trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
27.10.2004
Ngô Quốc Phương
Một số mô hình hỗ trợ đảm bảo chất lượng giáo dục - đào tạo hiện đại và suy nghĩ về khả năng ứng dụng ở Việt Nam
 1   2 
 
Hiện nay, hệ thống giáo dục và đào tạo nước ta đang trong quá trình tìm kiếm một mô hình phát triển phù hợp với một giai đoạn mới với những điều kiện mới của một nền kinh tế – xã hội trong giai đoạn chuyển đổi mô hình. Các động thái tiến hóa, thích nghi, chuyển đổi, thậm chí cải cách (tùy theo quan điểm và cách gọi của mỗi người) được kỳ vọng, phải đảm bảo đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế cấp bách trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa về kinh tế, thương mại và nhiều mặt khác (có liên quan trực tiếp đến quan hệ, chất lượng cung và cầu nguồn nhân lực) đang diễn ra hết sức mau lẹ. Ðồng thời, chúng lại phải vừa đảm bảo các yêu cầu về phát triển xã hội bền vững, mà trong đó, những vấn đề tối thiểu của công bằng, bình đẳng xã hội mang tính nguyên tắc.

Ðể các sản phẩm của nền giáo dục, đào tạo (nếu có thể gọi được như vậy) đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội, mà đặc biệt của thị trường lao động về các mặt chất lượng, số lượng, quy mô, cơ cấu và các đặc tính xã hội, hệ thống giáo dục Việt Nam phải cùng một lúc xử lý nhiều vấn đề. Trong số đó, có những vấn đề thuộc về điều chỉnh chức năng mang tính bộ phận, có những vấn đề thuộc về cải tổ cơ cấu nền tảng hay tổng thể toàn hệ thống, có những tiếp cận từ góc độ kỹ thuật, số khác từ các góc độ chính sách, chính trị, xã hội v.v. Song dù làm như thế nào, đi theo hướng nào, thì việc tham khảo các kinh nghiệm, giải pháp và các mô hình giáo dục trong khu vực và quốc tế vẫn có một ý nghĩa nhất định.

Bài viết này của chúng tôi đề cập và giới thiệu hai mô hình mang tính giải pháp và thao tác ở góc độ kỹ thuật, có liên quan đến các nhu cầu đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo hiện nay ở Việt Nam, đặc biệt ở cấp giáo dục đại học, cao đẳng, hệ thống trường nghề. Ðây là các mô hình nghiên cứu và hỗ trợ chất lượng đào tạo hiện hành ở một số hệ thống giáo dục, đào tạo quốc tế mà chúng tôi có dịp nghiên cứu. Ðồng thời, bài viết cũng thử suy nghĩ (với tư cách các ý tưởng, gợi ý ban đầu) về khả năng và hướng ứng dụng, thích nghi những hạt nhân hợp lý của các mô hình này trong bối cảnh đào tạo ở nước ta.


I. Mô hình trung tâm quan trắc quá trình gia nhập chuyên môn - xã hội, nghiên cứu đời sống học viên, sinh viên [1]

Như chúng ta đã biết, việc dự báo chính xác và kịp thời các xu thế, động thái, tiến hóa của các yêu cầu chuyên môn và việc làm trên thị trường lao động, cũng như của các nhu cầu xã hội, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động đào tạo. Ðể thực hiện việc này, hệ thống đào tạo phải dựa vào các tổ chức chuyên môn và chức năng được thiết lập ở các cấp với sự liên thông với nhau, nhằm trao đổi, thu thập, xử lý, nghiên cứu các thông tin về mối quan hệ giữa hai thị trường đào tạo và lao động. Ðồng thời, mỗi cơ sở đào tạo lại phải chủ động trang bị cho mình những công cụ nghiên cứu, dự báo chính sách thích hợp.

