trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dụcVăn họcVăn học Việt Nam
19.1.2005
LÆ°Æ¡ng ThÆ° Trung
Thư gửi Thầy Cao Vị Khanh
 
Boston ngày 15 tháng giêng năm 2005,

Kính chào Thầy Cao Vị Khanh,

Tôi là một người vốn sống ở miền quê, thuở nhỏ có học trường làng rồi lớn thêm một chút được cha mẹ cho lên tỉnh học. Lớp học trò quê lên tỉnh như chúng tôi thì nghèo lắm Thầy ạ! Cha mẹ làm ruộng, thiếu trước hụt sau, nên không gia đình nào đủ tiền cho con cái ăn cơm tháng; mà phải tự lực cánh sinh bằng cách lên gần trường học kiếm mướn một khoảnh đất rồi chở tre chặt lá lên che chòi cất tum cho con cái có chỗ tạm ngụ mà học hành. Việc ăn uống, chúng tôi tự mang gạo củi từ dưới quê lên nhúm lửa nấu cơm. Ăn lấy sống để học, không cầu lấy ngon, chỉ cầu no bụng thôi. Nói thế để Thầy thương.

May sao, vừa nhận được tác phẩm Nghề Thầy [1] của Thầy do Thư Ấn Quán phát hành, nhà văn Trần Hoài Thư gởi tặng, tôi mải mê đọc cả ngày, thấy được nỗi niềm của Thầy, một vị giáo sư tốt nghiệp trường Ðại học Sư phạm Sài Gòn ngày trước, một học vị mà hồi nhỏ cũng như ngay bây giờ tôi hằng mơ ước mà không bao giờ đạt nổi trong đời mình. Và từ cảm mến lời văn đến mê say câu chuyện và thấy phục cái nghề dạy học cùng mến mộ một người Thầy như Thầy qua 99 trang sách gói gọn một nỗi niềm mà tôi xin mạo muội có lá thư dài này.

Thưa Thầy,

Trường trung học Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá nơi Thầy về nhận nhiệm sở lần đầu, có lần tôi cũng định về đó xin vào học lớp Đệ thất vì bà con tôi có người dạy học trong đó, giáo sư Hưng, quê ở Cái Nai, quận Lấp Vò; nhưng nhà tôi ở xa Rạch Giá quá nên tía má tôi cho tôi lên Long Xuyên để học cho gần; đến năm học Ðệ nhị, tôi lại muốn mon men vô đó nhưng cũng không thành và trường Thoại Ngọc Hầu là nơi các Thầy ở đây đã ban tặng cho tôi hầu hết những chữ nghĩa mà bây giờ già rồi tôi còn giữ được, như các chữ đang viết cho Thầy đây. Một trong những vị Thầy ấy là giáo sư Nguyễn Cao Ðàn dạy Việt văn, Tết này tròn 90 mà vẫn mạnh và đang ở bên xứ Canada. Thầy tôi rất thương tôi, một học trò nhà quê năm xưa sau gần nửa thế kỷ mà không làm sao quên được ơn Thầy. Thầy tôi và tôi hiện giờ vẫn còn liên lạc thư từ.

Thành ra, đọc những tình cảm học trò Rạch Giá dành cho Thầy và những cảm xúc mà Thầy cảm nhận từ tấm chân tình của các em, các bậc phụ huynh ở trong đó, tôi cảm động dữ lắm. Cảm động vì tình nghĩa thầy trò mà cũng cảm động vì cái nghề mà Thầy không mơ, nhưng khi đã theo là phải chí tình chí nghĩa. Cách Thầy dạy và cách Thầy nhìn về giáo dục quả là những trăn trở mà một đời người mãi hoài trăn trở. Tôi mê lối nhận xét ấy và tôi cũng mê cái phong cách ấy. Thầy viết:

Văn chương vốn là nguồn sống bất tận, chảy miên man không ngừng nghỉ. Nó tự nhiên như con nước, tươi tắn như giọt sương, là hơi thở của trời đất, là nhịp tim của muôn đời. Muốn truyền đi cho được cái thông điệp huyền nhiệm đó, người ta phải thở cùng hơi, đập cùng nhịp với nó. Nghĩa là chính mình phải sống đẹp, sống thật với văn chương mới làm cho người khác sống đẹp, sống thật cùng với mình được.

