trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
8.11.2004
Ðặng Mầm Sáng
Bức thư ngỏ gửi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, đại biểu quốc hội khoá XI
 
Thưa Giáo sư,

Từ lâu tôi đã được biết và có nhiều mến phục quá trình hoạt động khoa học nhiều năm của Giáo sư. Rất tiếc là chưa có dịp được gặp mặt trực tiếp. Trong thời gian gần đây, nhất là kể từ khoá họp Quốc hội lần này, cùng với một số cử tri Hà Nội, chúng tôi có các gặp gỡ trao đổi về những diễn biến của công cuộc Ðổi mới đất nước, một lần nữa đang trở nên sôi động. Cách đây một hôm, được theo dõi bài phát biểu của Giáo sư, thật là một cuộc gặp bất ngờ không hẹn trước. Khác hẳn với những lần phát biểu khác, bài phát biểu lần này của Giáo sư buộc tôi phải lên tiếng.

Về nguyên tắc, Quốc hội là nơi diễn ra các hoạt động lớn, nơi mà các đại biểu của nhân dân và các thành viên của chính phủ tập trung toàn bộ trí tuệ để thảo luận về những vấn đề hệ trọng. Trong loạt ý kiến tham luận về "Vấn đề Ðổi mới nền giáo dục quốc gia", chúng tôi thấy có rất nhiều ý kiến tham gia thực sự có chất lượng khi đề cập thẳng đến những điểm yếu nghiêm trọng của hệ thống Giáo dục nước nhà và mạnh mẽ đưa ra các kiến nghị để tăng cường đổi mới thực sự. Bài phát biểu của Giáo sư cũng tham gia vào trào lưu chung, bên cạnh các ý kiến tương tự như các đại biểu khác, Giáo sư có nêu ra một số đóng góp liên quan đến góc độ kỹ thuật, ví dụ như việc yêu cầu phải phân biệt giữa sách giáo khoa và chương trình. Giáo sư cũng đòi hỏi cần thiết phải: "coi trọng chương trình hơn sách giáo khoa"...

Tuy nhiên, bên cạnh phần đóng góp tích cực ấy, một số ý kiến khác của Giáo sư đã thực sự làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên, rồi khi đã đỡ ngạc nhiên hơn thì cảm thấy thất vọng, vì theo chúng tôi những ý kiến đó không những không có tác động tích cực vào tiến trình đổi mới mà còn trực tiếp cản trở quá trình đó. Không biết có sự sai lệch nghiêm trọng nào đó trong khâu biên tập của Tạp chí Vietnamnet không. Nếu không, thì quả thật đây là một điều làm bản thân tôi thất vọng sâu sắc nếu so sánh với những gì chúng tôi chờ đợi từ tiếng nói của Giáo sư. Tất nhiên, chúng tôi hiểu rằng, Giáo sư là đại biểu của một tỉnh thuộc khu vực Tây nguyên, chúng tôi là cử tri vùng Hà Nội. Nhưng dù sao khi đã trở thành một đại biểu Quốc hội, thì theo chúng tôi, tiếng nói của Giáo sư sẽ không chỉ đại diện cho các cử tri của tỉnh đã bầu Giáo sư làm đại biểu, mà còn là tiếng nói của đa số các nguyện vọng người dân, nhất là trong một vấn đề mang tính chất toàn quốc như vấn đề giáo dục.


Chúng tôi bị sốc

Chúng tôi xin trích lại hai đoạn khiến cho chúng tôi bị "sốc" mạnh nhất: [1]

Theo Vietnamnet 1/11/2004, bài viết: ”Không nên có ấn tượng là giáo dục đang khủng hoảng":

"Hiện nay có rất nhiều chuyện dân bức xúc về giáo dục. Theo ông, bất cập lớn nhất đối với giáo dục là gì?

Bức xúc của nhân dân về giáo dục là điều đáng mừng vì nhân dân quan tâm đến giáo dục. Nhưng cũng là điều đáng lo bởi vì những ý kiến đó không thống nhất với nhau và gây nên ấn tượng không được hay lắm! Người ta hiểu nhầm về những khó khăn, nhược điểm của giáo dục với cái đang kêu gọi ''chấn hưng''. Không có gì để đáng dùng chữ ''chấn hưng'', bởi vì có suy sụp đâu mà chấn hưng!...

Vậy theo ông, ai chịu trách nhiệm về những bất cập của ngành giáo dục?

Tôi cho là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội. Việc đưa vấn đề giáo dục ra Quốc hội thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội. Trong suốt thời gian qua, có nhiều ''Hội nghị Diên Hồng'' lấy ý kiến của toàn dân để khắc phục những nhược điểm của giáo dục. Hơn nữa, chúng ta nên nghĩ nhiều đến khắc phục, hiến kế hơn hơn là quy kết trách nhiệm! Chúng ta nên tập trung tư duy, suy nghĩ sáng kiến của mình vào việc khắc phục những nhược điểm hiện nay của giáo dục. Chứ còn khi nghĩ kết tội người này, kết tội người khác thì không ích lợi gì?".