Mô hình mà chúng tôi giới thiệu sau đây về thực chất là một chức năng đã được phát triển và tổ chức ở cấp độ khá cao và trở thành độc lập, tách ra từ các cơ cấu đảm bảo chất lượng đào tạo bậc đại học tại Pháp. [2] Tuy hình thức của mô hình ở mỗi nơi một khác song chúng không hề mâu thuẫn với các mô hình và cơ cấu nội bộ về tự đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng hoặc trường nghề.

Trước hết, về mặt tên gọi, mô hình này có nhiều cách gọi khác nhau, riêng tại Pháp, có nơi gọi đặt tên là trung tâm quan trắc đời sống sinh viên và quá trình gia nhập chuyên môn như ở Ðại học Toulouse 2. [3] Có nơi gọi đó là trung tâm quan trắc theo dõi gia nhập chuyên môn sinh viên như ở Ðại học Nancy 2. [4] Tại Paris, người ta gọi đây là trung tâm quan trắc các kết quả, [5] ở Marne-la-Vallée gần Paris, đây là trung tâm quan trắc đào tạo, gia nhập chuyên môn và đánh giá. [6] Vùng Ðông - Nam nước Pháp, gần biên giới với Ðức và Italia, như ở Saint Etienne, người ta đặt tên cho mô hình này là “Département observatoire de la vie étudiante” – phòng quan trắc đời sống sinh viên; tại Grenoble, [7] người ta dùng từ "cellule,” cũng có thể hiểu là phòng hay bộ phận để chỉ tên mô hình. Tây – Nam, vùng Bordeaux, người ta gọi đây là trung tâm nghiên cứu tương lai/ sự ra trường của sinh viên. [8] Muốn nhấn mạnh quy mô nghiên cứu cấp vùng, người ta đặt sau từ "observatoire" chữ "régional" – tức cấp vùng hay khu vực như ở Lille, [9] Caen. [10] Song dù dưới hình thức nào thì tên gọi phổ biến nhất của mô hình này vẫn là observatoire de la vie étudiante (OVE) – trung tâm nghiên cứu hay quan trắc đời sống sinh viên. [11]

Có thể nhận xét ngay rằng một trung tâm quan trắc, nghiên cứu về đời sống sinh viên, học viên là một công cụ đánh giá và dự báo chính sách đào tạo, hỗ trợ quá trình ra quyết định của người đứng đầu cơ sở, tổ chức đào tạo cũng như phục vụ trực tiếp cho việc soạn thảo dự án của cơ sở đào tạo (projet d’établissement de formation). [12] Công cụ này liên hệ trực tiếp đến việc xử lý các nhu cầu và mong đợi xã hội về các mặt: sư phạm, giáo dục, quản lý, kinh tế, chính trị và xã hội. Những mong đợi về mặt sư phạm và giáo dục tập trung chính vào việc đấu tranh chống lại thất bại học đường (l’échec scolaire) và vào việc làm chủ các quá trình hướng nghiệp và tái định hướng. Những mong đợi về mặt quản lý lại nhằm vào việc cải thiện hiệu quả đào tạo, việc đo đạc, đánh giá tính hiệu quả của một cơ sở đào tạo; các tiếp cận về mặt đánh giá và dự báo. Trong khi đó, các mong đợi về mặt chính trị, xã hội xoay quanh các chủ đề như tính tự chủ, chịu trách nhiệm xã hội, dân chủ hóa, phi tập trung hoá, quy hoạch địa phương, vùng lãnh thổ và quan hệ hợp tác, đối tác với các tổ chức, đoàn thể kinh tế, xã hội địa phương, với các cơ cấu thuộc xã hội dân sự. Với các cấp độ khác, lĩnh vực khác, người ta đặc biệt tập trung nghiên cứu các vấn đề như lối sống, quá trình gia nhập về mặt xã hội, văn hóa, học đường, nghề nghiệp và chuyên môn của sinh viên, học viên.

