trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáoNgôn ngữ
14.4.2005
Đức Phú
“Đường lối cứng rắn” trong ngôn ngữ
 
Bài “ Góp bàn về những thuật ngữ chuyển dịch…” của Nguyễn Văn Tú (talawas, 12.4.2005) có nhiều chi tiết hay và thật sự rất đáng học hỏi về lịch sử các từ ngữ tôn giáo. Tuy nhiên cũng xin có vài ý kiến:


1. Về một số từ ngữ:

  1. “Hồi giáo”: được tác giả truy nguyên về gốc phát âm của nó và đề nghị gọi bằng “Islam”. Đề nghị này rất thừa, vì chẳng qua là hãy gọi đạo Hồi bằng… đạo Hồi. Trong tiếng Việt, việc hình thành từ theo âm nước ngoài (Hán, Pháp, Anh…) là điều rất bình thường, và đã được chấp nhận hoàn toàn trong ngôn ngữ. Chẳng qua, cho dù có truy đến “Uighur” thì đây cũng chỉ là một trong những con đường/ hình thức biến âm ngoại thành âm Việt mà thôi, và cũng không thiếu những từ khác hình thành theo con đường/ hình thức này. Thực tế, trong ngôn ngữ Việt hiện nay, với những người biết sử dụng linh động từ ngữ, “đạo Hồi” hay “đạo Islam” vẫn được sử dụng chuyển đổi cho nhau.

  2. Việc trình bày nguồn gốc các từ “Chính thống giáo”, “Tin lành/ Tân giáo” cũng thừa vì không có gì thật sự mới mẻ. Những người có ít nhiều nghiên cứu đều biết được nguồn gốc lịch sử của những sự phân ly này, và tôi tin những dịch giả đã dám lao vào dịch những tài liệu nhạy cảm và khó như thế, họ cũng không thiếu kiến thức về những biến chuyển lịch sử như vậy. Cách gọi là “Đông chính giáo/ Chính thống giáo”, hay “Tin lành/ Tân giáo” đều có thể linh hoạt sử dụng thay thế cho nhau, và mỗi từ đều nói lên được một nội dung, khía cạnh nào đó trong thực thể mà nó thể hiện.

  3. Các từ “Thiên chúa giáo”, “Cơ đốc giáo”, “Công giáo”. Người Công giáo/ Kitô giáo - hay đúng hơn là giới có ít nhiều “máu mặt” về giáo phẩm hay học thuật - chỉ gọi mình và muốn người khác gọi mình theo đúng như thế, và cho rằng hai cách gọi kia là sai. Nhưng thực tế hai cách gọi kia hiện nay cũng đã rất phổ biến trong ngôn ngữ và được sử dụng “dân dã”, tức với toàn bộ phần công chúng còn lại ngoài Công giáo của xã hội Việt Nam.

    Như đã nói, từ Việt có một đặc trưng là một bộ phận hình thành trực tiếp từ âm ngoại. Thiên chúa giáo – Christianity là một trong đó. Nó là vỏ ngôn ngữ hay nội dung tôn giáo, ngoài giá trị nghiên cứu nguồn gốc từ ngữ ra, thì trong sử dụng ngôn ngữ, giờ đây đã không thành vấn đề nữa khi đã được sử dụng hoàn toàn phổ biến và “chuẩn”. Vấn đề đa thần hay độc thần, tôn giáo có thánh kinh hay không có thánh kinh không hề có ảnh hưởng gì ở đây, tức trong việc sử dụng từ chứ không phải trong việc nghiên cứu tôn giáo.

    Cũng nhân tiện nói thêm, cho rằng Joudaïsme, Christianisme và Islam được mệnh danh là “ba tôn giáo có Thánh kinh” liệu có chính xác không? Vậy Phật giáo với những bộ kinh đồ sộ thì là gì? Chỉ là vì Phật tổ và các vị cao tổ Phật học khác đã không “thánh” đến mức thánh hóa kinh văn của mình bằng chữ “thánh” mà thôi. Loại bỏ “kinh” (Phật giáo) ra khỏi hàng ngũ những “thánh kinh” tôn giáo, đó không phải là hình thức “vỏ ngôn ngữ” trần trụi nhất hay sao?

