền nghe lỏm qua mấy cái tai là một hành động trí thức cấp tiến và...dũng cảm. Xét như vậy thì Công án Thiền ở Hà Nội những năm đó có thể so sánh với chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, một trào lưu cấp tiến ở thời điểm nó ra đời, khiến những định chế bảo thủ đang tồn tại phải tìm cách ngăn ngừa, khống chế.

Đó là hơn hai mươi năm trước. Còn bây giờ?


1.

Về bóng ma của chủ nghĩa cộng sản: Bài viết của anh Quốc Việt làm tôi có một cảm giác tương đối khó đồng cảm. (Nhân đây xin chân thành cảm ơn anh đã có nhã ý tặng tôi bản dịch Khai Sáng.) Tôi không tán thành những băn khoăn của anh về Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc bắt buộc thi các môn Mác-Lê ở đại học Việt Nam. Nó giống như việc người ta hô hoán nhau đi... đuổi ma! Tuy không ai nói ra, nhưng người trong cuộc đều biết rằng chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam ngày nay chỉ còn trên bàn thờ, dùng như Ông Ba Mươi (cũng là một loại ma theo nghĩa rộng nhất của từ này). Khấn vái lấy lệ, còn chủ yếu là để doạ bọn trẻ: Im đi, ngoan nào, mày mà hư tao gọi Ông Ba Mươi đến bắt. (Trong hình dung của trẻ nít thời nay tức những công dân tương lai của đất nước, những loại ma truyền thống ngày càng trở nên xa lạ. Không phải Ông Hổ mà những Ông khác dần dần đáng sợ hơn, có lẽ chúng ta tức cha mẹ chúng nên chuyển sang thờ Lord Voldemort thì doạ mới có hiệu quả. Hai vị cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản, hai ông Tây râu ria xồm xoàm, về mặt hình thể có lẽ gần với Lord Voldemort hơn Ông Hổ.) Bước trầm luân của chủ nghĩa cộng sản là từ một bóng ma đáng ngại ở giữa thế kỉ 19 chuyển thành một thực thể đáng sợ giữa thế kỉ 20, kết cục là lại trở thành một bóng ma đáng... ngạc nhiên ở cuối thế kỉ 20, như vậy là được một thế kỉ rưỡi để ma lại hoàn ma.

Cần thấy rõ thực tế để hiểu giá trị của một Quyết định trên giấy. Có lẽ chính những người ra Quyết định này cũng đã hiểu rõ hơn ai hết sự vô nghĩa của nó, vì vậy nó được đưa ra một cách gần như trong im lặng, dư luận rộng rãi hầu như không biết đến. Tôi đánh cuộc là sinh viên các trường đại học phần lớn không nghe nói hoặc có nghe cũng không quan tâm đến cái tin đó. Không ai để ý. Xin đừng lầm tưởng rằng đó là sự thờ ơ với riêng Quyết định này. Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua đã chứng tỏ sự bất lực nổi tiếng của họ đối với vấn nạn giáo dục ở Việt Nam, kết quả là mọi Quyết định của cái Bộ ấy bất chấp giá trị khách quan ra sao đều không khiến cho ai coi là một quyết định nghiêm túc. Nếu ngày mai Quyết định này được thay bằng một Quyết định ngược hẳn lại, không những dân chúng vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra mà các cán bộ và nhân viên nhà nước có trách nhiệm thi hành các Quyết định của Bộ cũng chẳng cuống cuồng sửa đổi gì hết. Chúng ta đều biết, ở Việt Nam ai kí quyết định gì thì cứ việc kí, hàng nghìn quyết định giẫm đạp lên nhau, vô nghĩa như nhau, ai hơi đâu mà để ý. Có những quyết định đã sửa đổi từ 40 năm trước nhưng hình như không ai biết là nó đã được sửa đổi, vì vậy cũng là bình thường khi có những quyết định vừa ráo mực mà đã thành thiên cổ. Thưa anh Quốc Việt, tôi tin là cái Quyết định do một bộ óc khủng long nào đó của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đẻ ra đã...ra ma mất rồi, chúng ta nên thắp hương cho nó chứ không cần gọi nhau đi đuổi ma cho tốn công vô ích.