Phạm vi nghiên cứu của các trung tâm như hình thức OVE ở Pháp thuộc lĩnh vực các hoạt động quản lý chất lượng đời sống sinh viên, hỗ trợ học đường, sư phạm, hỗ trợ gia nhập thị trường lao động có phối hợp với các chức năng định hướng – hướng nghiệp được tổ chức độc lập nhưng liên quan đến OVE. Tại đây, hiệu quả của một cơ sở đào tạo bậc đại học hoặc đào tạo nghề có thể được đo đạc qua một bảng tổng kết các chỉ báo có tính thao tác và liên quan đến bảo đảm chất lượng tổng thể như: [13]

  • Chất lượng học viên, sinh viên (người được đào tạo) tại đầu vào: vấn đề đặt ra là làm thế nào để cơ sở đào tạo có thể phát huy tối ưu những năng lực và khả năng của người được đào tạo, làm thế nào để xây dựng và duy trì tốt các quy trình định hướng, hướng nghiệp – lựa chọn một lần và đúng thay vì lựa chọn sai.
  • Hiệu quả trong (efficacité du rendement interne) của đào tạo: các tỷ lệ thành công, thất bại, bỏ học, v.v.
  • Chất lượng của việc gia nhập thị trường lao động, chuyên môn của người được đào tạo.
  • Năng lực thích nghi của học viên, sinh viên và những người được đào tạo ở đầu ra với môi trường xã hội, văn hóa.
  • Mức độ thỏa mãn đối với đơn vị, tổ chức giáo dục của các chủ thể xã hội khác nhau ở bên trong và bên ngoài hệ thống giáo dục (đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, chưa kể các cơ quan công quyền).
  • v.v.

Như vậy, một trung tâm quan trắc hay nghiên cứu sinh viên (OVE) vận hành chức năng như một công cụ thu thập các thông tin theo các nguyên tắc của lý thuyết điều khiển và lý thuyết hệ thống, mà các thông tin được xử lý của nó cho phép định hướng tốt hơn các học viên, sinh viên (định hướng ngành học, định hướng ngành nghề, chuyên môn), đồng thời cũng như một công cụ đánh giá và dự báo phục vụ việc xây dựng, triển khai và điều chỉnh dự án của cơ sở đào tạo. Ngoài ra, cũng có thể lưu ý thêm là tiếp cận mà một trung tâm quan trắc OVE sử dụng là tiếp cận "tình báo kinh tế" (intelligence économique). Tiếp cận này được định nghĩa như là một tập hợp các hoạt động nghiên cứu, xử lý và phân phối nhằm khai thác các thông tin hữu ích đối với các chủ thể kinh tế và trong trường hợp này là các chủ thể đào tạo trong quan hệ chặt chẽ với hệ thống việc làm và thị trường lao động.

Cuối cùng, từ cách đặt vấn đề và tiếp cận của mô hình OVE, có thể thấy đây là một mô hình trung tâm quan trắc vận hành theo kiểu "cực nghiên cứu" (pôle d’études), cho phép đáp ứng các yêu cầu về việc phối hợp với các bộ phận chuyên môn khác (có chức năng sâu hơn và chuyên biệt hơn như sẽ nói đến ở phần sau) trong các chức năng thông tin - định hướng, hướng nghiệp, thông tin và theo dõi, đánh giá quá trình gia nhập về mặt chuyên môn của các sinh viên, học viên tương lai hoặc gọi chung là người được đào tạo.


