trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dụcTư tưởngLịch sử
12.3.2005
Bùi Thiết
Sách giáo khoa lịch sử - hiện trạng và giải pháp
(Góp bàn về sách giảng dạy lịch sử trong trường phổ thông)
 
Sách giảng dạy lịch sử cho học sinh phổ thông hiện nay, theo chỗ tôi biết gồm có hai loại: một là Truyện kể lịch sử dành cho cấp I, hai là Giáo khoa lịch sử dành cho cấp II và III. Trong phạm vi bài này, tôi sẽ không bàn về việc có nên hay không nên đối với hai loại sách trên, mà đi vào nội dung lịch sử mà cả hai loại sách đã thể hiện.

Giảng dạy lịch sử dù cho đối tượng nào, thì mục đích cũng nhằm trang bị cho người học nhận thức được quy luật phát triển của lịch sử, quy luật phát triển của nhân loại. Từ đó, giúp cho người học không chỉ hiểu về qúa khứ, mà xác định vị trí vai trò của mình cũng như thế học mình, thời đại đang sống đối với lịch sử đất nước, quy luật phát triển có tính chất chỉ đạo tiến trình của lịch sử, theo quan điểm tiến bộ nhất, đó là quy luật tiến triển và thay thế nhau của các hình thái kinh tế-xã hội; có nghĩa là vào các thời đại khác nhau, có trình độ phát triển kinh tế khác nhau, trên cơ sở đó mọi biểu hiện xã hội cũng khác nhau. Trên đại thể, cho đến nay, lịch sử nhân loại đã trải qua 4 hình thái kinh tế-xã hội, đó là: cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến và tư bản, và ngày nay một số quốc gia và dân tộc theo con đường xã hội chủ nghĩa để tiến vào hình thái kinh tế-xã hội cộng sản văn minh. Lịch sử nhân loại là như vậy, lịch sử Việt Nam, trên cơ bản cũng không thể khác được, chỉ có điều là nhanh hay chậm, rõ nét hay mờ nhạt mà thôi. Vậy trong toàn bộ giáo trình Giáo khoa lịch sử Truyện kể lịch sử dành cho học sinh phổ thông, người ta không đặt ra vấn đề cơ bản đó, không có một định nghĩa dù chỉ là phổ thông nhất về quy luật phát triển đó, không đề cập đến khái niệm về kinh tế-xã hội, không dạy cho học sinh biết thế nào là thời nguyên thủy, thời kỳ chiếm hữu nô lệ, học sinh cũng không biết gì về thời kỳ phong kiến và tư bản, như là kiến thức vỡ lòng và hành trang vào đời đầu tiên trong lịch trình tìm hiểu lịch sử nhân loại. Tôi cho rằng, học sinh ở các cấp phổ thông rất cần hiểu và thừa khả năng hiểu biết những quy luật đó, không chờ đến tuổi trưởng thành mới được học tại các trường đại học hay các lớp lý luận dành cho viên chức nhà nước: nhỡ ra các em không được vào đại học hay không có cơ may trở thành viên chức nhà nước, thì vĩnh viễn các công dân đó phong bao giờ được học về quy luật phát triển chủ đạo của lịch sử! Và việc một số công dân vi phạm các quy luật của lịch sử, nếu có xảy ra cũng là điều thường tình, và cái lỗi đó có một phần đáng kể của nền giáo dục không giảng dạy đến nơi đến chốn. Thay vào việc trình bày quy luật phát triển chủ đạo của lịch sử, Truyện kể lịch sửGiáo khoa lịch sử trong cơ cấu chương trình của mình đã nhằm làm nổi bật lên quy luật chiến tranh, lấy sự trình bày về chiến tranh làm động lực phát triển của lịch sử, và được trang bị rất khéo trong khuôn sáo của cái gọi là lịch sử dựng nước và giữ nước, nhưng thực chất của dựng nước là chinh chiến, sau chiến tranh mới có nước và nhà nước “đẻ ra từ họng súng”, còn giữ nước thì rõ ràng được thực thi bởi chiến tranh bảo vệ đất nước, và chưa bao giờ người ta trình bày việc dựng nước và giữ nước như là công việc kinh doanh phát triển đất nước về mặt kinh tế-xã hội, lấy kinh tế làm chủ đạo, theo kiểu “có thực mới vực được đạo”. Xin đơn cử: trong Truyện kể lịch sử lớp 4, có 27 bài, gồm 53 bài đọc thì đến một nửa dành cho chủ đề chiến tranh, một số khác dành cho các đời vua, các nhân vật lỗi lạc, còn lại vẻn vẹn có 5-6 bài đọc gì đó giành cho chủ đề lao động sản xuất nói chung. Trong Truyện kể lịch sử lớp 5, với 28 bài học, gồm 69 bài đọc, thì hơn 45 bài đọc dành cho chủ đề chiến tranh. Những học sinh ở lứa tuổi non trẻ và ngây thơ, được trang bị toàn những kiến thức theo kiểu “chưởng lịch sử” như vậy ngoài chuyện đánh đấm, mưu mẹo, hơn thua mưu bá đồ vương, tranh hùng xưng thế... che lấp hết mọi chuyện làm ăn ở đời, dường như mọi của cải đã có sẵn đâu đó từ trong chiến tranh ấy mà ra.

