trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
6.1.2005
Hà Thư Sinh
Tôn trọng sự khác biệt
(Vài lời về cải cách giáo dục…)
 
Chuyện cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay, các diễn đàn đã bàn nhiều. Trong các ý kiến tôi thấy bản kiến nghị của các nhà giáo tâm huyết gửi chính phủ là chính xác, toàn diện nhất. Đọc xong kiến nghị, điều đọng lại trong tôi đậm nét nhất là 2 từ: cần dạy cho lớp trẻ “trung thực, sáng tạo”.

Đối với những người sống tại các nước dân chủ, điều này nghe thật lạ lùng. Có người chắc sẽ sửng sốt nữa. Nguyên tắc đương nhiên, tối thiểu của một hệ thống giáo dục phải là như thế, còn gì phải kiến nghị. Nhưng đối với tôi, là một người đang sống tại Việt Nam và đã lớn lên trong hệ thống ấy, tôi thấy 2 từ đó nói lên nỗi lòng của chúng tôi một thời đi học. Đúng là chúng tôi đã lớn lên trong một nền giáo dục thiếu vắng những nguyên tắc căn bản như trung thực và sáng tạo. Điều đó đã ảnh hưởng đến tính cách của chúng tôi rất nhiều.

Hệ thống giáo dục đó đã dạy chúng tôi thỏa hiệp với cái giả dối. Miệng nói một đằng theo chủ trương từ trên đưa xuống cho yên thân, đầu óc thì nghĩ khác. Còn thực tế thì mỗi người đi tìm một giảp pháp riêng cho vấn đề của mình. Nhưng vấn đề của mỗi người thật ra lại là vấn đề chung của mọi người. Tình trạng nhà hộp diêm dựng đứng (mặt tiền 4m, cao vài tầng) và xe gắn máy quá nhiều tại các đô thị Việt Nam là thể hiện rõ nhất của chuyện mỗi người tìm một giảp pháp cho riêng mình này.

Trong 12 năm đi học phổ thông, bạn bè tôi và tôi sợ nhất là 2 tiết làm văn nghị luận. Bắt đầu từ lớp 8 thì phải. Trong hai giờ dài lê thê đó chúng tôi phải làm những bài văn bình luận, phân tích, chứng minh nhận định của một vị lãnh đạo văn nghệ đáng kính nào đó hoặc là nhận định của các nhà soạn sách giáo khoa, những đề văn na ná giống nhau như: “Chứng minh chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thơ văn giai đoạn…”. Có bao giờ bạn được phép viết điều bạn nghĩ đâu. Nếu bạn viết: “truyện về chị Sứ chán phèo”, hay “thơ Tố Hữu dở ẹc” chẳng hạn, thì sẽ có vấn đề ngay. Bài văn sẽ bị điểm 0. Bạn sẽ bị quy là có tư tưởng phản động, phải viết bản kiểm điểm thành khẩn hối lỗi, đạo đức bị xếp loại yếu hoặc cao lắm là trung bình. Bố mẹ bạn sẽ được mời lên trường làm việc ngay. Cả lớp sẽ có chuyện vui để bàn tán, rồi chuyện đồn râm ran ra toàn trường cũng nên. Bạn sẽ trở thành anh hùng. Với danh tiếng đấy mà đi tán các bạn gái xinh đẹp trong lớp thì còn gì bằng.

Ở các lớp dưới thì các bài văn muốn có điểm cao thường phải kết thúc bằng: “Là học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, em nguyện sẽ đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần đến…”. Giờ đây bạn bè xưa gặp mặt chúng tôi vẫn nhắc lại những câu văn ngày xưa và cười với nhau về một thời như thế.

Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy chúng tôi ngán 2 tiết làm văn đấy chẳng phải vì không thích học văn, viết văn, mà vì phải nặn óc ra mà nói dối, nhai đi nhai lại các lời văn giáo điều ngán đến tận cổ, viết những điều mình không hề nghĩ mà chỉ là vừa lòng hệ thống để đủ điểm lên lớp. Thời ấy văn và toán là hai môn quan trọng nhất để xếp hạng. Nếu văn mà thấp điểm thì có nguy cơ bị xếp hạng học sinh yếu ngay.

Từ kiến nghị của các nhà giáo, nếu được phép nén mục tiêu của giáo dục Việt Nam hiện nay lại trong vài từ, tôi sẽ nén như thế này: “Trung thực, sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt”.

Việt Nam là một đất nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo cả ngàn năm (có thể cái Nho giáo mà chúng ta thường thấy là gốc Việt Nho đã bị Hán hóa và thoái hoá như giả thiết của giáo sư Kim Định). Những điều cốt lõi như: Nhân, Trí, Dũng và phong cách người Quân tử thì vẫn còn giá trị. Nhưng những cái như: tư tưởng Đức trị [1] , tính gia trưởng, độc đoán… vốn thoát thai từ Tam cương (3 mối quan hệ: Vua-tôi, Cha-con, Chồng-vợ) thì còn gây hại nhiều. Ngày nay Tam cương đã nhẹ hơn ngày xưa nhiều, nhưng ra ngoài xã hội người Việt vẫn có xu hướng độc đoán trong suy nghĩ: chỉ tôi đúng nó sai. Nó đã sai rồi thì không thể chấp nhận nó được, không thể chung sống với nó được. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy cản trở tiến trình phát triển. Không chấp nhận cái mới, cái khác mình. Khó hợp tác với nhau.

