trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
30.3.2005
Lâm Vũ
Trao đổi với Lại Nguyên Ân
 


Trong bài viết có tựa đề: “Còn ai nhớ chuyện “tựa” mất tên và “tên” thành “tựa?” tác giả Lại Nguyên Ân cho rằng việc dùng từ tựa đề thay vì nhan đề hay đầu đề là “sai chữ”, “lệch lạc”, “lệch mặt chữ”.

Để chứng minh cho quan điểm của mình, chính ông Lại Nguyên Ân lại dựa vào những dẫn chứng, lý luận sai lầm:

Ông nói là tựa vốn là “dịch” từ chữ tự của tiếng Hán, mà ông nói có nghĩa là “bài viết ở đầu sách”. Trong khi đó, Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh thì giải nghĩa tự là ”bài tựa đầu sách”.

Theo tôi hai định nghĩa đó khác nhau khá nhiều. Vì tựa, hay rõ hơn lời tựa, tự ngôn trong tiếng Hán, được Từ điển Đào Duy Anh giải nghĩa: “Lời nói rút tóm, đặt ở đầu bài hay đầu sách”. Trong khi đó, “bài viết ở đầu sách” có thể là bất cứ loại bài gì, chứ không chỉ là bài rút tóm, giới thiệu hay dẫn nhập vào một tác phẩm.

Nhờ vào định nghĩa mơ hồ “bài viết ở đầu sách”, ông Lại Nguyên Ân đã có thể phóng xa hơn trong lý luận của mình. Ông viết: “Tựa là một thể tài văn chương, và vì người ta viết nhiều thứ sách nên cũng nhiều loại tựa sách, vậy xin gọi chung tựa như một thể tài trứ thuật - điều đó là rõ ràng”.

Theo suy diễn này, lời tựa không bắt buộc là “Lời nói rút tóm”, mà là bất cứ nội dung nào, chẳng hạn một bài phê bình, cũng có thế coi là bài tựa! Điều này tác giả Lại Nguyên Ân còn cần phải dẫn chứng, vì cá nhân tôi chưa bao giờ thấy một bài tựa làm nhiệm vụ khác với việc giới thiệu tác phẩm.

Ngược lại, nếu Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh đúng, thì một bài tựa chỉ làm công việc rút tóm nội dung hay dẫn nhập vào tác phẩm. Mà nhan đề hay đầu đề (tựa đề) cũng làm công việc đó! Do đó, cho dù nghĩa gốc của từ tựa là một bài viết, thì theo thời gian nó được dùng để chỉ cái ý chính, dụng tâm của tác phẩm thì cũng là chuyện xẩy ra hàng ngày trong phạm vi ngôn ngữ “sống”. Làm sao có thể nói là “lệch mặt chữ” được? Nhưng cũng có thể, ý của tác giả thâm sâu thế khác, tôi thành thật xin được lãnh hội thêm.

Tác giả Lại Nguyên Ân cũng cho rằng tên và tựa đề, đầu đề hay nhan đề là một thứ, khi ông viết: “[...] thiếu gì chữ để gọi tên bài tên sách tên phim mà lại gọi tựa đề?”.

Nhưng sự thật chúng không hoàn toàn cùng một nghĩa. Tên chỉ là cách gọi, trong khi tựa đề (nhan đề, đầu đề) thường được tác giả đặt ra để dẫn nhập vào tác phẩm. Dù là, khi một tác phẩm có tựa đề (nhan đề, đầu đề) thì tựa đề sẽ là trở thành tên gọi của tác phẩm đó. Tuy nhiên điều này cũng không bắt buộc, chẳng hạn hòa tấu khúc “Symphony No.3 - Opus 55” của Beethoven có “tựa” là “Eroica”.