1.1 Chức năng của một trung tâm quan trắc, nghiên cứu sinh viên (OVE)

Thông thường, về mặt hành chính mà nói, trung tâm quan trắc, nghiên cứu về sinh viên (OVE) thuộc về cấu trúc kỹ thuật của một tổ chức đào tạo, trực tiếp liên hệ với cấp lãnh đạo của cơ sở đào tạo. Nhưng về mặt chức năng, đây là một công cụ đánh giá, dự báo chiến lược, chính sách vi mô và trung mô, trong trường hợp ở quy mô vùng, thực sự phục vụ cho việc hoạch định chính sách của cơ sở đào tạo. Chính vì thế, chúng tôi coi đây là một trong các mô hình quan trọng hỗ trợ nghiên cứu và dự báo chiến lược, chính sách đào tạo của một đơn vị đào tạo. Các hoạt động của OVE không chỉ cho phép cơ sở đào tạo và các chủ thể của nó (bao gồm cả nhà trường, học viên, gia đình của họ...) đấu tranh một cách hiệu quả hơn chống lại các thất bại học đường mà học viên phải đương đầu. Chúng còn cho phép việc hiệu quả hóa các nỗ lực hỗ trợ quá trình gia nhập thị trường lao động, hội nhập chuyên môn của người được đào tạo cũng như việc triển khai có căn cứ khoa học các dự án thích nghi và khai lập các chương trình đào tạo mới.

Một số trục chức năng chính của một OVE như sau:

  • Nghiên cứu đời sống học đường
  • Nghiên cứu đời sống xã hội của học viên
  • Nghiên cứu đời sống chuyên môn
  • Dự báo


(i) Nghiên cứu đời sống học đường: Nghiên cứu các quá trình định hướng đào tạo cho người được đào tạo (sinh viên, học sinh, học viên); phân tích các quá trình bên trong một cơ sở đào tạo về mặt hiệu quả (hiệu quả trong): các tỷ lệ thành công, thất bại, bỏ học... Với trục chức năng này, OVE tiến hành cập nhật hóa một cơ sở dữ liệu tin học, giúp ích cho việc nghiên cứu về quá trình gia nhập thị trường đào tạo và chuyên môn của người được đào tạo.

Trên thực tế, các OVE có thể nghiên cứu các quá trình định hướng ngành học của học viên cũng như các quá trình diễn ra bên trong một cơ sở đào tạo. Vấn đề huy động tối ưu các năng lực của sinh viên, học viên tương lai được xử lý trước tiên thông qua việc xem xét quá trình chuyển dịch của học sinh giữa hệ thống trung học và hệ thống sau trung học. Song tại điểm này, chúng ta cần lưu ý sự khác biệt giữa đặc điểm của hệ thống đào tạo phổ thông và đại học của chúng ta với các nước khác (mà trong trường hợp này là Pháp, châu Âu và Bắc Mỹ với Việt Nam). Các khác biệt trung tâm nằm ở cấp độ phát triển [14] của các hệ thống, mà theo đó, cung đào tạo của chúng ta còn thấp hơn rất nhiều so với cầu đào tạo ở các cấp đại học, cao đẳng và trường nghề (nếu thực sự theo đúng các chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay). Ðiều này gợi ý rằng định hướng ngành nghề đào tạo là một quá trình liên tục và tổng thể, được đề cập từ các cấp đào tạo trước đại học. Ðây cũng chính là nơi gặp gỡ giữa mô hình OVE và các mô hình thông tin, định hướng, hướng nghiệp.

Các OVE cũng có thể xử lý các vấn đề có tính đặc trưng cho hệ thống đào tạo bậc đại học ở Pháp như việc tái định hướng về ngành nghề đào tạo đối với các sinh viên có vấn đề về lựa chọn thiếu phù hợp ngành nghề hoặc bị thất bại về mặt học đường. Các kết quả của những nghiên cứu này được rút ra từ việc xây dựng một hồ sơ lưu trữ cho phép theo dõi theo chiều dọc quá trình bên trong của một lớp lang (cohorte) học viên, sinh viên từ năm đầu nhập học.

Cuối cùng, để giúp sinh viên, học viên từ khi nhập học tại đầu vào của cơ sở đào tạo đương đầu một cách có hiệu quả chống lại vấn đề thất bại học đường, các OVE còn có thể phân tích các nhóm sinh viên được xác định là có sức học và năng lực yếu tiềm tàng. Việc phân tích này cho phép tiến hành một hệ thống hỗ trợ về sư phạm và phương pháp học theo kiểu kèm cặp (système de tutorat). [15]


Sơ đồ 1 - Về các không gian tác động đến các quá trình đào tạo và quá trình gia nhập xã hội và nghề nghiệp của người được đào tạo (J-L Hermen phát triển trên mô hình của G. Leboterf về phát triển năng lực thông qua công nghệ đào tạo).