[Toàn văn xin xem trên: http://www.vnn.vn/chinhtri/doinoi/2004/11/341146/]


Trên thực tế, ý kiến đầu tiên của Giáo sư, được tác giả Văn Tiến và các biên tập viên cố tình nhấn mạnh để tạo ra một độ tương phản rõ nét với ý tưởng của nhóm "Chấn hưng giáo dục" (sau đây xin gọi tắt là nhóm Chấn hưng), hướng đến chỗ hạ thấp cái "nguy cơ tụt hậu" rất lớn mà nền giáo dục của chúng ta đang gặp phải. Tất nhiên đây là sự tụt hậu so với sự phát triển chung, còn nếu như chúng ta chấp nhận một tiến bộ theo tốc độ "riêng" của chúng ta, bất chấp tình hình các nước trong khu vực và trên thế giới, bất chấp mong muốn của đông đảo đồng bào chúng ta là xây dựng nước ta trở thành một nước giàu mạnh, văn minh, thì đó lại là chuyện khác.

Ý kiến thứ hai, cho rằng "khi nghĩ kết tội người này, kết tội người khác thì không ích lợi gì?", tỏ ra là đặc biệt nguy hiểm vì khi tuyên truyền cho một thái độ bỏ qua việc qui kết trách nhiệm cụ thể, thì nó đã hướng người đọc đến chỗ quên đi vấn đề trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm cá nhân của những người đang đảm nhiệm những chức vụ quan trọng có tác dụng quyết định đến các xu thế chính của quá trình đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục.


Bỏ qua vấn đề trách nhiệm cá nhân hay "kể tội" cá nhân, để làm gì?

Thật ra, khi đưa ra chủ trương xoá đi vấn đề trách nhiệm cá nhân, Giáo sư chỉ lấy lại một phần những điều đã được GS Phạm Duy Hiển nêu ra trong cuộc Hội thảo "Chấn hưng giáo dục" thường kỳ ngày 3/10/2004 mới đây, được phối hợp tổ chức giữa Bộ Giáo dục Ðào tạo và nhóm 23 trí thức, đại diện bởi GS Hoàng Tuỵ: "Giáo dục đang có bệnh và phải tìm cách chữa bệnh, tránh những "buộc tội" không cần thiết hoặc chỉ loay hoay "buộc tội".

Nhưng từ chỗ lưu ý nên hạn chế các buộc tội không cần thiết hay chỉ loay hoay xung quanh chuyện buộc tội, như của GS Phạm Duy Hiển, đi đến chỗ gần như phủ nhận hoàn toàn việc cần thiết phải qui kết trách nhiệm cá nhân, như của Giáo sư, là cả một khoảng cách không hề nhỏ. Phải chăng Giáo sư đã bỏ qua lời trao đổi của GS Hoàng Tụy với PV Vietnamnet cũng trong cuộc hội thảo này, khi ông nói: "Dù ông Bộ trưởng Giáo dục có thiện chí, muốn quyết liệt cũng khó làm được gì mạnh. Trong tình hình hiện nay, muốn chấn hưng giáo dục, cần có quyết tâm từ trên."?

Nếu đặt các ý kiến của các GS Phạm Duy Hiển và GS Hoàng Tuỵ bên cạnh nhau ta có thể thấy rõ ràng một điều là: việc cần phải bỏ qua những "buộc tội" hay việc qui trách nhiệm không cần thiết chính là để dành trí lực cho việc nhìn nhận những phần trách nhiệm của những người có thẩm quyền cao hơn, của những cơ chế có tính chất quyết định lớn hơn đến thực trạng của nền giáo dục hiện nay. Trong khi đó, thì việc Giáo sư cố tình xoá bỏ hoàn toàn việc "kết tội" để rồi quay về hô hào toàn dân, toàn xã hội trên một tinh thần đổi mới chung chung (gần như trống rỗng về nội dung và thực chất chỉ là sự lắp lại dễ dãi của một thứ hệ ý thức tập thể chủ nghĩa trước Ðổi mới) và phủ nhận luôn việc nền giáo dục nước ta hiện nay đang có chiều hướng suy thoái đến mức báo động (về cả chuyên môn, đạo đức...) [2] phải chăng chính là để đối lập lại, một cách có ý thức rõ ràng hay không, chủ trương của nhóm "Chấn hưng giáo dục" và của những lực lượng đang ủng hộ xu thế tích cực ấy.