Vài thí dụ khác: “Sử Ký Tư Mã Thiên” là tên, không phải là tựa đề (nhan đề, đầu đề). “Nữ thần Diane trong gió” là tựa của một bức tranh của Paul Klee, trong khi “Cánh đồng hoa hướng dương” chỉ là tên gọi (người ta đặt cho) một bức tranh của Van Gogh. “Hoàng hạc lâu” có lẽ chỉ là “tên”, chứ không phải là “tựa”... sau cùng, “Truyện Kiều”, “Kim Vân Kiều”, “Đoạn Trường Tân Thanh” cái nào là tên, cái nào là tựa? v.v.

Nhưng điều đáng nói hơn những sai sót kể trên (theo tôi, là do sự quá hăng hái muốn bảo tồn ngôn ngữ Việt “chính thống” của tác giả Lại Nguyên Ân) chính là tâm lý đánh giá thấp những gì đặc thù của văn hóa, ngôn ngữ miền Nam. Tác giả phóng bút viết: ”Chỉ đến sau 1975, cùng với rổ nhựa rổ nhôm quạt máy tủ lạnh tivi xa lông băng cát-xét theo xe lửa xe tải tàu thuỷ tàu bay tràn ra Bắc, những thay vì, tựa đề… cũng tràn ra theo”.

So sánh từ tựa đề với rổ nhôm rá nhựa hơi quá đáng. Trong khi, hai từ nhan đề, đầu đề mà tác giả Lại Nguyên Ân mang ra để “tỉ thí”, cũng chỉ ngang hàng với rổ rá đan bằng tre ... Tầu!

Thật ra, người miền Nam cũng không bao giờ nói: “cuộc hội thảo với tựa đề”, “đêm ca nhạc với tựa đề”… như ông Lại Nguyên Ân tưởng tượng ra. Người miền Nam nói: chủ đề của buổi hội thảo hay một chương trình ca nhạc, tiêu đề của bài nói chuyện, đầu đề của bài luận văn... và tên của cuốn sách toán (sách giáo khoa không có tựa, mà chỉ có tên!). Người miền Nam cũng phân biệt: “Bản vọng cổ tới đây có nhan đề là Gánh Bưởi Biên Hòa, sẽ do danh ca Út Trà Ôn trình bày”, nhưng lại nói: “Bản nhạc Thái Thanh sắp hát có tựa đề Đôi Mắt Người Sơn Tây” v.v. (Nhân đây, tôi xũng xin nhắn nhà văn hóa Nguyễn Trọng Kha là ở “miền Nam ngày xưa” Thái Thanh không “chuyên” hát bản “Trương Chi”, mà “chuyên” bản “Buồn Tàn Thu”, “Trương Chi” dành riêng cho nam ca sĩ Anh Ngọc.)

Sau cùng, tôi không viết những dòng này, nếu không nhớ tới cụ Vương Hồng Sển. Trong bài Dẫn ở đầu cuốn “Sài Gòn Tạp Pín Lù” (nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ, tái bản năm 1994) cụ Vương có viết: “Tiếng miền Nam rắc rối pha chè, người ngoài vô đây, xin khuyên đừng ham “nói chữ”. Đọc trong cuốn sách, người ta sẽ thấy rõ cái nguyên do khiến cụ “hờn dỗi” như thế. Cụ kể là, sau 1975, cán bộ văn hóa từ miền Bắc vô Nam “tiếp thu” có khuyên cụ viết lại cuốn sách quý giá của cụ, có tựa đề “Sài Gòn năm xưa” ... bằng tiếng Bắc (!) khiến cụ nổi đóa, nói các ông muốn thì cứ tự nhiên, còn cụ thì không làm cái chuyện “bao đồng” đó! Chắc ai cũng thấy ra đề nghị của các cụ “cán bộ văn hóa” đó thật là “vô duyên”: những danh từ đặc xệt Xè-goòng chính là cái gia tài vô giá của tác phẩm đó, mà các nhà văn hóa không nhận ra thì làm văn hóa… chết người thật!

© 2005 talawas