trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
8.5.2006
Trần Ninh
Sự thật và các nghịch lý của nhà văn Việt Nam
 
Cảm ơn Trịnh Lữ về bài tường thuật cuộc gặp gỡ của Dương Thu Hương với các nhà văn thế giới trong chương trình Liên hoan Văn học Quốc tế New York. Các chi tiết được tường thuật trong đó được dùng làm cơ sở cho một số phân tích trong bài viết này. Nói như vậy có nghĩa là những phân tích dựa trên cứ liệu của Trịnh Lữ có thể bị đặt vào tình trạng hoài nghi nếu những cứ liệu ấy thiếu chính xác. Nhưng một người ngồi ở Việt Nam có thể làm gì khác hơn? Đành chấp nhận nguy cơ, và tin vào sự trung thực của bài tường thuật.


Nghịch lý thứ nhất: nhà văn và không là nhà văn

Có lẽ Dương Thu Hương đã rất hiểu chính mình khi tự nhận xét: «Tôi có hai con người, một chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, và người kia là một mụ đàn bà răng đen mắt toét», đồng thời luôn luôn nói rằng mình không phải là nhà văn. Tuy nhiên Dương Thu Hương được thế giới biết đến như là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Việt Nam hiện nay, nếu tôi không nhầm.

Sự thừa nhận quốc tế về tư cách văn học của Dương Thu Hương, theo tôi, được hậu thuẫn bởi sự thừa nhận về thái độ can đảm, bất phục tùng, ý thức đấu tranh của nhà dân chủ Dương Thu Hương; và bởi sức sống quật cường của người đàn bà răng đen mắt toét Dương Thu Hương. Trong khi đó, những nỗ lực tuyệt vọng về cách tân nghệ thuật của một số nhà văn Việt Nam hầu như không gây được sự chú ý cho thế giới. Có lẽ các nhà cách tân cũng cần phải suy nghĩ về điều này. Phải chăng thiên chức của nhà văn xưa nay vẫn được quan niệm là người bảo vệ và đấu tranh cho lẽ phải và sự thật? Điều này vừa đúng vừa không đúng, và đúng hay không tuỳ thuộc vào quan niệm về sự thật. Bởi vì, suy cho cùng, mọi cách tân thực sự về hình thức thực chất là kết quả của những tìm kiếm sự thật. Và sự thật luôn luôn gắn liền với sự can đảm, với tự do, và với tri thức, với sự hiểu biết. Dương Thu Hương đã có đủ can đảm để tự do hành động theo ý muốn của bà, tự do viết theo sự thức nhận của bà, bất chấp những ràng buộc và cấm đoán từ bên ngoài. Điều đó giải thích tại sao thế giới thừa nhận bà chứ không phải bất kỳ một nhà văn nào khác. Chỉ có thể tới được sự thật bằng con đường tự do, tự do theo nghĩa đích thực của khái niệm là tự do bên trong, tự do tự quyết định, tự do lựa chọn và sống cuộc sống của mình; không có một đảng nào, nhà nước nào có thể cho nghệ sĩ thứ tự do đó nếu anh ta không tự tặng nó cho mình. Cũng không có một đảng nào, nhà nước nào có thể tước đi của người nghệ sĩ thứ tự do đó một khi anh ta đã quyết định tự tặng nó cho mình. Không thể phủ nhận rằng Dương Thu Hương đã có được tự do đó. Tuy nhiên từ tự do tới sự thật, chặng đường không đơn giản.


Nghịch lý thứ hai: sự thật và việc đơn giản hoá sự thật

Tác phẩm của Dương Thu Hương đã khiến bà được nhìn nhận như một người tìm kiếm và bảo vệ sự thật. Nhưng những gì bà bộc lộ trong các cuộc gặp gỡ và trả lời phỏng vấn cho thấy bà đã đơn giản hoá sự thật đến mức nó trở nên đáng ngờ. Và sự thật, một khi đã bị đơn giản hoá thì liệu có còn là sự thật?

Chiến tranh là một sự thật không hề đơn giản của nhân loại. Ẩn ý đó của Stone khi đưa ra nhận định của William James đã được Dương Thu Hương đáp lại bằng sự đơn giản hoá thường thấy ở bà: «Chiến tranh là cái tất cả chúng ta ai cũng phải lên án, bất kỳ ở đâu và lúc nào». Bà đã quên mất rằng nhân dân Việt Nam đã từng nhận được sự ủng hộ to lớn của các dân tộc và các trí thức lớn trên thế giới cho cuộc chiến của mình. Sự thật về chiến tranh không đơn giản như vậy.

