trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
18.11.2004
Nguyễn Văn
Vấn đề so sánh
 
Đọc những phát biểu của Nguyễn Thế về giáo dục và đội ngũ giảng dạy đại học ở Việt Nam tôi chỉ thấy một hiện trạng ảm đạm và một tương lai vô vọng. Bài viết còn nói lên giới khoa bảng Việt Nam ở trong nước quá dốt, dở, bất tài. Những con số thống kê so sánh chính xác đến ba con số lẻ (nhưng không đề nguồn gốc chính xác), những trích dẫn in đậm (nhưng không đề xuất xứ rõ ràng) nói lên một cách đanh thép nền giáo dục nước ta đang trong thời kì khủng hoảng trầm trọng. Khủng hoảng đến độ hết thuốc chữa. Đó là ấn tượng khi đọc bài viết. Nhưng có cần phải có những câu phát biểu trùm chăn – “blanket statements” (tôi ham tiếng Tây!) cho bớt tức lồng phổi không? Có cần nói thêm những gì mà những ai quan tâm đều “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” không? Có cần phải bàn cãi thêm rằng nền giáo dục đại học ở nước ta đang có vấn đề? Có cần phải biện minh cho tình trạng bất cập về chất lượng đào tạo bậc đại học ở nước ta? Dù mù tịt vè các hoạt động khoa bảng và khoa học, tôi cũng có thể thấy những phát biểu của Nguyễn Thế không những thừa, mà còn phiến diện và… [nói ra chắc bạn sẽ buồn]… khôi hài. Xin lạm bàn vài điểm chính như sau:

Về chức danh / học hàm giáo sư. Một người thường dân, chẳng “sĩ sư” gì như tôi, không thấy khác biệt gì giữa hai cái danh từ hơi trừu tượng này trong thực tế. Chức danh là tên gọi của chức vụ: giáo sư, phó giáo sư, giảng viên, giám đốc, bộ trưởng, bí thư… Các chức danh giáo sư cũng là những nấc thang khoa bảng trong đại học, một cách ghi nhận cống hiến của người mang chức cho khoa học, cho xã hội nói chung và cho nhà trường nói riêng. Hai chữ “cống hiến” rất quan trọng. John Pilger chưa bao giờ chính thức lên lớp giảng dạy truyền thông, nhưng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Cornell. Có cái gì sai nếu một người làm ở Bộ y tế mang chức danh “giáo sư”? Nên nhớ, “giáo sư” không phải chỉ là “người làm nhiệm vụ giảng dạy có trình độ cao ở đại học”, mà cũng có thể là người làm nghiên cứu thuần túy chứ chưa bao giờ lên giảng đường một ngày nào. Chính vì thế mà ở các nước Tây phương, có người làm trong các bộ của chính phủ, viện nghiên cứu, công ti kĩ thuật tư nhân… cũng mang hàm “professor” đấy. Thế nào là trình độ cao? Cử nhân? Cao học? Tiến sĩ? Hiện nay, nhiều đại học Mĩ vẫn có người mang hàm giáo sư mà có bao giờ qua bậc tiến sĩ đâu.

Có một điều khá phổ biến trong những bàn luận về giáo dục hiện nay là người ta có khuynh hướng nghĩ rằng học vị và học hàm của họ (từ các nước Tây phương) là ưu việt hơn bằng cấp của người khác (tức là trong nước), các giáo sư mà họ theo học là danh tiếng hơn, tốt hơn, giỏi hơn các giáo sư trong nước. Dù không nói ra, nhưng cách đánh giá của họ thường dựa vào những cái chuẩn của Tây phương, dựa vào sự giàu mạnh của xứ sở mà họ cư ngụ. Giáo sư ở Mĩ, ở Pháp chắc phải tài giỏi hơn giáo sư ở Tây Ban Nha. Chất lượng bằng cấp thường được đánh giá [ngầm] một cách chung chung dựa vào nền khoa học kĩ thuật của một nước hơn là dựa vào khả năng của người có bằng cấp. Chính vì thế mà những nước đã phát triển như Mĩ, Anh, Pháp, v.v… không chịu công nhận bằng cấp và học hàm từ các nước nghèo hơn như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, v.v… Lí do không công nhận bằng cấp nước ngoài thường được núp dưới danh nghĩa “tiêu chuẩn”, tức là theo họ, những chuyên viên được đào tạo trong các nước đang phát triển có tiêu chuẩn thấp hay không đạt tiêu chuẩn mà họ đưa ra. Thật là khôi hài và ấu trĩ nếu người Anh cho rằng kĩ sư của họ tài giỏi hơn kĩ sư người Đức, hay bác sĩ của họ được đào tạo kĩ hơn các bác sĩ người Mĩ hay Pháp, hay các nhà toán học của Úc khá hơn các nhà toán học Việt Nam hay Ấn Độ. Ấy thế mà đó là những nguyên nhân mà họ đưa ra để không chịu công nhận bằng cấp của người khác! Nhưng xét cho cùng, ngoài một vài lí do chính đáng, sự không-công-nhận bằng cấp nước ngoài cũng là một cách phô trương thanh thế của họ, những nước giàu có, chứ chẳng liên quan gì đến tiêu chuẩn và phẩm chất đào tạo.