Và rồi Thầy lại băn khoăn về cách dạy văn chương một cách máy móc đã có từ lâu đời:

Chớ còn dạy văn chương mà nhốt văn chương chữ nghĩa trong khuôn khổ chật hẹp của giáo khoa thì chỉ vô tình giết chết văn chương thôi. Bởi vậy, dù không nói ra tôi rất kỵ lối dạy văn chương một cách máy móc, thiếu sáng tạo, bo bo theo sách vở như kẻ chìm tàu đeo riết lấy chiếc phao, không dám cục cựa...

Với thiên chức của một giáo sư Việt văn, Thầy đưa ra nhận xét rất thiết yếu:

Làm thầy dạy quốc văn mà không xui được cho học trò biết trân trọng tiếng mẹ đẻ, không hãnh diện được nguồn gốc, không yêu thương được đồng chủng và nới rộng thêm ra tới tinh thần nhân ái thì phải kể là một thất bại đáng buồn. Bởi vì hơn ai hết, chỉ có người thầy dạy quốc văn là có cơ hội nhắc cho đám trẻ đời sống tinh thần giàu có, vị tha và nhân hậu của người Việt qua bao nhiêu mẩu chuyện hay, câu thơ đẹp và tình ý thi vị của tổ tiên.

Phải chăng đó là một nhân sinh quan mới với một giáo sư trẻ mới ra trường mà ngành giáo dục của mình từ những năm tháng ấy đã cố lờ đi như người mê ngủ.

Thầy làm tôi nhớ Thầy tôi, cụ Nguyễn Cao Ðàn, như lời tự vấn lấy mình, viết cho tôi trong lá thư tìm lại học trò cũ sau gần năm mưoi năm xa cách:

Ông già nhớ lại: thời ấy, những chiều không dạy, đi xuống phố về, qua cầu Hoàng Diệu ngược chiều với dẫy dài học sinh trai gái lớn có, nhỏ có, từ trường Thoại Ngọc Hầu và các trường tiểu học đang líu ríu nườm nượp ra về, ông dừng bước đứng nhìn, bần thần, lòng vui lo lẫn lộn: ”Ta làm gì cho những công dân nụ hoa này trước một thời cuộc đang cuồn cuộn sóng ngầm?”

Và Thầy lại viết:

Tôi biết những em gái cha mẹ bị bom đạn chết hết phải sống nhờ cô dì, đổi miếng cơm ăn học bằng chuyện giữ em gánh nuớc. Tôi biết những em trai tối tối xuống bến cảng lựa cá từ khuya đến năm sáu giờ sáng. Tôi biết những đứa học trò hằng ngày đạp xe đi học cả chục cây số, đêm về che đèn làm bài mà chỉ chực chờ nhào xuống hầm trú ẩn khi có pháo kích. Tôi làm gì đây khi buổi sáng trên bục giảng có một bài làm không soạn, một bài học không thuộc kề bên một cặp mắt đỏ hoe phờ phạt, một cái đầu ngủ ngà ngủ gật? Tôi làm được gì đây?

Trong đời này, còn có những ý tưởng nào đẹp và thiêng liêng hơn những trăn trở của các bậc Thầy như vậy nữa không?

Tôi đọc mê man tập sách mỏng vỏn vẹn 99 trang giấy còn thơm mực mà nghe ra cái lòng học trò tỉnh ngày xa xưa như thức dậy trong tôi tự hồi nào với lòng kính trọng một bậc Thầy. Tôi đang nghi ngờ về các nhận định của tác giả Nguyễn Văn Lục bàn về hiện trạng lão hoá nơi các nhà văn hải ngoại đăng trên talawas sau khi đọc tác phẩm Nghề Thầy của Thầy. Tôi tin tập sách Nghề Thầy của Thầy sẽ không làm dáng văn chương mà là một thứ “Quốc văn giáo khoa thư tân biên” thời ly loạn, một loại giáo khoa thư cần cho tuổi trẻ lẫn người già, cho đời này và cho mọi thời.

Xin được gởi đến Thầy lời cảm ơn của một đứa học trò quê ngày xưa, ít nhiều có mang dáng dấp của những em học trò nhỏ của Thầy ngày nào, với tất cả tấm chân tình quý trọng.

Trân trọng,
Lương Thư Trung

© 2005 talawas


[1]Nghề Thầy của Cao Vị Khanh, là phụ bản đặc biệt của Thư Quán Bản Thảo, sách dày 99 trang, do Thư Ấn Quán phát hành tháng Giêng năm 2005. Là tác phẩm thứ 2 của Cao Vị Khanh sau Lệ từ nét ngang (Thư Ấn Quán, 2001)