trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
29.1.2005
Phan Bình Minh
Hội thảo "ảo" và "dư luận ảo"
Góp một cách nhìn về cuộc khủng hoảng xung quanh dư luận hoãn thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ năm học 2005
 

Những điều được viết dưới đây góp tiếng nói làm sáng tỏ mối quan hệ giữa việc vận hành thiếu nghiêm túc của một diễn đàn trên mạng, thái độ không rõ ràng của người lãnh đạo Bộ giáo dục và đào tạo trong các quyết định và sự ra đời của một "dư luận ảo".
1. Một luồng dư luận ảo đang hình thành tại hội nghị "ảo" về thi tuyển sinh Cao đẳng - Đại học (18/01 - 01/02/2005)

"Hôm nay, hội nghị "ảo" về tuyển sinh bắt đầu nóng với hàng loạt góp ý thẳng thắn về việc Bộ GD&ĐT đưa phương pháp trắc nghiệm vào kỳ thi đại học và tốt nghiệp THPT 2005. Phần lớn ý kiến cho rằng, quyết định này là quá vội, gây sốc cho thí sinh." (Tin trên VnExpress tối 20/01/2005). Vài giờ sau đó, xuất hiện một bài viết nữa về cùng một chủ đề: "Trước sự phản đối của dư luận, một thành viên Ban CĐTS (Ban Chỉ đạo tuyển sinh) cho VnExpress biết, nhiều khả năng sẽ không tiến hành thi trắc nghiệm trong kỳ thi ĐH, CĐ 2005. Quyết định chính thức sẽ được Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đưa ra tại Hội nghị tuyển sinh ngày 1/2" [1] .

Quá ngạc nhiên trước những thông tin hết sức lạ lùng ấy, bởi tôi đã được biết từ hồi cuối tháng 12 năm 2004 là Bộ GD&ĐT đã chính thức có chủ trương sử dụng phương pháp thi trắc nghiệm Ngoại ngữ vào trong hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2005 này và giờ đang là lúc triển khai công tác thực hiện chủ trương ấy sao cho có hiệu quả nhất. Tại sao lại có vấn đề ông Bộ trưởng sẽ xem xét lại quyết định này vào đầu tháng 2 tới?

Dư luận phản đối nào đã có thể tạo nên một áp lực lớn đến như vậy?

Tôi liền đi tìm các thông tin có liên quan đến Hội nghị "ảo" về công tác tuyển sinh này để biết rõ hơn. Thực tế là từ vài tháng qua trên mạng www.forum.edu.net.vn (diễn đàn mở của Bộ GD&ĐT), đã xuất hiện một hình thức hội nghị từ xa bằng các phương tiện tin học. Từ diễn đàn lớn của "Phiên họp ảo toàn quốc về thi tuyển sinh Cao đẳng Đại học 18/1 - 1/2/2005" của mạng này, tôi tìm vào diễn đàn con có chủ để "Bàn về tổ chức thi trắc nghiệm" [2] , là nơi duy nhất diễn ra các cuộc trao đổi ý kiến trực tiếp về vấn đề thi trắc nghiệm trong số 6 diễn đàn con.

Ở đây, kể từ ngày 20/01 trở về trước, tôi đếm được có 8 mục ý kiến (còn gọi là chủ đề), của những người quan tâm và một mục ý kiến cuối cùng trong ngày của người phụ trách diễn đàn, ông Quách Tuấn Ngọc, giám đốc Trung tâm tin học của Bộ. Trong số các mục ý kiến, mục "Thi trắc nghiệm ra sao?", có tên hiệu hihai, có dung lượng lớn nhất gồm 29 ý kiến đóng góp (còn gọi là bài) và 1 ý kiến dẫn nhập của ông Quách Tuấn Ngọc. Mục này bàn về việc làm sao tổ chức thi trắc nghiệm cho tốt. Chỉ có 3/8 mục ý kiến nêu ra việc "cần hoãn" kỳ thi là các mục của Minh_ngoc86, của nhot60 và của Minh Sơn. Các ý kiến còn lại, của Hồng Mai, của ông Lê Quán Tần (Chánh thanh tra Bộ giáo dục)…, là đóng góp nâng cao chất lượng cho kỳ thi. Như vậy, trên tổng số 8 mục ý kiến, các mục ý kiến "cần hoãn" chiếm chưa đến 1/2. Nếu tính trên tổng số tất cả các ý kiến tham dự (tức là bao gồm tổng số các ý kiến "con" trong mỗi mục), số ý kiến cho là "cần hoãn" còn thấp hơn rất nhiều (4/37).