Tiếp theo Truyện kể lịch sử là các sách Giáo khoa lịch sử của 7 lớp còn lại, định hướng chinh chiến, chiến tranh, vũ lực vẫn chi phối toàn bộ giáo trình.

Tôi không phản đối việc giảng dạy lịch sử chiến tranh, nhưng khi giảng dạy về chiến tranh đừng quên những lĩnh vực khác, nhất là về kinh tế văn hoá-xã hội, về sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật; đừng để chiến tranh làm lu mờ lịch sử, hay lịch sử của đất nước chỉ là lịch sử của chiến tranh triền miên. Trong một chừng mực nào đó, khi ca ngợi chiến tranh yêu nước, cũng đồng thời lên án chiến tranh với sự hủy hoại của nó; trong khi giáo dục tinh thần sẵn sàng chiến đấu cũng đồng thời dạy cho mọi người lòng tỉnh táo, cảnh tỉnh với chiến tranh, và đặt ra các phương pháp giải quyết xung đột, nếu còn khả năng giải quyết bằng hòa bình, không bằng vũ lực. Nói tóm lại là cần bớt đi nhiều hơn nữa sự giáo dục vũ lực cho học sinh, thông qua chương trình giảng dạy lịch sử ở bậc phổ thông: Giảng dạy lịch sử dù cho đối tượng nào, đều phải tôn trọng sự thật lịch sử (bởi vì lịch sử là sự thật, mỗi sự thật, sự kiện lịch sử chỉ có thể xảy ra trong một không gian và vào một thời gian cụ thể nào đó mà thôi, và muốn hiểu thấu đáo một sự thật lịch sử phải đặt nó vào trong không gian và thời gian cụ thể nhất định). Vậy mà trong Truyện kể lịch sửGiáo khoa lịch sử có một số sự kiện lịch sử không để nhằm vào trình bày quy luật lịch sử mà là để minh họa cho một quan điểm phi lịch sử nào đó. Sau đây là một số dẫn chứng vi phạm nguyên lý lịch sử, bịa đặt ra lịch sử, thuộc lịch sử cổ đại Việt Nam được đưa vào Truyện kể lịch sửgiáo khoa lịch sử (còn những sai sót thuộc trung cận và hiện đại có dịp sẽ nói đến sau):


