trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
25.10.2004
Ngô Tự Lập
Giáo dục Việt Nam - Một số vấn đề thực tiễn
 
I. Sự đánh cược vào nhà trường

Đến các nước phát triển Âu- Mỹ, ta sẽ thấy trẻ em đến trường không nhiều lắm. Mấy tháng hè chúng không hề phải đụng đến sách vở. Rồi còn nghỉ đông, nghỉ học kỳ. Chương trình học của chúng cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những gì lũ bạn nghèo khó tội nghiệp của chúng ở Việt Nam đang phải đánh vật để theo. Trẻ em ở Mỹ thậm chí không cần phải đến trường. Chế độ "Học tại nhà" (Home schooling) cho phép cha mẹ tự giáo dục con cái thay vì cho chúng đến trường mà không yêu cầu phải có những chứng chỉ gì đặc biệt. Họ cho rằng đó là các để trẻ em có thể phát huy tính tự lập, chủ động trong cả 365 ngày chứ không chỉ tiếp nhận kiến thức một cách thụ động trong những lúc đến trường. Hiện nay được khoảng 1 triệu gia đình ở Mỹ áp dụng và theo thống kê đang tăng lên khoảng 15% mỗi năm.

Phương pháp khác nhau, kết quả cũng khác nhau. Giáo sư Đặng Thị Hạnh có lần nhận xét rất chí lý: trẻ em Tây học rất ít, nhưng cái gì cũng biết, trẻ em ta học rất nhiều, nhưng chẳng biết cái gì.

Thật ra thì chất lượng nhà trường Việt Nam không đến nỗi tồi. Sinh viên Việt Nam có tư chất thông minh và nhạy bén, và những kiến thức nhà trường cung cấp cho các em phần lớn là tốt không hề ít. Khi đi học ở nước ngoài, các em thường có kết quả học tập tốt, hay chí ít cũng không thua chị kém em. Vậy lý do nằm ở chỗ nào? Theo tôi, lý do là chúng ta quá coi trọng nhà trường.

Thực ra coi trọng nhà trường là điều bình thường, ở đâu cũng vậy, thời nào cũng vậy, chứ không chỉ riêng Việt Nam mới có truyền thống "tôn sư trọng đạo". Nhưng coi trọng và quá coi trong lại là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Và quá coi trọng bất kỳ cái gì cũng lợi bất cập hại.

Giáo dục là phức hợp các hoạt động nhằm rèn luyện và cung cấp các kỹ năng về đạo đức, thẩm mỹ, thể lực và trí tuệ cho con người, giúp họ chung sống, hợp tác và sáng tạo trong xã hội. Trong phức hợp này, nhà trường chỉ là một mắt xích, cho dù là một mắt xích quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất. Nhưng nhà trường không nên và cũng không thể thay thế được gia đình, cộng đồng sinh hoạt, các đoàn thể, các tổ chức tôn giáo, văn học nghệ thuật, lễ hội, các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động thể thao...

Ở các nước phát triển, trẻ em không chỉ được giáo dục ở khắp mọi nơi, mà còn toàn diện. Giáo dục thể lực chẳng hạn. Đến Mỹ, chỗ nào ta cũng thấy sân vận động, trường đua, nhà thể thao, bể bơi. Thay vì chúi mũi suốt ngày vào những bài toán hay văn mẫu, trẻ em Mỹ chới thể thao rất nhiều. Chính vì thế, khi lớn lên, chúng có thể lực rất tốt. Tất cả những người Việt đã từng làm việc với người phương Tây đều lè lưỡi thán phục: họ làm việc từ sáng sớm, không hề nghỉ trưa, về đến nhà nhiều khi đã muộn, những vẫn còn làm việc, hoặc gặp gỡ, hẹn hè... đến một hai giờ sáng mới về nhà, để rồi tiếp tục làm việc hôm sau không hề giảm sút chất lượng. Người phương Tây đến sáu bảy mươi tuổi vẫn cường tráng, dồi dào năng lực thể xác và trí tuệ, trong khi người Việt chỉ đến năm mươi, cái tuổi bắt đầu chín để làm những việc lớn, đã rệu rã như một chiếc xe quá đát. Đó là một lý do quan trọng khiến trước tác của các nhà nghiên cứu Việt Nam cứ mỏng manh, èo uột, nhiều khi phải độn cả những phát biểu đãi đằng xã giao mà các toàn tập, tuyển tập vẫn cứ nhòn nhõn mấy trăm trang.