Theo chúng tôi, những người kêu gọi "chấn hưng" không hề phủ nhận những mặt tích cực [3] hay ngược lại, cường điệu sự suy thoái của nền giáo dục, tính chất phê phán trong quan điểm của họ đối với thực trạng của nền giáo dục tinh tế hơn rất nhiều, cụ thể chúng ta có thể thấy qua ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc:

"Tình hình giáo dục hiện nay có rất nhiều khó khăn, nhưng chính sự khủng hoảng đã đến độ, nếu ta nhận thức được và đặt nó đúng mức trong các vấn đề lớn của đất nước thì lại rất có thể đang tạo ra thời cơ để có những cải biến quan trọng, dần dần cơ bản, trước hết là trong giáo dục, và cả về xã hội". (...) "tình hình giáo dục này hầu như là sản phẩm tất yếu của tình hình xã hội này, khó có thể khác". Ví dụ, tình trạng gian dối phổ biến trong giáo dục thì trước hết là do nó phổ biến trong xã hội. Thế nhưng, khuyết điểm của ngành giáo dục là ở chỗ nó đã cam chịu làm sản phẩm bị động của những tiêu cực xã hội, trong khi đúng ra nó phải là nơi chống chọi lại quyết liệt nhất tình hình đó." (Hội thảo Chấn hưng giáo dục 3/10/2004).

[Về tường thuật hội thảo xem thêm trên http://www.vnn.vn/giaoduc/2004/10/288572/]

Chúng tôi chỉ lấy thêm một thực tế nhỏ khác để Giáo sư có thể soi vào quan điểm trên của Giáo sư:

Khi tệ nạn nhận người vào các cơ quan giáo dục (nhất là các cơ quan có trọng trách trong việc điều hành nền giáo dục ở cấp vĩ mô và trung mô) dựa rất nhiều trên các quan hệ thân quen, theo cái gọi là "nguyên tắc ngoại giao" có đi có lại, thì kết quả là gì? Những nhân sự mới tham gia vào bộ máy phần lớn sẽ chỉ là những người tạm gọi là "con ông, cháu cha" (mà nhìn chung không có trình độ phù hợp) và rất nhiều những người thực sự có năng lực đã và đang bị gạt ra khỏi đó một cách không đắn đo. Phải là người trực tiếp trong cuộc hoặc có người thân bị đặt vào tình trạng ấy mới thấy hết tính chất "bạo lực" khốc liệt của xu thế "thanh lọc nhân tài" này. Kết quả là nền giáo dục (trước hết là bộ phận công lập) ngày càng có xu hướng khan hiếm nghiêm trọng những người làm được việc. Vì bộ máy nhà nước nếu không có một sự đổi mới lành mạnh và đúng hướng, thường có một thiên hướng rất mạnh là trở nên mảnh đất vườn nhà của một số nhóm người có quyền chức, tự cho mình có các đặc quyền đặc lợi, sẵn sàng để cho đơm hoa kết trái những thực vật không mang lại lợi ích gì tốt đẹp cho đời sống chung.

Chúng tôi chắc rằng không phải là Giáo sư không biết và không hiểu các tệ nạn kiểu này nguy hiểm như thế nào (đấy là chưa kể nhiều tệ nạn khác đã được phê phán thường xuyên bởi các nhà khoa học, các phóng viên, các bạn đọc, các nhà giáo,... về tệ nạn dạy thêm bất hợp pháp, học hành quá tải, tệ nạn thi cử gian lận, tệ nạn phân biệt đối xử trong nhà trường, sự suy thoái đạo đức trong quan hệ giữa thầy cô giáo và học sinh, sự suy yếu nghiêm trọng trong chất lượng giảng dạy và nghiên cứu ở bậc đại học và sau đại học...). Bao nhiêu năm sống ở Hà Nội, hàng chục năm đứng trên bục giảng và hoạt động trong ngành giáo dục, chắc chắn Giáo sư không thể không nhận ra được những tiêu cực ấy hiện có mặt một cách phổ biến đến mức độ nào từ nhiều năm gần đây. Trách nhiệm của những tiêu cực ấy không thể nào chỉ qui cho những người giáo viên bình thường, những người vốn chỉ có thể sử dụng chính các năng lực của bản thân mình, mà trước hết phải thuộc về những người nào có trong tay những quyền lực lớn đối với toàn bộ hệ thống giáo dục, nhưng lại đang sử dụng nó chủ yếu để làm lợi cho mình. Cái nguy cơ đó là thường trực, chính vì thế, các nhà lãnh tụ sáng suốt và vì dân đều đã không ngừng nhắc đi nhắc lại đặc điểm tiêu cực của bộ máy cầm quyền khi nó cố tình tự đặt mình lên trên đầu nhân dân và không chịu sự kiểm soát của các hình thức quyền lực khác nhau của xã hội. Cái nguy cơ đó lại càng nguy hiểm hơn gấp bội trong một đất nước đang còn trong những bước ban đầu đi tới một xã hội sống và làm việc theo pháp luật.


Ai là người "ác cảm" với những thầy cô giáo "vừa nghèo, vừa tận tuỵ, vất vả, đầy tâm trí, giúp đỡ thế hệ trẻ"?