(ii) Nghiên cứu đời sống xã hội của học viên: [16] Đây là mảng nghiên cứu được các OVE đặc biệt quan tâm. Các chủ đề nghiên cứu ở đây rất đa dạng: nơi ăn ở, giải trí, giao thông - đi lại, điều kiện làm việc, tần suất đi thư viện v.v... Thông thường, các cuộc điều tra có ba mục tiêu. Thứ nhất là thu thập các thông tin cho phép đánh giá một cách chuẩn xác hơn hoàn cảnh cụ thể của sinh viên, học viên. Thứ hai là xác định các khó khăn, các vấn đề vật chất và xã hội làm ảnh hưởng đến việc theo đuổi và thành công trong học tập của họ. Thứ ba là có được các chỉ báo cho phép đo đạc chất lượng đời sống của sinh viên và từ đó đề xuất được các quy hoạch, quản lý hợp lý. Cuối cùng, các sản phẩm của các điều tra do OVE tiến hành được cung cấp dưới dạng các báo cáo thường kỳ, thường niên về điều kiện sống của sinh viên, học viên.

(iii) Nghiên cứu đời sống chuyên môn: đây là một chức năng hay một trường hoạt động có tính truyền thống và then chốt của một OVE. Chức năng được thực hiện thông qua ba hoạt động: phân tích các quá trình theo đuổi học tập từ các trình độ khác nhau của học viên, nghiên cứu điều kiện và tốc độ gia nhập thị trường lao động, hội nhập chuyên môn và cân nhắc thiết kế, xây dựng các lĩnh vực nghề nghiệp mới và các năng lực mới. Hoạt động thứ ba này còn bao gồm việc nghiên cứu các khả năng mở các chương trình và ở một số nơi, tham vọng hơn, mở các khoa, ngành đào tạo, các bằng đào tạo mới với các véc-tơ phục vụ phát triển địa phương và thiết lập các trung tâm đào tạo vệ tinh.
Phạm vi nghiên cứu này của OVE cho phép phân tích các quá trình gia nhập về mặt chuyên môn, nghề nghiệp của những học viên, sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo. Các chủ đề nghiên cứu là các phương thức tiếp cận việc làm, di động dân số học, các lĩnh vực nghề nghiệp và ngành kinh tế chủ yếu thu hút người được đào tạo, việc làm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, nhận bằng, việc làm tại thời điểm điều tra, việc làm ổn định và độ gần gũi với chuyên môn được đào tạo v.v.

(iiii) Dự báo (prospective): Dự báo [17] là một lĩnh vực mới được triển khai ở nhiều OVE, ứng dụng trong việc thiết kế, đánh giá, điều chỉnh hệ thống giáo dục về phương diện chiến lược và chính sách đào tạo. Tại đây, có thể nghiên cứu các lĩnh vực nghề nghiệp mới, các năng lực mới nhằm điều chỉnh hoặc bổ sung các chuyên ngành đào tạo mới. Phối hợp với ba trường(champs) nghiên cứu về đời sống học đường, đời sống xã hội và đời sống chuyên môn của sinh viên, học viên, dự báo cho phép thực hiện một tiếp cận có tính chiến lược trong khuôn khổ một cơ sở đào tạo đại học, liên đại học v.v... Ðối với Việt Nam, dự báo chính sách đào tạo sẽ giúp cho việc tạo ra các sản phẩm đào tạo mang tính thích hợp hơn, chất lượng cao hơn, có quy mô và cấu trúc ngành nghề phân bổ hợp lý hơn so và gắn với những yêu cầu của thị trường lao động và phát triển địa phương.