Tôi thuộc thế hệ lớn lên sau chiến tranh, không hề bị lừa để rồi tham gia cuộc chiến, cũng không hề bị lừa vì những luận điểm giải thích chính thống về cuộc chiến. Tuy nhiên tôi luôn luôn tự hỏi đâu là nguồn gốc của những sức mạnh to lớn đã giúp người Việt Nam chiến thắng hai cường quốc trong một thời gian dài như vậy. Đâu là sức mạnh giúp họ vượt qua những khó khăn thiếu thốn (những gì mà Dương Thu Hương kể lại, và nhiều người khác cũng kể lại). Lòng yêu nước hay ý thức chính nghĩa không đủ để giải thích. «Bị lừa» lại càng không phải là lý do xác thực. Thật khó tin rằng sự ngu dốt có thể làm nên chiến thắng. Tất cả mọi cuộc chiến đều phi nghĩa, nhưng đúng như W. James nhận xét, không thể phủ nhận được nghịch lý: nó là điều kiện để con người bộc lộ những phẩm chất tốt của mình. Sự đơn giản hoá cuộc chiến thành một bản anh hùng ca hay thành một khúc bi ca trong cảm hứng ca tụng đơn thuần hoặc phê phán đơn thuần đều không thể đi tới sự thật về chiến tranh. Liệu có thể hy vọng được đọc một tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam vượt lên khỏi mọi định kiến, một tác phẩm giúp độc giả hiểu về cuộc chiến như chính nó đã diễn ra trong thực tế. Nhưng làm thế nào để nhà văn có thể đạt tới sự thật?

Không dễ trả lời câu hỏi đó.

Có lẽ trước tiên phải có ý muốn mãnh liệt nói lên sự thật, bất chấp sự thật đó làm tổn thương chính mình, trước tiên và đau đớn nhất là nó làm tổn thương chính mình. Và mong muốn nói lên sự thật không đủ. Phải có khả năng vượt qua các giới hạn để đến với sự thật. Đến đây, đụng phải một vấn đề khác. Làm thế nào để biết được rằng ta đang ở giới hạn nào [1] ?

Bằng cách nào một nhà văn Việt Nam có thể biết được sự thật về chiến tranh? Và bằng cách nào để biến những sự thật đó thành những trải nghiệm cá nhân trong một tác phẩm văn học? Bằng cách nào để biến những trải nghiệm cá nhân đó thành những trải nghiệm có tính phổ quát? Và trên tất cả những thứ đó, làm thế nào nhà văn biết được sự thật về chính mình? Bằng cách nào nhà văn có đủ can đảm nói lên sự thật về chính mình?

Không ai có thể trả lời hộ nhà văn các câu hỏi đó, nếu như họ không xem chúng như là các vấn đề nội tại của chính họ và tự tìm lấy câu trả lời, mỗi người theo một cách thức riêng.

Không ai biết sự thật có gương mặt như thế nào, nhưng sự thật chỉ đến với những ai đi tìm nó, chứ không có ở những người tự cho mình là đại diện của chân lý. Sự thật, rất khó đạt tới, rất khó nhận diện, và một khi đã đạt tới nó thì rất có thể nó không còn là sự thật nữa. Nhưng dù sự thể xảy ra như vậy thì cũng không thể ngừng tìm kiếm nó, để đi từ xác tín này tới xác tín khác. Và như vậy sự thật không bao giờ chỉ là một sự thật duy nhất, mà là một chuỗi sự thật.

Thật đơn giản khi từ chối trả lời câu hỏi của Stone: «Đạo lý của nghệ thuật là ở chỗ nó nhận diện được sự thật. Văn chương cũng vậy. Chị nghĩ gì về điều này?», bằng cách nói rằng «tôi không phải là nhà văn». Nghịch lý của Dương Thu Hương là ở chỗ bà đấu tranh cho những sự thật theo xác tín của bà. Bà chấp nhận chết để bảo vệ những xác tín ấy, nhưng trước một câu hỏi giúp bà có thể phát triển và khẳng định xác tín của mình thì bà lại từ chối trả lời, và lại từ chối bằng một cách thức rất thiếu trách nhiệm, và tự hạ mình xuống một đẳng cấp thấp hơn người đối thoại. Chữ «thương» được dùng trong trường hợp này có vẻ như đi ngược lại với toàn bộ nguyên tắc của bà: bà đã làm giặc, tức là không cần tới bất kỳ một tình cảm «thương» nào. Có lẽ không phải vậy, đúng hơn là bà tìm cách tránh câu trả lời.

Tôi không có ý định hạ thấp Dương Thu Hương, tôi cũng không thể hạ thấp Dương Thu Hương. Những phản ứng của bà khiến tôi suy nghĩ về vị thế của trí thức Việt Nam trong tương quan với trí thức thế giới. Điều gì khiến cho một biểu tượng can đảm của văn sĩ Việt Nam trở nên thiếu can đảm trước một đồng nghiệp hết sức tôn trọng bà và không hề muốn tước quyền tự do của bà? Điều gì?