1. Về Núi Đọ và con người cổ nhất ở Việt Nam

Hơn 30 năm trước, người ta tìm thấy hàng loạt phác vật đồ đá đẽo ở di chỉ Núi Đọ (Thanh Hóa), chỉ có như vậy và không kèm theo bất kỳ một chứng cứ nào nữa (như hài cốt người, địa tầng, vật cộng sinh...) và nguyên tắc không cho phép, xác định niên đại tuyệt đối cho văn hoá Núi Đọ đến những 40-80 vạn năm trước? Hơn chục năm nay đã tìm thấy những phác vật rìu tay như vậy ở di chỉ Quan Yên (cách Núi Đọ chừng dăm km), và niên đại của Quan Yên chừng 5.000- 6.000 năm. Như vậy thì Núi Đọ và Quan Yên cùng một khung niên đại hậu kỳ đồ đá mới. Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã thảo luận và tán thành niên đại muộn đó. Trong khi không có bằng chứng nhân học cho Núi Đọ sách Giáo khoa lịch sử lớp 6 đi xa hơn nhiều đến điều vô lý khác, gán cho người Núi Đọ một cuộc sống khá lý tưởng là họ đã có gia đình, theo mẫu hệ, mỗi gia đình có 4-5 người gì đó, lại có ở lều. Lưu ý rằng, nếu có người Núi Đọ, thì họ mới chỉ là người vượn, giai đoạn đầu của thời nguyên thủy và gia đình mẫu hệ, theo quan điểm tiến bộ, hình thành vào cuối thời nguyên thủy, khi sắp chuyển sang xã hội chiếm hữu nô lệ, chỉ cách ngày nay chừng 5.000 năm!


2. Về lịch sử 4.000 năm

Không rõ nguyên cớ từ đâu, người ta đi đến mệnh đề: “Lịch sử 4.000 năm dựng nước”, hay đất nước có 4.000 năm văn hiến? Các nhà nghiên cứu đã làm (rồi các nhà soạn sách giáo khoa mô phỏng theo) các điều phi lý lịch sử như sau:

Đẩy văn hoá khảo cổ học Phùng Nguyên (có niên đại 4.000-3.000 năm cách ngày nay) vốn là di chỉ đá mới của lịch sử thời nguyên thủy, vào phạm trù của thời đại đồ đồng thau, tức là mở đầu cho thời đại các Vua Hùng. Mà trong hàng chục di chỉ văn hoá Phùng Nguyên, ngay ở Phùng Nguyên cũng không có lấy một công cụ đồ đồng thau để chứng minh. Trong Giáo khoa lịch sử lớp 6, trang 19-20, người ta đưa ra chứng lý đồ đồng ở Phùng Nguyên, và lên bản đồ có 4 di chỉ có đồ đồng thau trong cả nước là Phùng Nguyên, Hoa Lộc, Cồn Chân Tiên, Bến Đò, cả 4 di chỉ này, theo các báo cáo khai quật khảo cổ học, không ở nơi nào có đồ đồng thau, dù chỉ là mảnh vụn? Vậy vì sao lại được lên bản đồ? Trong khi đó hàng trăm di chỉ có đồ đồng thau không đưa vào bản đồ?

  • Quên hẳn một ghi chép quan trọng trong sách Việt sử lược (thế kỷ XIII) rằng vị Vua Hùng đầu tiên sáng lập ra nhà nước Văn Lang, tương đương với đời Chu Trang Vương (696-682 tCN). Đấy là bộ sử tin cậy ghi chép về thời cổ đại.

  • Quên hẳn di chỉ khảo cổ học Gò Mun (có niên đại 3.000-2.700 năm tCN) là di chỉ thuộc đồ đồng thau, và là di chỉ đồng có niên đại sớm nhất nước ta, dấu ấn vật chất cho thời đại Hùng Vương.