1.2. Vị trí của la-bô nghiên cứu về sinh viên (OVE) trong bộ máy tổ chức của một cơ sở đào tạo

Trong sơ đồ bộ máy tổ chức của một cơ sở đào tạo, chẳng hạn như ở một trường đại học, OVE là một bộ phận quan trọng, thuộc khối tổ chức chức năng - kỹ thuật. Nó được nối kết với cách thức tổ chức một hệ thống giáo dục đại học vốn được xây dựng trên cơ sở tiếp cận dự án và đáp ứng các mong đợi và các nhu cầu xã hội, được thể hiện đặc biệt qua mối quan hệ giữa đào tạo và việc làm. Trong sơ đồ bộ máy tổ chức của một cơ sở đào tạo, OVE có thể đóng vai trò một công cụ thông tin, đánh giá và dự báo hỗ trợ cho việc xây dựng và triển khai dự án của cơ sở đào tạo, đồng thời trực tiếp đóng góp về mặt chuyên môn, kỹ thuật cho công tác soạn thảo chính sách đào tạo. Chính chức năng này đã quyết định vị trí của OVE thuộc cấu trúc kỹ thuật (technostructure) của dự báo và chiến lược và tùy theo quan điểm, có thể đặt OVE vào vị trí với quy mô và vị trí khác nhau, bên cạnh các hội đồng tư vấn chính sách, chiến lược đào tạo khác, giữ vai trò tham mưu cho cấp lãnh đạo của một cơ sở đào tạo.

