trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
3.7.2008
Nguyễn Lê Hiếu

Bài của Phong Uyên được tiếp nhận với nhiều “phấn khởi” ở một vài nhóm và đã/đang được chuyển/giới thiệu trên mạng là “một bài hay đáng đọc” với chủ yếu tìm cách khơi dậy lòng yêu nước của người đọc và có nhiều câu văn rổn rảng. Tuy nhiên, lại có bài chỉ trích là có tính cách “huyênh hoang”, theo tiêu chuẩn phê bình của tác giả Tổ quốc ăn năn! [1] Đúng ra mà nói thì cả bài của Phong Uyên lẫn cuốn Tổ quốc ăn năn có hai điểm chung: đầy (mặc) cảm tính và dựa trên những sự việc không sát sự thực. Khi sự kiện xa sự thực thì lý luận khập khễnh dẫn đến những kết quả lỏng lẻo. Nay hãy xét về bốn nhân tố mà Phong Uyên đưa ra.

1. Nhân tố Ý thức Quốc gia có từ thuở xa xưa rất chủ quan (thỏa mãn niềm tự hào của một số chúng ta?); tuy nhiên, phần lớn các sử gia xưa nay vẫn coi là thời điểm lập quốc cùng với sự phát triển tinh thần quốc gia là từ Ngô Quyền hay Đinh Tiên Hoàng trở về sau, tương đối chậm hơn vương quốc Chămpa và Khmer. [2] Khi viết Có thể nói trên lục điạ Trung Hoa và gần như cả Đông Nam Á thời đó, chỉ có hai quốc gia ngang sức đương đầu với nhau là Trung Quốc và Nam Việt, Phong Uyên quên rằng chỉ một sứ giả Lục giả đến để đủ thuyết phục Triệu Đà bỏ đế hiệu. Trong khi đó, tại lục địa Trung Quốc, Hán Cao tổ phiêu lưu đánh Hung nô phương Bắc thì bị vây khổn ở Bạch Đăng Sơn phải mang vàng bạc đút lót vợ vua Hung nô để xin lui binh, lại gửi biếu “đại công chúa”, mở đầu việc các vua con cháu thỉnh thoảng phải mang nữ nhân sang cống Hồ (mà Chiêu quân là một nạn nhân thời sau).

2. Tinh thần dân tộc vượt qua giới hạn bộ tộc… cũng là một nhận định không kém chủ quan. Thời lập quốc, các lãnh tụ tranh giành. Sau vua Đinh từ động Hoa Lư, vua Lê từ Ái Châu, sau này Lê Lợi từ Lam Sơn lập nên sự nghiệp đế vương phải mang quân đi đánh các châu động khác để bảo vệ ưu thế. [3] Khó mà thuyết phục được rằng các lãnh tụ đó và các sắc dân đó mang nặng tinh thần quốc gia dân tộc Việt.

3. Nhân tố thứ ba là dân Việt theo chế độ mẫu hệ

a. Trong lịch sử nhân loại, những dân tộc yếu muốn bảo vệ được sự sống còn của nòi giống mình trước những dân tộc mạnh hơn đều chỉ có cách là duy trì liên hệ gia đình theo mẫu hệ. Câu này được dẫn giải bằng một thí dụ về dân Do Thái. Từ Do Thái cần định nghĩa thêm cho rõ: đây là nói về công dân nước Do Thái (mới kỷ niệm 60 năm thành lập: có cả dân gốc Ả-rập), hay chủng tộc? (có Do Thái da trắng, da đen) hay là về mặt tôn giáo (những người nhiều chủng tộc khác nhau theo Do Thái giáo?). Hãy tạm chấp nhận là việc này có thực. Tuy nhiên, Dohamide Đỗ Hải Minh người Việt gốc Chămpa lại giải thích sự tan vỡ của vương quốc Chămpa trước sự bành trướng của người Việt là do Chămpa theo mẫu hệ thành yếu đuối, mất dân. [4] Thành ra cái nhân tố mẫu hệ này có thể là một ý kiến hấp dẫn trong hoàn cảnh nước ta nhưng chưa phải là một giả thuyết đã được chứng minh trong hoàn cảnh như nhận định tổng quát hóa nêu trên.

b. Khi lập Văn vương, cháu đích tôn con Mị Nương (sic) và Trọng Thủy, lên kế nghiệp mình, Triệu Đà có ý muốn nương theo chế độ mẫu hệ của người Lạc Việt.

Văn Vương có phải là cháu đích tôn của Triệu Đà, con của Mỵ Châu và Trọng Thủy hay không?

Sách Khâm định Việt sử cương mục ghi là cháu đích tôn Triệu Đà, con Trọng Thủy. Như vậy có nghĩa là Trọng Thủy là con lớn nhất (con cả) hay duy nhất của Triệu Đà. Không nhất thiết là con Mỵ Châu. Có thể nào Triệu Đà có con trai khác hay Trọng Thủy có vợ trước khi sang Âu Lạc lấy Mỵ Châu?