Ở đây, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Giáo sư rằng: "Đặc biệt không nên ác cảm với thầy giáo, không nên đổ tội cho thầy, cô giáo. (…), đó là một đội ngũ vừa nghèo, vừa tận tuỵ, vất vả, đầy tâm trí, giúp đỡ thế hệ trẻ". Cũng như giáo sư, chúng tôi không bao giờ đánh đồng biết bao giáo viên các cấp học, nhiệt tình giảng dạy, có trách nhiệm trên cương vị của mình, mà là những cán bộ công chức bình thường ai cũng biết. Vậy theo Giáo sư: "Ai là người ác cảm với thầy giáo, ai là người đổ tội cho thầy cô giáo?"

Trên thực tế, nhóm các nhà giáo và trí thức chủ trương "Chấn hưng giáo dục" với sự đại diện của Giáo sư Hoàng Tuỵ, cũng như những người ủng hộ tích cực cho quá trình đổi mới toàn diện đã có rất nhiều những phê phán đối với các tệ nạn, những điều trì trệ và lạc hậu của nền giáo dục chúng ta. Chắc chắn trong sự phê phán này, các thầy, cô giáo là những thành viên của hệ thống nên không thể không liên đới (vấn đề là phải làm sáng tỏ được họ liên đới như thế nào). Tuy nhiên theo hiểu biết của chúng tôi, không có bất cứ một trí thức và nhà giáo có trình độ nào thiếu lương tâm và tỉnh táo đến mức lại tiến hành phê phán nhằm lên án các thầy cô giáo "vừa nghèo, vừa tận tuỵ, vất vả, đầy tâm trí, giúp đỡ thế hệ trẻ" ấy cả. Chắc chắn không có một trí thức nào trong nhóm "Chấn hưng giáo dục" lại có một ý tưởng hồ đồ như vậy. Hay khi đại biểu Nguyễn Ðức Dũng đề nghị thành lập một "Uỷ ban thanh tra khẩn cấp về tình hình giáo dục" thì phải chăng là với mục đích "đánh" thẳng vào các giáo viên nghèo mà lương thiện của chúng ta?

  • Nếu không phải là như vậy, thì phải chăng với cách phê phán hướng đến một đối tượng vô hình và không có thật ấy, những người có "ác cảm với thầy giáo", "đội ngũ vừa nghèo, vừa tận tuỵ, vất vả đầy tâm trí, giúp đỡ thế hệ trẻ", Giáo sư muốn gián tiếp phê phán lại những người đang tiến hành phê phán một cách triệt để sự lạc hậu của nền giáo dục Việt Nam với tư cách một hệ thống?

  • Nếu không phải là một ý đồ được tính toán một cách lô gíc, thì phải chăng đây chỉ là cách hình dung riêng (một cách khá là ngây thơ) của Giáo sư để giúp cho Giáo sư, thay vì phải đối mặt thẳng với những lực cản có thật đang cản trở quá trình Ðổi mới, thì cố tạo ra một đối thủ vô hình để chiến đấu trong tưởng tượng, nhờ thế mà tự mình né tránh khỏi trách nhiệm trong cuộc tranh luận thực sự về những vấn đề gai góc nhất có liên quan đến vận mệnh của nền giáo dục chúng ta?

  • Phải chăng Giáo sư tin rằng có thể đổi mới được một nền giáo dục chỉ đơn thuần bằng các phương tiện kỹ thuật (phần lớn nhập khẩu từ các nước tiên tiến), bằng lòng tốt và lòng thiện chí đơn thuần, mà không phải đổi mới (theo nghĩa là làm cho chuyển hoá, chứ không phải là loại bỏ) chính cái cơ chế của sự lạc hậu ấy và những con người đang là tác giả của những nhược điểm đang tồn tại một cách dai dẳng của cơ chế?

Như chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra, không phải tất cả các giáo viên Việt Nam đều nghèo, cũng như đều tận tuỵ và làm việc hết mình vì thế hệ trẻ. Nếu nói là một phần rất đông trong số họ thì được, chứ kiểu khái quát mà Giáo sư nêu lên như vậy sẽ dễ dàng dẫn Giáo sư đến rất gần một kiểu tuyên truyền bằng những lời nói đại ngôn có tính mỵ dân. Xét cho cùng, cả sự ca ngợi thổi phồng hay việc rỏ nước mắt thương cảm một cách tràn lan không biên giới đều không kém phần nguy hại so với thái độ phê phán vơ đũa cả nắm mà Giáo sư đã có ý phê phán một cách không phải là không có lý.