Như vậy, điều thu nhận đầu tiên của tôi khi tham khảo thực tế hoạt động của diễn đàn con ngày 20/5 về vấn đề thi trắc nghiệm Ngoại ngữ cho các trường Cao đẳng - Đại học năm 2005 là, không hề tồn tại một "sự phản đối của dư luận" nào đối với việc tổ chức thi trắc nghiệm trong các kỳ thi Cao đẳng - Đại học trong năm nay trên diễn đàn của Hội nghị "ảo" về tuyển sinh như hai bài viết đã nêu ra ở trên. Thực tế là chỉ có ý kiến của ba người, Minh_ngoc86, nhot60 và Minh Sơn là không đồng tình với chủ trương này. Rõ ràng, số lượng ý kiến vô cùng ít ỏi đó thật sự đã không thể tạo nên được cái mà hai bài viết trên gọi là "dư luận", chứ chưa muốn nói đến "phần lớn dư luận". Đồng nhất ý kiến của ba cá nhân trên với một dư luận rộng rãi quả là một việc làm khinh suất, làm hạ thấp ý nghĩa của chính khái niệm dư luận, mà trong trường hợp này có thể được hiểu tương đương như là công luận.

Sau khi đã thấy rõ ràng là cho đến nay, ngoại trừ ba ý kiến kể trên trong diễn đàn này và một số ý kiến rải rác đây đó trên các diễn đàn khác, gần như không tồn tại một quan điểm công khai nào của các thành viên của Ban CĐTS phản đối việc thi trắc nghiệm ngoại ngữ trong năm 2005 này. Tất nhiên, chúng ta không thể kể đến các loại tin đồn hay các áp lực ngầm, mà hiển nhiên không thể gọi những cái đó là công luận. Sự xuất hiện đột ngột của một dư luận như vậy buộc tôi phải đi đến một số câu hỏi sau đây:

  • Thành viên nào của Ban CĐTS đã cho biết sẽ không tiến hành thi trắc nghiệm theo các nguồn tin đã được đưa lên mặt báo ngày 20/01 vừa qua?

  • Liệu trong chuyện này, có phải có ai đó đã cố tình đưa ra một dư luận ảo, làm tiền đề để hợp lý hoá việc hoãn lại công tác chuẩn bị cho cuộc thi trắc nghiệm đang được tiến hành như đã dự kiến không?

Sau khi xem kỹ ngày tháng xuất hiện của các ý kiến yêu cầu "nên hoãn" cuộc thi trắc nghiệm năm nay [của Minh_ngoc86 (ngày 23/11/2004), của nhot60 (ngày 18/01/2005) và của Minh Sơn (ngày 19/01/2005)], tôi nhận thấy rõ ràng là, hai ý kiến sau nằm trong thời gian của Hội nghị "ảo", riêng bài của Minh_ngoc86, là bài thu hút nhiều người xem nhất trong số 3 bài "nên hoãn" (hơn 600 lượt tính cho đến ngày 22/01), đã được gửi đến diễn đàn gần hai tháng trước. Vào thời điểm này, với tư cách là người thay mặt Bộ GD&ĐT đứng ra trả lời bạn Minh_ngoc86, ông Quách Tuấn Ngọc đã để hé ra một khả năng là có thể có một điều chỉnh. Quan điểm của ông Quách Tuấn Ngọc đã được thể hiện như sau:

"Thực ra thi trắc nghiệm tiếng Anh đã được áp dụng rồi. Cháu có thể xem lại đề thi mấy năm qua thì thấy đa phần là trắc nghiệm, có phần điền từ... Cháu cứ yên tâm là Bộ sẽ cân nhắc kĩ trước khi triển khai thực tế. Có thể là làm ở một tỉ lệ thích hợp. Tuy vậy bác cũng in bài của cháu cho Ban CĐTS đọc để tham khảo." [3] .