Sự coi trọng thái quá giáo dục nhà trường ở Việt Nam có những lý do lịch sử, văn hoá, vì thế không thể nhanh chóng thay đổi, nhưng điều đáng nói là nó ngày càng trở nên thái quá. Khi tôi còn đi học, chúng tôi chẳng hề phải học thêm, chúng tôi còn có mấy tháng hè bắt cua, câu cá để rồi náo nức chờ ngày khai trường. Lúc bấy giờ những sinh hoạt đường phố, đoàn đội cũng còn sôi nổi và cha mẹ cũng còn nhiều thời gian và sự nhẫn nại để gần gũi con cái. Nghĩ lại, tôi thấy mình học được từ những buổi đi bắt cua, câu cá ấy nhiều chẳng kém gì những bài học ở trường. Bây giờ tất cả các hoạt động xã hội ngày càng teo tóp đi, đồng thời người ta lại ngày càng phó mặc cho nhà trường - để kiếm tiền, rảnh rỗi, để đỡ nhức đầu. Tất nhiên, cũng có cả những người đặt cược niềm tin của mình vào nhà trường. Khi đó đứa trẻ giống như một ca sĩ chạy sô: sáng học thêm toán, trưa học thêm văn, chiều học thêm organ và tối học thêm cờ tướng.



II. Những kì thi loại bỏ nhân tài

Việc duy trì, bãi bỏ hay cải cách các kỳ thi đại học không thể là một quyết định nóng vội, duy ý chí, mà phải dựa trên một triết lý giáo dục đúng đắn, đáp ứng được ở mức cao nhất những đòi hỏi của xã hội.

Thi đại học không phải bao giờ cũng dở. Giáo dục, như chúng ta vẫn nói, là đầu tư cho tương lai. Mà đã đầu tư, không thể không nói đến hiệu quả: trong điều kiện nguồn vốn hạn chế (mà trên thực tế thì nguồn vốn bao giờ cũng hạn chế), người ta phải tập trung vào những dự án có tiềm năng nhất, nói nôm na là "trông giỏ bỏ thóc". Trong giáo dục, cách đầu tư như vậy thể hiện qua sự ưu tiên đối với những cá nhân có tiềm năng trí tuệ cao nhất, những người mà ta vẫn gọi là "nhân tài", đồng thời duy trì giáo dục phổ thông ở mức hợp lý. Về bản chất, sự ưu tiên đối với các "nhân tài" có được là nhờ sự "nhường nhịn" của những người còn lại. Sự nhường nhịn ấy sẽ được bù đắp nếu như những người được hưởng ưu tiên thực sự "thành tài", thúc đẩy xã hội phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi người. Việc lựa chọn nhân tài để đầu tư chính là nhiệm vụ của các kỳ thi đại học.

Những điều trên đặc biệt đúng trong xã hội XHCN, khi giáo dục là nhiệm vụ chung và gần như toàn bộ nguồn vốn cho giáo dục cũng là của chung. Nghiên cứu đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay, ta thấy rằng đa số xuất thân từ nông thôn. Điều này phản ánh đúng cơ cấu xã hội Việt Nam mấy chục năm trước, khi đại đa số người dân sống ở nông thôn, đồng thời cũng chứng tỏ rằng các kỳ thi đại học khi đó đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ lựa chọn nhân tài, những người có tư chất xuất sắc, chứ không chỉ "biết nhiều". Lúc bấy giờ sự khác biệt về điều kiện sống không quá lớn như hiện nay, việc dạy thêm và luyện thi chưa có, các đề thi đại học cũng chỉ yêu cầu những kiến thức trong sách giáo khoa, nên các em học sinh dù sống ở các vùng xa xôi hẻo lánh vẫn có nhiều cơ hội trúng tuyển. Bản thân tôi học ở nông thôn 8,5 năm, chỉ 1,5 năm cuối cùng mới về Hà Nội. Kỳ thi đại học năm 1979, lớp cũ của tôi (ở Vĩnh Phú) có 4 người đỗ, còn lớp mới ở Hà Nội có 5 người (không kể tôi). Nghĩa là sự sai khác không lớn lắm. Tôi nhớ, trong số bạn bè tôi tập trung ở Hà Nội trước khi đi học ở nước ngoài, tức là những người trúng tuyển với điểm số rất cao, có người chưa bao giờ biết bia là gì, có người khốn khổ vì chưa quen...đi dép. Một anh bạn quê ở Hà Bắc nhờ tôi dẫn đi ăn thử "bánh mì patê" mà anh chỉ nghe qua sách vở! Những người ấy, sang Liên Xô, đã nhanh chóng đuổi kịp và thậm chí bỏ xa nhiều sinh viên các nước phát triển hơn như Nga, Bulgaria, Ba Lan, Đức...

