trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
28.10.2004
Tâm Phong
Dự án “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài” – Còn nhiều câu hỏi!
 
Hơn chục năm trước, tôi có diễm phúc được tham dự hội thảo về “Phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng nhân tài” được tổ chức tại Viện Khoa học Giáo dục, trong khuôn khổ một đề tài khoa học cấp nhà nước. Do đã nhiều năm nên tôi không thể nhớ hết mọi chi tiết về cuộc hội thảo này. Điều duy nhất còn đọng trong trí nhớ là việc anh bạn ngồi gần rỉ tai, nói đùa rằng: “Nhân tài nước mình nhiều như trấu, chạy rông khắp nơi, việc gì phải phát hiện, bồi dưỡng cho mệt. Cứ bắt về mà dùng!”. Kể cũng hơi ác khẩu, nhưng cũng phải công nhận sự thật trong câu nói đùa của anh.

Cách đây vài hôm, một cuộc hội thảo tương tự (nhưng trong một dự án với qui mô lớn hơn rất nhiều) diễn ra tại Hà Nội với những tuyên bố đầy khả quan là sau 7 năm sẽ cho ra lò 700 “nhân tài” và các “nhân tài” này sẽ được đảm bảo một tương lai xán lạn. Họ sẽ được giao giữ những chức vụ lãnh đạo cao cấp ở các Bộ, Tỉnh hay tương đương… Để đào tạo được số “nhân tài” này, nhà nước sẽ hỗ trợ (từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác) với số tiền không nhỏ là 325 tỉ đồng và 11,5-45 triệu USD.

Không hiểu những nguời chủ trì dự án hiểu khái niệm “nhân tài” như thế nào, chứ bản thân khái niệm này có nội hàm và được hiểu rất rộng. “Nhân tài” có thể hiểu là những vĩ nhân, những người kiệt xuất nhưng cũng có thể được hiểu ở cấp độ nhẹ hơn nhiều là người có chút năng khiếu, tài năng. Bản thân 2 chữ “nhân tài” được dân gian hiểu theo nghĩa là người có tài. Còn có tài gì, ở mức độ nào… thì còn tùy từng ngữ cảnh mà xem xét. Ai sẽ là “nhân tài” và sẽ được hưởng “lộc” của dự án về phát triển nhân tài này? Hay nói một cách khác, “nhân tài” sẽ được tuyển chọn theo những tiêu chí nào? Cũng từ cách hiểu và tiêu chí lựa chọn này mà sẽ dẫn đến cách đối xử với họ và các bước đi tiếp theo của dự án.

Một người bạn tôi có bằng TSKH (anh bảo vệ một mạch từ PTS rồi đến TS), có bài đăng ở tạp chí nước ngoài, từng tham gia các hội nghị quốc tế cũng như đi thỉnh giảng đó đây. Không hiểu anh có được xếp vào loại “nhân tài” hay không, chứ tôi biết chắc chắn anh chẳng bao giờ dám mạo muội xếp mình vào lớp người đó. Điều tôi muốn nói là ở chỗ khác. Nhiều người bảo anh: “Ông học nhiều rồi thì cũng về nước cống hiến đi chứ!”. Sau khi mất khá nhiều công sức cũng như thời gian tìm kiếm công việc thích hợp ở Việt Nam anh lại quyết đinh quay trở lại nước ngoài làm việc. Lý do tại sao? Đơn giản là khi đến xin làm giảng viên tại một khoa của chính ĐHQG Hà Nội (nơi chủ trì dự án), một vị lãnh đạo khoa kiêm chủ nhiệm bộ môn (cũng có học hàm, học vị hẳn hoi) nói với anh: “Ông sang bộ môn khác!. Ông đừng tưởng có bằng mà đủ, ông có chứng chỉ gì nói rằng ông đã học các môn này?”. Tất nhiên, nếu “cố đấm ăn xôi”, cốt cho có việc thì anh cũng có thể xin sang một bộ môn khác. Nhưng cũng chỉ vì câu nói đó mà anh quyết định xin sang cơ quan khác. Sau vài tháng làm việc, được nhận xét không tồi, được lãnh đạo, anh em đồng nghiệp quí. Nói chung có nhiều thuận lợi, chỉ duy nhất một điều là lãnh đạo cơ quan quên mất là con người không thể sống và làm việc chỉ bằng nuớc lã. Đó chính là “những lý do đơn giản” tại sao anh lại phải ra đi (cũng may, ở nước ngoài anh cũng không đến nỗi không có việc làm).

Tôi kể những điều này không phải là để ấm ức thay cho anh, mà cũng không phải là để phản đối một chủ trương tốt đẹp về việc phát triển và sử dụng nhân tài cho đất nước. Là một người bình thường tôi không thể không hiểu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Điều muốn nói ở đây là ở chỗ khác. Một mục tiêu rất đẹp không có nghĩa là đã chắc chắn cho ra một kết quả tốt. Có không ít câu hỏi khi đọc những thông tin được đăng tải trên báo chí về dự án “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài” này. Tôi xin chỉ nêu một vài câu hỏi trong số đó:

  1. Người như thế nào, hoạt động trong những lĩnh vực gì, và theo những tiêu chí nào thì có thể coi là “nhân tài”? Nhà khoa học “tầm cỡ” được coi là nhân tài, còn nghệ sĩ có danh tiếng, nghệ nhân bậc cao có được coi là “nhân tài” (và được trọng dụng!) hay không? Không ai phủ nhận nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn là một nhân tài. Vậy nếu có một nghệ sĩ thổi sáo mà cũng đạt được đến trình độ bậc thầy như thế thì có được đối xử như với một nhân tài hay không? Ai sẽ là “nhân tài”? Một học sinh nhờ có điều kiện luyện thầy, luyện thợ mà đạt được kết quả thi học sinh giỏi này khác hay một học sinh nông thôn, hoàn cảnh thiếu thốn, không có điều kiện học thêm, không đỗ giải này giải nọ, nhưng vào đời lại thành công?…