Nhưng vấn đề là sau câu trả lời sơ bộ của ông Quách Tuấn Ngọc, khả năng Bộ sẽ tổ chức "làm ở một tỷ lệ thích hợp" như ông Quách Tuấn Ngọc nghĩ, rõ ràng đã không còn có giá trị thực tiễn nữa, bằng chính việc triển khai thực hiện công văn số 11234/KT&KĐ ngày 21/12/2004 (do thứ trưởng Bành Tiến Long ký) [4] . Chủ trương ngày 21/12 đã có giá trị như một quyết định chính thức của Bộ trong việc đưa cuộc thi trắc nghiệm Ngoại ngữ vào kế hoạch hành động 2005.

Tôi không hiểu tại sao, một câu hỏi được gửi đến diễn đàn từ ngày 22/11/2004 của bạn
Minh_ngoc86, một câu trả lời nhất thời của ông Quách Tuấn Ngọc cũng vào thời điểm đó, thực tế đã hết giá trị thông tin, sau khi đã có công văn 11234/KT&KĐ của Bộ, lại có thể có dịp xuất hiện như một thông điệp mở màn cho diễn đàn này. Bởi về nguyên tắc thông thường, như chúng ta biết, một diễn đàn dù là thật hay là "ảo" cũng đều chỉ đón nhận những ý kiến tham dự bắt đầu từ thời điểm ra mắt của nó, các thông tin có liên quan còn lại cần phải xếp đặt vào một phần khác để bảo đảm trình tự thời gian và sự kiện thực.

Việc đưa vào diễn đàn các ý kiến đã được gửi đến trước khi diễn đàn mở ra, khách quan mà nói, đã dẫn các độc giả đi ngược lại thời gian để sống lại trạng thái tinh thần của hai tháng trước, khi mà mọi vấn đề trong chuyện này vẫn còn đang ở trong trạng thái để ngỏ, đã buộc các độc giả, như chúng tôi, phải sống trong một trạng thái ngờ vực chính cái chủ trương của Bộ triển khai việc thi trắc nghiệm vào thực tế, đang được tiến hành từ gần một tháng nay.

Phải chăng thông qua ý kiến của bạn Minh_ngoc86 (cùng với một số ý kiến kể trên) và câu trả lời không rõ ràng của ông Quách Tuấn Ngọc, cái trạng thái không rõ ràng ấy, vốn đã từng tồn tại trước khi có chủ trương ngày 21/12/2004 của Bộ GD&ĐT, có dịp sống dậyđược sử dụng như là bối cảnh làm nền cho một luồng dư luận phản đối việc tổ chức thi trắc nghiệm ngoại ngữ trong năm nay?

Có lẽ ông Quách Tuấn Ngọc là người có thể giúp chúng tôi giải đáp thắc mắc này?

Là người phụ trách kỹ thuật của diễn đàn con "Bàn về tổ chức thi trắc nghiệm" nói riêng và của "Phiên họp ảo toàn quốc về thi tuyển sinh Cao đẳng - Đại học 18/01-01/02/2005" khai mạc từ ngày 18/01/2005 nói chung, phải chăng ông Quách Tuấn Ngọc không biết rằng, với việc làm này, khách quan mà nói, chính ông là người đang tham gia vào việc tạo nên một luồng dư luận phản đối lại việc triển khai cuộc thi trắc nghiệm ngoại ngữ trong năm 2005 này như kế hoạch đã định?


2. Hội nghị "ảo" về tuyển sinh Cao đẳng Đại học của Diễn đàn "forum.edu.net.vn" (19-22/12/2004) thực tế đã mang lại kết quả gì?

Từ chỗ cảm thấy trong phiên họp "ảo" về cuộc tuyển sinh Cao đẳng - Đại học 2005 có vấn đề không được sáng tỏ, tôi có ý định quay trở lại xem phiên họp "ảo" của Ban CĐTS được tổ chức trước đó, từ ngày 19 đến 22/12/2004 thực chất đã diễn ra ra sao. Để giúp bản thân và bạn đọc hình dung được qui mô và tính chất của phiên họp này, tôi đã làm một động tác tập hợp và phân loại các thông tin đã xuất hiện trong phiên họp này.

