trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
9.11.2004
Nguyễn Thế
Sản phẩm của giáo dục phổ thông: con người phát triển toàn diện
(Trao đổi với ông Phạm Toàn về bài “Sản phẩm kép…”)
 
Người ta thường so sánh một cách đơn giản cho dễ hiểu kết quả của một công việc làm xong sau một quá trình cũng như sản phẩm của một nhà máy xuất xưởng sau một quy trình công nghệ, cái giống nhau là ở chỗ sản phẩm ấy tốt hay xấu: bao xi măng đó có đúng mác không, cái ti vi ấy dùng được trong bao nhiêu lâu, có hay hỏng không? Bao xi măng hay cái ti vi xấu là xấu, tốt là tốt, không cần phải bàn cãi gì nữa. Cách so sánh sản phẩm ra lò của một nhà máy với sản phẩm của một nền giáo dục đào tạo ra những con người để xây dựng một xã hội, tuy có khía cạnh gần giống nhau là cùng sau một quá trình “sản xuất”, sản phẩm ấy tốt hay xấu, nhưng đi sâu thì thấy cách so sánh đó là thô thiển, không thích hợp, quá khập khiễng, vì việc giáo dục đào tạo ra những con người khác rất xa với việc một nhà máy cho ra xưởng một sản phẩm. Ðơn giản, với một nhà máy xi măng dùng các nguyên liệu nhất định với một quy trình công nghệ nhất định thì sẽ cho ra lò một loại xi măng có mác nhất định. Nếu coi như giáo dục phổ thông là một nhà máy, thì ai cũng thấy đầu vào không phải là một thứ nguyên liệu đồng nhất, mỗi con người sinh ra đã là một thế giới riêng biệt phụ thuộc vào nhiều yếu tố cấu thành, con người không phải là một thứ nguyên liệu bất biến không chịu ảnh hưởng của môi trường trong 12 năm học trong nhà trường phổ thông, chưa nói đến những năm học nghề hay đại học, vậy thì cái quy trình để cho “ra lò” những sản phẩm là “con người” tốt nghiệp trung học phổ thông hay đại học cũng không thể nào là một quy trình đồng loạt, cố định, cứng nhắc (như của một nhà máy). Hơn nữa, con người, “sản phẩm” của một quá trình giáo dục, sau khi ra đời có thể trở nên tốt hơn hoặc xấu đi là do những hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, không như sản phẩm của một nhà máy sản xuất ra được dùng cho đến hết thời hạn quy định thì vất đi. Sản phẩm của giáo dục là con ngươì, Con Nguời viết hoa, không phải là một vật vô tri hay một sản phẩm tiêu dùng, là “Con Người Sáng Tạo” ra biết bao nhiêu sản phẩm khác nữa, sẽ là những ngôi sao lấp lánh tuỳ theo quá trình rèn luyện trong nhà trường, trong thực tế và phát huy ảnh hưởng của người đó trong cộng đồng.

Trong bài “Sản phẩm kép của nền giáo dục phổ thông” ông Phạm Toàn viết: “Khác với các nhà máy làm ra sản phẩm vật chất, cái “nhà máy” giáo dục phổ thông cho ra đời một loại sản phẩm kép”. Ông Toàn nêu lên là “dạy thể thao trong nhà trường”, khi học “thể thao là biết thực hiện những môn thể thao phổ biến nhất”, mặt thứ hai là còn phải rèn luyện trong học sinh “tâm lí tự tin”. Dạy môn toán kèm theo việc cho học sinh biết “những kĩ năng của học sinh như biết cộng trừ, biết giải phương trình, biết tính đạo hàm…” còn rèn luyện “một mặt bên kia của sản phẩm toán học là tư duy lô gích toán”. Dạy tiếng Việt để “viết đúng chính tả, dùng đúng từ nói và viết đúng câu…” và mặt bên kia “là một tinh thần tôn trọng tính chuẩn xác ngôn ngữ học”. Học văn để biết “cách thức người nghệ sĩ làm ra một tác phẩm”, từ đó “biết được một ngữ pháp nghệ thuật”, “những xúc cảm mỹ học”…