Vấn đề ngoại ngữ. Tôi tưởng tượng rằng biết thêm một ngoại ngữ là một điều tốt, một điểm mạnh trong hoạt động khoa bảng, bởi vì các tài liệu khoa học ngày nay được viết bằng tiếng Anh và Pháp. Nhưng có cần tiêu chuẩn ngoại ngữ để được đề bạt giáo sư hay không? Tôi ngờ lắm. Có bao nhiêu giáo sư người Nhật, người Thái, người Nam Dương… biết tiếng Pháp, tiếng Anh? Hay có bao nhiêu giáo sư người Mĩ biết viết và nói thông thạo tiếng Pháp?

Vấn đề công bố bài báo khoa học. Không còn nghi ngờ gì nữa: các nhà khoa bảng nước ta, nói chung, còn quá kém trong lĩnh vực này. Nhưng vấn đề đặt ra là có nên căn cứ vào những bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế để đánh giá khả năng của giáo sư hay không? Có lẽ không. Ưu tiên hàng đầu của phần lớn đại học nước ta là giảng dạy (teaching) chứ không phải làm nghiên cứu (research). Nghiên cứu là một hoạt động xa xỉ ngay cả đối với một số lớn đại học Tây phương. Nghiên cứu đòi hỏi phương tiện, thiết bị hiện đại, và nhất là tài chính. Trong điều kiện khó khăn và eo hẹp như thế mà họ cho ra 340 bài báo hàng năm cũng là đáng ngạc nhiên. (Tôi nghĩ con số còn thấp hơn nhiều trong thực tế. Làm sao biết được công trình nghiên cứu làm tại Việt Nam?) Nước ta chưa thể và cũng không nên dành ra một ngân sách hàng triệu Mĩ kim để nghiên cứu di truyền trị liệu (gene therapy), trong khi nguyên nhân tử vong số một trong dân số là bệnh lao và truyền nhiễm.

Cái lựa chọn ở đây là có nên công bố những bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế mà nó chẳng có hiệu quả hay ích lợi gì cho Việt Nam. Câu trả lời quá hiển nhiên. Cũng cần phải nói thêm rằng ở Mĩ có rất nhiều giáo sư công bố những bài báo khoa học mà chúng ta chỉ có thể nói là rác rưởi, là “mickey mouse”, những nghiên cứu chỉ làm tốn tiền chứ chẳng đem lại tri thức gì mới cho nhân loại. Có cần phải “nghiên cứu” tác hại của thuốc lá trong bệnh phổi hay không? Ấy thế mà hàng tuần có vài chục nghiên cứu như thế ở các nước Tây phương! Hay nên nghiên cứu về cách diệt sâu trừ cỏ an toàn cho cây lúa và công bố trong một tạp chí ở Việt Nam? Hay nên nghiên cứu cách quản lí và điều trị các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam (có bao nhiêu tạp chí khoa học Tây phương thích đăng những bài như thế) hay nên tranh nhau xem ai có bài báo hơn ai (trẻ con quá!)?

Nguyễn Thế còn so sánh những tỉ số thống kê rắc rối, nhưng tựu trung lại ông muốn nói giới khoa bảng Việt Nam lười biếng. Tại sao Thái Lan có nhiều bài báo trong hệ thống Medline hơn Việt Nam? Câu trả lời không phải đơn giản là họ làm nhiều nghiên cứu hơn ta hay tài giỏi hơn ta. Cách đây khoảng 10 năm, hệ thống thư viện điện tử y khoa (Medline) quyết định liệt kê tất cả những bài báo có bản tóm tắt bằng tiếng Anh đã công bố trên các tạp chí y sinh học của các nước đang phát triển hay ngoài quĩ đạo Tây phương (như Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Nhật, v.v…) trong thư viện. Chính vì thế mà con số bài báo khoa học của các nước này đột nhiên tăng vọt. Không nên chỉ nhìn vào con số mà phán đoán và than dài trách ngắn.

