trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
1.12.2006
Trịnh Thanh Thuỷ
Cảm ơn ông Vương Văn Quang đã đọc và góp ý với bài viết của tôi. Quý báu hơn nữa, ông lại là một người đọc và viết ở trong nước. Đề tài ngôn ngữ là một đề tài khó. Viết về nó còn khó hơn, cho nên khi bàn bạc tới nó chúng ta nên bàn trong tinh thần cầu học. Chúng tôi, những người Việt hải ngoại sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người viết trong nước như ông để hiểu thêm những gì chúng tôi bị khiếm khuyết vì xa quê hương và đây cũng là dịp để ông và người Việt trong nước hiểu chúng tôi, người Việt hải ngoại, nghĩ gì và viết gì. Biết được chủ đề tôi đưa ra rất nhạy cảm, tôi đã rất thận trọng khi viết để tránh mọi hiểu lầm đáng tiếc, nhưng có lẽ vì trình bày không khéo hay ông Quang đã đọc vội mà hiểu lầm quan điểm của tôi. Khi viết bài này tôi viết với tính cách ghi nhận một sự kiện. Toàn bài viết chỉ là ghi nhận, ghi nhận những gì đã và đang xảy ra chung quanh tôi hơn là một bài viết đưa ra một luận đề hay luận điểm với mục đích thuyết phục người đọc tin điều mình viết. Tôi cũng không cổ xúy hay chủ trương một phong trào chống đối hay tẩy chay ngôn ngữ Việt Nam đang được dùng trong nước. Sự kiện tẩy chay và chống đối tiếng Việt trong nước trong những năm từ 1976 tới khoảng gần 2000 tôi nêu ra là có thật ở Nam Cali. Little Saigon là nơi đông người Việt định cư nhất và có bối cảnh chính trị chống cộng mãnh liệt nhất. Ai từng ghé Sài Gòn Nhỏ đều rõ điều này. Các nơi khác như ở Úc và Âu châu thì ít hơn. Là người cầm viết, tôi nghĩ khi viết, cần viết trung thực, nên tôi chỉ đơn giản ghi nhận một hiện tượng, không hơn không kém. Nếu ông Quang và bạn đọc đã từng đọc những bài viết và phỏng vấn của tôi ắt sẽ nhận ra ở đó ảnh hưởng không nhỏ của việc sử dụng từ ngữ trong nước. Tôi ước mơ về một sự hoà nhập của hai dòng văn học trong và ngoài nước và không bao giờ có ý chia rẽ hay kỳ thị trong, ngoài.

Ông Quang khẳng định những thí dụ và điều tôi viết đều sai. Tôi những muốn ông vạch rõ những chữ nào sai và sai như thế nào để tôi học hỏi thêm. Người chỉ ra chỗ sai của tôi là thầy của tôi, tôi rất cám ơn ông.

Ông nói tôi rất “ngớ ngẩn” khi đem một ví dụ về cách dùng chữ “quản lý” của miền Bắc mà ông chưa từng nghe hoặc thấy một câu như vậy. Nếu ông chưa từng thấy câu ấy, vậy thưa ông, có bao giờ ông thấy câu này chưa: “Anh sẽ xây dựng với đồng chí gái, và đồng chí gái sẽ quản lý đời anh...”

Từ "quản lý" = management = quản trị, chịu trách nhiệm. Từ này bắt chước từ Trung Quốc và bị lạm dụng. Nói: “Anh X quản lý một xí nghiệp” thì được, nhưng quản lý một con người, một cá nhân thì không được. "Quản lý" chỉ dùng trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, hành chánh. "Quản lý" không dùng cho lĩnh vực tình cảm được, tình cảm không phải là một lô hàng, không phải là một xí nghiệp. Đây là một vài ví dụ chữ “quản lý” được dùng trong lãnh vực cá nhân và tình cảm được người trong nước dùng.

1. “Khi sống biết bao nơi quản lý anh Mão, vậy mà muốn biết tại sao chết mà khó quá.”
Ông Dậu cười thông cảm.
“Người ta chỉ quản lý người sống, chứ ai quản lý người chết. Hàng tỉ, hàng tỉ thành đất. Đến Chủ tịch cũng chỉ đôi dòng cáo phó ‘đau tim đột xuất’, chứ ai đi tìm hiểu kỹ làm gì. Hay cậu hỏi lãnh đạo cơ quan cậu Mão.

(Trích “Truyện của người” của Đà Linh)

2. Ông Bộ trưởng Công an có nhiệm vụ quản lý chị Xuân nên thường đến luôn.

3. Ca sĩ Nguyên Vũ vào vai Thế Sơn, làm việc tại một công ty quản lý người mẫu.

Chữ “quản lý” còn bị lạm dụng trong các trường hợp: Quản lý đội bóng, quản lý email, quản lý môi trường, LifeDrive là mẫu đầu tiên thuộc dòng sản phẩm “quản lý di động”…

Nói đến sự cảm hoài của tôi làm phiền ông, tôi thiết nghĩ cái đa cảm của tôi về một ngôn ngữ dần chìm vào quên lãng cũng là cái đa cảm của những người Việt khác đã bỏ nước ra đi hay những người Sài Gòn cũ còn ở lại. Chỉ có những người đã nói, đã sống một thời với nó mới cảm nhận được. Nếu nó không chết như ông nói thì đó là điều đáng mừng và tôi không cần phải ngậm ngùi ngồi thương tiếc như một Bà huyện Thanh Quan thương tiếc một Thăng Long thành ngày xưa. Tôi không phải lật từng trang sử nhìn lại mà đau đớn cho sự phản trung thực của nó. Tôi cũng không phải cố moi trí nhớ đi tìm tàn tích của chế độ cũ mà người ta đã manh tâm xóa đi tuyệt tích, không còn một dấu vết.

Chắc ông cũng không nỡ ác tâm cấm một người đa cảm như tôi ngồi khóc cho quê hương chứ?