Tôi không thể đơn giản hoá vấn đề bằng cách tìm kiếm câu trả lời ở mặc cảm tự ti về sự thiếu bình đẳng trong uy tín nghề nghiệp, về sự thiếu bình đẳng trong nhận thức, sự thiếu bình đẳng về phương diện tri thức, thiếu khả năng diễn đạt, hay thậm chí không đủ vốn từ để diễn đạt, hay cho rằng đấy là cách nói gây ấn tượng theo kiểu nhà văn…


Nghịch lý thứ ba: xác tín và sự thật

Xác tín của Dương Thu Hương được giải thích trong ba yếu tố đang kìm giữ Việt Nam trong tăm tối, và đồng thời bà cũng nói rõ trách nhiệm của bà là vạch trần sự phi lý của chiến tranh, giúp cho người dân Việt Nam tránh khỏi bị lừa, và thôi không còn phải hít những xác chết chiến tranh nữa. Xác tín đó trùng hợp với sự thật ở mức độ nào? Sự ngu tối của nhân dân có phải chỉ là ở nhận thức về chiến tranh không thôi? Và thực sự hiện nay, chiến tranh còn có bao nhiêu tác động tới đời sống xã hội? Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về cuộc chiến? Giới trẻ Việt Nam ngu tối ở những phương diện nào? Nếu như thực sự người dân Việt Nam «chưa biết phải sống thế nào mới là ra cuộc sống con người» thì có phải chỉ đơn giản là do họ nhận thức sai lệch về chiến tranh? Chiến tranh không phải là đáp án đầy đủ cho tình trạng kém phát triển hiện nay. Tính phi lý của chiến tranh không giải thích được tính phi lý của xã hội hậu chiến.

Mặt khác, nghịch lý của Dương Thu Hương còn ở chỗ: bà muốn vạch trần sự phi lý của cuộc chiến, muốn thức tỉnh nhân dân, muốn họ không còn bị lừa, bà tin rằng «tôi phải làm giặc để giúp dân tôi mở mắt ra và biết sống cuộc sống của con người»… Nhưng cái nhân dân mà bà nói đến có được đọc tác phẩm của bà, có chịu ảnh hưởng của bà không? Thực tế cho thấy phần lớn tác phẩm của bà bị cấm và không được in trong nước. Vậy làm cách nào bà thực hiện được nhiệm vụ như bà tuyên bố? [2]

Dương Thu Hương có bao giờ nghĩ đến tính hiệu quả của cuộc đấu tranh mà bà đang tiến hành? Nói rộng ra, các nhà dân chủ Việt Nam có nghĩ tới tính hiệu quả của phong trào dân chủ? Tại sao sức mạnh kỳ diệu của người Việt trong cuộc chiến chống ngoại xâm không được phát huy trong cuộc chiến chống độc tài và chống tình trạng trì trệ, tăm tối, kém phát triển?

Phải chăng cuộc chiến đó đòi hỏi một sức mạnh khác. Một sức mạnh mà bản thân các trí thức và các nhà dân chủ Việt Nam cũng chưa có được. Sức mạnh đó là gì?

Câu trả lời nằm trong các cuốn sách chưa được đọc, hoặc đã được đọc nhưng chưa được hiểu một cách đầy đủ; hay nằm trong những thực tế chưa được trải nghiệm, hoặc đã trải nghiệm nhưng chưa được phân tích thấu đáo?


Cuối cùng: thuận lý của các nghịch lý

Bất chấp tất cả các nghịch lý vừa nêu, Dương Thu Hương vẫn là biểu tượng của sự can đảm và khả năng tồn tại trong cô lập của trí thức Việt Nam. Bị cô lập và tự cô lập. Sự tồn tại trong cô lập giúp Dương Thu Hương giữ được bản lĩnh của mình nhưng nó khiến bà không thể có ý kiến gì về quá trình hoà giải giữa Việt Nam và Mỹ, ngoài việc đưa ra một phán đoán «tôi nghĩ ông Phan Văn Khải không có lựa chọn nào khác». Và nó cũng không giúp bà hiểu được con người và các vấn đề của Việt Nam hiện nay.

Tác phẩm của Dương Thu Hương đã nói lên được sự thật, cho dù còn có những sự thật khác bà không biết đến. Một người phụ nữ như bà xứng đáng nhận được sự tôn trọng. Những giới hạn của bà không chỉ là của riêng bà. Nói một cách công bằng, khi dừng lại trong những giới hạn của mình, bà đã vượt qua được một số giới hạn mà những người khác không vượt qua được.

© 2006 talawas



[1]Liệu có thể hình dung rằng một nhà văn ngồi trong tháp ngà và có thể đạt tới sự thật bằng cách viết ra một cuộc chiến tưởng tượng trong đầu, không cần đến các kinh nghiệm, các số liệu, các bằng chứng về cuộc chiến?
[2]Thực ra, Dương Thu Hương chỉ cần viết cho bà, cho một mình bà, cho sự thật của chính bà cũng đã có thể thực hiện một cách đầy đủ thiên chức của một nhà văn. Nghịch lý là khi nhà văn không thực hiện được điều mà anh ta tưởng rằng có thể thực hiện. Nhưng ảo tưởng cũng là một thành tố văn học.