Phân loại các thông tin có mặt trong diễn đàn "Phiên họp Ban CĐTS từ ngày 19-22/12/2004"

Tổng số các mục của diễn đàn là 64 được chia thành bốn nhóm:

Nhóm thứ nhất - phần thông tin trực tiếp liên quan đến phiên họp "ảo" trên mạng Internet (có nghĩa là phiên họp được tổ chức với các trao đổi bằng văn bản viết có nội dung trực tiếp liên quan đến công tác tuyển sinh Cao đẳng - Đại học 2005) gồm 25 mục (hay ý kiến).

Nhóm thứ hai - phần thông tin liên quan đến phiên họp qua (cầu) truyền hình có 14 mục.

Nhóm thứ ba - phần thông tin liên quan đến vấn đề tuyển sinh nói chung gồm có 21 mục.

Nhóm thứ tư - các thông tin nằm ngoài ba nhóm được liệt kê kể trên có 3 mục.

Nếu kể từ ngày 15/12/2004, thời điểm có ý kiến đầu tiên đến tham gia diễn đàn của ông Nguyễn Đình Huân - hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, cho đến khi kết thúc tất cả các phiên họp là ngày 22/12 là khoảng 1 tuần lễ, thì số lượng mục ý kiến đóng góp trực tiếp về nội dung là 17. Lấy 17 ý kiến đóng góp trong tổng số 25 ý kiến (của nhóm 1, trừ đi 8 ý kiến liên quan đến góc độ tổ chức về nội dung và kỹ thuật) chia cho 8 ngày (độ dài thực tế của diễn đàn) hay 4 ngày (độ dài chính thức) thì thực chất ta sẽ có từ 3 đến 5 ý kiến mỗi ngày. Ở đây, chúng tôi không tính được số các ý kiến đóng góp trong ngày họp "cầu truyền hình", vì đáng tiếc là gần như không có dữ liệu (bằng văn bản hoặc âm thanh) được lưu lại) [5] . Như vậy, có thể thấy số lượng các phát biểu được lưu lại bằng văn bản điện tử này hoàn toàn không tương xứng với một diễn đàn mang tính toàn quốc về một chủ đề thời sự đáng lẽ ra phải thu hút được sự chú ý của rất nhiều người, lại đã được công luận quan tâm mong đợi từ lâu. Phiên họp qua mạng rút cục chỉ là nơi để một số đại biểu các trường Đại học gửi báo cáo hay nhận xét góp ý. Thiếu đi phần trao đổi qua lại, là cái làm nên cái nội dung đích thực của một phiên họp, phải chăng phiên họp "ảo" đã được thiết kế ra chỉ để làm nền cho phiên họp qua cầu truyền hình?
Số lượng các ý kiến đã như vậy, chất lượng của sự trao đổi cũng lại thấp đến mức kinh ngạc. Ở đây, chúng tôi đo chất lượng bằng hai cách, qua số lượng của các ý kiến ở mục "Hồi âm" và qua nội dung của chúng. Trong mục "Hồi âm", nơi cung cấp một tiêu chí rất quan trọng để nói lên tính chất đối thoại của diễn đàn, tôi đếm được chỉ có tổng cộng 26 ý kiến hồi âm đóng góp cho tổng số 64 mục ý kiến được mở ra. Trong số 26 ý kiến đó, thì đã có 10 ý kiến chỉ thuần tuý để thử nghiệm xem mạng đã hoạt động chưa, 7 ý kiến liên quan đến các vấn đề kỹ thuật, chỉ còn lại có 9 ý kiến liên quan đến nội dung. Trong số 9 ý kiến ấy, 4 ý kiến là của ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm tin học và người trực tiếp điều hành diễn đàn, 3 ý kiến của "Appricot" (một thành viên của ban tổ chức), còn lại là những ý kiến của người khác (?!). Đối thoại giữa những người tham dự diễn đàn, như vậy, thực chất đã không diễn ra.

Về nội dung của các hồi âm thì sao. Một trong bốn hồi âm của ông Giám đốc Trung tâm là để trả lời ông Nguyễn Hoàng, chuyên viên Tuyển sinh Văn phòng 2 (TP HCM), sau khi nhận được ý kiến của vị này. Câu trả lời của ông Quách Tuấn Ngọc như sau: "Ý kiến của bác Nguyễn Hoàng thật sự rất bổ ích. Nếu họp hội nghị bình thường thì chẳng mấy khi bác Hoàng được phát biểu ý kiến. Hoan hô họp qua mạng". Một trong ba ý kiến của "Appricot", cũng trong phần trao đổi ở mục này với ông Nguyễn Hoàng: "Hoan hô ý kiến của bác Hoàng. Mình nghĩ có lẽ anh Ngọc phải xem xét kỹ nhé (?!)".