Văn hóa “publish or perish”. Nhìn qua những tờ lí lịch dài thượt của giới khoa bảng Tây phương chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy đó là một nghệ thuật mà người ta gọi là “Viết lí lịch sáng tạo” (Creative curriculum vitae writing). Những tưởng thưởng nhỏ được bốc thơm, những trách nhiệm hành chính được quan trọng hóa, những vai trò trong hợp tác nghiên cứu được thổi phồng, và nhất là liệt kê cho thật nhiều danh sách bài báo đã công bố, kể cả danh sách những bài thuyết trình tại các hội thảo (abstracts), những bài báo chưa in, thậm chí những bài báo chưa viết! Không một lí lịch của một nhà khoa học nào đề cập đến những thất bại trong nghiên cứu; ngược lại, nó là một bản vàng mà trong đó nhà khoa học khoe những thành công ngoạn mục trong sự nghiệp khoa học của mình. Cách viết lí lịch như thế đã trở thành một cái chuẩn trong giới khoa bảng Tây phương. Chúng ta có cần bắt chước như thế hay không?

Giáo sư Tôn Thất Tùng công bố được bao nhiều bài báo khoa học trên thế giới? Giáo sư Võ Tòng Xuân có bao nhiêu bài báo trên các tập san nông học quốc tế? Mà, thế nào là “quốc tế”? Phải viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp mới là “quốc tế” chăng? Những con số bài báo đối với những người như hai giáo sư vừa kể không có nghĩa gì cả. (Có chăng là nó làm “hoa lá cành” cho cái lí lịch của họ - sẽ nói sau về chuyện này). Cống hiến của họ cho nền y học và nông nghiệp nước nhà nói lên vạn lần những cái-gọi-là bài báo khoa học trong các tập mà có hay không có chúng cũng chẳng ăn nhằm gì đến Việt Nam và khoa học thế giới.

Về bằng sáng chế (patent). Đây cũng không phải là thước đo trình độ giáo sư, nhà khoa học tại các nước đang phát triển. Đây là vấn đề cơ chế. Quá trình đăng kí bằng sáng chế không phải đơn giản; nó cần đến những luật sư chuyên môn biết được đường đi nước bước của hệ thống đăng kí bên Tây phương, và cần có ngân sách để theo đuổi công việc này. Việt Nam ta chưa có những cơ quan chuyên môn quản lí và giúp đỡ nhà khoa học làm công việc đó. Đó là chưa nói đến những thiên vị, kì thị, ganh tị, và gian lận trong quá trình đăng kí và cấp bằng sáng chế mà ai từng trải qua đều có thể biết được. Có thể khuyến khích, nhưng không nên đòi hỏi các nhà khoa bảng phải nhất thích có bằng sáng chế mới xứng đáng với danh hiệu [hay tiêu chuẩn cho việc phong hàm] giáo sư.

Quay trở lại vấn đề tiêu chuẩn tiến phong giáo sư. Tiêu chuẩn và phẩm chất học hàm thường mang tính địa phương; tức là cũng có sự khác nhau giữa các thời điểm, giữa các nước, và thậm chí giữa các trường đại học trong cùng một nước. Một vị giáo sư ở Mĩ có thể chỉ được xem tương đương với một phó giáo sư ở Pháp hay Anh, và ngược lại. Tương tự, một giáo dư dự khuyết (ấy là tôi dịch từ chữ “Assistant Professor”) ở một trường danh tiếng tại Mĩ có thể trở thành giáo sư ở Nhật, Hồng Kông hay Singapore. Vì thế không thể và không nên áp đặt hay bê nguyên xi những công thức của người khác vào tình hình nước ta.

Các trường đại học nước ta vẫn chủ yếu là những trung tâm giảng dạy và đào tạo, chứ chưa là những trung tâm nghiên cứu khoa học. Ngay cả trong đội ngũ giảng dạy đại học nước ta, con số người thực sự làm nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp vẫn còn rất hiếm. Mà, dù cho chúng ta có người làm nghiên cứu khoa học đi nữa, thì ngân sách dành cho nghiên cứu cũng chẳng bao nhiêu, và theo đó năng suất khoa học cũng chưa thể so sánh với các đại học lớn của Tây phương. Trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi các giáo sư Việt Nam phải có những bài báo khoa học trên các tập san quốc tế hay có bằng sáng chế như các giáo sư tại các đại học Tây phương là một yêu cầu thiếu thực tế. Vì thế, không thể nào so sánh đại học tại các nước đang phát triển ở Á châu như nước ta và đại học tại các nước Tây phương được, vì việc làm đó đứng trên phương diện logic mà nói, đã sai ngay từ giả định của cách đặt vấn đề.