Cũng không cần phải lo ngại rằng những bộ môn này chiếm quá nhiều thời gian của sinh viên và tiền bạc của quốc gia. Nhìn vào nếp học hành trong các đại học hiện nay ở Việt Nam, chúng ta thấy rằng phần lớn sinh viên mọi chuyên ngành đều học vờ, học giả dối, học gạo, học cho mảnh bằng, tức học cho một mảnh giấy. Họ không mất thời gian ngay cả cho chuyên ngành của mình chứ đừng nói đến việc phải lao tâm khổ tứ vào những môn học lấy lệ. Lúc thi vào đại học thì thi bằng thủ thuật, mánh khoé, gian lận. Lúc thi ra đại học thì cũng cùng những thủ thuật, mánh khoé, gian lận như vậy. Chợ luận văn tốt nghiệp công khai tồn tại ngay trước mũi các đại học. Môi trường chung của xã hội biến những con người trẻ tuổi thành những hạt giống của tiêu cực ngay từ đoạn đầu đời của họ. Không thể đòi hỏi họ khác đi, vì họ sẽ phải tồn tại trong môi trường ô nhiễm này chứ không phải trong những môi trường trong sạch. Yêu cầu họ chấm dứt thủ thuật, mánh khoé, gian lận... là giết họ. Vì thế có lẽ nên nhìn sự việc từ khía cạnh tích cực của nó: Tinh thần "phát huy sáng kiến khắc phục khó khăn" của nhân dân ta sẽ dễ dàng tìm ra cách giúp con em mình vượt qua những kì thi các môn Mác-Lê mà chẳng cần phải mất nhiều tâm trí. Nhờ có các môn học cực kì vô bổ này mà nảy sinh thêm một nhánh công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho đội ngũ dịch vụ học hành thi cử chăng? Đã thuê nhau đi ở tù được thì thuê học, thuê thi có khó khăn gì!

Một điều nữa cần lưu ý là đội ngũ giảng viên đại học của các môn học này không tìm đâu ra phương tiện và động lực để phát triển. Trong quá khứ, đội ngũ này không những chiếm thế thượng phong về quyền lực tinh thần mà cả trong đời sống vật chất. Xin hỏi, ngày nay có còn những chuyến tu nghiệp nước ngoài, những hội nghị quốc tế nào bón phân cho họ? Tiền dự án nước ngoài bây giờ không chảy vào nghiên cứu Mác-Lê. Tiền dân chúng đầu tư vào tương lai con em họ cũng không chảy vào nghiên cứu Mác-Lê. Chẳng cần phải tẩy chay thì đội ngũ ấy sớm muộn cũng chỉ còn là một...hồn ma vật vờ chờ phần điếu đóm tàn tạ. Thương lắm thay! Tôi e rằng một lúc nào đó chúng ta phải tìm cách lập bảo tàng cho Marx, Engels và Lenin ở Việt Nam, nếu không cứ cái đà này thì xã hội và dân chúng Việt Nam quên họ đi rất nhanh để theo thờ cha con nhà ông Bush!


2.

Còn các Công án Thiền?