Thế nhưng ai cũng thấy rằng hiện nay chế độ tuyển sinh đại học đã trở thành một vấn đề nhức nhối. Trong rất nhiều lý do, theo tôi, có hai lý do chính sau đây:


1. Về hình thức, nó vẫn tiếp tục vận hành theo lối cũ, phù hợp với triết lý cũ, trong khi nền tảng kinh tế xã hội đã thay đổi rất nhiều, nếu không nói là cơ bản.

Khi chấp nhận kinh tế thị trường, chúng ta buộc phải công nhận vai trò điều tiết của nó đối với lực lượng lao động. Ngày nay chính cạnh tranh trong lực lượng lao động mới là nhân tố quyết định định hướng giáo dục chứ không phải là các ý muốn chủ quan. Giáo dục, vì thế, trở thành vấn đề thiết thân với từng cá nhân và từng gia gia đình. Cơ cấu vốn cũng thay đổi. Nếu trước kia nguồn vốn cho giáo dục (bao gồm cả trường sở, giáo trình, đội ngũ giáo viên...) không chỉ là của chung mà còn rất hạn chế, thì ngày nay các nguồn vốn của tư nhân tham gia ngày càng nhiều. Các cá nhân, sau khi đóng thuế (tức là tham gia đóng góp cho xã hội, bao gồm cả cho giáo dục) hoàn toàn có quyền và cần được khuyến khích đầu tư cho giáo dục con cái họ, cho dù con cái họ có thể không thuộc nhóm người có tư chất xuất sắc để được hưởng ưu tiên của xã hội. Nỗ lực học tập của bất kỳ ai cũng chỉ là điều tốt lành cho xã hội. Học tập bằng tiền của mình, đó là một quyền chính đáng của bất kỳ ai.

Thế nhưng các kỳ thi đại học đã loại bỏ quyền đó của rất nhiều người. Kết quả là người ta phải đưa con ra nước ngoài, nơi cổng trường đại học lúc nào cũng sẵn sàng chào đón. Dĩ nhiên kèm theo một yêu cầu nhã nhặn về vấn đề tài chính. Tôi được biết rằng chỉ riêng các học sinh ngoại quốc đã đóng góp cho nước Mỹ một năm vài chục tỉ đô la. Có ai thống kê được số tiền mà các sinh viên Việt Nam trong đó?


2. Về nội dung, các kỳ thi đại học ngày càng đi theo hướng tiêu cực: ngày càng máy móc, bất công và thậm chí là phản tiến bộ hơn.

Như tôi đã nói ở trên, cuộc thi đại học là để chọn những người có tư chất tốt. Nhưng việc luyện thi tràn lan, lối thi cử nặng về kiến thức, cùng với khoảng phân cách giàu nghèo đang ngày mở rộng hiện nay, việc thi đại học đang ngày càng đi ngược lại mục đích của nó. Dĩ nhiên, trong số các học sinh được học và luyện thi chu đáo ở thành phố, thị xã, cũng có những em thông minh, tư chất tốt. Nhưng đối với các học sinh nghèo ở tỉnh xa, cơ hội ngày càng ít đi. Một học sinh dù có phẩm chất trí tuệ tốt nhưng không được luyện thi, không nắm được các "thuật", các "miếng" bài bản sẽ rất khó đạt điểm cao. Ngoài ra, với tình trạng thi đại học đại trà như hiện nay, bản thân những người chấm cũng không đủ thời gian để đánh giá chính xác về tư chất của học sinh, mà chỉ thiên về đối chiếu (nhiều khi khá qua loa đại khái) bài thi với "barem", "đáp án". Kết quả là các kỳ thi đại học trở thành một nhân tố quan trọng vào việc loại bỏ nhân tài. Lợi ích duy nhất có thể cảm nhận được của nó có lẽ chỉ là giải quyết vấn đề thu nhập cho cho những thầy giáo luyện thi.