Không thể nào tóm gọn tình trạng sức khỏe của một bệnh nhân bằng một con số duy nhất. Tương tự, không có một chỉ số thống kê nào, dù được tính toán tinh vi đến đâu, có thể phản ánh cái “tốt” (hay cái dở) của một trường đại học. So sánh số lượng công trình được công bố trên các tập san khoa học danh tiếng như Nature, Science, Cell, PNAS, v.v… không phải là cách làm có ích và có ý nghĩa, bởi vì một số phân khoa có xu hướng (thậm chí truyền thống) công bố những bài báo ngắn và hay trích dẫn lẫn nhau. Thêm vào đó là phong trào nghiên cứu khoa học cũng ảnh hưởng đến lượng trích dẫn (citation index). Chẳng hạn như Tập san Nature Genetics (mới ra đời như là một “tập san con” của Nature vài năm qua), nhưng vì thường công bố những công trình khoa học “thời thượng” liên quan đến di truyền học và sinh học phân tử nên có chỉ số ảnh hưởng (impact factor) rất cao, cao hơn cả tập san mẹ Nature! Ngoài ra, các tập san khoa học tự nhiên (như toán học chẳng hạn) thường có chỉ số impact factor chỉ bằng khoảng 1 phần 10 các tập san khoa học thực nghiệm, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là các bài báo trên tập san Journal of the American Mathematical Society (impact factor = 2.1) không quan trọng bằng các bài báo trên tờ Journal of the American Medical Association hay JAMA (impact factor = 17.6). Ngược lại là đằng khác, bởi vì một số lớn các bài báo trên tờ JAMA thường không có giá trị lâu dài và thường chứa nhiều sai sót trong nghiên cứu.

Không ai, nếu không là người ngô nghê, đi so sánh hai trường mà chúng không có mẫu số chung hay không bắt đầu từ một thời điểm. Do đó, trước khi chê bai các đại học Việt Nam, xin hãy nhìn kĩ lại quá trình phát triển của các đại học danh tiếng ở Mĩ như Harvard, Princeton, Yale… được hình thành như thế nào. Hãy xem các đại học danh tiếng ngày nay ở Nhật đã được ra đời và phát triển như thế nào. Có phải họ cũng bắt đầu với những bất cập, với đội ngũ giáo sư mà theo tiêu chuẩn ngày nay là “trình độ quá thấp” (vì không có học vị tiến sĩ?), với năng suất khoa học (tính theo số lượng bài báo khoa học và bằng sáng chế) chỉ đếm đầu ngón tay? Có phải Đại học Y Hà Nội bắt đầu lớp học từ một phòng nhỏ trong một nhà thương? Phải nhìn như thế chúng ta mới biết mình đang ở đâu và đặt ra những mục tiêu thích hợp – thích hợp cho tình hình phát triển ở Việt Nam, chứ không phải làm hài lòng những người hay nhảy đầm với những con số thống kê ở hải ngoại.

Chúng ta cần phải nhận thức rằng tất cả các con số thống kê đều là sản phẩm của những hoạt động xã hội. Không ai có thể hiểu được những con số thống kê nếu không chịu khó tìm hiểu quá trình chúng được sản sinh hay thu thập như thế nào. Trước khi đặt bút miệt thị, trước khi mở miệng nguyền rủa, thậm chí trước khi mở bộ não tìm câu chữ kết tội giáo dục nước nhà, xin nhớ rằng nước ta đã trải qua cả “trăm năm đô hộ giặc Tây”, hơn hai mươi năm đánh nhau giành độc lập, và hai mươi năm bị Mĩ “cấm vận”. Có lẽ 1995 (tức chỉ trên dưới 10 năm đây thôi) là cái mốc thời gian để bàn thảo và so sánh. Không nhìn cái mốc đó, hay không chịu xem xét những bối cảnh đó của Việt Nam mà đi so sánh với Tây, với Thái, với Mã thì chẳng khác gì người mù húp cháo.

Nói như thế không có nghĩa là biện minh cho những nạn tiêu cực trong nền giáo dục nước nhà hiện nay, không phải để cho rằng tất cả những hàm giáo sư ở nước ta không có vấn đề (có, nhiều lắm), không phải là quay lưng lại với tình trạng trì trệ trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ta. Tất cả những vấn đề đó đã và đang là mối bận tâm của rất nhiều người có tâm huyết, những người thật sự động não đi tìm một giải pháp để khắc phục vấn đề. Điều đáng buồn là theo sau hay chen lẫn trong những người tâm huyết đó là một vài tiếng nói thiếu tính xây dựng, nếu không muốn nói là hằn học.

Ta có vấn đề. Quá hiển nhiên. Ta phải tìm lấy giải pháp để khắc phục. Nhìn sang và so sánh với các nước bạn là để tham khảo, để học hỏi kinh nghiệm, chứ không phải để phấn đấu đạt được y chang như bạn kiểu “Keep up with the Jones” (đã nói tôi ham nói tiếng Tây mà!). Những so sánh với các nước trong vùng hay với Mĩ chỉ là một phối cảnh, chứ không phải lấy đó làm cái chuẩn để miệt thị và khinh thường cả một tập thể là bất tài.

© 2004 talawas