    Cũng như vậy, chữ “Cơ đốc” bị nhất mực hoặc như Nguyễn Văn Tú cho rằng để gọi những giáo hội cải cách, hoặc như có lần tôi nghe rằng là do các anh em Tin lành gọi người Công giáo. Thực tế, “Cơ đốc” không phải là sự bản địa hóa của âm “Catholic” sao? Đó là điều mà những người khăng khăng chỉ cho rằng gọi “Công giáo” (hay Kitô giáo) mới đúng, đã không chịu nhìn thẳng vào. Vì sao vậy? Vì chữ Công giáo thể hiện vị thế tôn vinh bậc nhất của Thiên chúa giáo La Mã, như là “Giáo hội mang tính phổ quát, toàn cầu” – theo Nguyễn Văn Tú, hay như là một tôn giáo công/ tôn giáo của toàn xã hội – theo cách hiểu của nhiều người.

    “Cơ đốc Phục lâm” hay “Hội Liên hữu Cơ đốc” thì tín hữu của họ cũng đều có đức tin vào Thượng đế, vào Jesus, vào Phúc âm chứ không phải là một một thánh đế nào khác với Công giáo. Và trong tên gọi của họ, chữ “Cơ đốc” chính là chỉ cái gốc đó, còn “Phục lâm” hay “Liên hữu” là nói lên tính chất của riêng họ, tức những gì biến cách từ cái gốc Cơ đốc/ Công giáo này. Tôi xin nói thật suy nghĩ của mình: sự không thừa nhận này, sự tách bạch đó giữa Công giáo với các giáo hội cải cách, sâu trong nền tảng của nó, là sự bất hòa hợp theo tinh thần toàn thống Thiên chúa.

    Không thể bằng cách viện dẫn vòng vo thế này thế kia, để cho rằng các từ “Thiên chúa” và “Cơ đốc” hoàn toàn không có liên hệ gì đến nguồn gốc phiên âm. Vậy giải thích sự “ngẫu nhiên” đến quá sức không ngẫu nhiên khi mà ngay ở hai từ chủ chốt nhất để chỉ tôn giáo có nguồn Phúc âm này, cùng lúc lại có biểu hiện ngữ âm rõ rệt với từ gốc nước ngoài như vậy?

  4. Theo Nguyễn VănTú, “Christianisme thì lại chia thành ba ngành lớn”, tôi xin hỏi có từ chung nào để chỉ cả “ba ngành” có cùng gốc này, không lẽ lại là “Christianisme”? Dường như trước nay người ta không chịu đặt và trả lời câu hỏi này, vì một là đã có sự phân ly lớn đến mức thật sự xung đột giữa các nhánh này (tôi thì dùng “nhánh” chứ không thể là “ngành” được), khiến người ta hầu như chẳng màng đến cái chung của cả ba; hai là chính sự giáo điều trong việc sử dụng từ ngữ, nó làm người ta khô cứng, không dám nghĩ gì hơn ngoài “Công giáo” là Công giáo, “Tin lành” là Tin lành, và “Thiên chúa giáo” là Thiên chúa giáo – cái “Thiên chúa giáo” trong thế vật vờ, không được xác quyết cố định như “Công giáo”.

    Diễn đạt “Christianisme thì lại…” chính là thể hiện sự vật vờ đó. Tại sao lại không dám nói thẳng thắn theo đúng từ Việt đã được dịch ra, là “Thiên chúa giáo thì lại…”? Và quả thật, dù có né tránh như thế nào thì “Thiên chúa giáo”, ngoài việc chỉ Công giáo chiếm đa số của tôn giáo Phúc âm ở Việt Nam, một chức năng khác của nó chính là để gọi chung chung cùng lúc về những nhánh tôn giáo có cùng gốc này. Và tùy theo ngữ cảnh, có thể cụ thể hóa loại Thiên chúa giáo nào bằng những diễn đạt như “Thiên chúa giáo La Mã”, “Thiên chúa giáo Chính giáo/ Chính thống”…, giống như người ta nói Hồi giáo dòng này dòng kia.