Chúng cũng có một số phận kì diệu. Từ chỗ là sở hữu vụng trộm của một nhóm trí thức văn nghệ cấp tiến và a-văng-gác mà phần lớn là không theo Thiền, chúng bước vào văn hoá đại chúng. Ở các quán bia, quán lẩu ngày nay, nơi dân chúng được "vô tư" bày tỏ phong độ anh hùng không thua ai của họ, những lời rút từ các Công án Thiền thứ thiệt (hay thứ rởm, tôi không kiểm tra được, vì tôi không biết hết 1700 Công án) như "Lấy đũa quơ trăng", "Thiền sư qua sông", "Quẳng dao giết lợn xuống là thành Phật", "Một được một mất", "Gãi ngứa trên giày" thành chuyện đầu môi. Ông bạn hàng này dốc thêm rượu vào cái li còn chưa hết của ông bạn hàng khác cũng ngật ngưỡng bình luận rằng "Trên tuyết thêm sương"! Nhưng kì diệu nhất là giới trí thức văn nghệ, kể từ phong trào về nguồn (đúng ra là tái về nguồn vì trí thức văn nghệ miền Nam trước 1975 đã về nguồn trước rồi), cũng cứ đem những "ngón tay trỏ mặt trăng", "mũi tên qua khỏi trời tây"... cùng là "vô minh", "vô ngôn", "vô thường", "vô ngã", "vô sở đắc", "vô sở trụ" dùng như dán bùa chú lên khắp mọi nơi. Cái khổ là bây giờ người ta có thể ít nhiều công khai dị ứng với chủ nghĩa cộng sản, nhưng dị ứng với...Thiền, Phật, minh triết phương Đông thì lại không xong! Vài ba người đầu óc đủ bình thường để biết rằng những Công án Thiền ấy không phải là thứ bài tập để thử chỉ số thông minh (IQ), không phải là câu đố để đem ra giải vào lúc rảnh rỗi, không phải là công cụ để triết lí, cũng không phải là thước đo cho cái sở học của ai cả, và lại càng không phải là những lời hay ý đẹp, thành ngữ, châm ngôn có thể đem áp dụng cho những hoàn cảnh này nọ rồi rút ra một cách xử thế, một bài học sống ở đời. Nhưng trước một đám đông cứ úm ba la thần chú bằng những "viên ngọc của tư tưởng phương Đông" trong cái phong trào "Không Phật thì Lão" này, họ cũng đành phải nhắm mắt mà niệm theo.

Việc tụng niệm này tôi thấy đáng khó chịu vì nó tạo "điều kiện sang trọng" cho người ta lẩn tránh lời đáp rõ ràng, sáng tỏ cho những câu hỏi rất cần một lời đáp rõ ràng, sáng tỏ. Hỏi một nhà văn rằng vì sao anh ta cứ mài óc ra mà viết bài cho báo lá cải. Đáp: Phật cũng chỉ là que cứt khô thôi mà! Hỏi tiếp: Sao Phật lại là que cứt khô? Đáp: Anh không biết Công án Thiền à? Thế là người hỏi cứng họng. Trao đổi với một trí thức khác: Bài viết này của anh toàn những nội dung chả nói được điều gì. Đáp: Nói được cũng bị ba mươi hèo, không nói được cũng bị ba mươi hèo thôi ông ạ. Hỏi tiếp: Ba mươi hèo ở đâu ra thế? Đáp: Thế là ông không đọc Công án Thiền rồi!

Lạy cụ Lâm Tế Nghĩa Huyền, kẻ hèn này hay đặt những câu hỏi của đời sống bình thường ở trần gian. Được nghe phán rằng đúng hay sai, hợp pháp hay bất hợp pháp, nên làm hay nên bỏ, v.v. là thoả mãn rồi. Tất cả những thứ ấy có thể dùng lí trí để mà hiểu, có thể dùng các giác quan mà cảm nhận, có thể dùng kinh nghiệm mà kiểm chứng. Kẻ hèn này chỉ mong được thế thôi. Nếu hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng cái Quyết định nói trên có tác dụng gì, mà Bộ trả lời: "Cây bách trước sân", thì tôi phải nói trắng ra là công án công iếc gì tôi không biết, ma quỷ thần thánh phật phiếc ở đâu tôi không biết, không có cây bách nào mọc ra giữa sân của Bộ Giáo dục và Đào tạo cả!