Phải ghi nhận sự đóng góp của 17 ý kiến về các mặt của công tác tuyển sinh trong phiên họp qua mạng, nhưng rõ ràng điều hành một diễn đàn toàn quốc về một chủ đề phức tạp như thế này hoàn toàn không phải là một điều dễ dàng. Bản thân ông Quách Tuấn Ngọc trong ngày mở đầu chính thức của phiên họp (ngày 19/12) cũng đã chủ động đưa ra một thông báo về 7 vấn đề cần phải ưu tiên thảo luận. Nhưng khoảng cách là rất lớn giữa chuyện tổ chức vận hành tốt về mặt kỹ thuật một diễn đàn Internet và chuyện tổ chức tốt ở đó một cuộc trao đổi ý kiến sâu rộng. Ông Quách Tuấn Ngọc làm tốt được việc thứ nhất. Nhưng việc có được 17 ý kiến đóng góp là một chuyện, việc tổ chức để có những cuộc trao đổi qua lại giữa các ý kiến ấy, mà mở rộng ra hoặc đào sâu hơn lại là một chuyện khác. Việc thứ hai này lại đòi hỏi một năng lực hoàn toàn khác với việc đầu tiên. Đó là năng lực dùng vào việc phát triển những mối quan hệ trao đổi trong một môi trường giao tiếp mang tính chất chính thức và bình đẳng, cũng như khả năng tống hợp và can thiệp đúng lúc của người điều hành vào cuộc đối thoại chung để dẫn dắt cuộc trao đổi đến cái đích của nó là tập hợp được nhiều ý kiến, huy động được nhiều hồi âm và đào sâu được nhiều chủ đề quan trọng.

Trên thực tế, phiên họp qua mạng này mới chỉ thực hiện được vai trò thông mạng về mặt kỹ thuật giữa các viên chức cao cấp của bộ máy quản lý giáo dục, nơi cung cấp một số thông tin chính thức của Bộ và chuyển tải một số lượng ý kiến ít ỏi của những người có trách nhiệm đóng góp cho hoạt động tuyển sinh. Mặc dù có được tất cả những điều đó đã là tốt đẹp so với chỗ không có gì, nhưng có lẽ chúng ta nên nhìn thẳng vào các kết quả công việc và đánh giá đúng giá trị của chúng thì hơn.
Kết quả rõ nhất của toàn bộ cả hai phiên họp "ảo" và thật này là cuối cùng khi kết thúc, mọi vấn đề dường như còn để ngỏ. Chính vì vậy, liền sau đó một tháng lại cần phải tiếp tục có thêm một số phiên họp "ảo" mới (vào cuối tháng 1/2005) và một buổi họp trên cầu truyền hình mới vào đầu tháng 2 với qui mô còn lớn hơn cuộc họp cuối tháng 12 để công bố một cách long trọng các quyết định của Bộ. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên không phải là ở chỗ người ta cố tình phóng đại tính chất quan trọng của các đối thoại từ xa trên qui mô lớn. Sự trao đổi ý kiến rộng rãi trong xã hội lúc nào cũng rất cần thiết, nhất là với những vấn đề được toàn xã hội quan tâm và việc bộ chủ quản đưa ra quyết định về một vấn đề là điều rất bình thường trong sự vận hành của bộ máy công quyền ở một quốc gia. Điều vô cùng đáng ngạc nhiên và tạo nên sự hoang mang trong dư luận là ở chỗ, liệu người ta có thể vừa đưa ra một quyết định, rồi thực hiện nó, lại vừa làm ra vẻ chưa hề đưa nó ra, để chuẩn bị ngay cho một quyết định mới, có thể là hoàn toàn ngược lại hẳn với quyết định trước, và cố tình "khua chiêng, gõ mõ" để quảng bá về tầm quan trọng đặc biệt của cái quyết định mới này?