    Tôi cũng xin được nhắc rằng chia Thiên chúa giáo thành “ba ngành lớn” như vậy có chính xác không? Theo hiểu biết ít nhiều hạn hẹp của tôi, Anh giáo/ Thanh giáo cũng không hề là một nhánh nhỏ bé đến mức không được nói đến trong đại gia đình Thiên chúa.


2. Từ ngữ Công giáo Việt Nam trong hệ thống từ ngữ chung

Mỗi một thực thể có hệ thống trong xã hội (định chế xã hội hay tinh thần) đều có một hệ thống từ ngữ đặc trưng riêng, mà chúng ta cần hiểu biết và tuân thủ khi tiếp cận. Mỗi một tôn giáo đều vậy. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những từ ngữ đó là hoàn toàn bất di bất dịch, đặc biệt khi xét đến việc nó đi vào đời sống thế tục, hay chính xác hơn, đi vào thông tin rộng rãi của xã hội.

Ngoài những từ “đặc chủng”, không gì thay thế, hoặc có ý nghĩa hoàn toàn riêng biệt không thể diễn đạt khác đi (của một triết lý chẳng hạn), thì những diễn đạt khác không thể không là những thay thế khả dĩ trong hoạt động giao lưu thông tin. Các bài viết, cho dù là về đề tài tôn giáo, nếu không muốn trong thế cô lập, cũng phải đến với bạn đọc thế tục và bạn đọc thuộc tôn giáo khác. Cho nên từ ngữ, diễn đạt, ngoài sự tuân thủ những từ “đặc chủng”, cũng phải để cho bộ phận độc giả chủ yếu này hiểu được, bằng những từ “bình dân” dùng thay đổi xen lẫn. Chẳng hạn, nếu suốt một bản văn mà chỉ dùng từ “phụng vụ” và không có từ “nghi lễ” nào dùng thay đổi, đa số sẽ không hiểu. Từ “mục vụ” cũng vậy, hay “chủ chiên” và “linh mục” cũng thế…

Từ ngữ Công giáo Việt Nam dường như có một đặc điểm là “cố tình” đặc chủng hóa so với những từ tương đồng của nước ngoài. Nghi lễ thì phải là “phụng vụ”; tín đồ hay giáo dân thì phải là “Kitô hữu”; “Bộ” thì phải là “Thánh bộ”, Bộ giáo lý và đức tin thì phải là “Thánh bộ thánh lý/ giáo lý và đức tin”… Thật ra trong số này có loại là bình thường nhưng sử dụng bất bình thường (“Kitô hữu” là chẳng qua là “người Kitô giáo”, thì cũng như cách dùng của “bạn hữu”, “chiến hữu”…, nhưng thành bất thường khi trở thành “người Kitô hữu”, có chữ “người” ở đó thì chữ “hữu” đàng sau tự dưng có hơi hướng gì đó “thiêng” hơn), có loại cố tình thánh hóa, có loại “bí ẩn” hóa…

Đây là di sản ngôn ngữ của quá trình truyền giáo ban đầu, của lớp các nhà thần học và hàng giáo phẩm cao cấp đầu tiên, mà giới giáo hữu và “thế tục hữu” hậu sanh đương nhiên phải chấp nhận. Nhưng cũng thấy rằng có thể đây là chủ trương ngôn ngữ đã được ngầm minh định trong quá trình đó, nhằm giữ thế thượng phong, thế “thiêng” của Công giáo so với đời sống thế tục và các tôn giáo khác, trong bối cảnh Công giáo là ngoại lai, “Tây lai” trên một mảnh đất phương Đông, và lại sinh sau đẻ muộn, đến sau tới trễ so với tôn giáo bản địa chủ đạo.

Tất nhiên những từ thế tục chung chung, “giáo dân” chẳng hạn, thì không thể buộc Công giáo phải nhất mực tuân theo để mất đi bản sắc của mình ở từ “Kitô hữu/ tín hữu”; nhưng đồng thời, ngoài phạm vi của những người sùng đạo ra, cũng không thể yêu cầu người khác phải thánh hóa sự sùng đạo của mình bằng cách nhìn cái gì cũng thành thánh như mình. Để chỉ người đứng đầu Giáo hội, người ta có thể nói “Giáo hoàng” theo kiểu ít nhiều thế tục, hay “(Đức) Thánh cha” theo kiểu thánh hóa, tùy theo đối tượng và ngữ cảnh.