  2. Những biểu hiện chính của “nhân tài” là tính sáng tạo cao (do thiên phú!) và sự đam mê công việc mà mình yêu thích. Đã đam mê là phải hết mình. Ai dạy được sáng tạo? Qui trình nào có thể tạo ra những tố chất “trời cho”. Đã đam mê thì làm sao bỏ được công việc chuyên môn ưa thích để lên làm lãnh đạo ở cấp Bộ, Tỉnh… Giỏi trong lĩnh vực này không có nghĩa là sẽ giỏi trong các lĩnh vực khác. Người làm khoa học giỏi chưa chắc đã làm tổ chức khoa học giỏi. Đấy chưa nói là chuyển sang làm lãnh đạo, một lĩnh vực hoàn toàn khác. Thử tưởng tượng kết quả sẽ thế nào nếu mời Đặng Thái Sơn về làm lãnh đạo Bộ Văn hóa? Nếu lấy “chức vụ, cương vị công tác” làm động cơ để thu hút nhân tài, e rằng như vậy sẽ làm thui chột tài năng của họ. Một xu hướng không mấy tốt đẹp là có quá nhiều người sau khi đỗ đạt đều cố bằng cách này hay cách khác chạy sang làm quản lý và bỏ chuyên môn (hoặc giữ tên một cách hình thức). Sử dụng và sử dụng đúng nhân tài là điều cần thiết, nhưng không có nghĩa là “lấy chức vụ ra để nhử nhân tài”. Tại sao không thể tôn vinh và hậu đãi một nhà khoa học có đẳng cấp quốc tế nhưng chỉ là một nhà nghiên cứu thuần túy hơn chính các vị lãnh đạo của nhà khoa học đó? Tại sao không thể trả lương thật cao (hơn nhiều lần so với người khác) cho một kỹ sư bậc cao nắm vững được công nghệ hiện đại trong khi vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài với giá đắt hơn nhiều?... Vấn đề cần giải quyết chính từ khâu cơ chế.

  3. Ai đảm bảo những người lãnh đạo (được đề bạt thông qua con đường khác) sẽ vui lòng để người tài hơn mình lên nắm giữ những cương vị chủ chốt của cơ quan? Ai đảm bảo là lấy tiền nhà nước cho người đi học nước ngoài một cách ồ ạt rồi họ sẽ quay trở về làm việc?

  4. Số “nhân tài” sẽ ra lò được xác định một cách chính xác là 700 sau 7 năm (chính xác đến hàng đơn vị!), số tiền chi vào dự án là nhiều tỷ (và có thể hơn nữa). Lấy gì đảm bảo là có từng ấy “nhân tài” sẽ ra lò? Tại sao con số “nhân tài” lại chính là 700 mà không phải là 701, 702 hay 1000, thậm chí một triệu? Làm thế nào mà tính được số tiền cần chi phí để đào tạo một người thành “nhân tài” (khi mà chưa rõ sẽ phải đào tạo như thế nào, và chưa biết bao nhiêu tiền trong số đó sẽ bị chi phí sai mục đích)? Tôi có một cảm nhận là mọi sự qui trình hóa, chuẩn mực hóa của việc đào tạo “nhân tài” đều sẽ cho một kết quả vô nghĩa. Điều có thể làm được là tạo ra một môi trường, một cơ chế trợ giúp, khuyến khích cho tài năng phát triển và thu hút họ về phục vụ cho Tổ quốc. Đất nước phát triển, điều kiện làm việc được cải thiện… và nỗi buồn xa quê, tinh thần dân tộc sẽ chính là những sợi dây kéo giữ nhân tài đất Việt trở về phục vụ Tổ quốc.

Còn rất nhiều câu hỏi khác mà vì khuôn khổ có hạn của bài viết không thể kể ra hết. Năm trước, khi qua công tác Matxcơva tôi có được mời xem Đặng Thái Sơn biểu diễn lấy tiền ủng hộ nhạc viện Tchaikovsky. Thú thực, cũng chẳng hiểu biết mấy về âm nhạc nhưng qua sự ngưỡng mộ, sự tôn vinh của khán giả tôi cũng cảm thấy hãnh diện về đất nước, con người Việt Nam. Về nhà lên mạng, tra tìm các thông tin về anh thì mới thực sự hiểu đây là một tài năng rất lớn. Chỉ hơi buồn một điều, giá mà đó là buổi biểu diễn từ thiện cho người nghèo Việt Nam, hay khi giới thiệu, anh chỉ là công dân Việt Nam chứ không phải đại diện cho cả 2 quốc gia Canada-Việt Nam! Và cũng buồn khi cảm thấy khoảng cách khá xa trong mối dây liên hệ giữa anh và đất nước.

Nhân tài cần được tôn trọng, được sử dụng một cách thích đáng. Nếu có môi trường làm việc tốt (không nhất thiết chỉ đồng nghĩa với quyền lợi vật chất) thì số đông họ chắc chắn sẽ muốn về nước phục vụ. Nói gì thì nói, “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” cũng là một trong những mong muốn của những người con sống xa Tổ quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa cứ bỏ ra một đống tiền là đạt được. Nếu không nghiên cứu một cách kỹ lưỡng mà chỉ chạy theo “mốt dự án” thì sẽ làm hao phí tiền của nhân dân mà thôi.


© 2004 talawas
Nguồn: Đã đăng má»™t phần trên (Giáo dục & Thời đại, số 39, chủ nhật, ngày 26-09-2004)