Điều vô cùng đáng kinh ngạc đó chính là điều đang xảy ra trước mắt chúng ta.


3. Thi trắc nghiệm ngoại ngữ trong kỳ thi Cao đẳng - Đại học năm 2005 mới là "chủ trương" hay đã là "quyết định"?

Phải chăng chính những câu viết của Thứ trưởng Bành Tiến Long, trong bài phát biểu tại cuộc họp của Ban CĐTS qua mạng truyền hình (gửi lên mạng ngày 20/12/2004) và trong công văn 11234 (ngày 21/12/2004) đã là nguồn gốc gây ra lầm lẫn này?

"Ngoài việc Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã quyết định từ năm 2005 các môn ngoại ngữ thi bằng phương pháp trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT dự kiến một số điều chỉnh như sau:

  • Tất cả các trường cao đẳng trung ương và địa phương đều không thi tuyển sinh mà căn cứ kết quả thi đại học theo đề thi chung để xét tuyển.

  • Điểm sàn sẽ công bố trước kỳ thi để thí sinh chủ động tự phân luồng và các trường chủ động trong khâu xét tuyển…" [6]

Trong khi đó trong công văn 11234/KT&KĐ do chính ông Bành Tiến Long ký lại có đoạn:

"Kính gửi:
Các Sở Giáo dục và Đào tạo
Các Đại học, Học viện, các trường đại học, cao đẳng
Thực hiện lộ trình đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ từ năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tổ chức thi trắc nghiệm khách quan đối với môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Cục Khảo thí và Kiểm định CLGD được giao tổ chức thực hiện kế hoạch sau đây: (…)"

Thực tế là một loạt các văn bản chính thức khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thể hiện sự thể chế hoá việc thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ trong năm 2005. Chỉ còn lại một khâu. Đó là việc chuẩn y chính thức cho bản dự thảo Phương hướng nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005. Văn bản này đã được thảo ra từ lâu, được đưa lên mạng ngày 15/12. Trong lịch công tác tuyển sinh cao đẳng đại học 2005 ở đây đã nêu rõ 22 phần việc, được chia rõ thành 22 giai đoạn trong đó giai đoạn tháng 12 năm 2004 là thời điểm Hội thảo toàn quốc về công tác tuyển sinh, để cho phép các Sở và các trường kịp nhận qui chế vào đầu tháng 3 và bắt đầu tập huấn công tác tuyển sinh. Chính vì vậy công văn 11234/KT&KĐ do ông Bành Tiến Long ký ngày 21/12/2004 đã cho phép "Cục Khảo thí và Kiểm định CLGD tiến hành việc thi trắc nghiệm khách quan đối với môn ngoại ngữ" ngay từ thời điểm này là hợp lý về mặt tổ chức điều hành công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho các Sở, các trường và các học sinh trong việc áp dụng kỹ thuật thi mới này. Cũng trên diễn đàn www.forum.edu.net, từ ngày 24/12/2004, ông Quách Tuấn Ngọc cũng đã mở một diễn đàn con "Thi trắc nghiệm: các vấn đề liên quan" [7] để hưởng ứng chủ trương này. Ngày 04/01/2005, tiếp theo quyết định 11234/KT&KĐ, Cục Khảo thí và Kiểm định CLGD đã có công văn 04/KT&KĐ giải thích và hướng dẫn rõ việc thi này. Rõ ràng là việc chuẩn bị cho hình thức thi này đã được các cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý bàn bạc, quyết định và đưa ra một lộ trình thực hiện.

Tuy nhiên dường như có "một điều gì đó" cản trở việc áp dụng nhanh chóng và mạnh mẽ chủ trương này vào thực tế. Trong bài viết "Thi trắc nghiệm vẫn "nằm" trên giấy?" ngày 15/12/2004, Cam Lu và Kiều Tĩnh đã đánh động lãnh đạo Bộ Giáo dục-Đào tạo: "Chủ trương đưa phương thức thi trắc nghiệm ở môn Ngoại ngữ vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH đã được Bộ GD-ĐT thống nhất. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đang trong tình trạng: chưa nhận được hướng dẫn gì từ Bộ chủ quản về chuyện này." [8] 20 ngày sau khi có sự thống nhất giữa Ban CĐTS, Cục Khảo thí và các Vụ bậc học, mới có công văn chính thức 11234/KT&KĐ.