Những cản trở để đi đến tận cùng sự thật và các thủ thuật của sự ngụy biện

Không phải là Giáo sư không biết đến những sự thật này, nhưng phải chăng có một sức mạnh nào đó từ bên trong và bên ngoài (một "ân nghĩa sâu nặng", "một bổng lộc khó chối từ" [4] , "một biến cố trong gia đình", "một sự mệt mỏi tinh thần" hay "một sức ép đáng sợ" nào đó... ) đã khiến cho Giáo sư không giữ nổi một cái nhìn trung thực về hiện thực, không dám đi đến cùng trong các Kiến nghị để đổi mới giáo dục, hay tối thiểu cũng khiến cho Giáo sư không dám đứng chung hàng ngũ với những người đồng nghiệp của Giáo sư, những người đang tận tâm, tận lực tham gia vào sự Ðổi mới này. Sự lưng chừng ấy còn nguy hại hơn nữa, khi ở Giáo sư, nó lại đang có chiều hướng biến thành một sự quay lưng lại với cái trục chính của Ðổi mới. Bởi vì khi đã đến mức độ mà thách thức phải đổi mới đã trở nên khẩn thiết và rõ ràng như hiện nay, thì việc yêu cầu: "Chúng ta nên tập trung tư duy, suy nghĩ sáng kiến của mình vào việc khắc phục những nhược điểm hiện nay của giáo dục", vốn có thể đã là một lời hiệu triệu tích cực, nếu được đưa ra cách đây mươi mười lăm năm, chỉ là một lời nói chung chung, vô thưởng vô phạt, không hề có tác dụng soi sáng nhận thức và hành động, và thậm chí còn là một chiếc bình phong che chắn cho thái độ lập lừng đứng giữa hai làn nước của những người cơ hội chủ nghĩa.

Những công dân có trình độ tương đối trong xã hội ngày hôm nay phần lớn đều hiểu rất rõ đâu là những trở lực đối với sự Ðổi mới của nền giáo dục nước nhà. Việc phát huy các sáng kiến cá nhân, như Giáo sư hô hào, trong thời đại nào cũng là cần thiết. Lời kêu gọi của Giáo sư, 50 năm nữa, tôi tin chắc vẫn sẽ còn đúng. Nhưng tình huống của ngày hôm nay không cho phép chúng ta dừng lại ở một lời kêu gọi chung chung theo kiểu "động viên toàn dân" ấy. Không có Giáo sư cũng đã có rất nhiều cán bộ tuyên huấn (hay tuyên truyền) các loại làm một cách chu đáo công việc này rồi. Bởi vì, bên cạnh các cản trở khách quan và hạn chế chung của năng lực toàn xã hội (mà cũng giống như chúng tôi, không phải Giáo sư đã không nhận ra), một trong những trở lực quan trọng đối với quá trình đổi mới nằm chính ở trong một bộ phận những người nắm các cương vị trọng trách của bộ máy giáo dục và cả bộ máy chính trị (chứ không phải -hoặc không chỉ- của người đứng đầu trực tiếp ngành giáo dục), muốn duy trì bằng mọi giá các uy quyền của họ, để tiếp tục thừa hưởng các đặc quyền, đặc lợi do uy quyền đó sinh ra, cho chính họ và cho những thân bằng quyến thuộc hay những người cùng ê-kíp với họ.

Cái đặc thù trong lập luận của Giáo sư nằm ở chỗ: đặt trách nhiệm chung của toàn dân, toàn xã hội (một điều hiển nhiên là cần thiết phải được xây dựng, nhưng không thể được xây dựng bởi những lời hô hào hiệu triệu chung chung, mà phải dựa trên những đổi mới sâu sắc hơn nữa về cơ chế tổ chức và điều chỉnh xã hội khiến cho những trách nhiệm đó có thể được hiện thực hoá một cách tốt hơn) trên cùng một bình diện với trách nhiệm cá nhân của những người lãnh đạo, hoặc của một nhóm những người lãnh đạo. Và từ chỗ đề cao trách nhiệm chung của nhân dân và của xã hội nói chung mà xoá nhoà đi trách nhiệm cụ thể của những người nắm quyền. Lẫn lộn (một cách cố tình hoặc vô ý) giữa hai loại trách nhiệm hoàn toàn rất khác biệt về bản chất ấy là động tác mở đầu cho một lập luận ngụy biện khá tinh vi dễ dàng lái người đọc lạc vào lối mòn (mang tính mê hoặc) của đủ các loại định kiến.


Trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể hay trách nhiệm của cơ chế, một vấn đề quan trọng cần được nhìn nhận cho đến nơi

Và trên thực tế, khi đứng trước vấn đề trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, nhiều người cho rằng đây là một mớ bòng bong, lùng nhùng không có lối thoát, khi tất cả các tiêu cực đều dựa vào nhau, mà liên đới với nhau, đến độ tất cả đều có thể là thủ phạm và tất cả đều có thể là nạn nhân, thậm chí có thể vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân. Ngược hẳn lại với Giáo sư, đại biểu Nguyễn Ðức Dũng đã trả lời rất rõ trong bài phát biểu ngày 3/11: "Cá nhân của con người cũng có vai trò quan trọng nhưng mô hình mới là yếu tố quyết định. Cá nhân tài năng có thể có vai trò quan trọng nhưng không thể xoay chuyển được lớn." Chính ở điểm có thể xảy ra trong người đọc sự lẫn lộn giữa trách nhiệm cá nhân của những người lãnh đạo trực tiếp và thực trạng chung của toàn xã hội, đại biểu Nguyễn Đức Dũng đã mở ra một thực tế mới, không hề có mặt trong lập luận của Giáo sư, để góp phần soi sáng mớ bòng bong này. Ðó là việc nêu bật trách nhiệm của "mô hình", về mặt lô gíc mà nói, cũng là trách nhiệm của những người có trọng trách xây dựng và quyết định cái "mô hình" đang có hiệu lực. Ở đây, ta có thể thấy, nổi bật lên một sự đối lập cực kỳ đậm nét không thể nào không nhận thấy giữa Giáo sư và đại biểu Nguyễn Ðức Dũng trên bình diện vấn đề trách nhiệm.