3. Vấn đề trị thủy thời cổ

Cho đến nay, các ngành khoa học có liên quan chưa tìm được dấu vết của công cuộc trị thủy-thủy lợi từ thời các vua Hùng về trước. Thư tịch cổ Trung Hoa, như Thủy kinh chú thừa nhận hay xác nhận rằng, thuở đó dân ta theo thủy triều lên xuống mà làm, điều đó chứng tỏ vào thời đó chưa có trị thủy-thủy lợi, cư dân đã nắm chắc quy luật dựa vào mùa nước mà cày cấy, vả lại chưa tràn về chiếm lĩnh toàn bộ đồng bằng sông Hồng, nên chưa cần đến trị thủy-thủy lợi. Vậy mà chỉ với truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh người ta đã nghĩ rằng việc Sơn Tinh đắp cao núi Ba Vì (mà thực ra không ai đắp được núi cả) để giữ Mỵ Nương khỏi bị Thủy Tinh cướp mất lại là việc làm thủy lợi. Cái huyền thoại về cách “giữ vợ” của Sơn Tinh như vậy không thể sang ngang lịch sử thủy lợi được. Việc ca ngợi Sơn Tinh là không phải cách, và thậm chí xếp Thủy Tinh vào thế lực phản động trong lịch sử cũng cần được xem lại. Đó là chưa nói ai đã sáng tạo ra huyền thoại Sơn Tinh-Thủy Tinh này, và nhằm mục đích gì?

Truyền thuyết Sơn Tinh- Thủy Tinh nên được nhìn nhận lại và có cách giải mã thích hợp, nếu là lịch sử được phản ánh trong đó thì không phải là lịch sử của thủy lợi.

Một số vấn đề thuộc lịch sử cổ đại vừa trình bày không phải là tất cả mà còn thiếu những điều khác nữa. Theo chỗ tôi hiểu, dù là Truyện kể lịch sử hay Giáo khoa lịch sử được biên soạn theo chương trình cải cách giáo dục, có hai nguồn:

  • Thứ nhất, là bộ Lịch sử Việt Nam hai tập của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (1973 và 1985) hai tập này trình bày lịch sử đất nước từ khởi nguồn cho đến 1945 theo cách riêng, có nghĩa là theo quy luật của lịch sử “dựng nước và giữ nước” như đã đề cập đến.

  • Thứ hai, là giáo trình lịch sử Việt Nam - của hai trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm, đặc biệt là giáo trình lịch sử Việt Nam của Đại học Tổng hợp, bộ mới công bố tập 1 từ năm 1983. Nếu Lịch sử Việt Nam của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, trình bày những vấn đề trên theo những mệnh đề ngắn gọn thì ở giáo trình Lịch sử Việt Nam tập 1 của Đại học Tổng hợp, triển khai thành từng chương dài và chi tiết hơn, có vẻ khoa học hơn. Nhưng thực ra bộ giáo trình này, với tập 1 (sau gần 20 năm chưa có tập 2) đã chứa đựng nhiều điều không chính xác, như có dịp tôi đã chứng minh.

Trong tình hình mới đầy biến động cả trong xã hội và các ngành khoa học, những người quan tâm đến lịch sử như chúng tôi không đòi hỏi bất kỳ một sự “cải cách” hay “đổi mới” nào cả, chỉ yêu cầu trình bày lịch sử gần đúng như cái nó đã tồn tại, nhận thức lại cho đúng quy luật của lịch sử...

Từ thực trạng trên và do yêu cầu của việc nâng cao kiến thức lịch sử ở bậc phổ thông, chúng tôi đề xuất một số ý kiến sau đây về chương trình giảng dạy lịch sử và giáo trình lịch sử cho học sinh phổ thông.

  • Thứ nhất, cho các em học sinh cấp tiểu học được học lịch sử từ sớm, không phải là từ lớp 6 mới được học. Có thể từ lớp 2-3 trong chương trình học đã có môn lịch sử như loại Truyện kể lịch sử của lớp 4-5 hiện nay, và từ lớp 4-5 đã có bài học lịch sử. Như vậy trong nhũng năm học phổ thông, các em đã có được kiến thức lịch sử nhiều hơn hiện nay. Khác với các môn học khác, kiến thức lịch sử sẽ đi theo suốt đời dù khi ra trường học sinh không chuyên về bộ môn sử thì kiến thức về lịch sử vẫn rất cần cho một đời người. Một công thức hóa học có thể quên, một phương trình toán học có thể không cần phải nhớ... nhưng mỗi một sự kiện lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc, thì đều cần cho mỗi một con người, dù người đó làm bất cứ nghề gì.