Đặc biệt là trong diễn văn khai mạc cuộc họp cầu truyền hình của Ban CĐTS ngày 22/12/2004, tức một ngày sau công văn kể trên, bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã tuyên bố rất "hồn nhiên":

"Tôi xin lưu ý và đề nghị các đồng chí thảo luận hai vấn đề :
  • Cần phân cấp mạnh hơn, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho các trường, nhất là khâu tổ chức thi và xét tuyển. Bộ tập trung quản lý chặt khâu đề thi.
  • Các vấn đề về đổi mới tuyển sinh phải được chuẩn bị rất kỹ, nhất là việc áp dụng phương pháp trắc nghiệm trong tuyển sinh cần tiến hành khẩn trương, chuẩn bị kỹ về chuyên môn, dư luận, tâm lý cho thí sinh và xã hội (nhất là tới các vùng miền khác nhau) nhưng không quá cầu toàn, có bước đi thích hợp để báo cáo xin ý kiến các cấp trước khi quyết định.
Các đồng chí cũng cần bàn bạc kỹ để sớm đề xuất phương án tuyển sinh năm 2005 trình lãnh đạo Bộ quyết định và công bố cho thí sinh và nhân dân biết." [9]

Sự ngạc nhiên của tôi ở đây đã đi tới mức tột cùng. Chỉ một ngày sau quyết định của ông Thứ trưởng, trong một cuộc hội thảo mà cả hai người cùng tham gia điều hành, các văn bản đều đã được công khai trên mạng, chẳng nhẽ ông Bộ trưởng lại không hề quan tâm, đọc công văn và bài phát biểu của ông Thứ trưởng (?!). Tôi không hiểu ông nghĩ gì khi phát biểu thản nhiên như vậy? Phương án tuyển sinh năm 2005 đã có đấy rồi, và cũng được bàn rồi, và đang bắt đầu đi vào thực tiễn, sao lại còn phải bàn kỹ đến mức nào nữa và đến lúc nào nữa thì mới trình lên lãnh đạo Bộ? "Lãnh đạo Bộ quyết định" rồi thì đã đủ chưa, hay còn phải chờ một cấp nào nữa có ý kiến thêm? Chỉ hai câu nói của ông Bộ trưởng đã làm tôi chẳng biết có nên tin vào mắt mình không. Vậy thì cuối cùng thì chúng tôi phải tin vào ai đây? Và cụ thể là việc thi trắc nghiệm Ngoại ngữ trong kỳ thi Cao đẳng - Đại học năm 2005, đối với Bộ, cho đến giờ mới là "chủ trương" hay đã là "quyết định"?

Có lẽ để làm nguội bớt sự hoang mang của nhiều người, mà trong ý kiến cuối cùng, trước khi đóng diễn đàn ngày 20/01/2005, ông Quách Tuấn Ngọc đã trấn an: "Các bạn yên tâm, các vấn đề có thi trắc nghiệm hay không... sẽ được Bộ trưởng quyết định hôm họp cầu truyền hình. Ở đây chúng ta cứ dân chủ mạn đàm".

Nhưng, nếu đã có một sự không rõ ràng hiện thời không thể giải thích được như trên, thì thưa ông, làm sao chúng tôi có thể yên tâm được?

Bởi, trong khi bao nhiêu nhà giáo, phụ huynh, học sinh và những người làm công tác tổ chức, đang bận tâm bàn và tìm xem làm cách nào để tổ chức thi và học thi cho được tốt, thì lại có những người nhân danh vì việc chung mà reo rắc hay để mặc một không khí mơ hồ trong dư luận chung, gây hoang mang, lo ngại, làm chùn bước xu thế đổi mới trong lĩnh vực này.

Và làm sao có được một không khí "mạn đàm dân chủ" như ông nói?

Khi mà, theo cách mô tả của ông, việc người dân thường, người cán bộ thường, nói thì cứ nói, bàn thì cứ bàn, còn việc ông Bộ trưởng, quyết thì cứ quyết. Nếu đúng là như vậy, đó chỉ là một sự mạn đàm dân chủ hình thức mà thôi. Vả chăng nếu cứ xem cái phong cách của bài diễn văn trên đây, thì ông Bộ trưởng rồi sẽ quyết ra sao?