Vậy chúng ta nên làm thế nào? Theo tôi chúng ta nên noi theo đa số các quốc gia phát triển, bỏ thi đại học đại trà, áp dụng chế độ thu học phí với đại đa số các trường đại học. Với học phí thu được, chúng ta có thể nâng cao mức sống của các giáo sư và giảng viên, cũng như cải tiến chất lượng giảng dạy. Đồng thời, chúng ta nên thành lập vài trường đại học trình độ cao với chế độ thi tuyển rất chặt chẽ. Sinh viên các trường này được hưởng học bổng toàn phần đủ để họ toàn tâm toàn ý vào học tập nghiên cứu. Các học bổng này là sự ưu tiên của xã hội để đào tạo tầng lớp trí thức tinh hoa của đất nước, vì thế nó không chỉ dựa trên kết quả thi đầu vào, mà được quyết định lại hàng năm căn cứ vào kết quả học tập. Bỏ thi đại học, như tôi đã có lần viết trong một bài báo khác, là một quan điểm rất tiến bộ: học tập là quyền chính đáng của mọi người, mặc dù xuất phát điểm có thể khác nhau. Nhờ vậy, tất cả những ai có chí đều có thể có cơ hội, ngược lại quốc gia cũng không bỏ phí nhân nhân tài.
Để giảm bớt bất bình đẳng xã hội, chế độ học phí của các trường đại học khác có thể có nhiều mức, căn cứ vào thu nhập của cha mẹ, địa phương xuất thân của sinh viên và tính chất ưu tiên đối với những ngành hoặc khu vực địa lý... Mỗi trường cũng có thể có các học bổng dành cho các sinh viên xuất sắc. Ngoài ra, các trường đại học cần chủ động kêu gọi các công ty, tổ chức và các nhà hảo tâm lập ra các học bổng nhằm khuyến khích tài năng hoặc trợ giúp những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt.

Đào tạo nhân tài, theo tôi, phải bắt đầu bằng cải cách chế độ thi đại học.

Dịch thuật và giáo dục đại học

Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn dến tình trạng lạc hậu của nền giáo dục nước ta, đặc biệt là giáo dục đại học, theo tôi, là tình trạng kém cỏi của công việc dịch thuật. Tình trạng này nói chung có thể quy về ba chữ: thiếu, yếu, và lệch lạc. Về chuyện thiếu, nhiều người và bản thân tôi đã từng nói: hầu hết các tác phẩm quan trọng trên thế giới chưa hề được dịch ra tiếng Việt. Chuyện yếu nhiều người cũng đã nói: rất ít bản dịch đáng tin cậy; nhiều bản dịch giống như là những bài đánh đố. Ở đây tôi muốn nói về sự lệch lạc. Theo tôi, trong những tác phẩm thuộc nhiều ngành, cần thiết nhất là các sách nghiên cứu kinh điển, trước hết là triết học, chính trị học, kinh tế, ngôn ngữ, mỹ học... Nhưng chúng ta chủ yếu tập trung vào văn học. Trong sách văn học, cái cần nhất hiện nay là sách lý luận, thì chúng ta lại tập trung vào sáng tác. Trong sách sáng tác, chúng ta cũng chỉ tập trung vào các tác giả cổ điển hoặc quen thuộc của một vài nước quen thuộc, chứ ít giới thiệu các tác giả đương đại. Trong số các tác giả đương đại thì chủ yếu tập trung vào các sách thương mại, chủ yếu của Mỹ.

Kết quả là nhận thức của chúng ta về thế giới vừa lạc hậu vừa phiến diện. Nhiều giáo viên văn học - cũng như các hội viên hội nhà văn Việt Nam - chưa bao giờ đọc, thậm chí chưa bao giờ biết đến những cái tên cực kỳ quan trọng đối với người cầm bút như Roland Barthes, Schklovskij, James Joyce hay Noam Chomsky. Cũng vậy, nhiều giáo viên dạy triết học chưa bao giờ đọc Platon, Aristotle.