  • Thứ hai, rút bớt kiến thức lịch sử chiến tranh xuống, thay vào đó là lịch sử phát triển của tư tưởng, văn hoá-văn minh, lịch sử phát triển của hình thái kinh tế-xã hội Việt Nam.

  • Thứ ba, điều chỉnh lại những kiến thức trên cơ sở các tư liệu mới thu được. Đã là sách giáo khoa lịch sử, thì mỗi một đánh giá, nhận định, kết luận lịch sử đều phải có bằng cứ, không tên nói chung chung thay nói phỏng chừng.

  • Thứ tư ngoài giáo trình chính ra, cần biên soạn các sách tham khảo lịch sử, không nhất thiết bắt học sinh phải học. Ở lớp mà là để nâng cao kiến thức, ở đó có thể nói kỹ hơn một số nội dung đã học, bàn về các phỏng đoán, các giả thiết về lịch sử, lịch sử cho từng vùng. Hiện nay, một số học sinh các dân tộc ít người không được học về lịch sử của chính dân tộc mình mà môn dân tộc học thì chưa có ở phổ thông. Cần thêm vào các bài giảng, bài đọc về lịch sử kinh tế, khoa học kỹ thuật, lịch sử văn hoá và giao lưu nhân loại...

    Cơ cấu một chương trình giảng dạy lịch sử như vậy là cách truyền thụ tốt nhất, hữu hiệu nhất kiến thức lịch sử cho học sinh và ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em hiểu lịch sử đầy đủ hơn.

  • Thứ năm, một khi đã có chủ trương biên soạn lại sách Giáo khoa lịch sử cho học sinh phổ thông, thì đội ngũ những người viết là rất quan trọng. Không nên để những người coi việc viết sách giáo khoa là làm thêm, làm tay trái, nghĩ rằng viết cho học sinh thì viết thế nào chẳng được. Một số tác giả tuy có kiến thức rất sâu nhưng không đầu tư trí tuệ thời gian, dễ dãi trong cách viết, nên tầm kiến thức của tác giả không thể hiện được ở trong sách.
    Tôi đề nghị nên hướng tới một đội ngũ chuyên viết sách giáo khoa lịch sử, họ phải là những nhà khoa học. Phải viết sách, phải sáng tạo được những cuốn sách giáo khoa lịch sử đích thực, có tầm cỡ cho học sinh học, làm cho các em yêu thích môn lịch sử, một môn học không thế thiếu được trong hành trang vào đời của tất cả các thế hệ. Muốn có được như vậy, cách tốt nhất là tổ chức những cuộc thi tuyển viết sách giáo khoa lịch sử để chọn những bản thảo tốt, có tính khoa học và sư phạm cao làm giáo trình chính thức. Những người tham gia viết sách có thể hợp tác với nhau để viết được một cuốn sách giáo khoa lịch sử tốt. Hoặc một cách tổ chức nào đó theo hướng tuyển chọn, mà những người có tiếng nói tuyển chọn là các thầy giao dạy lịch sử các cấp.

Hi vọng rằng ngành giáo dục, nhất là những người có trách nhiệm chỉ đạo chương trình dạy lịch sử phổ thông quan tâm hơn nữa đến sách giáo khoa lịch sử và sách tham khảo lịch sử, để bộ môn học lịch sử làm đúng và đạt hiệu quả về giáo dục lịch sử cho học sinh, sao cho mỗi công dân Việt Nam đều biết lịch sử dân tộc một cách đầy đủ và chính xác.

Nguồn: Đối thoại sá»­ học, nhiều tác giả, nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Ná»™i 2000