Có phải là giáo dục phổ thông cho ra đời “sản phẩm kép” như ông Phạm Toàn nghĩ ra không? Ai cũng hiểu là sau khi học xong 12 năm trong nhà trường phổ thông, với một chương trình giáo dục có nhiều bộ môn học, gồm các mặt đức, trí, thể, mỹ… mỗi học sinh ra trường là một người (tạm gọi là “một sản phẩm”) đã được trang bị cả ba yêu cầu của chương trình về kiến thức, kĩ năng và những phẩm chất cần thiết qua các môn học để học tiếp lên đại học, cao đẳng, hoặc vào các trường dạy nghề. Trong con người học sinh đó những kiến thức, những kĩ năng và những phẩm chất cần thiết trong chương trình giáo dục được tiếp thụ đến đâu phụ thuộc vào sự giảng dạy của các thầy cô và sự rèn luyện của mỗi học sinh. Cái mà ông Toàn gọi là “kép”như vậy không phải là “kép” mà là “ba yêu cầu”, ba yêu cầu đó phải có, thống nhất trong một học sinh, nếu coi học sinh là “sản phẩm” của “nhà máy” giáo dục phổ thông thì giáo dục phổ thông chỉ có một sản phẩm con người được đào tạo phải tiếp thu ba yêu cầu về các mặt đức, trí, thể, mỹ… (tuỳ theo từng học sinh). Cái mà ông Toàn gọi là “sản phẩm kép” chẳng có gì mới lạ và không một nhà giáo nào là không được học và không biết, chỉ có điều là họ thực hiện ba yêu cầu đó đến đâu và học sinh trau giồi đến đâu mà thôi.

Trước hết xin nói về những “sản phẩm kép” qua môn thể thao mà ông Toàn đã kể ra. Ông nói việc dạy thể thao trong nhà trường là để cho học sinh biết cách thực hiện những môn thể thao phổ biến và “các môn điền kinh nói trên chỉ là những công cụ để tạo ra mặt thứ hai của sản phẩm năng lực thể thao ở trường phổ thông đó là tâm lí tự tin”. Có lẽ ông quên rằng trong chương trình giáo dục phổ thông về giáo dục thể chất ở bậc Tiểu học và Trung học thì việc dạy thể dục ở các lớp dưới là chính, có kết hợp với dạy thể thao ở các lớp trên đều bao gồm yêu cầu ba mặt về kiến thức, về kĩ năng và về thái độ. Xin phép được nhắc lại ba yêu cầu đối với học sinh Trung học cơ sở trong 4 năm học: “Về kiến thức: Hiểu lí thuyết chung về một số động tác kĩ thuật thể dục thể thao. Biết một số phương pháp tập luyện để phát triển cơ thể. Có kiến thức cơ bản về vệ sinh cơ thể, giới tính, môi trường, lao động, dinh dưỡng. Biết phòng và chống một số bệnh thông thường. Về kĩ năng: Biết thực hiện các động tác cơ bản của thể dục thể thao, rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn quy định. Biết giữ vệ sinh thân thể, giới tính, học tập, lao động vui chơi và môi trường. Biết thực hiện các quy tắc xếp đội ngũ, phòng tránh bom đạn và sơ cứu. Về thái độ: Có ý thức tập luyện thể dục thể thao, có ý thức tổ chức kỉ luật, tinh thần trách nhiệm trong tập luyện và thi đấu. Chấp hành luật lệ trong tập luyện và thi đấu. Hăng hái tham gia các hoạt động vui khoẻ ở trường và địa phương. Thích hoạt động sôi nổi tươi trẻ, tự nhiên, nhanh nhẹn, mạnh dạn, dũng cảm…

Về giáo dục thể chất, vệ sinh, quốc phòng với học sinh trung học phổ thông trong 3 năm, xin nêu: Về kiến thức: Hiểu các phương pháp tập luyện nhằm hình thành kĩ năng, kĩ xảo vận động và phát triển các tố chất thể lực (nhanh, mạnh, bền, khéo). Hiểu biết kĩ thuật cơ bản của thể dục, biết các kĩ năng sơ đẳng của một số môn thể thao… Hiểu biết một số kiến thức quân sự phổ thông, thể thao quốc phòng. Về kĩ năng: Biết rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn quy định. Có khả năng tự điều chỉnh phù hợp với sức khoẻ các hoạt động sinh hoạt, học tập, lao động, vui chơi. Có kĩ năng kĩ xảo vận động cơ bản của thể dục và một số môn thể thao. Biết tổ chức tập luyện và thi đấu thể dục thể thao ở lớp, trường, địa phương. Biết điều lệnh nội vụ quân sự. Về thái độ: Có ý thức bảo vệ sức khoẻ trong học tập, lao động và sinh hoạt. Có nhu cầu thường xuyên rèn luyện thân thể… Chấp hành luật lệ quy định trong tập luyện và thi đấu. Có tinh thần thượng võ, ý thức tổ chức, kỉ luật, tinh thần trách nhiệm, trung thực, linh hoạt, nhanh nhẹn, mạnh dạn, dũng cảm…” Trên đây tôi chỉ trích ở phần hướng dẫn giáo dục thể chất vệ sinh trong chương trình phổ thông mà thôi. Ðiều mà ông Toàn “sáng tạo” ra “Sản phẩm kép cuả nền giáo dục phổ thông” trong dạy thể thao làtâm lí tự tin chỉ là một khía cạnh rất nhỏ đã có sẵn ghi trong yêu cầu giáo dục thể chất từng cấp học quy định như đã nêu ở trên. Ông cũng nói đến “ nhà trường phổ thông không bao giờ tôn thờ “thể thao thành tích cao”. Ở đây mọi sự “tranh tài” chỉ để cho vui thôi”. Cần lưu ý là mọi chương trình giảng dạy trong giáo dục phổ thông đều quy định giới hạn, dạy Toán đến đâu, dạy Văn đến đâu, dạy Thể dục, thể thao đến đâu…, trường PT không phải là một trường chuyên nghiệp, học sinh cần được học tập và trau giồi toàn diện các mặt mà ta quen gọi là Ðức, Trí, Thể, Mỹ; vậy thì có “thể thao thành tích cao” cũng là nằm trong giới hạn nhà trường phổ thông, trong độ tuổi đang theo học phổ thông; những thành tích cao đó không cản trở đến việc trau giồi toàn diện thì cũng đáng khen, để các bạn học sinh khác noi theo thì cũng tốt, như vậy có việc gì mà chê trách, miễn là đừng gian dối, bỏ học các môn khác.