Ba nước tôi có điều kiện sống lâu nhất là Liên Xô, Pháp và Mỹ. Cái chung tôi thấy ở các nước này là trình độ trí thức rất cao, được hậu thuẫn bởi kho tài liệu vô cùng phong phú. Ngay ở Liên Xô ngày trước, tôi cũng có thể dễ dàng đọc hầu như tất cả các tác giả trên thế giới, kể cả các tác giả phương Tây. Ở Pháp cũng vậy. Nhưng có lẽ khó nơi nào có thế sánh được với Mỹ. Chỉ cần đến một thư viện bất kỳ, bạn có thể mượn hầu như tất cả những gì đã từng in ra bằng tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác. Chỉ cần dùng tiếng Anh, bạn có thể đọc hầu như tất cả các tác giả quan trọng Đông Tây kim cổ. Nếu thư viện này không có, bạn có thể mượn từ thư viện khác qua mạng một cách dễ dàng. Điều này giúp cho sinh viên và các nhà nghiên cứu chỉ mất một thời gian ngắn có thể cập nhật toàn bộ các thành tựu đỉnh cao trên thế giới. Vì thế, sinh viên và các nhà nghiên cứu ở Mỹ luôn luôn đứng trên vai người khổng lồ. Theo tôi, dịch thuật chính là một cách đầu tư khôn ngoan của người phương Tây, cách rẻ nhất để thu hút trí tuệ của các dân tộc khác. Đó mới thực sự là cách "đi tắt đón đầu".

Trong một bài báo in trên talawas và Lao Động, tôi có đề xuất một chương trình dịch thuật. Theo tôi, trí tuệ nhân loại thì bao la, nhưng có thể rút lại khoảng 500 cuốn sách quan trọng nhất về khoa học xã hội và nhân văn, trong đó chúng ta đã dịch tốt được khoảng 50 cuốn, bao gồm Chủ nghĩa Marx, Triết học Trung hoa và một số tác giả phương Tây. Chúng ta cần có một kế hoạch dịch thuật các cuốn sách này, coi đó là cái vốn cơ bản để xây dựng một đội ngũ trí thức cho tương lai.

Tuy nhiên, đó là một chương trình dài hạn chứ không phải là một chương trình cấp bách. Trước hết, loại tác phẩm gốc như vậy chủ yếu dùng cho tầng lớp tinh hoa, mà tầng lớp này thường đã có (và cần phải có) khả năng dùng được ngoại ngữ. Hơn nữa, để thực hiện chương trình này, chúng ta phải mất khoảng mười năm hoặc thậm chí lâu hơn. Trong thời gian đó, vài thế hệ học sinh, sinh viên, tức hàng chục triệu người đã ra trường.

Theo tôi việc cấp bách nhất đối với chúng ta hiện nay không phải là dịch các tác phẩm gốc, mà là dịch các tác phẩm mang tính phổ biến tri thức. Loại sách này cũng có thể chia thành hai loại, loại phổ thông và loại ở trình độ cao. Loại sách phổ thông dùng cho tất cả mọi người. Nó cho phép cung cấp kiến thức một cách dễ hiểu nhưng chính xác, toàn diện và có hệ thống về từng ngành khoa học xã hội. Loại sách trình độ cao dùng cho sinh viên các chuyên ngành hẹp và cả các giảng viên đại học thuộc các chuyên ngành khác. Tuy nhiên, theo đánh giá của cá nhân tôi, loại sách này hiện nay cực kỳ cần thiết ngay cả đối với các giảng viên đại học của chính các chuyên ngành hẹp đó. Chúng ta thường hay nói cần nâng cao dân trí. Những muốn nâng cao dân trí thì phải nâng cao trí tuệ của chính những người đi dạy, tức là "giáo trí". Tất nhiên, cả hai loại phải là những cuốn sách do các tác giả có uy tín viết, do các nhà xuất bản có uy tín phát hành, đã được thử thách và công nhận.