Chỗ đối lập thứ nhất, mang tính thứ yếu, giữa Giáo sư và đại biểu Nguyễn Ðức Dũng là: một bên cố gắng tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của các cá nhân phụ trách trực tiếp (là điều Giáo sư đã làm trong kỳ họp lần này) và một bên thì trước tiên cố gắng qui trách nhiệm cho chính những người này (là điều đại biểu Nguyễn Đức Dũng đã làm trong kỳ họp lần trước). Từ bước khởi đầu căn bản ấy, dẫn đến hai hệ quả lô gíc là, trong khi Giáo sư ủng hộ cho sự cổ vũ một trách nhiệm tập thể chung của toàn dân và toàn xã hội (một điều hiển nhiên khi không có một đối tượng nào phải chịu trách nhiệm cao nhất, thì người chịu trách nhiệm cao nhất là nhân dân, là toàn xã hội) (cũng là điều Giáo sư đã làm trong kỳ họp này), thì đại biểu Nguyễn Ðức Dũng tiến đến chỗ qui trách nhiệm chính cho vấn đề "mô hình", vấn đề cơ chế (là điều đại biểu Nguyễn Đức Dũng cũng làm trong kỳ họp này).

Cổ vũ cho một trách nhiệm chung của toàn dân, toàn xã hội để đặt trách nhiệm của "mô hình", của cơ chế trong bóng tối là việc làm của Giáo sư. Ðưa vấn đề trách nhiệm của "mô hình" và cơ chế ra ánh sánh là việc làm của đại biểu Nguyễn Đức Dũng và những người thực sự tâm huyết và có trách nhiệm. Cơ chế hiển nhiên không thể là vô hình như thói thường ta hay nghĩ. Rõ ràng có những người chịu trách nhiệm về "mô hình" ấy và cơ chế ấy, và như đại biểu Nguyễn Đức Dũng đã chỉ rõ: hiển nhiên việc thay đổi một bộ trưởng, một người phụ trách các đầu việc cụ thể trong trường hợp này không giải quyết được căn bản tình hình, và là một người rất biết mình, biết người, đại biểu Nguyễn Đức Dũng đã dành vấn đề đóng góp cụ thể cho những người làm "chuyên môn", và chỉ tự coi mình là một người "ngoại đạo". Mặc dù bị tác giả bài phỏng vấn có phần cố tình làm lệch đi cái nét lớn trong những ý tưởng của ông, bằng cách kết luận "chê thì dễ mà tìm cách sửa thì rất khó" và cách "rút tít" có phần thiên lệch ("Ðại biểu Nguyễn Ðức Dũng: Hiến kế giáo dục? Khó quá!") [5] , sự thẳng thắn đi ngay vào vấn đề, dám sử dụng trách nhiệm của mình để đưa ra các đề xuất táo bạo mang tính khai mở, sự chừng mực thận trọng trong việc đưa ra các giải pháp cụ thể, sự chân thành trong việc thừa nhận các hạn chế của bản thân... của đại biểu Nguyễn Ðức Dũng, theo chúng tôi, đáng trở thành một tấm gương ứng xử đáng quí, cực kỳ hiếm có trong hàng ngũ các đại biểu quốc hội hiện nay.

Ðiểm đối lập giữa Giáo sư và đại biểu Nguyễn Đức Dũng cho thấy tính chất phân hoá ngày càng triệt để của hai thái độ đối với tiến trình đổi mới, cùng giương cao lá cờ đổi mới, nhưng một bên chỉ chú trọng trước hết đến các yếu tố mang tính kỹ thuật, đi quá vào chi tiết cụ thể, trong khi đó lại cố tình bỏ qua vấn đề tổ chức, vấn đề cơ chế, thực chất về ý thức hệ là quay lùi về một thứ chủ nghĩa tập thể mơ hồ và chung chung của thời kỳ trước Ðổi mới (mà Giáo sư đang có xu hướng tham gia "cổ xuý"), và một bên là xu hướng tiến đến một xã hội đề cao đến một tầm mức xứng đáng tính trách nhiệm cá nhân (hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả trách nhiệm của một nhóm cá nhân hay một tập thể nhỏ), một trong những xu hướng chủ đạo của quá trình hình thành nên các xã hội văn minh - hiện đại ngày nay.