© 2004 talawas


[1]Theo tạp chí Vie Universitaire (Ðời sống đại học – tạp chí hàng tháng của ngành giáo dục đại học, cao đẳng, các trường học và giới nghiên cứu), bài "Các công cụ hỗ trợ gia nhập về chuyên môn" và bài "Mạng lưới các trung tâm nghiên cứu quan trắc sinh viên", trang 22, 23, số 38, tháng 4-2001, trên toàn hệ thống giáo dục ÐH Pháp, có trên 30 trung tâm thuộc loại này và đây được coi là các mô hình có chức năng liên quan đến nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính sách đào tạo mang tính chiến lược của các cơ sở đào tạo bậc đại học. Các trung tâm được thành lập theo quy định của luật giáo dục đại học Pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
[2]Không chỉ tại Pháp, nhiều nơi khác ở châu Âu (như Bỉ, Thuỵ Sĩ, Ðức...) và Bắc Mỹ (như Canada, Hoa Kỳ), dưới các hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, các mô hình nghiên cứu sinh viên và quá trình gia nhập xã hội, học đường và chuyên môn cũng rất phát triển và được coi trọng, nhiều nơi các chức năng này được quy định thành văn trong hệ thống quy phạm pháp luật.
[3]Observatoire de la vie étudiante et de l’insertion professionnelle (www.univ-tlse2.fr).
[4]Observatoire du suivi de l’insertion professionnelle des étudiants (www.univ-nancy2.fr).
[5]Observatoire des résultats (www.univ-paris1.fr).
[6]Observatoire des formations, insertions professionnelles, évaluations (Ðại học Marne – La-Vallée).
[7]Cellule suivi des étudiants (www.ujf-grenoble.fr): Bộ phận theo dõi, hỗ trợ sinh viên.
[8]Observatoire du devenir des étudiants (www.bdx1.u-bordeaux.fr).
[9]Observatoire régionale des études supérieures du Pôle universitaire Lille-Nord-Pas-de-Calais (Trung tâm nghiên cứu vùng về đại học thuộc Trục đại học Lille- Bắc- Pas-de-Calais).
[10]Observatoire régionale des formations supérieures (Nghiên cứu vùng về đào tạo đại học – www.orfs.net).
[11]Như ở rất nhiều nơi : ÐH Toulouse 1 (www.univ-tlse1.fr), Perpignan, Nantes v.v.
[12]Khái niệm xuất hiện tại Pháp trong quá trình cách tân các trường học từ năm 1982, gắn liền với các quá trình phi tập trung hóa quản lý và dân chủ hóa đối với các thiết chế giáo dục như một công cụ triển khai chiến lược đối phó với các biến đổi. Có hai tiếp cận mà dự án cơ sở đào tạo dựa vào là tiếp cận đánh giá, dự báo và tiếp cận quản lý các biến đổi. Bảy lĩnh vực hoạt động thuộc tiếp cận dự án đào tạo là: quản lý sinh viên, chính sách sư phạm của cơ sở đào tạo, chính sách việc làm, chính sách tài liệu - tư liệu, các quan hệ quốc tế, quản lý các di sản và quản lý tài chính và kế toán.
[13]Xem Jean-Louis Hermen: “Các la-bô nghiên cứu về sinh viên – công cụ đánh giá và dự báo phục vụ dự án cơ sở đào tạo bậc đại học,” Ðại học Toulouse 1, 3/1998, trang 6.
[14]Chúng tôi ưa dùng khái niệm nền giáo dục hay hệ thống đào tạo "kém phát triển," hoặc, một cách nhẹ nhàng hơn như các nhà kinh tế thập kỷ 70 và 80 thế kỷ trước vẫn dùng, - “đang phát triển," nhất là khi nói đến hệ thống đại học, cao đẳng. Thay vì dùng tính từ "nền giáo dục ê-lít", chúng tôi nhấn mạnh từ sous-développement hay under-development vì thực ra như giới báo chí trong nước vẫn thường bàn luận, nền giáo dục của chúng ta, nói chung, còn chưa hoàn toàn đại chúng hóa, phổ cập hóa. Ðiều đó không chỉ đúng ở cấp giáo dục đại học mà còn ở ngay cấp giáo dục phổ thông cơ sở, trong các giới hạn dễ thấy của các chính sách và chiến lược hiện nay, của hạn chế kinh tế, xã hội của một nước đang phát triển, nghèo, phân phối thu nhập và các cơ hội xã hội tối thiểu không đồng đều, đông dân, trình độ đào tạo nguồn nhân lực còn thấp (chúng tôi không dùng chữ "dân trí thấp") và có những đặc điểm của hệ thống chính trị - xã hội đang trong quá trình dân chủ hoá và chuyển đổi theo một nghĩa nào đó, trong khi nền kinh tế vẫn chưa mang cả tính thị trường nói chung lẫn tính thị trường xã hội như một kỳ vọng.
[15]Ðể tránh chủ nghĩa kinh nghiệm và rập khuôn, chúng tôi cũng phải nói rằng, ngay tại nước Pháp và một số nước châu Âu, Bắc Mỹ có hệ thống phát triển khác, giữa các chức năng của mô hình OVE (cũng như các mô hình hướng nghiệp như sẽ được trình bày ở phần sau bài viết) và việc thực hiện chúng trên thực tế cũng còn có những khoảng cách nhất định ; để nói rằng, mọi sự phát triển các chức năng đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo, dù là ở các quốc gia phát triển, đều như và luôn là một quá trình mà hệ thống dần dần, song cố gắng bền vững, đi đến thoả mãn các nhu cầu và chức năng kỹ thuật, xã hội mà hệ thống giáo dục và đào tạo đó cho là cơ bản.
[16]Cần phân biệt là các chỉ báo trong các báo cáo kiểm định chất lượng cũng xử lý các vấn đề này, song OVE cho phép các nghiên cứu thường xuyên, liên tục, uyển chuyển về cả phương diện không gian, thời gian và các đặc điểm chính sách, xã hội khác, thông qua các hoạt động chuyên môn rất thường xuyên của nó.
[17]Dự báo có thể được định nghĩa như một hành động tại hiện tại về một tương lai có khả năng xảy ra mà hướng vào đó người ta thực hiện các nỗ lực xác định và xây dựng các kịch bản (Démarche prospective – J.C Lugan). Trong lĩnh vực đào tạo, tiếp cận dự báo được sử dụng nhằm mục đích nghiên cứu các nguyên nhân làm thúc đẩy tiến hoá của lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu những dự đoán về tình hình sẽ diễn ra với nhũng kịch bản có tính khả thi.