Nếu không quan tâm đến dịch thuật, nếu không xây dựng được một kho dữ liệu tối thiểu ngang tầm nhân loại, chúng ta mãi mãi chỉ có thể đào tạo một đội ngũ trí thức tuy có bằng cấp nhưng quê mùa, lạc hậu, mẹ hát con khen. Khi đó, mọi cải cách giáo dục đều thất bại. Mọi chiến lược đi tắt đón đầu vào kinh tế tri thức mà không dựa trên một nền tảng tri thức sẽ chỉ là khẩu hiệu suông mà thôi.

Nhà trường như là doanh nghiệp

Cách đây ít năm, khi làm việc tại một công ty tư vấn, phụ trách một trung tâm nghiên cứu, chúng tôi có tổ chức một cuộc thi bình luận Luật doanh nghiệp, khi đó vừa được ban hành. Trong số hơn một trăm bài dự thi, có một bài tôi đặc biệt chú ý. Nội dung tóm tắt của bài đó là: cần phải coi nhà trường như những doanh nghiệp và vì thế nó phải là đối tượng điều chỉnh của luật doanh nghiệp.

Bài viết đó gây nên một cuộc tranh cãi nảy lửa trong công ty. Những ý kiến phản đối cho rằng giáo dục là một hoạt động đặc biệt, liên quan đến con người, vì thế có không thể phó mặc cho thị trường, rằng những hiện tượng tiêu cực tràn lan trong ngành giáo dục hiện nay là hậu quả của tình trạng "thương mại hoá" giáo dục. Những ý kiến ủng hộ, trong đó có tôi, ngược lại, cho rằng tác giả đã thể hiện một cách nhìn rất biện chứng và thực tiễn về vấn đề cải cách giáo dục, một cách nhìn mà theo tôi đến nay vẫn còn bổ ích.

Thực ra vấn đề ở nước ta không phải là có nên, hoặc là có thừa nhận thương mại hoá giáo dục hay không. Bởi ngay cả những người bảo thủ nhất cũng thấy rằng người ta bỏ tiền ra đầu tư trường sở, thuê giáo viên và tuyển sinh hàng năm không phải vì có ý định thuần tuý làm từ thiện. Còn những người đang luyện thi, dạy thêm, làm sách tham khảo thì biết rõ những việc đó liên quan đến nhu cầu tài chính của họ ra sao. Vấn đề là lý giải tình trạng xuống cấp của giáo dục với vô số chuyện tiêu cực: gian lận thi cử, giả bằng mua điểm, những sai sót của sách giáo khoa... Thôi thì cứ đổ cả lên đầu "cơ chế thị trường" là xong!

Trên thực tế, đúng là nhiều tệ nạn trong giáo dục mới chỉ xuất hiện ồ ạt kể từ ngày có chính sách "Đổi mới" và kinh tế thị trường. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ, ta sẽ thấy lý do chính không phải là sự áp dụng kinh tế thị trường, mà là sự áp dụng một nền kinh tế thị trường méo mó. Nói một cách đơn giản là một nền kinh tế "dở ông dở thằng".

Mỗi hình thức quản lý xã hội đều có mặt mạnh mặt yếu của nó, vấn đề là phải áp dụng một cách nhất quán. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa, mọi hoạt động kinh tế và xã hội đều phải phù hợp với một chương trình tổng thể. Giáo dục, vì thế, không thể là một hoạt động mang tính thương mại. Trong nền kinh tế thị trường, vai trò của nhà nước được thay bằng sự điều tiết của thị trường: từ nay, không phải nhà nước mà các ông chủ sẽ đưa ra đòi hỏi về kỹ năng và kiến thức của người lao động. Đến lượt mình, người lao động phải tìm cách thoả mãn các yêu cầu đó. Các trường tư ra đời là để đáp ứng nhu cầu đó.

Như chúng ta vừa nói, trừ những trường hợp cá biệt, người ta mở trường không phải để làm từ thiện. Nhưng mục đích kiếm tiền không đồng nghĩa với chất lượng kém và tiêu cực. Thậm chí trong nhiều trường hợp là ngược lại. Như Adam Smith đã viết, mục tiêu của người làm bánh mì là kiếm tiền chứ không phải là phục vụ người ăn bánh. Nhưng muốn kiếm được nhiều tiền, ông ta phải làm bánh càng ngon càng tốt và bán càng rẻ càng tốt. Trong trường hợp của chúng ta cũng vậy, người lập trường tư muốn kiếm nhiều lãi thì phải có nhiều học sinh, mà để có nhiều học sinh thì phải chọn thầy giỏi, nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời thu học phí thấp... Trường hợp ngược lại, sẽ chẳng có ai đến học và ông ta sẽ phá sản. Ở đây, bàn tay vô hình của thị trường sẽ đóng vai trọng tài.