Ðề cao trách nhiệm cá nhân theo nghĩa rộng và tìm cách làm cho nó trở thành một thực tiễn là một bước tiến căn bản của sự phát triển xã hội hiện nay

Chẳng nhẽ Giáo sư không thấy rằng khi nêu ra và đẩy lên một bước vấn đề trách nhiệm cá nhân (hiểu theo nghĩa rộng) trong đời sống công luận, thì cũng là lúc đòi hỏi của đa số nhân dân, của các bộ phận tích cực trong Quốc hội, Ðảng và Chính phủ đang hướng thẳng chủ trương Ðổi mới vào các bộ phận bảo thủ, ích kỷ, nhằm bắt họ phải hiện ra nguyên hình dưới ánh sáng mặt trời, như những vật cản đối với tiến trình đi lên của xã hội. Làm sao Giáo sư lại không nhận ra bước ngoặt ấy trọng đại như thế nào trong đời sống xã hội Việt Nam ngày nay? Làm sao Giáo sư lại không tham gia ủng hộ tiến trình ấy?

Ðể tiện cho việc trao đổi tiếp theo, chúng tôi xin trích một đoạn trong lời phát biểu của một đại biểu quốc hội trong kỳ họp lần này cũng liên quan đến vấn đề trách nhiệm của những người lãnh đạo trong bộ máy cán bộ công chức để Giáo sư tiện tham khảo.

Theo Vietnamnet 03/11/2004, bài viết: "Tốn kém và ít thành công nhất là cải cách hành chính" lược trích bài phát biểu của đại biểu Nguyễn Bá Thanh

"Chưa nghiêm thôi, muốn là làm được!

Trong khi chờ đợi cải cách toàn diện nền hành chính quốc gia, tôi đề nghị trước mắt cần phải siết chặt hơn nữa kỷ cương trong bộ máy công quyền. Đã nói đến nền hành chính là phải nói đến trách nhiệm cá nhân, nói hành chính là phải có thứ bậc, có trên có dưới, có lớn có nhỏ. Cả nể, xuề xoà, ''cá mè một lứa'', trên nói dưới không nghe, trên nói dưới từ từ, trên nói cứ nói, dưới làm cứ làm. Trách nhiệm chung chung, cuối cùng thì cũng hoà cả làng. Thực ra mình làm chưa nghiêm thôi, chứ mình muốn là làm được!

Ở Đà Nẵng có 2 con đường Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Văn Thoại, có 3 ban dự án cùng tham gia trên tuyến đường đó. Gần 4 năm nay ông cứ làm ì ạch, dân kêu quá trời! Vừa rồi trong kỳ họp của HĐND dân kêu quá, tôi với tư cách Chủ tịch HĐND tuyên bố: ''Đến ngày 30/9/2004 nếu 2 con đường đó không xong, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND thành phố Đà Nẵng cách chức từ giám đốc sở đến tất cả các trưởng ban quản lý''. Thế là trong gần 4 tháng, các ông ấy đã làm xong! Lúc đó, các ông ấy bàn bạc với nhau chu đáo lắm, làm ban đêm ban hôm, phối hợp rất là đàng hoàng!

Rõ ràng có những cái chúng ta làm chưa nghiêm chứ không phải làm không được! Cần phải phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, trao quyền hạn đầy đủ hơn nữa, trên cơ sở đó xác định cho được trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu tổ chức, địa phương tương ứng.

Không dựa trên trách nhiệm cá nhân thì chỉ là khẩu hiệu suông!

Về đạo đức công chức, đương nhiên cần phải có nhưng khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường mà nền hành chính không dựa trên tài năng cá nhân, không dựa trên sáng tạo cá nhân và không dựa trên trách nhiệm cá nhân thì những vấn đề đạo đức công chức chỉ như những câu khẩu hiệu suông! Chúng ta thường hỏi trách nhiệm thuộc về ai? Tôi nghĩ rằng nhiều lúc không biết ai đâu để mà hỏi, cứ chung chung như thế!"

[Phần còn lại của bài phát biểu xin được xem thêm theo địa chỉ http://www.vnn.vn/chinhtri/doinoi/2004/11/342307/]

Trong cuộc đối thoại về một vấn đề phức tạp và trọng đại như thế này, theo chúng tôi, không ai có thể độc quyền về chân lý được cả. Tất cả cần phải được xét duyệt dưới ánh sáng của thực tế, sự trưởng thành của trí tuệ và đòi hỏi của tiến bộ. Cũng không nên sợ rằng những ý kiến của chúng ta vì "không được thống nhất với nhau" mà "gây nên ấn tượng không được tốt đẹp lắm". Thực tế là trong xã hội, với chỗ đứng khác nhau, vốn sống khác nhau, năng lực suy nghĩ và tầm nhìn khác nhau, sự khác nhau về cách nhìn nhận một vấn đề là lẽ rất bình thường. Mới gần đây thôi, trong một hội nghị trung ương của Ðảng cộng sản Việt Nam hồi đầu năm 2003, tổng bí thư của Ðảng Nông Ðức Mạnh đã có lời khuyến khích việc tôn trọng sự đa dạng của các ý kiến khác nhau và coi đó như những nguồn lực cần thiết cho sự nghiệp đổi mới. Tại sao Giáo sư lại phải "sợ" sự đa dạng ấy? Vì đâu Giáo sư "sợ" sự đa dạng ấy, Giáo sư "sợ" cho bản thân Giáo sư hay cho một ai khác?