Theo cảm tính của tôi, nếu phân loại các quốc gia không theo GDP mà theo tiêu chuẩn “Tôn trọng sự khác biệt” với thang điểm từ 1 đến 10, tôi ngờ rằng những nơi có điểm cao sẽ là những nơi có chất lượng sống cao nhất, cuộc sống phồn vinh nhất (như là các nước Bắc Âu hiện nay chẳng hạn). Những nơi có điểm thấp hẳn là các quốc gia nghèo đói, tụt hậu nhất (như Việt Nam, Bắc Hàn và một số nước Châu Phi chẳng hạn). “Sáng tạo” và “Tôn trọng sự khác biệt” hình như có một mối liên hệ nào đó. Sáng tạo là tạo ra cái mới, cái khác người, nếu không được tôn trọng thì làm sao có đất sống thành cây cối sum xuê, xanh tốt được. “Tôn trọng sự khác biệt” chính là cái nôi cho sáng tạo, cũng là môi trường tốt cho sự hợp tác giữa những người có chính kiến khác nhau vì một mục tiêu chung. Sáng tạo chính là động lực cho sự phát triển của xã hội loài người đấy thôi.

Chủ nghĩa cộng sản (CNCS) giống như một khối kim loại nóng chảy qua các nước, nơi nào có khuôn mẫu phù hợp nó sẽ tuôn chảy vào và định hình ở đó. Những nơi không phù hợp nó sẽ chảy qua mà chẳng để lại một hình hài nào. CNCS trên thực tế thực chất chỉ là những chế độ độc tài toàn trị. Mà độc tài toàn trị thì chỉ là một mức cao hơn và là anh em thân thiết của tính độc đoán mà thôi.

Tinh thần độc đoán của người Việt giống như một cái khuôn chờ sẵn. Khi CNCS chảy đến Việt Nam, nó chỉ việc tuôn vào khuôn và định hình trong đó thành một khối sắt đen đúa cứng ngắc (đến nay vẫn chưa chịu ra đi). Ở những nơi khác như Đông Âu chẳng hạn, nó tràn qua và để lại một khối dị dạng không kém. Còn những nơi khác như Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ chẳng hạn thì chẳng thấy dấu vết nào của nó.

CNCS tại Châu Âu cũng có một biến thể: Trotsky chấp nhận đa nguyên (sau thành Đệ Tứ Cộng sản, trong khi Việt Nam theo Đệ Tam cho Độc đảng và bạo lực chuyên chính vô sản là cẩm nang muôn đời. Đệ Tứ được thừa nhận rộng rãi ở Tây Âu và một số nước khác trong khi tại Nga, Trotsky lại bị xem như kẻ phản bội, bị khai trừ khỏi Đảng, cho đi đày biệt xứ và bị ám sát). Các nhà cách mạng theo tư tưởng Trotsky ở Việt Nam như Tạ Thu Thâu và các bạn Đệ Tứ của ông nếu không bị các đồng chí của mình với nhiệt tình cách mạng cao ngất trời sát hại sớm và nhóm của ông được nắm quyền lực tại Việt Nam thì rất có thể chúng ta đã được có đa nguyên ngay trong lòng CNCS.

Nhưng chuyện người Việt hợp tác kém, đấu đá, chụp mũ nhau đâu phải chỉ xảy ra trong nước. Khi sống tại các nước dân chủ, những chuyện tương tự tưởng chừng không có đất sống lại vẫn xảy ra như thường. Như vậy không thể đổ hết tội cho CNCS được. Còn một cái gì đằng sau đó nữa như là văn hóa cư xử chẳng hạn.

Nếu lớp trẻ không có tinh thần chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt thì dù cuộc đấu tranh giành dân chủ hiện nay có thắng lợi, cơ chế đa đảng được thực hiện tại Việt Nam đi nữa thì người Việt cũng khó mà chung sống yên bình, hợp tác với nhau vì một đất nước phồn vinh được.

Văn hóa là gì nếu không phải là các giá trị thoạt tiên do thiểu số sáng tạo ra? Khi tồn tại được qua thời gian nó sẽ trở thành giá trị phổ biến cho số đông.

12.2004

© 2005 talawas



[1]Tư tưởng Đức trị đã lạc hậu. Ngày nay các nước tiến bộ đều theo Pháp trị, tam quyền phân lập. Pháp trị thật sự chứ không phải kiểu nền pháp trị xã hội chủ nghĩa như ở ta, nơi mà lệnh miệng có giá trị hơn là pháp luật trên văn bản, tòa chưa xét xử mà đã biết trước án là bao nhiêu năm tù rồi, tiêu biểu như các vụ: Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn... Đức trị cũng dẫn đến việc “Cái tâm có lãi bằng ba cái tài” hay “Tại sao người Việt chọn lý tưởng làm quan?” như tác giả Hà Nhân Văn LLH đã viết trên talawas.