Ði sâu cụ thể vào các môn như Toán học, Tiếng Việt, Văn học… ông Toàn cũng tìm ra cái mà ông gọi là “sản phẩm kép” thì chính những cái đó đã được ghi trong hướng dẫn thực hiện chương trình từng bộ môn học. Xin mời bạn đọc quan tâm, có điều kiện hãy tìm đọc trong các sách hướng dẫn bộ môn từng cấp học và từng lớp để thấy những điều ông Toàn gọi là “sản phẩm kép” không có gì là mới mẻ cả! Trong suốt quá trình học phổ thông cả ba yêu cầu của nhiều môn học cùng tác động, kết hợp với nhau, thấm sâu, nhuần nhuyễn trong một con người là học sinh mà ta khó tách bạch ra được. Con người học sinh ra trường là một người, (một “sản phẩm”), học sinh đó được giáo dục phổ thông giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ… với yêu cầu nắm vững kiến thức, có kĩ năng thực hành, có tư tưởng, tâm lí, tình cảm theo yêu cầu của cấp học.

Có người khi đọc bài của ông Toàn đã nói: “Ông Toàn đã đi tìm 12 giờ vào giữa trưa!” Không biết bạn đọc có đồng tình?”. Ông viết: “sản phẩm cuối cùng của giáo dục phổ thông là cậu học trò biết làm việc… chưa là người lao động có nghề đích thực. Song sản phẩm đó đã có những yếu tố đúng nhất cuả một người lao động, đó là sự biết làm thay cho sự chỉ biết nói… biết làm việc đúng đối tượng. Nghĩa là các em biết cách học hoặc còn có thể nói là cách chiếm lĩnh các đối tượng khác… các em sẽ có mặt thứ hai của sản phẩm đó là cái tinh thần luôn luôn biết tự giao nhiệm vụ: ta phải làm gì…?” Ông cũng nói đến sản phẩm của nhà trường “mang tính đồng loạt” và cách học ở các cấp cũng khác nhau, ở tiểu học “mang tính chất học phương pháp học”, ở trung học “mang tính chất tập nghiên cứu”, lên đại học “sẽ tập độc lập nghiên cứu”. Những điều ông Toàn nêu ra chỉ là những điểm yêu cầu của giảng dạy một số bộ môn, những điều về phương pháp giảng dạy và học tập các bộ môn ở các cấp. Những điều ông viết ra không xa lạ gì với những nguyên lí giáo dục của nước ta đã được nêu ra từ khá lâu là: “Học đi đôi với hành, Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, Lí thuyết gắn liền với thực tiễn…” Chỉ có điều là việc thực hiện những nguyên lí và phương pháp đó chưa được quán triệt đầy đủ và còn yếu.

Khách quan mà xét, đúng là giáo dục phổ thông hiện nay chất lượng còn thấp, những mẫu người giáo dục phổ thông cung cấp cho xã hội chưa đáp ứng yêu cầu, do nhiều nguyên nhân trong đó có việc chạy theo một nền giáo dục thi cử, thành tích nên các giáo viên trong nhà trường phổ thông đã không thực hiện đầy đủ theo yêu cầu giảng dạy, chỉ thiên về dạy kiến thức, để đáp ứng làm bài đi thi nên đã dẫn đến đào tạo những học sinh què quặt lệch lạc. Ðó cũng chính là bức xúc chính của nhân dân cả nước mà giáo dục chậm khắc phục.

Những điều ông Toàn viết không có gì là mới lạ để đến nỗi ông phải bực mình coi thường người khác “Không biết rõ những điều như thế, đừng bàn về giáo dục nữa mà mất thời giờ”. Vì vậy cũng có thể nói với ông: nếu chưa đọc kĩ những quan điểm giáo dục, những hướng dẫn giảng dạy từng bộ môn trong nhà trường phổ thông nên tưởng mình sáng tạo khám phá ra cái “sản phẩm kép” thì cũng không nên viết, vừa tốn giấy mực và lại mất thời giờ của người xem!

© 2004 talawas