Tranh luận về các quyết định lớn liên quan đến vận mệnh của một tập thể là điều cần thiết trong bất cứ xã hội văn minh nào. Bản thân tôi thấy, việc áp dụng thi trắc nghiệm không phải là phép mầu có thể đem lại mọi giải pháp tối ưu cho vấn đề tuyển sinh. Cá nhân tôi mong muốn sẽ có các cách đánh giá mang tính chính xác hơn đối với các năng lực trí tuệ bậc cao, ví dụ như ý kiến của Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn về vấn đề đánh giá tư duy sáng tạo, tư duy hình tượng, tư duy biện chứng [10] . Nhưng không thể phủ nhận được các ưu điểm đặc biệt của phương thức trắc nghiệm mà Cục Khảo thí và Kiểm định CLGD đang tổ chức tiến hành về mặt tiết kiệm cũng như về độ chính xác và độ khách quan trong việc đánh giá năng lực nắm bắt kiến thức ở mức độ tối thiểu cần thiết cho việc tham gia vào bậc học cao đẳng hay đại học đối với một thí sinh. Việc tiếp tục tranh luận về chủ đề này vẫn cần được tiếp tục để đóng góp vào việc hoàn thiện hơn nữa những phương pháp sắn có, hoặc để khuyến khích việc tìm ra những phương pháp mới, có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng việc làm chậm lại quá trình đổi mới nhân danh thói quen ngại thay đôi, nhân danh uy quyền, đang là một thực tế không kém phần phổ biến. Việc tổ chức kỳ thi trắc nghiệm Ngoại ngữ vào năm học này hay năm học tới, mặc dù không phải là một vấn đề mang tính sống còn đối với việc chấn hưng nền giáo dục nước ta (so với quyết định cải tổ nền thi cử và cơ chế tổ chức giảng dạy đại học nói chung), vẫn là một yếu tố rất quan trọng mang tính đột phá nằm trong tổng thể kế hoạch cải cách. Một khi phần cơ bản của quá trình chuẩn bị cho việc thi cử đã sắn sàng, quyết định tiến hành đã được thông qua, thì trì hoãn việc áp dụng nó vào thực tế chính là cố tình kìm hãm quá trình đổi mới trên tổng thể. Trong hoàn cảnh việc thực hiện mục tiêu kể trên đòi hỏi phải huy động những nỗ lực chủ quan của bộ máy giáo dục, từ những người lãnh đạo cao nhất đến những giáo viên bình thường có liên quan, để hướng đến một cố gắng tập thể thật kiên định, thì việc kích phát luồng dư luận ảo kia và việc để kéo dài một trạng thái mập mờ "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" kia đang tham gia duy trì một trạng thái mơ hồ trong công luận, một yếu tố khách quan làm suy giảm sự nỗ lực tập thể đang rất cần phải được tăng cường này.

Ai có trách nhiệm chính trong việc duy trì một không khí mơ hồ và sự chậm trễ này?

27.01.2005


© 2005 talawas



[1] http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2005/01/3B9DAC91/
[2] http://diendan.edu.net.vn/ShowForum.aspx?ForumID=261
[3]http://diendan.edu.net.vn/ShowPost.aspx?PostID=23083 (xem hình ở trang bên)
[4]nguyên văn của công văn này có thể xem trên:
http://edu.net.vn/Default.aspx?&tabid=2&mid=49&tid=171&iid=1441.
[5]Chỉ có 2, 3 ý kiến của các cán bộ được lưu lại trong mục "Lắng nghe và xem vidéo phát biểu của lãnh đạo" (nhóm 2), nhưng ngoài phần phát biểu của các lãnh đạo, phần lời nói của các cán bộ khác có chất lượng âm thanh yếu quá, rất khó nghe.
[6]http://diendan.edu.net.vn/ShowPost.aspx?PostID=24510
[7]http://diendan.edu.net.vn/ShowForum.aspx?ForumID=217
[8]http://www.vnn.vn/giaoduc/2004/12/356326/
[9]http://forum.edu.net.vn/ShowPost.aspx?PostID=24610
[10]http://diendan.edu.net.vn/ShowPost.aspx?PostID=14291