Người Việt rất minh định thái độ trong cách xưng hô, cách gọi những danh xưng. Trên các phương tiện truyền thông nước ngoài, chỉ gọi trỗng là “Giáo hoàng”, là “ông ấy”, mà không có “Đức Giáo hoàng” hay “vị Giáo hoàng (này)”, là “ngài” như ở các bản dịch tiếng Việt; và cũng nhiều bản dịch tiếng Việt tự động viết hoa những từ đó so với nguyên bản. Nó biểu hiện một thái độ tôn trọng đúng mực. Nhưng tôn trọng không có nghĩa là phải tôn sùng, do vậy, nói chung ra, các bản dịch tiếng Việt, để đáp ứng nhu cầu cho đông đảo độc giả thế tục và theo tôn giáo khác, và cũng là để những thông tin Công giáo đến được với thành phần độc giả này, cần không quá nhất nhất câu nệ đến từng chữ, ngoài những từ đặc dụng.


3. Về “phong trào” phân tích từ ngữ hiện nay

Phần này có lẽ thừa so với chủ đề bên trên, nhưng có lẽ cần nói luôn. Đó là do bài của Nguyễn Văn Tú cũng nằm trong “phong trào” truy nguyên nguồn gốc, tính chính xác của từ ngữ, như thời gian gần đây vẫn diễn ra.

Tôi có cảm tưởng tiếng nói của các tác giả theo “đường lối cứng rắn” trong ngôn ngữ hiện chiếm ưu thế, vì khi mổ xẻ, truy nguyên một từ nào đó, phần lớn các vị này không nhìn nhận vấn đề đơn giản là ngoài những quy luật mà các vị căn cứ vào, ngôn ngữ cũng phát triển theo những quy luật khác, phóng khoáng hơn, để có thể dung chứa những điều được cho là không chuẩn xác - theo những ý kiến cứng rắn. Tính ngoại lệ, tính đồng nghĩa khác từ (trong những kết hợp từ, những ngữ cảnh khác nhau), tính thay đổi ngữ nghĩa theo thời gian, tính giao tiếp/ giao kết ngôn ngữ (trong từ ngữ, văn phong) giữa các ngôn ngữ trong bối cảnh bùng nổ giao tiếp thông tin…, là một số trong số những điều mà những người cứng rắn đã bỏ qua, và cũng là điều mà một số tác giả khác đã góp phần cho thấy thông qua cuộc trên luận “vi tính” vừa rồi trên talawas.

Xin nói thật, dường như một số “nhà ngôn ngữ” có phần thâm niên hơi bị cố thủ với những nguyên tắc dường như đã trở nên chật hẹp trong sự phát triển của tiếng Việt hiện đại ở giai đoạn hiện nay.

Có vẻ như sự phát triển hiện nay của tiếng Việt có quá thừa những đòi hỏi cố thủ và nghiệp dư, mà thiếu hẳn một triết lý ngôn ngữ tương xứng với sự phát triển hiện đại của nó.

Tìm hiểu, truy nguyên nguồn gốc từ ngữ là một công việc học thuật nghiêm túc và có giá trị. Tuy nhiên, từ chỗ giữ nó trong giới hạn của một công việc chuyên ngành, để biến thành một tiêu chuẩn thẩm định văn bản, thì e rằng đã quá. Đối với một bản văn, việc sử dụng từ ngữ, ngữ nghĩa sao cho hiệu quả, dùng từ, dùng nghĩa sao cho chuyển tải được những gì cần nói, để nó đi vào trong ý thức và tình cảm con người, đó mới là công việc đáng làm; chứ không phải là ở công việc chiết tự từng từ, từng ngữ, không phải là việc thiếu tôn trọng văn phong và thuật dụng từ riêng của người khác, không phải ở việc khiến người khác phải theo những từ, những diễn đạt đúng “chuẩn” của những cái chuẩn đã trở nên giáo điều, không theo kịp phát triển của ngôn ngữ hiện đại.

© 2005 talawas