Với mong muốn cung cấp thêm các cứ liệu cho quá trình làm việc của Giáo sư tại Quốc hội trong những ngày sắp tới, và nhất là mong muốn được đối thoại với Giáo sư trên một diễn đàn mở rộng cho công chúng, chúng tôi xin được trân trọng gửi đến Giáo sư lá thư này. Kính chúc Giáo sư có thêm sức khoẻ, thêm sáng suốt và thêm nhiệt tình đối với sự nghiệp đổi mới đất nước.

Ngày 5 tháng 11 năm 2004

(Một cử tri Hà Nội)

Những nơi gửi: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Diễn đàn Vietnamnet, Diễn đàn talawas

© 2004 talawas



[1]Ðiều đáng tiếc là không ai biết rõ bài phát biểu ấy đã được đưa ra trong hoàn cảnh nào, nếu có thể Giáo sư vui lòng cho chúng tôi biết cụ thể để hiểu đúng hơn ý nghiã của những điều được đưa ra.
[2]Chúng tôi sẽ trở lại phân tích kỹ hơn mối quan hệ giữa trách nhiệm cá nhân người phụ trách trực tiếp, trách nhiệm xã hội công dân nói chung và trách nhiệm của những người đứng đầu hệ thống và tạo ra mô hình - cơ chế dựa trên các quan điểm của Giáo sư trong bài phát biểu ngày mùng 2 tháng 11 và quan điểm của đại biểu Nguyễn Ðức Dũng trong bài phát biểu ngày hôm sau.
[3]Xem ý kiến của Giáo sư Nguyễn Văn Ðạo trong cùng một hội nghị: "Vấn đề đúng là trách nhiệm của Bộ GD - ĐT nhưng Bộ không thể tự mình làm được nếu không trong một tổng thể lớn. Nếu đánh giá thành tựu của giáo dục là "một bông hoa" hay mấy bông hoa tôi cũng tán thành. Nhưng chuyện cấp thiết ở đây là phân tích và đưa ra được những giải pháp để chấn chỉnh giáo dục".
[4]Ðể đi sâu thêm vào những khả năng chi phối đầy lắt léo của quyền lực xin tham khảo thêm bài "Tản mạn với điều khó hiểu của lương" của Hoằng Danh đăng trên talawas ngày 10 tháng 8 năm 2004:
«2b. Quyền lợi kinh tế là cái cuối cùng để giữ cho “đầy tớ của nhân dân” ngoan ngoãn thực hiện chức năng giữ cho “nhân dân” ngoan ngoãn.
“Đầy tớ của nhân dân”, cho dù có tách biệt khỏi nhân dân đến đâu, họ vẫn xuất phát từ cái khối nhân dân chung đó; và trong thời đại của thông tin và giao lưu, thời đại của sự lan tỏa những giá trị về dân chủ, xã hội…, họ không thể tránh khỏi có lúc phải nhìn nhận vào thực chất những vấn đề chính trị - xã hội mà họ cũng hàng ngày hàng giờ tiếp xúc. Họ từ đó mà cũng có những phản ứng, phản kháng trong suy nghĩ, nhận thức, và cũng có thể dẫn đến phản ứng, phản kháng cả trong hành động. Cách căn cơ nhất để để ngăn ngừa “đầy tớ của nhân dân” đi đến chỗ như vậy chính là ban tặng những quyền lợi kinh tế mà họ không thể nào từ chối, và không thể nào “phản bội” những quyền lợi đó được, nếu không muốn tự chuốc họa vào thân.
2c. Các quyền lợi kinh tế này nếu được ban tặng một cách đường đường chính chính, được đảm bảo minh bạch về luật pháp, và nằm trong tổng thể của công bằng xã hội, thì nó sẽ lại càng làm đẩy nhanh tiến trình nhận thức thực chất xã hội, tăng thêm khả năng phản kháng tư tưởng và hành động ở thành phần “đầy tớ” mà thôi. Vì vậy, hợp lý nhất là ban tặng nó một cách phi lí và phi pháp, để trói buộc họ, để biến họ thành nô lệ của những quyền lợi phi lí và phi pháp đó.»
[5]Khi đưa lại bài viết này, talawas đă có một rút tít tốt hơn "Giáo dục: Vấn đề không phải ai làm bộ trưởng".