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi Văn Vương là cháu Triệu Đà con Trọng Thủy. Cũng không ghi là con Mỵ Châu. Giả thử Văn Vương là con Mỵ Châu thì lúc An Dương Vương mang Mỵ Châu sau lưng đi chạy giặc thì Mỵ Châu để con trai lại một mình hay sao? Hay là Trọng Thủy sau khi đánh tráo lẫy thần lại mang con về Phiên Ngung từ trước? Vậy thì không còn theo cái thuyết chế độ mẫu hệ nữa hay sao?

Nhưng chắc chắn Văn Vương không thể là con Trọng Thủy được. Tại sao? Là vì Văn Vương làm vua được 12 năm, thọ 52 tuổi. Nghĩa là lên ngôi vua lúc 40 tuổi. Mà Triệu Đà làm vua hơn 70 năm. Vậy thì Văn Vương sinh ra vào khoảng 30 năm sau khi Triệu Đà chiếm được Âu Lạc, nghĩa là 30 năm sau khi Trọng Thủy tự tử ở giếng Ngọc Trai.

Nếu vậy, nhân tố thứ ba là dựa vào chế độ mẫu hệ không còn căn bản lịch sử nữa.

(Thêm vào đó, sử chỉ ghi là Thái hậu thông dâm với sứ Hán chứ không hề chép rằng Thái tử Hưng là con riêng hay con gian của Cù Hậu. Điều này không biết Phong Uyên lấy ở đâu hay là tùy tiện suy diễn ra?)

4. Truyền thống Lạc hầu Lạc tướng ẩn mình dưới những cơ chế làng xã

Điều này cần xác định lại cho rõ. Thời Triệu Đà, đã có chế độ làng, xã chưa? Sử ghi vua Lý Nam đế lánh giặc rút về động Khuất Lạo, Lý Thiên Bảo và Phật tử về động Dã Năng, để con tù trưởng Chu Diên là Triệu Quang Phục chống giặc. Lại ghi Dương Diên Nghệ và Ngô Quyền người Ái Châu, Đinh Bộ Lĩnh người động Hoa Lư. Không dùng tên làng xã. Chế độ làng xã, có người cho rằng chỉ tới thời Lý, Trần mới lập?

Tổ chức Lạc hầu và Lạc tướng là quan văn, quan võ giúp vua Lạc (Hùng) trị nước, tại sao lại nói là ẩn mình dưới những cơ chế làng xã? Điều gì chứng minh nhận định này? Có thực là các Thần hoàng thờ ở đình là những anh hùng dân tộc không? Còn làng là còn nước, bảo vệ làng là bảo vệ nước nghe như những khẩu hiệu động lòng người nhưng không nhất thiết là sự thực.

Kết luận: Bài viết nhiều cảm tính, rung động lòng người nhưng không dựa vào sự việc có thực, đưa nhiều nhận định chưa có căn bản rõ ràng, lý luận chưa được vững chắc.






[1]Theo các bài góp ý ngắn trên talawas của nhiều người.
[2]Nếu nhìn vào bản đồ Đông Dương vào đầu thế kỷ X thì chỉ có hai vương quốc Chămpa và Khmer hiện hữu, còn Bắc và Bắc Trung Việt vẫn còn là một bộ phận của nước Tàu.
[3]Ngay thời lập quốc đó, các biến chuyển chính trị dựa vào công thức “anh hùng tạo thời thế”, mỗi anh hùng nắm quyền được vài mươi năm thì lại có một lãnh tụ khác xuất hiện cướp quyền: Dương Diên Nghệ (931-8), Kiều Công Tiễn ((38-9), Ngô Quyền (939-4), Dương Tam Kha (944-50), Ngô Xương Văn (950-5), Thập nhị Sứ quân (955-67). Các triều đại sau đó cũng mất nhiều công để quy phục các nhóm dân và các địa phương khác. Vua Đinh dẹp 12 sứ quân, Vua Lê ĐạI Hành đem các quân đến đánh Châu Hoan, Châu Ái, đuổi bắt được Tiến Lộc và giết người hai châu ấy không biết bao nhiêu mà kể; năm Bính Thân, Mùa xuân, tháng 2, vua thân đi đánh lấy được bốn động Đại, Phát, Đan, Ba ở Ma Hoàng; năm Đinh Dậu, Mùa thu, tháng 7, vua thân đi đánh giặc ở Đỗ Động Giang, bắt được đồ đảng đem về kinh sư; năm Kỷ Hợi, Vua thân đi đánh Hà Động v. v..., tất cả 49 động và phá được /động/ Nhật Tắc, châu Định Biên. Từ đó các châu động đều quy phục. Khó mà thuyết-phục được rằng các lãnh tụ đó và các sắc dân đó mang nặng tinh thần quốc gia dân tộc Việt.
[4]Đỗ Hải Minh: Bangsa Chămpa