Lẽ ra các nhà nghiên cứu Phật giáo và giới trí thức tu hành phải có những tiếng nói phản tỉnh rõ ràng trong tình hình này. Tiếc thay, giới nghiên cứu Phật giáo nếu có...nghiên cứu thì chỉ dừng lại ở việc tán dương chung chung, sáo rỗng và nhàm chán những giá trị của Phật giáo như từ thuở nảo thuở nào. Tất nhiên tôi không phản đối các giá trị đó, nhưng tôi cho rằng để Phật giáo có thể sống một cách sinh động, gần gũi và là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống hiện đại của thời đại chúng ta thì người ta không thể giảng giải tán dương nó như ở thời Trung cổ được. Còn giới trí thức tu hành từng đóng những vai trò lớn trên phương diện xây dựng ý thức quốc gia và đóng những dấu ấn quan trọng trong diện mạo đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam, nay đã mất hẳn vị trí. Ở nhiều chùa chiền hiện nay chỉ thấy những vị sư bận tiếp khách du lịch, chạy sô cầu kinh trong các đám hoặc lo cho nhà hàng cơm chay hơn là lo suy tư nghiền ngẫm kinh kệ. Chính mắt tôi chứng kiến cảnh người đi lễ Phật dâng lên cả con gà luộc mà sư vẫn tỉnh bơ nhận lễ. Chẳng lẽ giới tu hành không nhận ra rằng nền tảng tri thức của Phật giáo tại Việt Nam hiện nay hầu như đã không còn nữa, kinh sách thì bị hiểu lơ mơ, đào tạo tăng lữ thì chỉ mang tính hình thức, Phật giáo đã suy thoái thành một thứ tín ngưỡng dễ dãi và thời thượng, Bồ Tát chỉ còn là một vị thần giúp người ta trúng quả, vào cầu, đẻ con trai, trừng phạt ngoại tình... và thi đỗ đại học? Nói chung chung về những tinh túy của Phật giáo trong một bối cảnh như vậy, liệu có phải là mơ màng về những bóng ma không?

Vẽ chó ngựa thì khó, vẽ ma quỷ dễ hơn. Dùng lí luận, lô-gích, bằng chứng cụ thể để thuyết phục nhau thì khó, dùng... Công án Thiền dễ hơn nhiều. Vậy xin hiến độc giả một Công án hiện đại mang tên "Cái mệt của Bộ trưởng" như sau:

"Một phóng viên đến Bộ Giáo dục và Đào tạo hỏi về bộ Luật giáo dục mà chính phủ đang thảo luận.

Phóng viên hỏi: Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết những thay đổi trong Luật giáo dục mới.
Bộ trưởng đáp: Hôm nay ta mệt, không thể vì ngươi mà nói được, nên đi hỏi Thứ trưởng.
Thứ trưởng bảo: Sao không đi hỏi Bộ trưởng?
Phóng viên đáp: Dạ, Bộ trưởng dạy đi hỏi Thứ trưởng.
Thứ trưởng bảo: Hôm nay ta bị đau đầu, không thể vì ngươi mà nói được, nên đi hỏi Vụ trưởng.
Phóng viên hỏi Vụ trưởng. Vụ trưởng bảo: Ta không biết.
Phóng viên quay về báo cáo với Bộ trưởng.
Bộ trưởng bảo: Thứ đầu trắng, Vụ đầu đen."


(Ghi chú: Nguyên văn Công án này mang tên "Cái mệt của Mã Đại Sư" như sau:

"Tăng hỏi Mã Đại Sư: Ly tứ cú, tuyệt bách phi. Xin sư chỉ ngay ý Tây lai cho con.
Mã Đại Sư bảo: Hôm nay ta mệt không thể vì ngươi mà nói được, nên đi hỏi Trí Tạng.
Trí Tạng bảo: Sao không đi hỏi Hòa Thượng?
Tăng đáp: Hòa thượng dạy đi hỏi.
Trí Tạng bảo: Hôm nay ta bị đau đầu, không thể vì ngươi mà nói được, nên đi hỏi Hải huynh.
Tăng hỏi Hải huynh. Hải huynh bảo: Ta không biết.
Tăng thưa lại Mã Đại Sư.
Mã Đại Sư bảo: Tạng đầu trắng, Hải đầu đen.")

Lời bình: Phóng viên dốt quá, hỏi ba lần đều bị từ chối mà không chịu tự mình "ngộ" ra!

© 2004 talawas