Thế nhưng ở nước ta hiện nay, bàn tay vô hình đó bị trói, hoặc lúc trói lúc không. Điều này liên quan đến tất cả các mặt của đời sống xã hội chứ không riêng gì ngành giáo dục. Sự tồn tại của các xí nghiệp quốc doanh, chẳng hạn, khiến người ta không cần lo lắng nhiều về hiệu quả kinh doanh, cũng có nghĩa là người ta có thể tiếp nhận lao động mà không cần đòi hỏi chặt chẽ về kỹ năng lao động. Nạn mua bằng cũng như tâm lý học vì bằng cấp có đất sống ở đó. Nhưng điều đáng ngại nhất của sự nhập nhằng là nó sinh ra sự dối trá. Vì cán bộ phục vụ nhân dân nên sự đút lót có tên là "chút quà". Vì bác sĩ là mẹ hiền nên sau khi "gửi tiền" trước người bệnh đầy lòng biết ơn vẫn không biết mình có được chữa bệnh hay không. Tương tự như thế, vì "thương mại hoá giáo dục" bị coi như một cái gì đó xấu xa nên việc dạy thêm kiếm tiền, việc đào tạo trên đại học một cách hình thức, thậm chí cả việc mua bằng chạy điểm, vẫn được khoác một cái nhãn cao thượng của quan hệ thầy trò. Chẳng che giấu được ai, cái áo khoác vải thưa ấy chỉ làm cho hình ảnh người thầy ngày càng trở nên tồi tệ trong mắt học trò.

Vậy thì, theo tôi, hãy cứ gọi sự vật bằng đúng tên của nó, hãy cứ để cho sự vật vận hành một cách tự nhiên. Hãy hiểu đúng rằng giáo dục cũng là một loại dịch vụ - dịch vụ đào tạo con người. Các trường học, tức các cơ sở cung cấp dịch vụ, cần phải được xem như các doanh nghiệp và phải chịu sự điều chỉnh của luật doanh nghiệp. Nếu để tình trạng như hiện nay, các trường tư thực chất là kinh doanh mà không bị kiểm soát. Khi đó, chẳng mấy ai dại dột đến mức không lợi dụng sự mập mờ và ưu đãi trong quản lý để có thể nhanh chóng thu lợi nhuận. Đó chính là lý do khiến một số trường tư thục chạy đua tuyển sinh, đồng thời thiếu minh bạch về tình trạng tài chính. Đó cũng là lý do khiến một số trường chẳng cần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu của mình.

Dĩ nhiên, mỗi doanh nghiệp hoạt động trong một lĩnh vực khác nhau, ngoài luật doanh nghiệp, nó còn phải chịu sự điều chỉnh của các luật và quy định khác: người kinh doanh lương thực không thể giống người kinh doanh súng săn. Nhà nước cần có quy định chặt chẽ về điều kiện hành nghề, về nội dung và phương pháp, cũng như về các phương pháp kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng sự điều tiết của thị trường không bao giờ hoàn hảo. Đó chính là lúc cần có sự can thiệp của Nhà nước. Nhưng vai trò của Nhà nước cần phải hạn chế ở mức tối thiểu, đủ để khắc phục những xu hướng thiếu cân đối trong phát triển của các ngành, các vùng và cấp học, đồng thời giảm bớt khoảng cách chênh lệch đời sống giữa các địa phương và tầng lớp dân cư. Trong trường hợp đó, các trường công cũng có thể coi là doanh nghiệp: doanh nghiệp nhà nước.

Điều tiến bộ nhất trong quan điểm này là nó đặt người học vào địa vị trung tâm. Chính người học sẽ lựa chọn trường sao cho xứng với đồng tiền bát gạo của mình.

Nguồn: Các phần nhỏ trong bài viết này đã được đăng rải rác ở nhiều báo và tạp chí tại Việt Nam, bản đăng trên talawas do tác giả tập hợp và hệ thống lại.